Wednesday, November 7, 2018

‘Quyền con người’: Việt Nam ‘biến cam kết thành hành động’ như thế nào?

Thường Sơn(VNTB) - Vào nửa cuối tháng Mười năm 2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã thêm một lần nữa hứa hẹn về ‘quyền làm người’ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, sau vô số lần ‘cái gì cũng hứa’ và ‘cái gì cũng ký’ nhưng luôn làm ngược lại.

Sự kiện trên lại trùng với một sự kiện khác không kém gay cấn: Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp tập tổ chức một đoàn sang Đức để thương thuyết về vấn đề mà trên danh nghĩa là ‘phục hồi quan hệ chiến lược Việt - Đức’, nhưng thực chất là đàm phán về yêu cầu không suy xuyển của phía Đức là Việt Nam phải giao trả nguyên trạng Trịnh Xuân Thanh cho Đức, sau khi Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.  

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, Đoàn Việt Nam đã tham gia cuộc họp Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa Liên hợp quốc với đề mục thảo luận về “thúc đẩy và bảo đảm quyền con người”.

Báo đảng lập tức ra rả: “Cùng với việc tham gia tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, Việt Nam luôn nỗ lực nhằm biến các cam kết về quyền con người thành những hành động thực tế”, và “Đại diện Việt Nam nhấn mạnh luôn coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế. Mọi cam kết quốc tế về nhân quyền đều được Việt Nam tuân thủ nghiêm, biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tiễn để đảm bảo quyền con người”.

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - chúi đầu đọc bài 'Việt Nam biến cam kết thành hành động'


Cùng thời gian trên, trong cuộc họp báo ngày 15/10/2018 cùng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Áo,Thủ tướng Phúc đã ‘đọc bài’: ‘Việt Nam là một nước dân chủ’ khi báo chí quốc tế đề cập đến những vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam.

Nhưng đã từ nhiều năm qua, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Quá nhiều bằng chứng đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.

Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.

Chỉ một ngày sau khi Ủy ban châu Âu làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu về EVFTA và được Thủ tướng Phúc hân hoan thông báo ‘tin mừng’ cho toàn bộ giới quan chức, một ‘tòa án nhân dân’ ở Việt Nam đã có câu trả lời cho EU khi xử phúc thẩm nhà hoạt động nhân quyền Lê Đình Lượng và y án với mức án 20 năm tù giam!

Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trần trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.

‘Biến cam kết thành hành động’ luôn là một khẩu hiệu được giới ngoại giao Việt Nam tuyên rao trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng ở trong nước, công an Việt Nam đã chứng tỏ năng lực ghê gớm của nó khi biến tất cả những cam kết về nhân quyền quốc tế thành nhiều cái chết thực thể của người dân trong đồn công an, thành những trận đàn áp đã man người biểu tình…

Vào đầu năm 2019, Việt Nam sẽ phải một lần nữa trải qua cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, kể từ khi chế độ này được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào cuối năm 2013. Khi đó, các thành viên của hội đồng này sẽ thêm một lần nữa chứng kiến chỉ có vài phần trăm khuyến nghị của họ nêu ra trước đây đối với Việt Nam được thực hiện, mà kết quả thực hiện rõ ràng và sốt sắng nhất về nhân quyền là… bình đẳng giới - một chủ đề vô thưởng vô phạt và chẳng hề làm ản hưởng đến quyền lực lẫn vai trò độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi tướng lĩnh hết 'tâm tư' chuyển sang 'buồn, tủi thân'

Ánh Liên (VNTB) Quân đội Bắc Việt được đánh giá là oai hùng, tự tôn,… Trong bộ phim ‘The Vietnam war’, giới chiến binh Bắc Việt cũng nhận được sự ghi nhận về ý chí sắt đá, tinh thần kỷ luật, quyết tâm chiến đấu, sự thiện chiến. Và tại cuộc gặp với đại tướng McNamara, Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp khẳng định, ‘lo sợ’ không có trong tư duy quân sự của chúng tôi (ý chỉ quân đội cộng sản).

Nhưng qua thời bình, có vẻ tướng tá quân đội trở nên mỏng manh và yếu đuối hơn, và họ bắt đầu ‘lo sợ’ nhiều thứ hơn. Vào năm 2014, khi được đặt câu hỏi tại sao thời chiến chỉ có 36 tướng, mà giờ nhu cầu phong tướng lại quá cao, nó có phải xuất phát do nhu cầu tác chiến, đáp lại ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP lúc đó đã khẳng định: Trung tướng đối với Giám đốc các trường, học viện chính trị và Chính ủy thì là trung tướng, giờ hạ xuống 'anh em rất tâm tư'. Những tưởng câu nói nêu trên đã bộc lộ phần nào một xu hướng tạm thời về chuộng hình thức (cấp bậc) trong đội ngũ sĩ quan cao cấp, nhưng giờ đây, sau 4 năm họp lại, ‘tâm tư’ đã thay bằng cụm từ có phần nặng nề hơn: buồn, tủi thân.
ĐB đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được
‘Đã nói một trong những lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia, nhưng làm thế này thì anh em bên quân đội buồn, tủi thân’.

Và chủ nhân của phát ngôn này là ĐB Nguyễn Văn Được, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt nam, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Anh Hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân.

Với tuổi đời và chức vụ như đề cập trên, rõ ràng, ‘chiến sĩ Nguyễn Văn Được’ trong thời chiến không hề mỏng manh, mà phải là cực kỳ dũng mãnh, không màng lợi danh mà phải là luôn trong tinh thần chiến đấu và quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nhưng giờ đây, cũng chiến sĩ ‘oai hùng’ năm xưa đó, lại thể hiện một quan điểm rất chi là dễ vỡ và có phần nhỏ mọn, tính toán. Đó là, tướng công an được phong như thế nào thì quân đội phải tương xứng như thế. Nhưng nếu xét trên cơ sở ‘tương xứng’, thì quan điểm của ĐB Được cũng có thể hiểu được phần nào, ít nhất là đảm bảo sự công bằng trong quyền lực vũ trang. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thể hiện tính chất ‘kèn cựa’ giữa hai lực lượng vũ trang này về mặt nhà nước, và nhà nước bằng cách nào đó buộc phải ‘gánh’ nếu không muốn sự ‘bất bình’ trong nhóm tướng tá đôi bên.

Nếu ĐCSVN lãnh đạo và Nhà nước Việt Nam chu cấp ngân sách, tính chất ‘ganh nhau’ từng chút một nêu trên là một vết nứt giữa hai lực lượng vũ trang, và nếu Nhà nước Việt Nam xử lý không khéo léo thì tương lai có thể một trong hai sẽ ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ theo một mức độ nào đó.

Ở một góc nhìn khác, sự ‘ganh nhau’ lần này về hình thức là đòi hỏi sự công bằng, nhưng đồng thời, nó là hệ quả của việc phong tướng tá tràn lan trong thời bình, nhất là thời kỳ mà sử dụng hàm tướng tá để lôi kéo phe phái như trước đây. Hay chính khách Việt Nam đã biết ‘nịnh’ giới lãnh đạo cấp cao để làm lợi vị thế chính trị của mình. Rõ ràng, nếu ông TBT Nguyễn Phú Trọng có một sự can thiệp hợp lý nhằm xử lý ổn thỏa hiểm họa ‘tỵ ganh’ này, thì ông thúc đẩy sự công bằng hóa trong cả hai lực lượng, theo đó, Tỉnh đội trưởng (Quân đội) và Giám đốc (công an) phải nằm cùng trần quân hàm với nhau, và trong thời bình này nên là hàm Đại tá. Việc tiến hành thế này cũng đồng thời giải quyết cả khâu lạm phát tướng, ‘tâm tư’ cũng như giảm bớt nguồn ngân sách chi ra cho ‘chế độ’ các tướng tá. Tuy nhiên, việc này cơ bản là khó, bởi sự phấn đấu của các tướng tá, sự trung thành tuyệt đối với ĐCSVN của cả hai lực lượng đều bị gắn chặt bởi lợi quyền mà ĐCSVN ban tặng, trong đó có hàm lẫn phúc lợi hưu trí. 

Câu chuyện phát ngôn của ĐB Được và ĐB Thanh trước đó cũng được xem là yếu điểm của chế độ mà ông Nguyễn Phú Trọng hoặc những người như ông cần phải giải quyết, một mâu thuẫn tồn tại phức tạp trong một mâu thuẫn.

Câu chuyện buồn và tủi thân của tướng quân đội một lần nữa cho thấy có sự tương đồng hệ cơ cấu quyền lực của nhà nước Việt Nam hiện nay với hệ cơ cấu quyền lực của Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc), một nhà nước được dựng lên bởi cuộc khởi nghĩa, duy trì bởi các lãnh tụ và phong tướng đến 2.000 người để đảm bảo giữ vững trụ cột quyền lực. Và nhà nước Thái Bình Thiên Quốc tiêu vong chính là khi quyền lực bè cánh chia rẽ sâu sắc cũng như mất lòng dân. Điều này có nghĩa là gì? Nhà nước Việt Nam cũng sẽ vậy, nếu như không kiểm soát được khả năng phong tướng cho cả hai lực lượng, vừa hình thành sự đố kỵ hai bên, vừa khiến lòng dân không hề yên, xuất phát từ quan điểm của ĐB Được: một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia.

Luật sư bị tấn công 3 ngày trước phiên phúc thẩm xử 15 người biểu tình ở Biên Hòa

Luật sư bị tấn công 3 ngày trước phiên phúc thẩm xử 15 người biểu tình ở Biên Hòa
Ls. Đặng Đình Mạnh - Ảnh: FB Manh Dang
Ba luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miểng và Trịnh Vĩnh Phúc vừa bị những kẻ lạ mặt tấn công, chỉ vài ngày trước phiên tòa phúc thẩm xét xử 15 người biểu tình ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trang mạng Defend The Defenders hôm Thứ Ba (6 tháng 11) dẫn lời luật sư Mạnh cho biết, ba luật sư đi xe hơi tới Biên Hòa vào sáng cùng ngày để gặp gỡ các thân chủ và chuẩn bị cho việc bào chữa cho họ trước phiên tòa phúc thẩm vào ngày 9 tháng 11. Khi họ lên xe và sắp sửa rời đi thì nghe thấy một tiếng nổ lớn, và cửa kính xe bên phải bị vỡ. Một kẻ nào đã bắn vào xe của ông Mạnh. Cách thức kính xe bị vỡ cho thấy hung khí có lẽ không phải là súng. Rất may, ba luật sư ngồi trong xe đều không bị gì.
Ba luật sư Mạnh, Miểng và Phúc thuộc số ít luật sư thường tham gia những vụ xử chính trị để bảo vệ người bất đồng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Vụ tấn công có thể liên quan tới việc họ sẽ tham gia bào chữa cho 15 người biểu tình tại tòa án tỉnh Đồng Nai. Những người biểu tình đã bị phiên tòa sơ thẩm vào 30 ngày 7 tuyên những bản án từ 8 tới 18 tháng tù giam, vì họ đã tham gia biểu tình ôn hòa vào ngày 10 tháng 6 để phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Luật sư Mạnh cho biết, sau phiên xử, công an tỉnh Đồng Nai đã đe dọa các thân chủ của ông rằng họ không nên kháng cáo, vì nếu kháng cáo thì họ có thể nhận những mức án nặng hơn.
Huy Lam / SBTN

VN: 'Không đặc xá' với tội Lật đổ chính quyền nhân dân

Theo BBC-3 giờ trước 

lượngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionNhà hoạt động Lê Đình Lượng bị tuyên 20 năm tù
Một luật sư bình luận với BBC rằng "sẽ có nhiều ý kiến trái chiều từ giới hoạt động nhân quyền về dự luật Đặc xá sửa đổi".
Tin cho hay các đại biểu Quốc hội hôm 7/11 thảo luận về dự luật Đặc xá sửa đổi.
Báo Tuổi Trẻ hôm 7/11 cho biết: "Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung rà soát và bổ sung các tội không đề nghị đặc xá, chủ yếu thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và chương về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh."
"Cụ thể, dự thảo Luật đặc xá sửa đổi quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án về một trong các tội: phản bội tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn và khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, và khủng bố."

'Ý kiến trái chiều'

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC hôm 7/11: "Tôi nghĩ quy định những tội nào được đặc xá, tội nào không thì phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của loại tội phạm đó và đặc điểm của thể chế chính trị."
"Đa số người dân sẽ đồng tình không đặc xá cho các tội: phản bội tổ quốc, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, khủng bố."
"Tuy nhiên việc quy định không đặc xá đối với các tội "bạo loạn và khủng bố chống chính quyền nhân dân, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền."
"Nhưng nói thật là tôi không ngạc nhiên với quy định này. Vì một trong những thuộc tính của pháp luật Việt Nam là nó phản ánh ý chí của đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền đương nhiên sẽ ban hành các quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị của mình. Đây là một sự thật hiển nhiên, không phải chỉ riêng đảng Cộng sản Việt Nam."
"Theo tôi, cái gốc của vấn đề không nằm ở chỗ không đặc xá đối với những tội "nhằm chống lại chính quyền nhân dân" mà nằm ở chỗ chính quyền đó có thực sự là của nhân dân hay không. Nếu chính quyền đó thực sự là của nhân dân chứ không phải của bất kỳ đảng cầm quyền nào thì tôi hoàn toàn ủng hộ không đặc xá đối với những tội này."
thanhBản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
Image captionÔng Trịnh Xuân Thanh chịu hai án chung thân hồi đầu năm 2018
Về một số trường hợp nổi bật
Đề cập về chuyện luật Đặc xá sửa đổi có phải là động thái mở đường cho chuyện trả tự do cho ông Trịnh Xuân Thanh trong những ngày tới, Luật sư Phùng Thanh Sơn nói: "Tôi không nghĩ như vậy."
"Bởi thông thường để trình một dự án luật, cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị ít nhất một hai năm trước đó (tức trước khi ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú") và để một luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực pháp luật thì thường phải mất ít nhất 6 tháng."
"Chỉ có thể nói dự luật là mở đường cho việc trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
  • Luật có hiệu lực ngay khi được thông qua
  • Các điều kiện đặc xá mà dự luật đưa ra phù hợp với tình hình của ông Trịnh Xuân Thanh hiện nay.
"Luật đặc xá năm 2007 trước đây cũng như dự luật hiện nay cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại mà người được đặc xá không phải đáp ứng các điều kiện đặc xá chung."
"Do đó, việc nhà nước Việt Nam trả tự do trước thời hạn cho một số tù nhân chính trị trước đây như blogger Mẹ Nấm và Luật sư Nguyễn Văn Đài là hoàn toàn có cơ sở pháp lý."
"Việc trả tự do trước thời hạn này xuất phát từ sức ép ngoại giao nên việc công bố sự kiện này cho người dân biết thì chẳng có lợi ích gì cho chính quyền cả. Trái lại, nó càng làm mất uy tín cho chính quyền. Người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao họ là tội phạm mà những nước tiến bộ lại ủng hộ và bảo vệ họ? Liệu bản án mà chính quyền Việt Nam dành cho họ có đại diện cho chính nghĩa hay không?"
"Để bảo vệ chế độ hiện nay thì khả năng Đảng đưa tội hoạt động lật đỗ chính quyền nhân dân vào diện được xem xét đặc xá là rất thấp, nếu không muốn nói là không bao giờ có."
"Nhà bất đồng Trần Huỳnh Duy Thức đang chấp hành hình phạt tù về tội "Hoạt động lật đỗ chính quyền nhân dân". Do đó, việc ai đó đặt hy vọng ông Thức được đặc xá theo cách thức này là chuyện hy hữu."
"Bởi lẽ, nếu chính quyền thực sự muốn đặc xá cho ông Thức thì không nhất thiết phải chờ dự thảo lần này đưa tội hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân vào diện được xem xét đặc xá mà có thể đặc xá theo trường hợp đặc biệt để "đáp ứng yêu cầu vì đối nội, đối ngoại", Luật sư Sơn nói với BBC.
Hồi tháng 7/2018, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với BBC rằng luật sư và gia đình sẽ tiếp tục làm đơn và hi vọng chủ tịch nước sẽ ân xá cho ông Thức.
Theo Luật sư Ngọc Trai, bắt đầu từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự mới có quy định mới về tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", và phân biệt rõ mức phạt cho hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội.
Với hành vi chuẩn bị phạm tội, tức tội danh ông Thức bị kết tội cách đây 9 năm, giờ chỉ ở trong khung phạt từ 1 đến 5 năm tù giam.
Ông cho biết mình và các luật sư đã "năm lần bảy lượt" gửi đơn ra nhiều cơ quan ban ngành, đề nghị xem xét việc đặc xá trả tự do cho ông Thức.
"Trong trường hợp xấu các cơ quan không hồi đáp, chúng tôi sẽ vẫn kiên trì và tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan," Luật sư Ngọc Trai nói.

'Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa'

Theo BBC-07-11- 2018 

Việt Nam, Thủ ThiêmBản quyền hình ảnhFB NGUYEN THUY DUONG
Image captionNgười dân Thủ Thiêm căng biểu ngữ đòi đất
Có ý kiến rằng vụ Thủ Thiêm đã trở nên phức tạp tới mức khó đạt được thỏa thuận nào giữa dân và chính quyền trong bối cảnh lãnh đạo TP lại gặp dân sáng 7/11.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh để giải quyết khiếu nại đất đai liên quan đến vụ khu đô thị Thủ Thiêm.
Đây là buổi gặp thứ hai của Chủ tịch TP Hồ Chí Minh với người dân khu đô thị Thủ Thiêm kể từ khi có kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ.
Ở cuộc gặp lần một ngày 18/10, ông Phong đã gặp khoảng 30 hộ dân ở khu phố 1, phường Bình An, có đất ở khu 4,3 ha - được Thanh tra Chính phủ xác định trong kết luận 1483 là nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.

"Không dàn xếp được nữa"

Việt Nam, Thủ Thiêm
Image captionHàng trăm dân Thủ Thiêm không được vào buổi gặp lãnh đạo TP hôm 18/10
Ông Nguyễn Văn Lung, một người dân Thủ Thiêm "may mắn" nằm trong khu 4,3 ha ngoài ranh nói với BBC rằng chính quyền đã gặp gỡ dân nhiều lần, cũng nhiều lần hứa hẹn và thỏa thuận, nhưng tình hình nay đã phức tạp tới mức "không dàn xếp được nữa".
"Tôi may mắn vì nằm trong khu 4,3 ha. Nhưng tôi cũng không hiểu vì sao chính quyền hôm 18/10 họp với chúng tôi - những hộ không chịu di dời - lại mời thêm các hộ đã nhận tiền và di dời từ lâu - về lại để đền bù thêm."
"Có thể là vì họ [chính quyền] muốn tỏ ra nhân văn, và muốn đánh bóng sự nhân văn đó."
"Nhưng cũng chính vì việc này mà kéo theo 5.000 hộ dân Thủ Thiêm đã di dời trước đây kéo về, tiếp tục khiếu kiện, đòi đền bù thỏa đáng."
"Trước đây chúng tôi chỉ chia hai nhóm để đấu tranh, thì nay 5.000 hộ dân này phát sinh thêm rất nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có một yêu cầu riêng về đền bù, khiến tình hình trở nên rất phức tạp."
"Tôi cho rằng chính quyền không lường trước được điều này. Bây giờ thì không thể dàn xếp hay thỏa thuận gì giữa dân và chính quyền nữa. Rất khó. Chỉ có thể dẫn đến đưa vụ việc ra tòa, giải quyết bằng pháp lý."
"Như vậy, đây có thể trở thành một vụ đại án. Và như vậy lại mất thêm vài năm nữa để điều tra, lập hồ sơ, v.v...."
Cũng theo ông Lung, các hộ thuộc hai phường Bình An và Bình Khánh bị xác định nằm trong ranh quy hoạch, nhưng họ cũng khẳng định đất đai của mình nằm ngoài quy hoạch. Và kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ đã không xem xét đến phần đất của họ.

"Cần thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm"

Việt Nam, Thủ ThiêmBản quyền hình ảnhJUN TRẦN
Image captionVấn đề Thủ Thiêm gần đây tạo tranh cãi rộng lớn trong dư luận
Trong buổi họp sáng 7/11, nhiều hộ dân tại hai phường Bình An và Bình Khánh cũng cho rằng kết luận 1483 "chỉ mang tính nội bộ", không phải là kết luận cuối cùng nên chưa có tính pháp lý, theo truyền thông Việt Nam.
Theo đó, kết luận 1483 mới kiểm định khu 4,3ha, trong khi toàn bộ hồ sơ khiếu nại tố cáo của dân thuộc năm khu phố và ba khu dân cư cũng nằm ngoài quy hoạch thì lại không được kể đến.
Bà Nguyễn Thị Hà (phường Bình An) được dẫn lời trên Vietnamnet, cho rằng không thể dùng kết luận kiểm tra 1483 để giải quyết cho tất cả các trường hợp.
Người dân có mặt cũng nói khiếu kiện đã kéo dài 22 năm, rất mệt mỏi, đau khổ. Nếu chính quyền tiếp tục "ghi nhận ý kiến rồi trả lời sau" thì khiếu kiện sẽ còn kéo dài nữa.
Ông Nguyễn Văn Khương (phường Bình Trưng Đông) yêu cầu được cung cấp tất cả bản đồ quy hoạch để người dân được biết họ có thực sự nằm vùng phải di dời hay không. Ông cũng cho rằng nhà mình không nằm trong quy hoạch.
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nói có tới hơn 10 tấm bản đồ quy hoạch, và "rất khó xác định" cái nào là ranh của Thủ Thiêm do các bản đồ này giống nhau, chỉ khác nhau ở ranh. Có bản đồ thể hiện khu 4,3ha bằng nét chấm gạch, có bản đồ lại không có khu này.
Người dân có mặt trong buổi họp 7/11 yêu cầu phải thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về vấn đề này, ông Lung nói với BBC rằng, đó là do kết luận 1483 không phải là kết quả thanh tra của chính phủ đối với các kiếu kiện về đất đai ở Thủ Thiêm.
"Thủ tướng chính phủ chưa bao giờ có yêu cầu nào đối với Thanh tra chính phủ để thanh tra toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm."
"Kết luận 1483 chỉ là kết quả của một cuộc thanh tra định kỳ của họ. Trong đó họ thanh tra rất nhiều vấn đề như BOT, tài chánh, v.v... Ở mục môi trường có dính một phần nhỏ là Thủ Thiêm. Do đó họ bóc tách ra và làm thành báo cáo này."
"Trong kết luận 1483, họ nói đã thanh tra khu 4,3 ha theo đơn thư khiếu kiện. Nhưng thực tế chúng tôi chưa bao giờ khiếu nại về khu 4,3 ha này mà khiếu nại toàn bộ 60 ha đất nằm ngoài ranh đã bị thu hồi," ông Lung nói với BBC.

"Sẽ tiếp thu" và "làm rõ"

Việt Nam, Thủ Thiêm
Image captionBản chụp một tấm bản đồ mà ông Lê Văn Lung nói là bản đồ quy hoạch 1996
Về tiến độ giải quyết các sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan trong cuộc họp hôm 7/11 nói đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ.
Đây là khu đất mà trước đó, kết luận 1483 của Thanh tra chính phủ cho hay "không có trong quy hoạch".
Ông Hoan nói "sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý" các trường hợp này, theo Vietnamnet.
Cũng trong buổi gặp, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết có 10 nội dung mà thành phố muốn "xin ý kiến bà con", bao gồm thời điểm để tính bồi thường thiệt hại; mức bồi thường và tái định cư; hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lân chiến sông, kênh rạch từ 1993-1998, v.v...
Tuy nhiên người dân có mặt tại buổi họp nói 10 nội dung này không liên quan đến các vấn đề của họ.
Về việc xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân trong sai phạm dự án Thủ Thiêm, ông Hoan nói sẽ hoàn tất trong tháng 11.
"Tinh thần là rất lắng nghe ý kiến cô bác, còn quá trình làm việc như thế nào tôi sẽ báo cáo lại với cô bác sau", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Thành Phong được dẫn lời trên Vietnamnet.
Nguyễn Thùy Dương, người phụ nữ "ném giày" trong buổi bà Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, thì cho rằng bà đã tiếp xúc với nhiều người dân sau các buổi họp với chính quyền, và họ đều không đồng ý với cách giải quyết.
"Vẫn như những buổi tiếp xúc trước, không hề đưa ra phương án giải quyết nào hết. Chỉ nói lắng nghe và sẽ đề xuất. Đã rất nhiều lần rồi," bà Dương nói trong livestream trên Facebook sau khi phiên họp sáng 7/11 kết thúc.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch đã gần 20 năm, kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, chi gần 30.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình.
Truyền thông Việt Nam cho hay đã có 15.000 hộ dân bị di dời khỏi bán đảo Thủ Thiêm, với chi phí 30.000 tỉ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Nhưng còn không ít hộ dân tiếp tục khiếu nại, cho rằng nhà họ không nằm trong quy hoạch, và bồi thường di dời không thỏa đáng.
Việt Nam, Thủ ThiêmBản quyền hình ảnhJUN TRAN
Image captionMột buổi chính quyền TP HCM tiếp người dân Thủ Thiêm

Luật ANM: chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân?

Dương Ngọc Thái Viết từ Hoa KỳTheo BBC- 7 tháng 11 2018 

Woman using a smartphoneBản quyền hình ảnhGODONG/GETTY IMAGES
Image caption"Luật An ninh mạng và dự thảo 31/10/2018 tước đi quyền ẩn danh trên Internet, tức là cản trở người dân tự bảo vệ và thực thi quyền riêng tư."
Bài viết nói về một số điểm khác biệt chính giữa Luật An ninh mạng Việt Nam và luật General Data Protection Regulation (GDPR) (Quy định Bảo vệ Dữ liệu) của Liên minh châu Âu, và quyền riêng tư của người dân có thực sự được bảo vệ hay không.
Theo VnExpress, trong cuộc họp báo ngày 3/11/2018, thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng Bộ Công an đã nói :
"...Có 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc."
Ngày 25/5, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu.
Về con số 18 quốc gia tôi đã phân tích trong bài về dự thảo 03/10/2018, chỉ nhắc lại ở đây là ông Quang nhắc đến "dữ liệu quan trọng" nên chắc ông cũng đã tìm hiểu để thấy rằng Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế, còn Canada chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công như trường học công, bệnh viện công hay cơ quan nhà nước (nguồn).
Giả sử như người Mỹ hay người Canada sử dụng Zalo, chính phủ Mỹ và chính phủ Canada không yêu cầu Zalo phải lưu dữ liệu ở Mỹ hay Canada. Do đó tôi thấy thật khó hiểu khi ông Quang đem hai quốc gia này ra làm ví dụ.
Đến khi ông Quang nhắc đến General Data Protection Regulation (GDPR) của Châu Âu tôi chuyển từ khó hiểu sang khó ở. GDPR không giống gì với Luật An ninh mạng Việt Nam, đặt hai bộ Luật này vào cùng một câu giống như ăn hủ tíu mà cho mắm tôm.
European Data Protection Board Chairwoman Andrea JelinekBản quyền hình ảnhEMMANUEL DUNAND/GETTY IMAGES
Image captionBà Andrea Jelinek, Nữ Chủ tịch Ban Bảo vệ Dữ liệu châu Âu. Quy định Bảo vệ Dữ liệu (GDPR) của châu Âu có hiệu lực từ ngày 25/5, và nhằm cho người dùng có nhiều kiểm soát hơn về việc thông tin cá nhân được lưu trữ và sử dụng ra sao trên mạng, và các công ty lớn sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm.

GDPR chỉ yêu cầu lưu dữ liệu ở quốc gia đạt chuẩn

Thứ nhất, luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải lưu dữ liệu ở Việt Nam, nhưng GDPR không bắt buộc phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, miễn sao dữ liệu được lưu ở một quốc gia đạt tiêu chuẩn an toàn dữ liệu.
Hiện tại có 13 quốc gia nằm trong danh sách này, trong đó có Mỹ, nếu bên nhận dữ liệu đảm bảo được tiêu chuẩn Privacy Shield. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Facebook, Google, Microsoft, v.v. đều đạt chuẩn Privacy Shield.
Tóm lại, Châu Âu không yêu cầu các công ty này phải lưu dữ liệu ở Châu Âu, mà họ có thể lưu ở Mỹ hoặc ở các nước khác đạt chuẩn. Ở Việt Nam đến cái bồn cầu còn theo tiêu chuẩn Châu Âu, vậy mà Luật An ninh mạng lại không theo.
GDPR không yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu của người dân
Thứ hai, GDPR không có bất kỳ điều luật nào yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu của người dân Châu Âu cho Nghị viện Châu Âu hay chính phủ các nước thành viên, vì bảo vệ riêng tư của người dân, trước tiên, là không chuyển dữ liệu cho chính phủ, nếu không có lệnh của tòa án.
Trách nhiệm của chính phủ là giúp người dân bảo vệ dữ liệu, nhưng dữ liệu vẫn thuộc sở hữu của người dân, chứ chính phủ không có quyền tự ý quốc hữu hóa dữ liệu của dân chúng. Trong khi GDPR yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của người dân Châu Âu và cung cấp công cụ để người dân kiểm soát dữ liệu của chính họ. Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu cho Bộ Công an, mà không có sự kiểm soát của tòa án hay bất kỳ thể chế độc lập nào.
Dự thảo nghị định ngày 31/10 về Luật An ninh mạngBản quyền hình ảnhCONG TT DIEN TU BO CONG AN

Luật ANM Việt Nam tước đi quyền ẩn danh trên Internet của người dân

Thứ ba, Luật An ninh mạng và dự thảo 31/10/2018 tước đi quyền ẩn danh trên Internet, tức là cản trở người dân tự bảo vệ và thực thi quyền riêng tư, vì ẩn danh chính là cách bảo vệ riêng tư tốt nhất. Các công nghệ riêng tư phổ biến như Tor hay VPN chẳng làm gì khác ngoài việc che dấu danh tính của người dùng.
Thay vì giúp người dân che dấu danh tính khi sử dụng Internet, Bộ Công an lại bắt buộc người dân phải tiết lộ danh tính, yêu cầu những công ty Internet phải thu thập, xác minh và cung cấp cho Bộ Công an họ tên, ngày tháng năm sinh cho đến số chứng minh thư, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, v.v.
Thử tưởng tượng mỗi khi đi ăn hủ tíu bà bán hủ tíu yêu cầu bạn phải cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, sau đó bả chuyển qua cho Bộ Công an khi họ yêu cầu. Rõ ràng chuyện này không thể xảy ra ở ngoài đời. Vậy cơ sở pháp lý nào cho phép Bộ Công an bắt buộc người dân phải khai báo danh tính khi tham gia Internet?
Về mặt kỹ thuật, mạng Internet không hề yêu cầu chúng ta phải dùng danh tính thật. Bản chất của Internet là ẩn danh. Ai cũng có thể vào blog này hoặc email cho tôi mà không cần phải báo cho tôi biết họ là ai. Tiết lộ danh tính hay không là một lựa chọn của người dân, chính phủ không có quyền ép buộc.
Tôi đoán chính phủ muốn biết danh tính của người dùng Internet để dễ bắt tội phạm. Nhưng có lẽ nào vì những trang blog không do dân chúng tạo ra như Chân Dung Quyền Lực hay Quan Làm Báo mà phải hi sinh riêng tư của tất cả dân chúng và cả hệ thống chính trị?
Dân chúng lên tiếng phê phán chính quyền và các quan chức là phúc chứ không phải họa. Sợ là sợ dân giàu và giỏi bỏ đi hết, chứ sợ gì chuyện người ta bức xúc. Phàm đã là quan chức chính phủ, tức đã là người của công chúng, hãy để cho công luận quyết định công và tội.
Cây ngay không sợ chết đứng, nếu có ai đó nói sai về mình, thay vì dùng quyền lực để bịt miệng người ta, hãy để công chúng lên tiếng bảo vệ. Người dân luôn biết rõ ai làm được việc cho họ, đừng sợ làm tốt mà người ta không biết đến.
Cuối cùng, còn gì mỉa mai và cay đắng bằng khi bộ luật tước đi quyền ẩn danh của dân chúng lại được Quốc hội bỏ phiếu ẩn danh. Ngoại trừ lác đác vài ba vị đại biểu đã lên tiếng, cho đến nay dân chúng hoàn toàn không biết ai đã bỏ phiếu thuận, ai đã bỏ phiếu chống Luật An ninh mạng.
Đất nước mình lạ quá phải không em? Những người quyền cao chức trọng cần phải tuyệt đối rõ ràng minh bạch lại được quyền ẩn danh hèn nhát, còn người dân thấp cổ bé họng lại sắp bị tước đi cả cái quyền lẩn mình vào đám đông để tự vệ trước cường quyền.
* Bài viết thể hiện thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ.
Bài đã đăng trên blog cá nhân của Kỹ sư Dương Thái.