Sunday, September 23, 2018

Tăng thuế xăng là cách móc túi dân ‘dễ nhất’

Vừa mới tăng giá bán lẻ xăng dầu, Quốc Hội CSVN cũng vừa ra nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu có thứ “đụng trần” từ đầu năm 2019. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù bị dư luận chống đối kịch liệt, chế độ Hà Nội nhất quyết tăng “thuế bảo vệ môi trường” trên xăng dầu” vì ngân sách “thu không đủ chi” phải móc túi dân thêm nữa.
Ngày 21 Tháng Chín, 2018, giá xăng bán lẻ tại Việt Nam loại xăng E5 RON 92 tăng 320 đồng mỗi lít; xăng RON 95 là 293 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 26 đồng đến 124 đồng mỗi lít, kg tùy loại, theo lệnh từ liên Bộ Công Thương-Tài Chính CSVN về điều hành kinh doanh xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tại Việt Nam đã tăng 4 lần.
Một ngày trước thông báo tăng giá bán lẻ xăng dầu của liên Bộ Công Thương-Tài Chính CSVN, Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN đã ra một nghị quyết làm người dân bất mãn. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên mức “đụng trần” 4,000 đồng/lít, từ mức 3,000 đồng/lít. Với dầu hỏa, mức thuế tăng lên 1,000 đồng/lít, từ mức 300 đồng/lít hiện nay. Thuế môi trường lên các mặt hàng dầu nhờn, mỡ, mazut cũng tăng lên 2,000 đồng/lít, từ mức 900 đồng/lít.
Như vậy, ngoài chuyện giá xăng bị tăng theo thị trường, nhà nước CSVN còn bắt người tiêu thụ cõng thêm những khoản thuế, phí bề ngoài được giải thích khác, nhưng bề trong, giới chuyên viên bóc mẽ nguyên nhân thật của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu.
Bình luận về vấn đề này, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế cấp cao của chế độ nay đã nghỉ hưu cho rằng dù không “hợp” lòng dân lắm nhưng thuế bảo vệ môi trường là khoản dễ thu, cứ nhập xăng về là thu được, “tiền tươi thóc thật” nên vẫn được ưa thích. “Chọn cách thu dễ nhất, đây là cấp cứu cho bội chi,” theo tờ Dân Trí tường thuật hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Chín, 2018.
Từ Tháng Hai vừa qua, chế độ Hà Nội đã rục rịch tăng “thuế bảo vệ môi trường” lên mức tối đa trên xăng dầu, nhiều chuyên gia kinh tế đã phản ứng và nêu ý kiến chống đối. Họ cũng đều đã nhìn thấy nhà cầm quyền thu không đủ bù chi với lỗ hổng quá lớn, chỉ còn cách móc túi dân thêm nữa.
Kế hoạch tăng thuế môi trường dự định tăng ngay trong năm nay, nhưng vì nhiều chống đối nên chế độ Hà Nội hoãn lại đến đầu năm tới. Cũng vì khiếm hụt ngân sách, hồi Tháng Tư vừa qua, Bộ Tài Chính của chế độ còn “đề xuất” đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng cũng chỉ vì ngân sách “thu không đủ bù chi.” Đây cũng là trò móc túi dân nghèo và dư luận cũng phản ứng rất giận dữ.
Khi đánh thuế bạo trên xăng dầu, lập túc ảnh hưởng đến mọi mặt sinh hoạt trong xã hội khi lạm phát tăng theo cấp kỳ.
“Tôi nghĩ đây là biện pháp không được người người dân ủng hộ nhiều. Tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng. Chưa kể, xăng tăng thì từ hạt gạo, quần áo tới con gà, con vịt đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân,” ông Lê Đăng Doanh được tờ Dân Trí dẫn lời.
Ông Doanh đặt câu hỏi tại sao không cắt giảm chi thường xuyên hiện đã chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, tiết giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả như đi nước ngoài, chi phí lễ tân, tiếp khách thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.
Hồi Tháng Sáu 2015, khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng than phiền rằng có khoảng 30% cán bộ công chức thuộc loại ăn bám, sáng cắp ô đi tối cắp về. Nay ông đã ngồi lên ghế thủ tướng được hơn hai năm, tình trạng ăn bám vẫn còn nguyên đó. Mới đây, thấy một số chuyên gia kinh tế đưa ra một vài dẫn chứng nói chín người dân phải nuôi một ông quan nhà nước, dù có làm việc hay không.
Hồi Tháng Hai 2018, tờ Dân Trí phỏng vấn ông Huỳnh Thế Du (tiến sĩ kinh tế của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại Việt Nam là do “việc chi ngân sách cao lại kém hiệu quả.” (TN)

Hàng chục nhà bị cắt điện vì ‘bình luận kêu ca trên facebook’

Các nạn nhân của công ty điện xã Cẩm Nhượng. (Hình: Người Đưa Tin)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục nhà đã bị nhà cung cấp cắt điện để trừng phạt tội đã kêu ca trên facebook rằng có “nhiều bất cập trong quá trình sử dụng điện” tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo tin của tờ Người Đưa Tin (báo của Hội Luật Gia Việt Nam) hôm Chủ Nhật, chỉ vì kêu ca giá tiền điện tăng bất thường liên tiếp ba tháng trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Thị Hoa ở xã nói trên bất ngờ nhận được thông báo cắt điện từ hợp tác xã kinh doanh tổng hợp điện Thành Tâm (HTX), tức là nơi cung cấp điện tại địa phương.
Bà Hoa kể trên tờ Người Đưa Tin cho biết, tiền điện của gia đình bà trong Tháng Sáu là 1.3 triệu đồng (khoảng $60), Tháng Bảy là 1.1 triệu đồng (khoảng $50) và Tháng Tám là hơn 1.3 triệu đồng. So với mức sử dụng điện của gia đình bà lâu nay thì “con số này tăng gần gấp đôi. Trước đây, trung bình mỗi tháng tiền điện gia đình bà chỉ từ khoảng 500-700 ngàn đồng (khoảng $22-$30).”
“Liên quan đến vấn đề bất cập trong việc sử dụng điện của HTX Thành Tâm, người dân chúng tôi đã phản ánh rất nhiều nhưng không được giải quyết. Chính vì vậy, khi tiền điện tăng vọt, bức xúc dồn nén nên tôi đã viết lên Facebook,” Người Đưa Tin dẫn lời bà Hoa. Hậu quả là bà bị cắt điện từ ngày 17 Tháng Chín đến ngày 23 Tháng Chín chỉ vì “bức xúc” giá điện tăng vọt mà không được giải thích.
Bản thông báo tháo gỡ đồng hồ vì những lời phàn nàn trên facebook. (hình: Người Đưa Tin)
Không những vậy, bà nói “Sau đó, họ đã cho người tự ý đến tháo đồng hồ khi chưa được sự đồng ý của gia đình tôi. Tôi cho rằng, đây là động thái ‘dằn mặt’ của HTX vì không phải là lần đầu họ hành xử như vậy. Mấy ngày nay, gia đình tôi không có điện để sử dụng, mọi sinh hoạt đều bị đình trệ.”
Ngoài gia đình bà Hoa, tờ Người Đưa Tin cũng kể trường hợp khác cũng bị cắt điện cũng vì kêu ca giá điện tăng không bình thường. Bị cắt điện sẽ ảnh hưởng đến mọi chuyện từ kinh doanh đến điện sinh hoạt trong nhà, phần lớn dân địa phương đành “ngậm bồ hòn làm ngọt.”
Cho đến nay, lịch cắt điện tại nhiều tỉnh thị, ngay cả Hà Nội, vẫn được đăng tải thường chuyên trên trang mạng BNEWS.VN, một trang thông tin kinh tế phụ bản của TTXVN với các danh sách địa chỉ rất dài. Dù vậy, ngày 3 Tháng Giêng, 2018, ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) khoe trên trang mạng của tập đoàn rằng “Dịch vụ khách hàng của EVN đã chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng.”
Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy những lời kêu ca về nạn cắt điện bất thường gây nhiều thiệt hại kinh tế. Ngày 3 Tháng Hai, 2018, người ta thấy tờ Dân Trí đưa tin “Cuộc sống của người dân và công việc làm ăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Phước Sơn (Quảng Nam) gặp rất nhiều khó khăn do mất điện. Có ngày điện mất cả chục lần, thiết bị điện, máy móc hư hỏng rất nhiều nhưng ngành điện địa phương chưa có phương án xử lý.” (TN)

Hơn trăm ngàn cử nhân đại học thất nghiệp, sai từ đâu?

RFA-2018-09-20  
Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014
Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014-AFP
Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội hôm 18 tháng 9 cho biết trong quý II năm nay, cả nước có số người thất nghiệp trình độ đại học là 126.900 người, chiếm 2,47%, có giảm 15.400 người so với quý I.
Mặc dù đây là một tín hiệu được bộ này đánh giá là đáng mừng, tuy nhiên số lao động trình độ đại học thất nghiệp đến nay vẫn được đánh giá là quá cao, ở mức báo động.
Ngoài hơn một trăm ngàn cử nhân thất nghiệp ra, còn có 70.800 người trình độ cao đẳng chưa có việc làm.
Chị Thu, một người đã tốt nghiệp đại học hơn 10 năm nay, nhưng do không xin được việc làm đúng ngành học, hiện nay đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội cho biết:
Trước tôi nghĩ rằng mình học đại học có tấm bằng sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Song khi tốt nghiệp thì mãi cũng chẳng tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng mà mình học. Chính vì thế mà tôi lựa chọn một nghề phổ thông khác phù hợp với khả năng của tôi.
Hiện nay có rất nhiều sinh viên đồng cảnh ngộ với chị Thu, tốt nghiệp đại học, nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm các công việc khác, thậm chí cá biệt còn có người phải chọn lao động tay chân để trang trải cuộc sống, đó là điều hết sức phổ biến. Cũng có những người bỏ bằng Đại học để đi học nghề với hy vọng để có việc làm.
Hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu của thị trường.- TS Đào Quang Vinh
Chúng tôi nêu câu hỏi vì sao tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp đến nay vẫn còn cao như vậy với Tiến sĩ Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động- Thương Binh- Xã hội. TS Đào Quang Vinh cho biết nguyên nhân là do các chính sách của Nhà nước bên cạnh những biện pháp hiệu quả, vẫn còn nhiều điểm bộc lộ yếu kém:
Các chính sách tốt cần duy trì đó là tiếp tục thúc đẩy để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tức là chuyển sang các ngành nghề có sức cạnh tranh lớn hơn, có giá trị gia tăng cao hơn. Đẩy mạnh những ngành có các khâu cần lao động tay nghề cao. Điều này được cho thấy rất rõ là trong quý II số doanh nghiệp mới được thành lập nằm trong ngành công nghệ mới nhiều hơn.
Những điểm mà chưa được là hiện nay trong khâu đổi mới giáo dục đào tạo bởi vì một số ngành, lĩnh vực hiện nay thị trường lao động vẫn còn thiếu. Hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu của thị trường. Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vẫn còn khó khăn, ví dụ như các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ thông tin, các kỹ sư về cơ khí chế tạo.
Một điểm nữa đó là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần thay đổi chương trình đào tạo, bám sát hơn với nhu cầu thị trường bởi vì vẫn còn tình trạng nhiều học sinh học nghề xong, khi được tuyển dụng vào các doanh nghiệp mất nhiều thời gian đào tạo bổ sung cho họ thì mới có thể làm việc được. Lý do là vì trong chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết so với thực hành, khác với nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Hiện nay việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp diễn ra rất nhanh, trong khi chương trình đào tạo chưa bắt kịp được nhu cầu thực tế.
Một điểm nữa TS. Đào Quang Vinh nêu ra đó là trong các chính sách kết nối cung-cầu lao động cũng cần phải cải thiện. Ví dụ như việc dự báo các ngành nghề, lĩnh vực sẽ cần tuyển dụng lao động để giúp học sinh, sinh viên hướng vào học những nghành thị trường còn có nhu cầu. Hệ thống thông tin thị trường lao động cũng cần được cập nhật nhiều hơn để cung cấp những thông tin chi tiết và đầy đủ hơn. Hệ thống dịch vụ việc làm cũng phải làm thế nào đó để đảm bảo học sinh, sinh viên, những người có nhu cầu việc làm tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các thành phố nhỏ để họ biết nhu cầu tuyển dụng, tìm việc nhanh hơn.
Đã từ lâu, các chuyên gia giáo dục cảnh báo về tình trạng chương trình giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng không bám sát với nhu cầu thực tế, khiến sinh viên ra trường cầm tấm bằng trên tay nhưng không thể xin được việc. Các chương trình đào tạo thường được giảng dạy hết năm này qua năm khác, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp thay đổi theo từng năm.
Giới trẻ tìm việc làm.
Giới trẻ tìm việc làm. AFP
Một thống kê của mạng việc làm Jobstreet Việt Nam cho thấy ngoài việc sinh viên trình độ đại học thất nghiệp, có đến 90% đối tượng mới tốt nghiệp đại học không bằng lòng với công việc đang làm, 55% trong số này cho biết, lý do là vì công việc không mang lại hướng đi sự nghiệp rõ ràng.
Trong khi đó tại buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục VN ông Phùng Xuân Nhạ lại nói rằng tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở VN khoảng trên dưới 4%, tức tầm 200.000 sinh viên thất nghiệp, là con số không quá lớn.
Chúng tôi cũng nêu vấn đề với chuyên gia giáo dục Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên giảng viên trường đại học  Liège - Bỉ, ông nhận định:
Các trường đại học ở VN trong những năm gần đây lại được mở ra khá thoải mái. Gần như tỉnh nào cũng có một trường đại học, trong khi đó thì chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên không được chỉn chu và không có chất lượng. Cho nên những sinh viên ra trường sau 4 năm đại học rất đông đảo nhưng lại không đáp ứng được chất lượng. Hơn nữa, kiếm chỗ làm ở VN là một vấn đề khó, nhất là khu vực Nhà nước đang gặp cản trở rất lớn, đó là vấn nạn cửa quyền, một cái thói là phải chi cái gì đó thì mới có công ăn việc làm. Mà số tiền chi đó khá lớn, lên cả trăm triệu, cho nên con em của những gia đình khó khăn, hay kể cả bình thường, rất khó có được chỗ làm như vậy.
Kiếm chỗ làm ở VN là một vấn đề khó, nhất là khu vực Nhà nước đang gặp cản trở rất lớn, đó là vấn nạn cửa quyền. - GS. Nguyễn Đăng Hưng
Không hiếm để bắt gặp những câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí loại giỏi, ưu tú, nhưng lại thất nghiệp vì gia đình không có tiền xin việc. Vấn nạn chi tiền mua việc làm ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam. Năm 2016, báo cáo Hiệu quả Quản trị và Hành chính của VN cho thấy có đến 54% số người dân cho biết họ phải hối lộ mới xin được việc trong cơ quan Nhà nước, cao hơn tỷ lệ 51% năm 2015 và 46% năm 2011. Đây cũng là nguyên nhân nguồn nhân sự ở nhiều cơ quan Nhà nước không đạt chất lượng, vì họ được tuyển dụng không chỉ dựa trên năng lực.
Tại Hội thảo Giáo dục 2018 tổ chức vào tháng trước, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm bớt số lượng trường công, trường đại học vùng để tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả giáo dục. Các chuyên gia chúng tôi tiếp xúc nói rằng đây là một đề nghị hợp lý, tuy nhiên đồng thời cũng cho thấy sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Việt Nam có Chủ tịch nước mới tạm quyền

RFA-2018-09-23   
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ phải sang) gặp Nhật Hoàng Akihito (trái) và Hoàng hậu Michiko (thứ 2 từ trái sang) ở Hà Nội hôm 28/2/2017
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ phải sang) gặp Nhật Hoàng Akihito (trái) và Hoàng hậu Michiko (thứ 2 từ trái sang) ở Hà Nội hôm 28/2/2017-AFP
Vào ngày 23/9, Việt Nam đã chính thức có một Chủ tịch nước mới thay thế Chủ tịch Trần Đại Quang vừa từ trần hôm 21/9. Đó là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước.
Vào ngày 23/9/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký thông báo gửi các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng toàn thể người dân Việt Nam về quyết định mới này.
Việc bổ nhiệm bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được thực hiện theo quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Theo thông báo, bà Thịnh sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới vào tháng 10 tới.
Trong hội luận hôm 21/9 với Đài Á Châu Tự Do, các chuyên gia theo dõi tình hình chính trị Việt Nam cho rằng có nhiều khả năng ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành Chủ tịch nước. Sự lựa chọn này được cho là sẽ không làm xáo trộn những sắp xếp đã khá ổn định trong Bộ Chính trị. Mặt khác ông Nhân được đánh giá là người không ngả hẳn về phe nào trong những tranh đấu nội bộ của đảng Cộng sản.

Chia nhau ‘ăn,’ đường xây tốn hàng triệu đô, xe chưa chạy đã bong tróc

Công trình trị giá hơn $29.1 triệu, quan chức và nhà thầu chia nhau “ăn” nên ra nông nỗi này. (Hình: Tiền Phong)
ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Chỉ làm con đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột nhưng do “chia phần” cho nhiều nhà thầu cùng làm, khiến con đường làm hoài không xong, xe chưa chạy đã hư.
Dự án đường vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có tổng vốn đầu tư gần 680 tỷ đồng (hơn $29.1 triệu) bằng ngân sách nhà nước, do Ban Quản Lý Dự Án Đầu Tư Xây Dựng thành phố Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư.
Theo báo Tiền Phong, dự án bị chia nhỏ thành bảy gói thầu, được khởi công từ năm 2009, đến cuối năm 2015 hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trong khi đó, những phần đường đã tất trước bắt đầu bị hư hỏng.
Báo này cho hay, đến giữa Tháng Chín, 2018, nhiều vị trí đường đã và đang hỏng nặng. Cụ thể, tại vị trí đầu tuyến đường hướng thành phố Buôn Ma Thuột đi Đắk Nông xuất hiện nhiều vị trí sụp lún, đường nứt nẻ hình thành các hố nhỏ, mặt đường bị bong tróc. Điển hình như tại vị trí vòng xoay giao với đường Hà Huy Tập xuất hiện hố lớn rộng hàng mét, nứt nẻ kéo theo nhiều điểm khác.
Chưa hết, thời điểm này đang là mùa mưa Tây Nguyên, khiến nhiều đoạn đường tiếp tục bị ngập do nước không thoát được; vỉa hè không có người phát dọn nên cỏ mọc lấn ra mép đường; cống thoát nước bị sụp lún, lưới đan bị mất gây nguy hiểm cho người đi đường…
Thế nhưng, giải thích về việc trên, lãnh đạo ủy ban thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết “dự án đến nay đã hoàn thành và bàn giao sử dụng. Sở dĩ chưa tổ chức cho xe chạy chính thức do đang chờ bổ sung khối lượng biển báo và vạch sơn kẻ đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Dự kiến mọi việc hoàn thành vào cuối năm 2018.”
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây Dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết, do dự án có nhiều gói thầu thi công không đồng bộ khác nhau, thời gian thi công kéo dài… nên tuy bảo đảm theo thiết kế, nhưng công tác hoàn thiện chưa được tốt như phần sơn dải phân cách không đều kích thước, mặt đường không êm thuận…
Tin cho biết, liên quan đến làm tuyến vành đai phía Tây thành phố Buôn Ma Thuột, ông Võ Kỳ, cựu trưởng Ban Quản Lý Các Dự Án thành phố Buôn Ma Thuột, đã bị kỷ luật “khiển trách” vì để đoạn đường qua xã Cư Êbua lúc vừa mới khởi công đã bị sụp lún. (Tr.N)