Friday, August 3, 2018

Gian lận thi cử ở tỉnh Hòa Bình ‘tinh vi và xảo quyệt hơn’

Trụ sở Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Hòa Bình. (Hình: Thanh Niên)
HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Đó là nhận định của ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng, Bộ Giáo Dục Đào Tạo khi so sánh sự gian lận kỳ thi Tú Tài 2018 ở hai tỉnh Hà Giang và Sơn La với tỉnh Hòa Bình.
Ngày 3 Tháng Tám, ông Phạm Hồng Tuyến, giám đốc Công An tỉnh Hòa Bình, cho biết cơ quan An Ninh Điều Tra, Công An tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án bắt và khám xét nơi ở của hai ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo Thí, Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Mạnh Tuấn, phó hiệu trưởng trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Trung Học Cơ Sở và Trung Học Phổ Thông huyện Lạc Thủy.
Hai viên chức này bị cáo buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về vụ nhiều bài thi trắc nghiệm kỳ thi tú tài quốc gia 2018 tại tỉnh này có dấu hiệu “can thiệp” để tăng điểm.
Ngày 2 Tháng Tám, Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã khẳng định “có hành vi can thiệp phiếu trắc nghiệm để thay đổi kết quả thi.”
Trước đó, Hội Đồng Chấm Thẩm Định rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định và kết luận điểm thi “không có gì bất thường.”
Trả lời trên chương trình “Diễn Đàn Giáo Dục” của Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông Mai Văn Trinh, cho rằng khi thẩm định, tổ chấm chỉ chấm trên các bài thi. Do đó, không có mâu thuẫn gì giữa việc “kết quả 100% như ban đầu” và sự kiện bất thường mới bị phát giác.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn và Đỗ Khắc Tuấn. (Hình: VNExpress)
“Phải hiểu rằng với chức năng của Hội Đồng Chấm Thẩm Định, bài thi của các em thế nào thì phản ánh khách quan bằng kết quả như thế. Nên nhiệm vụ của tổ chấm thẩm định như vậy là hoàn thành,” ông Trinh cho biết.
Theo ông Trinh, sai phạm ở Hòa Bình diễn ra trước đó; cụ thể là can thiệp lên bài làm của thí sinh. “Như vậy, tổ chấm thẩm định không phát hiện được là bình thường. Nhưng thông qua việc chấm rà soát như vậy tổ chấm thẩm định đã nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm trong quá trình chấm thi, cho nên, Bộ Giáo Dục Đào Tạo mới có công văn gửi Bộ Công An điều tra làm rõ và nay đã có kết quả ban đầu.”
Trước câu hỏi so với Hà Giang, Sơn La, dấu hiệu can thiệp điểm thi ở Hòa Bình có gì khác biệt, ông Trinh cho rằng, điều này thuộc chức năng của Bộ Công An.
“Qua thông tin ban đầu, tôi cho rằng sai phạm của Hòa Bình cũng rất nghiêm trọng và thậm chí có cái gì đó tinh vi và xảo quyệt hơn,” ông Trinh khẳng định.
Nói với báo VietNamNet sáng 3 Tháng Tám, ông Bùi Văn Cửu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, trưởng Ban Chỉ Đạo kỳ thi tú tài quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình cho hay, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đã nhận được đơn tố cáo về chấm thi bất thường ở Hòa Bình từ trước thời điểm Bộ Giáo Dục Đào Tạo chấm thẩm định. Sau đó tỉnh đã giao cho giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo kiểm tra về việc này.
Thế nhưng, giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo đã báo cáo láo cho là đã kiểm tra “không có vấn đề gì.” Đồng thời phúc trình với Bộ Giáo Dục Đào Tạo là “nếu thấy cần thiết thì bộ có thể về kiểm tra.”
Như vậy, sau 2 cán bộ trong ngành giáo dục Hà Giang và 5 cán bộ cùng ngành ở  Sơn La bị bắt, nay lại có thêm 2 cán bộ trong ngành giáo dục Hoà Bình bị vướng vòng lao lý, vì gian lận thi cử. (Tr.N)

Dân vùng lũ Hà Nội ‘tắm nhờ nước mưa, ăn khoai thay cơm’

Ngôi nhà ba tầng khang trang của anh Nguyễn Tự Tuyên bị ngập, đồ đạc hư hết. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đã 10 ngày qua, người dân xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, bị nước lụt khiến không điện, không nước sạch, cơm ăn chỉ một bữa, còn lại chống đói bằng mì tôm, khoai luộc.
Sáng 2 Tháng Tám, 2018, tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, những ngôi nhà nằm ven cánh đồng, gần đê sông Bùi vẫn ngập sâu 2 mét, trong khi các ngôi nhà ở giữa thôn chỉ còn ngập khoảng nửa mét.
Tuy nhiên, theo báo VNExpress, đường làng đã biến thành kênh bẩn, rác thải và bèo nổi khắp nơi. Gặp lúc trời nắng khiến nước bẩn và mùi phân gà, vịt bốc lên hôi thối rất khó chịu.
Ngồi trong Nhà Văn Hóa thôn Nhân Lý, nơi duy nhất không bị ngập, trong khi đàn ông lên thuyền đi làm từ sớm, chỉ còn lại một số phụ nữ, chị Nguyễn Thị Yến thở dài nói: “Cả làng chạy lũ, nhà tôi cùng nhiều nhà khác ngập sâu nên phải chuyển ra đây tá túc. Gấp gáp quá, chỉ kịp chạy người và ít thóc, còn lại tài sản đành ngâm nước 10 ngày nay.”
“Nhà tôi có lợn nái đẻ 10 con, lúc chạy lũ chuyển lên đây thì chết mất 9,” chị Nguyễn Thị Ngà góp chuyện.
Trong phòng hội họp chừng 100 mét vuông, các gia đình xếp đầy thóc lúa, ti vi, tủ lạnh xung quanh. Dãy bàn họp xếp chính giữa làm nơi ăn uống và ngủ ban đêm. Các ghế quây lại thành giường cho trẻ nhỏ chơi và ngủ.
Do toàn thôn mất điện, nên phụ nữ dựng tạm bếp củi nấu giữa sân Nhà Văn Hóa. Mỗi ngày, họ chỉ ăn một bữa chính vào buổi tối. Thời gian còn lại, khi nào đói họ ăn khoai sọ nhà trồng hoặc húp tạm bát mì tôm.
Bữa trưa với khoai sọ luộc của chị Nguyễn Thị Yến. (Hình: VNExpress)
Đặt túi nylon đựng ba miếng khoai sọ luộc lên bàn, chị Yến dùng đũa bới từng miếng đưa lên miệng. Khoai khô khốc, phải ăn nhiều ngày nên chị cứ nhăn mặt. “Mì tôm nóng lắm, không ăn được nhiều. Ăn khoai đỡ hơn nhưng vẫn khó nuốt. Mưa lũ phải chịu chứ không biết làm sao,” người phụ nữ gần 40 tuổi nói.
Những ngày ngập lũ, ngoài chuyện ăn uống vất vả, người dân Nhân Lý còn “đau đầu” vì chuyện tắm giặt thiếu nước sạch. “Chúng tôi phải đợi trời mưa để tắm, nếu không mưa thì phải 2-3 ngày tắm một lần,” chị Yến kể.
Tin cho biết mặc dú chính quyền xã Nam Phương Tiến đã di tản hết người dân khỏi những ngôi nhà ngập. Nhưng để tài sản không bị trộm cắp, hầu như nhà nào cũng cắt cử một người ở lại trông nom.
Trong ngôi nhà ba tầng khang trang nằm giữa làng, anh Nguyễn Tự Tuyên kể, năm 2009 gom góp tiền, vợ chồng anh xây được ngôi nhà này và tưởng sẽ không phải chịu cảnh ngập nữa, thế nhưng hai trận lũ chưa đầy một năm khiến cả tầng một chìm trong nước, đồ đạc hư hết.
“Mỗi buổi chiều tôi bơi sang nhà hàng xóm tắm nhờ, sau đó nhờ người chở thuyền về nhà và ngủ trên tầng hai. Một mình nên tôi không nấu nướng gì, mì tôm được hỗ trợ, đến bữa thì nấu ăn tạm,” anh Tuyên nói.
Tương tự, cách thôn Nhân Lý chừng 5 cây số là thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai nằm ven sông Bùi và “không mùa nước nào là không ngập.” Nhiều người dân nơi đây đã sống quen với lũ nên bám trụ để bảo vệ tài sản.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quá từ ngày có lũ chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà cấp 4 nước ngập đến cửa sổ. Chiếc giường đôi được kê tạm bằng gạch chỉ cao hơn mép nước chừng 10 cm.
“Năm nào nước lên nhà tôi cũng ngập, tôi với vợ ở lại để chăm sóc đàn lợn. Ban ngày nếu không đi nhận đồ cứu trợ thì chỉ loanh quanh trên giường rồi đi ngủ,” ông Quá nói.
Trước đó, báo VNExpress cho hay, từ ngày 22 Tháng Bảy đến nay, bốn xã của huyện Chương Mỹ gồm Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai bị ngập nặng, có nơi sâu hơn 2 mét. Nguyên nhân là lưu vực sông Bùi mưa rất to, lũ sông Bùi vượt báo động 3 tới nửa mét, trong khi địa bàn trũng thấp, việc tiêu thoát nước ra các sông lân cận rất chậm.

Ngập lụt đã khiến hai chị em ruột ở xã Tốt Động bị đuối nước. Toàn huyện có hơn 3,680 nhà bị ngập dưới 2 mét, hơn 3,240 hécta lúa và gần 600 hécta hoa màu bị thiệt hại. Tổng chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở 12,110 mét… (Tr.N)

Bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm là ‘thủ phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm (phải) họp với Robert Kalinak, bộ trưởng Nội Vụ Slovakia tại Hà Nội ngày 3 Tháng Sáu, 2017. (Hình: Website Chính Phủ CSVN)
BERLIN, Đức (NV) – Trong một diễn biến bất ngờ, hôm 3 Tháng Tám 2018, tờ báo Taz, một cơ quan truyền thông độc lập của Đức, lần đầu tiên đăng bài báo bằng tiếng Việt cập nhật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Điều đáng chú ý nhất là bài báo này nêu đích danh Thượng tướng, Bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm là ‘thủ phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, với sự tiếp tay của bộ trưởng Nội Vụ Slovakia.’
Bài báo với tựa đề ‘Trịnh Xuân Thanh – Lời Chào Thân Ái Từ Hà Nội’ viết rằng:
“Vào Thứ Tư sau hôm xảy ra vụ bắt cóc, ở khách sạn Borik có một buổi tụ họp ly kỳ: Chủ nhà là bộ trưởng Nội Vụ Slovakia hồi đó, ông Robert Kalinak. Bốn khách Việt Nam có mặt, trong đó có tướng Hưng [Trung Tướng Đường Minh Hưng, tổng cục phó Tổng Cục An Ninh– Bộ Công An] – người được cho là giữ vai trò điều phối vụ bắt cóc tại Berlin, và một vị tướng hai sao khác của Bộ Công An [CSVN]. Người dẫn đầu phái đoàn là Tô Lâm, bộ trưởng Công An CSVN.”
“[Sau cuộc họp], chiếc phi cơ A319 đang chờ họ tại cửa VIP của sân bay để đi về Moscow. Lúc 14 giờ 46 phút, chuyến bay SSG004 cất cánh, có 12 hành khách ngồi trong phi cơ, tất cả đều mang hộ chiếu ngoại giao. Các nhà điều tra tin chắc rằng, một nguời trong đó là nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Tất nhiên là anh ta không được mang tên thật của mình,” báo Đức viết.
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức hôm 2 Tháng Tám đăng tin Trịnh Xuân Thanh bị hai mật vụ Việt Nam xốc nách đưa lên máy bay của chính phủ Slovakia và bộ trưởng Nội Vụ Slovakia giúp bộ trưởng Công An CSVN trong vụ này. (Hình chụp màn hình)
Trong khi đó, tờ Thời Báo của người Việt ở Đức (thoibao.de) nêu rõ hơn: “Bộ Trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi – Các nhà điều tra Đức cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã bị thương và bị cho uống thuốc có chất ma túy.”
Thời Báo cũng dẫn lại tin đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức cáo buộc ông bộ trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kalinak “đã giúp ông Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia”.
Tờ Taz của Đức lần đầu tiên đăng bài báo bằng tiếng Việt cập nhật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (Hình: Chụp qua màn hình)
“Các nhà điều tra Đức cho rằng Trịnh Xuân Thanh đi bằng một hộ chiếu ngoại giao Việt Nam dưới tên giả. Sau đó cánh cửa đóng lại và máy bay cất cánh theo hướng Moscow. Các chiêu đãi viên hàng không sau đó đã kể lại rằng họ đã phải giao tất cả điện thoại di động của họ cho phi công trưởng Slovakia – để chắc chắn rằng không có ảnh nào được chụp,’ tờ báo của nhà báo Lê Trung Khoa tường thuật.
Trong một diễn biến khác, ông Robert Kalinak được Slovak Spectator, tờ báo tiếng Anh duy nhất của Slovakia dẫn lời trong bài phỏng vấn đăng hôm 2 Tháng Tám, 2018: “[Chính phủ] Việt Nam có thể đã lợi dụng lòng hảo tâm của chúng tôi. Slovakia đã làm mọi thứ có thể để giúp điều tra vụ bắt cóc [Trịnh Xuân Thanh]. Chúng tôi đã bày tỏ sự phẫn nộ về vụ bắt cóc này. Vụ này xảy ra trên lãnh thổ Đức. Tôi chỉ có một câu hỏi: Nếu ông Thanh bị truy nã quốc tế, tại sao tên ông ta không có trong hệ thống thông tin Schengen, nơi hiển thị tên của những tội phạm bị truy nã?”
Ông Kalinak cũng nói trong cuộc phỏng vấn: “Họ [ông Tô Lâm và giới chức công an CSVN] yêu cầu chúng tôi giúp một vụ và chúng tôi nhận lời. Sự hào phóng của chúng tôi có thể đã bị lợi dụng. Tôi không thể tưởng tượng rằng bộ trưởng [Tô Lâm] sẽ đích thân tham gia vào một vụ hỗn độn như vậy.”
“Ông ấy [Tô Lâm] nói với tôi rằng đoàn Việt Nam đã nhỡ chuyến bay hay một điều đại loại như thế, và anh ấy hỏi tôi có thể giúp cấp máy bay đưa họ đến Moscow không. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ ông ta.”
“Chúng tôi đã đón ông ta và theo lịch trình thì ông Lâm bay từ Prague đến Vienna. Nhưng rồi toàn bộ lịch trình đã bị thay đổi. Nếu những gì phía Đức nói là sự thật, rằng có một người bị còng tay hoặc bị khống chế, chúng tôi chắc chắn đã nhận ra và có phản ứng. Tuy vậy, hôm ấy không có người nào như vậy. Hơn nữa, phía Đức đã thẩm vấn tất cả nhân viên sân bay, phi hành đoàn và nhân viên của khách sạn Bôrik. Tôi tiếp tục giữ quan điểm: vụ này là giữa Đức và Việt Nam, và một cái gì đó ám muội. Họ [Hà Nội] đã không nêu tên ông ta [Trịnh Xuân Thanh] là người đang bị truy nã quốc tế trong hệ thống thông tin Schengen,’ tờ Slovak Spectator viết thêm.
“Theo tờ theguardian của Anh, hồi Tháng Ba, 2018, ông Robert Kalinak, một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Slovakia Robert Fico, buộc phải từ chức sau vụ ám sát một nhà báo. Nhà báo này đang điều tra sự dính líu giữa chính phủ Slovakia và mafia của Ý. Vụ ám sát làm dấy lên các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Liên quan đến vụ này, trong phiên tòa diễn ra tại Berlin, ông Nguyễn Hải Long bị tuyên phạt 3 năm 10 tháng tù giam về tội “Hoạt động gián điệp chống lại nhà nước Đức” và “Trợ giúp cưỡng đoạt tự do” đối với ông Trịnh Xuân Thanh và người ở cùng ông Thanh thời điểm đó là bà Đỗ Thị Minh Phương.
Ông Long vừa đệ đơn kháng án và yêu cầu đổi luật sư biện hộ. Hành động này làm dấy lên suy đoán có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam.
Ông Long trước đó đã thừa nhận “tiếp tay cho mật vụ Việt Nam” và nhận tội để được miễn giảm án tù theo lời tư vấn của luật sư. (T.K.)

Hàng loạt vụ gian lận điểm thi nhưng bộ trưởng Giáo Dục CSVN quyết không từ chức

Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN Phùng Xuân Nhạ. (Hình: Zing)
HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Tám, tin cho hay nhà chức trách đã khởi tố vụ án gian lận điểm thi ở tỉnh Hòa Bình và hồ sơ vụ này đã được chuyển cho Cơ Quan An Ninh Điều Tra, Bộ Công An.
Đây là vụ án thứ ba được khởi tố liên quan đến vụ bê bối điểm thi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam mới đây.

Đáng lưu ý, theo báo Zing, khác với vụ tương tự ở tỉnh Hà Giang và Sơn La, vụ nghi gian lận điểm thi ở Hòa Bình có đến ba lần kiểm tra nhưng “không phát hiện sai phạm.”
Trước khi công an mở cuộc điều tra, cả ông Nguyễn Đức Lương, phó giám đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo Hòa Bình và ông Bùi Trọng Đắc, giám đốc sở này đều khẳng định điểm thi của tỉnh “chính xác, khách quan, không có bất kỳ sự can thiệp nào vào bài thi của thí sinh.”
Còn theo báo Tuổi Trẻ, trong vụ này ở tỉnh Hòa Bình có cả “quy trình báo giá và thỏa thuận nâng điểm” cũng như biện pháp dự phòng “xóa file ảnh bài thi gốc và đốt 16 CD ghi dữ liệu” khi bị thanh tra.
Báo Tuổi Trẻ, Zing và một số báo “lề phải” khác trong hôm 3 Tháng Tám tiếp tục gây sức ép với Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN Phùng Xuân Nhạ bằng cách yêu cầu ông này “phải có hành động cụ thể, quyết liệt sau khi nhận trách nhiệm.”
Việc ông Nhạ im re sau khi xuất hiện và chỉ nói một câu đơn giản là “xin nhận trách nhiệm” càng khiến công luận thêm giận dữ. Có suy đoán Bộ Trưởng Nhạ chẳng đặng đừng phải phát ngôn trong lúc Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công An điều tra vụ gian lận thi với yêu cầu “triệt để, đúng người, đúng tội.”
Giới quan sát cho rằng vụ bê bối điểm thi lần này nghiêm trọng và có nhiều khả năng làm lung lay cái ghế của Bộ Trưởng Nhạ hơn các cáo buộc trước đây nhắm vào ông này. Bộ Trưởng Nhạ cũng không thể tiếp tục áp dụng kế sách “im lặng là vàng” như đối với vụ bị Giáo Sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp tố cáo “tự đạo văn” trong các bài viết khoa học hồi Tháng Hai, 2018.
Đến Tháng Ba, 2018, ông Nhạ lại “rút kinh nghiệm sâu sắc” trong vụ một loạt ứng viên sắp sửa được phong giáo sư bị phanh phui chuyện hồ sơ của những người này “không đạt chuẩn.”
Tuy vậy, trong lúc các báo “lề phải” dè dặt đề xuất Bộ Trưởng Nhạ “nên xin lỗi về sai phạm điểm thi” hoặc “cần đưa ra lời cam kết,” nhiều blogger có ảnh hưởng mạng xã hội dứt khoát yêu cầu ông này “phải từ chức ngay.”
Phóng viên tự do Ngô Nguyệt Hữu viết trên trang cá nhân: “Hôm qua, nhận lời mời viết bài bình luận nhân vụ đường dây chạy điểm ở tỉnh Hòa Bình bị phát hiện. Tôi đã viết bài báo ngắn nhất trong nhiều năm cầm bút, bài báo ấy không được duyệt. Tiếc, nên post Facebook vậy. Bài báo ấy đây: “Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông còn chờ gì mà chưa từ chức?”
Phóng viên Lê Phi của báo Pháp Luật ở Sài Gòn đặt câu hỏi trên Facebook: “Nếu Bộ Trưởng Nhạ từ chức thật thì biết lấy ai ra làm bộ trưởng đây? Cách đây mấy năm, ông Nguyễn Sinh Hùng [cựu chủ tịch Quốc Hội CSVN] có nói rằng nếu cách chức hết thì lấy đâu ra cán bộ làm việc có đúng không nào. Đấy. Lỡ may bác Nhạ hồn nhiên từ chức phát cũng gây khốn đốn chớ đừng tưởng bở.”
Cùng thời điểm, bà Nghiêm Thúy Hằng, cựu đồng nghiệp của ông Nhạ tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, viết trên trang cá nhân: “Vì tương lai của cả một thế hệ, vì nhu cầu cần đòi hỏi trung thực, tôi khuyên chân thành ông Nhạ với tư cách đồng nghiệp cũ là ông hãy xem lại cách thức nhận thức, tư duy và phát ngôn của mình sao cho xứng tầm với một chính khách, một tư lệnh ngành, một ‘người thầy của thiên hạ.’”
“Nếu ông không làm được như thế, nhiều tiếng nói không chỉ yêu cầu ông xin lỗi mà còn đề nghị Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, đề nghị chính phủ cách chức ông đang rộ trên mặt báo bởi những bê bối trong thời kỳ ông làm bộ trưởng đã ở quy mô gây sốc và vô tiền khoáng hậu, không thể lấy giấy gói được lửa,” bà Hằng viết trong một post nhận được gần 900 lượt share. (T.K.)

Việt Nam ‘chẳng thu được đồng thuế nào’ từ du khách Trung Quốc

Du khách Trung Quốc tràn ngập các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. (Hình: Getty Images)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Quản lý thị trường Việt Nam không kiểm soát được việc du khách Trung Quốc mua sắm và việc trả tiền lại không qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam nên “tiền Trung Quốc trở về Trung Quốc.”
Thực tế này được ông Cao Xuân Luật, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Quảng Ninh nêu ra tại hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm” của ngành này vừa diễn ra ngày 2 Tháng Tám mới đây. Báo điện tử VNExpress loan tin.
Theo đó, sáu tháng đầu năm 2018, Quảng Ninh đón 2.5 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách Trung Quốc. Thế nhưng, mặc dù có đến 60 cơ sở “đạt chuẩn bán hàng cho khách du lịch,” song khách Trung Quốc vào Quảng Ninh rồi đi địa phương khác chơi mà “không mất đồng nào, cũng không góp đồng nào trong mua sắm, chi tiêu cho tỉnh.”
Ông Luật giải thích cụ thể, khách Trung Quốc đến du lịch nhưng toàn bộ mua sắm tại các cơ sở khép kín do người Trung Quốc làm chủ. Chủ các cửa hàng này lại mở máy thanh toán từ ngân hàng bên Trung Quốc, nên khi khách mua hàng thanh toán bằng Nhân dân tệ hoặc thanh toán thẻ, tiền không qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.
“Khách mua hàng quẹt thẻ và toàn bộ tiền mua hàng ở Quảng Ninh đều chuyển sang Trung Quốc, gây thất thu thuế, ngân sách rất lớn. Việc phát hiện thất thu, kiểm soát cũng gặp khó khăn bởi các giao dịch mua hàng chủ yếu qua mạng trực tuyến (online),” ông Luật nói.
Ngay việc quản lý thị trường địa phương xử phạt hành chính các cửa hàng kinh doanh dạng này cũng rất khó khăn, bởi dù phát hiện được sai phạm nhưng thẩm quyền xử phạt lĩnh vực tiền tệ lại thuộc Thanh Tra Ngân Hàng Nhà Nước.
Trong khi đó, thời gian chuyển hồ sơ, chờ đợi phê duyệt hồ sơ của cấp có thẩm quyền ở Trung Ương nếu không xử lý khéo, không nhanh sẽ quá thời hiệu quy định về xử phạt hành chính.
Ông Luật nêu thí dụ, trong hồ sơ đề xuất xử lý hành chính một doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực thanh toán tiền tệ với khách ngoại quốc, quản lý thị trường đề xuất mức phạt tới 900 triệu đồng, song khi chuyển lên Ngân Hàng Nhà Nước thì quá thời hiệu xử phạt một ngày, nên phải làm lại.
Không chỉ có Quảng Ninh, tại Đà Nẵng, quản lý thị trường cũng kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp du khách Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam cà thẻ qua máy POS lậu, hay thanh toán qua “ví điện tử,” WebchatPay, AliPay… Các hình thức thanh toán sử dụng công nghệ trung gian này có thể “được cho phép chính thức và không chính thức.” Theo quy định, việc thanh toán trái phép trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng như trên có thể bị xử phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Cách đây 3 tháng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã có liên tiếp hai văn bản gửi các các chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu xử lý vi phạm thanh toán thẻ phục vụ khách ngoại quốc, đồng thời đề nghị chính quyền các tỉnh “phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương thanh tra, kiểm tra và phát hiện kịp thời các hành vi phạm.”
Tuy nhiên, đại diện Chi Cục Quản Lý Thị Trường Đà Nẵng cho rằng, trong văn bản chỉ đạo điều hành yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải “tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng thực tế thì không rõ sẽ phải tăng cường kiểm tra, giám sát ra sao.”
Việc này đã gây thất thoát thuế rất lớn cho Việt Nam, do các giao dịch hoàn toàn được xử lý tại Trung Quốc, trong khi những nơi ở Việt Nam mà khách Trung Quốc đến du lịch phải tốn công quản lý, phục vụ về mọi mặt. (Tr.N)

Sạt lở đất đá ở Lai Châu, 11 người chết và mất tích

Vụ sạt núi làm thiệt hại 4 ngôi nhà tại bản Sin Chải, xã biên giới Mù Sang, huyện Phong Thổ. (Hình: VietNamNet)
LAI CHÂU, Việt Nam (NV) – Vụ lở đất do mưa lớn tại huyện Phong Thổ đã vùi lấp 7 ngôi nhà, làm nhiều người chết và mất tích.
Báo VietNamNet dẫn thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Lai Châu, cho biết vụ lở đất xảy ra bất ngờ tại 2 xã Mù Sang và Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ. Tính đến 17 giờ 15 ngày 3 Tháng Tám, đã có 6 người chết, 5 người mất tích và 2 người bị thương. 7 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Mưa lũ cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Dào San-Sì Lờ Lầu, trong đó có một điểm sạt lở thuộc thôn Bản Mới, xã Ma Ly Chải. Vụ sạt lở khiến giao thông tại địa phương bị ách tắc, xe hơi không thể lưu thông. Hiện nay, đường giao thông vào xã Mù Sang đang bị cô lập hoàn toàn.
Ông Hà Văn Um, giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Lai Châu, cho biết hiện tại huyện Phong Thổ vẫn mưa to. Tuyến đường vào các xã thiệt hại bị đất đá chia cắt. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Vụ sạt lở nghiêm trọng đã cuốn trôi 2 ngôi nhà của người dân. (Hình: VietNamNet)
Ngoài ra, mưa lũ cũng đã gây ngập úng 20.5 ha lúa,chủ yếu ở xã Khổng Lào, Hoang Thèn. Nhiều hộ dân ở các xã ven sông, suối phải di dời khẩn cấp tài sản và con người tới nơi an toàn.
Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, trong 2 ngày tới vùng núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét.
Trước đó từ ngày 13 Tháng Bảy đến nay miền Bắc và Bắc Trung Bộ mưa to. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Toàn khu vực có gần 40 người chết, chủ yếu ở Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa do sạt lở đất và lũ cuốn. Mới đây, Hà Nội có 3 trẻ ở vùng ngập lũ huyện Chương Mỹ bị chết đuối. (Tr.N)

Ông Will Nguyễn, người bị bắt vì biểu tình ở Việt Nam, về đến Houston

Ông Will Nguyễn trả lời phỏng vấn báo giới tại phi trường quốc tế Houston. (Hình chụp qua màn hình TV)
HOUSTON, Texas (NV) – Ông Will Nguyễn, người bị bắt trong lúc tham gia biểu tình ở Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu, vừa về đến Houston, Texas, hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Tám.
Một đoạn video của đài truyền hình ABC 13 cho thấy ông Will Nguyễn và cô em gái Victoria Nguyễn bước xuống thang cuốn tại phi trường quốc tế Houston, trong lúc báo giới đứng chờ bên ngoài.
Người đầu tiên ông Will Nguyễn ôm là bà mẹ ông.
Trên trang Facebook của mình, cô Victoria cho biết họ bay từ phi trường O’Hare ở Chicago đến Houston.
Cô không cho biết trước đó ông Will Nguyễn và cô bay từ đâu đến Chicago.
Trước đây, cô viết trên Facebook rằng ông Will Nguyễn sẽ về đến Houston ngày 1 Tháng Tám.
Tại cuộc họp báo, Will Nguyễn trả lời nhiều câu hỏi của giới truyền thông, bao gồm cả truyền thông Mỹ lẫn truyền thông của cộng đồng người Việt, về những tình tiết của cuộc bắt giữ và những ngày trong nhà tù, cũng như suy nghĩ của anh về Việt Nam.
Nói về vụ $1.7 triệu mà các trang mạng của chính quyền CSVN cáo buộc Will đã mang về để phát cho người biểu tình, ông cho hay “đó là Fake News”.
Trên trang Facebook của mình, ông Trịnh Du, một nhà hoạt động cộng đồng ở Houston, cho biết ông Will Nguyễn sẽ có mặt tại hội chợ cộng đồng ở Hong Kong City Mall vào lúc 8 giờ tối Thứ Bảy 4 Tháng Tám để cám ơn đồng hương Việt Nam.
Ông Will Nguyễn sinh ra tại Houston, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Yale University, Connecticut, và vừa hoàn tất bằng cao học tại Đại Học Lý Quang Diệu ở Singapore.
Ông từ Singapore qua Việt Nam du lịch vào đúng dịp nổ ra cuộc biểu tình của người dân chống dự luật cho nước ngoài thuê đất 99 năm và dự luật an ninh mạng.
Trước khi bị bắt, ông Will Nguyễn phổ biến trên Facebook cá nhân những lời khen ngợi: “Nhà cầm quyền Cộng Sản đang cho phép người dân tụ tập ôn hòa và người dân thực thi các quyền công dân để phản đối các bất công.”
Sau đó, ông phổ biến thêm một số hình ảnh, phản đối cảnh sát chặn đường người dân, và bị bắt.
Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy đầu ông chảy máu, bị một số người khiêng đi, và sau đó bị đẩy lên xe cảnh sát.
Vài ngày sau, theo AFP, ông xuất hiện trên truyền hình nhà nước và nói lời nhận tội bằng tiếng Việt như sau: “Tôi tiếc đã gây rắc rối cho những ai đi ra phi trường. Tôi đã gây kẹt xe và gây rắc rối cho gia đình tôi và bạn bè. Tôi sẽ không tham gia bất cứ hoạt động nào chống chính quyền (Việt Nam) nữa.”
Kể từ sau vụ ông Will Nguyễn bị bắt, nhiều dân cử liên bang và địa phương ở Mỹ viết thư đến Tổng Thống Donald Trump và Ngoại Trưởng Mike Pompeo yêu cầu can thiệp với phía Việt Nam để thả ông.
Một tòa án ở Sài Gòn hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Bảy, quyết định trục xuất ông Will Nguyễn vì tội “Gây rối trật tự công cộng theo Khoản 2, Điều 318 của Bộ Luật Hình Sự,” theo VNExpress.
Ngoài chuyện bị trục xuất, ông Will Nguyễn còn phải đóng một số tiền phạt.
“Chúng tôi hài lòng là trường hợp của công dân Mỹ Will Nguyễn đã được giải quyết,” ông James Thrower, một phát ngôn viên tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội, cho Reuters biết qua email. “Qua quyết định của tòa, chúng tôi hiểu là ông ấy bị trục xuất sau khi đóng một khoản tiền phạt.”
Hôm 30 Tháng Bảy, ông Will Nguyễn viết trên trang Facebook của mình như sau: “Chính quyền Việt Nam cắt ghép các lời nhắn của Will để làm hình ảnh của Will trở thành quá khích. Họ điền thêm một dòng rằng Will muốn lật đổ chế độ (và là không đúng sự thật). Will không căm thù đảng, và Will cũng không căm thù chính phủ Việt Nam, nhưng cách thức mà họ trình bày với sự thật thật là đáng sợ.”
“Và họ còn thắc mắc tại sao họ không chiếm được lòng dân… Việt Nam xứng đáng được có những gì tốt đẹp hơn thế,” ông Will viết như vậy.
Theo ABC 13, ngay khi đến phi trường ở Houston, ông Will Nguyễn có tiếp xúc ngắn với giới truyền thông và nói về thời gian ông bị giam giữ tại Việt Nam.
Ông nói ông cảm ơn tất cả mọi người đã vận động để ông được tự do. (Đ.D.)