Saturday, February 11, 2017

Đấu tranh và tù tội!

Thông tín viên Việt Nam 2017-02-11 
Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, 43 tuổi, tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 1 năm 2010. Anh bị kết án 16 năm tù.
 Anh bị kết án 16 năm tù.  Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, 43 tuổi, tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 20 tháng 1 năm 2010. Anh bị kết án 16 năm tù.  AFP photo
Thống kê của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cho thấy hiện có hơn 110 người đang bị giam tù ở Việt Nam chỉ vì công khai lên tiếng đòi hỏi quyền con người và quyền lợi chính đáng cho bản thân, gia đình họ cũng như những người khác. Những người còn trong nhà tù hay sau khi mãn án đều khẳng định họ không làm gì sai; chuyện bị cáo buộc và bỏ tù của nhà cầm quyền không hề làm họ nản lòng, nhụt chí.
Kiên định
Sẽ có hai tù nhân lương tâm trong số hơn 110 người được thống kê sẽ mãn án trong vài ba ngày tới. Một trong hai người là bà Bùi thị Minh Hằng. Bà này được biết đến với hoạt động tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cũng như phổ biến về quyền con người.
Bà bị bắt cùng một nhóm hơn 20 người khác với cáo buộc gây rối trật tự công cộng khi đang trên đường đến thăm một thân hữu là cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển ở Đồng Tháp.
Chị Hằng có nói với tôi rằng khi chị ra khỏi tù thì chị vẫn là chị Minh Hằng ngày xưa chứ không có thay đổi.
- Nguyễn Bắc Truyển
Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 3 người bị bắt giam và đưa ra tòa gồm bà Bùi Hằng bị kết án 3 năm tù, cô Nguyễn thị Thúy Quỳnh 2 năm và ông Nguyễn Văn Minh 2 năm rưỡi tù giam.
Cựu tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, người hiểu rõ vụ việc và từng được tiếp điện thoại của bà Bùi thị Minh Hằng từ nhà tù gọi về gia đình cho biết sự kiên định trong đấu tranh của bà này:
“Tôi thấy rằng tin thần của chị Hằng vẫn rất mạnh mẽ. Chị Hằng có nói với tôi rằng khi chị ra khỏi tù thì chị vẫn là chị Minh Hằng ngày xưa chứ không có thay đổi.”
Tù tội rèn ý chí
Cô Nguyễn Thúy Quỳnh thuộc thế hệ 8X, tuổi đời còn rất trẻ nhưng phải ngồi tù hai năm, thừa nhận trong những ngày tháng cùng ở trong tù với bà Bùi Thị Minh Hằng đã học được một số điều từ người phụ nữ lớn tuổi đó:
“Quỳnh học hỏi được ở chị là sự dám đương đầu. Khi ở trong tình thế đó, tất cả người đấu tranh trong nước đều phải biết vững một điều: việc mình làm là không hề sai, không hề có tội, mà đó là một việc làm yêu nước, yêu dân tộc.”
image-400.jpg
Cựu tù nhân lương tâm Đỗ thị Minh Hạnh tham gia phong trào Chúng tôi Muốn Biết ngày 31 tháng 8 năm 2014. Photo: RFA
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một cựu tù nhân cùng vụ án với anh Đoàn Huy Chương bị kết án 7 năm tù và mãn hạn vào đầu tuần tới, cho biết giá trị của thời gian bị nhà cầm quyền giam tù:
“Bạo hành không phải là vấn đề khiến người ta sợ hãi, mà bạo lực, bạo hành khiến cho con người ta trở nên lì hơn, chai cứng hơn, và mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng cuộc đời của tôi may mắn khi được vào tù để tôi biết được những gì đang diễn ra ở trong nhà tù, và cho tôi hiểu được giá trị của cuộc sống, cho tôi khả năng để tôi ứng phó với những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Nói chung ở đấy là nơi có thể luyện được một tinh thần thép.”
Bản thân cô Nguyễn Thúy Quỳnh khẳng định sau khi ra tù cô trở nên chững chạc hơn và đường lối tranh đấu nay cũng được điều chỉnh cho hiệu quả hơn:
“Ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm tưởng của Quỳnh lại càng mạnh mẽ hơn. Nhưng việc làm của Quỳnh giờ sẽ không theo chiều hướng như trước nữa mà chú trọng vào kết quả công việc hơn. Ở đây chúng tôi không tuyên truyền chống phá, cũng không lật đổ chế độ. Tại vì các anh có quân sự, có vũ khí, còn chúng tôi là những người “tay không tấc sắt”. Chúng tôi chỉ có trong tay cây viết và trái tim nhiệt huyết thôi. Chúng tôi nói lên sự thật để các anh thay đổi, để đất nước thay đổi, không đi lùi lại với văn minh của thế giới thôi.”
Tất cả người đấu tranh trong nước đều phải biết vững một điều: việc mình làm là không hề sai, không hề có tội, mà đó là một việc làm yêu nước, yêu dân tộc.
- Cô Nguyễn Thúy Quỳnh 
Cũng như trường hợp tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bị tuyên án đến 16 năm và có sự can thiệp của quốc tế để ông được ra khỏi nhà tù nhưng với điều kiện mà nhà cầm quyền Hà Nội đặt ra là phải đi sống lưu vong ở nước ngoài; bà Bùi Hằng cũng kiên quyết từ chối điều kiện đó.
Một tù nhân chính trị khác từng bị tù và sau khi mãn án tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn nữa cổ xúy cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội. Ông bị bắt lại vào tháng 12 năm 2015; gần nhất là hôm ngày 19 tháng giêng vừa qua, cựu tù nhân Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An lại bị bắt khi đang đi trên đường.
Vợ người bị bắt, cô Nguyễn thị Châu, dù rất đau buồn vì cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu và cô đang mang thai con đầu lòng hai tháng, tỏ rõ sự thông hiểu với trường hợp chồng bị bắt đi đồng thời bày tỏ sự can trường, sẵn sàng chấp nhận thử thách, trở nên mạnh mẽ để là chỗ dựa tinh thần cho người chồng đang phải chịu tù đày lần thứ hai.

Nếu tượng Phật mà biết nói?

Viết từ Sài Gòn 
Theo RFA-2017-02-06  
Tượng Phật trong khuôn viên chùa Giác Lâm, ngôi chùa Phật Giáo được xây dựng từ năm 1744, một trong những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh.
 Tượng Phật trong khuôn viên chùa Giác Lâm, ngôi chùa Phật Giáo được xây dựng từ năm 1744, một trong những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh.  AFP photo
Ở một đất nước mà hoạt động tâm linh bị biến tướng thành một thứ hoạt động mê tín, dị đoan và trên một nghĩa nào đó, các biểu tượng thần linh được kết nạp đảng, được xếp vào diện “đồng chí”. Người dân chuyển từ sung bái các đồng chí thần linh, trưởng giáo sang sùng bái các đồng chí đảng và đến một lúc nào đó, nhân danh “uống nước nhớ nguồn”, các đồng chí mẹ đảng, cha đảng cũng được sung bái như một thần linh… Có lẽ, dân trí của quốc gia đó, người dân trong quốc gia đó chẳng còn gì để bàn. Bởi các đồng chí thần linh ngoài vai trò để người ta sùng bái một cách u muội, sau khi được kết nạp đảng, các đồng chí lại có thêm chức năng mới, đó là bảo vệ đảng.
Tôi còn nhớ một câu chuyện những năm sau 1975, khi mà hai miền đất nước không còn tiếng súng và cũng không còn tiếng nói tự do, câu chuyện này được truyền miệng lén lút với nhau (bởi thời đó, công an mà biết được ai đã truyền câu chuyện này ra ngoài thì chắc chắn sẽ mời lên đồn, đánh cho đến không còn răng ăn cơm mới cho về, không ngoại trừ bị đánh chết) về ‘đồng chí Phật’.
Đoàn quân Cộng sản vào đến ngã ba Hòa Khánh, Đà Nẵng, nhìn thấy bức tượng Phật lớn, một chỉ huy hỏi: “Bọn tư bản miền Nam thờ đồng chí nào mà mập quá vậy? Đúng là tư bản!”. Một anh bộ đội chạy lên báo cáo: “Báo cáo cấp trên, đây là đồng chí Phật!”. Chỉ huy hỏi tiếp: “Đồng chí Phật này được bao nhiêu tuổi đảng?”. Anh lính thưa: “Dạ báo cáo, đồng chí Phật này già lắm rồi ạ, nhưng về tổng quan thì đồng chí ấy đã được quán triệt tinh thần bảo vệ đảng và trung thành với đảng”.
Đương nhiên, lúc đó, đồng chí Phật không thể nói được gì bởi đồng chí là một pho tượng tọa thiền, ai có xem ngài là đồng chí, là lính là là gì thì cũng là chuyện của họ. Vấn đề là cái tinh thần đồng chí thì đã được các đệ tử của ngài dụng đến từ trước khi câu chuyện xảy ra rất lâu, từ những cuộc giấu súng trong chuông, trong chùa, biến chùa thành cơ sở hoạt động của đảng và nhiều hình thái hoạt động khác chẳng liên quan gì đến Phật giáo trong các ngôi chùa.
Cái tinh thần đồng chí ấy ngày càng mạnh hơn, khi mà tốc độ quay của đồng tiền ngày càng gây chóng mặt, người ta nghĩ đến chuyện buôn bán đồng chí của mình làm sao cho hiệu quả nhất. Chính vì vậy mà chỉ mới mấy ngày đầu năm, có rất nhiều đồng chí Phật được đắp tiền khắp thân hình, thậm chí, có đồng chí đại đức ở đất Bắc nghĩ đến cách ban lộc cho các đề tử bằng việc cầm một nắm tượng của đồng chí Phật nhỏ bằng những ngón tay, vãi xuống cho đám đệ tử bên dưới, và các đồng chí đệ tử phía dưới tranh nhau các bức tượng đồng chí Phật gọi là lấy lộc đầu năm!
Và nếu bạn từng chứng kiến cảnh đó, xin đừng buồn, cũng đừng thấy Đức Thế Tôn bị người ta mạo phạm. Bởi, không có Đức Phật ở đây, không có Đức Phật ở các ngôi chùa mà quanh năm suốt tháng chỉ có các hoạt động ốp đồng và những phi vụ kinh tế, ban lộc, kính thưa các loại phi vụ, trụ trì thì không biết nửa câu kinh và hút thuốc lá, uống rượu, nhậu nhẹt, không ngoại trừ hẹn hò gái gú… Ở đó sẽ không có Đức Phật mà chỉ có các đồng chí Phật.
024_2563022-400.jpg
Tượng Phật Di Lặc trong khuôn viên chùa Giác Lâm, TPHCM chụp hôm 29/3/2016. AFP photo
Bởi suy cho cùng, lịch sử về Phật Giáo là có thật, Đức Thế Tôn là có thật và các triết thuyết của ngài để lại cho hậu thế là có thật. Nhưng để chuyển hóa sự thật ấy thành một niềm tin tôn giáo, thành một nguyên tắc hành giả cho mỗi người, điều đó bắt buộc mỗi cá nhân là Phật tử phải có niềm tin và ý niệm lành mạnh về Đức Thế Tôn của mình.
Và một khi có đủ niềm tin và sự tôn kính đúng mực, thực hành đạo pháp đúng mức, tùy vào giới hạnh để thực hành thì ngay bản thân các Phật Tử ngoài xã hội cũng không có những hành vi tranh giành lợi lộc một cách nhố nhăng và hỗn độn như đang thấy, riêng về giới hạnh của các bậc Tì Kheo, chân tu, chắc chắn không thể là những hành động vớ vẩn, chẳng giống ai như vậy, thậm chí mạo phạm Đức Thế Tôn, vốc một nắm tượng Đức Thế Tôn ném xuống cho đệ tử gọi là ban lộc. Hoàn toàn không có chuyện đó nếu thực sự có ý niệm Đức Phật ở các thầy chùa kia.
Đơn giản, không có ý niệm Phật Giáo ở những tay gọi là tu hành, trụ trì kia mà chỉ có quan hệ đồng chí. Đồng chí Phật phải đứng ra bảo vệ đảng bằng chính sự tôn thờ, tin tưởng của các đồng chí Phật Tử. Đồng chí Phật phải cho các Phật tử thấy rằng bản thân đồng chí cũng là một đảng viên và một khi được kết nạp đảng, đó là một vinh hạnh. Và quan trọng hơn cả, dưới những mái chùa Cộng sản xã hội chủ nghĩa, đồng chí Phật phải luôn nhớ rằng sứ mệnh bảo vệ đảng là sứ mệnh thiêng liêng nhất của đồng chí. Đảng xây chùa, đưa đồng chí vào chùa không phải để tôn thờ mà là để đồng chí có chỗ phục vụ cho đảng.
Cái tinh thần phục vụ đảng không từ bất kể ai dưới mái chùa xã hội chủ nghĩa này, từ đồng chí bồ tát cho đến đồng chí Phật tổ, đồng chí Di Lặc hay đồng chí Thích Ca, đồng chí A Di Đà… Tất cả đều để phục vụ và bảo vệ đảng. Khi cần, đảng sẽ ném các đồng chí xuống sân để phục vụ cho nhu cầu gọi là cầu lộc, cầu tài, cầu hên đầu năm của đám đông.
Và bạn đừng buồn, bởi Đức Phật của bạn vẫn ở trong tâm hồn, trong trái tim và trong tâm linh của bạn đó, ngài vẫn ngự trị với tất cả sự tôn kính và niềm tin của bạn. Ở đó không có sự lợi dụng hay mạo phạm, bởi tất cả những ý đồ mạo phạm và hành vi lợi dung đều không phải là ý niệm hay niềm tin tôn giáo. Và người ta đã ngang nhiên lợi dụng, mạo phạm tôn giáo để thực hiện mưu đồ xây dựng đảng và bảo vệ đảng. Những thứ đó không phải là tôn giáo.
Ở đó chỉ có những đồng chí Phật của đảng, và nếu nói được, không chừng các đồng chí Phật của họ sẽ xin họ một điều duy nhất, đó là được ra khỏi đảng. Bởi các bức tượng đã lấm lem, đã chóng mặt vì bị các đồng chí xoay vòng, bôi bẩn và trù dập. Làm một đảng viên Phật có vẻ còn khổ hơn làm một anh bộ đội vác súng ra chiến trường!
Không chừng, một lúc nào đó, các đồng chí Phật sẽ đồng loạt viết đơn xin ra khỏi đảng. Và lúc đó, câu chuyện lịch sử Việt Nam sẽ khác, ngã rẽ lịch sử thường bắt đầu từ những thần dân tôn giáo hay những đồng chí tôn giáo. Điều này chưa sai một li nào trong lịch sử!
Viết Từ Sài Gòn, 06/02/2017
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Xử kỷ luật ‘nghiêm túc’ ở Việt Nam là ‘chuyển công tác’

Sản phẩm của Vietfoods bị các cơ sở kinh doanh trả lại, chất thành đống trong kho. (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI (NV) – Sau khi thủ tướng Việt Nam yêu cầu “xử lý nghiêm túc” những viên chức liên quan đến vụ xúc xích Vietfoods, chính quyền thành phố Hà Nội đã chuyển một đội trưởng Quản Lý Thị Trường… chuyển công tác.
Vào ngày 20 Tháng Tư năm ngoái, Đội Quản Lý Thị Trường số 14 của Chi Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội kiểm tra kho của công ty Hùng Anh, tọa lạc ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và lập biên bản tạm giữ 2.2 tấn xúc xích do cơ sở Vietfoods ở Bình Dương sản xuất với lý do “nghi vấn chứa chất gây ung thư, gây nguy hại cho sức khỏe con người.”
Tuy chỉ “nghi vấn” nhưng biên bản được cả Đội Quản Lý Thị Trường số 14 lẫn Chi Cục Quản Lý Thị Trường của thành phố Hà Nội chủ động cung cấp cho báo giới.
Ngày 22 Tháng Tư, Quản Lý Thị Trường Hà Nội chủ động cung cấp thêm kết quả kiểm nghiệm, theo đó, xúc xích do Vietfoods sản xuất có sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg cho báo giới.
Người tiêu dùng trên toàn Việt Nam ngưng mua xúc xích Vietfoods. Các cơ sở kinh doanh thi nhau gọi Vietfoods nhận lại xúc xích.
Ngày 26 Tháng Tư, Chi Cục Quản Lý Thị Trường của thành phố Hà Nội, gọi đại diện công ty Hùng Anh và cơ sở Vietfoods đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính vì “sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm.”
Vietfoods phản đối kịch liệt và yêu cầu ngành y tế kiểm định, cho ý kiến.
Ngày 17 Tháng Năm, trong cuộc họp giữa đại diện Cục An Toàn Thực Phẩm của Bộ Y Tế Việt Nam và đại diện Chi Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội, cơ quan đại diện ngành y tế trong lĩnh vực vệ sinh – an toàn thực phẩm khẳng định, hàm lượng sodium nitrate trong xúc xích của Vietfoods chỉ có 55mg/kg và phù hợp với các tiêu chí về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các loại xúc xích sản xuất trên toàn thế giới cũng có sodium nitrate với hàm lượng như vậy.
Nói cách khác các loại xúc xích của Vietfoods hợp vệ sinh và an toàn cho sức khỏe con người. Bởi những loại xúc xích này đã được Chi Cục An Toàn Thực Phẩm của tỉnh Bình Dương kiểm nghiệm và cấp giấy phép cho phân phối, thành ra nếu chúng gây nguy hại cho sức khỏe con người, nơi bị xử lý phải là Chi Cục An Toàn Thực Phẩm của tỉnh Bình Dương chứ không phải Vietfoods.
Ngày 23 Tháng Năm, Quản Lý thị Trường Hà Nội gọi đại diện công ty Hùng Anh và cơ sở Vietfoods đến nhận lại “tang vật” là 2.2 tấn xúc xích. Đáng chú ý là nơi này không thèm xin lỗi và cũng chẳng gửi thông báo nào cho báo giới. Đa số người tiêu dùng Vietfoods vẫn tin rằng, dùng xúc xích của cơ sở này có thể bị… ung thư. Từ một cơ sở thành đạt, sản phẩm được bán rộng rãi trên toàn Việt Nam, Vietfoods đối diện với nguy cơ phá sản. Do doanh nghiệp này liên tục kêu cứu, Bộ Y Tế và Bộ Công Thương (nơi quản lý và điều hành lực lượng Quản Lý Thị Trường trên toàn Việt Nam) đã họp nhiều lần nhưng chuyện chẳng đến đâu. Các viên chức phụ trách Chi Cục Quản Lý Thị Trường của thành phố Hà Nội thản nhiên như vô can.
Các luật sư, nhiều chuyên gia kinh tế xem Vietfoods như một trường hợp điển hình về bạo hành trong quản lý hành chính. Tháng trước, tới lượt thủ tướng Việt Nam lên tiếng. Đáp lại yêu cầu “xử lý nghiêm túc” của thủ tướng Việt Nam, đội trưởng Đội Quản Lý Thị Trường số 14 của Chi Cục Quản Lý Thị Trường Hà Nội “bị” chuyển sang làm… Đội Trưởng Đội Quản Lý Thị Trường số 6! (G.Đ)

Thương lái Trung Quốc vẫn định đoạt nông phẩm Việt

Một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long loay hoay không biết làm thế nào để thoát ra khỏi thế kẹt với đàn heo đã quá lứa. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Tuy giá bán thịt heo, trứng gà ở đồng bằng sông Cửu Long đã dưới giá vốn nhưng hai tháng vừa qua, nông dân và chủ các trại chăn nuôi vẫn không bán được cả heo lẫn trứng.
Theo ước tính của một số người, đối với mỗi con heo nặng một tạ, cả nông dân lẫn chủ các trai chăn nuôi lỗ khoảng 500,000 đồng và đối với mỗi trái trứng gà, họ lỗ khoảng 500 đồng.
Lý do chính dẫn tới thảm trạng vừa kể vẫn là từ giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, thương lái Trung Quốc đột nhiên ngừng mua thịt heo và trứng.
Một số chuyên gia kinh tế tiếp tục lập lại khuyến cáo mà họ đã nêu ra nhiều lần, từ rất lâu rằng, nếu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, kể cả sản phẩm chăn nuôi cứ tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nông dân Việt Nam sẽ tán gia, bại sản.
Báo chí Việt Nam cho biết, dù chính quyền của nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã hối hả liên lạc với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên chế biến thịt heo, trứng để nhờ mua thịt heo, trứng gà giúp nông dân nhưng những doanh nghiệp đó đều lắc đầu vì đã có sẵn nguồn hàng.
Người ta dự đoán, cả nông dân lẫn chủ các trại chăn nuôi sẽ lỗ nặng hơn do phải ráng nuôi heo, gà quá lứa. Trong khi chi phí tăng không ngừng thì giá bán vẫn thế.
Giống như những thảm họa đã từng xảy ra nhiều lần với đủ loại nông sản, chính quyền các tỉnh chỉ khuyến cáo nông dân và chủ các trại chăn nuôi nên thu hẹp đàn heo rồi đề nghị Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn trợ giúp.
Dẫu có một hệ thống đồ sộ từ trung ương đến địa phương với hàng loạt ngành: nông nghiệp – phát triển nông thôn, công – thương,… nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không thể kéo nông nghiệp, nông dân Việt Nam thoát ra khỏi thế lệ thuộc thương lái Trung Quốc.
Nông dân Việt Nam trồng gì, nuôi gì, kể cả săn lùng thứ gì hoàn toàn do thương lái Trung Quốc định đoạt.
Tháng Ba năm ngoái, sau hàng loạt sự kiện liên quan đến thực trạng thương lái Trung Quốc tự do tung hoành, nguy hại cho cả môi trường, hệ sinh thái, lẫn kinh tế – xã hội Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Công Thương Việt Nam cảnh báo động cơ của thương lái Trung Quốc là “không rõ ràng.”
Trước đó, khi còn là đại biểu của Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trân, từng nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc nâng giá một loại nông sản nào đó để nông dân thi nhau trồng, thi nhau nuôi rồi ngưng mua, hoặc tận thu mọi thứ là có thâm ý.
Theo ông Trân, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc đã làm nông dân khánh kiệt, kinh tế – xã hội bất ổn. Những chiến dịch thu mua này còn nhằm tận diệt các loại thực vật, động vật quý hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường. Thậm chí đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế – xã hội Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn.”
Có thể vì hệ thống công quyền Việt Nam xem việc chống “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” “giữ vững sự ổn định chính trị,” “duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN” quan trọng hơn nên tình trạng thương lái Trung Quốc tự do định đoạt thị trường nông sản trở thành chuyện nhỏ. (G.Đ)

380 doanh nghiệp nhà nước trốn công bố thông tin công khai

Một nhà máy sản xuất tại Việt Nam. (Hình minh họa: Nguồn Internet)
HÀ NỘI (NV) – Bất chấp quy định của nhà nước, 380 công ty quốc doanh của Hà Nội không công khai công bố thông tin thường niên về tình hình hoạt động và tài chính, gồm cả những đại công ty.
Nghị định 81 có từ năm 2015 của chế độ Hà Nội ấn định rằng, theo định kỳ, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải “công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư để thực hiện công bố thông tin.”
Tuy nhiên, theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, 620 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện bắt buộc phải công bố thông tin, nhưng đến 31 Tháng Mười Hai, 2016, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết mới nhận được báo cáo của 241 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ 38.87%.
Theo nguồn tin vừa kể, 380 doanh nghiệp còn lại “chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.”
Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập Đoàn Than – Khoáng Sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập Đoàn Cao Su Việt Nam (4 doanh nghiệp) “chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81.”
Không những vậy, một số tổng công ty lớn như Thuốc Lá, Công Nghiệp Tàu Thủy, Đầu Tư Phát Triển Nhà và Đô Thị, Phát Triển Đường Cao Tốc, Cà Phê, Đảm Bảo An Toàn Hàng Hải miền Bắc “chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015.”
Cho dù công bố thông tin, nguồn tin của TBKTVN nói, “trong số 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin theo quy định nhưng chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn.”
TBKTVN thuật lại nguồn từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết, chỉ có hai doanh nghiệp là Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam, Tổng Công Ty Xây Dựng số 1 thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố thông tin theo quy định (gồm 9 báo cáo về sản xuất kinh doanh, lương thưởng, báo cáo tài chính,…).
Theo một bản báo cáo hồi Tháng Mười, 2016, kết thúc năm tài chính 2015, tại Việt Nam vẫn còn 652 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản trên 3 triệu tỷ đồng. Phần lớn là các công ty “lời giả lỗ thật.” Suốt bao năm qua, các định chế tài trợ quốc tế thường xuyên thúc hối Hà Nội giải thể hết đám quốc doanh ăn bám này. Nhưng các chương trình cổ phần hóa, hoặc giải thể, tiến hành rất ì ạch.
Hiện có 12 đại công ty thua lỗ trầm trọng với hàng chục ngàn tỷ đồng đang nằm “đắp chiếu” mà nhà cầm quyền trung ương không biết phải giải quyết ra sao. Trong số đó có 4 dự án của Tập Đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem), Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, còn 2 dự án có “bóng dáng” Tổng Công Ty Thép Việt Nam (Vnsteel).
Nhà máy sản xuất sợi polyester Đình Vũ ở Hải Phòng (tức PVTex thuộc Bộ Công Thương, dính tới Đinh La Thăng khi ông này còn làm chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí – Petro Vietnam) coi như “mất trắng 7,000 tỷ đồng hay khoảng $350 triệu, hiện gây nhiều chú ý hơn khi cựu tổng giám đốc Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài (Tháng Mười năm ngoái) khi “đánh hơi” thấy có thể bị truy cứu trách nhiệm. (TN)

Lễ hội miền Bắc Việt Nam: ‘Ôm rách nát trong tâm linh!’


Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Việt - 11-02-2017

Những phong tục mang tính dân gian trong các lễ hội nay biến thành “văn hóa” mua bán, đổi chác, con người trở nên tham lam và thực dụng hơn. (Hình: Getty Images)
Trên lý thuyết, những thực hành tôn giáo và lễ hội đem đến cho con người sự cân bằng, yên ổn, cứu rỗi trong đời sống tâm linh. Tâm linh lành mạnh giúp con người hướng thượng, ngưỡng vọng những giá trị cao đẹp.
Nhưng những gì mà mùa lễ hội Tháng Giêng hằng năm diễn ra ở miền Bắc Việt Nam hiện nay lại đang cho thấy một thực tế khác.
“Vỡ trận!”
Mặc dù chính quyền ra tay “siết chặt quản lý,” “chấn chỉnh lễ hội”… thì những gì nhốn nháo, lộn xộn, nhếch nhác và nhất là bạo lực vẫn xảy ra ở các lễ hội lớn truyền thống. Chưa nói, ở nhiều địa phương của miền Bắc, còn có cả sự “phát sinh nhân rộng” của những lễ hội “truyền thống mới” để phục vụ “nhu cầu đại chúng ngày càng gia tăng.”
Năm nay, tại lễ hội Chùa Hương, nơi mà thi nhân Nguyễn Nhược Pháp từng có áng thơ “Em đi chùa Hương” (1934) rất trong trẻo, thanh tân, đã xảy ra chuyện cười ra nước mắt: sau đêm khai mạc lễ hội, một vị sư xuất hiện phát lộc, gây nên cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành lộc nhà chùa.
Còn tại lễ hội Phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ), tuy được chính quyền “bố trí lực lượng cảnh sát cơ động kiểm soát tình hình” nhưng đến khi tung Phết cầu may vẫn diễn ra ẩu đả, đậm màu bạo lực.
Trên tờ Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch xã Hiền Quan, trưởng ban tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan năm 2017 giải thích: “Trước khi lễ hội Phết được diễn ra, chúng tôi đã đến các khu dân cư để tuyên truyền với người dân về thể lệ mới và đề nghị mọi người tham gia lễ hội với tinh thần lịch sự có văn hóa và tránh ẩu đả, lợi dụng hội Phết để trả thù cá nhân.Tuy nhiên do lực lượng an ninh quá mỏng và số lượng người đến cướp phết quá lớn nên mong muốn ban đầu của ban tổ chức đã không thể trở thành hiện thực.”
Tại lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) tình hình cũng không khá hơn. Theo tường thuật của các báo trong nước, cảnh chen lấn, la hét, hỗn loạn ở sân Tiêu Miếu vẫn diễn ra. Dù trước đó, ban tổ chức lễ hội này đã phát thẻ vàng cho các đại biểu để kiểm tra số lượng vào dự, nhưng do số thẻ vàng này vượt khuôn khổ sức chứa của không gian lễ hội nên… vỡ trận!
Báo chí mô tả cảnh chen chúc cướp ấn, lột cướp các vật dụng trên điện thờ, vo tiền ném kiệu ấn diễn ra đầy khốc liệt tại đền Trần có tiếng linh thiêng.
Trong khi đó, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh cũng chộn rộn manh nha cho ra đời một lễ hội Khai bút, Khai ấn với ý định “nhân rộng truyền thống tốt đẹp,” đã ngay lập tức gặp phải sự phản ứng của dư luận trong nước.
Nhìn vào bức tranh nhốn nháo đó, cần đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra với những lễ hội dân gian và cả trong thực hành tôn giáo truyền thống đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam?
Cần nói thêm, việc phân chia hai cực Nam, Bắc vẫn biết là điều không cần thiết, nhưng một thực tế quan sát cho thấy mùa lễ hội Tháng Giêng ở miền Nam diễn ra êm đềm, hài hòa hơn, rất hiếm thấy xảy ra những hiện tượng như đã nêu ở các lễ hội phía Bắc. Việc giải thích vì sao có sự khác biệt này, người viết sẽ có quá trình suy tư, khảo cứu để đề cập trong thời gian gần nhất.
Quá nhiều và biến dạng
Hầu hết các lễ hội dân gian ở vùng đồng bằng Bắc Bộ được sinh ra từ làng, rộng hơn, là sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương ở quy mô nhỏ. Các lễ hội là sự thực hành biểu hiện chữ lễ, sự thành kính với những đấng siêu nhiên – những thế lực bảo hộ đời sống trong tín ngưỡng người dân đặt trong bối cảnh không gian xã hội nông nghiệp, đi cùng với bối cảnh văn hóa Khổng giáo của quá khứ. Lễ hội được sinh ra từ làng và phục vụ cho đời sống tinh thần của làng, ở quy mô làng, một nhà nghiên cứu đã đúc kết như thế về lễ hội miền Bắc.
Và vì tính bối cảnh hóa đó, mà khi đời sống tinh thần xã hội thay đổi, những khả năng giao lưu được mở rộng với bên ngoài, các lễ hội đã không còn khu biệt là sinh hoạt tinh thần của làng xã, địa phương mà phải đáp ứng cho một quy mô đại chúng rộng lớn hơn. Quá tải diễn ra ở quy mô. Thêm vào đó, sự biến dạng về thông điệp do diễn dịch, cách hiểu của khách dự quy định ngược trở lại đối với lễ hội cũng là một phương diện quan trọng.
Lễ hội miền Bắc Việt Nam: ‘Ôm rách nát trong tâm linh!’
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh bị dư luận lên án là quá tàn nhẫn đối với động vật. (Hình: Getty Images)
Nếu những nghi thức, thông điệp từ một lễ hội hứa hẹn mang lại điều mà đại chúng cầu mong, thì lễ hội đó lập tức trở thành thỏi nam châm thu hút cộng đồng mạnh mẽ. Sở dĩ có cảnh hàng trăm nghìn người chen chúc trong lễ khai ấn đền Trần (trong đó có nhiều quan chức làm trong bộ máy nhà nước) là bởi lễ hội có nguồn gốc từ thời nhà Trần này mang thông điệp mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền, lá ấn mang kỳ vọng về đường hoạn lộ thăng tiến, được ban thưởng…
Nghĩa là, cơn khát được thành tích, thăng quan tiến chức, địa vị xã hội đang phóng chiếu một cách đầy đủ nhất qua cái cảnh chen lấn, giành giật lá ấn trong lễ hội này hàng năm, dẫn dắt ý nghĩa lễ hội đi rất xa khỏi cái lõi ý nghĩa ban đầu. Cơn khát quyền lực, địa vị đó mạnh đến mức các hàng rào nguyên tắc ở không gian lễ hội này được dựng nên nhưng luôn bị vượt qua, đạp đổ; cảnh giẫm đạp lên nhau để đoạt được “lá ấn công danh” xảy ra hằng năm.
Một yếu tố nữa, loại hình du lịch lễ hội ra đời kéo du khách thập phương đến với lễ hội nhiều hơn, bản thân họ hiểu biết về nguồn gốc, trải nghiệm truyền thống ít hơn nhưng tham vọng, thực dụng hơn.
Chính điều này cộng với việc tư duy lễ hội truyền thống như một sản phẩm du lịch địa phương đã làm cho các lễ hội bị áp đặt nghi thức, thương mại hóa. Lễ hội bấy giờ trở thành nơi “kiếm chác” của các ban tổ chức, ban quản lý. Chùa chiền, đền miếu mất thiêng bởi tính “quốc doanh” đã thâm nhập trong một quá trình cài đặt kiểm soát lâu dài của chính quyền.
Tính thiêng mất đi, tính tục được đẩy lên cao. Sự đè đầu cưỡi cổ, tranh đoạt trong lễ hội cho thấy những giá trị cao thượng, bao dung đang bị đảo lộn. Sự mạnh được yếu thua bất chấp trật tự nề nếp trong đời sống được phản ánh rõ nhất qua những cuộc tranh giành trong lễ hội. Sự nhốn nháo trần tục của lễ hội cho thấy những giá trị thực dụng đang trỗi vượt trong cộng đồng thay thế cho giá trị hướng nội, hướng thượng và hướng tha.
Tóm lại, bức tranh cuộc sống, tâm thức bất an, các giá trị sống tốt đẹp bị lung lay… tất cả đang phóng chiếu vào trong cái không khí hỗn độn vô phương hóa giải.
Và hậu quả
Quay sang đổ lỗi cho sự “xuống cấp đạo đức của một thành phần dân chúng” là việc phổ biến. Nhưng nguyên nhân sâu xa, nguồn gốc kiến tạo nên tâm thế sống ấy là từ đâu?
Sự chà đạp tôn miếu tâm linh bằng hệ thống can thiệp và kiểm soát đặt trên ý hệ vô thần hơn 80 năm qua đang phơi bày những hệ lụy lớn lao mà cộng đồng đang hứng chịu. Một đời sống tâm linh rách nát, gãy đổ, những giá trị tinh thần tốt đẹp bị đảo lộn, truyền thống bị diễn dịch có lợi cho kẻ có quyền lực, sự bất an lan rộng trong cộng đồng, những giả hình truyền thống, giả hình tâm linh đang bộc phát điều hướng quần chúng đi về những phía lệch lạc.
Chùa chiền không còn làm cho người ta trở về an tịnh trong tâm hồn mà là nơi thổi bùng ngọn lửa tham dục. Lễ hội không còn là nơi biểu hiện sự thành kính đối với tổ tiên, nhân thần, những đấng siêu nhiên, nơi giao cảm với cộng đồng mà trở thành nơi “cộng nghiệp” của một nhân quần hỗn loạn, hoang mang, hung bạo.
Nguồn gốc tâm linh trong trẻo, thanh cao, thành trì của những giá trị căn bản trong đời sống tinh thần bị truất hữu, đó là điều mà mô hình xã hội lấy đấu tranh làm động lực phát triển đang đớn đau trải nghiệm!