Wednesday, January 6, 2021

Xã hội đảo lộn!

 


Đỗ Ngà|

Hồi giữa tháng 12, Nguyễn Đức Chung được đưa ra xét xử tội danh “làm lộ bí mật nhà nước”. Tội này có trong Bộ Luật Hình Sự và khung hình phạt dành cho tội này là từ 10 đến 15 năm từ giam. Sau khi xử kín, tội của Nguyễn Đức Chung được giảm xuống chỉ còn lại 5 năm.

Hôm nay (05.01.2021) 3 người trong Hội Nhà Báo Độc Lập gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bị đưa ra tòa xét xử. Họ phạm tội gì? Chẳng phạm tội gì cả ngoài việc họ thực hiện quyền “tự do báo chí, tự do ngôn luận” mà Hiến pháp đã quy định. Kết quả là họ bị chụp mũ bằng một tội mơ hồ “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và cái giá cho một lối sống có trách nhiệm với xã hội, với đất nước như thế họ phải gánh trên vai những bản án rất nặng. Cụ thể như sau:

Ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù và 3 năm quản chế, gấp 3 lần án làm lộ bí mật nhà nước;

Ông Nguyễn Tường Thụy, 11 năm tù và 3 năm quản chế, gấp hớn 2 lần án làm lộ bí mật nhà nước;

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, 11 năm tù và 3 năm quản chế, gấp hơn 2 lần án làm lộ bí mật nhà nước.

Qua đây chúng ta thấy rằng, kẻ phạm tội nguy hại đến an ninh quốc gia thì được khoan hồng giảm đến 2/3 án, còn những con người dân sống theo hiến pháp thì bị chụp mũ bằng một tội mơ hồ để xử nặng tội. Như vậy thì với nhà nước CS, bí mật quốc gia trong tay quan chức rất rẻ rúng. Xử nhẹ tội bí mật quốc gia nghĩa là khuyến khích quan chức phản quốc, không phải sao? Xử thật nặng người sống theo hiến pháp là khuyến khích cái ác, cái xấu ở đất nước này nó lộng hành và phát triển. Như vậy, là công dân, chúng ta kỳ vọng gì ở ĐCS?

Tội làm lộ bí mật nhà nước của ông Chung ấy còn nhẹ. Hãy nhìn Phạm Văn Đồng kìa?! Ông ta bán Hoàng – Trường Sa có văn tự hẳn hoi thì đã sao? Ông ta có bị kết án không, dù chỉ 1 ngày? Vâng! Không những không bị kết tội mà khi ông ta chết còn được đặt cho những con đường lớn nhất để “ghi ơn”. Không biết ơn gì? Có lẽ “ơn bán nước nuôi đảng”.

Hãy nhìn Nguyễn Văn Linh kìa?! Ông ấy sang Thành Đô đầu lụy giặc Tàu, và sau đó đưa Việt Nam vào vòng tay điều khiển của Bắc Kinh. Cuối cùng ông được ghi ơn bằng cách đặt tên ông cho những con đường lớn. Họ đã ghi ơn kẻ bán nước. Làm càng cao, bán nước thì càng có công lớn với đảng.

Ở đất nước này, muốn bán nước mà vẫn có công lớn thì làm nguyên thủ quốc gia. Muốn phản quốc nhưng vẫn được xử nhẹ tội thì phải làm quan cho thật lớn. Còn muốn sống vào tù với tội danh nặng nhất thì hãy yêu nước bằng cả trái tim, hãy đấu tranh cho sự công bằng bằng sự dũng cảm, và hãy sống có trách nhiệm với đất nước. Đó chính là cái trật tự xã hội Việt Nam hiện nay, trật tự đảo ngược tất cả. Trật tự đó do chính ĐCS thiết lập để chi vậy? Để cho nó dễ bề cai trị nhưng cái giá phải trả là xã hội thì ngày một thối nát, còn chủ quyền đất nước thì ngày một teo tóp. CS là thế đấy, 100 triệu dân làm gì được nó?!

-Đỗ Ngà-

Đến lúc phải trả hội đồng bò về chuồng bò

 




Chu Mộng Long|

Lại điệp khúc đạo văn. Cứ chép nguyên của người ta làm luận án, công trình là thành tiến sỹ, rồi giáo sư. Chép nguyên bài mẫu thì chỉ cần học xong học kỳ I lớp Một của anh Thuyết anh Thống là có thể đi tắt đón đầu thành giáo sư, tiến sỹ.

Chẳng phải Chuẩn chương trình dạy học phát triển năng lực của anh Thuyết anh Thống đặt ra cho học sinh lớp Một rằng, học xong học kỳ I là đọc thông viết thạo để đọc được 23 loại sách ư? Sao không nói thẳng tuột luôn là học lớp Một cho nhanh để còn làm giáo sư tiến sỹ?

Chép của ai sang trọng, đằng này chép của nghiên cứu sinh Lào. Kinh tế Việt Nam copy từ kinh tế Lào thì chỉ có thể là kinh tế nuôi bò. Vậy mà được Hội đồng chấm luận án khen xuất sắc?

Báo chí và dư luận lâu nay hay chỉ trích kẻ đạo văn mà chưa dám động đến các loại Hội đồng chấm luận án, Hội đồng giáo sư. Nhiều lắm thì chê trách kẻ đạo văn “qua mặt Hội đồng”.

Mặt Hội đồng sáng láng ngời ngời với đủ học hàm học vị chứ có phải mặt bò đâu mà qua dễ dàng vậy? Nếu đúng qua mặt được hội đồng thì phải gọi đúng tên là “Hội đồng bò” chứ sao lại gọi là Hội đồng chấm luận án hay Hội đồng giáo sư? Mà đã Hội đồng bò thì làm ơn trả về các chuồng bò chứ lạc chân vào giới học thuật thì chẳng lẽ giáo dục Việt Nam là cái chuồng bò? Nhục quốc thể!

Thách ai trong các Hội đồng bò lên tiếng cãi rằng mình không phải là bò đi? Bò đẻ ra bò chứ không lẽ giáo sư tiến sỹ đẻ ra bò?

Thủ tướng đâu? Có buồn không khi diễn văn của mình không đến được tai của Hội đồng bò có mác giáo sư tiến sỹ nên họ không hề biết?

Đứa nào bảo tôi nặng lời, tôi ném cỏ vào mồm!

Chu Mộng Long

—–

https://giaoduc.net.vn/…/pho-hieu-truong-chep-ca-van…

https://giaoduc.net.vn/…/pho-hieu-truong-chep-ca-van…

Tiền dành xây tượng đài để học sinh chịu rét

Trần Trung Đạo|

Nhìn cảnh học sinh miền núi run rẩy trong cơn rét một người có lương tâm không khỏi xót xa.

Trong khi đó, theo VN Express: “Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xây dựng, đang xin ý kiến cấp trên, có đề xuất xây thêm 14 tượng đài ở các tỉnh…. Nguồn vốn đầu tư xây dựng tượng đài bao gồm: vốn ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương, vốn tự có của các ngành và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp.”

Dù vốn của nguồn nào, nói cho cùng cũng chỉ là xương máu của người dân. Đảng CSVN không làm ra được đồng nào, họ chỉ nặn ra chức tước để có lý do “lãnh lương”. Đó chẳng qua là một cách “tham nhũng hợp pháp”.

Nhật, cường quốc lớn thứ ba trên thế giới, có 13 bộ trưởng, CSVN có 22 bộ trưởng, 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài việc “trả lương” cho người sống, người dân Việt Nam còn phải “trả lương” cho người chết qua hình thức tượng đài.

Nhưng tại sao phải xây tượng đài lãnh tụ CS trong thế kỷ 21 này? Mời đọc để biết lịch sử và nguồn gốc của tượng đài:

LENIN VÀ CHÍNH SÁCH “TUYÊN TRUYỀN TƯỢNG ĐÀI”

Trong thời gian qua, hầu hết bài viết dù phê bình việc dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La đều nhấn mạnh đến những yếu tố như tốn kém tiền bạc, nuôi sống tham nhũng, làm cho dân tình thêm đói khổ v.v… Những phê bình đó không sai nhưng chỉ là những tác hại về vật chất, các tác hại tinh thần do những tượng đài CS gây ra còn sâu xa và nguy hiểm hơn nhiều.

Tượng đài CS, một vấn nạn của các nước cựu CS

Khi người dân giành lại được quyền tự do, tượng đài cũng là nơi họ trút hết những hờn căm, phẫn uất đã bị dồn nén, chịu đựng bao nhiêu năm. Để bày tỏ thái độ dứt khoát với quá khứ, phản ứng cụ thể nhất của phong trào dân chủ cũng là giật sập tượng đài. Chỉ trong tháng 11, 1990, tại Ukraine và các quốc gia vùng Baltic, 70 tượng đài Lenin bị giật đổ. Để ngăn chận làn sóng giật sập tượng Lenin, tháng 10, 1990 Mikhail Gorbachev, lúc đó còn là Tổng Bí Thư CS Liên Xô, ra sắc lịnh ngăn cấm việc phá hủy tượng Lenin. Nhưng đã quá trễ, phong trào giật đổ tượng đài các lãnh đạo CS đã lan rộng không chỉ các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô mà ngay cả tại quê hương Nga của y.

Từ cuối năm 1989, hàng ngàn tượng đài các lãnh đạo CS tại 15 nước thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia Đông Âu, Mông Cổ, Ghana, Ethiopia, Afghanistan đã bị giật sập, đập phá hay hủy hoại. Tuy nhiên, số lượng tượng đài các lãnh tụ CS cũng còn lại khá nhiều bởi vì kéo đổ hết là một việc khó khăn, đơn giản vì chúng quá nhiều, quá tốn kém và trong nhiều trường hợp dân chúng chẳng còn quan tâm đến những khối xi măng vô tri không làm ai sợ hãi nữa.

Hành động kéo đổ tượng Lenin tại thành phố Kharkiv, Ukraine vào tháng Chín năm ngoái, do đó, không phải là mới lạ. Tượng đài Lenin ở Kharkiv cũng không phải là tượng đầu tiên mà là tượng thứ 390 bị kéo xuống chỉ trong vòng 2 năm 2013 và 2014.

Trước đây, Ukraine đã từng là một trong vài nước đầu tiên phá đổ tượng đài Lenin vào đầu thập niên 1990. Việc kéo đổ tượng Lenin ở Ukranie lần này chỉ là cách để chứng tỏ là thái độ dứt khoát đối với Nga.

Số lượng tượng đài Lenin tại Nga còn lại nhiều nhưng không có nghĩa người dân Nga xem Lenin như là biểu tượng của nước Nga. Dân chúng Nga yêu dân chủ kết án Lenin như một tội đồ dân tộc vì đã (1) xây dựng một chính quyền khủng bố có hệ thống để cai trị Nga suốt 74 năm; (2) tàn phá Đế Quốc Nga và giết sạch gia đình Nga Hoàng; (3) ký hiệp ước bán nước Brest-Litovsk sang nhượng đất đai của Nga cho Đức và các cường quốc Trung Âu; (4) gây ra cuộc nội chiến Nga sau khi cướp chính quyền 1917 dẫn đến cái chết của 15 triệu dân Nga vô tội; (5) tịch thu tài sản dân chúng, tàn phá nhà thờ, tu viện; (6) ký hàng loạt mật lịnh ám sát nhiều trăm ngàn người dân vô tội, nông dân có đất đai, tu sĩ và tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Nguồn gốc của chính sách “Tuyên truyền Tượng đài”

Gần như quốc gia nào cũng có xây một số tượng đài để tưởng niệm các danh nhân, các anh hùng dân tộc của quốc gia họ như George Washington, Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, Simon Bolivar, Manuel Carlos Piar của Venezuela, Trần Hưng Đạo, Quang Trung của Việt Nam v.v… nhưng chỉ có dưới các chế độ CS, tượng đài các lãnh đạo CS được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền gây tác hại vô cùng độc hại, nhất là đối với các thế hệ trẻ.

Sắc lịnh “Tuyên truyền Tượng đài” do Lenin đề xướng có một tên khá dài “Về việc dời các Tượng đài được Dựng lên để Vinh danh các Nga Hoàng và Quan chức và việc Phát triển Đề án Tượng đài đã Cống hiến cho Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Nga” (On Removing Monuments Erected in Honor of Tsars and Their Servants and Developing a Project for Monuments Dedicated to the Russian Socialist Revolution) được công bố ngày 12 tháng Tư, 1918.

Chỉ trong vòng một tháng, các tượng đài vua chúa Nga bị kéo sập hay bị dời đi. Thời đó Lenin còn sống nên tượng đài được dựng lên đầu tiên là tượng đài Karl Marx do điêu khắc gia E. V. Revde đúc và đặt tại Penza. Hội đồng Ủy Viên Nhân Dân ngày 30 tháng Bảy, 1918 chấp thuận một danh sách đảng viên CS gồm 69 tên được xây tượng đài tưởng niệm. Lễ khai mạc mỗi tượng đài được tổ chức trọng thể. Sau khi Lenin chết, bộ máy tuyên truyền đảng CS tập trung vào việc biến Lenin thành bất tử qua việc đúc hàng ngàn tượng Lenin đủ kiểu và đặt tại khắp nơi.

Để gia tăng sản xuất tượng đài Nhà Máy Điêu Khắc Tượng Đài được chính thức khai mạc tại Leningrad năm 1922 để đúc tượng các “anh hùng lao động,” “anh hùng Xô Viết,” các lãnh đạo CS. Có nhiều năm nhà máy sản xuất đến 5 ngàn tượng đài CS. Trả lời phỏng vấn của báo Christian Science Monitor tháng 11, 1990, điêu khắc gia Albert Charkin, tác giả của nhiều mẫu tượng Lenin cho biết những hình ảnh Lenin đơn giản, khiêm cung, thân mật, gần gũi chỉ là những hình ảnh giả tạo.

Người đời nguyền rủa Stalin nhiều hơn Lenin nhưng quên rằng tất cả tội ác của Stalin đều phát sinh từ nền móng của cơ chế toàn trị do Lenin dựng lên, trong đó có cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp do hung thần Felix Dzerzhinsky lãnh đạo. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười, 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị cơ quan Cheka thủ tiêu. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.

Tượng đài các lãnh đạo CS tại 5 nước CS

Tại Bắc Hàn, toàn quốc có khoảng 34 ngàn tượng đài Kim Nhật Thành. Một tượng đài cho mỗi 3.5 kilômét và cứ 750 người dân có một tượng đài họ Kim. Không giống như một số tượng Lenin làm bằng đá, tượng cha con họ Kim đúc bằng đồng rất tốn kém. Tháng Bảy vừa qua, hai bức tượng đồng của cha con họ Kim được khánh thành một cách trọng thể tại tỉnh Pyongan. Để củng cố đặc điểm kế nghiệp, Kim Jong Un sẽ lần lượt cho thay thế tượng ông nội y đứng một mình bằng tượng của ông nội và cha y đứng cạnh nhau.

Tại Trung Cộng, theo BBC, nhiếp ảnh gia Cheng Wenjun đã đi khắp Trung Hoa lục địa để chụp hình các tượng đài Mao Trạch Đông và ông ta ghi nhận khoảng 2 ngàn tượng đài. Điều đáng lưu ý, một phần ba số tượng đài nằm trong khu vực các trường đại học. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh nhật của Mao, lãnh đạo Trung Cộng cho đúc một tượng Mao ngồi gác chân trên ghế bằng vàng và cẩm thạch, cao chỉ 80 cm, nặng 50 kilograms nhưng có giá thành lên đến 16 triệu Mỹ kim.

Tại Lào, tượng lãnh tụ CS Kaysone Phomvihane cũng có mặt trên nhiều công viên, cơ quan nhà nước. Năm 2004, Bắc Hàn đúc tặng Lào 200 tượng Kaysone Phomvihane bằng đồng để đặt tại các cơ quan đảng và nhà nước Lào.

Tại Cuba, mặc dù Fidel Castro chưa chết, tượng đài của y cùng với Che Guevara cũng đã được dựng nhiều nơi trên quốc gia hải đảo này.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Văn Hóa-Thanh Niên & Du Lịch, Việt Nam hiện có 134 tượng đài Hồ Chí Minh, trong đó gồm 103 tượng đặt tại các trụ sở cơ quan, 31 tượng được dựng tại các quảng trường. Theo kế hoạch từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng họ Hồ, nâng tổng số lên 192 tượng.

Tượng đài CS không phải là biểu tượng văn hóa của một dân tộc

Để binh vực việc xây tượng đài Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam, phát biểu: “Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề xây dựng những tượng như thế đắt hay rẻ. Trước khi phán xét phải nhìn nhận tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực cho sự phát triển, nên không thể nói vì còn nhiều người đói thì phải mua cơm trước. Đôi khi văn hóa cũng phải đi trước.”

Ông Đào Ngọc Nghiêm không hiểu văn hóa là gì mà nói sảng, tượng đài Hồ Chí Minh không có liên hệ gì đến văn hóa Việt Nam.

Văn hóa được định nghĩa khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu nhưng tựu chung là đời sống vật chất và tinh thần đặc thù của một dân tộc. Trong tuyên bố về các dạng văn hóa thế giới vào ngày 2 tháng 11, 2001, UNESCO định nghĩa văn hóa là “tập hợp của các đặc điểm cảm xúc, trí thức, vật chất, tinh thần riêng biệt của một xã hội hay một nhóm xã hội trong đó bao gồm cách sống, hệ thống các giá trị, truyền thống và niềm tin.”

Tạm gác qua chuyện đói no, chỉ bàn về văn hóa thôi thì tượng đài Hồ Chí Minh không phải là biểu tượng văn hóa hay một phần của văn hóa dân tộc Việt Nam vì hai lý do chính:

  1. Tượng đài CS không mang tính văn hóa đặc thù

Với định nghĩa của UNESCO, các tượng đài CS, trong trường hợp này là tượng đài Hồ Chí Minh, không phải là biểu tượng văn hóa đặc thù của một dân tộc mà chỉ là sản phẩm tuyên truyền phát xuất từ một nguồn gốc CS do Lenin đề ra vào ngày 12 tháng Tư, 1918 tại Nga và đã được áp dụng giống nhau một cách chính xác tại hầu hết các quốc gia CS.

Lấy hình tượng các lãnh tụ CS hôn nhi đồng làm một thí dụ. Để che giấu tội ác, bộ máy tuyên truyền Liên Xô giới thiệu một Stalin hiền từ yêu nhi đồng. Ngay sau đó, Hồ Chí Minh ở Việt Nam cũng yêu nhi đồng, Mao Trạch Đông ở Trung Cộng yêu nhi đồng, Todor Zhivkov ở Bulgary yêu nhi đồng, Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn yêu nhi đồng. Lãnh tụ khác nhưng cách thức, nội dung và mục đích đều giống hệt nhau.

  1. Tượng đài CS không tồn tại với thời gian và truyền thống dân tộc

Như lịch sử thế giới cận đại chứng minh và người viết đã phân tích ở trên, tượng đài các lãnh đạo CS được dựng lên vì mục đích tuyên truyền nên phải bị phá hủy sau khi cơ chế chính trị tồn tại nhờ tuyên truyền và khủng bố sụp đổ. Như hai tác giả W. Logan và K Reeves viết trong tác phẩm biên khảo Những nơi đau nhức và nhục nhã: đương đầu với một “gia tài nan giải” (Places of pain and shame: dealing with “difficult heritage”), chế độ CS sụp đổ để lại những tượng đài như một gia tài không ai muốn nhận.

Chính sách “Tuyên truyền Tượng đài” dù đã chấm dứt trên quê hương của tác giả nó tròn một phần tư thế kỷ nhưng chất độc tư tưởng vẫn còn gieo rắc lên các thế hệ Việt Nam cho đến hôm nay.

Tiền bạc của cải dù thiếu thốn bao nhiêu cũng có ngày làm lại được, tương tự, các phương tiện khoa học kỹ thuật dù tiên tiến bao nhiêu cũng có thể học được nhưng giá trị văn hóa dân tộc rất khó phục hưng.

Cuộc tranh đấu để chống lại các tư tưởng CS ngoại lai, vong bản, vì thế, là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, kiên nhẫn và phải bắt đầu ngay hôm nay chứ không phải đợi đến khi chế độ CS sụp đổ./.

Trần Trung Đạo

(Ảnh vietnamnet.vn và internet)

Chim hót ngoài lồng


Tưởng Năng Tiến|

Sống dưới một chế độ xấu xa, hủ bại mà không dám lên tiếng là có lỗi với con cháu.-Phạm Thành

Trong ký ức thơ ấu của tôi, Đà Lạt không phải là nơi có nhiều chim chóc. Ngoài những bầy sẻ ríu rít đón chào nắng sớm trên mái ngói, và những đàn én bay lượn khắp nơi vào lúc hoàng hôn – thỉnh thoảng – tôi mới nhìn thấy vài chú sáo lò cò giữa sân trường vắng, hay một con chàng làng lẻ loi (và trầm ngâm) trên cọc hàng rào.

Chào mào tuy hơi nhiều nhưng chỉ ồn ào tụ họp, giữa những cành lá rậm ri, khi đã vào hè và trái mai (anh đào) cũng đà chín mọng. Họa hoằn mới thấy được thấy đôi ba con chim lạ, đỏ/vàng rực rỡ (chả biết tên chi) xa tít trên những cành cây cao ngất, giữa đồi thông vi vút.

Ở California thì chim chóc nhiều hơn, và cũng dạn dĩ hơn. Tiếc vì vốn liếng tiếng Anh giới hạn (và cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên cũng thế) nên tôi chỉ gọi tên được dăm ba loại chim thôi: robin, blue bird, hummingbird, mockingbird, house sparrow – sẻ nhà. Nơi đâu có người là có chim se sẻ, tiếng kêu gần gũi thân quen của chúng vào lúc chiều tàn – ở bất cứ phương nao – cũng đều khiến cho tôi cảm thấy được an ủi (phần nào) trong suốt những tháng ngày lưu lạc.

Mãi cho đến những năm gần đây (khi không còn phải bận bịu với chuyện áo cơm) tôi mới có dịp tìm biết thêm ít/nhiều về thế giới của loài chim, qua những tập phim tài liệu, và qua ống kính của giới birder (hay con gọi là birdwatcher) chuyên nghiệp tự quê nhà.

Hôm đầu năm nay, người ngắm chim Huynh Ngoc Chenh mới trình làng một chú Sơn Ca (trông) rất bảnh.

Bên dưới bức ảnh là lời bình của FB Nghiem Vietanh:

“Sơn ca có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ theo địa phương, như chiền chiện; Huế gọi là Cà lơi; Quảng Nam, Quảng Ngãi gọi là Chà chiện, ở bãi sông Hồng còn một loại nữa cũng giống sơn ca nhưng nhỏ hơn và không biết hót, à con sẻ mía. Con của ông Chênh, bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót …”

Tôi nghe tên Sơn Ca từ khi còn thơ ấu nhưng mãi đến nay mới được thấy hình, và được biết thêm đôi điều lạ lẫm: “Bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót …”

Hay nhỉ?

Hoá ra có những con chim không hót trong lồng! Chi tiết thú vị này khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc:

“Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký “Sắc lệnh về chế độ báo chí”, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp…

Ngày 5-6-1958, dưới sự chủ trì của Tố Hữu, ‘800 văn nghệ sỹ’ đã ký vào một nghị quyết ‘hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm’. Ngày 7-7-1958 Ban Chấp hành Hội Nhà văn ra thông báo ‘kỷ luật nhóm Nhân Văn’ ….

Lê Đạt gọi thời kỳ ‘hậu Nhân Văn’ là những ngày ‘khôn ngoan không dám làm người’. Phần lớn các nạn nhân, vốn là những văn nhân tài hoa, đều phải cúi đầu, tự mình viết bài xỉ vả mình. Họ được ở lại Hà Nội và sau một thời gian lao động phần lớn được trở lại hành nghề. Cũng có những nhà văn, nhà thơ bỏ về rừng như Hữu Loan, Nguyên Hồng. Nhưng, cái giá mà họ và gia đình họ phải trả là vô cùng đau đớn.

Tôi có đọc “Lời Tự Thuật Của Hữu Loan” nên cũng biết qua về “cái giá” mà nhà thơ và cả gia đình phải trả cho quyết định “về rừng” của ông. Kể thì “đau đớn” và khốn nạn thật nhưng vẫn chưa đến nỗi nào, nếu so với tình cảnh của nhiều người cầm bút độc lập hiện nay. Xin ghi lại đôi ba trường hợp.

Trương Duy Nhất sinh năm 1964, bắt đầu viết báo từ năm1987. Đến năm 2011, ông đột nhiên tuyên bố “nghỉ báo viết blog để viết theo lẽ phải!” Nói cách khác, và nói theo cách riêng của TDN, là ông ngang nhiên ra khỏi cái “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” của Đảng và Nhà Nước VN.

Tôi không hiểu – vào thế kỷ trước, ở miền Bắc – khi một nông dân bỏ Hợp Tác Xã Nông Nghiệp thì sẽ bị trừng phạt ra sao nhưng thấy cái giá mà TDN phải trả hiện nay thì cay nghiệt quá,“một đòn thù chính trị đê hèn”: hai cái án tù, tổng cộng là 12 năm chẵn. Cả hai vụ án này – chắc chắn – đã không xẩy ra, nếu bạn Nhất vẫn chịu hót… trong lồng!

Trường hợp chia tay với làng báo quốc doanh của Đoan Trang thì hơi khác, nhẹ nhàng và kín đáo hơn. Nhân vật này lặng lẽ rời bỏ cái Hợp Tác Xã Tư Tưởng VN không một lời tuyên bố hay tuyên ngôn gì ráo. Tuy thế, cái giá mà ĐT phải trả – xem ra – cũng không rẻ lắm. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA, vào hôm 5 tháng 3 năm 2020, cô cho biết:

“Từ khi tôi trở về nước vào năm 2015, về được 3 tháng thì tôi bị công an tấn công trong một cuộc tuần hành cây xanh, chấn thương 2 chân. Sau liveshow ca sĩ Nguyễn Tín năm 2018 thì tôi bị chấn thương ở tay. Sức khỏe của tôi gần như xuống dốc không phanh nên tôi không biết còn chịu được bao lâu.”

Nói tóm lại và nói cho chính xác là ĐT chỉ bị truy sát và truy lùng thôi chứ chưa mất mạng và cũng chưa bị túm. Phạm Chí Dũng, Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, không được “may mắn” thế.

Năm 2012 ông bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Qua năm 2019, ông lại bị khởi tố và bắt giam lần nữa với cáo buộc là đã “đăng 63 bài báo xuyên tạc sự thật, kích động các cá nhân trỗi dậy và lật đổ chính quyền nhân dân, kích động hận thù và cực đoan, đánh lừa mọi người về tình hình kinh tế xã hội nhằm mục đích gây lo lắng công cộng và bất ổn xã hội.”

Tuy không rành rẽ về bói toán hay lý số, tôi vẫn có thể đoán (chắc) được rằng lòng bàn tay của ông Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập có đường tù ngục vì đường này cũng có thể thấy ngay được qua cái chức vụ của ông. Cái gì chứ Độc Lập với Tự Do là “hai món” mà đám cầm quyền ở VN hiện nay tối kỵ (họ nuốt không trôi) nên PCD vướng vòng lao lý là chuyện tất nhiên.

Sau P.C.D đến lượt Phạm Thành, nguyên Phó Trưởng Phòng Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam, vừa bị “tó” tại nhà, với cáo buộc là đã vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình Sự. Điều này có khoản ghi rõ như sau:

“Người phạm tội có hành vi làm ra, tạo ra, xác lập thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân … tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, sai lệch về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị…”

BBC, nghe được vào hôm 22 tháng 5 năm 2020 ái ngại loan tin:

Blogger ‘Bà Đầm Xòe’, cây bút chỉ trích TBT Nguyễn Phú Trọng bị bắt Cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” do ông tự xuất bản năm 2019 đã gây xôn xao dư luận. Nội dung chính cuốn sách “ngoài luồng” này tập trung vào thái độ và hành động của ông Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc… Trước đó, ông từng tự xuất bản một số cuốn sách khác như “Hậu Chí Phèo”, “Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ.”

Phen này Phạm Thành chắc chết, chết chắc, với Đảng và Nhà Nước ta chứ chả phải bỡn đâu!

Lê Đạt gọi thời kỳ “hậu Nhân Văn” là những ngày “khôn ngoan không dám làm người.” Xét ra thì thời kỳ “hậu đổi mới” còn ti tiện và tàn tệ hơn nhiều. Dân Việt, tuy thế, vẫn chưa bao giờ thiếu vắng những nhân vật cầm bút vẫn nhất định làm người. Xin chân thành cảm ơn qúi vị./.


Vì sao táo quân bị đình chỉ?

 


J.B Nguyễn Hữu Vinh

Sau 15 năm, đem lại tiếng cười cho dân chúng trong những dịp cuối năm, tết đến, xuân về. Bỗng nhiên, đến năm 2020, chương trình Táo Quân đã bị dừng hoạt động.

Một chương trình gây cười nhằm xì hơi quả bóng quá căng

Cách đây mấy năm, chúng tôi đã viết bài viết “Táo quân, cười được đến bao giờ?”. Trong bài viết, chúng tôi đã phân tích chương trình Táo quân đã được hệ thống tuyên truyền nhà nước CSVN sử dụng để làm gì, và tại sao nó tồn tại, vì sao nó được người dân chú ý.

Chương trình đã đưa những hiện tượng tiêu cực trong xã hội thành những trò cười trên sân khấu, mà ở đó có những bộ trưởng, những “tư lệnh ngành” hoặc quan chức triều đình với những hành động, lời nói chẳng có tác dụng gì ngoài việc gây cười cho dân chúng.

Nhiều lĩnh vực được đề cập đến, những chi tiết gây cười, hài hước nhất là những cảnh tham nhũng, tệ nạn, tầm mức của “quan trí”, những vụ việc được nhà cầm quyền đưa ra xét xử, được tuyên giáo bật đèn xanh cho báo chí đưa tin khi không thể nào che chắn, giấu diếm.Chương trình đã đưa những hiện tượng tiêu cực trong xã hội thành những trò cười trên sân khấu, mà ở đó có những bộ trưởng, những “tư lệnh ngành” hoặc quan chức triều đình với những hành động, lời nói chẳng có tác dụng gì ngoài việc gây cười cho dân chúng.

Trong các chương trình đã phát trên sóng truyền hình Quốc gia, cũng xuất hiện các quan chức cộng sản, với những câu nói thiếu tri thức, thiếu nhận thức đến mức ngớ ngẩn, đến mức hễ cứ nói ra là chọc cho thiên hạ cười lăn lộn.

Nhiều người cho rằng, dù bị ám chỉ, thì những người như Bộ Trưởng Giao thông, Y tế, Giáo dục, Điện lực… và những ngành nghề đã chỉ ra sẽ thấy xấu hổ mà kiềm chế, sửa chữa những điều đã chỉ ra chăng? Hoặc nếu có liêm sỉ, thì sau đó, họ sẽ đệ đơn từ chức ngay lập tức?

Xin thưa, là đừng hão huyền mà mơ mộng. Bởi nếu có liêm sỉ, họ đã không thể là quan chức cộng sản.

Đám táo quân và quần thần đó múa may trên sân khẩu, gây cười cho khán giả, nhưng những hậu quả là thật, tiền bạc người dân bị cướp là thật, mạng sống bị cướp đi là thật.

Việc đưa những vấn đề xã hội lên màn ảnh, trở thành một hiện tượng gây cười, chế nhạo, nhưng lại để nó trở thành bình thường, không hề có thái độ quyết liệt và đặt ra những yêu cầu cụ thể. Chỉ là việc làm cho xã hội nhìn vào đó như chuyện thường ngày ắt phải có và đương nhiên phải chịu.

Đó cũng là cách tiêm dần cho nhờn thuốc với các bệnh nhân, một thứ vacxin chống lại các phản ứng xã hội đối với các bệnh dịch do Chủ nghĩa Cộng sản và hệ thống chính trị này đem lại.

Trong bài viết, chúng tôi cũng đã chỉ rõ rằng:

Chẳng có bao giờ các chương trình Táo quân dám chỉ thẳng vào mặt cái tên “Ngọc Hoàng” ở trần thế nước Việt này mà rằng: Ông mới chính là nguyên nhân của mọi tội lỗi ở phía dưới. Đám táo kia, chỉ là tay chân của ông, ông hãy biến đi khỏi cái ngai vàng này để cho thiên hạ được thái bình.

Thậm chí, chẳng cần đến vai “Ngọc hoàng”. Mà trong chương trình đó, hầu như rất hiếm khi đề cập đến một ngành mà ở đó, đủ loại tiêu cực, đủ loại hài hước và những chuyện bi hài cười ra nước mắt mà người dân cần biết, cần hiểu, đó là ngành công an.

Ở đó, có những cái chết trong đồn công an, người dân bằng chiếc dây dày để tự treo cổ trong tư thế… ngồi. Hoặc những cái chết của trẻ vị thành niên khi bị đưa vào tạm giữ và chết do… rửa bát bẩn. Hay những cái chết do gặp công an được giáo dục rồi ân hận và… cướp dao của công an cất trong cặp để tự cắt cổ mình, tự lao đầu vào dùi cui, vào súng công an…

Ở đó, có cả Bộ trưởng Công an sử dụng giấy tờ giả, bằng cấp giả do sửa năm sinh, giảm tuổi nhằm ngồi thêm một vài khóa trên chiếc ghế béo bở. Có cả thứ trưởng của Bộ đã ký công văn đưa tài liệu gian manh thành “tài liệu mật” nhằm che giấu cho đồng bọn chiếm đoạt tài sản nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nhưng không hề ai dám động tới chân lông để rồi sau đó nghiễm nhiên leo lên ghế Bộ Trưởng để răn dạy cho đàn em sự liêm khiết và đạo đức của cán bộ.

Ở đó, hệ thống cảnh sát ngoài đường miệt mài ngày đêm giăng bẫy, rình, núp tìm cớ mãi lộ người dân đi đường. Và ở tầm mức “Thiên đình” thì Bộ trưởng tìm mọi cách để bao che, bao biện cho những hành động “Gạt tay trúng má” hoặc “giơ chân hơi cao” hay “súng cướp cò” giết nhầm dân”…. Rồi đưa ra những văn bản mới, luật mới nhằm quây tròn mảng kiếm ăn trong lĩnh vực kiểm soát giao thông đường bộ từ luật lệ, thực thi cho đến cấp phép, thu hồi… lái xe ô tô vì sợ bị “làm giả”.

Còn hệ thống công an, cảnh sát các loại thực hiện những hành vi chẳng giống ai, tàn bạo với người dân, suy đồi về đạo đức, tiếp tay cho tội phạm, lợi dụng vị trí là “thanh kiếm, lá chắn của đảng” để mặc sức sử dụng cái bài “Chó cậy chủ” mà cắn càn, làm bậy trong nhiều lĩnh vực đời sống.

Ở đó, cũng có những vụ án oan khiên ngút trời với người dân bằng những cái án tử hình và nạn nhân sau hàng chục năm mới được tự người dân hoặc ngẫu nhiên biết rằng mình vô tội. Cũng có những cảnh giam giữ tù nhân hơn súc vật với những người dân, những người tù “mồ côi” hay những cảnh tù nhân vua, tù nhân được ưu tiên sống khác biệt với đám tù còn lại.

Và bất nhân hơn, ở đó chính là nơi mà những nhà bất đồng chính kiến, những người dám cất tiếng nói cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, cho lãnh thổ của Tổ Quốc bị xâm lăng, bị chà đạp và quyền con người Việt Nam bị chà đạp… đã bị trắng trợn bắt đi, bừa bãi ghép tội, đàn áp tàn bạo bằng các bản án nặng nề.

Tất cả đều là sự hài hước, nó hài hước không vì nó chẳng giống ai, vì nó bất nhân, bất chấp luật pháp mà vì nó nghiễm nhiên được coi là chuyện bình thường trong xã hội, như một quy tắc không văn bản của những kẻ tự xưng là “Đầy tớ nhân dân”.

Nhưng, những chuyện hài hước đó chẳng khi nào được nhắc đến.

Bởi, nếu đụng đến ngành công an, thì đến “Ngọc Hoàng nước Việt” chưa hẳn đã ngồi được yên trên ghế của mình, nói chi đến ba cái đám văn, nghệ sĩ hoặc cái đài truyền hình kia.

Cũng có nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên là vì sao, những chương trình Táo quân cuối năm, nói năng động chạm đến nhiều lĩnh vực như vậy với giọng nhiều khi rất hài hước, rất… đểu, mà vẫn được công chiếu?

Xin thưa, ngoài việc tránh hết những hang hùm, miệng rắn thì nhà cầm quyền thấy rằng việc bịt miệng người dân đến mức nào đó, cũng không thể được, khi mà cả thế giới đang chú ý đến tình trạng tự do báo chí, khi mà cả xã hội đang hết sức bức xúc với một bối cảnh mà “Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” thì việc có một vài chương trình nằm trong sự quản lý, giám sát chặt chẽ để làm xì bớt sự căng thẳng của cái bong bóng xã hội là điều cần thiết.

Ở đó, người ta được cười, được vui và qua đó, coi các hiện tượng tiêu cực, suy đồi, thối nát như một chuyện bình thường “ắt, dĩ, tất, ngẫu” phải có trong xã hội.

Bị tiêu diệt

Mặc dù đã cố tình tránh đụng chạm với phương châm “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, đội ngũ sáng tác, kịch sĩ, diễn viên… đã tránh đi những điều cần nói nhất, những vấn đề mà người dân bức xúc nhất, nhưng đâu phải vậy là đã đủ.

Ngoài việc tránh các lĩnh vực, các quan chức, đề tài nhạy cảm nhất, thực chất nhất mà xã hội quan tâm. Cũng như, chương trình hàng năm đã được dàn dựng từ trước, để nhà Tuyên giáo duyệt, cắt xén, buộc thay đổi nội dung… cho ở mức vừa phải, vô hại mà tuyên giáo đảng chấp nhận được.

Thế nhưng vẫn chưa yên.

Tết năm 2020, chương trình được thông báo sẽ dừng hẳn. Nhiều người vẫn có thói quen tiếp thu cái cười một cách thụ động, coi như một dịp xả stress mà không hề nghĩ đến chuyện sâu xa, cảm thấy chưng hửng và quay lại hỏi nhau: Vì sao?

Vì sao mà một chương trình khá thu hút khán giả vậy bỗng nhiên đình bản, chấm dứt hoạt động?

Chẳng lẽ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã hết cả rồi sao? Chẳng lẽ quan chức bây giờ không còn những chuyện cười ra nước mắt như trước? Hay xã hội đã đến lúc tự điều chỉnh mà không cần việc phê phán?

Xin thưa là không.

Việc chương trình này đã làm những năm qua, nhằm tác dụng xả stress cho xã hội qua các hiện tượng tiêu cực, nay đối với đảng là đã đủ. Đảng không cần những chương trình mà ngày càng phải quan tâm để xem xét, canh chừng để xét duyệt chỉ vì sợ nhỡ lúc nào đó sơ hở nó lại… nói thật.

Bởi những điều mà người dân cảm nhận được về những sự tha hóa, sự thối nát và sự đểu cáng, nếu đủ để gây cười, chắc chắn sẽ không dừng lại ở vài câu nói của quan chức kiểu Cờ Lờ Mờ Vờ, Cờ Lờ Vờ nữa, mà là phải những vụ án hàng ngàn tỷ được cùng nhau bắt tay trong bóng tối chia chác và bị đưa ra ánh sáng rồi lộ ra các đồng chí chuyên đi rao giảng, viết sách về đạo đức HCM, về đạo đức đảng viên… lại chính là các đồng chí tham nhũng, cướp của công đầu tiên với số tiền hàng ngàn tỷ.

Và sau đó, sẽ là các mối liên hệ trong đầu người xem rằng ai đã bảo kê cho những thương vụ làm ăn như vậy?

Và người dân cũng biết, đằng sau những câu chuyện về BOT cười ra nước mắt với những độc đáo của cánh tài xế đối phó với BOT bẩn, chặn đường cướp ngang nhiên, như những sự hài hước có thật. Thì sẽ động chạm đến các quan chức là chủ, là người đỡ đầu các sân sau này.

Người ta cũng sẽ cười về việc những tướng công an đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, lại là người tổ chức đánh bạc hàng chục ngàn tỷ, phạm tội công nghệ cao ngay trong trụ sở của Bộ Công An.

Người ta cũng sẽ đặt câu hỏi về việc chống tham nhũng không có vùng cấm, tại sao chỉ chống ở vùng phe củi, còn phe lò thì không?

Người ta sẽ hỏi vậy thì cái gọi là “Trách nhiệm người đứng đầu” ở đâu khi hàng loạt quan chức cộng sản, là mấy chục Ủy viên Trung ương, hàng chục tướng tá, và bốn Ủy viên Bộ chính trị cùng với hơn trăm ngàn đảng viên bị kỷ luật, thì ai là người đứng đầu cái đảng ấy, chịu trách nhiệm gì và cái đảng ấy ngày nay nên gọi là đảng gì?

Và, rồi tất cả những tiếng cười ấy, những sự liên hệ ấy, sẽ là những suối mạch để dẫn về một câu hỏi: Cơ nguyên nào, nguồn gốc nào đã dẫn đến những hậu quả, hay kết quả đó của hệ thống xã hội.

Và câu giải đáp dễ dàng nhất, đúng đắn nhất, đó là: Chính chế độ toàn trị, độc tài cộng sản mới là nguyên nhân tất cả của căn bệnh mãn tính, dai dẳng không thuốc chữa này.

Và để người dân hiểu được điều đó, thì nhà cầm quyền CSVN rất sợ. Bởi sự thật nào, cũng là nỗi sợ hãi của người cộng sản.

Ngoài ra, có một yếu tố nữa quyết định đến việc dừng chương trình này.

Đó là đến nay, khi mà nhà cầm quyền CSVN tự thấy rằng mình đã đủ khả năng, đủ tài nguyên, nhân lực cũng như vật lực. Để có thể sử dụng cho việc trấn áp bất cứ tiếng nói, tiếng thở dài, tiếng rên rỉ nào đó trong công chúng, thậm chí là sự nghi ngờ, một tiếng cười không định hướng, không được sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng bằng nhà tù, bằng xích sắt, bằng dùi cui… thì việc xả stress trong xã hội là không cần thiết.

Và người dân, khi đã được đóng cùm, gông cũi, thì có trợn mắt, nghiến răng cũng chẳng thể làm được gì hệ thống song sắt nhà tù, công cùm và bạo lực.

Điều đau đớn, là chính họ, chính những tù nhân, những người dân này đã góp tiền bạc của cải và xương máu của mình, thậm chí đã góp những người con, những người chồng mình chết nơi rừng sâu, núi thẳm, nơi biên cương hay trong đầm lầy để đúc nên những chiếc gông cùm hiện tại của chính họ.

Ngày 2/1/2021

nguyenhuuvinh’s blog

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức nguy hại

Theo RFA-05-01-2021

 Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức nguy hại

Ảnh minh họa. Không khí ở Hà Hội ô nhiễm ở mức nguy hại trong ngày 5/1/2021. Ảnh chụp ngày 21/5/2012.- AP

Không khí ở Hà Hội ô nhiễm ở mức nguy hại trong ngày 5 tháng 1 lên ngưỡng cảnh báo cao nhất của chỉ số AQI. Báo chí Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày.

Cụ thể, ứng dụng chất lượng không khí PAMAir đo tại Long Biên có chỉ số AQI là 463, tại khu vực Hai Bà Trưng AQI là 431, Bắc Từ Liêm: AQI 430, Hoàn Kiếm: AQI 406, Đống Đa: AQI 397 và Cầu Giấy: AQI 396.

Ngưỡng ô nhiễm không khí ở các nơi này ở mức độ nâu, tức là ngưỡng cảnh báo xấu nhất. Trang Airvisual xếp Hà Nội đứng thứ nhì trong danh sách 10.000 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới. 

Ô nhiễm không khí ở ngưỡng nâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên người dân Hà Nội được khuyến cáo cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ bằng cách hạn chế đi ra ngoài, nếu không tránh được thì cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính.

Giám đốc, kế toán của 5 bệnh viện bị khởi tố trong vụ nâng khống thiết bị y tế tại Hà Tĩnh

Theo RFA-06-01-2021

 Giám đốc, kế toán của 5 bệnh viện bị khởi tố trong vụ nâng khống thiết bị y tế tại Hà Tĩnh

Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bị khởi tố hôm 6/1/2021.- Courtesy of Tiền Phong

Thêm 8 giám đốc và kế toán của một số bệnh viện tại Hà Tĩnh bị khởi tố với tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” do nâng khống giá thiết bị y tế. 

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 6 tháng 1. Theo đó có 9 đối tượng bị khởi tố. Một trong số này là bà Mai Thị Hoa, giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh.

Theo quyết định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh đưa ra ngày 6 tháng 1  tội danh của bà Mai Thị Hoa được đổi từ “trốn thuế” thành ‘vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Cơ quan điều tra xác định trong hơn 11 năm, từ 2008 - 2019, bà Hoa đã thông đồng với đối tượng tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân để nâng giá trị thiết bị bộ máy giặt, máy sấy bán cho 5 bệnh viện với mức giá 3 tỷ đồng một bộ, nâng khống gấp 5-6 lần giá thị trường. Công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn tiếp tục điều tra vụ việc.

Đối với những người khác, Công an không nêu rõ danh tính mà chỉ cho biết trong số này có 4 cựu giám đốc và 1 giám đốc bệnh viện đương nhiệm. 3 đối tượng đã bị tạm giam. 

Vào ngày 12 tháng 12 năm ngoái, Tòa án tại Hà Nội tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án ‘vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’.

Người đứng đầu trong vụ này là ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm Soát Dịch bệnh Hà Nội, bị tuyên 10 năm tù giam. Những người liên quan nâng khống giá hệ thống xét nghiệm COVID-19 từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.