Tuesday, November 24, 2020

55 cán bộ mua bằng đại học giả để làm tiến sĩ, nâng ngạch công chức

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trường Đại Học Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân Ngôn Ngữ Anh giả, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước đã sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ…

Theo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” của Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An về việc làm rõ đường dây cấp văn bằng 2 Ngôn Ngữ Anh lậu của trường Đại Học Đông Đô, ở Hà Nội, cho thấy sự việc đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam bằng cách liên kết các cơ sở đào tạo để cấp bằng “chui.”

Trường Đại Học Đông Đô và bị can Trần Khắc Hùng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị (hình nhỏ) đang bị công an truy nã. (Hình: Hoàng Đan/Pháp Luật Việt Nam)

Trong vụ án này, đối với Tiến Sĩ Trần Khắc Hùng (48 tuổi), cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm viện trưởng Viện Đào Tạo Liên Tục và Phát Triển Công Nghiệp 4.0, trường Đại Học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã, nên công an đã tạm đình chỉ điều tra chờ khi bắt được sẽ “xử lý” sau.

Báo Tuổi Trẻ ngày 24 Tháng Mười Một, dẫn kết luận từ Cơ Quan An Ninh Điều Tra cho biết đã đề nghị truy tố các bị can: Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng trường Đại Học Đông Đô; Trần Kim Oanh, cựu phó hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà, phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, phó trưởng Phòng Quản Lý Đào Tạo và Quản Lý Sinh Viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ trường; cùng năm người khác.

Theo kết luận điều tra, lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong việc quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng đối với “Hệ Văn Bằng 2,” Tiến Sĩ Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã tổ chức tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm người mà không cần phải học để trục lợi hàng tỷ đồng.

Căn cứ tài liệu thu giữ được, công an xác định Đại Học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành Ngôn Ngữ Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 người “có thông tin để xác minh.”

Kết quả xác minh cho thấy trong số 216 trường hợp nêu trên, thì có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng; 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do Đại Học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo “Hệ Văn Bằng 2,” nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.

Với 193 người được Đại Học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng văn bằng. Đặc biệt trong đó có 55 người sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một người xin xét tuyển thạc sĩ, một người dùng để thi nâng ngạch Thanh Tra Viên, một người dùng thi tuyển công chức và hai trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ…

Bộ Công An đã có văn bản đề nghị các cơ quan chủ quản “xử lý cán bộ vi phạm theo quy định” đối với 58 người sử dụng bằng giả của Đại Học Đông Đô. Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo Dục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cử nhân giả nêu trên do “không có giá trị.”

Ngoài ra, Bộ Công An cũng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo Dục do trường Đại Học Đông Đô “chưa được cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015 bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 150 người, và cho đăng tải đề án tuyển sinh lên trang web tuyển sinh của bộ” khiến người dân nhằm tưởng Đại Học Đông Đô đã có giấy phép hợp pháp.

Tương tự, năm 2017 Đại Học Đông Đô gửi công văn cho Vụ Kế Hoạch Tài Chính ghi danh chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2, và Vụ Kế Hoạch đã xác nhận. Đồng thời, Vụ Giáo Dục Đại Học cũng cho đăng đề án tuyển sinh 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong năm 2017 của trường này lên Cổng Thông Tin Tuyển Sinh của Bộ Giáo Dục.

Công an tống đạt các quyết định tố tụng đối với bà Trần Kim Oanh, phó hiệu trưởng trường Đại Học Đông Đô. (Hình: Dương Lê/ Tiền Phong)

Đến năm 2018, Đại Học Đông Đô tiếp tục gửi đề án tuyển sinh có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 đến Vụ Giáo Dục Đại Học và được đăng tải lên Cổng Thông Tin Tuyển Sinh của bộ.

Cơ Quan An Ninh Điều Tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế Hoạch Tài Chính và Vụ Giáo Dục Đại Học đã “vi phạm quyết định của bộ trưởng Bộ Giáo Dục về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai. Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý.”

Do đã hết thời hạn điều tra vụ án, Cơ Quan An Ninh đã tách nội dung này ra để “xem xét, xử lý sau.” (Tr.N) [qd]

‘Sài Gòn không chỉ là nơi trung chuyển mà còn tiêu thụ, sản xuất ma túy’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tối 24 Tháng Mười Một, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân thành phố của đoàn đại biểu Hội Đồng Nhân Dân quận 1, Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố, khẳng định: “Sài Gòn không chỉ là nơi trung chuyển mà còn tiêu thụ, sản xuất ma túy.”

Theo báo Tuổi Trẻ, trả lời ý kiến cử tri về vấn đề ma túy, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng tệ nạn này đang là nỗi bất bình chung của người dân thành phố. Các vụ án ma túy thời gian qua không dừng lại ở số ký mà lên cả hàng tấn.

Số ma túy Hải Quan Tân Sơn Nhất phát giác thu giữ. (Hình: VNExpress)

“Thành phố Sài Gòn đã nhận thức sâu sắc được mối đe dọa và trong thời gian tới sẽ có những biện pháp để phòng, chống ma túy,” ông Phong hứa hẹn.

Tại kỳ họp, cử tri Lê Huỳnh Hai (ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cho rằng mặc dù chính quyền thành phố đã có những biện pháp hạn chế nhưng “mức độ buôn bán, sử dụng ma túy ở địa phương đang ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các tụ điểm vui chơi giải trí.”

Không chỉ vậy, ông Hai cho rằng ma túy hiện nay “đang từng bước xâm nhập học đường,” gây ảnh hưởng lớp trẻ, đe dọa tương lai của Việt Nam.

“Tình trạng nghiện ma túy ngày càng nhiều, lớp trẻ có còn đủ sức khỏe để đảm đương những công việc xã hội trong tương lai hay không?,” ông Hai đặt câu hỏi.

Theo ông Hai, việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung còn nhiều “quy trình phức tạp” trong khi việc cai nghiện chưa hiệu quả, cản trở công tác phòng, chống ma túy. Do vậy chính quyền cần phải có “chế tài mạnh tay” với người nghiện và cải tổ lại việc cai nghiện tập trung.

Liên quan đến ma túy, theo báo VNExpress, cùng ngày, Đội Kiểm Soát Phòng Chống Ma Túy và Chi Cục Hải Quan Chuyển Phát Nhanh thuộc Cục Hải Quan thành phố, đã kiểm tra thành bao bì carton và trong các kiện hàng chứa quần áo, máy massage chân, trong các gói thực phẩm cho động vật, tìm thấy nhiều túi heroin, ma túy tổng hợp, thuốc lắc, cần sa, hàng đá… nặng 20.5 kg, trong đó có hơn 700 gram heroin được giấu tinh vi trong kiện hàng xuất cảng.

Các bưu kiện này có tên người gửi là PMQ (ở quận 9), hàng hóa khai là quần áo gửi đi Úc, đều ghi địa chỉ giả, hoặc không có người nhận theo vận đơn.

Ma túy được ngụy trang dưới hình dạng là thực phẩm dành cho thú cưng. (Hình: Thành Chung/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Cục Hải Quan thành phố từng nhiều lần phát giác ma túy giấu trong các bưu phẩm gửi ra ngoại quốc hoặc về Việt Nam. Thủ đoạn của các băng nhóm tội phạm quốc tế là gửi ma túy về theo kiểu mua hàng online. Những lô hàng chuyển từ ngoại quốc về thường ghi địa chỉ “ma” và được theo dõi vận đơn.

Nếu các kiện hàng này được thông quan, chủ hàng sẽ tìm cách nhận từ các công ty giao nhận. Nếu bị bắt giữ, chúng sẽ bỏ hàng. Hiện giới hữu trách thành phố Sài Gòn đang phối hợp điều tra. (Tr.N) [qd]

‘Lâm tặc’ phá rừng bạch tùng ở Lâm Đồng, lấy gỗ bán lại sếp ‘bảo vệ rừng’

 LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Hàng chục cây bạch tùng hơn trăm năm tuổi ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, bị “lâm tặc” cưa hạ tan tác, xẻ lấy gỗ ngay tại hiện trường rồi mang bán cho tổ trưởng Quản Lý Bảo Vệ Rừng.

Sáng 24 Tháng Mười Một, lãnh đạo Công An huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã khoanh vùng và xác định được sáu người tình nghi liên quan đến vụ phá rừng bạch tùng tại tiểu khu 249 ở xã Đạ Đờn, thuộc huyện.

Rừng bạch tùng bị cưa hạ tan tác, nhiều cây có đường kính hơn 1 mét. (Hình: Lâm Viên/Thanh Niên)

“Công An huyện Lâm Hà đang tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm Lâm huyện củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng bạch tùng cổ thụ tại tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, để điều tra xử lý,” vị lãnh đạo công an nói với báo Người Lao Động.

Nhận được tin báo của người dân, ngày 23 Tháng Mười Một, phóng viên báo Thanh Niên đến tiểu khu 249 là lâm phần do Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lâm Hà quản lý để xác minh.

Tại hiện trường, hàng chục cây bạch tùng có đường kính từ 60 đến 100 cm, tuổi đời hàng trăm năm bị cưa hạ nằm ngổn ngang. “Lâm tặc” đã ngang nhiên dùng máy cưa xẻ gỗ bạch tùng ngay tại rừng để lấy phần lõi gỗ hộp rồi dùng xe gắn máy, gắn xích vận chuyển bằng con đường mòn độc đạo đến thôn 5 và thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.

Ông Đồng Văn Tuyên, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Lâm Hà, cho biết khi lực lượng kiểm lâm phát giác việc phá rừng bạch tùng, thì tiến hành kiểm tra khu vực và thấy tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ), tổ trưởng Quản Lý Bảo Vệ Rừng, có hơn 1.5 khối gỗ bạch tùng.

Bước đầu ông Tuyến khai nhận mua số gỗ bạch tùng trên của ông Bùi Minh Chí (còn gọi là Chí “Phương,” 38 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ).

Cũng theo ông Tuyên, qua kiểm tra khu vực rừng bị phá có 11 cây gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng thiệt hại hơn 20.48 khối. Trong đó có 17.6 khối đã được đưa ra khỏi rừng, số còn lại nằm ngổn ngang tại rừng. Tại thời điểm kiểm tra “chưa xác định được người vi phạm.”

Cơ quan hữu trách đã thu giữ số gỗ nói trên, lấy lời khai những người liên quan để mở rộng điều tra.

Theo báo Tiền Phong, thời gian gần đây ở Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên, nằm trong vùng phòng hộ đầu nguồn, với quy mô lớn. Trong đó, huyện Lâm Hà trở thành “điểm nóng” phá rừng bởi không chỉ là nơi ở của nhiều “đối tượng xã hội phức tạp,” mà còn do sự buông lỏng quản lý của giới hữu trách. Ngay cả cán bộ quản lý bảo vệ rừng cùng người thân còn cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng…

Hiện trường cưa xẻ gỗ tại tiểu khu 249 mới nguyên nhưng giới hữu trách “chưa tìm ra thủ phạm.” (Hình: Lâm Viên/Thanh Niên)

Do diện tích rừng và đất rừng thuộc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lâm Hà quản lý bị “bốc hơi” quá lớn, sai phạm xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nên các cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng nhận định “việc điều tra xử lý sẽ rất phức tạp.”

Bạch tùng có nguồn gốc từ cây thông ba lá (thông nang), trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Gỗ có chất lượng tốt, thường làm trang trí nội thất, xây dựng nhà nuôi chim yến nên có giá thành khá cao. (Tr.N) [qd]

Cán bộ ở Sài Gòn ‘vòi vĩnh, tham nhũng’ hàng chục triệu đô la

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cho rằng “dù công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng nhiệm vụ để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy trình để vụ lợi…”

Báo Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Mười Một, dẫn phúc trình của Công An thành phố Sài Gòn, cho biết trong quý 3 năm 2020, công an đã thụ lý điều tra 18 vụ án với 24 bị can liên quan đến vụ án tham nhũng với tổng số tiền thiệt hại hơn 1,000 tỷ đồng ($42.81 triệu). Qua đó đã thu hồi hơn 664 tỷ đồng ($28.42 triệu).

Công an khám xét nhà ông Phạm Văn Thông ở phường 13, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến/Thanh Niên)

Nhà cầm quyền thành phố cho rằng mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng “đã được cán bộ lãnh đạo chú trọng,” nhưng một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ “còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, giám sát nội bộ chưa thường xuyên.”

Bên cạnh đó, các đơn vị “còn thiếu sót về việc công khai minh bạch thu chi tài chính, quản lý tài sản công. Tiến độ xử lý tin báo tố giác tội phạm và công tác điều tra, khởi tố, xét xử còn chậm…”

Theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức “thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy trình để vụ lợi.” Cùng với đó, do cán bộ và cả người dân “còn e ngại, cả nể nên hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu.”

Trong thời gian tới, Sài Gòn “sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hành vi tham nhũng.” Trong đó, tập trung ở những lĩnh vực “có nguy cơ cao” như các dự án trọng điểm của thành phố; công tác quản lý, thu hồi, giải tỏa mặt bằng; dự án BOT; cổ phần hóa doanh nghiệp…

Liên quan đến cán bộ tham nhũng, hôm 21 Tháng Mười Một, Công An thành phố Sài Gòn đã ra lệnh khởi tố, khám xét đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên phó chánh Văn Phòng Thành Ủy ở Sài Gòn, và ông Lê Hoàng Minh, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cùng 10 bị can khác để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Trước đó, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy ở Sài Gòn đã kỷ luật cách hết tất cả chức vụ đối với ông Phạm Văn Thông và kỷ luật cảnh cáo ông Lê Hoàng Minh.

Hàng chục bị can trên được xác định có liên quan đến những sai phạm của ông Tề Trí Dũng, nguyên tổng giám đốc công ty IPC, “đàn em” Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thành ủy Sài Gòn, trong việc quản lý vốn nhà nước tại công ty IPC và SADECO.

Các vụ bắt giữ này diễn ra trong tiến trình mở rộng điều tra bà Hồ Thị Thanh Phúc, tổng giám đốc Sadeco, và bị can Tề Trí Dũng, nguyên tổng giám đốc IPC, về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.”

Sau hai vụ bắt ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc hôm 14 và 15 Tháng Năm, 2019, nhiều Facebooker dự đoán người kế tiếp sẽ bị “sờ gáy” là ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy Sài Gòn. Tuy nhiên đến nay ông Cang vẫn “bình an vô sự.”

Ông Cang chỉ bị mất chức ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương CSVN khóa XII và ghế phó bí thư ở Sài Gòn, nhưng lại khiến công luận bất bình khi được giao làm phó “Ban Chỉ Đạo Công Trình Lịch Sử TP.HCM” hồi cuối Tháng Ba, 2019.

Hai công ty IPC và SADECO được cho là hai nơi do ông Cang điều hành, chỉ đạo trực tiếp trước khi xảy ra các vụ bê bối liên quan đến hai doanh nghiệp này. Do vậy, việc bắt giam ông Dũng, bà Phúc và đến nay là thêm ba bị can mới được công luận đồn đoán cho là “mở đường cho việc khởi tố, tống giam ông Cang” và các “khúc củi” gộc hơn vào lò.

Công an khám xét trụ sở IPC, nơi có đến nhiều cán bộ lãnh đạo tham ô. (Hình: Khả Hoà/Thanh Niên)

Tuy vậy, gần như các bài báo về các vụ bắt giam các bị can, nghi can đều tránh nhắc tên ông Cang, ngoại trừ báo Một Thế Giới chạy tít “Sai phạm liên quan đến ông Tất Thành Cang, tổng giám đốc Công Ty Tân Thuận bị bắt.”

Trong vụ bị cách chức, ông Cang chỉ bị các báo nhà nước nêu sai phạm một cách chung chung “vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc…” (Tr.N) [kn]