Thursday, February 16, 2017

Valentine - ngày chiến thắng của tình yêu trước bạo quyền

Hà Nguyễn Nam Phương-16-02-2017
(VNTB) - Nô lệ khác tự do. Khi những tên nô lệ mượn danh một chính thể để đàn áp và vùi dập những người tự do tìm kiếm lẽ phải.


Lịch sử đã chỉ ra rằng: bất cứ thể chế hay nhà nước nào dồn dân vào đường cùng, vu oan, tra tấn, đánh đập và áp bức không cho dân chúng mở mồm thì ngày tàn của nó sẽ không xa. Như môt dấu chỉ thời đại, như những tiên liệu trước của sự sụp đổ.

Khi cả thế giới đang đón chờ ngày lễ tình nhân (valentine) ngày lễ của tình yêu và những cái hôn thì chính quyền tỉnh Nghệ An trong ngày 14/02/2017 đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát đàn áp và đánh đập giáo dân, những người đi đòi công lý, đòi quyền lợi thuộc về họ khi thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra. Họ đã bị một cuộc săn lùng tàn bạo và có thể nói là những cái tát vào mặt dân của chính quyền trong ngày lễ TÌNH YÊU.

Khi người dân cất cao tiếng nói về quyền bình đẳng,về những quyền lợi đáng được hưởng, về tinh thần thượng tôn pháp luật, những nhu cầu thích đáng về kế mưu sinh đã được nhà nước thừa nhận thì họ lại bị chính những người thực thi và nhân danh pháp luật - cả một hệ thống săn lùng và khủng bố người dân như những kẻ thù hằn và đối nghịch.

Lịch sử Phương Tây đã viết rằng: vào khoảng  300 năm đầu công nguyên, tên bạo chúa Claudius của La Mã, do thích trưng binh phục vụ các cuộc chiến tranh liên miên của mình, đã nghĩ rằng, những trai tráng nếu được dựng vợ gả chồng, sẽ vì nặng gánh gia đình mà ngại hy sinh xông pha trận mạc, nên đã ra lệnh cấm trai – gái cưới xin nhau. Nhưng các lứa đôi vẫn thì thầm yêu nhau, họ lén tìm đến với cha xứ Valentine để xin làm phép hôn phối. Chuyện bại lộ, bạo chúa Claudius liền cho bắt giam tống ngục cha xứ, và chờ ngày đưa ra đoạn đầu đài. Có rất nhiều người đã cảm động trước sự hy sinh của cha xứ, một sự hy sinh cho tình yêu của mọi người, đặc biệt nhất là con gái của viên cai ngục trông giữ cha xứ, cô chẳng quản hiểm nguy đòi cha mình cho vào gặp cha xứ để bày tỏ tình cảm phục của mình. St Valentine vì không phục tùng lệnh cấm kết hôn, không phục tùng sự ngang ngược của bạo quyền mà ngài đã chấp nhận bản án chặt đầu. Tình yêu và đức hy sinh, sự hy vọng công chính, sự mong chờ hòa bình và tránh bất công đã mở đầu cho tư tưởng của ngài. Và dần về sau ngày 14/2 - ngày ngài bị thi hành án tử - đã trở thành ngày lễ tình nhân và tình yêu. Một ngày mà con người dành cho nhau những cái hôn; một ngày trọng đại để giáo hội kỷ niệm một vị thánh đã chết vì tình yêu sự thật và lẽ phải.

Con người khao khát tự do và đòi hỏi tự do. Mong chờ tự do cùng tình yêu sẽ nảy nở. Nhất là những quyền  rất cơ bản của mình được thực thi như được “nộp đơn kiện” được pháp luật bảo vệ tài sản và tính mạng. Tự do như mục tiêu đầu tiên và cuối cùng trong lịch sử, tự do vươn mình lên trong một xã hội tha hóa và bất công. Tự do nảy nở trong tinh thần khác biệt. Tự do không làm cho con người câm lặng trước cái ác. Con người khao khát hiến mình cho tự do. Nhưng tất cả đều có giá. Hôm nay chúng ta ghi nhận máu đã đổ trên những tấm thân của “công dân” -  những giáo dân đi tìm công lý.

Nô lệ khác tự do. Khi những tên nô lệ mượn danh một chính thể để đàn áp và vùi dập những người tự do tìm kiếm lẽ phải.

Có hay không tự do trên xứ sở này khi con người đi đòi những nhu cầu tối thiểu bị đàn áp, đánh đập một cách dã man không thương tiếc?

Có hay không những câu khẩu hiệu rỗng tuyếch “nhà nước của dân do dân và vì dân” ?

Nhà nước này đang phục vụ ai??? Thần dân hay công dân?

Mọi thể chế hay mọi nhà nước đều sẽ phải thay đổi, thời Claudius cũng đã qua, thời đế chế La Mã hùng mạnh và bạo tàn rồi cũng qua… Nhưng tinh thần của Valentine là không thay đổi. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và xã hội, tư tưởng của Valentine về thân phận con người và về tình yêu song hành cùng lịch sử. Nó là tấm gương về sự dấn thân, hy sinh về tình yêu và lẽ phải dù có phải chịu tù đày và bản án tử.

Sự phong thánh cho con người đấu tranh sẽ được lịch sử ghi nhận, không chỉ một hai vị thánh, ngày lễ tình nhân 2017 sẽ ghi nhận những vị thánh bị đàn áp và đánh đập.

Dù cho thế nào, ngày hôm nay sẽ là ngày của các vị Thánh giáo xứ Song Ngọc và tình yêu chắc chắn sẽ luôn luôn là người chiến thắng cuối cùng ở thế gian này.
                                                             

Huế 15/2/2017  

Những đồi sim tím 17/02: hào hùng, bất khuất và không quên

Anh Văn-16-02-2017
(VNTB) Gần 99% người Việt trẻ sẽ biết về ngày Valentine (14/02), nhưng cũng chừng đó giới trẻ có thể sẽ không hiểu rõ 17/02 (chiến tranh bảo vệ ở biên giới phía Bắc) là gì?

Vết khuyết dần được làm tròn

Suy cho cùng, cũng chỉ là một vết khuyết lớn của hệ thống chính quyền tạo ra. “Chính quyền nào thì nhân dân đó đã đúng” trong sự hiểu biết về cuộc chiến chống Trung Hoa bá quyền bành trướng.

Tôi sẽ không thể nào quên được bài viết với tiêu đề đậm “Không ai quên ngày 17-2” trên báo Tuổi Trẻ, ngắn gọn nhưng súc tích – rằng cuộc chiến của 17/02 là cuộc chiến của máu, nước mắt, bắt nguồn từ sự bất ngờ. Không ai ngờ rằng, một đồng minh trong cuộc chiến tranh ý thức hệ, lại là một kẻ thù không đội trời chung trong Hiến pháp Việt Nam. 

Có lẽ, người Việt thực sự ngây thơ, họ quá mệt mỏi với chiến tranh, họ nghĩ về 1 đường thẳng quan hệ với sự nắn đường của cái gọi là ý thức hệ và họ tin tưởng ít nhiều người anh em cung ứng cố vấn/ vũ khí trong cuộc chiến chống phương Tây, nhưng lại quên rằng đó lại là kẻ thù truyền thống – Trung Hoa.

Nhưng, cuộc chiến cũng đã lùi xa. Cái thứ còn tồn tại lại được đó là những di tích và nấm mồ biên giới nhiều thập niên không được nhắc vì “thỏa thuận” giữa chính quyền hai nước sau khi thiết lập lại ngoại giao, cho đến khi internet “gõ cửa”. Cái “gõ cửa” của thời đại công nghệ, mở toan cánh cửa thế giới phẳng, trong đó có sự thật về một cuộc chiến bị lãng quên. Cuộc chiến đó, đúng như TS Hồ Khang (Viện phó Viện Lịch sử) trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 18/02/2013 rằng: Có nhiều câu hỏi tự tôi cũng không trả lời được, theo thời gian thì sự thật vẫn là sự thật, có thể bây giờ không được nhắc nhiều. 

10.000 dân thường và hơn 10.000 người lính đã nằm xuống trên mọi địa hình của vùng biên giới.

Sự thật vẫn là sự thật

Đúng, sự thật là chúng ta đã trả giá quá đắt cho cái niềm tin hữu hảo bất diệt với nhà cầm quyền Trung Hoa, dù rằng, tì vết về sự “đổ lửa chiến tranh” của cố vấn Bắc Kinh trong “hai cuộc chiến tranh thần thánh” chính quyền Hà Nội đều nhận biết được. Sự thật rằng, chính quyền đã biến cuộc chiến hào hùng của cả một dân tộc trở thành một cuộc chiến lãng quên – ngay cả trên mặt trận báo chí. 

Có nỗi đau nào hơn thế, khi chương sử bi tráng nhất của một dân tộc là đứng lên tự vệ, chống ngoại bang trở thành một trò lấp liếm thô bỉ bởi mưa đồ chính trị.

Thời gian về sau này, biến động trong mối quan hệ Việt – Trung, internet và sức ép “minh bạch hóa” cuộc chiến của nhóm nhân sĩ yêu nước trở thành một nội lực thúc đẩy sự hiện diện 17/02 trong đời sống báo chí Việt Nam. 

Ánh mắt trẻ em miền biên khi di tản. Ảnh: internet
17/02 năm nay, truyền thông – báo chí Việt Nam đã thực sự tìm về vết tích của một cuộc chiến đỏ. Bản thân người viết, khi đọc những bài viết này, cảm thấy nhiều sự hỗn độn về mặt cảm xúc – căm phẫn, tự tôn, và bi hùng, đặc biệt với những bài viết ghi đậm ý chí ngoan cường, bất khuất của những chiến sĩ, đồng bào như “Chiến tranh Biên giới 1979: Giây phút sinh tử ở Pháo đài Đồng Đăng” [báo Infonet], với mùi pháo kích nồng nặc, ốp bộc phá, đổ xăng, phun chất độc đến bức tử bầu không khí. Và ánh mắt đầy mệt mỏi của hai em bé Cao Bằng chạy tỵ nạn, không khác gì những hình ảnh về những ánh mắt đổ sập vì cuộc chiến ở Syria, Yemen, Irag, Lybia mà báo chí hiện đại thường đăng tải. 

Sự thật là, mỗi một người tham gia trận chiến – dù ở hậu cần hay tiền phương, đều là một anh hùng của nhân dân, tổ quốc Việt Nam.

Cuộc chiến ác liệt và không thể quên đó còn cho thấy một điều, chúng ta không bao giờ được quên cái “dạ” của kẻ thù. Rằng, Trung Hoa không phải là “người anh cả” mà Hòa thượng Thích Chân Quang đã “bạo mồm” đến phỉ bang tự tôn dân rộc khi rêu rao trước nhóm Phật tử - mà đó là kẻ thù tiềm ẩn trong một người láng giềng – kẻ thù nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất trong mọi tình huống.
VNTB - Những đóa sim tím 17/02: hào hùng, bất khuất và không quên
Ngày 17/02/2017, xin dâng đóa hoa sim cho những người đã nằm xuống và mang trong minh vết tích của cuộc chiến Biên giới, nhắc nhở rằng: sẽ không quên về cuộc chiến và luôn luôn thường trực nỗi nghi ngờ đối với chính quyền Trung Hoa. Bằng cách đó, chúng ta mới giữ được nền hòa bình của quốc gia, dân tộc này.

Đó là sự thật vĩnh hằng với đất nước hình chữ S.

Nhân dân mãi là người chịu đau


Nếu như trước đây gần một năm, chính Chu Xuân Phàm tự nhận Formosa giết biển miền Trung Việt Nam bằng một câu hỏi rất kêu “Việt Nam chọn thép hay chọn cá?” thì sau đó gần một năm, chính nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã trả lời câu hỏi ai là thủ phạm chính trong việc giết chết biển Việt Nam bằng hành động ngăn chặn, đánh đập, bắt bớ, đe dọa, thậm chí ruồng bố những người dân đi kiện Formosa. Vì sao?
Vì trước đây một năm, với tính khí phổi bò của một nhà quản lý luôn ăn trên ngồi trốc, ăn to nói lớn với các quan lại địa phương và mặc dù mang thân phận một kẻ thực dân đúng nghĩa nhưng Chu Xuân Phàm lại quá được giới chức đại phương o bế bởi những đồng tiền mà Formosa ném ra nên đâm ra Phàm trở nên hống hách đến độ hoang tưởng, nghĩ rằng Formosa là kẻ mang ánh sáng cho kinh tế Việt Nam, thậm chí không chừng là ánh sáng khai thị cho Việt Nam…! Chính vì vậy, khi phóng viên VTC14 hỏi Phàm về vấn đề hải sản chết hàng loạt, Phàm không ngại ngần hỏi ngược, vừa hỏi mà cũng vừa là răn đe “Việt Nam chọn cá hay chọn thép?”.
Chính sự hống hách phổi bò của Phàm đã làm mọi chuyện trở nên xấu hơn. Nhưng xấu cho Formosa một thì xấu cho kẻ đã nhận tiền của Formosa và rước cái tập đoàn vốn bị tai tiếng về tàn phá môi trường này vào Việt Nam thì mười. Và không dừng ở đó, hàng loạt vấn đề về cho thuê đất vược quá ngưỡng cho phép của luật nhà đất Việt Nam, hoàn thuế mờ ám, các khoản lót tay có liên quan đến các quan chức cộm cán trong hệ thống trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều này dẫn đến hệ quả hết sức tồi tệ đối với các cái ghế quyền lực đang bị lung lay ở trung ương đảng Cộng sản vì Formosa nhanh chóng trở thành nhược điểm, thành tử huyệt của phe cánh thân Trung Quốc, và mọi vấn đề có liên quan đến Formosa, biển miền Trung đều có thể trở thành tử đòn đối với họ. Trong khi đó, đáng sợ nhất là các phái đối lập trong hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam vẫn chưa có động tịnh nào, họ dụng chiêu “ngư ông đắc lợi” bằng cách chấp nhận, ra vẻ như là đang thỏa hiệp với Formosa để họ đền bù một khoản tiền bé mọn có tính tính tượng trưng cho ngư dân.
Bởi 500 triệu đô là mới nghe thì to lớn nhưng nếu chia đều cho các nạn nhân thiệt hại do biển nhiễm độc khắp miền trung thì mỗi người nhận chưa được 10 đô la. Số tiền này đủ để mua bánh mì lạt ăn sáng chừng hai tháng cho một người. Nếu cộng thêm bữa trưa, bữa tối thì ăn nhín uống nhịn chưa đủ một tuần. Trong khi đó, phía chính phủ lại phân năm xẻ bảy số tiền đó ra để lên các “dự án lớn, có tính lâu dài cho ngư dân”. Và đương nhiên, số tiền đền bù chỉ còn lại chưa đầy 3 đô la trên mỗi nạn nhân bị thiệt hại kinh tế. Người dân bức xúc là chuyện đương nhiên!
Khi người dân càng bức xúc thì có một nhóm chính trị trong nội bộ trung ương đảng Cộng sản càng thấy vui và ngồi rung đùi, án binh bất động để xem trận đấu. Trong khi đó, phe phái đã từng có liên hệ với Formosa và chính quyền Trung Quốc tỏ ra lo lắng và bất an, vì nếu như sự vụ này thực sự đưa ra ánh sáng, thanh tra chính phủ sẽ chính thức vào cuộc để bứt một dây mà động cả rừng.
Và ở đây, rõ ràng cả hai phe cũng chẳng tốt đẹp gì với nhân dân mà chỉ toàn là lợi dụng nhân dân. Kẻ thì bán đứng dân tộc, bán đứng tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia cho ngoại bang. Kẻ kia thì bán đứng sinh mệnh và quyền lợi nhân dân cho nước cờ chính trị của mình. Ở đây, chỉ có nhân dân là chịu thiệt mọi bề.
Kinh tế gia đình khủng hoảng, sinh kế bị đập nát, muốn nộp đơn khiếu kiện kẻ đã gây ra sự thiệt hại cho con người và tài nguyên quốc gia thì liền bị kẻ đã đi đêm với Formosa chặn đứng bằng mọi giá và ruồng bố. Bởi nếu người dân kiện được Formosa, truy ra manh mối tội lỗi thì điều đó cũng đồng nghĩa với sự thành công, ván cờ chính trị đã đến lúc bị đối phương chiếu nước bí. Chính vì vậy mà bằng mọi giá, họ phải chặn đứng nhân dân kiện Formosa nhằm bít những lỗ hổng tội lỗi của họ.
Thử đặt một giả thuyết, nếu không có cuộc đấu đá chính trị này, thẳng tay trừng trị Formosa và đưa tập đoàn này ra tòa án quốc tế nếu họ không đền bù đúng mức và thẳng tay đóng cửa Formosa thì nhân dân có phải đội đơn đi kiện, phải biểu tình như đã có?
Chắc chắn là nhân dân sẽ bái phục nhà cầm quyền và chẳng rỗi hơi đâu mà đi biểu tình nếu như nhà cầm quyền đối xử tốt với dân. Nghiệt nỗi, ở đây, cái bóng của Formosa quá lớn, đụng đến nó là đụng đến chỗ nhạy cảm nhất của hệ thống chính trị nên một kẻ khôn ranh sẽ không lựa chọn đụng đến nó mà để cho nó tự diễn biến.
Chiêu bài để Formosa tự diễn biến đã xảy ra, không có vụ trừng phạt hay kiện tụng nào cả, Formosa tha hồ diễn trò cúi đầu xin lỗi, rơi nước mắt trước bàn dân thiên hạ và bỏ ra một chút tiền đền bù, bỏ thêm một chút tiền đút lót. Và đương nhiên cả kẻ thủ phạm và kẻ chơi đòn triệt đối phương đều có thể vui vẻ nhận tiền. Nước cờ tự nó ắt đi đến chung cục. Một kiểu vừa đánh cờ vừa gọi cà phê thuốc lá cho cả đối phương để xem đối phương loay hoay đi vào nước bí của mình.
Và trong cuộc cờ này, chỉ có nhân dân mất tất cả. Hai phe đánh nhau, kẻ nào ngã ngựa thì trắng bụng về quyền lực nhưng cũng đủ tiền bạc để sống nhiều đời, nhiều họ. Kẻ thắng thì một tay thâu tóm quyền lực làm vua một cõi. Chỉ có nhân dân héo mòn, đau khổ và tuyệt vọng vẫn cứ nỗ lực, cố gắng đi tìm công lý, đi tìm sự thật. Trong khi đó, sự thật nằm trong nước cờ chính trị của các bên, chính vì vậy, khi nhân dân đi tìm sự thật cũng có nghĩa là đang đụng đến vấn đề tử sinh của phe nhóm chính trị, đụng đến thủ phạm bự con nhất trong các vụ liên quan đến cái chết của môi trường Việt Nam. Và nhân dân cứ mãi là người chịu đau trên ván cờ chính trị, trong bữa tiệc lịch sử!

Đàn áp người kiện Forrmosa thêm một bằng chứng của một bè lũ tay sai bán nước


Việc sáng ngày 15 tháng 2 năm 2017, Đức Cha Phao Lô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo Phận Vinh, với tư cách bề trên đã yêu cầu bà con giáo dân trở về nhà và để cho người đại diện đi nộp đơn công ty Formosa Hà Tĩnh tại Tòa án ND Kỳ Anh, vì lo ngại nếu tiếp diễn sẽ còn tiếp tục đổ thêm nhiều máu.
Đây là một điều may mắn cho mọi phía, trước hết là những người giáo dân hiền lành ở Quỳnh Lưu.
Việc tổ chức đi kiện Formosa Hà Tĩnh của bà con Giáo dân Quỳnh Lưu - Nghệ An là một hành động hợp pháp, phù hợp với luật pháp Việt Nam. Được biết, nguyên nhân của việc khiếu kiện này xuất phát từ lý do, người dân ở đây bị thiệt hại do Formosa xả thải nhưng không được bồi thường, vì nằm ngoài phạm vi 4 tỉnh theo quy định, cho dù họ đã gửi đơn tới các cơ quan nhà nước nhiều tháng nay nhưng không nhận được câu trả lời.
Trước việc các nhân viên công lực của chính quyền tỉnh Nghệ An, đã sử dụng vũ lực trên mức cần thiết, nhằm cản trở hành trình đi khiếu kiện Formosa Hà Tĩnh của các Giáo dân ở Quỳnh Lưu - Nghệ An ngày 14 tháng 2 năm 2017. Đây thực sự là một nỗi hổ thẹn của một chính quyền nhà nước. Khi họ đã bất chấp công lý, hiến pháp và pháp luật cũng như quyền của người dân.
Trước những sai trái trầm trọng của Formosa Hà Tĩnh trong việc xả thải, làm ô nhiễm môi trường trầm trọng vùng biển của 4 tỉnh phía Bắc Trung Bộ, xâm phạm cuộc sống của hàng chục vạn người dân trong khu vực này do không có việc làm. Vậy mà các sai trái đó đã không được xử lý theo đúng luật pháp, ngược lại chính quyền nhà nước đã nhiều lần phớt lờ các đòi hỏi của dân chúng. Họ đã công khai bao che thậm chí là đồng lõa, với kẻ phạm tội hủy hoại môi trường là Formosa Hà Tĩnh trong suốt gần 10 tháng qua.
Việc hàng trăm Giáo dân Quỳnh lưu cùng nhau vượt đường xa để đến Tòa Án Thị Xã Kỳ Anh để kiện Formosa Hà Tĩnh trong tinh thần bất bạo động là một chỉ dấu của lối ứng xử thượng tôn luật pháp và tiến bộ. Trước sự ngăn cản và phá đám của phía chính quyền bằng mọi cách, bà con đã chấp nhận cả việc đi bộ trên một quãng đường dài gần 200 km để đòi hỏi công lý cho bản thân và gia đình mình.
Tuy vậy, trước các hành động mang tính xây dựng đó đó, phía chính quyền đã có cách hành xử thiếu suy nghĩ và tính tóan. Họ đã sử dụng bạo lực hòng ngăn cản và giải tán bằng bạo lực từ phía chính quyền. Và chỉ ngày xuất phát đầu tiên thì súng đã nổ và máu đã đổ.
Đây cũng chính là cái mất lớn nhất của nhà cầm quyền và ngược lại nó là cái được lớn nhất của bà con Giáo dân. Đó là điều mà các vị lãnh đạo tinh thần trong công đồng Thiên Chúa giáo muốn. Đó là để thể hiện chính nghĩa, đồng thời đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh cũng như các quan chức nhà nước gây ra. Chứ họ thừa biết kiện hay không thì cũng chẳng bao giờ được chính quyền này giải quyết. Nhà nước thua họ ở chỗ đó.
Nhận xét về thực trạng này, LS. Lê Công Định đã cho rằng, "Chưa từng thấy ở quốc gia nào thời hiện đại người dân muốn thực thi quyền hiến định và luật định của mình - quyền khởi kiện - lại bị nhà cầm quyền gây trở ngại, bác bỏ và tước đoạt như thế này."
Cộng đồng Thiên Chúa Giáo, đặc biệt là Giáo Phận Vinh là một tổ chức XHDS hoàn chỉnh, đoàn kết, thông nhất. Ở đó hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để có đủ sức mạnh và họ sẽ không bao giờ khuất phục. Có lẽ vì lý do đó, nên các cấp chính quyền luôn nghi ngờ và đã chọn cho mình cách hành xử không phù hợp. Họ không biết rằng, với các tiến bộ của công nghệ thông tin, tại thời điểm đó toàn thế giới , nhất là các quốc gia tiến bộ họ đã chú ý vào điểm nóng này. Cho nên, nếu các cấp chính quyền biết  được điều đó thì sẽ không bao giờ họ có những hành xử thô bạo, chà đạp luật pháp như thế.
Quỳnh Lưu nói riêng, Nghệ An, Hà Tĩnh hay mảnh đất miền Trung nói chung, xưa nay là vùng đất linh địa và cách mạng. Đến hôm nay, mọi mầm mống cho một cuộc bạo loạn luôn rình rập và đang hiện hữu. Vấn đề chỉ là chờ ngòi nổ để bùng phát và cách hành xử thô bạo của lực lượng công an Quỳnh Lưu chính là đã tạo cơ hội cho cái đó.
Cách hành xử vừa qua của Công An Quỳnh Lưu - Nghệ An xuất phát từ sự ấu trĩ chính trị, thiếu tỉnh táo, cộng với thái độ coi thường dân chúng và vô trách nhiệm với nhân dân. Họ không chỉ đã tự đánh mất tính chính nghĩa của một chính quyền mang danh kiến tạo, phục vụ nhân dân như khẩu hiệu của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đưa ra. Mà chính các hành động của họ như vừa qua, không khác hành động tự đạp ghế đang đứng của một kẻ tự treo cổ mình.
Không biết vào thời điểm đó, ông Thủ tướng Phúc đã có các chỉ thị hay những hành động gì cần thiết để điều chỉnh hay không?
Theo bản năng của phần con trong mình mỗi con người, thường người ta hay nghĩ đến việc sử dụng sức mạnh trước khi dùng lý lẽ. Điều này tồn tại trong mọi xã hội đối với những cá nhân thiếu lý trí. Song một tổ chức, nhất là một tổ chức Nhà nước mà hành xử theo lối của kẻ mạnh, bất chấp luật pháp, lẽ phải và công lý thì đó là điều khó có thể chấp nhận được.
Trên trang facebook cá nhân của mình, Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà - Cô gái Đồ Long đã viết rằng, "Một nhóm người đứng đầu quốc gia luôn đặt lợi ích của cá nhân, của đảng phái của họ hơn lợi ích của đất nước, của người dân. Vì tình anh em của họ, họ sẵn sàng bỏ đi những sinh mạng của ngư dân ngày đêm bám biển đảo quê hương. Vì 16 chữ vàng, họ đục bỏ khỏi sách giáo khoa cuộc xâm lăng của giặc làm 6 vạn sinh mạng đồng bào mình nằm xuống. Vì lợi ích, họ đã để mấy trăm ngàn ngư dân chết mòn trong một vùng biển chết, và của cả thế hệ tương lai".
Đó là điều không thể đúng hơn với ban lãnh đạo Đảng CSVN, một bè lũ tay sai bán nước hiện nay.
Ngày 16 tháng 02 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Quanh chuyện 700 tỷ bà Thoa

 02/16/2017 - 10:35 — truongduynhat
Tôi không nói việc truy tra nguồn gốc số tài sản 700 tỷ của bà Thoa (Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương) là sai. Nhưng nó thiếu công bằng, và nặng mùi đấu tố.
Báo chí, bắt đầu lôi cả hình ảnh con gái bà Thoa ra bêu.
Công khai tài sản quan chức là đúng. Nhưng quan hàng Thứ trưởng hoặc cao hơn, xuất thân từ các “đại doanh” nhà nước, đâu một Hồ Thị Kim Thoa? Không quen bà Thoa, nhưng tôi quen biết nhiều "quan đại gia" mà số tài sản 700 tỷ chỉ là muỗi.
Điều này, tôi tin nhiều người thấy.
Trong số ấy, có kẻ bất tài dốt nát lót tiền mua chức. Nhưng cũng không phải là không có những người giỏi thật sự. Họ là những doanh gia giỏi, thành danh và giàu có trước khi vào chốn Ba Đình. Sự giàu có của họ, đáng phải được tôn vinh.
Nghi ngờ, truy tra nguồn gốc tài sản của những doanh gia như thế. Trong khi lại không đặt dấu hỏi nào về tài sản của những quan chức vốn chỉ xuất thân từ một "thằng gánh củi", "gã hoạn lợn", hay một ... thằng y tá, hoặc loại quan từ đôi dép lết ngoắt cái nhà dát vàng nạm ngọc.
Quan loại đó đâu phải ít? Thậm chí nhiều người vẫn đương quyền, lại còn trong diện "quy hoạch".
Ngay cả trường hợp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình. Tại sao không bị truy tra như bà Thoa? Nguồn gốc từ đâu, với khối tài sản, đất đai được cho là khủng khiếp của con cháu, anh em trong gia đình ông Dũng?
Tôi không bênh bà Thoa. Nhưng quan chức hàng bà, 700 tỷ là muỗi. Thiên hạ từng đồn đoán tài sản của gia đình, con cháu, dòng tộc "đồng chí X" nọ còn lớn hơn ngân khố quốc gia.
Nếu truy bà Thoa, thì nhân chuyện bà Thoa, làm tới đi. Đừng chừa một ai, đừng tha thằng X nào!
Đừng để người dân nhìn vào bảo: Mấy ông giành miếng với nhau. Chúng nó đánh trừ nhau, chứ vì dân vì nước chi!

Lập thành tích chào mừng ngày TQ xâm lược VN’: Công an Lạng Sơn “cấm quay phim, chụp ảnh”

Tô Oanh-16-02-2017
(VNTB) - Nhưng thật bất ngờ, xe chúng tôi vừa đến cổng nghĩa trang, một đám người không sắc phục, cả nam lẫn nữ trên 30 người ùa ra…

   Đoàn phải biểu thị ngoài đường

Hưởng ứng phong trào biểu dương, tri ân tinh thần Hoàng-Trường Sa và Biên giới, sáng 14/2/2017, anh em chúng tôi ở Bắc Giang tự nguyên rủ nhau thuê xe lên viếng Mộ các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh năm 1979 hiện đang an nghỉ  tại Nghĩa trang Liệt sỹ TP Lạng Sơn.

Những ngày này, nhiều tướng lĩnh còn nói về cuộc chiến 17/2/79 như nội dung bài theo đường Links sau : http://hoigiaochucchuvanan.blogspot.com/2017/02/chung-ta-phai-noi-cho-con-chau-biet-ban.html

Nhưng thật bất ngờ, xe chúng tôi vừa đến cổng nghĩa trang, một đám người không sắc phục, cả nam lẫn nữ trên 30 người ùa ra. Họ vây chặt chúng tôi. Sau khi nói rõ lý do về chuyến đi của chúng tôi, họ đã vin đủ cớ để ngăn cản việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn này: Nào là muốn thắp hương thì phải có giấy giới thiệu, phải liên hệ trước, phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương, nghĩa trang đang sắp chuẩn bị tu sửa..v v.. Cổng Nghĩa trang thì đóng im ỉm, không có biển đề “ cấm quay phim, chụp ảnh”.


Sau một hồi cự cãi và lý sự cùn của đám an ninh, chúng tôi muốn chụp vài tấm hình họ cũng không cho. Ai đưa máy ảnh hoặc điện thoại lên là đám “cô hồn không sắc phục” này lao tới cướp, chặn. Biết đã gặp bọn bán nước cầu vinh, tay sai Tàu cộng nên chúng tôi đành đi lễ đền trên Đồng Đăng và thăm cửa khẩu Tân Thanh. Dọc đường đi 2 xe con và nhiều xe máy chở 2, hoặc 3 đi trước, đi sau “ hộ tống “ chúng tôi. Bữa ăn trưa của chúng tôi cũng có gần 10 an ninh nam, nữ trẻ đứng “ hầu “ ngay gần bên. Đặc biệt ngành an ninh Lạng Sơn cần tuyên dương nữ cảnh sát mặc áo màu hoa mười giờ, tóc nhuộm kiểu đuôi bò vàng. Cô ta rất hăng hái cản phá mọi người. Từ Lạng Sơn đi Đồng Đăng và Tâm Thanh gần 30 km, lúc nào cô ta cũng đèo 3 mà chẳng cần mũ bảo hiểm gì cả. Đoàn về đến địa phận tỉnh Bắc Giang thì xe của an ninh Lạng Sơn “ bàn giao “ chúng tôi cho công an tỉnh Bắc Giang. Công an tỉnh nhà lại có nhiệm vụ giám sát 10 dân oan và cựu chiến binh cho đến tận sáng nay 15/2/2017 mới thôi. 

Đoàn vào thăm và trao quà cho thương binh Nguyễn Xuân Phúc (không phải Phúc thủ tướng)

Vụ Giáo dân Song Ngọc: 'Báo Nghệ An giật tít chụp mũ?'

Theo BBC-42 phút trước 


Linh mục Nguyễn Đình ThụBản quyền hình ảnhGIÁO SỨ SONG NGỌC
Image captionLinh mục Nguyễn Đình Thục là người dẫn đầu giáo xứ Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An trong vụ xuống đường kiện Formosa hôm 14/2/2017.

Khi nói linh mục quản xứ Song Ngọc, thuộc địa phận giáo hội Vinh ở Nghệ An là 'đẩy giáo dân tới hành vi vi phạm pháp luật' trong sự kiện hàng trăm giáo dân Song Ngọc xuống đường đòi kiện doanh nghiệp Formosa, báo Nghệ An đã 'giật tít có tính chất chụp mũ', theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Tờ báo là cơ quan của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An hôm 14/2 bình luận về Linh mục Nguyễn Đình Thục có đoạn:
"Hành vi kích động, tổ chức một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện Công ty Formosa của ông Nguyễn Đình Thục ngày 14/2 không chỉ gây mất ổn định về an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc sống, lao động sản xuất của người dân, mà còn đi ngược đường hướng, giáo lý của đạo Công giáo, trái với chức trách, bổn phận của một chức sắc tôn giáo."


Hôm 16/2, báo mạng VnExpress đưa tin về vụ việc, nói:
"16 cán bộ, cảnh sát của Nghệ An đã bị thương trong vụ xô xát với hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc ngày 14/2.
"Vụ việc được Thông Tấn Xã Việt Nam đánh giá là "phức tạp" xảy ra tại Giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo nguồn tin này, ngày 10/2, Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, soạn "thư ngỏ" kêu gọi các linh mục và cộng đoàn các Giáo xứ Hiệp Thông, cầu nguyện cho giáo dân Giáo xứ Song Ngọc đi gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa tại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 14/2/2017."
Phản biện với BBC hôm thứ Năm 16/2, về quan điểm này của báo Nghệ An, nhà báo Trần Tiến Đức, nhà quan sát xã hội dân sự từ Việt Nam nói:
"Tôi nghĩ rằng bản thân tờ báo giật tít như vậy là mang tính chất chụp mũ, tôi nghĩ rằng một Giám mục là người ta phải có trách nhiệm với cộng đồng giáo dân mà người ta được giao trách nhiệm phụ trách.
"Khi cộng đồng giáo dân muốn đi khiếu kiện, muốn đưa đơn kiện, thì trách nhiệm của người đứng đầu của sứ đạo ấy là phải cùng với dân hướng dẫn người dân đi theo, làm theo đúng luật pháp và đi trật tự, thì tôi không nghĩ rằng chuyện ấy là ông ấy kích động."

Nhẹ dạ, cả tin?

Nguyên Vụ trưởng Ủy Ban Dân số của Chính phủ Việt Nam và cựu thành viên Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), ông Trần Tiến Đức, nói thêm với Bàn tròn thứ Năm:


"Thứ hai, tôi thấy rất buồn cười rằng khi nói những người đi khiếu kiện là những người 'nhẹ dạ, cả tin', tại sao lại coi thường người dân thế nhỉ? Người dân có suy nghĩ của người ta, có tính toán của người ta và như các diễn giả đều nói là ảnh hưởng đến quyền lợi của người ta.
"Và người dân phải được tham khảo ý kiến, tôi nghĩ rằng khi xây nhà máy Formosa, chắc dân ở đấy cũng chẳng ai được hỏi. Và đến khi thảm họa xảy ra, thì dân cũng không được tham khảo.
"Tôi nghĩ rằng muốn xác định mức độ phạm tội của Formosa như thế nào, thì phải có những điều tra rất kỹ lưỡng và phải đưa ra tòa, chứ không phải là những quyết định hành chính.

Nhà báo Trần Tiến ĐứcBản quyền hình ảnhFB TRẦN TIẾN ĐỨC
Image captionNhà báo Trần Tiến Đức cho rằng không nên đánh giá thấp và coi thường người dân

"Cho nên tôi nghĩ rằng bài báo, cái lối viết như thế, tôi còn nhớ những đợt người dân yêu nước ở Hà Nội đi biểu tình để chống vụ Giàn khoan (HD-981) rồi biểu tình để tưởng nhớ, hoặc là tụ tập để tưởng nhớ những liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ biên cương của đất nước, thì lại gọi, kêu là những người 'nhẹ dạ, cả tin', rồi thế này, thế nọ.
"Tôi nghĩ đấy là một đánh giá rất sai về người dân, những người dân... này đã bao nhiêu năm chiến đấu để đem lại độc lập, tự do cho đất nước này..., (những người dân này gọi họ là 'nhẹ dạ, cả tin' hay sao?), tôi nghĩ rằng đấy là một phát biểu rất nực cười và không thể chấp nhận được!", nhà báo Trần Tiến Đức nói với BBC hôm thứ Năm.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu ý kiến, quan điểm của các vị khách tham dự Bàn tròn thứ Năm về chủ đề 'Giáo dân Song Ngọc đi kiện Formosa' trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.

TQ đòi VN xin lỗi người 'bị biên phòng Móng Cái đánh'

Theo BBC-6 giờ trước

Móng Cái là một trong các cửa khẩu chính trên biên giới Việt-TrungBản quyền hình ảnhCỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TP MÓNG CÁI
Image captionMóng Cái là một trong các cửa khẩu chính trên biên giới Việt-Trung
Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi công dân của họ mà họ nói đã bị cán bộ biên phòng Móng Cái đánh hôm 7/2 khi không chịu đưa tiền.
Vụ này, theo phía Trung Quốc, đã "gây công phẫn trong cộng đồng mạng" Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho hay một công dân Trung Quốc, tên là Xie, bị ít nhất tám nhân viên biên phòng ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đánh đập khi người này xuất cảnh hôm 7/2 sau chuyến sang Việt Nam chụp ảnh cưới.
Nguyên do, theo phía Trung Quốc, là vì ông Xie từ chối đưa tiền mà cán bộ Việt Nam vòi vĩnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm thứ Năm 16/2 người phụ trách Cục Lãnh sự thuộc bộ này có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh Đặng Minh Khôi để "một lần nữa bày tỏ quan điểm cứng rắn của chúng tôi".
Ông Cảnh nói: "Trung Quốc yêu cầu Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, xử lý nghiêm khắc những người liên quan và có biện pháp hữu hiệu để bảo đảm việc này không tái diễn".
Ông cho biết thêm là phía Việt Nam đã đình chỉ công tác tám người trong vụ này.
Đại diện tỉnh Móng Cái trong một cuộc phỏng vấn với BBC bác bỏ đã có việc đánh công dân Trung Quốc và chỉ nói đã xảy ra giằng co.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/2 nói với báo giới rằng họ đang "làm rõ vụ việc và sẽ giải quyết theo đúng bản chất sự việc".
Trước đó truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Xie Feng (không phải tên thật), 28 tuổi, cùng mẹ là bà Chen và vợ chưa cưới là cô Ren Lili (không phải tên thật) vào Việt Nam hôm 25/1. Cô Ren nói với tờ Beijing Times họ đã đưa khoản tiền là 330 Nhân dân tệ (khoảng 48 USD) cho nhân viên cửa khẩu.
Đến lúc về, khi được yêu cầu trả tiền, Xie đã rời cơ quan hải quan Móng Cái và chuẩn bị gọi điện cho người bạn để hỏi xem có đúng họ cần trả tiền lần nữa không.
"Người phụ nữ yêu cầu chúng tôi trả tiền bắt đầu hô to điều gì đó bằng tiếng Việt, và bảy tám cán bộ biên phòng xúm vào đánh anh ấy", Cô Ren nói tiếp trên truyền thông Trung Quốc.
Anh Xie bị còng tay và dẫn trở lại nơi làm thủ tục hải quan. Các cán bộ biên phòng buộc chân và đưa Xie lên một phòng ở tầng hai nơi họ tiếp tục đánh anh, cô Ren cho biết.
Sau khi được cho phép qua cửa khẩu vào Trung Quốc trước, cô Ren nhờ các cán bộ biên phòng Trung Quốc trợ giúp. Anh Xie và mẹ sau đó được qua cửa khẩu và anh Xie được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Móng Cái là một trong các cửa khẩu chính trên biên giới Việt-Trung. Năm 2013, ước tính có hơn 4,4 triệu người Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu này.