Friday, April 26, 2019

Chính quyền Việt Nam gián tiếp thừa nhận Nguyễn Phú Trọng ‘đột quỵ’?


Hồi tưởng: Hai bàn tay của Nguyễn Phú Trọng rất giống với điệu bộ 'bắt ấn trừ tà' tại quốc tang Trần Đại Quang vào tháng 9/ năm 2018.
Thường Sơn – (VNTB) – Phải mất 11 hôm kể từ ngày 14/4/2019 khi ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng gặp nạn ở ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ tại Kiên Giang, chính thể độc đảng và luôn độc tôn bảo mật những tin tức nhạy cảm chính trị mới buộc phải thừa nhận tình trạng sức khỏe của ông Trọng là ‘có vấn đề’ mà đã khiến ông ta ‘mất tích’ hơn mười ngày qua.
Hồi tưởng: Hai bàn tay của Nguyễn Phú Trọng rất giống với điệu bộ ‘bắt ấn trừ tà’ tại quốc tang Trần Đại Quang vào tháng 9 năm 2018.
Chiều ngày 25/4/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thông báo: “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”.
Cách thức ‘đọc bài’ trên hiện ra khi bà Hằng phải trả lời câu hỏi của hãng AFP về việc “một số nguồn tin cho biết Tổng bí thư bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang vừa qua, tình trạng hiện nay và đang được điều trị ở đâu“.
‘Đột quỵ’ lại là một trong những từ ngữ hàng đầu mà dư luận đề cập đến tình trạng sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng trong những ngày qua, và là từ khóa thuộc nhóm hàng đầu được người đọc tra cứu trên mạng Internet liên quan đến Trọng.

Chi tiết đáng chú ý là bà Hằng đã không hề lên tiếng phủ nhận hay bác bỏ khả năng ‘đột quỵ’ mà phóng viên hãng AFP nêu ra.
‘Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ’ là một trong những đồn đoán nổ ra ngay từ chiều 14/4 tại Sài Gòn và sau đó lan như tên bắn ra cả nước. Còn khi ông Trọng được chuyên cơ đưa từ Kiên Giang lên Sài Gòn để vào thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy, nghi vấn về đột quỵ đã chuyển thành cụ thể hơn: xuất huyết não. Thậm chí đến ngày 154/ còn xuất hiện thông tin cho biết ông Trọng bị liệt một cánh tay.
‘Bị liệt một cánh tay’ lại là tin tức mà Carl Thayer – giáo sư thuộc Học viện quốc phòng Australia và là một trong những chuyên gia am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam – nhắc lại trong một bình luận mới đây.
Đến lúc này, thông tin từ giới dư luận viên cho rằng Nguyễn Phú Trọng chỉ bị ‘choáng nhẹ’ đã không còn thuyết phục hay ma mị được ai.
Bởi nếu chỉ bị choáng nhẹ, vì sao Bệnh viện đa khoa Kiên Giang không thể xử lý được mà phải đưa lên bệnh viện tuyến trên là Chợ Rẫy? Và nếu chỉ bị ‘choáng nhẹ’, tại sao khi đưa Trọng về Sài Gòn lại không đưa vào Bệnh viện Thống Nhất là nơi điều trị cho cán bộ lãnh đạo trung cao và được bảo vệ an ninh tốt hơn hẳn ở Chợ Rẫy?
Chưa hết, nếu chỉ bị ‘choáng nhẹ’, vì sao không đưa Trọng từ Kiên Giang thẳng ra A11 (khoa điều trị tích cực, cũng là nơi mà Lê Đức Anh vừa chết) của Bệnh viện trung ương quân đội 108, mà phải ‘quá cảnh’ ở Chợ Rẫy?
Cộng hưởng với nội dung phát ngôn và cách thức phát ngôn vừa trí trá vừa lấp liếm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có thể cho rằng đang tích hợp nhiều dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng bị một cơn đột quỵ hành hạ – cơn đột quỵ không hề nhẹ nhàng, bởi Người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ dám nói rằng Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ sớm trở lại làm việc’ chứ không thể xác định thời điểm nào hoặc ít ra là khoảng thời gian nào cho sự trở lại đó.
Trong khi đó, một thách thức rất lớn đang chờ đợi ‘Tổng tịch’: đám tang của ‘Nguyên tịch’ Lê Đức Anh. Theo quy định của chính phủ, ông Trọng với vai trò là tổng bí thư và chủ tịch nước phải lãnh trách nhiệm làm trưởng ban lễ tang và đọc điếu văn. Nhưng làm thế nào để chủ tịch Trọng, trong tình trạng thậm chí báo đảng không lấy nổi một tấm ảnh ông ta ‘đang làm việc’, đang gửi thư điện chúc mừng lãnh đạo Bắc Triều Tiên’ và thậm chí không có cả ảnh ông Trọng ngồi trên giường (bệnh), sẽ đứng dậy được và đi đến được chỗ lễ tang để đọc điếu văn cho nhân vật cựu chủ tịch nước vừa ‘được quyền chết’?

Thiếu úy công an ‘cầm cố’ thẻ đảng để vay tiền rồi bỏ trốn

Một trong số giấy biên nhận thế chấp thẻ đảng để vay tiền của Trung Úy Công An Trần Quốc Tuấn. (Hình: Tuổi Trẻ)
TRÀ VINH, Việt Nam (NV) – Một thiếu úy công an tỉnh Trà Vinh đã đem thẻ đảng đi cầm cố để lấy tiền rồi không trả, buộc chủ nợ phải làm đơn tố cáo.
Ngày 26 Tháng Tư, 2019, ông Nguyễn Văn Tính, trưởng Phòng Tham Mưu Công An tỉnh Trà Vinh, xác nhận với báo Tuổi Trẻ có việc một cán bộ của Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy và Cứu Nạn Cứu Hộ (PC07) mang thẻ đảng đi thế chấp vay tiền.
Trước đó, anh Lâm Bảo Trung (29 tuổi, ngụ thị xã Duyên Hải) tố cáo ông Trần Quốc Tuấn (33 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), thiếu úy Phòng PC07 vay của mẹ anh là bà Trương Thị Hòa Bình, số tiền 50 triệu đồng ($2,146) bằng cách đưa thẻ đảng ra thế chấp với thời hạn trả trong vòng 30 ngày.
Tuy nhiên, từ ngày vay mượn (ngày 1 Tháng Chín, 2018) đến nay ông Tuấn không trả nợ và né tránh, gia đình anh Trung đã liên hệ với ông Tuấn nhiều lần nhưng không được. Tìm đến nơi ông Tuấn đang công tác thì một lãnh đạo của phòng trả lời “ông Tuấn đã bị kỷ luật, gia đình xem lấy được bao nhiêu tiền thì lấy chứ cơ quan không biết.” Bất bình, gia đình anh Trung đã làm đơn tố cáo gửi đến giới hữu trách.
“Cứ hai ba bữa có người của phòng PC07 xuống nói ‘cầm đỡ năm ba triệu đi, vụ việc lỡ xảy ra rồi.’ Những người này xin được lấy thẻ đảng lại nhưng gia đình tôi nói khi nào trả đủ tiền mới trả lại thẻ. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Tuấn đã trả được 20 triệu đồng ($858), tôi chỉ cần ông Tuấn trả đủ số tiền gốc là 50 triệu đồng thôi chứ không cần trả tiền lãi,” anh Trung bất bình nói.
Nói với  báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Phòng PC07 cho biết “ông Trần Quốc Tuấn đã có quyết định cho nghỉ việc do vi phạm tổ chức kỷ luật của đơn vị.”
“Quyết định có hiệu lực hồi Tháng Ba, 2019. Ban Giám Đốc Công An tỉnh Trà Vinh cũng đã tước quân tịch, khai trừ ra khỏi đảng, buộc cho nghỉ việc đối với thiếu úy Tuấn vì dùng thẻ đảng mang đi vay mượn tiền,” vị này cho biết thêm.
Việc cán bộ công an ở Việt Nam mang thẻ đảng đi cầm cố vay tiền rồi quỵt nợ không còn là chuyện hiếm.
Trước đó, báo chí Việt Nam cũng đã đưa tin hôm 6 Tháng Ba, 2019, Tòa Án Nhân Dân thành phố Tân An (tỉnh Long An) đã yêu cầu Viện Kiểm Sát và Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra cùng cấp “xem xét dấu hiệu hình sự” ông Võ Ngọc T. (30 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Tân An), cán bộ Văn Phòng Cảnh Sát Điều Tra Công An tỉnh Long An, do “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Cụ thể, vào Tháng Sáu, 2018, ông T. tìm gặp anh N.V.M. (28 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Tân An, Long An) đưa thẻ đảng và cả thẻ ngành công an và ghi giấy vay nợ để lấy lòng tin hỏi vay tiền “đáo hạn ngân hàng” với tổng số tiền 290 triệu đồng ($12,448).
Tuy nhiên, sau đó quá thời hạn trả nợ ba tháng, anh M. liên lạc ông T. để thu hồi nợ nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do khác nhau hoặc không nghe điện thoại.
Anh M. khởi kiện ông T. ra Tòa Án Nhân Dân thành phố Tân An. Khi tòa án thụ lý và xác minh thì mới lộ ra chuyện ông T. đã xuất ngũ. (Tr.N)

Đồng Tháp: Thấy dân nhiều đất, huyện ‘vẽ chuyện’ cướp đoạt

Công an cưỡng chế trái pháp luật khu đất của gia đình ông Trần Thiện Kim. (Hình: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Ông phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân huyện Châu Thành giải thích việc vô cớ tịch thu hơn 2 hécta đất của người dân ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, là do “ai cũng biết đất của gia đình này nhiều lắm…”
Ngày 19 Tháng Tư, 2019, tại buổi đối thoại về đơn khiếu kiện việc bị cưỡng chế, cướp đất vô cớ kéo dài hơn 30 năm vẫn chưa được giải quyết của gia đình ông Trần Thiện Kim (ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành), ông Huỳnh Thanh Dũng, phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân huyện Châu Thành, bất ngờ nêu lý do: “Gia đình ông Kim là một trong những gia đình giàu nhất huyện Châu Thành… ai cũng biết đất của gia đình này nhiều lắm… Vì vậy ông Kim nên chấp nhận mất đất, chia đất, đừng khiếu kiện kéo dài nữa.”
Theo báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, lý giải của ông Dũng có thể hiểu là “gia đình ông Trần Thiện Kim không thuộc diện được hoán đổi, cấp đất nơi khác để tái định cư bởi vì quá giàu và việc đòi bồi thường đúng giá trị lô đất là một việc quá đáng.”
Trước đó hôm 9 Tháng Mười, 2017, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận hồ sơ khiếu kiện của ông Trần Thiện Kim kiện Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp.
Việc khiếu kiện này tiếp nối kéo dài từ năm 1986 đến nay, khi cha của ông Kim là ông Trần Văn Tâm bất ngờ bị Sở Thủy Sản Đồng Tháp có tờ trình đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp đất để cho sở này “xây dựng trại nuôi tôm và cá giống.”
Lấy cớ nêu trên, Tháng Giêng, 1987, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định trưng dụng hơn 19,560 mét vuông đất của một số gia đình, trong đó riêng hộ ông Tâm đã hơn 2 hécta nhưng đưa ra giá bồi thường vào thời điểm đó chỉ 16,192 đồng (69 cent). Gia đình ông Tâm không chấp nhận.
Từ đó, đời cha rồi đến đời con, gia đình ông Kim liên tục đi khiếu kiện yêu cầu chính quyền trả lại đất hợp pháp cho gia đình mình.
Khu đất của gia đình ông Kim bị chính quyền quyết tâm chiếm đoạt. (Hình: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Vụ kiện đang trong quá trình giải quyết thì ngày 18 Tháng Tám, 2017, ông Kim nhận được thông báo của Trung Tâm Phát Triển Quỹ Nhà Đất tỉnh Đồng Tháp mời đến “làm việc” và bất ngờ đưa ra thông báo “Kết quả đấu giá trúng thầu đất” của Công Ty Cổ Phần Xây Lắp và Vật Liệu Xây Dựng Đồng Tháp, do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp ký duyệt, mà khu đất trúng thầu chính là khu đất của gia đình ông đang khiếu kiện.
Thế là vào ngày 16 Tháng Năm, 2018, công an ập đến cưỡng chế, buộc gia đình ông Kim ra khỏi khu đất gần 2 hécta là tài sản hợp pháp của chính mình tại xã Tân Nhuận Đông.
Từ đó đến nay, cả gia đình ông Kim luôn sống trong âu lo và liên tục bị chính quyền địa phương đến cưỡng chế buộc giao đất, trong khi không hề có lệnh hay văn bản hợp pháp nào.
Tin cho biết, sau khi xem đoạn clip phát biểu của ông Huỳnh Thanh Dũng trong buổi đối thoại với báo chí và quan chức tỉnh Đồng Tháp, nhiều người dân đã tỏ thái độ bất bình.
Bạn đọc có số điện thoại 0941357… tức giận gọi đến báo Pháp Luật Việt Nam hôm 25 Tháng Tư chua xót nói: “Thưa ông Dũng, nếu bây giờ vẫn còn suy nghĩ như ông, chắc tôi khuyên con cháu chúng ta không nên làm giàu, phải không? Giàu có để làm gì, nhiều đất để làm gì rồi cũng bị tịch thu như ông Trần Thiện Kim mà thôi!”
Nói với báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp cùng ngày, bạn đọc nêu tên Trần Ph. bực tức: “Tôi quá bất ngờ! Phải chăng chính quyền có toàn quyền tịch thu và bất chấp có sử dụng hay không, người dân không bao giờ đòi được đất? Tại sao chúng ta có thể chấp nhận một cách nghĩ, cách làm độc tài như vậy?”
“Tôi nghe có đoạn ông Huỳnh Thanh Dũng nói là đa phần cán bộ thời đó đều ít học. Có phải vì ít học, không phân biệt đúng sai nên tất cả người dân như chúng tôi phải… ‘ngu’ theo cán bộ?” bạn đọc có tên M.Duc châm biếm. (Tr.N)

Hà Nội: Dân chen lấn đến ngất xỉu để xin visa đi Nam Hàn

Cả ngàn người xếp hàng trước Lãnh Sự Quán Nam Hàn ở Hà Nội để xin cấp visa. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mặc dù Lãnh Sự Quán Nam Hàn thông báo cho ghi danh xin cấp visa qua mạng Internet, nhằm giảm bớt lượng người đến làm việc trực tiếp quá nhiều. Thế nhưng, hàng trăm người vẫn kéo đến Văn Phòng Visa ở quận Cầu Giấy, chen lấn đến ngất xỉu để trực tiếp xin cho bằng được.
Một video clip của báo VNExpress hôm 25 Tháng Tư, 2019, quay lại một cảnh chen lấn kinh hoàng của hàng trăm người diễn ra trước Văn Phòng Visa mới của Nam Hàn tại tòa nhà Discovery, 302 Cầu Giấy (thành phố Hà Nội).
Từ sáng sớm bất chấp thời tiết ở Hà Nội đang oi bức, hàng trăm người phần lớn đến từ các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… hoặc từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã túc trực kín khoảng sân trước văn phòng, xếp hàng khá trật tự.
Tuy nhiên, khoảng hơn 9 giờ 30 phút, khi nhân viên lãnh sự bắt đầu phát số thứ tự vào nộp hồ sơ thì tình trạng chen lấn diễn ra, càng lúc càng lan rộng. Đám đông không được phân luồng, xếp hàng, nên cứ chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí có người chịu không nổi ngất xỉu, buộc nhân viên lãnh sự Nam Hàn đang phát số nhiều lúc phải dừng lại để ổn định tình hình.
Đợi từ 6 giờ sáng cùng vài người ở cùng xã, bà Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nói với báo VNExpress, bà đến xin visa để sang Nam Hàn “chơi với cháu.”
“Có thể mấy tháng nữa Nam Hàn lại siết chặt thủ tục nên tôi phải đi xin ngay, dù phải chờ đợi rất mệt mỏi,” bà Lan nói.
Ngoài số ít người xin visa đi du lịch thật sự, phần lớn người dân đến đây xin visa năm năm để đi lao động.
Nam Hàn hiện vẫn được coi là một thị trường lao động hấp dẫn, dễ kiếm việc làm đối với nhiều người dân Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, thuộc Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, hiện đã có trên 100,000 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Nam Hàn, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nam Hàn.
Phần lớn lao động người Việt sang Nam Hàn để làm các công việc chân tay, nặng nhọc, không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ với mức lương được trả trung bình mỗi giờ khoảng 7,500 won ($6.4).
Nếu ai làm hết thời hạn ghi trong visa E9 (4 năm 10 tháng) thì lúc trở về Việt Nam cũng có trong tay từ 1 đến 1.5 tỷ đồng ($43,934 -$64,402), cao hơn Malaysia, Đài Loan và một số nước Trung Đông. Thậm chí, nếu chịu khó làm thêm giờ thì nhiều khi thu nhập còn cao hơn lao động ở Nhật Bản, bởi ở Nhật tuy mức lương cao hơn Nam Hàn, nhưng Chính phủ Nhật lại không cho làm thêm giờ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng lao động Việt Nam hết hạn visa trốn ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Nam Hàn trở thành “vấn đề nổi cộm.”
Phần lớn số người ở lại bất hợp pháp này sống trong các nơi ở chật chội, do chủ xây. Một số có gia đình thì đi thuê những căn nhà nhỏ ọp ẹp hay tầng hầm để làm chỗ trú qua ngày, với giá thuê từ 200,000-450,000 won ($171-$386) tùy theo diện tích, tiện nghi và khu vực. Nhìn chung, cuộc sống chỉ là tạm bợ, thậm chí thấp thỏm lo âu vì luôn sợ bị cơ quan hữu trách bắt giữ. (Tr.N)

Dân Việt Nam tức giận vì phải ‘nuôi báo cô’ Tập Đoàn Điện Lực

Nhiều người dân ở Việt Nam đang đau đầu với hóa đơn tiền điện. (Hình: VNEconomy)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 26 Tháng Tư, mạng xã hội tức giận vì tiền điện tại nhiều gia đình bỗng dưng tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước đó.
Người dân nghi ngờ mức tăng giá điện thực tế cao hơn nhiều so với con số “8%” mà ngành điện thông báo hồi Tháng Ba, 2019.
Giá điện sinh hoạt được điều chỉnh theo sáu bậc, theo hướng “càng xài nhiều thì trả cho mỗi kWh càng mắc.” Do vậy, những gia đình càng sử dụng nhiều máy lạnh thì chắc chắn số tiền phải trả sẽ đội lên khủng khiếp.
Báo VNExpress cho hay: “Bà Anh ở quận 10, Sài Gòn, cho biết, Tháng Ba lượng điện tiêu thụ nhà bà là 2,405 kWh, đến Tháng Tư là 3,366 kWh. Tháng trước, bà trả 6 triệu đồng ($258) tiền điện, nhưng tháng này nhân viên ngành điện chỉ đưa hóa đơn ghi chỉ số điện tiêu thụ mà không có số tiền. Khi thắc mắc, bà được nhân viên điện lực đề nghị tải app và nhập mã khách hàng để biết cụ thể số tiền. Kiểm tra trên hệ thống của điện lực, bà bất ngờ khi tiền điện Tháng Tư gần 10.5 triệu đồng ($452), tăng 75% so với tháng trước.”
Nhà hoạt động Hoàng Dũng nay đang ở Mỹ, lý giải trên trang cá nhân: “Ít người biết việc ‘bù chéo giá điện.’ Đây là một thứ vô cùng vô lý, tồn tại trong Luật Điện Lực 2004, các đồng chí nghị gật (“đại biểu quốc hội”) đã ẳng eng éc nhiều năm nay mà vẫn chưa hủy bỏ. Đó là việc những người dân phải mua điện sinh hoạt giá cao. Phần giá cao đó được dùng để bù cho giá điện công nghiệp được mua với giá thấp–với mục tiêu ‘phát triển công nghiệp’. Thật hài hước là điều này đã tồn tại hàng chục năm nay, hàng chục triệu người dân tháng tháng năm năm phải móc tiền ra nuôi báo cô một lũ chả liên quan gì đến mình, mình chả được cái gì cả. Hai cái lỗ nhét vào mồm Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam.”
Theo ông Hoàng Dũng, người dân mua điện sinh hoạt và điện kinh doanh “đang phải trả thêm tiền để bù cho người sản xuất công nghiệp” trong lúc khối công nghiệp chiếm hơn 50% lượng điện tiêu thụ, còn khối sinh hoạt chỉ hơn 30%.
“Tức là thằng nghèo đang bù giá cho thằng giàu, phục vụ sự nghiệp kiếm tiền của một thằng mình không hề quen biết, không được lợi ích gì,” theo Facebook Di Hoang.
Nhà báo Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ bình luận trên trang cá nhân: “Trước khi tăng giá điện, trong những ngày họ chạy chọt quyết đinh và dọn dẹp dư luận, quý vị đã thờ ơ. Trong cái ngày họ được ký duyệt tăng giá, quý vị cũng thờ ơ vì chưa thấy họ đụng đến mình. Đến khi cầm hóa đơn đóng tiền điện, quý vị mới nhảy đổng lên gào thét mà không biết rằng vô ích vì ván đã đóng thuyền.”
“Với tôi, điện lực Việt Nam là một tập đoàn chuyên ăn bám trên sự độc quyền và ký sinh vào nỗi khổ của nhân dân. Cứ khi nào làm ăn lỗ lã, họ lại chạy chọt chính phủ cho tăng giá để lấy tiền nhân dân bù vào. Mỗi lần điện tăng giá thì nền kinh tế lại chịu một cú đấm, còn dân nghèo thì bật ngửa khi so sánh giá điện với tiền lương. Tội ác của ngành điện gây ra cho quốc gia, nước Sông Hồng ko thể rửa sạch. Còn quý vị, hãy rút kinh nghiệm mà phản đối trước khi ván đã đóng thuyền!,” theo Facebook Ngọc Vinh. (T.K.)

Phá đường dây cờ bạc ‘lớn chưa từng thấy’ ở Việt Nam

Công an kiểm tra các thiết bị dùng để đánh bạc. (Hình: Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công an vừa triệt phá một đường dây đánh bạc trên website hoạt động có tổ chức ở nhiều tỉnh, thành khắp Việt Nam thu hút hàng trăm ngàn người chơi, với số tiền cá cược lớn gấp ba lần so với đường dây đánh bạc ở Phú Thọ.
Báo VNExpress ngày 26 Tháng Tư, 2019, cho hay Bộ Công An CSVN loan tin vừa phá được đường dây đánh bạc có quy mô “‘lớn chưa từng thấy” hoạt động ở nhiều tỉnh, thành thông qua trang webside xxx88.com (có máy chủ đặt ở ngoại quốc) từ 4,000 đại lý, thu hút hàng trăm ngàn tài khoản của người chơi, với tổng tiền giao dịch ước tính hơn 30,000 tỷ đồng (hơn $1.2 tỷ), tức lớn gấp ba lần so với đường dây đánh bạc ở Phú Thọ.
Theo đó, hôm 23 Tháng Tư, cả trăm công an đã đồng loạt khám xét, triệu tập nhiều người tại Hà Nội, Sài Gòn, Phú Yên, Đồng Nai, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau… do “liên quan hành vi đánh bạc qua trang website.”
Kết quả khám xét đã thu giữ nhiều xe hơi hạng sang (Porsche, Audi…); số lượng lớn tiền mặt và số tiền kếch xù trong các tài khoản ngân hàng, cùng hàng trăm thiết bị điện tử, nhiều đồ vật tài liệu khác có liên quan hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Ngay sau đó, 22 người đã bị Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An bắt khẩn cấp về tội “tổ chức đánh bạc, đánh bạc,” trong đó có một người ngoại quốc giữ vai trò quản lý, điều hành.
Báo Zing cho biết, để tham gia người chơi tạo tài khoản và nạp tiền vào ngân hàng đại diện của nhà cái. Hình thức thanh toán chủ yếu qua hệ thống ngân hàng bằng các dịch vụ chuyển tiền ngân hàng online, dịch vụ chuyển tiền nhanh Zpay, Eeziepay…
Sau khi xác thực số tiền người tham gia đã nạp vào tài khoản chơi, nhà cái chuyển đổi thành tiền ảo tương ứng để người chơi đánh bạc trên trang mạng.
Đặc biệt, nhiều người đã thuê công nhân, tài xế xe ôm đi mở tài khoản ngân hàng với giá từ 1 đến 5 triệu đồng/tháng/tài khoản ($43-214) để dùng chuyển tiền, che giấu tội giao dịch đánh bạc. (Tr.N)

Dự án Sun Group: ‘Vì lợi ích riêng bán đứng lợi ích công’


Dự án lấn sông Hàn của Tập Đoàn Sun Group. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Ba ngày sau khi ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, được các báo nhà nước tường thuật chỉ đạo “sẽ rà soát các dự án ven sông Hàn,” mạng xã hội xuất hiện cáo buộc ông này “tiêu chuẩn kép” với dự án của Tập Đoàn Sun Group.
Blogger, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang cá nhân: “Dự án Marina lấn sông Hàn, dự án của Sun Group cũng lấn sông Hàn. Marina phân lô xây biệt thự, Sun Group cũng phân lô xây biệt thự. Thế nhưng, trong khi có hàng trăm bài báo nhắm vào Marina, chỉ ra hàng loạt dấu hiệu sai phạm từ việc lấn sông của dự án này, khiến chính quyền Đà Nẵng phải tạm dừng dự án…, vẫn không có báo nào đề cập đến Sun Group. Ngay giờ phút này dự án vẫn đang được Sun Group gấp rút thực hiện để kịp rao bán. Vì sao lại tiêu chuẩn kép như 
Ông Tuấn đưa cáo buộc rằng báo cáo “Đánh Giá Tác Động Môi Trường” của dự án Sun Group đã hết hạn hai năm” và lẽ ra, dự án này “phải bị thu hồi vì chậm triển khai theo Luật Đất Đai, tương tự như nhiều dự án khác mà thành phố Đà Nẵng đã thu hồi năm ngoái.”
“Đà Nẵng đang ngày một đông dân hơn, nhu cầu về những không gian công cộng còn bức thiết hơn, lẽ ra phải chắt chiu để dành cho tương lai, cớ sao vì những lợi ích riêng tư trước mắt mà bán đứng lợi ích của cộng đồng thành phố?” theo Facebook Nguyen Anh Tuan.
Cận cảnh dự án lấn sông Hàn của Tập Đoàn Sun Group. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)
Trước đó, các báo nhà nước đồng loạt đăng tải các bài báo cáo buộc dự án Marina Complex Đà Nẵng của bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ Công Ty Cổ Phần Quốc Cường Gia Lai, “đóng kè bao và đổ đất ra phía mặt sông Hàn gây nên những lo ngại thay đổi dòng chảy sông Hàn.”
Sau đó báo Pháp Luật TP.HCM còn dẫn yêu cầu của ông Trương Quang Nghĩa về việc “tạm dừng để rà soát lại toàn bộ dự án Marina Complex Đà Nẵng.”
Tờ Lao Động trích lời Bí Thư Nghĩa: “Đà Nẵng sẵn sàng chấp nhận ‘đụng chạm’ trực diện với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để đồng thời thực hiện mục tiêu hướng về cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.”
Thế nhưng với sai phạm tương tự bên bờ sông Hàn, Tập Đoàn Sun Group nghiễm nhiên nhận được sự im lặng của báo chí và giới chức.
Hồi Tháng Chín, 2018, một số blogger tại Đà Nẵng bày tỏ sự bực tức trên mạng xã hội về “thư cảm ơn” do ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, gửi Tập Đoàn Sun Group.
Trong bức thư gây tranh cãi, ông Dũng viết: “Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng chân thành cảm ơn Sun Group và TA Corporation đã đầu tư, thiết kế, thi công công trình Cầu Vàng vô cùng ấn tượng. Hình ảnh cây cầu được nâng đỡ bởi đôi bàn tay màu xám tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng, vẽ nên một cung đường đầy mê hoặc giữa lưng chừng trời.”
Bức thư được bàn tán trên mạng trong bối cảnh từ chục năm nay, Tập Đoàn Sun Group đã làm người dân Đà Nẵng bất bình vì chuyện chiếm luôn lối đi xuống bãi tắm công cộng Bắc Mỹ An khi triển khai dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise, nay đổi tên thành Premier Village.
Khi hoàn thành khu nghỉ dưỡng, thay vì bàn giao cho cộng đồng xung quanh lối xuống bãi tắm công cộng có từ trước năm 1975, Sun Group xây dựng tháp đồng hồ giữa đường và đặt rào cản chiếm luôn làm bãi đỗ xe và lối đi nội bộ, thu lợi cho riêng họ.
Công luận càng bất bình hơn là đến nay, truyền thông trong nước tuyệt nhiên chỉ đăng những bài ca ngợi, “nói tốt” cho Sun Group, còn những bài đưa thông tin bất lợi như cáo buộc tập đoàn này tàn phá môi trường hoặc chiếm hữu tài sản, đất đai của người dân, hình thành “đặc khu kinh tế Sun Group” thì mau chóng bị gỡ bài.
Đáng lưu ý, ngay cả những post đăng về “mặt trái” của Sun Group trên mạng xã hội cũng bị gỡ bài hoặc xóa tài khoản vì “vi phạm chính sách cộng đồng.” (T.K.)