Saturday, October 6, 2018

Hợp nhất hai chức danh có đúng theo nguyện vọng của người dân?

 RFA-2018-10-05   
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại Hội Đảng lần thứ XII. (Ảnh minh họa)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại Hội Đảng lần thứ XII. (Ảnh minh họa)-AFP

Ý kiến ủng hộ

Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII diễn ra hôm 3/10, 100% đại biểu đồng thuận giới thiệu ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ Tịch nước thay thế cho ông Trần Đại Quang vừa đột ngột qua đời.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định với báo chí rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng giới thiệu ứng cử chức Chủ tịch nước là đúng theo quy định của Hiến pháp cũng như nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Nhà báo Đoàn Bảo Châu chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình rằng anh hoàn toàn ủng hộ sự nhất thể hóa này. Anh nhấn mạnh trong bài viết của mình:
"Tôi ủng hộ nhất thể hoá bởi sự thay đổi này có nghĩa là sẽ bớt đi được một vị trí to đùng, hữu danh vô thực. Cứ tưởng tượng mà xem, để đi cùng với một chức danh như vậy thì cả một bộ máy phục vụ riêng Chủ Tịch Nước sẽ đi theo, chi phí sẽ đội lên biết bao nhiêu mà đất nước thì đang nghèo, nợ công tăng vù vù, sự tiết kiệm là điều cần thiết Trong quan hệ ngoại giao với các nước, các thủ tục cũng bớt rườm rà, kế hoạch viếng thăm, bàn bạc và kí kết việc gì đấy được lập ra cũng mạch lạc, hiệu quả hơn.”
Một số người dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng có cùng quan điểm như vậy. Họ đồng ý và ủng hộ hoàn toàn vì cho rằng với việc sát nhập hai chức vụ như vậy thì việc tập trung quyền lực sẽ được thống nhất hơn.
Ông Vũ Tùng một người dân hiện đang sống tại Hà Nội cho RFA biết: “Hiện nay có một suy nghĩ nếu tập trung quyền lực như thế có thể dẫn tới độc quyền không nhưng tôi nghĩ điều đó không lo vì đảng ta lãnh đạo là tập thể lãnh đạo chứ không phải tập trung quyền lực chỉ mọt người. Đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là thực hiện theo nghị quyết chung của Đảng chứ không phải nghị quyết của đồng chí đưa ra nên không có chuyện độc quyền được nên tôi thấy yên tâm về vấn đề này.”
Một người dân khác là ông Trần Đình Thành cũng có ý kiến cho rằng ông hoàn toàn đồng ý về điều này: “Cái đấy riêng cá nhân tôi thì hoàn toàn đồng ý và nhất chí cao, bởi vì việc hợp nhất này nó theo tình hình chung của thế giới. Cái thứ hai về vấn đề ngoại giao thì nó rất là đồng bộ và rất phù hợp tình hình hiện tại của đất nước.”

Ý kiến trái chiều

Một số nhà báo mà RFA tiếp xúc cho rằng nếu theo Hiến pháp thì việc Tổng Bí thư ứng cử chức Chủ tịch nước hoàn toàn đúng, nhưng về nguyện vọng của người dân thì cần phải được xem xét lại.
Nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang Một Góc Nhìn Khác khẳng định: “Cái đó nói đúng hiến pháp thì đúng thật bởi vì nguyên tắc bầu Chủ tịch nước, cứ là đại biểu Quốc hội được Quốc hội ứng cử ra thì coi như là anh trở thành ứng viên. Bên đảng người ta giới thiệu ra miễn người đó là đại biểu quốc hội thì họ đủ quyền ứng viên vị trí Chủ tịch nước. Nhưng còn nói hợp lòng dân không thì khái niệm lòng dân ở đây như thế nào bởi vì hợp lòng dân không thì phải trưng cầu dân ý, nhưng ở đây không có trưng cầu dân ý mà chỉ nói trong nội bộ đảng. Ngay cả trong nội bộ đảng chắc gì 100% tất cả các đảng viên đồng thuận chứ đừng nói lòng dân ý dân ở đây.”
Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ rằng, ông chưa biết rõ trong Hiến pháp có quy định rõ điều luật đó hay không nên không có nhận định được điều đó đúng hay sai, nhưng phù hợp nguyện vọng của người dân thì ông phản đối mạnh mẽ. Ông cho biết:
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa AFP
“Tôi cực lực phản đối điều đó bởi vì nó hoàn toàn không đúng tí nào hết, không có cơ sở nào để nói cái đó cả, dù là hình thức giả dối đi chăng nữa thì cũng phải có thăm dò xã hội hoặc trưng cầu dân ý gì đó, có kết quả công bố rõ ràng, chả làm cái động tác đó mà cứ khơi khơi nói lòng dân là không được.”
Đồng quan điểm với nhà báo Võ Văn Tạo, nhà hoạt động Lã Việt Dũng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cho rằng anh hoàn toàn không đồng ý với điều đó.
“Tôi cho rằng đó là một tuyên bố hàm hồ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bởi vì họ nói sự đồng thuận của người dân và cử tri thì rất nhiều người không đồng ý, ngay cả trong nhà tôi nói chuyện với nhau nói là sao ông Trọng ổng tham thế, đã là Tổng Bí thư rồi giờ muốn làm Chủ Tịch nước nữa.”
Anh Dũng cho biết thêm: “Tôi chưa thấy một đất nước nào có dân chủ mà có một người được bầu 100% cả, dù là tiên là phật hay là thánh sống đi chăng nữa thì cái tỉ lệ cũng không thể 100% được và nó chỉ xảy ra ở những nước độc tài như thế rất đáng buồn cho sự dân chủ hóa của đất nước.”

Những ý kiến khác

Ngoài những ý kiến đồng thuận và không đồng thuận của các nhà báo, giới hoạt động và một số người dân còn có một số ý kiến khác cho rằng họ không biết gì về chính trị cũng như người đứng đầu nhà nước như thế nào nên ai sao thì họ làm như vậy.
Một anh thanh niên trẻ từ Sài Gòn giấu tên chia sẻ: “Cái đó chính trị thì mình không biết nhưng mà thoải mái cho người dân làm ăn buôn bán kiếm tiền là được rồi. Dân giàu nước mới mạnh được, chứ dân không giàu sao nước mạnh được. Còn nếu ổng nắm quyền nhiều quá thì dân người ta lên người ta phản động thôi là chuyện bình thường nếu ổng làm cái gì đó sai.”
Môt người dân bán hàng nước tại khu vực quận 3 chia sẻ rằng bà không biết người được bầu là ai và bà theo đám đông: “Giờ người ta sao thì cô vậy chứ đồng tình hay không đồng tình cô đâu biết được, cô đâu biết ông đó như thế nào đâu mà đồng tình hay không cứ đồng tình đi cứ cho ổng lên ổng làm đi. Chứ mình cũng là dân chứ biết mấy ổng như thế nào đâu mà ủng hộ với không ủng hộ, cứ người ta sao mình như vậy.”
Dù có những ý kiến khác nhau về việc Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhưng tất cả đều có chung ý kiến rằng họ mong chờ kết quả thực sự từ việc làm của nhà lãnh đạo sắp tới hơn cả.

CSVN truy tố thêm 2 nhà hoạt động thuộc nhóm ‘Hiến Pháp’

CSVN truy tố thêm 2 nhà hoạt động thuộc nhóm ‘Hiến Pháp’
Sài Gòn – Nhà cầm quyền CSVN vừa truy tố hai trong tám thành viên của nhóm “Hiến Pháp” bị bắt cóc hồi đầu tháng 9, về tội “phá rối an ninh” theo điều 118 bộ luật hình sự của chế độ.
Trang mạng Người Bảo Vệ Nhân Quyền hôm Thứ Sáu cho biết, gia đình của hai Facebooker Hồ Văn Cương và Ngô Văn Dũng vừa nhận được thông báo từ công an thành phố ở Sài Gòn trong cùng ngày về tình hình của hai ông. Thông báo được gửi đến sau hơn một tháng hai nhà hoạt động bị lực lượng an ninh của chế độ bắt cóc.
Theo thông lệ của công an CSVN trong những vụ án chính trị, họ sẽ bị giam giữ từ bốn tháng trở lên. Họ sẽ không được phép gặp luật sư và gia đình, cho tới khi nào cuộc điều tra hoàn tất. Theo pháp luật Việt Nam dưới chế độ cộng sản, họ đối diện với án tù lên tới 15 năm nếu bị kết án.
Ông Ngô Văn Dũng là một nhà báo công dân từng đưa tin về nhiều đề tài, bao gồm tham nhũng, ô nhiễm môi trường, Trung Cộng xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, và những vi phạm nhân quyền trong nước. Ông Dũng và ông Cương là hai trong tám thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt cóc từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 9 vừa qua. Các thành viên khác là Đoàn Thị Hồng, Trần Hoàng Lan, Đỗ Thế Hoá, Hùng Hưng, Trần Phương và Phạm Thảo. Hiện chỉ có ông Phạm Thảo, tức Facebooker Tâm Tâm Nguyên, được tại ngoại.
Gia đình của năm nhà hoạt động này vẫn chưa được nhà cầm quyền thông báo về tình hình của họ. Công an CSVN đã bắt giữ một thành viên khác nữa của nhóm “Hiến Pháp” là Facebooker Huỳnh Trương Ca vào ngày 1 tháng 9 và truy tố ông về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo điều 117 bộ luật hình sự của chế độ.
Nhóm Hiến Pháp được thành lập hồi giữa năm 2017 với mục đích giáo dục quần chúng về nhân quyền bằng cách phân phát văn bản Hiến Pháp Việt Nam 2013 cho người dân.
Huy Lam / SBTN

Dân Yên Bái chống khai thác đá, nhà cầm quyền siết thông tin mạng xã hội

Dân Yên Bái chống khai thác đá, nhà cầm quyền siết thông tin mạng xã hội
Yên Bái – Để phản đối việc một công ty khai thác đá ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước, người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã bắt giữ một cán bộ tuyên giáo huyện.
Báo Người Lao Động mới đây dẫn lời một giới chức thuộc tỉnh ủy Yên Bái xác nhận sự việc xảy ra tại mỏ đá Nà Kèn trong tỉnh. Vào sáng ngày 27 tháng 9, công ty Đá Cẩm Thạch R.K. Việt Nam đưa người và phương tiện đến khai thác tại mỏ đá Nà Kèn ở xã Lâm Thượng. Họ bị nhiều người dân trong xã kéo ra ngăn cản, dẫn tới cuộc xô xát giữa lực lượng bảo vệ của công ty và người dân, khiến hai nhân viên bảo vệ và một người dân bị thương. Người dân cũng bắt giữ một cán bộ được ban tuyên giáo huyện ủy cử tới giải quyết mâu thuẫn nhưng thả ra ngay trong ngày.
Người dân cho rằng việc khai thác đá tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của họ, trực tiếp nhất là tác động đến nguồn nước sinh hoạt. Tình hình căng thẳng đã kéo dài suốt tuần qua.
Báo Dân Trí hôm 5 tháng 10 đưa tin, UBND huyện Lục Yên đã yêu cầu công an và quân đội theo dõi và nhận diện tất cả những người đang kéo đến khu vực mỏ đá Nà Kèn để tham gia biểu tình. UBND cũng ra lệnh lập danh sách của tất cả những người đã đưa tin, chia sẻ và bình luận theo khuynh hướng chỉ trích đối với hoạt động khai thác đá này trên các mạng xã hội như Facebook và Zalo.
Huy Lam / SBTN

Bị bóc lột, 8,000 công nhân ở Thanh Hóa đồng loạt đình công

Công nhân tụ tập trước cửa công ty giày Rollsport 2 Việt Nam đòi tăng lương. (Hình: Thanh Niên)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Lương không tăng, thưởng không nhiều, trong khi lại buộc tăng thêm thành phẩm gây áp lực công việc đã khiến hàng ngàn công nhân làm việc tại hai công ty giày da ở thành phố Thanh Hóa đình công tập thể.
Theo báo Thanh Niên, từ ca làm việc buổi sáng 6 Tháng Mười, 2018, hàng ngàn công nhân của công ty giày Aleron Việt Nam (khu công nghiệp Hoằng Long, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa), đã đình công ngừng việc tập thể yêu cầu tăng lương và tăng các phụ cấp khác.
Nhiều công nhân phản ảnh, thời gian gần đây, công ty này thường xuyên đòi hỏi công nhân tăng sản lượng nhưng tiền lương thì không được tăng, nên họ đình công để đòi quyền lợi. Ngoài ra, các phụ cấp khác như tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền thưởng… cũng đang ở mức rất thấp.
Việc đình công buộc Liên Đoàn Lao Động thành phố Thanh Hóa và công đoàn công ty phải “ghi nhận ý kiến của công nhân.” Sau khi đấu tranh có kết quả, trưa cùng ngày, các công nhân của công ty giày Aleron Việt Nam đã trở về nhà.
Trong khi vụ đình công tại công ty giày Aleron Việt Nam chưa được giải quyết xong thì đến trưa cùng ngày, hàng ngàn công nhân công ty giày Rollsport 2 Việt Nam (cùng khu công nghiệp Hoằng Long) lại đình công nghỉ việc tập thể. Các công nhân tràn ra khu vực xung quanh cổng công ty, ngồi la liệt ven đường.
Hàng ngàn công nhân ngừng việc ngồi xung quanh cổng công ty giày Rollsport 2 Việt Nam. (Hình: Thanh Niên)
Đến 3 giờ chiều cùng ngày, đại diện công ty và công đoàn công ty giày Rollsport 2 Việt Nam “đang ghi nhận các kiến nghị của công nhân để phúc trình lãnh đạo công ty giải quyết.”
Nói với báo Thanh Niên, bà Hoàng Thị Yến, chủ tịch Liên Đoàn Lao Động thành phố Thanh Hóa, xác nhận sáng 6 Tháng Mười khoảng 8,000 công nhân ngừng việc. Theo đó, công nhân đề nghị 23 ý kiến khác nhau như đòi tăng lương, tăng tiền ăn trưa, tiền xăng xe, giảm áp lực giao sản lượng…
“Trước mắt, cả hai công ty đều đã đồng ý tăng tiền ăn trưa từ 15,000 đồng (64 cent)/người/ngày lên 17,000 đồng (72 cent)/người/ngày, bắt đầu từ tháng này và tăng tiền thưởng ngày lễ từ 30,000 đồng ($1.3)/người lên 50,000 đồng ($2.1)/người,vào đầu năm 2019. Những vấn đề còn lại đang được tiếp tục xem xét, giải quyết từng bước chứ không thể xong ngay một lúc,” bà Yên nói.
Chiều cùng ngày, nói với báo Lao Động, ông Ngô Tôn Tẫn, chủ tịch Liên Đoàn Lao Động tỉnh Thanh Hóa, cho biết thêm: “Về cơ bản, các công ty đã phần nào đáp ứng những nguyện vọng của công nhân. Dự kiến, Thứ Hai tuần tới, các công nhân sẽ trở lại làm việc bình thường.” (Tr.N)

Khách Trung Quốc đi ‘tour 0 đồng’ ồ ạt vào Việt Nam

Hơn 30,000 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Ninh chỉ trong một tuần qua. (Hình: Thanh Niên)
QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Chưa đầy một tuần đã có đến 32,000 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái để “thăm Quảng Ninh” trong “Tuần Lễ Vàng,” tức dịp nghỉ lễ quốc khánh của Bắc Kinh.
Theo báo Thanh Niên, chỉ trong vòng từ ngày 1 đến 6 Tháng Mười, 2018, đã có 32,000 lượt khách Trung Quốc nhập cảnh theo đường du lịch, tăng 200% so với tuần trước.
Trong những ngày qua tại Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái từ sáng sớm đến chiều tối, khu vực này lúc nào cũng chật kín rất đông người Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch.
Ông Lương Quang Sở, trưởng Ban Quản Lý Cửa Khẩu Quốc Tế Móng, cho biết gần như dịp “Tuần Lễ Vàng” nào người Trung Quốc cũng sang đi du lịch Quảng Ninh để thăm Vịnh Hạ Long rất đông. Vì vậy, dịp này chính quyền địa phương rất vất vả, phải tăng cường lực lượng để tránh xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập cảnh.
Khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái. (Hình: Thanh Niên)
Cũng theo ông Sở, tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có khoảng 1 triệu khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa Khẩu Quốc Tế Móng Cái.
Tuy nhiên, đều đáng nói là dù lượng người Trung Quốc vào Quảng Ninh rất đông, buộc chính quyền và nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải “căng mình” làm việc hết công suất để phục vụ “thượng khách” tại thành phố Móng Cái, nhưng nhiều doanh nghiệp địa phương này lại không thấy đó là niềm vui, bởi khách toàn đi theo “tour 0 đồng,” chi phí tiêu xài của họ tuồn ngược hết về Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thế Huệ, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Quảng Ninh, cho biết khách Trung Quốc theo “tour 0 đồng” thường sử dụng các dịch vụ giá rất rẻ, tour thì tìm đủ mọi cách để trốn thuế. Thậm chí, các doanh nghiệp vận tải có xe đẹp có hóa đơn đầy đủ đã không được thuê mướn, vì các doanh nghiệp lữ hành làm tour này chỉ thuê xe cũ, bất chấp mọi điều kiện an toàn để giảm chi phí tối đa.(Tr.N)

‘Quốc tang’ liên tiếp, gây thiệt hại kinh tế hàng chục triệu đô la

Ca sĩ Tuấn Hưng bị thiệt hại ít nhất 2 tỷ đồng (hơn $85,927) do phải trả lại tiền vé cho show diễn bị hủy đêm 5 Tháng Mười, dù chưa tới quốc tang ông Đỗ Mười. (Hình: Facebook Tuấn Hưng)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 6 Tháng Mười, 2018, trong bối cảnh diễn ra ngày đầu của quốc tang cựu Tổng Bí Thư CSVN Đỗ Mười, mạng xã hội bàn tán rôm rả về những thiệt hại kinh tế do hai quốc tang diễn ra liên tiếp trong vòng mười ngày.
Luật Sư Ngô Ngọc Trai bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Theo tôi thì cần sửa luật về tang lễ, giới hạn thu hẹp lại diện những trường hợp được quốc tang. Theo đó chỉ những người mất là lãnh đạo quốc gia đang đương chức và một số nhân vật lỗi lạc của đất nước nào đó mới tổ chức quốc tang mà thôi.”
“Còn những lãnh đạo đã về hưu, sống vui tuổi già và chết do tuổi cao sức yếu thì không quốc tang. Như thế sẽ tiết giảm số ngày trong năm làm đình trệ ảnh hưởng đến các hoạt động của các ban ngành đoàn thể, cơ quan ngoại giao quốc tế, các hoạt động vui chơi giải trí, và đặc biệt tránh phủ một màu u ám lên toàn bộ đất nước vì những quốc tang,” ông nhấn mạnh
“Thiệt hại kinh tế có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng (tức hàng chục triệu đô la) chứ không phải ít do các hợp đồng kinh tế bị phá vỡ, ví như buổi biểu diễn của ca sĩ Tuấn Hưng, ngoài ra là kinh phí cho công tác tổ chức sắp xếp cho hàng đoàn người tham viếng này nọ,” ông Trai viết.
Hồi có thông báo về quốc tang cựu Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cũng phát đi lời kêu gọi trên mạng xã hội về việc giảm thời gian quốc tang từ hai ngày xuống còn một ngày và giảm số người được hưởng nghi thức này. Tuy vậy, có vẻ đề nghị của ông Hải không gây được hiệu ứng trong lúc các báo Việt Nam vẫn tôn vinh những người được làm quốc tang với nhiều mỹ từ: “Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của đảng, người đảng viên CSVN kiên trung…”
Nhân vụ ca sĩ Tuấn Hưng khóc lóc trước các phóng viên vì thiệt hại ít nhất 2 tỷ đồng (hơn $85,927) do phải trả lại tiền vé cho show diễn bị hủy vào giờ chót đêm 5 Tháng Mười, một khán giả bình luận trên Facebook: “Ca sĩ bây giờ trước khi làm show thì phải biết nghe ngóng, quan tâm đến tình hình sức khỏe lãnh đạo để né trùng hoặc sát ngày quốc tang. Không thì thiệt hại tiền tỷ đồng mà chẳng biết kiện ai.”
Giới quan sát đang suy đoán là không lâu sau quốc tang ông Đỗ Mười, nhà cầm quyền CSVN sẽ tiếp tục công bố thêm một quốc tang hai ngày dành cho cựu Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh, người dính các tin đồn “qua đời” từ Tháng Hai, 2018 đến nay.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, ông Lê Đức Anh “vẫn đang được chữa trị” tại Bệnh Viện Trung Ương Quân Đội 108 – nơi ông Trần Đại Quang và ông Đỗ Mười vừa qua đời.
Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ khép lại năm 2018 với ít nhất ba quốc tang. (T.K.)

Hà Tĩnh có nhà máy nước sạch, dân không được dùng vì… nghèo

Hằng ngày, vợ chồng ông Phạm Đình Toản phải sử dụng nguồn nước ăn uống và sinh hoạt không bảo bảo phẩm chất do bị nhiễm mặn nặng nề. (Hình: Hà Tĩnh)
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Anh, có nhà máy nước sạch đang hoạt động, cung cấp nước cho nhiều xã lân cận, thế nhưng 513 nhà dân với 2,038 người của chính xã này lại không được sử dụng.
Nói với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuyên (57 tuổi, ở thôn Trần Phú, xã Kỳ Hưng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết từ trước tới nay gia đình ông cũng như người dân trong xã đều sử dụng nước giếng. Thế nhưng, giếng hầu hết đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn rất cao.
Ba năm trước, gia đình ông Tuyên đã đầu tư làm một cái giếng khoan và mua thêm một máy lọc nước gần 10 triệu đồng (hơn $428), nhưng vẫn thấy chưa yên tâm. “Chúng tôi mong sớm được sử dụng nước sạch của nhà máy nước mới yên tâm được,” ông Tuyên nói.
Còn gia đình bà Phan Thị Thu (56 tuổi, ở thôn Hưng Phú, xã Kỳ Hưng) cũng đang sử dụng giếng khoan để lấy nước ăn uống và một giếng khơi dùng để rửa chén bát, giặt giũ. Bà cho biết, giếng khơi bị nhiễm phèn nặng, nên dù nghèo khó, gia đình cũng vay mượn mua thêm máy lọc nước.
Gia đình bà Phan Thị Thu dùng nước giếng khoan nhưng vẫn bất an vì nước bị nhiễm phèn. (Hình: Lao Động)
Thế nhưng, nước sau khi đã lọc, dù nhìn vẫn trong, song vẫn mặn khiến cảm giác không yên tâm khi dùng nước. “Nhiều năm nay, người dân chúng tôi liên tục kiến nghị lên chính quyền xin cấp nước sạch cho dân sử dụng, nhưng các kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết,” bà nói.
Chồng bà Thu, ông Nguyễn Văn Biểu (60 tuổi) cho biết, ở đây giếng khoan cạn thì nước nhiễm phèn, nên tối thiểu phải tầm 20 mét mới có nước đỡ hơn để dùng. Có nhà khoan đến bốn lần nhưng gặp phải đá tổ ong ở dưới đáy, phải khoan đến lần thứ năm mới có nước.
Theo báo Hà Tĩnh, để có nguồn nước sử dụng cho gia đình, ông Phạm Đình Toản và nhiều người dân ở thôn Trần Phú đã phải thuê thợ khoan giếng lấy nước sâu hơn 20 mét và xây bể lọc để lọc nước, tuy nhiên nước vẫn có vị nhờ nhợ của muối và mùi hôi tanh của phèn.
“Không còn cách gì khác nên đành phải chịu, chứ sử dụng nguồn nước từ giếng khoan này không chỉ khó chịu mà thực sự rất đáng lo về phẩm chất nước. Chúng tôi già rồi, dùng riết cũng quen nhưng lo cho bọn trẻ, cứ sử dụng thường xuyên và lâu dài nguồn nước như thế này, không biết rồi sẽ ra sao,” ông Toản chán nản nói.
Cũng tại thôn Trần Phú, do không sử dụng giếng khoan nên ngoài việc xây hệ thống bể lọc nước khá quy mô, gia đình ông Nguyễn Quốc Việt còn sắm cả cây lọc nước để có nước sạch. Mặc dù đã lọc qua hệ thống bể lọc xi măng nhưng mỗi tháng ông Việt cũng phải thay hai, ba lần các lõi lọc của hệ thống lọc nước tinh khiết.
Có nhà máy nước hoạt động tại địa phương nhưng người dân xã Kỳ Hưng vẫn không được sử dụng nước sạch. (Hình: Hà Tĩnh)
“Không có nước sạch, chúng tôi sử dụng nước vừa không bảo đảm phẩm chất lại vừa rất tốn kém. Chưa kể kinh phí xây lắp hệ thống bể lọc bằng xi măng, riêng chi phí cho cây lọc nước hằng tháng cũng đã mất hàng trăm ngàn đồng,” ông Việt cho biết.
Ngày 5 Tháng Mười, 2018, ông Nguyễn Đình Tài, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Kỳ Hưng cho báo Lao Động biết, lâu nay nhu cầu sử dụng nước sạch là vấn đề “nóng,” được quan tâm nhiều nhất của xã. Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị các cấp quan tâm, bởi vì ở xã nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Đặc biệt, từ lâu có một nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn xã mà dân của xã không được dùng. Trong khi, nhà máy này đã cung cấp nước sạch cho nhiều xã, phường lân cận như phường Sông Trí, xã Kỳ Châu, một phần Kỳ Ninh, Kỳ Hà… nên người dân càng bất bình.
Nguyên nhân, theo ông Tài, là do nguồn kinh phí của xã Kỳ Hưng không có nên không thể xây dựng hệ thống dẫn nước, dân cũng nghèo, không có tiền để đóng góp cùng với xã thực hiện nên không được dùng nước sạch từ nhà máy nước.
“Ngân sách khó khăn nên chúng tôi mong muốn được sự quan tâm, đầu tư theo hướng xã hội hóa, để người dân của xã sớm có nước sạch sử dụng, tránh dùng nước bẩn như hiện nay, ảnh hưởng đến sức khỏe,” ông Tài nói. (Tr.N)

Vệ sinh thực phẩm Sài Gòn: Ruồi bu đầy, dầu ăn tái chế ‘cực bẩn’

Dầu ăn đen cáu được tái chế đem bán ra thị trường để phi hành, làm thực phẩm. (Hình: Thanh Niên)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cơ quan an toàn thực phẩm đã phát hiện hàng loạt cơ sở mua bán dầu ăn tái chế và làm hành tỏi phi ở huyện Hóc Môn và Củ Chi “có quá trình sản xuất cực kỳ mất vệ sinh trong nhiều năm nay.”
Theo báo Thanh Niên, khoảng 9 giờ sáng 4 Tháng Mười, 2018, Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường (C05), Bộ Công An CSVN tại Sài Gòn, đồng loạt kiểm tra ba cơ sở mua bán dầu ăn và hai cơ sở chế biến hành phi có “công nghệ chế biến” cực kỳ mất vệ sinh.
Cụ thể, tại cơ sở chế biến hành, tỏi phi của bà ĐTHNg (39 tuổi, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) hoạt động từ năm 2009, lực lượng an ninh bắt quả tang 10 công nhân đang dùng dầu ăn cũ đã sử dụng để phi hành, tỏi.
Các công nhân thừa nhận, hơn 80 can dầu cặn có màu nâu giấu phía sau cơ sở được mua lại từ các cơ sở chuyên cung cấp dầu ăn cũ tái chế và dùng để chế biến hành, tỏi phi.
Ông Thi, quản lý cơ sở, cho biết: “Dầu người ta chở vô bán chứ không rõ nguồn gốc ở đâu, khi nào cần thì gọi họ chở vào. Số dầu đen chiên nhiều lần bỏ đi sẽ bán lại cho họ.”
Tại cơ sở này, không chỉ xài dầu ăn phế phẩm mà còn sử dụng củ cải trắng làm giả hành, tỏi phi. Dù ông Thi cho rằng “cơ sở chủ yếu chế biến hành và tỏi phi, thỉnh thoảng mới trộn củ cải trắng,” nhưng thực tế số củ cải trắng còn dính bùn đất, sắp được chế biến lên đến hàng tấn. Máy xắt củ cải dính đầy cặn bẩn, phía dưới là khay đựng củ cải xắt dính đất đen kịt, ruồi nhặng bu đầy. Gần đó là thùng nước màu vàng nhờ nhờ sền sệt ngâm đầy củ cải trước khi đưa vào chế biến.
Khu vực tái chế dầu dơ bẩn. (Hình: Thanh Niên)
Tại thời điểm lực lượng an ninh kiểm tra, công nhân vẫn thản nhiên hút thuốc, chân giẫm đạp lên các ô đựng hành phi thành phẩm. Gần chục chảo lớn đang đỏ lửa, ngập dầu có màu nâu sệt để phi hành tỏi.
Nhóm công nhân liên tục cho hành xắt vào chảo, quậy đều rồi vớt ra. Cứ thế, dầu gần cạn lại cho thêm thứ dầu đen kịch từ can vào chảo và những mẻ hành, tỏi phi thành phẩm liên tục ra lò chờ đưa đến tay người tiêu thụ.
Khiếp đảm hơn, nơi tách vỏ tỏi tận dụng ngay trong chuồng bò trong lúc bò được thả đi ăn, nền đất ẩm ướt, nhếch nhác với những vũng nước bốc mùi hôi nồng nặc. Lực lượng an ninh còn phát hiện nhiều kho bãi chứa thành phẩm ẩm ướt, nền gạch dơ bẩn trơn trượt bốc mùi hôi ẩm mốc.
Cũng theo báo Thanh Niên, cùng thời điểm trên, lực lượng phối hợp kiểm tra cơ sở sản xuất ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, và bắt quả tang 10 công nhân sử dụng dầu ăn tái chế để phi hành tỏi.
Phía trước cửa cơ sở này là kênh Xáng, trở thành nơi rửa, sơ chế cả chục tấn hành. Hành củ nhỏ, hành tây được đóng bao chất từng đống, nhiều bao đã thối rữa, bể nát bốc mùi hăng nồng.
Bên trong cơ sở, vật dụng để chế biến cũng đều cáu bẩn. Lực lượng an ninh phát hiện 125 can (loại 24 lít/can) dầu thực vật đã qua sử dụng và 1,898 kg hành phi thành phẩm chờ đưa đi tiêu thụ.
Ông Vương, người điều hành cơ sở này thừa nhận, 125 can dầu mua trên thị trường, trong đó có 20 can mua ở cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoa. Hành phi thành phẩm được đưa ra Chợ Lớn và các chợ ở khắp thành phố tiêu thụ.
Công nhân phi hành với chảo dầu đen đặc. (Hình: Thanh Niên)
Từ lời khai của các cơ sở chế biến hành phi, lực lượng an ninh kiểm tra cơ sở mua bán dầu thực vật, mỡ đã qua sử dụng của bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn).
Tin cho biết, ngoài căn nhà chính chứa 10 can dầu (khoảng 25 lít/can) và một bồn chứa dầu loại 3,000 lít, cơ sở này còn có hai kho chứa dầu gần nhà.
Trong đó, kho nằm ở mặt tiền quốc lộ 22, thuộc huyện Hóc Môn chứa hàng chục thùng phuy dầu, có gắn máy bơm và ống hút để sang chiết dầu vào can. Còn kho nằm cách căn nhà chính chừng 100 mét chứa hơn 150 can dầu loại 25 lít/can.
Bà Hoa khai mua dầu ăn phế phẩm của những người đi xe máy chở tới, rồi đem bán cho bà B. (ở Dĩ An, Bình Dương). Mỗi ngày cơ sở gom từ 200 đến 300 lít.
Công an cũng tiến hành kiểm tra hai cơ sở mua bán dầu cũ của bà Nguyễn Thị Mầu (56 tuổi, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), em gái bà Hoa, và cơ sở của ông Nguyễn Minh Hiếu (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn).
Tại kho của bà Mầu, lực lượng an ninh phát hiện có hai bồn chứa dầu loại 4,000 lít với hệ thống van, ống để lọc và sang chiết dầu. Bà Mầu khai, sau khi thu mua dầu cũ về sẽ bơm vào bồn chứa để lắng, rồi bơm ra can mang bán. “Dầu để lắng sau đó bán chủ yếu cho bà B. ở Dĩ An, Bình Dương,” bà Mầu cho biết.
Theo cơ quan an ninh, dầu ăn chứa tại ba cơ sở trên đều “không bảo đảm vệ sinh và vô cùng bẩn. Chưa hết, điều đáng ngại là ngoài việc cung cấp dầu cho các cơ sở làm hành phi, ba cơ sở này còn đưa thứ dầu độc hại trên đi bỏ mối cho nhiều chợ nhỏ ở các huyện như  Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi; cơ sở bánh ướt, bánh tiêu,… để rồi len lỏi vào bếp ăn của những người dân nghèo,” một cán bộ tiết lộ.
Sau khi kiểm tra, lực lượng an ninh đã thu giữ 11 tấn hành, tỏi phi; 1 tấn tỏi tươi không giấy tờ nhập cảng từ Trung Quốc tại hai cơ sở chế biến hành phi và khoảng 45 tấn dầu ăn cũ tại ba cơ sở nói trên “chờ kiểm nghiệm, điều tra để xử lý.” (Tr.N)

Trưởng công an xã ở Thanh Hóa đánh nhau, còn nổ súng uy hiếp dân

Hình ảnh ông Trịnh Văn Hưng, trưởng Công An xã Thọ Trường, cầm súng chĩa vào đám đông bóp cò. (Hình: Thanh Niên)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Không chỉ trực tiếp đánh nhau gây thương tích, trưởng công an xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, còn nổ súng bắn vào nhóm đối thủ.
Ngày 5 Tháng Mười, 2018, ông Lê Đình Hải, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Văn Hưng, trưởng Công An xã Thọ Trường, vì dùng súng quân dụng nổ hai phát liên tiếp khi nhóm thanh niên xảy ra ẩu đả khuya ngày 25 Tháng Sáu.
Trước đó, báo Thanh Niên loan tin, vào khoảng 10 giờ 5 phút đêm 25 Tháng Sáu, khi đi chơi bida ở thôn 7, xã Thọ Trường, thì xảy ra xô xát giữa nhóm thanh niên khác với nhóm người của ông Hưng.
Trong lúc xô xát, do ông Hưng mặc thường phục tham gia đánh nhau nên bị hai thanh niên ở xã Xuân Vinh (giáp ranh xã Thọ Trường) tấn công, đồng thời gọi thêm nhiều người tới hỗ trợ. Để uy hiếp, ông Hưng dùng súng bắn đạn cao su nhà nước cấp để làm nhiệm vụ bắn về phía nhóm người đối thủ, rất may không ai bị thương.
Vào cuộc điều tra, Công An huyện Thọ Xuân xác định hôm xảy ra sự việc, ông Hưng “đã không đi làm nhiệm vụ, còn sử dụng súng không đúng quy định” nên đã ra quyết định xử phạt hành chính bằng tiền. (Tr.N)