Sunday, November 29, 2020

Các mệnh đế tương đương



Chu Mộng Long|

1.Từ điển còn hiệu đính, huống hồ là sách giáo khoa.

2. Ngành y tế còn bán thuốc giả, huống hồ là ngành giáo dục làm sách phát triển năng lực đểu, mua bán bằng giả.

3. Dân đen còn ăn cắp, huống hồ là quan tham.

4. Con buôn còn bán hàng giả, hàng độc hại, huống hồ là quan chức giáo dục.

Vân vân.

Đúng lắm! Nhưng chẳng lẽ như vậy là huề cả làng sao?

Anh Nhạ ơi. Còn có mệnh đề ngược nữa.

1. Từ điển sai ít thì mới hiệu đính, sai nhiều thì phải bị cấm và thu hồi theo luật xuất bản, in và phát hành. Nếu cố tình phá hoại tiếng Việt, phá hoại văn hoá thì phải bị truy tố hình sự. Từ điển ít người tra cứu chứ sách giáo khoa cho trẻ em học hàng ngày, tội phải tăng gấp một trăm lần.

2. Ngành y tế bán thuốc giả gây hậu quả nghiêm trọng thì ắt bị truy tố hình sự. Giáo dục không là ngoại lệ, thậm chí nghiêm trọng hơn, vì nó có thể gây chết cả một thế hệ.

3. Dân đen ăn cắp thì vào tù rục xương. Quan tham cũng không là ngoại lệ, trừ quan có vây có cánh.

4. Con buôn bán hàng giả, hàng độc hại thì bị xử phạt, bồi thường cho người tiêu thụ và bị đi tù. Quan chức giáo dục cũng không ngoại lệ, trừ phi quan chức giáo dục lớn ăn của quan chức giáo dục nhỏ rồi đánh hoà cả làng.

Tóm lại, giáo dục mà nằm ngoài luật pháp thì là loạn dâm dục, không còn tư cách dạy dỗ được ai, anh Nhạ ạ!

Một bộ sách Cánh Diều có sạn thì xử lý nhóm Cánh Diều. Nhưng cả 5 bộ sách đều bắt trẻ em ăn sạn thì phải xử lý người chủ mưu đẻ ra 5 bộ sách.

Chu Mộng Long

Nói nhăng & hứa cuội

 


tuongnangtien’s blog|

Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng niềm tin

Thứ rẻ nhất lại là lời hứa

Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa

Có ngại gì mà không phản bội nhau?

GIA HIỀN

Bà chị đi lấy chồng vào đúng lúc tôi chia tay với cá, chim, dế, diều, bông vụ, nút phéng, giây thung, ná cao su, bong bóng …  Giã từ tuổi thơ (adieu, những đứa bạn của thuở ấu thời) cùng những buổi chiều sôi nổi: tạt lon, dích hình, bắn bi, rượt bắt cứu tù, rồng rắn lên mây, và những đêm chơi năm mười bịt mắt mãi trốn tìm.

Tôi chợt dậy thì và xà ngay vào cái tủ sách mà người chị vừa rời nhà để lại. Đó là một “kho tàng chữ nghĩa” tạp nham với đủ loại tiểu thuyết (phiêu lưu, tình cảm, dã sử, đường rừng, trinh thám, kiếm hiệp) thơ văn, truyện ngắn, truyện dài cùng đủ nguyệt san, bán nguyệt san, tuần báo …  vô cùng hỗn độn. Không được sắp xếp theo thể loại hay thứ tự ngày tháng, thời gian gì ráo trọi.

Tôi đọc tuốt. Không sót một trang, dù hiểu rất lơ mơ, và nhớ cũng lờ mờ – trừ mỗi một câu văn dịch từ tiếng nước ngoài (không rõ của ai) vẫn còn ghi đậm trong tâm trí cho mãi đến hôm nay: “Chúng ta đang sống trong một đất nước mà mọi người đều ăn khoai với hy vọng là con cháu mình sẽ được ăn thịt cá.”

Xứ sở nào mà kỳ cục vậy cà?

Sau tháng 4 năm 1975 thì mới biết (hoá ra) đó là đất nước của chính mình!

Ngồi nhai trệu trạo những đủ loại bo bo, mì sợi, khoai củ hay những lát mì cõng cơm và nghe người đứng đầu quốc gia – TBT Lê Duẩn – hứa hẹn về một tương lai xán lạn (ăn ngon, mặc đẹp, tủ lạnh, TV, đuổi kịp Nhật Bản, đi trên thảm vàng …) mà không khỏi trạnh lòng nhớ lại chuyện xưa với chút cảm giác nghẹn ngào, và nghẹn họng!

Lê Duẩn không phải là người đầu tiên (hay cuối cùng) hứa bừa, hay hứa lèo, như thế. Trước ông, chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng đã từng vẽ ra một viễn tượng rất huy hoàng (“thắng thằng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”) làm loá mắt mọi người. Sau ông, tổng bí thư Nông Đức Mạnh còn bạo miệng hơn nhiều: “Năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại.”

Bây giờ là cuối năm 2020. Thời điểm mà giới lãnh đạo hiện hành đang “gia hạn” mọi hứa hẹn bằng những lời hứa mới, cụ thể và hấp dẫn hơn xưa:

  • Nguyễn Phú Trọng: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, VN trở thành nước phát triển thu nhập cao.”
  • Nguyễn Xuân Phúc: “Đưa rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ.”
  • Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0.”
  • Vương Đình Huệ: “Mười năm tới, thu nhập người dân Hà Nội đạt 14.000 USD người/năm.”
  • Nguyễn Thiện Nhân: “Đến 2045, TP phải là trung tâm kinh tế tài chính của Châu Á. Bình quân thu nhập đầu người là 40.000 USD/năm, là địa điểm hấp dẫn hoàn cầu.”

Dư luận, xem chừng, không được lạc quan và không ít những lời tiếng bất bình:

  • FB Đỗ Luật: “Con người sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống – Man is born to live, not to prepare for life. Câu nói đơn giản mà chuyên chở một ý tưởng sâu xa của nhà văn Nga Boris Pasternak …  đã khẳng định tính nhân bản của con người trong một xã hội nhân bản, con người đến cuộc đời này để sống cuộc đời của mình, con người không cần ai chuẩn bị hay dạy cho nó cách sống như thế nào dưới một chế độ chính trị nào… Và có lẽ nào người dân Việt Nam hiện nay sẽ mãi mãi không được sống như một con người thật sự, mà chỉ được phép sống như những sinh vật làm mẫu trong một phòng thí nghiệm hay sao ?”
  • FB Thanh Thúy Nguyen: “Dân tộc Việt Nam đang bị làm vật thí nghiệm cho chủ nghĩa cộng sản không tưởng độc ác, vô nhân đạo đã hơn nửa thế kỷ.”
  • Blogger Bùi Văn Thuận gọi đây là một cách “thí nghiệm phận người.”
  • Mạc Văn Trang cũng thế, cũng rất bi quan cho lắm về những lời hứa hẹn trời/biển (thượng dẫn) nên ông đặt ra hàng chục “thiết thực” hơn:
  1. Bao giờ thì tinh giản bộ máy chồng chéo,“cường quốc Bộ, Thứ trưởng, cường quốc tướng tá” như hiện nay, theo nước Nhật chẳng hạn? Được vậy, Dân mừng lắm vì đỡ “tốn cơm gạo” nuôi một bầy quan chức thừa ra chừng 70% vô tích sự.
  2. Bao giờ tinh giản biên chế để tăng lương cho công chức, viên chức (nhất là giáo viên, bác sĩ) để họ nuôi được bản thân và gia đình, không cần “ăn bẩn” vẫn sống được?
  3. Bao giờ miễn học phí hoàn toàn cho học sinh mầm non và phổ thông theo Luật Giáo dục bắt buộc/ Phổ cập giáo dục? Bao giờ học sinh không phải mua sách giáo khoa, mà nhà trường mua (tiền nhà nước) sẵn trong Thư viện và cho học sinh mượn sách để học, như ở Pháp và nhiều nước văn minh?
  4. Bao giờ bệnh nhân vào bệnh viện được nằm 1 người 1 giường và người nhà không phải thay phiên túc trực chăm sóc bệnh nhân? Bao giờ có “Nhà thương làm phúc” như thời Tây cai trị, để người nghèo vào đó được chữa trị miễn phí?
  5. Bao giờ có những nhà máy xử lý rác như các nước văn minh, không để rác ùn đọng và xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường?
  6. Bao giờ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Sài Gòn hết ở mức nguy hiểm như hiện nay?
  7. Bao giờ xử lý được nạn ách tắc giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn như hiện nay?
  8. Bao giờ xử lý được nạn úng nước, ngập lụt như ở Hà Nội, Sài Gòn hiện nay?
  9. Bao giờ Dân được tự do cư trú, tự do lập hội, tự do ngôn luận, có luật Biểu tình như Hiến Pháp quy định?
  10. Bao giờ hết cái trò “Đảng cử Dân bầu”, diễn đi diễn lại mãi? Bao giờ có tự do ứng cử, bầu cử vào Quốc hội, HĐND các cấp và các chức vụ ngoài Đảng CS?

Mong Nghị quyết Đại hội Đảng, các ngài tạm trả lời cho Dân 10 câu hỏi thiết thực đó, chứ các ngài cứ máy mồm, hứa hươu, hứa vượn chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chứ chả ai tin đâu.

Dù “chả ai tin” nhưng “việc của họ phải là như vậy,” theo nhận xét của G.S Nguyễn Văn Tuấn:

“Từ Donald Trump bên Mĩ, Morrison bên Úc, đến các nhà cầm quyền bên Việt Nam, ai cũng hứa và ai cũng có nhiều hoài bảo. Hứa hẹn là nghề của các chánh trị gia, bởi vì nhiệm vụ chánh của họ là bán hi vọng…

Giới lãnh đạo chánh trị nói chung là những người bán hi vọng. Nghề và nhiệm vụ của họ phải bán hi vọng. Cái truyền thống này có từ lâu rồi và nó phổ quát từ Tây sang Đông. Do đó, chúng ta không nên nhạo báng họ, bởi vì việc của họ phải là như vậy.”

Thì ra vậy!

Tuy vậy, vẫn có chút dị biệt cần phải nói thêm (cho hết lẽ) là dù gì thì Donald Trump và Scott Morrison cũng đều là những nhân vật lãnh đạo có tầm vóc. Những lời hứa hẹn của họ, tuy không hoàn toàn khả tín, vẫn có “trọng lượng” ít nhiều. Chớ còn với những người như ‘Mạnh Mượt, Trọng Lú, Phúc Niễng, Ngân Đù, Nhạ Ngọng, Bình Ruồi, Huệ Đom Đóm, Nhân Búp Bê, Thể Cá Tra … ‘ (biệt danh do người dân gọi) mà lên tiếng “phủ dụ” thiên hạ thì quả là chuyện lố bịch!

tuongnangtien’s blog

Dưới mái nhà tử tù

 


Đoàn Kiên Giang

Sau khi bị bắt, kết án, Hồ Duy Hải bỗng hiện lên trên báo chí là một thanh niên chơi bời lêu lổng.

Tôi có hỏi các nhà báo tham gia từ đầu vụ việc, vài thanh niên ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, thì được biết Hồ Duy Hải từ nhỏ đã mê đá bóng. Không chỉ vậy, Hải còn dẫn dắt bạn bè và các em chơi môn thể thao này, vào đội bóng đá của xã, của huyện.
“Anh Hải đá sân 11 rất khéo”, Nguyễn, một người em của Hải kể lại. Ai cũng hiểu rằng dù chỉ là tuyển phong trào, Hải cũng cần phải có một thể trạng đủ tốt, một lối sống đủ lành mạnh.

Tôi cũng biết thêm, ngày Hải sắp bị thi hành án tử năm 2014, không chỉ gia đình mà còn nhiều bạn bè, bạn học của Hải đã có mặt trước trại tạm giam CA tỉnh Long An để kêu oan, kêu cứu. Sau đó, nhờ một “phép màu” bởi luật sư Trần Văn Tạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có đề nghị hoãn thi hành án tử ngay trước giờ G.

Nhà Hồ Duy Hải bây giờ cách nhà cũ độ 500 mét, cũng ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, trong một con ngõ nhỏ, cạnh một ngôi chùa bình yên, phía trước là cánh đồng xanh ngát.

Trong ngôi nhà kiểu Nam bộ này là “tứ đại đồng đường”, gồm bà ngoại Hồ Duy Hải, mẹ Hải và các cậu, dì, em gái Hải và các em họ, cuối cùng là các cháu nhỏ con các em họ Hải.

Bà ngoại Hải đã 94 tuổi, còn khá minh mẫn nhưng khó khăn di chuyển đã 3 năm nay. Bà vẫn nói, hỏi chuyện, các con bà ghé sát tai mẹ, dạ dạ thưa thưa.

Mẹ, các cậu, dì Hải thì thương yêu, vì nhau mà hi sinh cả đời sống riêng, sự nghiệp riêng, như một biểu tượng đẹp nhất của tình ruột thịt.

Mẹ Hải hiếm phải đi kêu oan cho Hải một mình, bởi luôn có chị gái hoặc em gái theo cùng, từ Nam chí Bắc, ngày nắng ngày mưa. Khi cuộc kêu oan đằng đẵng khiến mẹ Hải khó khăn về kinh tế, anh chị em họ đã cùng nhau bán nhà, cùng về lại căn nhà thờ của cha mẹ để lại bây giờ, đùm bọc, nương tựa vào nhau. Hơn 10 năm qua, họ nắm chặt tay đi kêu oan cho con/cháu, chưa một lời nặng nhẹ nhau, chung niềm tin vào ngày Hải được minh oan và được trở về.

Em gái Hải từ khi vào 16, đã 13 năm ngơ ngác theo mẹ đi kêu oan cho anh trai, dành trọn vẹn tình yêu thương cho anh trai đã đành, các em họ Hải cũng không ngoài cuộc, cũng tất bất, lo lắng, không ngừng cố gắng và tin tưởng.

Từ trưa 13 tới sáng 14 tháng 5, mẹ, cậu, dì và các em Hồ Duy Hải lại tất bật làm cơm, làm đồ ăn để trưa 14 vào thăm Hải, sau gần 4 tháng phải “giãn cách xã hội” vì Covid-19. Họ nấu những món ăn Hải thích nhất. Họ thấy bớt trĩu nặng khi Hải hôm nay dù xanh, gầy nhưng tinh thần vẫn lạc quan.

Nhớ hôm sau phiên giám đốc thẩm, trở về từ Hà Nội, dì của Hải nói với các nhà báo tới thăm: “Mong các em nếu ngoại hỏi thì nói giùm vài bữa Hải về. Ngoại trông lắm”, bằng ánh mắt như van vỉ.

Cậu Năm của Hải thì cứ tất bật chăm sóc mẹ từ trưa tới tối. Trên lưng ông có một vết sẹo rất lớn. Hỏi mới biết do ông nhường một quả thận cho con mình…
Dưới mái nhà ắp đầy yêu thương và trách nhiệm, sự tinh tế như thế, làm sao có thể mù quáng mà tin mà yêu mà hi sinh cả tuổi đời, sức khỏe, tài sản… để kêu oan cho Hải tới tận bây giờ?

– – –
Mình viết những dòng này ngay sau phiên giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 của hội đồng 17/17 TAND Tối cao.

Đăng lại, vì nay là 28/11/2020, tròn 01 năm ngày gia đình Hồ Duy Hải nhận thông báo của VKSND Tối cao về việc đã kháng nghị giám đốc thẩm và đề nghị hủy 2 bản án kết tội chết Hồ Duy Hải để điều tra lại vì nhiều sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử.

Quyết định kháng nghị 22/11/2019 của Viện trưởng VKSND Tối cao, ở một góc độ nào đó, đã giúp “minh oan” cho bị án, cho tất cả chúng ta hi vọng vào một nền tư pháp luôn hướng tới văn minh, nâng niu thân phận con người.

“Miếng da lừa” cuối cùng của đảng Cộng Sản Việt Nam

 


Hơn 420.000 lái xe công nghệ đang lo lắng với cách tính thuế mới của nhà nước. Ảnh: Internet

Tân Phong – Việt Tân

Những trò bịp về cứu trợ doanh nghiệp và bữa tiệc của bầy kền kền

Kết quả của việc triển khai những gói cứu trợ “trên tivi” của hệ thống quan liêu CSVN sau gần 1 năm hết sức “nỗ lực” như sau:

– Gói cứu trợ đợt đầu 62.000 tỷ đồng dành cho người dân mất việc, thất nghiệp mới chỉ giải ngân được 17.000 tỷ đồng tính đến hết tháng Mười, 2020 đạt 27% theo “kế hoạch;”

– Gói cứu trợ lần thứ 2 dự trù 16.000 tỷ đồng cho khối doanh nghiệp chưa hề giải ngân được một đồng nào.

Không bàn đến việc một lượng lớn những đồng tiền cứu trợ này thay vì tới tay những người lao động thất nghiệp, người nghèo thực sự cần cứu trợ khẩn cấp mà lại chui vào nhà giới chức cộng sản như ở các tỉnh có “truyền thống ăn bẩn, ăn bớt, ăn cướp” như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Thái Bình… mà báo chí đã đưa tin, con số giải ngân chỉ đạt 27%, thấp một cách mỉa mai, đối ngịch với với những phát biểu nổ tung trời của đám quan chức.

Dân chúng ví von những đồng tiền cứu trợ của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc như “thóc bỏ vào chai” nên không có “con gà” nào ăn được cả. Các chuyên gia thì nói rằng những người lập chính sách đã tự tạo ra những cái “bẫy” để chính sách không bao giờ có thể thực hiện. Người viết thì cho rằng khoản tiền cứu trợ này thực sự là khoản “tiền hơi” không có thực, đó hoàn toàn chỉ là một trò bịp không hơn không kém.

Trong khi người lao động đói vàng mắt trong những đợt giãn cách xã hội và hàng triệu người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao chưa từng có thì khối ngân hàng chứng kiến tình trạng thừa mứa tiền gửi. Việc khối ngân hàng không những nới lỏng mà còn xiết chặt hơn qui định cho vay khiến cho giới doanh nghiệp dân doanh chỉ biết “chết mòn” cùng với các khoản nợ và chi phí chồng chất.

Một nghịch lý trớ trêu là khi doanh nghiệp xếp hàng chờ… chôn (nộp đơn xin phá sản và ngừng hoạt động) thì khối ngân hàng thương mại lại có được một năm lãi khủng. Đây cũng có thể là một đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” khi khối doanh nghiệp càng “chết” thì khối ngân hàng càng “sống khỏe.”

Một số chuyên gia ngân hàng phân tích cơ cấu Nợ và cách can thiệp hành chính gần đây trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cho biết:

“Thực tế, tác động của Covid-19 tới lợi nhuận của nhiều nhà băng sẽ có độ trễ, đặc biệt với những đơn vị chưa chủ động tăng trích lập dự phòng cho vay.

Theo quy định của Thông Tư 01, các khoản nợ được cơ cấu do ảnh hưởng của dịch sẽ được giữ nguyên nhóm nợ (chưa thành nợ xấu) với thời hạn tối đa 12 tháng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với hai quý đầu năm. Chưa xếp vào diện nợ xấu, nhưng nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày ở nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng hàng chục đến hàng trăm phần trăm.

Các ngân hàng hiện đang sử dụng phần lớn khoản dự phòng trích lập trong kỳ để xóa các khoản Nợ xấu hiện hữu.”

Giới chuyên gia tài chính đánh giá tình hình đáng lo ngại nhưng giới chức CSVN thì “tỉnh queo.” Yên tâm đi, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát, mọi chỉ số đều tốt, mọi việc đều đúng qui định và trong giới hạn cho phép… bla bla. Trong thực tế, khối ngân hàng thương mại ở Việt Nam là những kho tiền của giới chóp bu. Nó không bao giờ sụp đổ mà chỉ có người dân sẽ mất tiền mà thôi.

 Định luật “tiền chỉ chạy từ túi người dân vào… túi của quan”

Ở Việt Nam, Nợ xấu ngân hàng sẽ luôn được khoanh lại, được “tái cơ cấu” hay “được mua lại” với giá… 0 đồng, chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính. Những “núi” tiền sẽ được in mới và “bơm” vào hệ thống ngân hàng để lấp đầy những cái hang chuột không đáy. Thiệt hại cuối cùng luôn là người dân và nền kinh tế quốc gia.

Khoảng 2% trong khối doanh nghiệp tư nhân nội địa là những “cá mập,” có mối quan hệ thân hữu với đám quan chức và giới ngân hàng tạo ra một tầng lớp “thương lưu tôn quí” ĐỎ đầy quyền lực, thống trị xã hội Việt Nam. Tiền cứu trợ doanh nghiệp và người dân không bao giờ đến được nơi cần đến mà đích tới luôn là những doanh nghiệp này. Dịch bệnh không những là cơ hội vàng để chúng tha hồ đục khoét ngân khố thông qua các khoản “cứu trợ,” “vốn vay ưu đãi”… trong khi “hút máu, hút mủ” dân đen theo đúng nghĩa đen, dưới danh nghĩa “giải cứu,” “cứu trợ.”

Ví dụ điển hình vừa qua là Vietnam Airlines, một doanh nghiệp nhà nước có đặc quyền đặc lợi lớn nhất trong các doanh nghiệp nhà nước, được tiếp cận nguồn vốn vay tới 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi vì lý do đảm bảo “nhiệm vụ chính trị” – một khái niệm mơ hồ mà chỉ giới chức CSVN mới biết là gì. Tiếp nối sau cái tên Vietnam Airlines là những “cá mập” khác như VietJet Air và BamBoo Airways với những đề xuất các khoản “vốn ưu đãi” hàng ngàn tỷ. Để bù đắp doanh thu giảm mạnh, các hãng hàng không nhân cơ hội đưa người lao động Việt đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước với giá cắt cổ. Khó có thể tin nổi giá vé “giải cứu” người lao động về nước đang được các đại lý vé đưa ra:

Đài – Việt: 32 triệu; Hàn – Việt: 35 triệu; Nhật – Việt: 34 triệu… với số tiền cọc lên tới 25 triệu mỗi người.  

Có vô số những ví dụ về “tình thương mến thương” của người cộng sản như thế này và cơn khốn cùng của người dân đang thực sự là bữa tiệc của bầy kền kền Đỏ đang thỏa thuê lạc thú, sằng sặc máu thịt và gào lên điệp khúc “do dân, vì dân.”

Thu không đủ chi, tăng thuế điên cuồng và cơn hoảng loạn của giới chức CSVN

Với tình trạng ngân sách luôn trong tình trạng “bóc ngắn, cắn dài,” mức bội chi hàng năm khoảng 320.000 tỷ, nguồn thu ngân sách đã giảm mạnh (chỉ đạt 75,2% sau 10 tháng đầu năm 2020 và dự đoán sẽ giảm 189,2 ngàn tỷ so với dự toán) vốn đã không “gánh” nổi mức chi thường xuyên của bộ máy quan liêu khổng lồ và áp lực trả nợ công từ lâu, những tuyên bố khoác lác kiểu như “30 tỷ USD có sẵn, chỉ chờ giải ngân” của ông Phúc chỉ đơn thuần là một chiêu trò tâm lý, thủ thuật chính trị gian trá mà thôi.

Mới đây, báo chí cũng đưa tin việc Quảng Ngãi – một tỉnh có mức tăng trưởng cao và đầu tư công lớn trong nhiều năm qua – đã mất khả năng cân đối thu chi năm 2020 và “xin” trung ương “cứu” khẩn cấp 2.667 tỷ đồng để đảm bảo các hoạt động thường xuyên. Trước đó, sau cơn bão số 9, tỉnh này cũng đề xuất “hỗ trợ” 3.000 tỷ đồng để “khắc phục thiệt hại.” Quảng Ngãi chỉ là một trong số hơn 50 tỉnh thành luôn nằm trong danh sách “vác rá đi xin gạo” hàng năm. Điều đó, cho thấy bức tranh kinh tế của Việt Nam thực chất là một màu xám xịt.

Trong khi đó, hệ thống truyền thông ra rả về chương trình đảm bảo mục tiêu kép “khôi phục kinh tế nhanh chóng, phòng chống dịch bệnh thành công” với niềm tin hoang tưởng của các chóp bu rằng nền kinh tế sẽ phục hồi hình chữ V ngay khi dịch bệnh được khống chế. Khảo sát của Ban Kinh Tế Tư Nhân cho thấy 98% khối doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ không cân đối được thu chi, mất khả năng thanh toán các chi phí cơ bản như lương, bảo hiểm lao động, sụt giảm hơn 50% doanh thu… cho tới mức phải tạm ngừng hoạt động và phá sản cũng không khiến cho những “chóp bu” CSVN mảy may quan tâm.

Được “bơm thổi” bởi những bài báo của các “chuyên gia salon” nước ngoài ca ngợi mức tăng trưởng GDP và xuất cảng lớn, những thiên tài AQ của đảng CSVN như đang ở trạng thái “ngáo đá” và đặt mục tiêu tăng trưởng ở trên…Giời. Ông Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng – người có lẽ biết rõ nhất tình hình sức khỏe nền kinh tế – đã phải phát biểu rằng đừng mong phục hồi kinh tế hình chữ V hay “cất cánh” mà phải xác định “thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm tới đây.”

Mặc dù là quốc gia bị thiệt hại ít nhất về nhân mạng trong dịch cúm Tàu vừa qua xong ảnh hưởng suy giảm kinh tế thì vô cùng nghiêm trọng. Một khung cảnh đìu hiu thê thảm dễ nhận thấy nếu như đi qua những trung tâm thương mại truyền thống nổi tiếng ở mọi miền trên dải đất hình chữ S này. Từ chợ Bến Thành của Saigon, chợ Hàn của Đà Nẵng, chợ Đầm của Nha Trang… tất cả đều trong một tình cảnh ảm đạm khi hơn 60% lượng sạp hàng vẫn đóng cửa. Những dãy phố thương mại mới đây còn sầm uất 24/7 cũng treo biển cho thuê, sang tiệm hàng loạt.

Giá mặt bằng cho thuê kinh doanh ở các thành phố lớn khu vực phía Nam như thành Hồ, Đà Nẵng đã rớt thảm hại hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019… Thống kê vừa qua đối với ngành du lịch Việt Nam cho hay mức thiệt hại của ngành này đã vượt qua con số 23 tỷ Mỹ Kim và tương lai phục hồi còn rất tùy thuộc vào việc phổ biến vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh trong tương lai.

Con số xuất cảng và tăng trưởng GDP dương thực sự không phản ánh đúng thực chất sức khỏe của nền kinh tế khi hơn 70% xuất cảng phụ thuộc hoàn toàn vào khối doanh nghiệp FDI và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa “tạm nhập, tái xuất” cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Giới chức cộng sản luôn sẵn sàng trả một cái giá đắt hơn rất nhiều để có được những chỉ số kinh tế “chỉ đẹp trên giấy” trong nhiệm kỳ, bất chấp hậu quả lâu dài. Tuy vậy, những cơn “phê pha” tự sướng thì ngắn ngủi, trong khi nền kinh tế đang như “trứng đẳng đầu gậy” và các nguồn thu quốc gia đang nhanh chóng cạn kiệt. Cơn bấn loạn thực sự đã bắt đầu khi mới đây hàng loạt các qui định, thông tư của ngành thuế ban hành đã thể hiện chính sách “vặt tới cái lông cuối cùng” của đàn vịt hơn 90 triệu con.

Tăng thuế đánh vào tầng lớp “cùng đinh”

Xe ôm công nghệ là một nghề hạ bạc, cực nhọc, môi trường làm việc ô nhiễm nặng và đối mặt với rất nhiều rủi ro mà không có bảo hiểm. Các tờ báo “lề phải” trong nước cũng phản ánh tình trạng lạm thu, tới mức “truy cùng diệt tận” với người lao động nghèo như trường hợp lái xe ôm công nghệ. Hơn 420.000 lái xe công nghệ đang run rẩy với cách tính thuế mới của nhà nước CSVN. Với cách tính thuế mới, họ phải trả thuế VAT bằng 3% doanh thu, thuế thu nhập cá nhân bằng 1% doanh thu và thuế các loại tiền thưởng 1,5% doanh thu. Trong khi đó, chi phí xăng, nhớt, sửa chữa xe, điện thoại, quần áo đồng phục đã chiếm tới 30% doanh thu và phần lớn các lái xe đều là người lao động nghèo, gia cảnh khó khăn nhưng không được miễn trừ gia cảnh…

Nếu trừ đi chi phí trả nhà mạng, chi phí xăng nhớt, điện thoại, sữa chữa, khấu hao xe cộ… còn phải đóng tới 4,5% doanh thu các loại thuế, thu nhập thực sự người lái xe được nhận chỉ khoảng 4-5 triệu/tháng. Đó là một thu nhập chết đói không thể nuôi nổi con cái. Có thể nói đây là một mức thuế tàn nhẫn của nhà cầm quyền CSVN, một chính sách bần cùng hóa người dân tới mức không thể khốn nạn hơn.

Thu khống thuế thu nhập doanh nghiệp và người dân

Nghị Định 126 của Tổng Cục Thuế mới đây gây ra sự bất bình tới phẫn nộ của giới kinh doanh và các các chuyên gia kinh tế. Quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp từ quý 1 – 3 trong năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm, trường hợp nộp thiếu sẽ bị phạt ở Nghị Định 126 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126).

Một qui định khác nữa là việc ngân hàng sẽ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân có các “phát sinh giao dịch đáng ngờ” cho cục thuế và khấu trừ mức thuế 10% doanh thu gọi là “thuế thương mại điện tử.” Điều này dấy lên lo lắng có cơ sở rằng mọi giao dịch cá nhân bị kiểm soát và có thể bị khấu trừ vô tội vạ bởi ngân hàng với rất nhiều lý do khác nhau sẽ xảy ra.

Đây rõ ràng là một kiểu “cướp cạn,” thu hụi chết doanh nghiệp và người dân trong khi phần lớn các doanh nghiệp đang trong tình trạng “thở oxy.” Như vậy, sau khi được “ngửi” các gói cứu trợ trên tivi thì bây giờ “90 triệu con vịt” đã phải giơ cổ ra để “đảng và nhà nước” vặt tới cái lông cuối cùng.

Với những ví dụ và căn cứ trên đây, có thể thấy rõ một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế xã hội đã hiện diện và nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn bất lực trong các giải pháp cứu cánh. Các chính sách tận thu, tận diệt mọi nguồn lực xã hội chỉ duy nhất mục đích kéo dài sự tồn tại của cơ thể thể chế khổng lồ đang thối rữa. Điều gì sẽ xảy ra khi “miếng da lừa” cuối cùng đã hết? Có lẽ chúng ta không cần phải có tài tiên tri cũng có thể dễ dàng hình dung ra kết cục đó.

Tân Phong

Một thể chế ‘mua quan bán tước’

 Theo VOA-Hoàng Hoành Sơn


Báo Tuổi Trẻ ngày 24/11 đưa tin: Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có nhiều người “mua” bằng là cán bộ công chức nhà nước. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ (1).

Sự kiện này giúp phản tỉnh gì cho bộ GDĐT, nhà nước, đảng cộng sản VN và toàn dân VN? Trước hết, cần lưu ý lãnh đạo đại học Đông Đô phải có ô dù cực lớn và có tấm thẻ đảng đo đỏ mới được phép ngồi vào ghế lãnh đạo. Ở VN, đcsVN độc quyền giáo dục, không có tổ chức dân sự hoặc tôn giáo nào được phép mở trường dạy học, ngoại trừ mở trường Mầm Non. Và những hiệu trưởng từ cấp tiểu học lên đến đại học phải là đảng viên. Nó là quy luật bất thành văn nhưng được áp dụng rất triệt để tại VN.

Trước khi sự việc đại học Đông Đô nổ ra, còn có rất nhiều lãnh đạo các trường đại học ở VN bị đưa lên mặt báo. Như vụ ông Lê Vinh Danh, vừa làm hiệu trưởng vừa nắm vai trò bí thư đảng ủy của đại học Tôn Đức Thắng (2); bị cáo buộc sử dụng quỹ không đúng mục đích; chênh lệch trong chi trả lương giữa Hiệu trưởng, Trợ lý Hiệu trưởng với các Phó Hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên (3).

Và thêm lãnh đạo đại học Đồng Nai bị kỷ luật vì sửa bài thi, bỏ ngoài sổ sách hơn 63 tỉ đồng (4). Nhiều giảng viên của Đại học Ngoại thương đã đơn gửi đến nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước và người có thẩm quyền tố cáo các vi phạm của Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và Phó hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang; tố cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bao che người có sai phạm thông qua kết luận thanh tra không đúng bản chất sự việc và xử lý sau thanh tra (5).

Rồi nào là đại học Nha Trang, đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, đại học Thành Đô, đại học Kinh Tế Quốc Dân, đại học Điện Lực, đại học Thái Nguyên (6) v.v… và còn nhiều đại học khác có những sai phạm nghiêm trọng về tuyển sinh đầu vào, bất kể điểm thi thế nào; hoặc một trường đại học cả hai chị em đều là lãnh đạo, em làm hiệu trưởng, chị làm hiệu phó và cả hai đều sử dụng bằng tiến sĩ của một trường đại học ma ở Hoa Kỳ; còn biết bao sai phạm về quản lý tài chánh, sử dụng tiền thu từ sinh viên vô tội vạ; chia bè kết cánh để tham nhũng… tất cả đều ở cấp lãnh đạo đại học, đều là những bí thư, đảng viên đảng cộng sản VN.

Thế nên, sự kiện Đông Đô và tình trạng đại học bát nháo tại VN hiện nay nói lên điều gì?

- Thứ nhất số lượng tiến sĩ, thạc sĩ ở VN tăng cao là đáng mừng hay đáng lo?

Theo báo cáo của bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT), năm 2016 Việt Nam (VN) có 24 ngàn tiến sĩ, trong đó có 15 ngàn tiến sĩ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước (7). Theo chỉ tiêu hàng năm của bộ GDĐT về đào tạo tiến sĩ, có lẽ hiện nay số tiến sĩ VN đã lên đến trên 30 ngàn vị.

Đang khi trên thế giới, theo khảo sát của tạp chí Fobes, năm 2014, Hoa Kỳ là quốc gia có số tiến sĩ cao nhất với 67.449 vị; Đức có 28.147 vị; Anh quốc có 25.020 vị và thứ tư là Ấn Độ có 24.300 vị. Nhật bản đứng thứ năm, nhưng chỉ có 16.039 vị; kế đến là Pháp có 13.729 vị tiến sĩ (8). Các quốc gia này đều có những tiến sĩ đạt các giải thưởng khoa học danh giá trên thế giới và họ có những đóng góp thiết thực không chỉ cho quốc gia họ mà cho cả thế giới nữa.

Một vài con số tham khảo cho thấy VN là một lò đào tạo tiến sĩ thuộc dạng khủng. Quân bình mỗi ngày có thêm một người thăng học vị tiến sĩ và gần 10 người đỗ thạc sĩ. Theo đó, năm học 2016-2017, tổng số thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp là 35.918. Trong đó có 1.234 tiến sĩ. Đến năm học 2017-2018, số người tốt nghiệp sau đại học tăng lên 38.021, trong đó có 1.545 tiến sĩ. Số liệu này không tính các trường khối quốc phòng, an ninh, quốc tế, hoặc những ai lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài (9).

Tâm lý các bậc làm cha mẹ ở VN thường mong con cái thành đạt, làm quan chức. Cái tâm lý này càng bộc phát trong xã hội cộng sản vĩ cuồng đánh thắng cả thực dân lẫn đế quốc; những người cộng sản luôn mang tâm thế độc tôn, nắm quyền lực tự tung tự tác hoặc dán tấm thẻ đảng lên trán là có thể dương danh thiên hạ. Có sai phạm chỉ là kỷ luật, kiểm điểm, nghiêm khắc phê bình hay chỉ là phê và tự phê… là xong.

Nên nhiều bậc phụ huynh có thẻ đảng đã bằng mọi giá phải tạo một vỏ bọc an toàn giúp con cái đủ điều kiện bước vào hàng ngũ lãnh đạo. Tâm lý này giải thích vì sao đảng viên cấp cao luôn gởi con cái ra nước ngoài du học, và khi trở về với cái mác đi Tây lại nối tiếp chiếc ghế quyền lực đã được dọn sẵn.

Thành phần con ông cháu cha, thái tử đỏ này đa phần là cậu ấm , cô chiêu sung sướng từ nhỏ. Đi học chỉ là cái cớ ra nước ngoài ăn chơi phè phỡn. Cần bằng đã có tiền đủ mua tất cả. Những ai có bằng tiến sĩ ở Liên Xô cũ hẳn còn nhớ những vị tiến sĩ tranh thủ ở lại các nước thuộc khối cộng sản để buôn bán hàng hóa và kiêm luôn việc viết luận án tiến sĩ cho những cán bộ “nguồn” được VN gởi qua học chuyên tu, chủ yếu lấy bằng về làm lãnh đạo. Và mỗi bài luận như thế có giá cả chục ngàn rúp thời ấy.

Những đảng viên còn lại trong nước với quyền hô mây gọi gió từ bộ Giáo Dục trong việc cấp bằng tiến sĩ và thạc sĩ tiếp tục hà hơi tiếp sức cho tâm lý thăng quan tiến chức này. Có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ là nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Vừa là chìa khóa mở ra con đường danh vọng làm thầy thiên hạ chứ không chịu lam lũ làm thợ.

Vì thế, điều đáng nói ở VN số lượng tiến sĩ rất đông, nhưng con số đóng góp cho công nghệ, khoa học, bài đăng báo nghiên cứu sau tiến sĩ rất là khiêm tốn. Càng không có chuyện giật giải Nobel hoặc đóng góp lớn lao cho đất nước, chứ chưa dám nói đóng góp cho thế giới. Ở đây chỉ nói đến chất lượng các tiến sĩ đào tạo trong nước, chứ nhân tài thực sự họ đã đi ra nước ngoài cống hiến mất rồi.

Điều đáng lo nhất cho hiện tượng Đông Đô chính là bằng cấp là tiến sĩ mà thực lực chỉ ngang đại học hoặc tệ hơn. Điều đáng lo thứ hai là nhân tài thực sự của nước nhà không nằm trong bảng vàng tiến sĩ VN. Đan cử trường hợp ông nông dân Hai Lúa Tây Ninh, người đã thành công chế tạo trực thăng và xe bọc thép. Ông được vương quốc Campuchia trao huân chương Đại tướng quân. Trực thăng của ông được bảo tàng Mỹ, Hàn mua lại để trưng bày, bản thân ông Hai Lúa cũng được Úc mời tham gia triển lãm và nói chuyện về công việc chế tạo trực thăng của mình (10). Có tiến sĩ giấy nào ở VN đã làm được như thế?

Việc chảy máu chất xám ở VN đã trở thành chuyện bình thường mấy ai quan tâm. Ban Tuyên giáo hướng người dân vào những thứ hài nhảm, những tai tiếng trong giới showbiz hơn là chú trọng tri thức. Cứ xem truyền hình sẽ rõ, các em đi thi đường lên đỉnh Olympia, vất vả học tập biết mấy, vậy mà đứng nhất cuộc thi tuần chỉ được thưởng 4 triệu đồng; riêng ai đi thi gameshow vốn dung tục, tấu hài chọc cười chốc lát, thí sinh lên chỉ hát “đà đá đa” lĩnh thưởng cả trăm triệu đồng?!? (11)

- Thứ hai, một nền giáo dục thất bại kèm theo những hậu quả gì?

Một lối giáo dục chỉ tiêu, thi đua đoạt thành tích di họa đầu tiên đến chính người đi học. Giáo dục chỉ nhắm đến tiền chứ không nhắm mục tiêu đào tạo con người. Hiển nhiên giáo dục phải có lợi nhuận, nhưng chỉ khi nào anh có khả năng mang lại chất lượng thật sự cho sinh viên. Hẳn nhiên, sinh viên sẽ chọn các trường danh tiếng, uy tín để gởi gắm kỳ vọng có được sự đào tạo chất lượng như bản thân mong ước. Đằng này cầm đèn chạy trước ô tô, đưa ra chỉ tiêu này nọ, đủ chỉ tiêu mới có thành tích, được khen thưởng, mà chất lượng lại yếu kém, thiếu vắng đạo đức.

Sao lạ vậy, đào tạo cần tùy thuộc vào khả năng của sinh viên, em nào giỏi giang có thực tài gồm cả đức độ mới được chọn lựa học lên thạc sĩ hoặc tiến sĩ chứ. Nhìn vào những người đi mua bằng giả của Đông Đô hầu đủ điều kiện nghiên cứu sinh tự nó nói lên điều gì? Đạo đức không có, nhân bản liêm sỉ cũng không còn. Vậy những tiến sĩ như thế mang lại phúc lộc gì cho tổ quốc?

Thời xưa cả nước thi tuyển nhân tài rất kỹ lưỡng, không dễ mà có tên trên bảng vàng. Nên người đi học thời trước nỗ lực gắng công học tập thành tài, rèn luyện gồm đủ: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mới xứng danh làm tiến sĩ, ông Cống, ông Nghè. Người xưa về nhiều phương diện sẽ không thể qua mặt lớp hậu sinh thời hiện đại, nhưng các bậc hiền nhân đi trước đó đã hiểu rằng: hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nếu những kẻ được tuyển chon không hội đủ điều kiện là hiền tài sẽ làm tổn thương nguyên khí quốc gia nghiêm trọng.

Hiện trạng giáo dục VN như thế này không biết VN có còn nguyên khí để tổn thương hay không. Bộ Giáo Dục là người đại diện nhà nước, đại diện người dân để lựa chọn hiền tài quốc gia, ghi danh lên bảng tiến sĩ nhắm có người tài phục vụ quốc gia – dân tộc. Đáng buồn là bộ Giáo Dục cũng không minh chứng bộ mình có những bậc hiền tài thực sự. Họ không thể chọn ra người hiền tài, mà chỉ chọn ra người có tiền và có đầu óc vĩ cuồng, tự tôn bản thân ra khỏi tầm với của khả năng thực tế. Nên họ phải luồn lách, lươn lẹo đủ cách đạt cho được bằng cấp mà họ không đủ khả năng với tới được.

Hậu quả bằng giả công khai tồn tại cả thời gian dài ở VN là một minh chứng rõ ràng cho nền giáo dục hoàn toàn thất bại. Thất bại lớn nhất xuất phát từ chính việc tuyển sinh vào sư phạm. “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là câu nói dành cho những nhà giáo tương lai dưới thời cộng sản. Điểm thi đầu vào của ngành sư phạm cũng rất thấp, vậy mà cũng không đủ chỉ tiêu tuyển sinh khiến nhiều ngành sư phạm phải đóng cửa (12). Thế lấy đâu ra những “danh sư” để có thể xuất ra những “cao đồ”?

Giáo dục VN như chiếc xe xuống dốc không phanh, biết bao tệ nạn xảy ra trong học đường: học sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng; giáo viên hành hung học trò, tệ ngồi nhầm lớp lan tràn; sách giáo khoa gây bức xúc trong phụ huynh, học phí đại học tăng đột biến gây ồn ào trong dư luận; chuyện sinh viên nữ “đổi tình lấy điểm” từ giáo sư đại học không còn là chuyện xưa nay hiếm nữa.

Điều đáng sợ nhất là chính những “sản phẩm” học đường thời cộng sản vốn thiếu đạo đức và vô văn hóa như thế lại trở thành những lãnh đạo “nguồn” cao cấp trong bộ máy nhà nước cộng sản VN. Nó thể hiện qua những phát ngôn ngớ ngẩn, không giống ai của hàng ngũ lãnh đạo cộng sản này cũng như những hệ quả kinh tế yếu kém, tàn hại các tài nguyên đất nước, phá hoại môi trường sống, bất lực trước việc gìn giữ đất biên giới, biển đảo, trong nước đầy dẫy các vụ lừa đảo, trộm cướp, dân mất niềm tin vào nhà nước và thất vọng về sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Cán bộ cấp cao ra những luật không giống ai: lợn không được ăn rau chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt (13). Bộ trưởng Nông Nghiệp không phân biệt được đâu là rừng nguyên sinh, đâu là rừng công nghiệp nên cứ “cộng bừa” cả hai vào 1 loại rừng nguyên sinh mà báo cáo trước Quốc hội (14)? Trạm thu “phí” đổi thành Trạm thu “giá” làm không ít tay tài xế “hiểu nhầm” vác nguyên thúng “giá đỗ” đi nộp mỗi khi qua trạm BOT (15). Hoặc như pháp ngôn “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” của Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM (16). Ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên chủ tịch Quốc hội từng nói: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?” (17).

Vâng, vài minh chứng như trên cho thấy dân tộc VN có thể tồn tại bền vững và lâu dài như dãy Trường Sơn mà biết bao đời cha ông đã gầy dựng không? Nước Việt còn đủ khả năng “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ông Hồ quảng cáo hay không? Tương lai quê hương sẽ về đâu với lực lượng đảng viên cộng sản đang ra sức tàn hại đất nước vốn tươi đẹp này? Biết bao con dân đất Việt phải tức tưởi bỏ nước vượt biên tìm đường sống trong sự chết, với biết bao thảm cảnh khôn kể xiết và hiện nay vẫn thế, hẳn chúng ta chưa quên 39 người Việt chết cứng trong thùng xe đông lạnh ở Anh quốc!

Tuy nhiên, vẫn còn cả một dân tộc ở lại cũng phải chịu đựng biết bao đau thương khốn khổ với muôn ngàn đè nén áp bức mãi vẫn không thể thoát ra được. Thể chế cộng sản độc tài toàn trị này đã thành công phần nào trong chính sách ngu dân, để không ai có thể phản kháng hay lên tiếng chống đối. Nếu có công an sẽ lập tức giết chết hoặc tống giam bất kể tuổi tác, thế giới quan và giới tính. Và sự khủng bố này được tiến hành theo nguyên tắc: “Ai không theo đảng là chống lại đảng”.

(Ở đây, người viết xin phép nói về những mặt trái của xã hội VN, mà cái ác và điều xấu đang chiếm đa số. Trong xã hội ấy vẫn có nhiều những nhà giáo thanh cao, những giáo sư tiến sĩ, thạc sĩ là những nhà trí thức thực thụ, họ có tâm với nghề nghiệp, hết lòng với xã hội và người trẻ. Đấy là những người tôi hằng tôn trọng, cảm mến và dĩ nhiên khi nói chung về vấn nạn đang diễn ra, tôi không có ý nhắc tới họ trong bài viết này. Xin cám ơn)

Tư liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/nhieu-can-bo-cong-chuc-mua-bang-tieng-anh-gia-cua-dh-dong-do-20201124172516858.htm

(2) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/cong-bo-ket-luan-ve-sai-pham-cua-hieu-truong-truong-dh-ton-duc-thang-20201023192602400.htm

(3) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/cong-bo-ket-luan-ve-sai-pham-cua-hieu-truong-truong-dh-ton-duc-thang-20201023192602400.htm

(4) https://tuoitre.vn/xem-xet-ky-luat-lanh-dao-truong-dai-hoc-dong-nai-vi-sua-bai-thi-bo-ngoai-so-sach-hon-63-ti-dong-20200828101642983.htm

(5) https://dantri.com.vn/xa-hoi/8-nam-vach-sai-pham-tai-dai-hoc-ngoai-thuong-20200316161224301.htm

(6) https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/dai-hoc-nha-trang-co-tinh-khong-cung-cap-thong-tin-166737.html

https://plo.vn/thoi-su/thanh-tra-ket-luan-nhieu-vi-pham-o-truong-dai-hoc-luat-tphcm-861114.html

https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/dai-hoc-nha-trang-co-tinh-khong-cung-cap-thong-tin-166737.html

https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan-thanh-tra/hang-loat-sai-pham-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-171034.html

https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/xu-ly-sau-thanh-tra/hieu-truong-truong-dai-hoc-dien-luc-khong-ne-tranh-trach-nhiem-truoc-sai-pham-166633.html

https://www.phapluatplus.vn/nhung-sai-pham-cua-truong-dai-hoc-thai-nguyen-tag7162/

(7) https://vnexpress.net/viet-nam-co-hon-24-000-tien-si-3393238.html

(8) https://www.forbes.com/sites/niallmccarthy/2016/12/19/the-countries-with-the-most-doctoral-graduates-infographic/?sh=6f43012c4fa9

(9) https://tuoitre.vn/moi-nam-co-hon-1-500-tien-si-hon-36-000-thac-si-tot-nghiep-20200507161650656.htm

(10) https://soha.vn/xa-hoi/nong-dan-tran-quoc-hai-da-che-tao-bao-nhieu-chiec-may-bay-20141120105250991.htm

(11)https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/thoi-dai-hai-nham-len-ngoi-nhat-tuan-olympia-duoc-4-trieu-chi-hat-da-da-da-linh-100-trieu.html

(12) https://dantri.com.vn/tuyen-sinh/diem-chuan-dau-vao-nganh-su-pham-qua-thap-1313695927.htm

(13) http://toquoc.vn/lon-khong-duoc-an-rau-chuoi-beo-tay-tho-khong-duoc-an-ca-rot-chinh-phu-yeu-cau-bai-bo-20190402104917302.htm

(14) https://tuoitre.vn/dai-bieu-nghi-ngo-thong-tin-dien-tich-rung-tang-len-20201106080343668.htm

(15) https://tuoitre.vn/tram-thu-phi-se-duoc-goi-la-tram-thu-phi-20190820124126747.htm

(16) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc-269501.html

(17) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/qh-la-dan-dan-quyet-sai-dan-chiu-chu-ky-luat-ai-169988.html

Việt Nam – nơi… ‘uy tín’ ngang hàng với… giả?

 Theo VOA/27/11/2020



Bản tin về bằng giả được đăng trên báo chí trong nước. (Hình: Trích xuất từ tuoitre.vn)

Trân Văn

Kết luận Điều tra (KLĐT) về vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra ở Đại học Đông Đô (ĐHĐĐ) - Hà Nội, tiếp tục khuấy động dư luận, không phải vì các tình tiết liên quan đến vụ án mà vì cách đánh giá, nhận định của công an Việt Nam đối với những cá nhân lẽ ra phải xem là đồng phạm với các bị can...

Với sự hỗ trợ của một số cơ quan hữu trách thuộc Bộ GDĐT, một số cá nhân lãnh đạo ĐHĐĐ đã tổ chức tuyển sinh - đào tạo Cử nhân Anh ngữ cho những người từng tốt nghiệp đại học (văn bằng Cử nhân thứ hai). Từ 2015 đến 2019, ĐHĐĐ đã cấp hơn 600 văn bằng Cử nhân Anh ngữ loại này – tất cả đều là bằng... thật!

Tháng 8 năm ngoái, công an Việt Nam xác định việc cấp hơn 600 văn bằng Cử nhân Anh ngữ… thật ấy là “Giả mạo trong công tác” vì người sở hữu văn bằng chỉ phải trả tiền, không cần học, không cần thi. Nói cách khác hơn 600 người thủ đắc văn bằng Cử nhân Anh ngữ của ĐHĐĐ đã bỏ tiền ra mua… bằng!

Cho đến giờ, công an Việt Nam chỉ khởi tố một số cá nhân ở ĐHĐĐ đã tổ chức bán bằng. KLĐT chỉ tiết lộ, những kẻ chi tiền mua bằng đều là những người có uy tín, hoặc đang là cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, ban, ngành hoặc đang đeo đuổi học vị, thạc sĩ, tiến sĩ và không nêu tên bất kỳ ai (1)…

***

Chuyện công an Việt Nam xác định những kẻ đã bỏ tiền mua bằng của ĐHĐĐ là những người có uy tín khiến công chúng kêu… Trời! Đặng Huỳnh Lộc than: Xứ mình thiệt… lạ! Bỏ tiền mua bằng vẫn là… những người có uy tín, thậm chí… uy tín hơn xa những người có kiến thức, sử dụng bằng thật (2)!

Đồng Phước Vinh bỡn cợt: Muốn khoẻ mạnh thì tập luyện thể thao. Còn muốn có uy tín… thì xem tóm tắt KLĐT vụ “giả mạo trong công tác” ở ĐHĐĐ! Vì Nguyễn Bá Phúc thắc mắc: Có chứng chỉ… người có uy tín không anh (?) nên Vinh nói thêm: Đang chờ đề án… Học viện uy tín được duyệt. Xong sẽ có tuyển sinh cấp bằng (3).

Cũng có một số facebooker như Mai Lĩnh cảm thấy… bất bình giùm cho những… nạn nhân đã… bỏ tiền mua bằng của ĐHĐĐ. Theo Mãi Lĩnh: Họ là những… cán bộ thật, chấp nhận chi tiền là để mua… bằng thật nhưng vì… thất học nên ngu, thành ra mới có hàng loạt bị lừa! Tội nghiệp (4)!

Võ Đắc Danh – người cho rằng mớ… bằng thật mà ĐHĐĐ đã bán là bằng giả chỉ ra một nghịch lý: Tiêu thụ hàng giả như thuốc Tây thì mau chết nhưng tiêu thụ bằng giả thì… mau giàu! Nguyen Dang Khoa bổ túc thêm một vài khác biệt và tương đồng giữa hàng giả với bằng cấp giả: Xài thuốc giả là do không biết, còn bằng giả thì biết chắc mà vẫn dùng! Không phải tụi nó mà nạn nhân của tụi nó không chết cũng thân tàn ma dại! Dung Nguyễn tán thành: Không biết ai chịu trách nhiệm cho mấy thứ đồ giả nhưng ai gánh hậu quả thì quá rõ! Trước những hoang mang, bất bình, Huỳnh Thanh Lợi an ủi: Đây là… Thiên đường! Nơi mà chưa bao giờ nền giáo dục lại rực rỡ như bây giờ (5)!

***

Cùng bàn về những người có uy tín mua bằng của ĐHĐĐ, Hoang Linh nhận định: Với trải nghiệm của bản thân - quen biết từ người có địa vị cao nhất và người cần lao, xin nói thẳng, bọn mua bằng cấp là… cặn bã xã hội chứ… uy tín con cầy gì! Thường dân không ai mua bằng. Người có nhu cầu nhưng tự trọng....cũng không ai mua bằng mà sẽ lấy bằng bằng lao động nghiêm túc. Chỉ có bọn cặn bã mới mua bằng để chuản bị cho những hành vi sai phạm lớn hơn. Kỳ Trịnh đồng ý, gọi đó là kiểu lừa đảo đáng tởm!

Giống như nhiều facebooker khác, Huu Ly gọi những người có uy tín như nhận định của công an trong KLĐT là: Uy tín của bọn lưu manh! Duyquyet Dang thắc mắc: Uy tín gì những thằng vô liêm sỉ ấy mà phải giấu tên tuổi chúng nó? Thang Duc phân tích: Tại sao họ lại hành xử thiếu tự trọng như thế? Câu trả lời là tại cơ chế tuyển cử bắt buộc phải có bằng nọ, bằng kia mới bổ nhiệm. Muốn giữ ghế hay muốn có chức vụ cao hơn phải có bằng. Làm cán bộ thời gian đâu mà học, chỉ hội họp, tiệc tùng đã không đủ thời gian thì đi học vào… mắt! Do vậy phải mua bằng thôi. Có cầu ắt có cung, không trường này bán cũng sẽ có trường khác bán. Chuyện mua bằng xảy ra lâu rồi giờ mới bung bét (6)

Xếp hơn 600 người đã mua bằng của ĐHĐĐ vào nhóm những người có uy tín làm Cô bé Cát Linh thở dài: Sự trong sáng của tiếng Việt giờ rất… lạ kỳ. Người có uy tín mà lại… mua bằng! Chẳng ai cho cộng đồng biết điều họ muốn biết. Hình như pháp luật cũng không biết sẽ xử lý những người có uy tín mua bằng như thế nào?

Trần Hưng An nhắc lại chuyện mới xảy ra cách nay vài tháng với hai giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng khi đề nghị xử lý Bí thư Đắk Lắk gian dối học thuật để trả lời cho trăn trở của Cô bé Cát Linh: Tố cáo đạo văn còn bị nhốt thì không cung cấp danh tính là… rất tỉnh táo! Vương Gia Văn ngậm ngùi: Uy tín của những kẻ giả dối! Thật cay đắng khi chúng lại đang nắm quyền lực trong tay! Trong khi Calvin Van phỏng đoán: Nếu xử lý tất cả những người có uy tín mua bằng thì sẽ không còn đảng viên nào nữa để làm việc cho bác Trọng! Pháp Chính an ủi bạn bè: Giả dối, lừa đảo... là bản chất cua chế độ mà! Thật thà không có chỗ đứng ở thiên đường này đâu (7)!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/giao-duc/mua-bang-cua-truong-dai-hoc-dong-do-deu-la-nguoi-co-uy-tin-1111572.html

(2) https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/4164320230251574

(3) https://www.facebook.com/dongphuocvinh/posts/10207713212626253

(4) https://www.facebook.com/PhamDinhQuat/posts/3817415818271709

(5) https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/3572327456161613

(6) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/3384692644984575

(7) https://www.facebook.com/Catlinh08/posts/679589616087728