Sunday, April 12, 2020

Trung Quốc sẽ tiếp tục đâm tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tàu đánh cá vỏ sắt của Trung Quốc đậu san sát như lá tre tại bến. (Hình: STR/AFP/GettyImages)
HỒNG KÔNG (NV) – Trung Quốc sẽ còn đâm tàu đánh cá của Việt Nam để khẳng định chủ quyền Biển Đông khi lực lượng bán quân sự được sử dụng trong kế hoạch hạ thấp khả năng đụng độ quân sự.
Ngày 2 Tháng Tư vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi tại một địa điểm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Bắc Kinh vu ngược lại là tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc rồi chìm. Không riêng gì Việt Nam phản đối hành động tàn ác của tàu hải cảnh, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng rồi Thượng Viện Hoa Kỳ tuần qua ra tuyên bố lên án hành động của Bắc Kinh.
Mấy năm trước, khi đám tàu đánh cá Trung Quốc được điều động tham gia các vụ tranh chấp liên quan chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, ông Carl Thayer, giáo sư Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc từng báo động về vai trò của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cho thành lập lực lượng dân quân biển từ hơn hai chục năm qua. Ngư dân Trung Quốc được huấn luyện quân sự và hướng dẫn chiến thuật đấu tranh trên biển.
Báo chí tại Việt Nam từng thuật lời các cấp chỉ huy quân sự Hà Nội than phiền hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những chúng ngang nhiên đánh cá trộm mà còn xua đuổi tàu đánh cá ngư dân Việt Nam. Lượng cảnh sát biển của Việt Nam, quá ít, quá yếu không làm gì nổi.
Việt Nam cũng bắt chước Trung Quốc lập lực lượng dân quân biển. Cuối năm ngoái, báo chí trong nước cho hay nhà cầm quyền CSVN cho lập “Hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển,” VNExpress ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019 cho hay.
Theo nguồn tin vừa kể, ban đầu, nhà cầm quyền CSVN sẽ cho thành lập “hải đội dân quân tự vệ” ở sáu tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh. Lý do thành lập được thuật lại qua lời tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc Phòng, là tình hình khu vực và Biển Đông “có những thời điểm diễn biến phức tạp.”
Việc cho thành lập “hải đội dân quân tự vệ” vừa để “bảo vệ chủ quyền biển, đảo với phát triển kinh tế biển” vừa “góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang trên biển.”
Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, Tháng Bảy, 2016 đã phán quyết tuyên bố chủ quyền theo 9 vạch nối lại giống hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm gần 90% Biển Đông là vô giá trị. Báo chí quốc tế đăng tải rất nhiều tin tức hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc, thực chất là đám dân quân biển, có các tàu hải cảnh hộ tống tham gia các vụ lấn chiếm trên Biển Đông, ngày mỗi nhiều hơn.
Tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm sáng sớm ngày 2 Tháng Tư vừa qua, chỉ còn nhô lên phần mũi. (Hình: Ngư dân cung cấp-Tuổi Trẻ)
Chính phủ Philippines cho hay chỉ riêng trong năm 2019, họ đã ghi nhận ít nhất 275 tàu đánh cá, tức tàu dân quân biển Trung Quốc, tham gia vây giữ bãi cạn gần đảo Thị Tứ tại Trường Sa mà Phi đang trấn giữ và tuyên bố chủ quyền suốt từ năm 1971 đến nay.
Tháng Sáu năm ngoái, tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Philippines tại Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) mà Philippines xác nhận chủ quyền. Nếu không được một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam vớt, 22 ngư dân Philippines đã có thể mất mạng.
Theo tổ chức nghiên cứu an ninh nổi tiếng Rand tại Hoa Kỳ, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc rất lớn nên không thể coi thường. Phần lớn chúng có căn cứ trên đảo Hải Nam. Tuy Việt Nam cũng lập “hải đội tự vệ” nhưng đội tàu vừa nhỏ bé lại ít hơn rất nhiều, không thể nào so sánh với lực lượng Trung Quốc.
Báo South China Morning Post thuật tài liệu của ông Nguyễn Khắc Giang tại Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam, thống kê lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 762,000 tàu máy trong khi phía Việt Nam chỉ có khoảng 8,000 tàu. Nhưng theo tài liệu của Ngũ Giác Đài, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 439,000 tàu với 21 triệu dân quân.
Việc cả Trung Quốc và Việt Nam đều sử dụng các tàu dân quân biển vì cũng có những động cơ giống nhau, SCMP thuật ý kiến của ông Isaac Kardon, một giảng viên tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College).
Cũng vì vậy, tuy có thể tránh leo thang đụng độ quân sự, nhưng nguy cơ những vụ đụng chìm tàu đánh cá sẽ còn tái diễn. (TN) (KN)

Dù được ‘hỗ trợ’ nhưng hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chết

HÀ NỘI, Việt nam (NV) – Hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ theo nhau sập tiệm và có thể kéo theo cả nền kinh tế dù hệ thống ngân hàng được lệnh tung ra “gói hỗ trợ” cấp cứu nhưng lại vay không được.
Chế độ Hà Nội thúc ép hệ thống ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn, giúp các xí nghiệp lớn nhỏ đang điêu đứng vì cái lệnh “cách ly toàn xã hội”, hàng quán đóng cửa mà nhà cầm quyền đưa ra để chống lây lan dịch bệnh COVID-19.
Từ đầu Tháng Ba vừa qua, hệ thống ngân hàng thương mại trong nước đã được lệnh cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 0.5% đến 2.5%, lên khoảng 285,000 tỉ đồng (khoảng $12 tỉ) nhằm “tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Tư, báo VNExpress kêu rằng cái “gói hỗ trợ” đó “khó đến tay doanh nghiệp” mà theo nguồn tin thì “nhiều chủ doanh nghiệp cho biết rất khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này”.
VNExpress nêu ra một số thí dụ để chứng tỏ giữa lệnh và thực tế không diễn ra như kế hoạch giúp họ vượt qua đại nạn, mà cũng là giúp nhà nước CSVN tiếp tục thu thuế để nuôi chế độ.
Chủ một chuỗi nhà hàng món ăn Việt kêu “đang chịu thiệt hại nặng về tài chính, giờ muốn tiếp cận dòng vốn hỗ trợ cần phải có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền. Đây là điều rất khó với doanh nghiệp lúc này”.

Thợ thủ công làm gốm tại làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh. Tất cả các dịch vụ, cửa hàng thuộc loại không cần thiết tại Việt Nam phải đóng cửa để chống dịch COVID-19. Gia đình ông này sẽ ra sao nếu không bán được hàng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Chủ một doanh nghiệp thời trang ở Hà Nội thì “cũng ngao ngán khi cho biết có quá nhiều điều kiện kèm theo. Doanh nghiệp phải đi thuê mặt bằng nên không có tài sản đảm bảo giá trị lớn, cửa hàng đóng cửa nên không có nguồn thu. Vì thế, doanh nghiệp khó chứng minh được nguồn trả nợ”.
Vẫn theo VNExpress, tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết, hầu như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.
Các ngân hàng thương mại cho vay đều “đánh giá và thẩm định khả năng thu hồi nợ” mới cho vay, phải cân nhắc khi bỏ vốn ra, nếu không sẽ mất.
Giữa tuần trước, một chuyên viên kinh tế viết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn về nguy cơ sập tiệm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam “như những cây nhỏ đang phải gồng lên chống đỡ những đợt gió lớn liên tiếp từ đại dịch Covid-19, đã bắt đầu có những cây nhỏ nhất bật rễ và số còn lại khó có thể cầm cự trong thời gian dài.”
Theo ước tính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thuật lại trên tờ Tuổi Trẻ ngày 8 Tháng Tư,2020, “Có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm” vì những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh.
Tổ chức vừa kể nói trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có tới gần 35,000 doanh nghiệp sập tiệm, một con số kỷ lục từ trước đến nay. (TN) (KN) 

‘Người có công với cách mạng’ đứng đầu nhóm hưởng an sinh xã hội $2.6 tỷ ở Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – CSVN loan báo gói an sinh xã hội trị giá 62,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ) nhằm giúp khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Điều đáng nói, đứng đầu danh sách là “những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.”
Hôm 10 Tháng Tư, các báo nhà nước đưa tin “20 triệu người được hưởng gói hỗ trợ trên 62,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ).”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Khoảng 20 triệu người là những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN: “Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội ở thời điểm này là cấp bách, cũng là vấn đề chưa có tiền lệ, và theo lãnh đạo đảng, nhà nước yêu cầu, việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách. Phải công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.”
Facebooker Mỹ Ngọc viết trên trang cá nhân: “Nhà nước hỗ trợ nhưng [tôi] nộp giấy tờ cho ai. Giấy kê khai nộp công ty thì bảo về thôn. Về thôn thì bảo xuống công ty. Tóm lại biết đi đâu và về đâu. Có bạn nào làm rồi cho mình ý kiến với. Xin cảm ơn.”
Nhóm thiện nguyện Bồ Đề Tâm tặng mì gói và tiền cho người bán vé số tại Cần Thơ. (Hình: Duy Tân/Thanh Niên)
Cùng thời điểm, giới xã hội dân sự nêu nghi vấn và đặt ra một loạt câu hỏi về việc liệu gói an sinh xã hội cuối cùng có đến được tay những người yếu thế hay bị “rơi rớt” vào tay nhóm lợi ích và quan tham ở các địa phương.
Facebooker Phạm Minh Vũ, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bình luận trên trang cá nhân: “Nhìn vào danh sách ưu tiên của gói cứu trợ, người ta sẽ thấy ngay là người được hưởng ưu tiên nhất là ‘người có công với cách mạng.’ Theo tôi được biết người có công với cách mạng đã có trợ cấp hằng tháng, mà họ cũng đã lớn tuổi rồi, không phải nhóm người lao động tạo ra của cải trong xã hội, chưa kể đa số đều có con cháu không làm cán bộ ở tỉnh cũng là huyện, bèo lắm là xã, không thể đói ngay được mà phải ưu tiên khẩn cấp.”
Facebooker này cũng đặt câu hỏi: “Gói cứu trợ 62,000 tỷ đồng của chính phủ liệu sẽ đến với người cần đến? Hay nó vẫn lạc vào nơi biệt phủ xa hoa, nơi có siêu xe hàng chục tỷ đồng, nơi có bộ bàn ghế mạ vàng lóng lánh trảm phượng múa rồng bay?”
Việc giới xã hội dân sự nêu nghi ngờ về tình trạng cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ là có cơ sở, vì các báo nhà nước từng viết về chuyện này. Báo Dân Trí hồi Tháng Hai, 2018, tường thuật vụ một số hộ dân thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khi đến nhận tiền trợ giúp của nhà nước do họ bị ảnh hưởng từ bão lũ, đã buộc phải chi lại cho lãnh đạo xã 15% “tiền chè nước, đi lại.” (N.H.K)

Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi kiều bào gửi tiền về ‘chung sức vượt qua đại dịch’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “…Tôi đánh giá cao sự ủng hộ, chia sẻ quý báu, thiết thực cả về vật chất, tinh thần của bà con đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước thời gian qua… Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, tôi kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh…”
Đó là một phần trong thư ngỏ của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc “thân ái gửi bà con Việt Nam ở nước ngoài,” được các báo nhà nước đồng loạt đăng tải hôm 11 Tháng Tư.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng “những kết quả tích cực bước đầu với 50% số lượng người nhiễm [COVID-19] được chữa khỏi bệnh” là nhờ “sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị” và “đóng góp, ủng hộ hết sức quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Có thể hiểu mục đích chính của thư ngỏ nêu trên là nhằm kêu gọi kiều bào gửi hiện vật, hiện kim thông qua Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc, cơ quan duy nhất được chỉ định “độc quyền” nhận quyên góp chống dịch COVID-19.
Đáng lưu ý, để lời kêu gọi của ông Phúc thêm thuyết phục kiều bào, báo Zing đăng kèm một video clip cho thấy ông Daniel J. Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, “ca ngợi chính phủ Việt Nam, cảm ơn y bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19” và “nhấn mạnh Mỹ luôn sát cánh cùng Việt Nam.”
Cùng thời điểm với thư ngỏ của ông Phúc được đăng tải, các báo tường thuật nhiều trường hợp kiều bào “hướng về quê hương, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.” Báo Lao Động cho hay, các hội đoàn người Việt tại Pháp đã mở nhiều đợt vận động rộng rãi nhằm kêu gọi gửi tiền về tổ quốc chống dịch COVID-19. Theo báo này, Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã thu được 5,000 euro ($5,467), Hội Quốc Tế Phát Triển Giáo Dục ở Việt Nam (AIDEV) tại Pháp thu được 100 triệu đồng ($4,288).
Trang web của Đài Truyền Hình Việt Nam VTV đăng hình cho thấy ông Phạm Minh Nam, chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Người Việt tại Anh, đóng góp 1 tỷ đồng ($42,881).
Trước đó, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã công bố số tổng đài của Cổng Thông Tin Điện Tử Nhân Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc để người dân nhắn tin SMS góp tiền.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến nay nhà cầm quyền CSVN đã thu được tổng cộng 133 tỷ đồng ($5.7 triệu) nhờ cách thức này. (N.H.K)

Cần Thơ liên tiếp bắt, xử phạt người ‘nói xấu chế độ, uy tín lãnh đạo’


Anh Nguyễn Lập T. (phải) tại đồn công an. (Hình: Cần Thơ)

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Chỉ trong vòng vài ngày, các báo nhà nước liên tiếp đăng tin các vụ bắt giữ, xử phạt hành chính đối với những người bị cáo buộc “Nói xấu chế độ” hoặc “Đăng thông tin trên mạng xã hội ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo.”

Theo báo Zing, cô Mã Phùng Ngọc Phú, 28 tuổi, ngụ ở quận Ninh Kiều, bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Báo này dẫn nguồn Đội An Ninh Công An quận Ninh Kiều nói cô Phú dùng Facebook James Ng đăng tải 14 post bị cho là “không đúng sự thật về dịch COVID-19, nói xấu chế độ và nhà nước Việt Nam.”

Còn theo tờ Người Lao Động, cô Phú tham gia bình luận dưới bảy post đăng tải trên Facebook Hoang Thanh Tam Tran và Emily Page-Le với nội dung “bôi nhọ lãnh đạo đảng và nhà nước.”
Tuy vậy, hai báo này không dẫn chứng được các nội dung bị cáo buộc “nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo đảng” của cô Phú cụ thể là gì.
Trước đó, báo Cần Thơ hôm 7 Tháng Tư tường thuật về một trường hợp khác được nêu danh tính là anh Nguyễn Lập T., 27 tuổi, ngụ ở phường Cái Khế, bị thanh tra Sở Thông Tin Truyền Thông xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng ($214.4) về việc dùng Facebook Tâm Nguyễn bình luận vào post trên fanpage “Cần Thơ Hôm Nay” với nội dung “xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ.” Tuy vậy, cụ thể anh T. xúc phạm thế nào thì không được tờ báo của Đảng Bộ Cần Thơ nói rõ.
Cô Mã Phùng Ngọc Phú. (Hình: Người Lao Động)
Chính quyền Cần Thơ được ghi nhận là không dung thứ với các Facebook đưa thông tin phản biện trên mạng xã hội. Một trường hợp khác được cộng đồng mạng biết đến là ông Chung Hoàng Chương, tức Facebooker Chương May Mắn bị Công An quận Ninh Kiều bắt giam hồi giữa Tháng Giêng với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức đảng, đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của các cá nhân là cán bộ lãnh đạo của đảng, nhà nước.”
Thời điểm đó, văn bản của công an cũng quy kết ông Chương vi phạm Điều 331 Bộ Luật Hình Sự CSVN.
Trước đó, hồi cuối Tháng Mười, 2019, báo nhà nước cho biết ông Phạm Xuân Hào, kiến trúc sư, giảng viên khoa Công Nghệ trường Đại Học Cần Thơ, bị xử phạt 1 năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” cũng theo Điều 331. Tuy bị CSVN bỏ tù, nhưng vị giảng viên này lại được một số Facebooker trong giới xã hội dân sự ca ngợi “là người nêu ra các vấn đề bất công trong xã hội, chia sẻ nhiều bài viết để chống lại Luật Đặc Khu hay chia sẻ các bài viết mục đích xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn.” (N.H.K)