Saturday, January 2, 2021

Một công ty địa ốc ở Sài Gòn kiện Cục Thuế vì lệnh phạt $17.1 triệu

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lâu nay, lệnh phạt của Cục Thuế tại các địa phương đối với doanh nghiệp, cá nhân được ghi nhận là “cấm cãi, cần ngoan ngoãn nộp phạt,” và các báo nhà nước cũng gần như không bao giờ lên tiếng bênh vực bên bị phạt.

Tuy vậy, hôm 31 Tháng Mười Hai, báo VNExpress dẫn thông cáo của công ty Thuduc House (công ty Phát Triển Nhà Thủ Đức) ở Sài Gòn phản đối lệnh truy thu thuế và phạt 396 tỷ đồng ($17.1 triệu) do Cục Thuế thành phố áp đặt.

Dự án Centum Wealth của công ty Thuduc House nằm dọc theo tuyến metro số 1. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Khoản tiền nêu trên được nói là thu hồi thuế giá trị gia tăng đã hoàn và phạt tiền chậm nộp kỳ 2018 và nửa đầu 2019.

Trong văn bản gửi nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, phó tổng giám đốc công ty Thuduc House, cho biết: “Quyết định này [lệnh phạt của Cục Thuế Sài Gòn không đúng bản chất hoạt động kinh doanh và không đảm bảo tính khách quan với tài liệu, hồ sơ doanh nghiệp cung cấp. Đại diện Thuduc House đã nhiều lần trình bày và thể hiện không đồng ý với các nội dung mà Cục Thuế đưa ra. Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của công ty đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật.”

“Công ty đang tiến hình thủ tục khiếu nại, khởi kiện. Quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty và tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, các cổ đông và giá cổ phiếu.”

Báo VNExpress cũng cho hay, hệ lụy của lệnh phạt do Cục Thuế thành phố áp đặt là mã cổ phiếu TDH của Thuduc House giảm gần 4% sau khi tăng gần 45% trong vòng một tháng. Cổ phiếu này hôm 31 Tháng Mười Hai được ghi nhận “giảm hết biên độ còn 10,150 đồng (40 cent), rơi vào tình trạng trắng bên mua.”

Theo báo Zing, Thuduc House là một trong những nhà phát triển bất động sản lâu năm tại khu vực thành phố Thủ Đức và đã phát triển khoảng 20 dự án. Trong số đó có nhiều dự án liên doanh với Tập Đoàn Daewon của Nam Hàn.

Trước vụ Thuduc House, hồi giữa Tháng Mười Một, Cục Thuế thành phố bị công ty cổ phần May Minh Hoàng kiện đòi bồi thường 68 tỷ đồng ($2.9 triệu) vì các quyết định khiến hoạt động của doanh nghiệp này “bị tê liệt suốt ba năm.”

Một công trình do công ty Thuduc House xây dựng.  (Hình: Zing)

Theo một số trang tuyển dụng công nhân, công ty Minh Hoàng có khoảng 300 công nhân, đóng tại quận Gò Vấp.

Hôm 11 Tháng Mười Một, các báo nhà nước tường thuật, Tòa Án Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn đã thụ lý đơn kiện nhưng chưa rõ thời điểm phiên tòa được mở.

Đến nay, Cục Thuế thường là nơi phát đi các cáo buộc trốn thuế, được báo nhà nước góp phần tuyên truyền mà doanh nghiệp bị cáo buộc ít khi có cơ hội phản hồi. (N.H.K) [kn]

Cầu vừa khánh thành ở Sài Gòn người dân đã lo ‘quá hẹp’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cây cầu An Phú Đông nối quận 12 và Gò Vấp được thông xe sau 10 tháng thi công. Tuy nhiên, mạng xã hội cảnh báo: “Làm cái cầu khó khăn mà chỉ rộng 12.5 mét quá hẹp, vài năm nữa lại có việc xây thêm một cây cầu nữa.”

Theo báo Zing hôm 31 Tháng Mười Hai, cây cầu tạm bằng sắt này có chi phí xây dựng lên đến 79.6 tỷ đồng ($3.4 triệu), dài 238 mét, rộng 12.5 mét, giới hạn chiều cao phương tiện là 2 mét với quy mô hai làn xe hơi và hai lề cho người đi bộ.

Cầu An Phú Đông chỉ có hai làn xe hơi và hai lề cho người đi bộ. (Hình: Thư Trần/Zing)

Còn theo tường thuật của báo VNExpress, người Sài Gòn “reo hò khi hết phải lụy phà.”

Bản tin video của báo này dẫn lời một số người dân địa phương tỏ vẻ hồ hởi khi từ nay có thể đi cầu thay vì đi phà.

Tuy vậy, nhiều độc giả của VNExpress để lại ý kiến không mấy phấn khởi. Trong số đó, độc giả N.M.Hy bình luận: “Cây cầu chút xíu mà mất mấy chục năm mới có được… buồn! … Lợi ích của cây cầu là rất lớn cho kinh tế xã hội. Nhưng dù muộn cũng chúc mừng bà con mình.”

Độc giả có nick “Sơn Tường Ôm TV” ghi: “Chúc mừng người dân nhưng tôi thấy xây cầu này chưa hợp lý và chưa có tầm nhìn xa. Cầu hai làn xe thích hợp cho xe máy là chính, về lâu dài chiếc cầu này sẽ phải phá đi xây cầu mới to hơn bốn đến sáu làn đường vì không đáp ứng đủ lưu lượng xe hơi tăng nhanh khi thành phố phát triển!”

Đến nay, đã có tiền lệ về việc nhà chức trách CSVN chi hàng triệu đô xây cầu tạm rồi chỉ vài năm sau phải xây thêm cầu mới hoặc nối lại bến phà.

Trường hợp mới nhất là bến phà Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang được làm nhanh chóng để kịp vận hành trước Tết Tân Sửu 2021.

Theo các báo nhà nước, công trình có chi phí khoảng 100 tỷ đồng (hơn $4.3 triệu) được ghi nhận là nhằm giảm thiểu kẹt xe cho cầu Rạch Miễu trong dịp Tết.

Cầu An Phú Đông dài vỏn vẹn 238 mét. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Gần 12 năm trước, chiếc cầu Rạch Miễu nối hai bờ sông Tiền đã giải cứu cho bến phà Rạch Miễu luôn luôn quá tải, kéo dài thời gian qua lại của người dân. Giờ đây bến phà sắp đi vào hoạt động để làm nhiệm vụ giải cứu lại cây cầu.

Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, cây cầu Rạch Miễu hiện tại được làm theo “tư duy nhiệm kỳ,” tức là hết năm năm phải “vẽ” dự án khác từ tiền thuế dân để bộ sậu cán bộ có tiền chia chác.

Trước đó, báo nhà nước cho hay,Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 với tổng vốn đầu tư 5,175 tỷ đồng ($225.3 triệu), nằm cách cầu Rạch Miễu khoảng 4 cây số.

Dự trù công trình này khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. (N.H.K) [kn]

Bộ Y Tế CSVN ‘nổi hứng’ biến rau, củ gia vị thành dược liệu để ‘siết’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Y Tế CSVN “nổi hứng” đưa hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày vào “nhóm dược liệu” để quản lý như kinh doanh thuốc trị bệnh, khiến hàng ngàn doanh nghiệp khốn đốn.

Điều gây bất ngờ với các doanh nghiệp là trong danh mục mới của Bộ Y Tế có đến hàng trăm loại thực phẩm bình thường như các loại đậu ván, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh, đậu trắng, hạt bí ngô, óc chó, bạch quả…; các loại rau củ gia vị như bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng, riềng, gừng, nghệ, sả, tỏi… đến các loại bông Atisô, rau má, râu bắp, hoa cúc, cam thảo, sắn dây,… hay táo tàu, kỷ tử, táo mèo, hạt sen, long nhãn, thảo quả… và cả rễ cỏ tranh, lá khế, lá xoài, bồ kết…Tất cả đều trở thành “dược liệu” phải chịu sự quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh của bộ này.

Những thực phẩm thông dụng giờ bị Bộ Y Tế CSVN biến thành “dược liệu” để quản lý. (Hình: Nguyễn Công Thành/Tuổi Trẻ)

Kể với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc một công ty xuất nhập cảng và logistics tại quận 7, Sài Gòn, cho biết hơn một tháng qua ông phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức “chạy ngược chạy xuôi” liên hệ với nhiều nơi để tìm cách lấy các đơn hàng thực phẩm kinh doanh của công ty như óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh, táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả… đã về đến cảng nhưng bị hải quan giữ lại từ cuối Tháng Mười đến nay do vướng quy định mới của Bộ Y Tế.

Ông Minh cho biết trước đây, công ty vẫn nhập các mặt hàng trên bình thường. Khi hàng về cảng, cán bộ của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn kiểm tra rồi đưa về kho. Nhưng gần đây, Bộ Nông Nghiệp không kiểm tra nữa vì theo quy định mới, các mặt hàng nói trên thuộc quyền kiểm tra của Bộ Y Tế.

“Thực sự tôi không hiểu tại sao các loại thực phẩm thông thường như trên đã nhập cảng bao nhiêu năm, lại bị đưa vào quản lý như dược liệu. Mà nếu quản lý như dược liệu, thì các công ty xuất nhập cảng thực phẩm sẽ nghỉ hết do không nơi nào đủ điều kiện. Chúng tôi làm thực phẩm thì xây dựng nhà máy, kho hàng theo chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ Nông Nghiệp, nay sản phẩm bị chuyển sang Bộ Y Tế quản lý thì các nhà máy, kho hàng mọi thứ lại phải thay đổi theo điều kiện của nhà thuốc. Như thế là quá lãng phí,” ông Minh bất bình nói.

Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Định cũng bất an vì nhập cảng một số loại nguyên liệu như trái bồ hòn khô, vỏ quế khô, rễ hương bài khô, hương nhu tía… từ Ấn Độ, Nepal về để chế biến nước giặt tẩy, làm hương xuất cảng… cũng bị xếp vào nhóm dược liệu nên công việc bị đình trệ. Trong đó trái bồ hòn, hương nhu tía dùng để làm chất giặt tẩy tự nhiên không hóa chất đang được người tiêu thụ khá ưa chuộng.

“Ngay khi nhận được thông tin từ đơn vị lo xuất nhập cảng về quy định mới của Bộ Y Tế, chúng tôi đã phải chuyển sang mua nguyên liệu tại Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều. Một số nguyên liệu trong nước không có hoặc không đủ, nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng xuất cảng dịp cuối năm,” đại diện công ty này cho biết.

Báo Tuổi Trẻ cho biết có hàng trăm doanh nghiệp nhập cảng thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại Thông Tư 48/2018 của Bộ Y Tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất cảng, nhập cảng…

Bên cạnh thông tư trên, Thông Tư 03/2016 của Bộ Y Tế còn quy định “cơ sở xuất nhập cảng dược liệu phải có đủ các điều kiện ‘đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu,’ đạt các nguyên tắc ‘thực hành tốt bảo quản thuốc’ đối với dược liệu theo quy định do Bộ Y Tế kiểm tra…”

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT) thì “với quy định mới của Bộ Y Tế, các loại thực phẩm kể trên là dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy tất cả các doanh nghiệp xuất nhập cảng và kinh doanh có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh.”

Cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Bộ Nông Nghiệp thừa nhận thời gian qua, đơn vị này đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp nhập cảng thực phẩm cho hay đang khốn đốn do vướng các thông tư kể trên của Bộ Y Tế.

Theo quy định mới của Bộ Y Tế thì người bán rau ngoài chợ sắp tới phải dẹp sạp. (Hình: Phụ Nữ TP.HCM)

Chưa hết, nếu Bộ Y Tế đưa các loại thực phẩm hằng ngày vào “danh sách dược liệu,” thì việc một người bán lẻ các loại hành, tỏi, gừng, quế, hồi, táo tàu, kỷ tử, hương nhu… ngoài chợ cũng phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, hoặc phải bỏ nghề vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn.

Theo Cục Bảo Vệ Thực Vật “nguyên nhân cốt lõi vẫn là việc cơ quan soạn thảo là Bộ Y Tế ‘không phân định rõ’ sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Y Tế, sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Nông Nghiệp.” Do đó, muốn giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp thì phải đợi Bộ Y Tế sửa đổi. (Tr.N) [qd]

Quảng Bình làm dự án điện mặt trời gần $14 triệu để… bỏ

 QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Vay vốn ODA (cho vay lãi suất thấp) hàng chục triệu đô la của chính phủ Nam Hàn để làm “Dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình,” cho người dân “được hưởng lợi,” nhưng dân chưa xài đã trở thành “phế liệu.”

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, đây được xem là “dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam” tại thời điểm 2012. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên tám xã của bốn huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, với gần 1,300 gia đình và 78 cơ quan, dịch vụ công “được hưởng lợi.”

Cụm điện mặt trời ở nhà văn hóa Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, đã bảy năm chưa một lần sử dụng do không thể phát điện. (Hình: Hoàng Nam/Tiền Phong)

Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban Quản Lý Dự Án Cấp Điện Bằng Năng Lượng Mặt Trời (QBSC) trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Dự án được liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, và nhà thầu KT Corpotation của Nam Hàn trúng thầu xây lắp, tư vấn.


Theo phê duyệt của tỉnh Quảng Bình, dự án sẽ hoàn thành vào Tháng Ba, 2015, song đến cuối năm 2019 mới được bàn giao và đưa vào sử dụng do “thông thầu phải đấu thầu lại, quản lý yếu kém” và tỉnh Quảng Bình muốn thay thế bằng dự án dùng điện lưới…

Theo phản ảnh của lãnh đạo và người dân “vùng hưởng lợi,” hệ thống điện mặt trời triệu đô này hỏng hóc chỉ sau hai tháng đưa vào sử dụng.

Ông Hồ Duy Vàng, bí thư chi bộ bản Ho Rum, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: “Bản chúng tôi có 65 bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời dùng cho 91 gia đình, điện chỉ có được hai tháng là mất hẳn cho đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dụng được lần nào cũng đã mất điện. Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi gia đình tính ra là 250 triệu đồng ($10,787), cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản là hơn 1 tỷ đồng ($43,150), nhưng không có điện nên dân bản bất bình.”

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy của huyện Lệ Thủy; Trường Sơn, Trường Xuân của huyện Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Muôn, trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn, nói: “Họ đầu tư điện mặt trời dân bản mừng, nhưng khi sử dụng được vài tháng thì mất điện, phản ánh mãi không ai đến sửa.”

Trả lời báo Tiền Phong, ông Hồ Văn Tuyên, chủ tịch xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, dân bản Vân Kiều của xã phản ánh dự án triệu đô mất điện triền miên vì sao không sửa chữa cho dân dùng, lại để dự án xuống cấp, lãng phí, thì cũng chỉ nhận được các ý kiến ‘tiếp thu, chuyển cho ngành công thương xem xét.’”

Trong khi đó ông Phan Văn Thường, giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, cho biết sở chỉ là một đơn vị tham mưu, Ban Quản Lý Dự Án mới có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, hiện ông phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình phụ trách dự án đã về nghỉ hưu từ Tháng Mười Một, nên không có quản lý trực tiếp. Hiện QBSC đang chờ bổ nhiệm tân trưởng ban mới.

Phần lớn bình ắc quy hư hỏng không tích điện nhưng không ai sửa chữa. (Hình: Nhất Linh/Xây Dựng)

Theo một cán bộ Phòng Năng Lượng, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, việc sửa chữa sẽ tốn rất nhiều kinh phí ngân sách, do hỏng hóc trên diện rộng.

“Giờ muốn sửa chữa thì cần phải khảo sát lại cả hệ thống, trong lúc đó, nhà thầu đã rời đi nên chưa chắc khôi phục lại được để bảo đảm hiệu quả toàn bộ dự án như cam kết ban đầu,” vị này nói.

Một chuyên viên “bỏ chạy” khỏi Ban Quản Lý Dự Án này cho biết thêm về nguyên tắc, tất cả các thiết bị từ tấm pin, ắc quy (accu), hay bộ chuyển đổi điện đều có thời gian bảo hành theo hợp đồng, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm về những hỏng hóc trong thời gian bảo hành. Thế nhưng, do dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công, nhà thầu từ Nam Hàn sang nên họ đã “bỏ của chạy lấy người,” khó có thể gọi họ quay trở lại sửa chữa. (Tr.N) [qd]