Tuesday, August 4, 2020

Cán bộ môi trường Tp HCM nói mùi bãi rác Đa Phước là do cảm nhận của từng người!?

Theo RFA-Thanh Trúc 2020-08-04

Hình minh hoạ. Bãi rác Đa Phước tại Tp. Hồ Chí Minh

 Hình minh hoạ. Bãi rác Đa Phước tại Tp. Hồ Chí Minh  Photo: RFA

Sáng 30/7 vừa qua, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, khi trả lời chất vấn của báo chí về mùi hôi từ bãi rác Đa Phước mấy năm nay, đã nói nguyên văn rằng "Hiện không có quy chuẩn nào để quan trắc về mùi nên chỉ có thể đo đạc các chỉ số liên quan và các chỉ số này thường không vượt chuẩn. Mùi là do cảm nhận của mỗi người”.

Phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ gây nên phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng. Nhiều người đặt nghi vấn là nữ cán bộ tài nguyên môi trường này hiểu thế nào về mùi hôi gây ô nhiễm không khí, và ý bà này như thế nào khi nói mùi là do cảm nhận của từng người.

Vấn đề bãi xử lý rác Đa Phước ở phía Nam thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bốc mùi nồng nặc khó chịu ra khu vực xung quanh, điển hình là khu dân cư Phú Mỹ, quận 7, khiến nhiều người phải tìm cách dọn đi. Vấn đề này đã được báo giới thành phố đề cập nhiều lần từ 2016 đến giờ nhưng Sở Tài Nguyên-Môi Trường nói riêng và chính quyền địa phương nói chung chưa có hướng giải quyết. Một phụ nữ ở khu Phú Mỹ, quận 7 nói với Đài Á Châu Tự Do:

Có một thời gian hôi liên tục, báo chí và mọi người nói um sùm, sau đó cải thiện nhưng gần đây lại bị lại. Hôi lắm, có lúc sáng sớm mở cửa ra là nồng nặc, nghi ngút luôn”.

Một cư dân khác xác nhận  bà phải hứng chịu và bị hành hạ lâu nay bởi mùi hôi mà  nhất là trong những ngày mưa:

Mưa xuống thì đóng cửa chứ đâu dám ở ngoài sân, đóng cửa thì đỡ bị hôi thúi hơn. Bên Phú Mỹ Hưng người ta cũng kiện quá trời luôn”.

Theo tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, nói không có quy chuẩn nào để quan trắc về mùi nên chỉ có thể đo đạc các chỉ số liên quan và các chỉ số này thường không vượt chuẩn, như phát ngôn của Phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường thành phố, là câu trả lời không đúng, không chuyên, không đi vào vấn đề:

Hình minh hoạ. Khu vực bãi rác Đa Phước được an ninh canh gác cẩn mật
Hình minh hoạ. Khu vực bãi rác Đa Phước được an ninh canh gác cẩn mật Photo: RFA

Cách trả lời ấy là mới thiên về các chỉ số môi trường mang tính hóa học ví dụ như bụi rồi mật độ không khí. Đại khái những yếu tố thiên về mặt hóa học để phân tích độ ô nhiễm của không khí. Bên cạnh đó thì nó còn mảng mà những bãi rác này sinh ra, đấy là việc phân hủy chất hữu cơ, gọi là các chỉ số về sinh học”

“Không có chỉ số nào về mùi, thế nhưng có chỉ số sinh học trong phân hủy rác hữu cơ thì chắc chắn tại các bãi rác ấy mức độ phân hủy chất hữu cơ chắc chắn là quá ngưỡng rất nhiều. Về chuyện mùi thì đúng là trong các bản về chỉ số không có chỉ số về mùi vị cũng như màu  sắc nhưng nó thể hiện ở các chỉ số về sinh học như mức độ gọi là phân hủy do các vi khuẩn gây ra chẳng hạn, cái đó là có”.

Do vậy, nói mùi là do cảm nhận của mỗi người, được hiểu ở đây là mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước, càng chứng tỏ một câu trả lời vô trách nhiệm, là khẳng định của nguyên Thứ trưởng Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ:

Câu trả lời tôi khẳng định là sai! Đúng là không có bảng chỉ số về mùi nhưng không thể lấy chuyện đó để nói rằng không có chuyện gì xảy ra. Nó sai là ở chỗ đó. Tất nhiên người dân không đo đạc được các chỉ số về quá trình phân hủy chất hữu cơ, thế thì mùi chính là cái mà ai cũng cảm nhận được”.

“Phải trả lời sao cho đúng thực tế chứ không thể dùng cách này để trả lời một hiện tượng khác. Trừ những người khiếm khứu chẳng hạn, tức là khứu giác bị tê liệt thì không nói làm gì, còn tất cả mọi người cảm nhận mùi vị thì phải giống nhau. Nếu trả lời rằng chị nhậy cảm về khứu giác nên chị nhận ra còn tôi không nhận ra thì không đúng, không thực tế và không thỏa mãn được cái bức xúc của người dân. Tôi cũng cho rằng nói như vậy là thiếu trách nhiệm”.

Phải trả lời sao cho đúng thực tế chứ không thể dùng cách này để trả lời một hiện tượng khác. Trừ những người khiếm khứu chẳng hạn, tức là khứu giác bị tê liệt thì không nói làm gì, còn tất cả mọi người cảm nhận mùi vị thì phải giống nhau. - nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ

Phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi- Trường TPHCM hình như muốn giảm nhẹ mức đô ô nhiễm mùi hôi và ô nhiễm không khí từ những lượng rác thải lớn, mà Sở TN-MT không giải quyết nỗi, bằng cách nói quanh với kết luận mùi là do cảm nhận của mỗi người, là nhận xét của tiến sĩ , chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải:

Trong không khí bình thường thì chỉ khoảng 19% là Oxy, 79% là Nitơ, còn lại là những mùi khác. Nếu ta đo mà Oxy không đạt 19%, Nitơ không được 79%  tức là không khí đó không bình thường. Tôi đồng ý hiện nay theo tiêu chuẩn chất lượng không khí của Việt Nam thì không đề mùi nào độc hại, mùi nào không độc hại”.

“Nhưng nếu có kiến thức khoa phổ thông thì phải nhớ rằng trong rác có các chất CarbonHydro no, CarbonHydro đói, kể cả vô cơ như HCL, HF, H2SO4, SO2…  Cho nên tại đống rác Đa Phước thì tất cả các chất đó tổng hợp lại thành mùi vô cùng khó chịu, ai ngưởi cũng sẽ hắt xì hơi, sẽ bịt mũi mà chạy. Có thể người bị xoang, bị viêm mũi thì ngưởi nó kém đi,nhưng tất cả những chất đó thì ai cũng cảm thấy và cũng ngửi được hết.

Ý kiến của Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường về mùi hôi thối của rác trong một thành phố 10 triệu dân như TPHCM, theo chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải, chẳng khác nào đề xuất dùng lu chống ngập mùa mưa mà một viên chức đưa ra trước đây.

Chuyện những bãi rác gây ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng không riêng ở TPHCM mà còn khắp nơi trên cả nước. Lý do được giải thích là lượng rác quá lớn, dồn đổ từ ngày này sang ngày khác mà không xử lý kịp dẫn tới tình trạng ứ đọng, ảnh hưởng đáng ngại đến sức khỏe cộng đồng quanh đó.

Điển hình như bãi rác Khánh Sơn ở thành phố Đà Nẵng, tháng 11/2018 bị người dân biểu tình phản đối do mùi hôi gần như bốc lên suốt ngày đêm.

Gần đây nhất, đầu 2019, hàng trăm  dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ dựng lán tại hai con đường dẫn vào Trung Tâm Xử Lý Chất Thải Rắn Nam Sơn ở quận Sóc Sơn, Hà Nội. Những người biểu tình tố cáo các bãi rác khổng lồ đó tác hại đến môi sinh cũng như sức khỏe của gia đình con cái họ.

Số liệu Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đưa ra tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố tháng 7/2018 cho thấy mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có 2.300 tấn rác thải ra nơi công cộng.

Nói riêng về bãi rác Đa Phước, tiếng là xử lý rác thải theo công nghệ nước ngoài, nhưng vấn đề tồn tại vẫn là mùi hôi thối kinh khủng khiến cư dân ta thán, kêu ca suốt mấy năm qua.

Dưới mắt nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Đặng Hùng Võ, rác thải và ô nhiễm mùi, ô nhiễm môi sinh, là nan đề bằng mọi cách phải tháo gỡ  trong bối cảnh bảo vệ môi trường đang được đề cao trên thế giới:

Đã từ lâu rồi các nơi trên thế giới không sử dụng cách chôn lấp nữa vì chôn lấp tạo ra nhiều thứ như ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Chỉ riêng chuyện người dân phản ảnh ở đây đã mang tính chất là đừng chôn lấp nữa, hãy tìm cách khác đi, hãy hiện đại hóa việc xử lý rác đi”.

Tiến sĩ Đặng Hùng võ kết luận rằng đó là ý kiến đúng đắn của dân và các nhà khoa học mà chính quyền cần lắng nghe, nhìn nhận và tiếp thu.

Số người nhiễm và đã chết virus Corona tại Việt Nam thực sự là bao nhiêu?

CTMM – Bản tin dưới đây, nguồn từ VOA ngày hôm nay 4 Tháng Tám, 2020, cho biết số lượng người bị nhiễm virus Corona ở nước Ý nhiều gấp 6 lần số lượng được chính thức công bố (248.229 người bị nhiễm và 35.166 người chết). Bản tin không khỏi là chúng ta hoảng sợ vì khiến người ta tin hơn vào điều trước giờ vẫn lo ngại là những con số do Nhà Nước CSVN công bố (chỉ có vài trăm người bị nhiễm và không có ai chết cho đến cách đây vài ngày, khi Việt Nam là nước có cùng biên giới với nước có ổ dịch Vũ Hán và việc kiểm soát biên giới thì có thể nói là “chẳng đâu vào đâu”).

***

VOA – Khảo sát: Số ca nhiễm COVID tại Ý cao gấp 6 lần báo cáo chính thức

Gần 1,5 triệu người tại Ý hay 2,5 % dân số có kháng thể virus corona, cao gấp 6 lần so với số liệu được báo cáo chính thức, theo một cuộc thăm dò của cơ quan thống kê Istat ngày 3/8.

Cuộc thăm dò của Istat và Bộ Y tế căn cứ trên những cuộc xét nghiệm kháng thể được thực hiện trên 64.660 người.

Theo dữ liệu chính thức, có 248.229 bệnh nhân COVID được xác nhận tại Ý, với 35.166 người chết.

Cuộc thăm dò phát hiện có sự khác biệt từ địa phương này với địa phương khác. Tại vùng Lombardy ở miền bắc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên vào tháng 2 năm nay, 7,5% dân số xét nghiệm dương tính với kháng thể virus corona so với chỉ có 0,3% tại vùng Silicy ở miền nam.

Cuộc thăm dò phát hiện gần 30% người có kháng thể nhưng không có triệu chứng. Điều này cho thấy nguy cơ bệnh lây lan do những người không biết là mình mang mầm bệnh.

Tuyên giáo, không những là kẻ thù của sự thật mà còn là kẻ thù của văn minh

Đỗ Ngà|

Năm 1997, 8 tác giả đã cộng tác với nhau xuất bản một cuốn sách có tên là “Sách đen về chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp”. Tên tiếng Pháp của nó là “Le Livre noir du Communisme: Crimes, terreur, répression”. Sau đó cuốn biên khảo này được nhà xuất bản Harvard University Press cho xuất bản Tại Hoa Kỳ với tên “The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression”. Và sau đó là xuất bản bằng tiếng Đức rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và bán được hàng triệu bản.

Cuốn sách này là tác phẩm của những giáo sư sử học giảng dạy tại các trường danh tiếng ở Pháp và một số nước khác. Trong 8 người đó thì có 4 giáo sư sử học người Pháp là Stéphane Courtois, Jean-Louis Panné, Nicolas Werth và Jean-Louis Margolin; một sử gia người Ba lan là Andrzej Paczkowski; một sử gia người Cộng Hòa Séc tên Karel Bartošek; một mục sư người Đông Đức cũ Ehrhart Neubert; và Joachim Gauck cũng là mục sư ở Đông Đức.

Như vậy cuốn sách này là một nghiên cứu lịch sử có giá trị. Nó được các nhà nghiên cứu uy tín tại các trường đại học lớn trên thế giới và những học giả đã từng sống trong các chế độ Cộng Sản Đông Âu nghiên cứu viết ra. Đây là một nghiên đầy đủ. Họ đã đem những thứ gì man rợ nhất do chủ nghĩa CS Marx-Lenin để phơi ra trước ánh sáng lịch sử. Đáng nói nhất là nghiên cứu này đã đưa ra con số gần 100 triệu người trên thế giới đã bị giết chết bởi chủ nghĩa man rợ này, vượt rất xa chủ nghĩa Phát Xít đã gây ra nỗi kinh hoàng cho thế giới giai đoạn 1939-1945.

Vào ngày 12 tháng 6 năm 2007, đài tưởng niệm đã nạn nhân Chủ Nghĩa Cộng Sản được dựng lên tại Washingtone DC – Hoa Kỳ để tưởng nhớ 100 triệu nạn nhân này. Tại lễ khánh thành có Tổng thống George W. Bush tham dự và đọc diễn văn. Trong số hàng trăm khách được mời tham dự buổi lễ ấy có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện người Việt Nam, tù nhân chính trị Trung Quốc Harry Wu, nhà báo chống cộng người Litva Nijolė Sadūnaitė và những người khác là những nhân chứng sống cho thứ chủ nghĩa sắt máu này.

Được biết, trong các lãnh tụ Cộng Sản, thì Mao là kẻ sắt máu nhất lịch sử nhân loại. Trong suốt giai đoạn cầm quyền ông này đã giết khoảng 65 triệu người, Lenin và Stalin giết khoảng 20 triệu người, Kim Il Sung và Pol Pot mỗi người giết khoảng 2 triệu người, và Hồ Chí Minh giết khoảng 1 triệu người. Còn lại là những lãnh đạo CS khác. Ở những nước từng bị CS cai trị, giờ nhân dân xem những lãnh tụ ấy đều là tội đồ. Điều đó cho thấy, ẩn đằng sau những lời tuyên giáo đẹp đẽ của bộ máy tuyên truyền CS là một trời tội ác đáng tởm của những lãnh tụ Cộng Sản và những chính sách hà khắc của các ĐCS với chính người dân của họ.

Bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính quyền CS dễ dàng biến những con ác quỷ thành thánh nhân, biến tội ác thành những hành động nhân đạo, biến thứ chủ nghĩa sắt thành chủ nghĩa ưu việt, biến một mô hình kinh tế kém cỏi nhất lịch sử nhân loại cũng được tuyên giáo tô vẽ rằng “nó ưu việt hơn kinh tế tư bản chủ nghĩa”. Bất kỳ một dân tộc nào dù có thông minh đến đâu, thì tuyên giáo CS nhúng tay vào thì chắc chắn thành một dân tộc mê muội. Hàn Quốc và Triều Tiên cho ta thấy toàn cảnh bức tranh đó, một bên văn minh một bên man rợ. Nơi man rợ ấy có một bộ máy tuyên giáo khổng lồ.

Trong 4 quốc gia cộng sản còn tồn tại cho đến ngày nay, thì có 2 nước đang mở cửa làm ăn với thế giới tự do, đó là Tàu Cộng và Việt Nam. Tuy nhiên quan chức chính quyền của 2 quốc gia này khi tiếp xúc với giới chính trị gia các nước văn minh, họ cũng không thể nào gột rửa sạch chất mọi rợ vốn có của họ. Và người dân 2 nước này cũng vậy, đi du lịch sang xứ văn minh cũng không thể hiện được sự văn minh cần thiết. Có tiền đi du kịch mà vẫn ý thức kém, vẫn trộm cắp tràn lan. Còn nhớ cách đây mấy năm, mạng xã hội rùm beng chuyện một nữ quan chức VTV sang Thụy Điển và Anh Quốc ăn cắp. Rồi biết bao nhiêu quan chức ngoại giao CS dính vào tai biếng buôn ngà voi, vây cá mập vv… Chính vì vậy nên có thể nói, quốc gia nào có ban tuyên giáo đều không thể hòa nhập với thế giới văn minh được.

Nói tóm lại, ở đâu có tuyên giáo ở đó có ngu dân. Ở đâu có tuyên giáo thì nơi đó luôn kém văn minh./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/The_Black_Book_of_Communism

https://en.wikipedia.org/wiki/Victims_of_Communism_Memorial

https://www.worldatlas.com/articles/the-deadliest-dictator-regimes-in-history.html

Sự hãnh tiến và tự mãn quá mức của chính quyền Việt Nam trước nCovid

Covid-19 Resource Page – Karate BC

Nguy hiểm nhất của đời người, nhóm người, tổ chức, quốc gia… không phải là sự thất bại mà là sự hãnh tiến, tự mãn. Điều đó đã ứng với Việt Nam, nhìn trên góc độ nào cũng thấy Việt Nam đã quá hãnh tiến, quá tự mãn trong đợt chống dịch đầu năm, để đến bây giờ, mọi sự đã quá muộn màng. Nói mọi sự quá muộn màng liệu có quá bi quan không? Không! Đây là một sự thật mà chắc chắc trong thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt!

Bởi trong đợt chống dịch vào tháng Tư, Việt Nam kịp thời khóa các cửa khẩu với Trung Quốc, các chuyến hàng giao dịch giữa hai nước được cách ly rất tốt, chuyến xe lửa Việt Nam – Trung Quốc được tổ chức cách ly sau khi về nước, khử trùng đầy đủ và đặc biệt các đường biên giới được canh giữ kĩ càng, dường như không có người Việt sang Trung Quốc và ngược lại. Sở dĩ có chuyện này bởi hầu hết người dân đều rất sợ, phải nói là rất sợ dịch bệnh, bởi dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu hoàn cảnh đất nước, nhân tình thế thái, ví dụ như Mỹ, hay cả Trung Quốc có bị dịch chết tràn lan cả năm trời thì mức độ khủng hoảng cũng không bằng việc nó xảy ra tại Việt Nam chừng vài tháng. Chính vì lẽ này mà người người, nhà nhà ý thức tự cách ly, tự tránh dịch.

Thế rồi thời gian chống chọi với dịch cũng qua, không có cái chết nào do dịch (hoặc có mà không được loan báo cũng không chừng!). Sau sự vụ chống dịch, hầu hết các đảng viên Cộng sản đều tự hào ra mặt, đều dương dương vỗ ngực về thiên đường xã hội chủ nghĩa của họ. Và không dừng ở đó, ngay cả báo chí nhà nước và báo chí phi nhà nước cũng có những nhận định hết sức ầu ơ. Nếu báo chí nhà nước tha hồ ca ngợi, tung hê thành quả chống dịch thì báo chí phi nhà nước lại đặt câu hỏi tại sao người Việt Nam có thể kháng được dịch? Hay là do người Việt Nam quen ở bẩn? Cả hai khuynh hướng viết tuy trái chiều nhưng lại có chung hệ quả: Gieo rắc vào tâm lý người Việt tính chủ quan, không sợ dịch, nghĩ rằng dịch chỉ có ở nước khác, nó sợ Việt Nam. Về phía chính phủ, từ các Phó Thủ tướng cho đến Thủ tướng đều không ngớt tự đắc, ông Vũ Đức Đam tuyên bố “Dịch hoành hành ở đâu không biết, nhưng sang Việt Nam thì nó phải bị dập chết!”, ông Thủ tướng còn gân cổ hơn: “Nếu cây cột điện Mỹ có chân thì nó cũng chạy vào Việt Nam!”.

Tất cả các cơ ngôn luận từ truyền thông mậu dịch cho đến phi mậu dịch, từ ngành y tế cho đến chính phủ đều tỏ ra hãnh tiến, thậm chí tự mãn, tạo ra bầu không khí tự đắc từ Nam chí Bắc. Và, không dừng ở lời nói, Thủ tướng chỉ đạo phải tiến hành phục vụ du lịch trở lại, kêu gọi du lịch trong nước, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành hoạt động chống lỗ… Nói chung là “cứu du lịch”. Mọi chuyện kiếm tiền từ du lịch nghe cứ như cháy rừng bên cạnh, lũ quét sắp kéo qua. Kết quả là ngành du lịch đua nhau kéo khách, các hãng lữ hành chạy đường dây đen, kéo hàng ngàn người Trung Quốc sang Việt Nam. Đương nhiên là ngành biên phòng không khỏi nhúng tay vào, vấn đề là kẻ nào nhúng tay, cho đến giờ này vẫn chưa ai biết. Nhưng chí ít nó gợi lại chuyện bán biển thời sau 1975, hầu hết dân đi biển mua biển từ biên phòng để đi vượt biên, nếu không bị lộ thì họ thả cho đi luôn, nếu có dấu hiệu cấp trên phát hiện thì họ bắn chìm tàu hoặc bắt ngược trở lại giao cho công an, sau đó mở tòa, kết án… Bài này rất quen!

Khi mọi thứ đều trở nên lỏng kẻo vì chủ quan, lãnh đạo thì dương dương vỗ ngực khoe thành tích, thậm chí mạo phạm cả một siêu cường như Mỹ, người dân thì lao vào kiếm tiền, bất chấp, ngành y tế thì lúc nào cũng hất mặt lên trời trước thiên hạ (sau đợt chống dịch đầu tiên, chính phủ tuyên bố thành công thì hầu hết cán bộ y tá đều tỏ ra hách dịch, xem mình là tinh hoa của quốc gia, cách hành xử của họ với bệnh nhân khác trước đó rất nhiều, coi thường, kiêu ngạo trước bệnh nhân và người nhà của họ, chuyện này diễn ra khắp mọi nơi. Và hình như người dân cũng tỏ ra kiêng dè, nễ sợ y bác sĩ hơn trước…), ngay cả ngành giáo dục cũng vỗ ngực xưng hô thành tích chống dịch… Nhìn chung là không khí tự sướng diễn ra khắp mọi thành phần, mọi ngành nghề. Và trong lúc người ta say sưa, mãi mê tự sướng thì có ít nhất hàng trăm người thu lợi bất chính, bất chấp để đưa hàng chục ngàn người Trung Quốc vào Việt Nam. Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Đợt dịch thứ hai bùng phát ngay trung tâm du lịch bậc nhất Việt Nam – thành phố Đà Nẵng, thành phố mệnh danh “đáng sống” nhất Việt Nam!

Và, sau một thời gian dài “không có dịch” tại Việt Nam (có thể con số 189 ngày không có người chết vì dịch này cũng là con số ngộ nhận?!), Việt Nam chính thức khủng hoảng vì dịch, các ca dịch liên tiếp xuất hiện, F0 vẫn là một ẩn số, nhiều người Trung Quốc bị bắt nhưng vẫn chưa cho thấy đó là con số đầy đủ. Các F1 di chuyển khắp mọi miền đất nước và mức độ lây lan, mức độ lo lắng gần như có khắp mọi ngõ ngách. Nếu như ở đợt chống dịch đầu tiên, người ta chỉ khủng hoảng và lo lắng với những ca nhiễm có nguồn gốc, địa chỉ thì ở đợt chống dịch này, người ta chỉ nhìn thấy những ca được phát giác và chỉ nhìn thấy những ca F1, riêng thành phần F0 vẫn trong vòng bí mật, chẳng biết đâu mà lần!

Và hơn bao giờ hết, Việt Nam lúc này đứng trước nguy cơ vỡ trận nếu như ngành an ninh không tìm ra được nguồn F0. Hơn nữa, sau một đợt chống dịch hết sức cam go từ tháng Giêng đến tháng Tư, dường như mọi nhóm ngành nghề đều trong trạng thái mỏi mệt, chưa thể phục hồi, bây giờ nhận thêm một đợt chống dịch tiếp theo, đương nhiên khả năng cầm cự không cao như ban đầu mặc dù kinh nghiệm có khá hơn trước. Và mức độ rủi ro thì quá cao bởi nguồn lây lan chưa tìm ra, bởi lương thực bắt đầu cạn, bởi nguồn tài chính quốc gia suy kiệt, bởi chủ nợ Trung Quốc bắt đầu đòi mạnh tay (các hành vi xấm lấn trên biển Đông của họ lúc này không chỉ đơn thuần thể hiện óc bành trướng của Trung Quốc mà nó cho thấy họ biết bành trường mạnh tay lúc nào, khi con nợ bắt đầu đuối sức thì chủ cho vay nặng lãi mới xiết nhà. Trung Quốc lâu nay vẫn là chủ cho vay nặng lãi của Việt Nam, và Trường Sa, Hoàng Sa lâu nay vẫn là món gá nợ của Việt Nam. Hành vi im lặng của Việt Nam trước Trung Quốc không phải vô duyên vô cớ mà là sự lép vế mang tính nợ nần…), cơ sở điều trị dã chiến và trang thiết bị y tế có thể thiếu hụt nếu dịch bùng phát mạnh… Mọi thứ đều ẩn chứa nguy cơ rủi ro rất cao.

Đó là chưa muốn nói đến một vấn đề khác, mùa thiên tai lũ lụt cũng cận kề, nếu không giải quyết rốt ráo dịch bệnh trước mùa mưa thì nguy cơ đói kém của năm sau là hiện rõ trước mắt. Và, chỉ vì chủ quan, hãnh tiến và tự mãn quá đáng mà chúng ta đã trả giá quá đắt cho tương lai! Và, nếu chúng ta không dốc toàn lực để chống dịch, không dập dịch được trước mùa mưa thì hậu quả thật khó lường. Giả sử Việt Nam dập dịch rốt ráo trước mùa mưa thì cũng đừng tin mù quáng rằng cột điện Mỹ sẽ chạy sang Việt Nam. Vì cột điện Trung Quốc sát cạnh Việt Nam, nó đã chạy và sẽ còn chạy sang Việt Nam rất nhiều. Đừng mời bất kỳ cây cột điện nào vào Việt Nam nữa, cẩn thận và cẩn ngôn!

Nghĩ suy từ nghề đòi nợ thuê

08/04/2020 - 05:20 — nguyenngocgia

Facebooker Nguyễn Hoàng Vi chia sẻ trên trang cá nhân, vào ngày 02 tháng Tám năm 2020, đã xảy ra một vụ đòi nợ, với 2 thanh niên xăm trổ đang túm lấy 1 người đàn ông trung niên và cho cô biết, người đàn ông là kẻ lừa đảo mà hôm đó, 2 thanh niên kia mới bắt được, sau nhiều ngày tìm kiếm.
 
Cô Nguyễn Hoàng Vi khuyên 2 thanh niên, nếu quả thật người đàn ông là tên lừa đảo hãy gọi công an giải quyết, không nên manh động. Người đàn ông nghe vậy, bèn van vỉ cô Vi làm ơn gọi công an giúp giùm.
 
Cuối cùng, công an tới hiện trường...
 
Câu chuyện chấm dứt tại đó.
 
Nghề đòi nợ thuê được nhìn nhận chính thức, sau khi Luật Đầu Tư được ban hành và có hiệu lực từ 01 tháng Bảy năm 2015. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa trước đó, nghề này không hoạt động.
 
Báo Tiền Phong ra ngày 01 tháng Tám năm 2013 với tựa [1] "Kinh hoàng những vụ đòi nợ bằng mìn và súng giữa Hà Nội", cho biết từ năm 2012, việc đòi nợ thuê dẫn đến án mạng bằng súng và mìn cho cả phía thiếu nợ và đòi nợ.
 
Báo Vietnamnet ra ngày 01 tháng Mười năm 2012 đưa tin [2] một nhóm 4 người đòi nợ thuê lãnh án tại Hà Nội, với mức án cao nhất là 42 tháng tù giam.
 
"Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TPHCM cũng hé lộ, nhiều vụ tấn công vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phát hiện đa phần các đối tượng có gốc từ miền Bắc, khi hoạt động tại TPHCM trong lĩnh vực tín dụng đen, đòi nợ thuê..." [3] như báo Tiền Phong đưa tin vào ngày 24 tháng Năm năm 2017.
 
Bài báo cho biết thêm: "... lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM đột kích bất ngờ vào cùng một lúc 10 căn hộ ở 2 chung cư trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8. Tại các căn hộ này, công an đã phát hiện, tạm giữ khoảng hai chục tay anh chị đều là dân có máu mặt, gốc Bắc, đầy tiền án, tiền sự. Tại các căn hộ, khi công an khám xét còn thu giữ rất nhiều sổ sách, giấy tờ, hồ sơ thể hiện chúng cho rất nhiều người ở các địa bàn quận, huyện vay tiền với lãi suất cắt cổ. Các đối tượng này nằm dưới sự chỉ đạo của hai trùm, là “nữ quái” Nga và đối tượng Lai đều đến từ Hà Nội...". Trong bài báo cũng nói, không thiếu những chủ nợ xuất thân từ Hải Phòng, Nghệ An.
 
Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM nói hôm 9 tháng Mười Hai năm 2019 trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX rằng [4]:  Tại Tp.HCM còn 51 nhóm, 178 người thực hiện việc cho vay nặng lãi, đòi nợ trái pháp luật. Trong khi đó, năm 2018 là 94 nhóm 393 người nhưng không xử lý hình sự được vụ nào. Riêng năm 2019, Công an Tp.HCM đã khởi tố 9 vụ, 31 người và xử lý 38 nhóm, 168 người khác, tuy nhiên, trung tướng Phong không nói rõ "xử lý" là như thế nào (!) .
 
Những hậu quả do nghề đòi nợ thuê mang lại rất kinh khủng cho xã hội.
 
Nghề đòi nợ thuê chính thức bị nhà nước CHXHCNVN cấm từ ngày 01 tháng Giêng năm 2021. Điều này không lấy gì bảo đảm chấm dứt những cảnh tượng bẩn thỉu, man rợ và kinh hoàng cho xã hội.
 
Giới luật sư cho biết [5], chỉ riêng nghề đòi nợ thuê bị cấm, còn các nội dung liên quan đến nợ nần rất khó xác định ranh giới. Vì thế, theo giới này, các chủ nợ có thể kiện ra tòa để đòi được nợ hoặc giả ủy quyền cho các hãng luật hay thực hiện mua bán nợ các loại.
 
Thực tế của những vụ đòi nợ thuê gây hoảng loạn cho xã hội, lại hầu hết đều từ những món nợ cá nhân.
 
Chưa có thống kê chính thức và khách quan nào cho thấy, hoàn cảnh thật của những người cần các món tiền lớn nhỏ nào đó, để cho mục đích gì, ngoài những lời than vãn do chính người thiếu nợ trình bày.
 
Suy tư
 
Thông thường, trong mắt người dân Việt Nam, các con nợ là những người túng quẫn tội nghiệp, thất cơ lỡ vận và luôn ở phía "thiện". Ngược lại, các chủ nợ và người đòi nợ thuê ở phía "ác". Thiện - Ác hình như được nhìn nhận khá dễ dãi?!
 
Tất nhiên, tuyệt đại đa số người ta luôn đứng về phía "thiện" bằng đạo đức phổ quát và đôi khi những tác động từ hoàn cảnh xã hội ngày xưa, dễ thấy qua các hình ảnh kẻ mắc nợ như trong: Tắt Đèn, Lá Sầu Riêng v.v... được truyền bá như là những tác phẩm kinh điển phản ánh hiện thực xã hội. Dù sao, chị Dậu hay cô Diệu là của... 100 trăm về trước. Ngày nay, đỏ mắt đi tìm không dễ gì thấy được.
 
Vẻ ngoài hiền lương và yếu đuối dễ làm con người rung động và xét đoán theo cảm tính. Những yếu tố đó thật dễ dàng làm người ta tin tưởng. Thế nên mới có "bọn lừa đảo". Và "bọn lừa đảo" vẫn phây phây sống bằng vẻ bề ngoài thiện lành và đạo mạo!
 
Hoàn cảnh xã hội hiện tại đã quá khác. Giá trị đạo đức gần như đảo lộn. Nhân cách dần cùi mòn...
 
Trong khi các nhà: giáo dục,  xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học cùng giới văn nghệ sĩ, có lẽ họ đã bỏ quên thực tại trong hành trình tiến lên... CNXH, dù không ai biết đến cuối thế kỷ này đã tìm được chiếc "Lá Diêu Bông" đầy phù du và đủ phù phiếm!
 
Cũng không cơ quan nhà nước nào tìm hiểu "tại sao" và "làm thế nào" mà các chủ nợ hầu hết là người gốc Bắc như phía công an tuyên bố chính thức?! Làm thế nào mà họ có nhiều tiền để cho vay như vậy? Tại sao họ không tuyển chọn giang hồ "sở tại" mà phải đưa người từ ngoài Bắc vào?
 
Về phía con nợ, có bao giờ người ta thắc mắc "tại sao" những con nợ biết rõ và chấp nhận lãi suất cắt cổ mà lại trốn nợ? Khi trốn nợ như vậy, các con nợ có nghĩ đến những hậu quả và hệ lụy kéo theo khủng khiếp cho người thân mình không?
 
Trong khi đó, một người đàn ông ở Long An vì nợ tiền đá gà [6] qua mạng gần 10 tỷ đồng và liên tục bị đòi nợ bằng mạng sống và cả gia đình bị khủng bố .Quá sợ hãi, người đàn ông đã uống thuốc tự tử, do báo Công An Tp.HCM đưa tin hôm 01 tháng Sáu năm 2020 và tờ báo này gọi những người đòi nợ là "nhóm côn đồ".
 
Cùng nội dung nợ và đòi nợ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu FE CREDIT chấn chỉnh việc cho vay và đòi (dưới mỹ từ "cấp tín dụng"). Người dân biết FE CREDIT thuộc VP Bank [7]
 
Nếu bạn đọc có đủ thời gian và hứng thú chỉ cần gõ trạng ngữ "tự tử vì mắc nợ" sẽ thấy hơn 16 triệu kết quả từ Google để "diện kiến" thêm nhiều cái chết quanh việc mượn nợ mà trong đó không thiếu những hoàn cảnh" nợ để đánh đề, cá độ đá banh, đánh số đề, bài bạc và có cả cảnh tượng cả hai vợ chống cùng treo cổ tự tử, để lại món nợ trong hoài nghi được gán cho,  tại vì bán hàng đa cấp là... thủ phạm, thay vì lòng tham (!).
 
Không thấy tin tức nào đứng về phía chủ nợ theo cách khách quan.
 
Kết
 
Ông bà Việt Nam có câu "oan có đầu, nợ có chủ" cả nghĩa bóng và nghĩa đen  để răn dạy khi xảy ra vấn đề oan khuất, nợ nần, cần phải xét nguyên nhân cặn kẽ, hơn là vội vã nhìn nhận hậu quả theo cảm tính. Đó cũng là cách nhìn khoa học, theo cặp phạm trù Triết Học "Nguyên nhân - Kết quả".
 
Đài RFA cho hay [8] Nhà nước CHXHCNVN đã hoàn tất món nợ 145 triệu USD  vào ngày 31 tháng Mười Hai năm 2019. Món nợ này do Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ trước 1975 phục vụ quốc kế dân sinh, không có khoản vay nào phục vụ cho chiến tranh. Món nợ này được phía nhà nước CHXNCNVN gọi là "món nợ ô nhục" và không chịu trả, nên gây ra sự trì trệ một quãng thời gian dài, trước khi bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ được nối lại chính thức.
 
"Ăn cho buôn so" - một tục ngữ của dân tộc Việt Nam, có lẽ nên nhắc lại cho tất cả con nợ, dù là cá nhân hay pháp nhân, rằng: Đừng viện cớ hoàn cảnh bi đát, túng quẫn để quỵt nợ, trong khi trước đó đã chấp nhận cuộc chơi "có vay có trả".
______________
 
Nguyễn Ngọc Già
 
 
 
 
 
 
 
 

Chính phủ quyết tâm chống dịch COVID-19, nhưng chưa thấy lo “chống đói”

Theo RFA-Cao Nguyên-2020-08-04 

Hình minh hoạ. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Đà Nẵng hôm 3/8/2020

Hình minh hoạ. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Đà Nẵng hôm 3/8/2020-Reuters

Ca bệnh thứ 416 được phát hiện tại Đà Nẵng vào ngày 25/7 vừa qua, đánh dấu làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai của Việt Nam, sau gần 100 ngày không phát hiện ca bệnh nào trong cộng đồng.

Ngày 27/7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các ca nhiễm vừa xuất hiện là chủng mới, chủng xâm nhập từ bên ngoài, tốc độ lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam. Ông Long cho rằng, đợt dịch lần này sẽ diễn biến phức tạp, có thể lan ra khắp cả nước.

Quyết liệt chống dịch, chưa thấy biện pháp “chống đói”

Từ ngày 30/7, Chính phủ ra lệnh giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Đà Nẵng trong vòng 15 ngày. Các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam và k Đă Lăk cũng phải thực hiện giãn cách xã hội một số địa điểm vì có người nhiễm bệnh.

Những thành phố lớn có nguy cơ lây nhiễm cao như Hà Nội hay TP.HCM tuy chưa áp dụng giãn cách nhưng đã có lệnh cấm tụ cập trên 30 người, dừng hoạt động các quán bar, karaoke…

Hình minh hoạ. Một người lính phun thuốc khử trùng từ xe của quân đội trên đường phố Đà Nẵng hôm 3/8/2020
Hình minh hoạ. Một người lính phun thuốc khử trùng từ xe của quân đội trên đường phố Đà Nẵng hôm 3/8/2020 Reuters

Các chỉ thị này được công bố một cách nhanh chóng, quyết liệt, như là một trong những biện pháp chống dịch của Chính phủ.

Tuy nhiên, Trong đợt dịch tái bùng phát này, Chính phủ lại chưa đưa ra bất kỳ một giải pháp nào hỗ trợ cho cuộc sống người dân trong lúc cách ly xã hội, nhiều người không được đi làm. Nhất là trong bối cảnh đợt dịch lần trước vừa ngớt, người dân vừa bắt đầu ổn định lại công việc thì lại nối tiếp đợt dịch thứ 2.

Ông Nguyễn Văn Thi, là một hưu trí, sinh sống bằng dịch vụ cho thuê homestay tại thành phố Đà Nẵng, nói rằng ông bị hụt khoảng 2/3 doanh thu so với lúc chưa dịch, vì thành phố không còn khách du lịch:

“Ở Đà Nẵng lúc dịch COVID này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề kinh tế xã hội. Đa số người ta sống nhờ vào du lịch, mà các dịch vụ du lịch bây giờ không còn, cũng vắng lắm, buồn tẻ lắm.

Tôi có mấy cơ sở cho thuê lưu trú, nhà trọ. Bây giờ, họ đã về nước, một số thì không có việc làm họ không thuê nữa, thì nó giảm đi hết 2/3. Về kinh tế thì thiệt hại lớn, nguồn thu của gia đình mình từ đó cũng không còn nữa.”

Ông Bảy, một người bán vé số ở Quảng Nam cho hay những ngày nghỉ dịch như thế này thì ông mất thu nhập khoảng 60-70 ngàn đồng/ngày.

Lần nghỉ dịch trước, Nhà nước còn hỗ trợ hộ nghèo được 1 triệu 500 ngàn đồng, nhưng lần này thì chưa thấy gì. Ngay cả những người phát gạo, thực phẩm từ thiện, lần này cũng ít hẳn:

“Nhà nước cho được 1 triệu rưỡi mùa dịch đợt trước. Lần trước thì có người giúp nhưng lần sau này thì không có, chưa ai giúp.”

Hầu hết mọi thông tin bây giờ là về dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh COVID này, cũng như là truy tìm F0 và điều trị thôi. Còn bây giờ để hỗ trợ thì chưa. - Người dân

Ông K., một người dân Sài Gòn cho biết hiện giờ, ngoài gói hỗ trợ 62.000 tỷ vẫn chưa giải quyết xong, Chính phủ chưa có một chính sách nào khác nhằm hỗ trợ cho người dân vào thời điểm dịch bùng phát trở lại. Theo ông K., có thể trong lúc này Chính phủ phải dồn lực để “dập dịch” trước:

“Hầu hết mọi thông tin bây giờ là về dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh COVID này, cũng như là truy tìm F0 và điều trị thôi. Còn bây giờ để hỗ trợ thì chưa. Vì thực tế mình thấy rằng cơ quan Nhà nước cũng không có đủ khả năng để làm quá nhiều việc trong thời điểm hiện tại.”

Chiều ngày 3/8, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2020 rằng quan điểm của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là “Tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, không ngăn sông cấm chợ để các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường.”

Gói 62.000 tỷ từ tháng Tư vẫn chưa giải ngân xong

Nói về gói hỗ trợ 62.000 tỷ, ông Nguyễn Văn Thi cho biết chưa có bất kỳ một ai thuộc diện lao động hay doanh nghiệp mà ông biết, nhận được tiền từ gói hỗ trợ này:

“Không có, họ chỉ nói trên TV vậy thôi. Thằng con tôi cũng có một cái shop bán đồ da thủ công để bán cho khách du lịch. Nhưng mà bây giờ khách du lịch họ không đi nữa, mà mặt bằng cho thuê thì lại đắt quá. Nó viết đơn xin hỗ trợ gửi lên nhưng cuối cùng cũng đâu thấy gì đâu, người ta chỉ nói vậy thôi chứ không có.”

Vào tháng Tư, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành với mục đích hỗ trợ khó khăn cho người dân trong đại dịch COVID-19. Đây được coi là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.

Đối tượng được thụ hưởng là các hộ nghèo, gia đình các diện chính sách xã hội, người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch.

Đến cuối tháng Sáu, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ thông báo chỉ mới có 4 nhóm đối tượng nhận được tiền một lần là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Còn những người lao động tự do, doanh nghiệp và lao động bị cắt hợp đồng do dịch vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

Cần Chính phủ hỗ trợ để đảm bảo đời sống cơ bản

Theo ông Thi, có 2 việc mà người dân cần Chính phủ làm ngay lúc này. Thứ nhất là xét nghiệm nhanh và nhiều nhất có thể. Thứ 2 là giải ngân cho xong gói 62.000 tỷ cho người dân sinh sống qua đợt dịch này:

“Bây giờ, việc cần hỗ trợ tức thì tốt nhất đó là phải xét nghiệm kiểm tra sức khỏe toàn dân Đà Nẵng. Xét nghiệm để biết người nào bệnh và không bệnh.

Người dân cũng yêu cầu có những hỗ trợ, trước mắt là gói 62.000 tỷ, phải hỗ trợ để cho họ sinh sống, chứ cứ nói mà không làm thì bây giờ họ cũng chán rồi. Người ta cũng không tha thiết gì nữa hết, coi như thiên tai, bệnh tật thì chấp nhận thôi. Họ không đòi hỏi gì thêm. Có đòi hỏi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.”

Ông K. nhận định, thực ra đa số người dân cũng hiểu rằng dịch bệnh là tình hình chung, cả thế giới đều khó khăn nên không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần được hỗ trợ cơ bản để họ sống qua những ngày không thể đi làm là đủ:

“Bây giờ, họ cũng hiểu rằng đây là bệnh ở toàn Thế giới, chứ không riêng của Việt Nam. Cho nên, khi bệnh xảy ra thì họ cũng cam chịu chấp nhận thôi. Tuy nhiên, trong thời điểm bị mất việc này, họ cũng mong rằng Chính phủ, Nhà nước sẽ quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết trong lúc thất nghiệp.

Đặc biệt là những lao động kiếm ăn từng ngày. Bây giờ công việc của họ bị ảnh hưởng hoặc bị mất việc thì họ cần ăn cái ăn và trang trải hàng ngày. Cho nên Chính phủ và Nhà nước cũng nên sớm giúp đỡ cho họ, chứ họ không có yêu cầu gì lớn lao cả. Hỗ trợ cái ăn, cái mặc đảm bảo cuộc sống hàng ngày thôi.”

Đảng viên cộng sản hiện nay và trước kia!

Diễm Thi, RFA-2020-08-03 

Lực lượng cảnh sát đặc biệt đứng gác bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng 1 năm 2016.

Lực lượng cảnh sát đặc biệt đứng gác bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng 1 năm 2016.AFP

Chưa qua thử thách

Đảng bộ trường THPT Hoàng Diệu, tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho 11 học sinh lớp 12 của trường. Một nam sinh lớp 12 trường THPT số 1, tỉnh Lào Cai được Thường trực Thành ủy Lào Cai phê chuẩn kết nạp đảng vào tháng 6 năm 2020. Một nữ sinh lớp 12, trường THPT Thủ Đức, TP.HCM được chính thức được kết nạp đảng vào sáng 27 tháng 7 năm 2020.

Theo qui định tại Khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam điều kiện trở thành đảng viên phải là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào đảng.

Với việc kết nạp một loạt học sinh lớp 12 vào đảng, GS. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói với RFA:

“Từ trước họ vẫn cho kết nạp học sinh chứ không phải không có. Nhưng bây giờ thì tôi cho rằng họ đang mua chuộc cái đám trẻ này vì đám trẻ hiện nay cũng đang cả nghĩ. Nó thấy trước mắt nếu vào đảng nó sẽ có những lợi quyền chính trị.

Thật ra thì cái đám này nó sẽ rất cơ hội. Nếu có cái chuyển biến gì thì nó ngả cờ nó theo thôi. Tôi nghĩ chúng nó chả có lý tưởng gì đâu. Đến lúc nào đó có một sự kiện đánh động được cái tâm thế của xã hội thì họ sẽ quay lại họ theo. Họ sẽ từ bỏ cái đảng ‘xôi thịt’ này. Đó là cái hy vọng!”

Nhưng bây giờ thì tôi cho rằng họ đang mua chuộc cái đám trẻ này vì đám trẻ hiện nay cũng đang cả nghĩ. Nó thấy trước mắt nếu vào đảng nó sẽ có những lợi quyền chính trị. - GS. Nguyễn Khắc Mai

Về trình độ học vấn, người được xét kết nạp vào đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Như vậy, việc kết nạp những học sinh chưa hết lớp 12 không có gì đáng nói, có chăng là chất lượng của những đảng viên quá trẻ này như thế nào mà thôi.

Theo chia sẻ của GS. Nguyễn Đình Cống qua email với RFA tối ngày 3 tháng 8, thì trong số bạn bè quen biết của ông có một số được kết nạp đảng từ lúc còn học phổ thông. Ông thấy các bạn ấy cũng phát huy được tác dụng. Ông kết luận, nếu trong học sinh mà có một vài bạn có năng khiếu hoạt động chính trị, cơ sở đảng thấy cần kết nạp để tạo nguồn thì có thể vận động họ vào. Đó là trường hợp cá biệt. Còn nếu có phong trào hoặc chủ trương lôi kéo học sinh vào đảng thì không nên. Đa số học sinh chưa có đủ bản lĩnh.

Đồng quan điểm với GS. Nguyễn Đình Cống, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, ngoài bản lĩnh để quyết định có vào đảng hay không, các đảng viên tương lai còn phải trải qua nhiều thử thách. Môi trường học đường không là môi trường phù hợp. Ông nói:

Tôi cho rằng cái gọi là tư duy chung, nếu đúng lý tưởng của đảng đặt ra thì chắc chắn nó phải có đủ thử thách. Đặc biệt là thử thách tập trung vào mục tiêu chung của cả dân tộc. Lấy mục tiêu chung làm trọng thì mới nên kết nạp vào đảng.

Trong môi trường học sinh thì chưa đủ thử thách, chưa đủ điều kiện để thể hiện bản chất của một con người. Về mặt lý thuyết, để lựa chọn những con người tiên tiến vào đảng thì chắc chắn là môi trường thử thách nó phải phức tạp hơn. Nó cần phải có môi trường khốc liệt thì thử thách để đánh giá con người mới chắc chắn.”

Chất lượng đảng viên

Những năm vừa qua, nhiều đảng viên cộng sản rời bỏ đảng với lý do được họ nêu ra là đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước, như lời nhà văn Nguyên Ngọc từng nói với RFA vào tháng 10 năm 2018. Cùng thời điểm đó, PGS-TS Mạc Văn Trang cũng tuyên bố ra khỏi đảng bởi ông nhận thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập, tự do, người dân hạnh phúc. Thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó.

Trước đó, nhà báo Phạm Chí Dũng, cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP.HCM viết đơn xin ra khỏi đảng vào năm 2013. Bác sĩ, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long tuyên bố ra khỏi đảng vào tháng 8 năm 2014.

Một đại biểu cầm phiếu bầu các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng.
Một đại biểu cầm phiếu bầu các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng. AFP

Nói về chất lượng và lý tưởng đảng viên ngày nay, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng nó khác thời kỳ đầu rất nhiều. Ông giải thích:

“Trong thời gian Việt Nam phải giải phóng khỏi chế độ thực dân trong hoàn cảnh rất khó khăn, một sống một chết, thì chắc chắn là chất lượng đảng viên rất tốt. Họ là những người giác ngộ được nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nước ngoài. Trong hoàn cảnh sinh tử đó thì tôi cho rằng cái tình đồng chí gắn kết con người cùng một mục tiêu rất là mạch lạc.

Thế nhưng đến khi chuyển sang thời kỳ hòa bình, tức là thời kỳ xây dựng đất nước thì lúc đó chắc chắn cái lợi ích nó sẽ làm hỏng con người. Trong đó có sự cân đối giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, nó làm hỏng phần đạo đức. Từ đấy nó có cái sự phân hóa về mặt nhận thức, về mặt tiếp cận công việc chung, về mặt xác định hành động.”

Ông Đặng Hùng Võ nói thêm rằng, phong trào chỉnh đốn đảng hiện nay vẫn đang tiếp tục ở Việt Nam. Hy vọng là phong trào này có thể làm cho tư duy của mỗi một người trong đảng sẽ ‘ngay ngắn’ hơn, sẽ đúng hơn và đồng nhất hơn. Hiện nay trong những môi trường khác nhau thì tư duy của lãnh đạo đảng cơ sở, từng chi bộ một có những nhận thức khác nhau.

Ngoài hiện tượng nhiều đảng viên bỏ đảng, một số đảng viên đảng cộng sản vướng vòng lao lý như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trương Minh Tuấn…

GS. Nguyễn Khắc Mai nêu sự khác biệt giữa những người vào đảng thời kỳ đầu với những người vào đảng sau này:

“Bây giờ không có đảng viên như ngày xưa đâu. Khác nhau rất nhiều. bậy giờ thì cái chính là để kiếm một chỗ đứng trong chính quyền hay là trong các bộ máy chính quyền thì phải vào đảng mới được thăng tiến. Bây giờ cái mục tiêu và lợi ích vào đảng khác trước rất xa. Bây giờ là vì những lợi ích rất cụ thể, thiết thực. Lý tưởng như ngày xưa thì chả có đâu. Hiếm lắm.

Việt Nam thời nay nó đang quay trở lại thời kỳ phong kiến. Nó siêu phong kiến nhờ có những phương tiện khoa học kỹ thuật mới nên nó làm rất mạnh. Do đó nói tuổi trẻ hiện nay gia nhập đảng vì lý tưởng thì đó chỉ là ảo tưởng thôi.”

Trao đối với RFA về chất lượng đảng viên hiện nay, GS. Nguyễn Đình Cống tạm phân đảng viên thành bốn hạng: Một là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Hai là đảng viên trí thức. Ba là đảng viên bình thường. Bốn là đảng viên đã nghỉ hưu. Ông tiếp:

Có một số rất ít, tuy tuổi cao nhưng còn giữ được tính tích cực, gương mẫu, còn phần lớn thuộc loại vô tích sự. Không ít người đã sức cùng lực kiệt, cố giữ sinh hoạt đảng để khi chết, trong điếu văn được kể có nhiều năm tuổi đảng. - GS. Nguyễn Đình Cống

“Tôi có biết ít nhiều hạng một và hạng hai. Đáng lẽ họ phải là những tinh hoa, có phẩm chất cao, nhưng thực tế thì danh thực bất tương đồng. Các trí thức của đảng mà tiêu biểu là những thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương, ở Tạp chí cộng sản, ở Ban Tuyên huấn, phần lớn là hữu danh vô thực. Một số không ít là những phần tử cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực, thiếu dũng cảm nhưng lắm mưu mô, nhiều thủ đoạn.

Hạng ba tôi ít được tiếp xúc nên không tiện nêu nhận xét. Tôi biết nhiều và khá rõ hạng bốn. Có một số rất ít, tuy tuổi cao nhưng còn giữ được tính tích cực, gương mẫu, còn phần lớn thuộc loại vô tích sự. Không ít người đã sức cùng lực kiệt, cố giữ sinh hoạt đảng để khi chết, trong điếu văn được kể có nhiều năm tuổi đảng.”

Ông kết luận rằng, đảng cố phát triển để có số đảng viên thật đông, nhưng chất lượng quá kém. Đây là một sai lầm về chủ trương của đảng cầm quyền.

Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức, xây dựng đảng khai mạc tại Hà Nội ngày 25 tháng 12 năm 2019, các tổ chức đảng trên cả nước đã kết nạp mới 143.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam lên 5,2 triệu.

Lâu nay, nhiều người trong nước thường có câu ‘ông/bà/người ấy đảng viên mà tốt’. Thực tế cho thấy đa số những đảng viên trong vị trí cầm quyền, có vai vế trong chính phủ các cấp không thực hiện đúng tôn chỉ ‘mỗi người vì mọi người’, ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân’.