Thursday, April 2, 2015

Trung Quốc nói láo gần bằng nhà báo


Vài ba sự thật bị báo chí lãng quên khi nói về Trung Quốc

Hùng Tâm/Người Việt

Chính quyền Hoa Kỳ đang mắc nợ rất nặng.

Tính đến ngày 30 Tháng Ba vừa qua thì nợ “tư nhân” trong và ngoài nước là hơn 13 ngàn tỷ đô la, khoản nợ của các cơ quan công quyền với nhau là hơn năm ngàn tỷ. Tổng cộng là: 18 ngàn tỷ 152 triệu 327 ngàn 875 đô la và 93 xu. Tại sao chúng ta biết đến tận số lẻ như vậy? Vì đây là con số được Bộ Ngân Khố (Bộ Tài Chánh của các nước khác), tính hàng ngày hàng giờ và niêm yết trên mạng www.treasurydirect.gov/NP/debt/current cho công chúng gần xa cùng biết.

Trung Quốc cũng mắc nợ rất nặng, mà nợ bao nhiêu và ai nợ ai thì chúng ta không biết. Cũng như chẳng biết là khối dự trữ ngoại tệ mà nhà nước Bắc Kinh nắm trong tay là bao nhiêu, đấy là một bí mật quốc gia. Mọi dữ kiện kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (quốc doanh) cũng thế. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế mới phải ước tính bằng các cuộc khảo sát kết hợp với những phương pháp thống kê khá chuyên môn.

Hồ Sơ Người Việt sẽ khởi sự từ sự khác biệt đó, để nói về chuyện khác.

Nợ nần của Trung Quốc

Cách nay một tháng, viện nghiên cứu của tổ hợp tư vấn về quản trị McKinsey (thành lập từ 1926, doanh lợi là gần tám tỷ đô la, cố vấn cho 80% các doanh nghiệp lớn nhất thế giới) vừa công bố một phúc trình về tình hình nợ nần toàn cầu.

McKinsey kết luận là sau vụ khủng hoảng 2008 vì nợ quá nhiều thì tình hình chưa cải thiện, các nước còn mắc nợ hơn trước. Phúc trình mấy trăm trang khá chuyên môn này là tài liệu khó nuốt cho nhà báo. Cho nên chúng ta ít biết về những rủi ro đang tích lũy đâu đó khi người ta mắc nợ quá nhiều.

Ðáng chú ý trong phúc trình của McKinsey Global Institute là tình trạng nợ nần của Trung Quốc. Thứ nhất là tăng vọt, thứ hai là lên tới mức khổng lồ.

Tổng số nợ của Trung Quốc được ước tính khoảng hai ngàn tỷ 100 triệu đô la vào năm 2000, rồi bẩy ngàn tỷ 400 triệu vào năm 2007, trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Trong bảy năm mà tăng hơn gấp ba. Nhưng tới cuối năm 2014 thì tổng số trái khoản ấy lên tới 28 ngàn 200 tỷ đô la (cho dễ hiểu thì đấy là số 28 trước 12 con số không); trong bảy năm nhân gấp bốn.

Cho năm 2014, sản lượng kinh tế của Trung Quốc được ước lượng là 10 ngàn đô la. Nghĩa là một quốc gia sản xuất được 10 ngàn mà mắc nợ đến 28 ngàn. Ðấy là vấn đề.

Giới kinh tế thu gọn cho dễ nhớ là tổng số nợ của Trung Quốc cao bằng 282% của Tổng sản lượng Nội địa GDP. Nhà báo thì viết là 282% GDP. Thế rồi thôi. Ðấy là vấn đề khác, của truyền thông.

Ðào sâu vào đó, ta mới thấy ra tình hình còn nghiêm trọng và rắc rối hơn vậy.

Khi phân giải tổng số nợ (28 ngàn tỷ) người ta thấy công trái của Trung Quốc (nợ của khu vực công quyền) lên tới năm ngàn tỷ rưỡi (55% GDP). Nợ của các tổ chức tài chánh, thí dụ dễ hiểu là các ngân hàng hay công ty tín dụng lên tới 65% GDP; của các doanh nghiệp ngoài khu vực tài chánh là 125% GDP; và của các hộ gia đình là 38% GDP.

Ðể so sánh, bốn tỷ lệ ấy của Hoa Kỳ lần lượt là 89% (công trái), 36% (tài chánh), 67% (doanh nghiệp) và 77% (gia đình). Nước Mỹ mang tiếng là mắc nợ, có tổng số nợ lên tới 269% của Tổng sản lượng và nợ nhiều nhất là công quyền và các hộ gia đình. Trung Quốc mắc nợ nặng nhất trong hai khu vực kinh doanh tài chánh và không tài chánh, tổng cộng lên tới 190% GDP.

Khi độc giả đã chịu khó đọc tới dòng chữ đầy số này thì cũng nên biết luôn rằng doanh nghiệp của Trung Quốc không có sổ sách minh bạch và kế toán rõ ràng.

Khoản nợ lên tới 190% GDP hay 19 ngàn tỷ có rất nhiều nợ xấu. Giới tài chánh gọi đó là “nợ không sinh lời” - non performing loan - và có thể mất. Mà xấu tới cỡ nào thì chẳng ai biết, kể cả người trong cuộc là doanh nghiệp hay Ngân Hàng Trung Ương và các bí thư đảng bên trong các tổ chức này. Trong tổ chức của bộ máy nhà nước, kể cả các công ty quốc doanh, đều có chi bộ đảng sinh hoạt, và có một đảng viên giữ vai trò bí thư, để ghi chép và báo cáo mọi sự mà bên ngoài không được biết, thị trường tất nhiên là không.

Thêm một chi tiết nhức đầu khác là hệ thống vay mượn ngoại ngạch của các ngân hàng, ngoài bảng kết toán tài sản, hay shadow banking, được gọi là “ngân hàng chui” cho dễ hiểu. Số nợ này lên tới sáu ngàn tỷ 500 triệu và trút vào các nghiệp vụ đầu cơ đầy rủi ro của các đại gia có quan hệ lớn. Chỉ so sánh riêng khoản nợ bấp bênh ấy (6,500 tỷ của một nền kinh tế 10,000 tỷ), ta thấy ngay rằng dự trữ ngoại tệ bằng gần bốn ngàn tỷ (và đang sụt) của nhà nước thì chẳng có nghĩa lý gì. Khi ấy, có phải tính thêm dự trữ vàng của Trung Quốc ở khoảng 4,500 tỷ nữa không? Bán vàng đem đổ sông Ngô?

Kết luận ở đây là Trung Quốc đang gặp rất nhiều rủi ro về tài chánh. Giới chuyên môn đánh giá là còn nguy ngập hơn Hoa Kỳ thời 2008 hay Nam Hàn thời 1997 hoặc Nhật Bản thời 1991.

Nhà báo nói láo

Thế thì tại năm ngoái các nhà bình luận lại báo động về khả năng khuynh đảo của Bắc Kinh khi họ thành lập “Ngân hàng phát triển mới” của nhóm BRICS là Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi với số vốn 100 tỷ? Thế giới đã có tám ngân hàng phát triển, kể cả Ngân Hàng Thế Giới có tính chất quốc tế và toàn cầu, và nhiều ngân hàng phát triển địa phương khác. Nay sẽ có thêm ngân hàng BRICS. Chẳng có gì là ghê gớm.

Rồi vì sao thế giới lại vừa hốt hoảng rằng Bắc Kinh muốn đẩy lui ảnh hưởng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Thế Giới WB và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB với sáng kiến thành lập Ngân Hàng Ðầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB?

Các nhà báo vô tình nói láo - vì không hiểu gì hết?

Theo những gì đã được Bắc Kinh trình bày vào Tháng Mười năm 2013 rồi khai triển từ Tháng Sáu năm ngoái thì Ngân Hàng AIIB có chức năng khác với IMF. Nếu có ý cạnh tranh thì AIIB chỉ có thể cạnh tranh với ADB tại Á Châu, một định chế đã có 50 năm hoạt động, trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, với số vốn hiện nay là 165 tỷ và kết hợp với Ngân Hàng Thế Giới về trình độ nghiệp vụ.

Nói về Ngân Hàng Thế Giới thì đấy là định chế được thành lập chủ yếu để tái thiết Âu Châu sau Thế Chiến II. Rồi mới mở rộng hoạt động sang lãnh vực phát triển qua hai địa hạt chính là tài trợ nhẹ lãi và cố vấn kỹ thuật cho các nước nghèo. Trong số các nước đó có Trung Quốc.

Bắc Kinh mà được thế giới ngợi khen là tạo ra phép lạ kinh tế thì một phần cũng nhờ sự cố vấn của Ngân Hàng Thế Giới, và từ khi mở cửa thì được Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tài trợ tổng cộng 70 tỷ Mỹ kim. Ngày nay Trung Quốc vẫn còn được Ngân Hàng Thế Giới giúp đỡ trong khi đem mồi nhử với “ngân hàng đầu tư” - khác với “ngân hàng phát triển.”

Trình độ thành công của một ngân hàng phát triển - tài trợ nước nghèo với điều kiện ưu đãi theo tôn chỉ vô vụ lợi - tùy vào khả năng thẩm định, thực hiện và quản lý các dự án dài hạn. Khả năng đó của Trung Quốc đã được thấy qua nhiều tai nạn, như trong lãnh vực hỏa xa khiến một bộ trưởng Hỏa Xa đã bị kỷ luật, hay tai họa về môi sinh như trong quá nhiều dự án kiều lộ hay thủy lợi. Và thiện chí phát triển Á Châu của Trung Quốc thì có thể được thấy trên sông Mêkông hay ngoài Ðông Hải.

Kết luận ở đây là báo chí chưa làm đúng chức năng thông tin của mình.

Với mấy chục ngàn tỷ nợ, trong đó có nhiều ngàn tỷ sẽ mất, nếu Bắc Kinh có tung ra vài trăm tỷ để mua chuộc thế giới bằng ngân hàng này hay ngân hàng kia thì cũng chẳng thấm vào đâu. Ý chí chính trị của họ thì có thừa mà khả năng chuyên môn vẫn còn thiếu. Trong mấy tuần qua, chẳng thấy ai nêu lên mấy vấn đề ấy, mà chỉ thấy người ta phê phán Hoa Kỳ và Nhật Bản đã không hưởng ứng sáng kiến của Trung Quốc!

Học phép IMF

Sau Ðại Hội khóa 18 vào Tháng Mười Một năm 2012 rồi jội nghị kỳ ba của Ban Chấp Hành Trung Ương vào năm kia, lãnh đạo Trung Quốc đã nói đến nhu cầu chuyển hướng và cải cách kinh tế cho sát với quy luật thị trường. Trong lần gặp gỡ tại Bắc Kinh vừa qua (hôm Thứ Hai 30 Tháng Ba), tổng trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ than phiền thẳng với lãnh đạo Bắc Kinh rằng Trung Quốc quá chậm cải cách và điều ấy gây rủi ro cho kinh tế Trung Quốc và thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Một trong những điều được Tổng Trưởng Jacob Lew nêu ra một cách ngoại giao là việc Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nói tại Thượng Ðỉnh G-20 cuối năm 2010 là sẽ thi hành quy củ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF gọi là Special Data Dissemination Standard để công bố thông tin về dự trữ ngoại tệ.

Tức là các nước tiên tiến có luật chơi rõ rệt cho kinh tế thị trường, là phải có thông tin đầy đủ. Bắc Kinh chưa đi tới trình độ ấy và hứa hẹn sẽ chấp hành - mà chưa. Vậy mà lại muốn lập ra cơ chế cạnh tranh để thay thế IMF. Trò khôi hài.

Phải chăng truyền thông đại chúng cũng chưa đi tới trình độ phơi bày ra chuyện ấy?

Có thể là cũng từ áp lực của Hoa Kỳ mà hôm Thứ Hai vừa qua, Bắc Kinh tạm hoãn áp dụng quy chế mới về kỹ thuật cao cấp cho các ngân hàng. Quy chế này hàm ý là các ngân hàng của Trung Quốc phải được quyền mua các kỹ thuật mới, an toàn và khả tín. Nghĩa là nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, doanh nghiệp ngoại quốc phải bán các kỹ thuật này, cho Trung Quốc tự tiện ăn cắp.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp Mỹ đã nêu vấn đề với chính quyền và áp lực ấy mới khiến Bắc Kinh hoãn đà ăn cắp.

Kết luận ở đây là gì?

Truyền thông chưa đủ trình độ trình bày vấn đề cho rõ ràng.
Nên làm việc hữu ích cho Bắc Kinh mà không biết.

04-04-2015 2:50:07 PM

Việt Nam: Nghèo nhưng ăn nhậu đứng đầu Ðông Nam Á

HÀ NỘI (NV) - Trong khu vực Ðông Nam Á có 10 nước, Việt Nam đứng thứ 8 về kinh tế, nhưng lại đứng đầu về tăng trưởng ngành rượu bia.

Theo tờ Tuổi Trẻ, đó là thông tin được bà Vũ Thị Minh Hạnh, phó viện trưởng Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế cho biết tại “Hội thảo cập nhật thông tin về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” diễn ra ngày 2 tháng 4, 2015.


Kể từ 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong số các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tin cho hay, Việt Nam đứng đầu khu vực Ðông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng $3 tỷ/năm chi cho bia và khoảng $550,000/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy. Riêng lượng rượu tự nấu nhiều chục triệu lít/năm chưa đánh giá được con số chính xác.

Bà Hạnh cho biết, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm vừa qua, quy ra rượu khoảng 6.2 lít/người/năm, trong khi Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng, do năm 2010 ở mức 6.6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3.8 lít. Và hiện nay, lượng bia rượu sử dụng tại Việt Nam đang tiếp tục tăng và dự báo đến 2025 sẽ ở mức 7 lít/người/năm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Trang, phó vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y Tế, cho hay rượu bia đang liên quan trực tiếp đến 3 loại ung thư và gián tiếp với 7 loại ung thư khác tại Việt Nam, gây số người bệnh tật và tử vong xếp thứ 4, bên cạnh các nguyên nhân như tai nạn giao thông, bệnh tật khác.

Bà Trang cho biết thêm, trong luật phòng chống tác hại bia rượu của Việt Nam đang được xây dựng, dự kiến sẽ áp dụng hạn chế giờ bán bia rượu ở một số khu vực thí điểm; hạn chế tuổi được mua bia rượu... (Tr.N)

04-02-2015 2:17:58 PM

Nhật đòi Việt Nam trả lại toàn bộ $700 triệu tiền viện trợ

HÀ NỘI (NV) - Nhật không đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả lại tiền JTC đã hối lộ để được chọn làm nhà thầu của một dự án đường sắt mà yêu cầu Việt Nam hoàn lại toàn bộ tiền đã nhận để thực hiện dự án đó.

Thông tin vừa kể được bà Noriko Yagi, phát ngôn viên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp cho BBC, ngay sau khi báo chí Việt Nam loan báo, tại cuộc họp báo do JICA tổ chức.


Mô hình “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” (Hình: Dân Trí)

Số tiền mà Nhật đòi lại là khoảng 14,000 tỉ đồng, tương đương 700 triệu đô la Mỹ. Ðây là số tiền mà Nhật cho vay ưu đãi (ODA) để thực hiện dự án 'Tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.”

Theo nhiều báo ở Việt Nam đăng tải hôm 1 tháng 4, ông Yamamoto Kenichi, phó văn phòng tại Việt Nam của JICA, yêu cầu Việt Nam hoàn trả số tiền mà JTC đã hối lộ để được chọn làm tư vấn cho “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên,” được thực hiện bằng viện trợ của Nhật.

Tuy nhiên, bà Yagi nói thêm là JICA đã yêu cầu báo chí Việt Nam đính chính. Bà nhận định việc loan tin sai, từ “yêu cầu trả lại toàn bộ viện trợ đã nhận để thực hiện một dự án vì có hối lộ” thành “trả lại tiền hối lộ,” có thể là do dịch thuật.

Ðầu năm ngoái, giám đốc Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản, thường được gọi tắt là JTC, thú nhận đã hối lộ cho một số viên chức Việt Nam khoản tiền là 16.4 tỉ đồng để được chọn làm nhà thầu tư vấn cho “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” Ba cá nhân là lãnh đạo của JTC đã bị Nhật phạt tù và phạt tiền.

Sau scandal JTC, Việt Nam chỉ bắt sáu viên chức ngành giao thông vận tải vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa xử và không có viên chức nào bị cáo buộc đã “nhận hối lộ.”

Tại cuộc họp báo hôm 1 tháng 4, ông Kenichi nhấn mạnh, JTC là vụ thứ hai mà nhà thầu Nhật đưa hối lộ cho các viên chức Việt Nam để được chọn làm nhà thầu cho các dự án thực hiện bằng viện trợ của Nhật. Ông Kenichi cảnh báo, nếu xảy ra thêm một vụ nhận hối lộ tương tự, chắc chắn dân chúng Nhật sẽ yêu cầu chính phủ Nhật ngưng cấp viện trợ cho Việt Nam.

Chưa rõ Việt Nam đã nhận bao nhiêu viện trợ từ Nhật để thực hiện “Dự án tuyến đường sắt số 1 đoạn Ngọc Hồi-Yên Viên.” Tiền hối lộ mà các viên chức Việt Nam đã nhận để chọn JTC làm nhà thầu tư vấn cho dự án này chỉ khoảng 16.4 tỉ, trong khi tiền mà Nhật cho vay ưu đãi để thực hiện dự án được loan báo là khoảng 14,000 tỉ đồng.

Năm ngoái, báo giới Việt Nam cho biết, trên thực tế, JTC không chỉ được chọn làm nhà thầu đảm trách dự án phát triển đường sắt tại Hà Nội mà còn được chọn làm nhà thầu cho... 14 dự án phát triển giao thông. Riêng trong lĩnh vực đường sắt, JTC được chọn làm nhà thầu của 5 dự án.

Không chỉ có báo chí Việt Nam “hiểu sai” ý của JICA mà các viên chức của Bộ Giao Thông-Vận Tải của Việt Nam cũng “hiểu sai” như vậy. Sau cuộc họp báo của JICA, đại diện của Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam nói với báo điện tử VNExpress rằng, sau khi kết thúc điều tra vụ nhận hối lộ của JTC, “cá nhân, tổ chức nhận hối lộ sẽ phải hoàn tiền cho phía Nhật và bị xử lý theo pháp luật.”

Trong nửa năm vừa qua có đến hai lần các viên chức Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam “hiểu sai” những thông tin hết sức quan trọng về viện trợ của Nhật.

Tháng 10 năm ngoái, sau khi Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN nhấn mạnh sự lo ngại về việc chính phủ Việt Nam chưa làm rõ, sẽ tìm từ đâu nguồn tiền khổng lồ để thực hiện dự án phi trường Long Thành, ông Phạm Quý Tiêu, thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải, đã chủ động thông tin cho báo giới rằng, dự án phi trường Long Thành là một hình thức “bảo đảm khẩn nguy về an ninh hàng không” thành ra “nhà nước phải đầu tư.” Cũng vì vậy, phải vay vốn.

Về nguồn vay, ông Tiêu “tiết lộ,” Nhật đã “cam kết” cho Việt Nam vay 2 tỷ Mỹ kim để xây dựng phi trường Long Thành. Ông Tiêu bảo là “cam kết” đó được Nhật đưa ra từ cuối năm ngoái khi thủ tướng Việt Nam gặp thủ tướng Nhật. “Nhật quan tâm và sẽ dành 2 tỷ Mỹ kim chi dự án phi trường Long Thành.”

Ngay sau đó, ông Hayashi Hiroyuki, bí thư thứ nhất phụ trách về việc cho vay vốn của Ðại Sứ Quán Nhật tại Việt Nam, khẳng định, Nhật chưa có quyết định nào về khoản đầu tư vào phi trường Long Thành nên “chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam”!

Cho đến nay, Nhật đã từng tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam hai lần vì các viên chức Việt Nam lợi dụng những dự án ODA để đòi hối lộ.

ODA là ba chữ viết tắt của Official Development Assistance (hỗ trợ phát triển chính thức). ODA có thể là các khoản cho vay không tính lãi hoặc tính lãi thấp với thời gian vay dài. Ðôi khi ODA là viện trợ. Mục tiêu của ODA là trợ giúp để phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở quốc gia nào đó.

Hồi 2010, Nhật từng cắt viện trợ do Việt Nam không quyết tâm điều tra vụ nhận hối lộ của PCI - một doanh nghiệp của Nhật - để chọn doanh nghiệp này làm nhà thầu đảm trách vai trò tư vấn cho Dự án đại lộ Ðông-Tây ở Sài Gòn.

Ðến tháng 6 năm ngoái, sau scandal JTC, tại một cuộc họp song phương để thảo luận về việc phòng ngừa tham nhũng trong các dự án sử dụng ODA, ông Kimihiro Ishikane, vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của Nhật, loan báo, Nhật tiếp tục tạm ngưng cấp ODA cho Việt Nam vì có dấu hiệu đưa-nhận hối lộ.

Theo một số thống kê, có tới 40% vốn ODA cho các chương trình xây dựng trường học, đường sá, hạ tầng tại Việt Nam bị ăn chặn nhưng những cá nhân có liên quan chỉ bị cảnh cáo. Tại Việt Nam, nhiều năm qua, ODA luôn là một nguồn béo bở để các viên chức từ trung ương đến địa phương xà xẻo, bỏ túi riêng. (G.Ð)

04-02-2015 5:50:10 PM

Viên chức VN bị cấm để doanh nghiệp 'bao' đi ngoại quốc

HÀ NỘI (NV) - Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN vừa gửi một văn bản, yêu cầu viên chức trong ngành này không được tham dự những chuyến đi ngoại quốc do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.

Văn bản vừa kể còn yêu cầu các cơ quan trong ngành Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội hạn chế tối đa việc tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm,” kể các việc tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” liên quan tới những dự án hỗ trợ kỹ thuật, ODA hoặc các dự án có sử dụng ngân sách.


Ðoàn quan chức tỉnh Cao Bằng đến Tứ Xuyên, Trung Quốc để “khảo sát” Trung tâm khai thác kỹ thuật, công nghệ Thành Ðô. Mỗi ngày, trung bình có 6 đoàn từ Việt Nam đi “khảo sát” như thế. (Hình: Báo Cao Bằng)

Tình trạng sử dụng công quỹ để tổ chức các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” từng được cảnh báo là một sự lãng phí nghiêm trọng.

Hồi cuối năm 2013, Bộ Ngoại Giao CSVN công bố một thống kê, theo đó, năm 2012, có 3,780 đoàn của nhiều ngành, cấp thuộc chính quyền Việt Nam đi “công tác ở ngoại quốc.” Trung bình, mỗi ngày có tới sáu đoàn ra nước ngoài công tác.

Tuy nhiên vào thời điểm đó còn một thống kê khác, tổng hợp từ báo cáo của các ngành và các tỉnh, thành phố cho biết, năm 2012, số đoàn đi công tác ở ngoại quốc lên tới 5,800, vượt xa số liệu do Bộ Ngoại Giao báo cáo.

Ðến năm 2013, theo ngành ngoại giao CSVN, tuy số lượng đoàn của các ngành, cấp của nhà cầm quyền đi “công tác ngoại quốc” đã giảm 30% nhưng vẫn còn tới 3,200 đoàn đi công tác ở ngoại quốc. Một số cá nhân từng đảm nhận vai trò hướng dẫn cho các đoàn viên chức Việt Nam đi “công tác ngoại quốc” tiết lộ, những chuyến “công tác ngoại quốc” của các đoàn ra ngoại quốc “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm,” chủ yếu chỉ là “săn hàng giảm giá.”

Cũng vì vậy, công chúng Việt Nam đã chỉ trích kịch liệt chuyện viên chức các cấp, các ngành lũ lượt dắt díu nhau đi công tác ngoại quốc. Ðó cũng là lý do khiến Bộ Chính Trị của Ðảng CSVN phải ban hành một chỉ thị nhằm “tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài,” thủ tướng Việt Nam thì ra một chỉ thị yêu cầu phải “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” bằng cách giảm tối đa các chuyến “học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm” ở ngoại quốc.

Theo quy định, ngân sách chi toàn bộ chi phí cho viên chức chính quyền đi công tác ở ngoại quốc. Trong đó có tới 20 khoản, kể cả tiền tiêu vặt (từ 55 USD đến 80 USD/ngày). Nếu đi công tác Châu Âu khoảng một tuần thì chi phí cho một viên chức không dưới 2,000 Mỹ kim.

Tuy nhiên sau đó, các viên chức CSVN vẫn lũ lượt đi ngoại quốc bằng tiền của doanh nghiệp, thông qua các chuyến ra ngoại quốc do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.

Một điểm khác đáng lưu ý không kém là không chỉ lũ lượt kéo nhau đi công tác nước ngoài, các ngành, các cấp của nhà cầm quyền CSVN còn lũ lượt kéo nhau đến “công tác” ở nhiều vùng, nhiều nơi trong nước.

Cuối năm 2013, ông Vương Bình Thạnh, chủ tịch tỉnh An Giang, than, chỉ riêng năm 2013, An Giang phải tiếp 70 đoàn công tác của các cơ quan trung ương từ đảng, chính phủ, tới các bộ, các ngành. Có đoàn vào công tác tới ba tuần hoặc hơn một tháng. Chi phí ăn ở đi lại không chỉ lãng phí ngân sách trung ương mà còn tốn kém cho chính sách địa phương.

Có một thực tế là dù liên tục đi tới, đi lui ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam để nghiên cứu nhưng hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam vẫn rất tồi.

Khi công bố “Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014,” Chủ tịch Quốc Hội tuyên bố, vốn mà các quốc gia khác đồng ý cho vay không thiếu nhưng việc soạn thảo các dự án quá chậm, quá kém, tính khả thi không cao nên phía cho vay không đưa tiền.

Giai đoạn từ 2006-2010, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đồng ý cho Việt Nam vay 31.7 tỷ Mỹ kim nhưng cuối cùng chỉ giải ngân được 13.8 tỷ. Còn giai đoạn từ 2011-2013, vốn ODA theo cam kết cho vay là 20.8 tỷ Mỹ kim nhưng chỉ giải ngân được 11.7 tỷ. (G.Ð)

04-02-2015 5:48:32 PM

Thừa Thiên – Huế: Chợ Nong cũ cháy lớn trong đêm, tiểu thương trào nước mắt

Dân trí Vào khoảng 19h tối ngày 2/4, tại chợ Nong cũ (có tuổi đời hơn nửa thập kỷ, sát QL 1A, tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã xảy ra một vụ cháy lớn khiến nhiều ki-ốt của tiểu thương bị thiêu rụi.

Vào thời gian trên, người dân phát hiện lửa bốc lên từ gian hàng bán may mặc, giày dép. Ngay sau đó, ngọn lửa bùng lên dữ dội và cháy lan sang nhiều gian hàng khác.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC công an tỉnh TT-Huế nhanh chóng huy động lực lượng và phương tiện tới hiện trường dập lửa. Do chợ cũ xuống cấp, các lối vào chợ chật hẹp, nhà dân tập trung đông, nên công tác cứu hỏa triển khai khá khó khăn.

Đến khoảng 20h, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khói vẫn bốc cao mù mịt và lửa vẫn cháy âm ỉ bên trong. Đến 22h, đám cháy được dập tắt. Một số chiến sĩ PCCC đã bị thương khi làm nhiệm vụ.

Lãnh đạo công an tỉnh và huyện Phú Lộc cũng có mặt để chỉ đạo công tác chữa cháy. Lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa hiện trường, sơ tán người dân ra khỏi khu vực chợ. Cùng với đó, Cảnh sát giao thông tiến hành phân luồng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A để tránh xảy ra ùn tắc. 
Theo thống kê có hàng chục ki ốt bị cháy và ảnh hưởng. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người, chỉ có một vài tiểu thương bị thương khi xông vào cứu hàng hóa.

Có mặt tại hiện trường, nhiều tiểu thương ngoái trông vào chợ với khuôn mặt thẫn thờ. Nhiều bà con gục mặt, ôm đầu khóc, la hét vì mất của một cách đau xót. 

Bà Võ Thị Kim Anh bán 2 lô giày dép áo quần, chăn ga gối đệm ở chợ Nong khóc nức nở “Hết rồi em ơi, chị ở nhà chạy ra thì lửa đã bốc cao. Toàn bộ hàng chị để ở trong không cứu được. Cháy sạch hết khoảng 500 triệu đối với 2 lô”. Bà Anh cũng cho biết có khoảng 25 hộ còn hàng ở trong chợ bị ngọn lửa thiêu cháy.
Được biết hoạt động buôn bán tại chợ Nong cũ này đã chấm dứt vào sáng 2/4 để di dời đến chợ mới cách đó 1km, số ki-ốt kinh doanh chủ yếu là hàng tạp hóa chưa kịp dời đi thì xảy ra vụ cháy. 
Cũng trước đó vài ngày, chính quyền xã Lộc Bổn đã cắt điện, nước tại đây nên khả năng cháy do chập điện khó có thể xảy ra. Nhiệt độ tại Huế rất cao, đến hơn 35 độ, cao nhất từ Tết đến giờ và trùng vào ngày rằm tháng 2 sẽ có nhiều người đốt vàng mã – nguyên nhân có thể gây cháy chợ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, người đang chỉ đạo dập lửa tại khu chợ cho biết, huyện cử lực lượng chức năng phong tỏa các lối vào chợ để giữ nguyên hiện trạng, tránh tính trạng hôi của xảy ra trong đêm. 
“Có một số hộ kinh doanh di dời tới chợ mới rồi, còn lại vẫn còn một số hộ chưa di dời hay hộ di dời rồi nhưng hàng hóa do nhiều chưa đem hết đến nơi mới. Do tiến hành chữa cháy nên chưa xác định được cụ thể lượng hàng hóa bị thiệt hại”- ông Mạnh nói.
Hiện nguyên nhân của vụ cháy đang được các lực lượng chức năng điều tra làm rõ. 
Hình ảnh vụ cháy chợ Nong đêm 2/4:
Gần chục chiếc xe cứu hỏa được điều đến hiện trường
Nhiều đường dẫn nước tỏa vào trong khu chợ
Nhiều đường dẫn nước tỏa vào trong khu chợ 
Tuy nhiên do không gian chật hẹp nên công tác chữa cháy gặp khá nhiều trở ngại
Tuy nhiên do không gian chật hẹp nên công tác chữa cháy gặp khá nhiều trở ngại
Tuy nhiên do không gian chật hẹp nên công tác chữa cháy gặp khá nhiều trở ngại
Khói vẫn bốc lên vào lúc 21h30'
Khói vẫn bốc lên vào lúc 21h30'
Một số tiểu thương kịp cứu đồ đưa ra ngoài đường
Một số tiểu thương kịp cứu đồ đưa ra ngoài đường
Bà Võ Thị Kim Anh đau đớn vì không cứu được 2 gian hàng của mình 
Bà Võ Thị Kim Anh đau đớn vì không cứu được 2 gian hàng của mình 

Một lối dẫn vào khu chợ 
Một lối dẫn vào khu chợ 
Người dân đổ ra hai bên QL 1A đoạn sát khu chợ đau buồn nhìn đám cháy
Người dân đổ ra hai bên QL 1A đoạn sát khu chợ đau buồn nhìn đám cháy

Công an canh gác không cho ai vào, tránh tình trạng hôi của và giữ nguyên hiện trường
Công an canh gác không cho ai vào, tránh tình trạng hôi của và giữ nguyên hiện trường
 
Đại Dương - Huy Cường
Thứ Sáu, 03/04/2015 - 01:51

Sổ tay thượng dân K. Tien – tượng Mẹ & tượng bác

Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Cuối cùng, tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng cũng đã hoàn tất, và khánh thành vào ngày 24 tháng 3 vừa qua. Dư luận – xem ra – không được đồng tình lắm với công trình kiến trúc cấp quốc gia, lớn nhất Đông Nam Á (với kinh phí 411 tỉ) của hoạ sĩ của Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận.

Thiên hạ chê rằng... mắc!

Ảnh: vnexpress

Kể thì cũng hơi mắc thiệt, nếu chỉ thấy cái đầu của mẹ Nguyễn Thị Thứ giữa một đống đá lô nhô nhưng nếu nhìn bao quát cả quần thể kiến trúc tượng đài (“gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn 1,2 m làm bằng đá hoa cương”) thì mới thấy giá cả cũng phải chăng thôi. 

Đó là chưa kể công phu khắc họa trên 8 trụ “hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất…”

Nói tóm lại, và nói cho công bằng, là rẻ rề hà. Hơn nữa, theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo thì “không thể lấy con số 400 tỷ để đem ra đo với giá trị nghệ thuật vì giá trị nghệ thuật là vô giá.”

Thằng chả nói đúng!

Cứ chăm chăm xoáy vô chuyện tiền bạc không những đã kỳ mà còn có thể làm cho qúi mẹ buồn lòng nữa, nhất là “mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội”!

Mà không phải chỉ có mẹ Tây Nguyên thôi đâu nha. Các mẹ ở sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cũng chịu chơi hết biết luôn:

“Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ,
Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây,
Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay
Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày.”


Mấy mẹ Vân Kiều hay mẹ Pa Kô (ở Huế) cũng vậy, cũng đều chơi xả láng, sáng về sớm:

“Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường.
Bộ đội giải phóng ơi yên tâm mà đánh thắng giặc Mỹ.”

Cô Gái Pa Kô – Huy Thục

Chỉ có điều đáng tiếc là thời son trẻ của các mẹ đều đã qua tự lâu rồi, và cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Bây giờ mà “cách mạng (lại) cần gạo nhiều để đánh Mỹ,” đánh Tầu, hay đánh ai đó nữa thì chắc chắn là sóc Bom Bo không còn “sẵn cối chầy” đâu.

Tiế́n sĩ Trần Đăng Tuấn đã báo động rồi: “Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ bỗng.” 

Sao kỳ vậy?

Kỳ khỉ gì. Tụi nhỏ “nhẹ bỗng” vì chúng đói quá thôi! Kể từ khi “bộ đội giải phóng đánh thắng giặc Mỹ” thì người dân ở những vùng cao vẫn phải ăn mèng méng, củ mài, rau rác, hay chuột, nhái thay cơm. Làm gì còn có gạo (“ngàn cân”) để gùi ra chiến trường, như hồi đó nữa.

Đói rách là tình trạng phổ biến đối với tất cả mọi sắc dân bản địa ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Còn tuyệt vọng, phẫn uất, và sợ hãi là tâm cảm chung của họ. 

Ngày 21 tháng 7 năm 2004, BBC đi tin: “Vietnam refugees emerge from hiding.” (Những người tị nạn Việt Nam xuất hiện từ nơi ẩn trốn). Bản tin này có trích dẫn lời của một nạn nhân: “Tôi hoan hỉ chết ngay tại nơi này, hơn là trở lại Việt Nam và chết ở đó.” (I would be happy to die right here, rather than go back to Vietnam and die there). 

Ngày 20 tháng 12 năm 2014, Quốc Việt (RFA) cũng phổ biến một bản tin tương tự: “Một nhóm người Thượng gồm 8 người đã mạo hiểm ra khỏi rừng rậm để gặp Liên Hiệp Quốc, và yêu cầu cơ quan quốc tế này can thiệp.” Họ cũng lập lại một lời yêu cầu, y như những kẻ đồng cảnh, trước đó:

“Liên Hiệp Quốc chở đi chỗ nào cũng được, quan trọng là đừng chở về Việt Nam. Vì chúng tôi sợ Việt Nam, công an Việt Nam đánh đập…” 

Khoảng cách của hai bản tin dẫn thượng là đúng một thập niên. Giữa thời gian này là ba biến động lớn: năm 2001, năm 2004 – ở Tây Nguyên – và năm 2011 ở Mường Nhé. Hệ quả, riêng tại địa danh cuối, theo tường thuật của Thanh Trúc (RFA“đã khiến hàng trăm người phải bỏ trốn vào rừng, và bản án 63 năm tù giam (trong phiên toà ngày 28 tháng 5 năm 2013) cho 8 bị can ở Tây Nguyên với tội danh là gây hằn thù, kỳ thị, chia rẻ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”

Cả ba biến động này, xem ra, chả hề làm cho nhà đương cuộc Hà Nội bận tâm một xíu xiu nào ráo trọi. Họ đều coi như đều là chuyện nhỏ nên tiếp tục không nương tay với những sắc dân bản địa. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm nay (năm 2015) khán thính giả của VOA, RFA, và Phnom Penh Post đã được biết thêm hàng chục bản tin về tình trạng vượt biên từ Việt Nam:







More Montagnard arrive (The Phnom Penh Post) 

Montagnard presence denied (The Phnom Penh Post) 

After Montagnard, threats (The Phnom Penh Post)


Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc bản địa tự ngàn xưa. Với cuộc sống đơn giản và hài hòa với thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước. Cũng chính họ là những tuyến đầu, và là vòng đai an ninh cho tố quốc. Cớ sao lại tỏ thái độ khinh thị, và cương quyết tìm mọi cách đẩy người ta đến bước đường cùng như thế?

“Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc”(Lý Hồng Xuân. Nhận Diện Chân Dung Nhà Văn. Văn Nghệ: California 2000, 177).

“Bọn bành trướng Bắc Kinh” (xem chừng) đang muốn tràn sang lần nữa, và “những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại càng tệ hại hơn! Tuy nhiên, mọi sai lầm – cuối cùng – đã được “sửa sai” và “đền bù” bằng một cái tượng đài hoành tráng với 8 trụ “huyền thoại,” ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn 1,2 m làm bằng đá hoa cương. 

Theo vnexpress“Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội ; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất…”

Ý Trời! Gạo nghìn cân gùi ra chiến trường đều đều, cùng với hàng vạn mạng người đã bỏ mình cho “cách mạng” mà “đền bù” chỉ có mỗi một cái hình “mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no” thôi sao? 

Chơi vậy, ngó bộ, có hơi hẹp à nha. 

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh và chú thích: baotanghochiminh

Không dám hẹp đâu. Đã có một pho tượng hoành tráng khác “đặc biệt dành riêng” cho đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng rồi – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online:

“Tối 9-12, tại TP Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên... Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên được khởi công xây dựng tháng 10-2010 tại quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku. Tượng Bác cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m được đúc bằng chất liệu đồng. Phía sau và hai bên tượng Bác là phù điêu bằng đá tự nhiên có chiều dài 58m, cao 11m, hình vòng cung với nhiều cánh sen, thể hiện nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây nguyên như nhà rông, rượu cần, cồng chiêng...Tổng kinh phí xây dựng công trình là 230 tỉ đồng.”

Thạch thư toàn văn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi 
Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Ảnh: cadn.com

Thấy chưa: chỉ mình ên đám Tây Nguyên mà đã được “hưởng” nguyên một pho tượng Bác, trị giá tới 230 tỉ đồng rồi. Đó là chưa kể chuyện nhà thầu còn khuyến mại (thêm) một bức thạch thư hoàn toàn miễn phí nữa – theo mô tả báo Công An Nhân Dân:

Phía tay phải của Tượng đài Bác là 54 trụ đá bazan được ghép tỉ mỉ với 3 tầng với tên gọi công trình là “Đại Đoàn Kết” thể hiện lòng đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện của Bác trong bức thư của Người gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, họp tại Pleiku” vào ngày 19-4-1946 được khắc toàn văn trên Đài thạch bằng đá granite rộng 3m, cao 4,2m, dày 2,5m và nặng hơn 135 tấn đặt tại phía trái Quảng Trường: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán... Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”

Thư Bác viết đã hơn nửa thế kỷ qua mà đọc (lại) vẫn cứ muốn ứa nước mắt:“Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.” 

Lúc đói, mỗi người sẵn lòng giúp cho Nhà Nước hàng ngàn cân gạo; khi no, Đảng và Chính Phủ cũng không ngần ngại giúp lại cho nhân dân hàng ngàn tượng đài, nặng hàng ngàn tấn, với kinh phí hàng ngàn tỉ bạc chi từ tiền thuế của họ. Chơi kiểu đó (e) chó cũng nổi điên, chớ đừng nói chi người – bất kể̉ là Kinh hay Thượng.


40 Năm Quyền có cũng như không

Phạm Trần (Danlambao) - Tại sao 40 năm sau ngày đất nước đã quy về một mối trong tay đảng Cộng sản Việt Nam mà người dân vẫn chưa có quyền được nói, suy nghĩ và hành động theo ý muốn của mình?

Lý do vì Lãnh đạo muốn độc quyền mọi thứ và luôn luôn ngoan cố tự coi “đảng ta thật là vĩ đại” như ông Hồ Chí Minh nói tự mãn tối ngày 5/1/1960, tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng.

Cũng từ ý tưởng khoe khoang này mà ông Hồ còn hồ hởi nói:

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hoà bình ấm no.”

Nếu là “đạo đức” thì đảng của ông Hồ đâu có cố tình quên đi tội ác vi phạm nhân quyền “long trời nở đất” mà đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc trong 3 năm Cải cách ruộng đất (CCRĐ) từ năm 1953 đến cuối năm 1957.

Sau đó là những tội ác do đảng CSVN, dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của ông Hồ Chí Minh chủ động, đã gây ra cho hàng triệu quân-dân hai miền đất nước trong cuộc chiến xâm lược miền Nam từ năm 1959 đến Tháng 4 năm 1975.

Trước hết, hãy tìm hiểu xem đảng và ông Hồ có “đạo đức” gì trong cuộc CCRĐ. Tài liệu của Bách Khoa toàn thư mở ghi: “Việc thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả to lớn. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan. Mức 5,68% địa chủ trong dân số địa phương là cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%. Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn". Những sai lầm này, như đã được đề cập đến trong bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã làm Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân..”

Đảng đổ cho "bị địch lũng đoạn" để chạy tội vì lúc đó làm gì có ai là “địch” phá rối trong toàn miền Bắc do quân Cộng sản kiểm soát? Chỉ có các Cố vấn Trung Cộng chỉ huy cán bộ Việt Nam đấu tố và hành quyết các nạn nhân mà thôi.

Do đó, sau khi đảng vênh váo nói cải cách ruộng đất là “thắng lợi to lớn” khiến dân ta thán, ông Hồ phải dích thân gửi thư cho đảng viên và nhân dân ngày 18 tháng 8 năm 1956 nhìn nhận có sai lầm và ra lệnh sửa sai. 

Tuy nhiên hành động của ông Hồ khi ấy chẳng qua chỉ để mị dân vì ông không thể bị kỷ luật. Trong khi những lãnh đạo được giao trách nhiệm chỉ chịu những biện pháp kỷ luật nhẹ “như lông hồng” như :

- Trưởng ban chỉ đạo Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư đảng, nhưng vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

- Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thái Nguyên: Hoàng Quốc Việt, ra khỏi Bộ Chính trị, xuống ủy viên Trung ương.

- Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Lê Văn Lương ra khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng xuống ủy viên dự khuyết.

- Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch: Hồ Viết Thắng bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương sửa sai lần thứ 10 tháng 10-1956, ông Hồ tránh mặt và giao việc đọc diễn văn thừa nhận có sai lầm trong CCRĐ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không có trách nhiệm trực tiếp với chiến dịch tàn sát những người vô tội.

Trong số những ân nhân của ông Hồ và đảng CSVN trong thời gian chống Pháp bị xử oan, nổi tiếng nhất là bà Nguyễn Thị Năm, hay còn được gọi là bà Cát Hanh Long vì đây là tên một hiệu buôn lớn do bà làm chủ ở Hải Phòng, theo tài liệu để lại. 

Bách khoa toàn thư mở viết: "Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại…" 

“….Báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 đã đăng bài “Địa chủ ác ghê" của C.B bị đặt ra bà là thủ phạm đã “Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến…" 

“…Bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953.”

Nhưng ông Hồ Chí Minh, người phải chịu ơn bà Nguyễn Thị Năm đã phản ứng ra sao?

Theo lời Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa V; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân viết trong hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ” thì: Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc. Hồ Chí Minh nói: "Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức!". Cũng theo hồi ký của Hoàng Tùng thì: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc". Họp Bộ Chính trị Hồ Chí Minh nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng.", "Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Hồ Chí Minh nói: "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải". Và họ cứ thế làm.”

Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường

Như vậy thì bản lĩnh và “đạo đức” ăn qủa nhớ kẻ trồng cây của ông Hồ và đảng CSVN có được mấy lạng trên cán cân công lý?

Vì vậy mà trong bài tham luận “Qua sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo” tại cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30.10.1956, Luật sư, Giáo sư nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tường đã công khai phê bình Trường Chính và chỉ trích đường lối lãnh đạo sai lầm của đảng.

Ông nói: “Khi trong Cải Cách Ruộng Đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập, ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này chỉ là những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên, như tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của Đảng Lao Động.”

“….Sở dĩ cấp lãnh đạo có thể phạm được các sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, tổn thất cho xương máu, mồ hôi nước mắt của đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ, là vì người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ….

“….Nhân dân đòi hỏi các người có công được thưởng và các người có tội phải đền tội. Trách nhiệm của tất cả mọi người từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phải được qui định rõ ràng, dứt khoát. Như thế mới yên được lòng dân, như thế mới thu phục được nhân tâm. Kinh nghiệm lịch sử dạy ta điều ấy. Trong chính sách sửa chữa sai lầm, ta không thể quên được bài học lịch sử. Quần chúng im lặng đợi chờ công lý….”

“…Tôi không quên lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao Động tại Hội nghị này. Ta nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng Trung ương Đảng đã phạm sai lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng qua báo cáo của các cán bộ đảng viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc Cải Cách Ruộng Đất của ta đã gặp các thất bại cay đắng. Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân….”

Nhân văn Giai Phẩm

Sau đó Luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể: “Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn (của Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm). Tôi như thành một người "phạm pháp quả tang", bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa. Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi.” (Bách khoa toàn thư mở)

Cuộc Phỏng vấn này được đăng ngay trên trang nhất trong số ra mắt ngày 20 tháng 9 năm 1956 của bán nguyệt san Nhân Văn: "Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ".

Theo Bách khoa toàn thư mở thì Luật sư Tường đã nêu hai nguyên nhân khiếm khuyết về dân chủ thời bấy giờ:

1. "Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, và yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.

2. Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân trên đất nước, do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa, ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng.”

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường bị trả thù ngay lập tức và chiến dịch vu khống, mạ lỵ và đán áp Văn nghệ sỹ miền Bắc bắt đầu từ đây.

Như thế thì đảng CSVN làm gì có “văn hóa” hay “văn minh” như ông Hồ Chí Minh tự khoe năm 1960 ?

Bởi vì nếu có cả 2 nét tinh hoa này thì "Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm” đòi tự do dân chủ của một số văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955” đâu có bị “chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.” 

Hồi đó, theo tài liệu cũa Bách khoa toàn thư mở thì: “Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài lôi kéo, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo Chính trị và Nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, thậm chí kích động kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình.”

Trong số các bài viết nổi tiếng có bài Thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần, miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu đất nước chia cắt, tác giả bài thơ bị qui kết chống phá, "bôi đen" chế độ, với những câu thơ nổi tiếng:

Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

Tài liệu viết tiếp: “Sau đó, hầu hết các văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị đưa đi học tập cải tạo vì có tư tưởng bị xem là trái với đường lối của Đảng Lao động Việt Nam. Một số bị treo bút một thời gian dài: Lê Đạt, Trần Dần, số khác không tiếp tục con đường sự nghiệp văn chương, thậm chí có người bị giam giữ trong một thời gian dài và tiếp tục bị giám sát trong nhiều năm sau khi mãn tù như trường hợp Nguyễn Hữu Đang. Dư luận chung thường gọi đây là "Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm"

Tiếp tục tranh đấu

Và do đó, bắt nguồn từ việc ông Hồ không chứng minh được kết qủa của câu nói“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho nên mãi đến bây giờ, 40 năm thống nhất đất nước, đảng vẫn còn bị nhức nhối với các vấn đề: “thống nhất, độc lập, hoà bình ấm no”.

Bởi sau điều được gọi là “đại thắng mùa xuân năm 1975”, tuy đất nước đã quy về một mối với đảng nhưng nhân dân vẫn chưa có đầy đủ các quyền tự do, nhất là các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.

Và khi người dân đứng lên đòi lại những quyền đã được ghi trong Hiến pháp 2013 và các Hiến pháp trước đó thì bị đàn áp, bắt giam vô lối.

Đó là lý do tại sao các Tổ chức Dân sự trong nước đã phối hợp với đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước phát động phong trào quần chúng “We Are One”(Chúng Ta Là Một) để kêu gọi Liên hiệp Quốc tiếp tay tranh đấu với nhà cấm quyền CSVN.

Phong trào viết: “Chúng tôi, những tổ chức dân sự hoạt động độc lập cho nhân quyền và người dân Việt Nam trong và ngoài nước ký tên dưới đây, muốn xác minh những gì mà những Báo Cáo Viên Liên Hiệp Quốc Đặc Trách về Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Tôn Giáo và Tình Trạng Bắt Giữ Tùy Tiện đã nêu trong các báo cáo về nhân quyền VN gần đây. Kể từ khi Việt Nam trở thành một quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, tình trạng nhà nước Việt Nam vi phạm các quyền con người vẫn tiếp tục, bất chấp các khuyến nghị của Hội đồng và các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”

Bản kiến nghị phổ biến rộng rãi khắp thế giới đòi Chính phủ CSVN thả hết các tù chính trị bà bãi bỏ các Điều 79, 88, và 258 của Bộ luật Hình sự “vốn vi phạm Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và những điều luật quốc tế nhân quyền.”

Cuộc tranh đấu này đã trực tiếp lên án sự giả dối của nhà nước CSVN khi tuyên truyền tại Khoản 2, Điều II của Hiến pháp 2013 rằng: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.” 

Không chỉ gian dối bấy nhiêu mà đảng còn tự cho mình là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4 Hiến pháp) không cần hỏi dân có muốn hay không!

Sự lạm quyền này cũng được chứng minh ở Điều 14:

1. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”

Nhưng:

2. “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Sự mơ hồ để đàn áp dân chủ bắt người của khoản 2, và trong suốt 35 Điều ghi trong Chương II của Hiến pháp 2013 (Quyền con người-Quyền và nghĩa vụ cơ bản của Công dân) đã lột mặt nạ câu nói “Đảng ta thật là vĩ đại” của ông Hồ Chí Minh năm 1960. -/-

(04/015)


Cao nhất, lâu nhất, đắt nhất và nhanh hỏng nhất

(Baodatviet) - Có người đã gọi vui Việt Nam là đất nước của những kỷ lục, vụ tượng đài mẹ Việt Nam vừa khánh thành đã bong tróc nền là kỷ lục mới nhất.

a
Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến sẽ cao nhất thế giới. (Ảnh VNE)
Mấy hôm nay dư luận đang chú ý nhiều đến đề án xây Tháp truyền hình Việt Nam với chiều cao 636m do Đài Truyền hình Việt Nam khởi xướng. Nếu tháp được xây dựng xong năm 2020, chắc chắn nước ta sẽ nắm giữ kỷ lục có tòa tháp cao nhất thế giới.
Thực ra, ở một đất nước có quá nhiều kỷ lục… tầm phào như nước mình, giữa những đòn bánh tét lớn nhất, bánh chưng bánh dày lớn nhất, ly cà phê lớn nhất, tô hủ tiếu lớn nhất… có thêm một cái tháp truyền hình lớn nhất cũng chẳng bõ bèn gì. Nói theo kiểu dân gian là “muỗi đốt inox” ấy mà.
Tuy nhiên, điều đáng tranh cãi là cái tòa tháp ấy, chẳng giúp ích gì cho truyền hình cả, vì theo lời ông Nguyễn Thành Lương- Phó Tổng Giám đốc Đài, Trưởng Ban chuẩn bị đầu tư dự án thì truyền hình ngày nay đã phủ sóng qua vệ tinh hết rồi.
Thế nhưng theo lời người đại diện cho Đài Truyền hình Việt Nam, tháp vẫn cần phải xây vì: “Tháp truyền hình giống như biểu tượng để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Khi chúng ta đi làm marketing cho một đất nước thì mình phải có một cái gì đó để mang ra giới thiệu chứ”.
Nghe có nẫu ruột không thưa bạn đọc. Chỉ vì cần có biểu tượng, cần có công trình để marketing cho đất nước mà Đài phải nhọc công xây dựng một đề án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới. Cho dù nguồn tiền xã hội hóa, không dùng tiền ngân sách nhưng rõ ràng đó không phải mục tiêu ưu tiên lúc này.
Đó là chuyện về ngôi tháp dự kiến cao nhất thế giới. Còn về kỷ lục lâu nhất thế giới, không biết có công trình nào đã vượt qua được dự án xây đường sắt đô thị Hà Đông- Cát Linh của Hà Nội hay chưa?
a
Công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng vừa khánh thành đã bong nền.
Theo cam kết của Tổng thầu thì Quý IV/2015 sẽ đưa vào sử dụng nhưng đến giờ này, đã bước sang Quý 2, công trình này vẫn nằm ì ra đấy trơ gan cùng tuế nguyệt.
Sau tai nạn gây chết người và suýt chết người vào năm 2014, công trình bị tạm đình lại, Tổng thầu Trung Quốc đã rút người về, và hiện nay, lãnh đạo Bộ GTVT đang phải yêu cầu họ đưa người trở lại để làm tiếp.
Về kỷ lục đắt nhất hành tinh thì có lẽ nước ta cũng sở hữu nhiều thứ đắt nhất. Đường Kim Liên- Hoàng Cầu ở Hà Nội là tự hào là đường đắt nhất hành tinh với giá hơn 1,1 tỷ đồng/m. Thậm chí cũng ở thủ đô, còn có con đường được mệnh danh là đường dát vàng vì dài 1,5 km nhưng tốn gần 1.000 tỷ đồng, và chỉ một đoạn 200 mét đã lãng phí tới hơn 200 tỷ đồng tại Quận Long Biên.
Kỷ lục hỏng nhanh nhất thì chắc không ai qua được công trình tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam. Vừa khánh thành hôm 24/3, chưa được 1 tuần lễ sau, nền gạch phía trước tượng đài đã bong tróc, vỡ vụn.
Còn nhớ trước đây, một công trình khác cũng có kỷ lục hỏng nhanh không kém là biểu tượng cây đàn kìm phục vụ Festival Đờn ca tài tử tại Bạc Liêu. Khi festival vừa kết thúc cũng là lúc gạch ở bờ hồ sen bong tróc rơi rụng lả tả.
Chỉ vài thống kê sơ sơ đã cho thấy, đúng là chúng ta có thế mạnh về kỷ lục thật chứ chẳng chơi. Đụng vào đâu cũng có kỷ lục, toàn những kỷ lục cao nhất thế giới, đắt nhất hành tinh cho dù nước ta vừa ra khỏi nhóm thoát nghèo.
Vậy nên chăng, thay vì chạy theo dăm ba kỷ lục lẻ tẻ, rất khó nắm bắt, chúng ta nên đồng tâm hiệp sức xây dựng một đề án kỷ lục chung, tìm kiếm hình ảnh “một đất nước của các kỷ lục”?
Bất cứ ngành nào khi làm việc gì cũng phải hướng tới hai chữ “kỷ lục”, để các bảng hiệu công nhận kỷ lục được trưng bày khắp chốn nơi nơi. Đó mới chính là một điểm độc đáo mà không nước nào có được.
Bởi đừng hy vọng xây tháp cao nhất thế giới để làm biểu tượng cho đất nước. Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến khi xây xong cao 636m, chỉ cần có 1 đất nước nào đó xây sau ta một công trình nào đó cao 637m là bao công sức sẽ đổ xuống sông xuống biển cả.
Có người nói vui rằng, chưa biết các kỷ lục chúng ta đang tìm kiếm sẽ thành công đến đâu, nhưng cứ để các kỷ lục lâu nhất, đắt nhất, nhanh hỏng nhất tràn lan thế này, chẳng mấy chốc sẽ đạt được kỷ lục nghèo nhất thế giới.
Cái ấy, người xưa gọi là thứ kỷ lục “bất chiến tự nhiên thành”, kể cũng sướng thay.
  • Mi An