Tuesday, September 4, 2018

Vì sao bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" bị phản đối?

Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-09-04   
Phụ huynh phản đối từ ngữ và nội dung trong bài đọc "Quả bứa", trang 87 sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục".
Phụ huynh phản đối từ ngữ và nội dung trong bài đọc "Quả bứa", trang 87 sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục".Courtesy: RFA Edited
Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được giảng dạy trong năm học 2018-2019 gặp phải sự phản đối của không chỉ từ các bậc phụ huynh học sinh tiểu học, mà cả dư luận trong nước vì cách đánh vần mới trong bộ sách này.

Phụ huynh lo lắng

Báo mạng Lao Động Online, vào ngày 26 tháng 8, cho biết bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được áp dụng từ năm 2014 và trong năm học mới 2018-2019 có đến gần 50 tỉnh, thành cho học sinh học chương trình của bộ sách này.
Những ngày qua, hàng trăm ý kiến phản hồi qua mạng xã hội và các trang fanpage của báo mạng quốc nội về chia sẻ của một số phụ huynh có con em bắt đầu vào lớp 1, phải học bộ sách vừa nêu rằng họ rất hoang mang với cách đánh vần mới, ví dụ các chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/; hay các chữ “r”, “d” và “gi” đều đọc là /dờ/…Do đó, học sinh không thể phân biệt được các từ khác nhau về nghĩa nhưng đồng âm khi đánh vần. Một điều đáng chú ý là bộ sách này chỉ áp dụng cho lớp 1 và học sinh học theo cách đánh vần mới, khi lên lớp 2 thì phải học theo cách đánh vần cũ. Nhiều phụ huynh bày tỏ rằng gia đình gặp trở ngại trong việc giúp đỡ cho các cháu học tập ở nhà.
Bên cạnh cách đánh vần mới, bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” còn dạy nhiều từ ngữ địa phương, khó hiểu. Một phụ huynh chia sẻ:
“Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được.”
Sách lớp 1 năm nay có sự cải cách từ ngữ mà mình đọc không được, chẳng hạn như từ ‘khuýp khùym khuỵp’, những từ nhiều khi đọc bị trẹo miệng luôn. Sách tiếng Việt năm nay đưa vào những từ như vậy, mình sẽ không bao giờ có thể đọc và dạy cho các bé được. Khi mình đọc cái từ mà mình không hiểu nghĩa thì làm sao có thể giải thích cho con mình hiểu được
-Một phụ huynh

Ý kiến của giới chuyên môn

Nhà giáo Phạm Toàn, thuộc Nhóm làm sách Cánh Buồm-một bộ sách 36 cuốn cho 6 lớp tiểu học, vào ngày 29 tháng 8, phổ biến một bài viết với mục đích để mọi người cùng hiểu cách tổ chức học sinh lớp 1 học tiếng Việt.
Trong bài viết với tựa đề “Hạnh phúc nhọc nhằn với Tiếng Việp lớp Một”, Nhà giáo Phạm Toàn trình bày chi tiết có hai cách học để biết đọc biết viết tiếng Việt, đó là “đánh vần theo chữ” và “theo ngữ âm”. Nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” bị ồn ào chê trách về cách đánh vần ba chữ “c”, “k” và “q” đều đọc là /cờ/, nhưng không gọi tên chung cho cả ba chữ là chữ “cờ”. Nhà giáo Phạm Toàn giải thích đó là cách học theo đường lối ngữ âm học. Và qua phần diễn giải rất cụ thể về cách học theo ngữ âm trong bài viết, Nhà giáo Phạm Toàn tin rằng những ai ứng dụng theo hướng dẫn trong bài viết của ông thì dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh và chắc chắn tiếng mẹ đẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Văn Hải, một cựu giáo viên thuộc ngành tâm lý ngữ học, cho rằng cách đánh vần trong bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” được biên soạn mang tính áp đặt và không đạt tiêu chuẩn, vì không đánh vần bằng âm. Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trần Văn Hải nói với RFA:
“Ở Việt Nam hiện nay, những người này họ lầm lẫn giữa hai lãnh vực là tiếng nói và chữ viết: tiếng nói đi trước và chữ viết đi sau. Ngữ âm không phải là điều mới mẻ, mà từ trước đến nay thì lúc nào người ta cũng dựa vào cách phát âm của tiếng nói đặc thù của một dân tộc, rồi người ta tìm những ký hiệu (mẫu tự) để dùng làm biểu tượng cho các âm mà được phát ra từ tiếng nói đó để dạy cho trẻ em vừa nói và viết. Họ nói là đánh vần theo âm. Nhưng nói như vậy thì mẫu tự tiếng Việt dùng để làm gì?”
Hướng dẫn cách đánh vần mới theo sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục". Courtesy: RFA Edited
Thầy giáo Chu Mộng Long, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn, trình bày quan điểm của ông, qua trang facebook cá nhân, xoay quanh phản ánh của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”. Thầy giáo Chu Mộng Long khẳng định khẳng định về mặt khoa học thì cách đánh vần cả ba chữ “c’, “k” và “q” đều đọc là /cờ/ không sai và sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, việc phân biệt chữ cái và âm (vị), quy ước kết hợp chữ trong các phụ âm với âm đệm, âm đôi với âm cuối cũng hoàn toàn chuẩn xác.
Mặc dù vậy, Thầy giáo Chu Mộng Long cho biết khi ông xem trang hướng dẫn cách đánh vần của sách giáo khoa này, thì ông “tá hỏa vì một số chỗ sai nghiêm trọng, phản khoa học”. Một trưng dẫn với 3 chữ “r”, “d” và “gi” cùng đọc là /dờ/, Thầy giáo Chu Mộng Long phân tích nếu dựa vào thực tiễn ngôn ngữ, có thể xem chữ “d” và chữ “gi” cùng âm đọc thì chấp nhận được, nhưng nhập phụ âm “r” (âm xát-rung) vào đó để đọc cùng âm "dờ" thì không được. Thầy giáo Chu Mộng Long nhận định đánh vần theo ngữ âm học chưa hẳn giúp ích gì cho việc viết đúng quy định chính tả, nếu không khéo còn đẩy trẻ em từ chỗ đơn giản rơi vào phức tạp. Chúng tôi xin được trích nguyên văn ông nhận xét:
“Sách tiếng Việt lớp Một công nghệ và hiện hành đã lựa chọn nửa nạc nửa mỡ (nửa tuyến tính nửa phi tuyến tính) dẫn đến lú lẫn hơn là phục vụ cho mục đích nhận diện chữ viết để viết đúng chính tả. Kể cả việc bắt trẻ em trình độ lớp Một phải nhận diện một cách khoa học vấn đề âm vị học cũng không cần thiết.”

Phải thống nhất cách dạy chữ Quốc ngữ

Trả lời câu hỏi của RFA về ngành giáo dục có quyết định như thế nào trước phản ứng của dư luận về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, một cán bộ thuộc phòng giáo dục ở Cần Thơ, không muốn nêu tên, cho biết năm học 2018-2019, đồng bằng Sông Cửu Long có 5 tỉnh áp dụng thực nghiệm chương trình sách giáo khoa này:
Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ
-Cán bộ Phòng giáo dục, ở Cần Thơ
“Ở đồng bằng Sông Cửu Long thì mới có Cần Thơ làm thí điểm. Chương trình này thì phần Tiếng Việt cũng hơi khó cho phụ huynh. Phải chờ đến giữa học kỳ hay cuối học kỳ thì mới có đánh giá chính xác được. Khi đó mới sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh từ từ.”
Vị cán bộ trong ngành giáo dục cho biết thêm hiện Bộ Giáo Dục có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và bắt đầu năm học 2019-2020 thì:
“Chương trình sẽ khoán về cho các trường, tự mỗi trường lựa chọn và thống nhất với phụ huynh. Tại vì tùy theo vùng, miền. Nếu thống nhất chương trình theo đại trà thì nhiều khi các trường ở thành phố chê là nhẹ, còn ở vùng sâu thì kêu là nặng. Cả nước Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ lớp 1.”

Riêng về bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”, Luật sư Lê Văn Luân, vào ngày 27 tháng 8, phổ biến một thư kiến nghị trên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng ký tên gửi đến Quốc Hội và các cơ quan Nhà nước Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho dừng ngay tức khắc việc giáo dục đối với kiểu loại chữ viết trong bộ sách này. Luật sư Lê Văn Luân cho rằng việc giảng dạy khác nhau đối với tiếng Việt là đang xâm phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, khi phá vỡ tính thống nhất và đơn nhất của chữ Quốc ngữ.

Hằng ngàn người dân Quảng Ngãi bao vây Ủy ban xã đòi 31 người bị bắt

RFA-2018-09-04 
Người dân phản đối nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
 Người dân phản đối nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi-Courtesy FB Người dân xã Phổ Thạnh
Theo tin từ người dân cho hay, vào sáng ngày 4 tháng 9 năm 2018, có khoảng hai ngàn người ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bao vây Ủy ban nhân dân xã này để đòi trả tự do cho 31 người dân bị bắt vào đêm 2 tháng 9 khi chặn quốc lộ 1 A yêu cầu làm rõ có hay không việc nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm đang hoạt động.
Một người dân giấu tên có mặt ở UBND xã, vào chiều ngày 4 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
Ở đây đồng bào bức xúc rất nhiều việc, người dân lên xã mời những người có thẩm quyền để mời người ta nói chuyện. Khi dân lên thì họ đưa những lực lượng công an ra đánh dân 1 người phải đi bệnh viện.
Đếm ra là lên đến hai ngàn mấy người, ở đây người ta không đối thoại mà đem lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, hình sự áp chế dân, đàn áp dân thôi.
Nhân dân chúng tôi ngày hôm nay bức xúc lên là do không tin tưởng vào lời nói của cán bộ vì cán bộ đã kêu là chờ quyết định để ra quyết định mà nhà máy rác lại làm lén lút, nên dân chúng tôi bức xúc xuống, mời chủ tịch xã đứng lên làm chứng cho dân mà anh lại cho lực lượng khống chế người dân.”
Ở đây đồng bào bức xúc rất nhiều việc, người dân lên xã mời những người có thẩm quyền để mời người ta nói chuyện. Khi dân lên thì họ đưa những lực lượng công an ra đánh dân 1 người phải đi bệnh viện. - Người dân 
Cũng theo người phụ nữ này, nhiều người đã bị đánh trong đó có cả người già và phụ nữ. Chị cho biết nhiều người chứng kiến một phụ nữ bị đánh, bị bóp cổ đến sẩy thai.
Chúng tôi gọi điện thoại cho Công an huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để xác minh sự việc nhưng người công an trực ban không nêu danh tính và từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên. Đài Á Châu Tự Do không có nguồn độc lập khác để xác minh số người đang tập trung ở UBND xã.
Mạng báo Bảo vệ Pháp luật cho hay, từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, nhiều người dân ở xã Phổ Thạnh đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh để xử lý, thậm chí người dân còn mang cả quan tài để ra đường.
Theo người dân, sở dĩ họ có phản ứng là do nghe thông tin, rác từ TP.Quảng Ngãi cũng được chở về đây để xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, nhà máy xử lý rác chưa đảm bảo môi trường, phát sinh mùi hôi và khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư chỉ khoảng 600m.
Một người dân địa phương giấu tên bày tỏ:
Bắt đầu sự việc là vào ngày 29-7 người dân tập trung ở nhà máy xử lý rác vì nó được xây dựng không đúng với khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân, khi xây dựng cũng không lấy ý kiến của dân.
Vào ngày 23-8-2018 thì ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng tuyên bố là có sai phạm và di dời nhà máy.
Tuy nhiên sau khi tuyên bố không cho hoạt động nhà máy nữa thì vào ngày 2-9-2018 thì người dân mới phát hiện ra nhà máy có sự hoạt động. Phía người dân mới lên yêu cầu UBND xã xác minh là sự việc đúng hay sai, nếu đúng thì yêu cầu lập biên bản.
Phía bên xã thì không có ai ra giải quyết cho dân, người dân thì dợi quá lâu nên bức xúc mà chặn đường Quốc lộ 1 A để mà cho công an vào để báo cáo sự việc xảy ra ở nhà máy rác.”
Một người dân xã Phổ Thạnh bị đánh ngất xỉu ở trụ sở UBND xã hôm 4/9/2018
Một người dân xã Phổ Thạnh bị đánh ngất xỉu ở trụ sở UBND xã hôm 4/9/2018 Courtesy FB Người dân xã Phổ Thạnh
Người dân cho biết đến trưa ngày 4/9, chính quyền địa phương vẫn còn bắt giữ 10 người và yêu cầu người dân ký biên bản đồng ý cho phép nhà máy hoạt động thì mới thả tiếp những người còn lại, nhưng người dân không đồng ý.
Kênh truyền hình An ninh TV trong một bản tin vào sáng 3-9 cũng phản ánh sự việc nhiều người dân xã Phổ Thạnh tập trung chặn xe ở Quốc lộ 1A và ném gạch đá, bom xăng khiến nhiều cảnh sát bị thương và có 31 người bị bắt, hiện đang bị tạm giữ tại Công an huyện Đức Phổ.
Tuy nhiên người dân phủ nhận thông tin này và cho biết những người đi đấu tranh chỉ toàn là người già, phụ nữ và trẻ em do đàn ông nơi này phần lớn là đi đánh cá ở biển.
Nguyện vọng của người dân địa phương hiện nay là nhà máy xử lý rác thải cần di dời khỏi xã Phổ Thạnh, cách xa khu dân cư và có công nghệ xử lý rác hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Sa Huỳnh do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư. Nhà máy hoàn thành và được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018. Nhà máy được thiết kế để xử lý rác cho toàn huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, trong ba lần đối thoại với chính quyền địa phương trước đó, người dân cho rằng việc bố trí nhà máy ở quá gần nhà dân là không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Theo ý kiến người dân, hơn 22 ngàn tấn rác thải ở bãi rác được đào bới lên để đưa vào nhà máy xử lý gây hôi thối dữ dội mà đến nay vẫn chưa được xử lý.
Trong một cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, Đại biểu Lê Công Nhường chỉ rõ, hiện nay môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do rác thải và phế liệu. Xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của chính quyền địa phương, cũng như lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.
Ông Lê Hồng Hà sau đó thừa nhận có việc này đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng Công an tố cáo các ‘nhóm lợi ích’ thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước

RFA-2018-09-04  
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018
 Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) trước tòa tại Hà Nội hôm 30/7/2018-Reuters
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội diễn ra vào ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương lên tiếng tố cáo các ‘nhóm lợi ích’, ‘công ty gia đình’ tham gia đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, rút tiền nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo trước Ủy ban Tư pháp, ông Lê Quý Vương nói việc xử lý các vụ án lớn đã cho thấy các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra ‘các nhóm lợi ích’, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo ‘sân sau’, ‘công ty gia đình’, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước.
Ông Vương cho biết trong 10 tháng qua, công an Việt Nam đã phát hiện 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã khởi tố tổng cộng 1.247 vụ với hơn 1.800 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tăng hơn 68% về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Những vụ án nổi tiếng được nêu ra trong báo cáo trước Quốc hội bao gồm các vụ tham nhũng, cố ý làm trái như Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây  Dựng), Hà Văn Thắm (Ocean Bank), Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc).

Quảng Ngãi: Dân thả 3 cán bộ, công an vẫn giam 9 người

RFA-2018-09-04  
Image may contain: one or more people, people standing, people walking and outdoor
 Hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phản đối nhà máy xử lý chất thải MD.  Courtesy: Ảnh chụp màn hình soha.vn
Chiều ngày 4 tháng 9, Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác liên quan đến vụ việc chặn Quốc lộ 1A vào đêm 2-9, rạng sáng 3-9.
Số người này bị cáo buộc là đã dùng gạch đá và bom xăng để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, người dân sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và trong các đoạn video quay tại hiện trường cũng không thấy sự việc cháy nổ do bom xăng.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 4/9, ông Dương cho biết có khoảng 500 người, vào sáng 4-9, đã bao vây UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để đòi trả tự do cho số người bị bắt trước đó, đồng thời tạm giữ 3 cán bộ gồm 1 công an và 2 người thuộc nhà máy xử lý chất thải MD, đơn vị bị người dân tố cáo là gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ chiều thì 3 cán bộ này lần lượt được trả tự do trong khi 9 người dân vẫn còn bị giam giữ ở công an huyện Đức Phổ.
Một nhân chứng giấu tên có mặt tại UBND xã Phổ Thạnh vào trưa 4/9 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng, có khoảng 2 ngàn người vây UBND xã và công an đánh một người dân phải nhập viện.
Ở đây bà con bị đánh rất nhiều, bà già, con nít, một thai phụ bị bóp cổ và đánh đến sẩy thai. Tôi chứng kiến, ở đây toàn dân xã Phổ Thạnh đều chứng kiến sự việc đó như vậy. Một số người bị bắt, bị đánh, họ thả về còn khoảng 10 người, họ bắt là phải đồng ý ký không di dời nhà máy rác mới thả ra. Dân chúng tôi không đồng ý và lên UBND xã và mời Chủ tịch xã để nói chuyện. Ông Chủ tịch xã nói là ông không có thẩm quyền để nói, ông không gặp, trốn tránh mà cho các anh cảnh sát giấu mặt để đánh dân tôi.”
Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện cho Công an huyện Đức Phổ để xác định thông tin nhưng bị từ chối trả lời.
Mạng báo Soha dẫn lời Đại tá Võ Văn Dương nói rằng, từ ngày 29/7 đến nay người dân xã Phổ Thạnh liên tục tập trung trước khu vực ngã ba đường tránh Tây Quốc lộ 1ª, đoạn qua Sa Huỳnh nối lên Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD.
Những người này phong tỏa tuyến đường, không cho xe ra vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải MD buộc phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian trên.
Cũng theo tờ báo này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đồng ý phương án di dời nhà máy.
Theo báo Quảng Ngãi, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỷ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8 năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2018.
Tuy nhiên, người dân địa phương phản ảnh là nhà máy này xây chỉ cách khu dân cư có 600 mét và khi xây không hỏi ý kiến người dân, dạo gần đây phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước khiến những người dân phải sống trong cảnh khổ sở.

Chống nhà máy rác ô nhiễm, 9 người ở Quảng Ngãi bị chụp mũ

Người dân phản đối nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vào tối 2 Tháng Chín. (Hình: Người Lao Động)
QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Lợi dụng dịp lễ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chụp mũ ghép tội “Chống người thi hành công vụ” và bắt giữ 9 người dân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, trong số hàng trăm người phản đối việc nhà máy rác gây ô nhiễm trầm trọng hơn một tháng qua.
Chiều 4 Tháng Chín, 2018, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo, cung cấp thông tin trong vụ “Gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông, chống người thi hành công vụ” trên quốc lộ 1A, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, vào đêm 2 Tháng Chín.
Báo Người Lao Động dẫn lời ông Võ Văn Dương, thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra, phó giám đốc Công An tỉnh Quảng Ngãi, cho hay khoảng 10 giờ đêm 2 Tháng Chín, một số người “quá khích” ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã “bịa chuyện, loan tin” nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt MD, vốn đang bị người dân ngăn chặn hoạt động từ hôm 29 Tháng Bảy tới nay, đã hoạt động trở lại nên có khoảng 500 người dân bị “kích động,” kéo ra chặn đường quốc lộ 1A, đoạn trước trụ sở Công An xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, gây tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ liền.
Chính quyền địa phương cùng lực lượng công an đã “liên tục giải thích, vận động, chứng minh nhà máy rác không hoạt động” nhưng người dân không tin.
Nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, sau khi sự việc xảy ra, công an đã bắt giữ hình sự chín người gồm hai nam, bảy nữ với nhiều tội danh “Gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, cản trở giao thông…,” đồng thời xử phạt hành chính 23 người khác.
Tuy nhiên, không chịu khuất phục, đến sáng 4 Tháng Chín, khoảng 500 người dân tiếp tục kéo đến Ủy Ban Nhân Dân xã Phổ Thạnh phản đối, yêu cầu phải thả chín người đang bị bắt giữ.
“Người dân còn vây giữ ba người làm con tin gồm hai nam, một nữ tại một quán nước trước trụ sở ủy ban xã Phổ Thạnh. Sau đó, người dân thả người phụ nữ, còn lại hai người gồm một công an và một quản đốc nhà máy rác. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, người dân mới không vây giữ. Việc người dân vây giữ người, cản trở hoạt động của ủy ban xã Phổ Thạnh là nguy hiểm và có dấu hiệu phạm tội,” ông Dương nói.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt MD không đúng quy định, nguy cơ ô nhiễm môi trường… nên từ cuối Tháng Bảy tới nay, hàng chục người dân thay phiên nhau dùng vật cản túc trực 24/24 giờ, ngăn chặn nhà máy rác hoạt động.
Tỉnh Quảng Ngãi đã ba lần tổ chức đối thoại và hứa sẽ tạm thời đóng cửa, di dời nhà máy nhưng nhiều người vẫn kiên quyết ngăn chặn đến khi nhà máy di dời mới thôi. (Tr.N)

‘Tố’ trường lạm thu đầu năm học, phụ huynh bị công an ‘mời làm việc

Trường tiểu học Sơn Đồng - nơi được cho là xảy ra lùm sùm lạm thu học phí. (Hình: Tiền Phong)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm phụ huynh đến trường phản đối số tiền họ phải đóng lên hơn 7 triệu đồng (hơn $300) vào đầu năm học, số tiền không nhỏ đối với các gia đình nghèo. Điều đáng nói, khi một số phụ huynh đưa chuyện này lên Facebook thì bị công an xã “mời làm việc.”
Truyền thông Việt Nam đưa tin, hàng trăm phụ huynh học sinh trường tiểu học Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, chiều Thứ Ba, 4 Tháng Chín, 2018, kéo đến trường tiểu học ở địa phương, phản ứng mức thu nhiều khoản phí “khủng.”
Trong một danh dài liệt kê các số tiền mà phụ huynh học sinh phải nộp cho nhà trường xã Sơn Đồng, theo báo Thanh Niên là “không thể chấp nhận được,” như thu “tiền lớp chất lượng cao, bảng tính thông minh, học Hè, tiếng Anh tăng cường…” Tổng cộng các khoản tiền phải nộp đầu năm lên đến gần 7.4 triệu đồng (hơn $300) cho một học sinh. Gia đình nào có hai con đi học tiểu học thì số tiền trên dưới 15 triệu đồng là một gánh nặng không gánh nổi để cho con đi học.
Tháng trước, tin cho hay từ năm học 2018-2019 sẽ miễn học phí cho hai cấp tiểu học và trung học cơ sở. Ngay sau đó, đã có nhiều người báo động sẽ diễn ra tình trạng lạm thu dưới hình thức “tự nguyện” gia tăng. Nay người ta mới thấy các báo nêu ra chuyện đang xảy ra tại trường tiểu học Sơn Đồng.
Các khoản thu đầu năm bị phụ huynh “tố” là quá nhiều. (Hình: Thanh Niên)
Chỉ một ngày hôm trước, theo báo Người Lao Động, một dân địa phương đưa thông tin trên mạng xã hội “tố” trường tiểu học Sơn Đồng lạm thu và chia sẻ về các khoản thu không rõ ràng. Facebooker này cho hay, người những khoản nêu trên, cha mẹ học sinh còn phải đóng “Quỹ phụ huynh trường, quỹ lớp, quỹ học tập…” Rồi còn cả “phí vệ sinh” mà “tổng số tiền phải nộp được phụ huynh liệt kê chưa đầy đủ là hơn 8 triệu đồng, trong đó có rất nhiều khoản thu bất thường. Khi phụ huynh hỏi, giáo viên lòng vòng không giải thích được.”
Đáng chú ý, theo báo Tiền Phong, “Trước nhiều khoản thu thiếu minh bạch của trường tiểu học Sơn Đồng, một số phụ huynh đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội. Tuy nhiên, sau đó nhà trường đã tìm về tận nhà các phụ huynh này để nói chuyện. Một số phụ huynh đã chia sẻ bài lên mạng xã hội bị công an xã Sơn Đồng mời lên làm việc.”
“Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Thắng, trưởng Công An xã Sơn Đồng, xác nhận sự việc và cho biết thêm: Vừa qua công an xã vừa thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân xã mời phụ huynh đăng bài phản ánh việc tố trường tiểu học Sơn Đồng thu chi không rõ ràng lên mạng xã hội Facebook đến trụ sở làm việc,” báo này cho hay.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Thắng cho hay: “Việc đăng tải thông tin dễ nảy sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Phát hiện như vậy lãnh đạo ủy ban xã chỉ đạo công an mời người dân đăng bài ra để trao đổi, làm rõ.”
Đối diện với phụ huynh học sinh chiều 4 Tháng Chín, theo báo Thanh Niên, bà Hiệu Trưởng Nguyễn Kim Oanh giải thích: “Trên các trang mạng xã hội hiện đang có những thông tin sai lệch về các khoản thu đầu năm học.”
Hàng trăm phụ huynh đến trường để phản đối nhiều khoản thu vô lý của trường tiểu học Sơn Đồng. (Hình: Người Lao Động)
Bà cho rằng: “Các khoản thu này sẽ được tiến hành theo bốn bước nhưng hiện tại, nhà trường đang mới tiến hành đến bước thứ hai đó là lấy ý kiến của phụ huynh học sinh. Sau bước này, nhà trường mới tiến hành tập trung toàn bộ các ý kiến của phụ huynh từ 30 biên bản họp phụ huynh của 30 lớp…”
Sau khi bà Oanh kết thúc phần phát biểu, “Một số phụ huynh tiếp tục đặt các câu hỏi chất vấn nhưng bà Oanh đã vội vã bước khỏi bục sân khấu và yêu cầu các giáo viên về phòng họp hội đồng mà không trả lời bất cứ câu hỏi nào của phụ huynh. Điều này khiến tràng trăm phụ huynh có mặt tại đây rất bất bình vì lãnh đạo nhà trường đã không giải thích thỏa đáng, lại rất thiếu tôn trọng phụ huynh,” theo báo Thanh Niên.
Ngày 3 Tháng Chín, báo Lao Động thuật lời một giáo viên phàn nàn về chuyện nỗi khổ của giáo viên bị nhà trường bắt kiêm nhiệm vụ thu tiền cho nhà trường “làm mất nhiều thời gian chuyên môn và đặc biệt, làm giảm hình ảnh thầy cô trong học trò và phụ huynh, ngày càng không phù hợp trong môi trường chuyên nghiệp hiện nay…”
“…Giáo viên khó tập trung chuyên môn khi liên tục phải hối thúc học sinh đóng các khoản phí, trong cặp thì tả pí lù các loại bảng kê, danh sách thu tiền…” Và “Đó không phải là chuyên môn, cũng không phải là trách nhiệm của người thầy. Đừng để người thầy vừa đứng lớp rao giảng đạo đức rồi sau đó phải canh phụ huynh, học sinh để… đòi tiền.”
Cũng hồi tháng trước, ngày 21 Tháng Tám, ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế Hoạch Tài Chính, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, đã trao đổi với báo chí về tình trạng lạm thu đầu năm.
Trước câu hỏi cần có biện pháp “xử lý” kiên quyết, đặc biệt với người đứng đầu Sở Giáo Dục để chấm dứt tình trạng năm nào cũng lạm thu, ông Khánh cho biết theo phân cấp quản lý, đúng là người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở Giáo Dục, phải gánh một phần trách nhiệm, theo báo Lao Động. (TN)

Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc ‘bảo kê cờ bạc’

Ông Nguyễn Thanh Hóa khi còn giữ cương vị cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao (C50) - Bộ Công An CSVN. (Hình: Pháp Luật Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tướng công an Nguyễn Thanh Hóa chính thức bị cáo buộc “chống lệnh cấp trên” và bảo kê cho đường dây cờ bạc trên mạng để lấy hàng tỷ đồng “bôi trơn” của các ông trùm.
Báo Dân Trí hôm 4 Tháng Chín, 2018, cho hay Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao (C50) – Bộ Công An CSVN, bị cáo buộc “chống lệnh” chỉ đạo của cấp trên, có hành vi bao che cho đường dây đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng trên cả nước.
Nguồn tin dựa vào bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát tỉnh Phú Thọ trong vụ án rúng động dư luận “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.”
Là cục trưởng “phòng chống tội phạm công nghệ cao,” Tướng Hóa lại lợi dụng chức vụ và cơ hội để “chỉ đạo cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu” cho sếp trực tiếp của ông ta là Tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, ký quyết định ngày 14 Tháng Năm, 2015, về việc “thành lập công ty bình phong (công ty CNC) thuộc C50 trái với quyết định của Bộ Công An và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công An, đồng thời đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh Sát cho công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) do Tổng Cục Cảnh Sát quản lý, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty CNC) và đồng phạm.”
Bản cáo trạng cho biết: “Khi biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thanh Hóa đã không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao xác minh, xử lý.”
Khi bị cấp trên đòi báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Nguyễn Thanh Hóa đã “không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ đạo Phòng Tham Mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công An, nhưng lại báo cáo không trung thực để che giấu cho hành vi phạm tội của công ty CNC. Nguyễn Thanh Hóa đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản ký hợp thức trình Phan Văn Vĩnh để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an.”
Ông Nguyễn Thanh Hóa không nhận là đã cầm của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương số tiền 22 tỷ đồng (hơn $943,197) “bôi trơn” mà ông Hóa chỉ thừa nhận “Nguyễn Văn Dương đã hỗ trợ cho tập thể C50 tổng số tiền 700 triệu đồng (hơn $30,010), một bộ phần mềm diệt vius Symantec trị giá $30,000.”
Thời gian gần đây, tin cho hay ông Nguyễn Văn Dương (con rể của cựu bí thư Thành Ủy Hà Nội, cựu ủy viên Bộ Chính Trị CSVN Phạm Quang Nghị) đã khai những số tiền phải hối lộ cho hai ông tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Hồi Tháng Bảy, tại Cơ Quan An Ninh Điều Tra, ông Nguyễn Văn Dương khai đã “cúng” cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng (hơn $1.1 triệu) và $1,750,000, cùng chiếc đồng hồ Rolex trị giá $7,000.
Tướng Vĩnh đã khôn lanh tẩu tán hết tài sản nên khi bị khám xét nhà hồi Tháng Tư vừa qua, lực lượng khám xét chỉ thấy có căn nhà với số đồ đạc bình thường, không có cái gì quý giá hay tiền bạc. Tướng Vĩnh cũng bị cáo buộc “kháng lệnh” cấp trên như Tướng Hóa.
Ngày 5 Tháng Tư, 2018, ông Vĩnh đã bị “khởi tố bị can và bị bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu công an nhân dân” với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Cấp dưới trực tiếp của ông là Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố trước ông, cùng một tội danh.
Khi bắt hai ông trùm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, công an đã tịch thu hàng ngàn tỷ đồng, nhiều xe hơi, bất động sản, cùng các tang vật liên quan đường dây cờ bạc trên mạng RikVip/Tip.Club được mô tả là “khủng” nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Ước tính có đến 14 triệu người tại Việt Nam mở tài khoản để tham gia đỏ đen.
Hôm Thứ Hai, 3 Tháng Chín, báo Dân Việt nói rằng ông Nguyễn Văn Dương chỉ bị ghép cho hai tội tổ chức cờ bạc và rửa tiền và được “miễn trách nhiệm hình sự” cho tội “Đưa hối lộ” vì “chính sách khoan hồng của nhà nước.”
Người ta không rõ ông cha vợ Phạm Quang Nghị đã “chạy thuốc” như thế nào để con rể đỡ tội. Nhưng nhờ vậy hai ông tướng bị lột lon rất có thể không còn bị truy tố tội nhận hối lộ. (TN)

Tiền Trung Quốc được lưu hành trên đất Việt: Ai hưởng lợi?

Trúc Linh/Người Việt
Đồng Nguyên (Yuan) hay Nhân Dân Tệ sẽ được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Trong hình là cảnh đếm tiền Trung Quốc tại ngân hàng Thượng Hải. Tờ 100 Nhân Dân Tệ đổi được $14.6. (Hình: Getty Images)
WESTMINSTER, California (NV) – Hôm 28 Tháng Tám năm 2018, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ban hành thông tư số 19/2018, có nội dung hướng dẫn việc “Quản lý ngoại hối” trong hoạt động thương mại tại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ ngày 12 Tháng Mười, 2018 tới đây.
Theo đó, “các thương nhân, cư dân có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước, sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm đồng bạc Việt Nam hoặc ‘Nhân Dân Tệ’ và ngoại tệ tự do chuyển đổi…”
Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại ban hành thông tư này, chỉ đơn thuần là về tài chánh tiền tệ hay vì mục đích chính trị? Việt Nam hay Trung Quốc, ai có lợi trong việc này?
Theo thông tin do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới phổ biến, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017, thay thế vị trí mà Mỹ chiếm giữ trong suốt 15 năm qua.
Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt sợi và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và vật gia dụng trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bàn và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép,…
Trả lời phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng “Về dài, kinh tế Việt Nam càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày bối cảnh là các nguyên nhân, rồi mới nói về hậu quả. Với ông, đây chỉ là một quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm bình thường hóa một điều bất thường – và bất lợi cho Việt Nam, ông nhấn mạnh.
Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định.
“Thuần về kinh doanh, nhiều người Việt giao dịch với Trung Quốc tại biên giới đã dùng đồng Nguyên của Trung Quốc trong trao đổi vì doanh lợi và tiện lợi, chứ không nghĩ xa hơn. Nhưng hiện tượng cục bộ đó thu hẹp và không có ý nghĩa chính trị cho tới khi nhà nước Việt Nam ban thông tư chính thức hóa việc lưu hành tiền Trung Quốc trên đất Việt.”
Nói về bối cảnh sâu xa vì là nguyên do của tình trạng ông Nghĩa gọi là bất thường, ông nêu ra nhận định thuộc lãnh vực “vĩ mô” hay chánh sách quốc gia.
“Sách lược công nghiệp hóa Việt Nam của lãnh đạo Hà Nội có hại cho Việt Nam nhưng có lợi cho Trung Quốc. Lý do là qua chiến lược đó, Việt Nam tiếp nhận trang bị lỗi thời đã bị Trung Quốc đào thải vì hủy hoại môi sinh, Việt Nam lại còn nhận đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực địa dư chiến lược cho an ninh quốc gia, và các dự án xây dựng hay năng lượng thiếu phẩm chất mà thừa tai họa.”
Hàng hóa từ Trung Quốc chờ xuất cảng qua cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam. (Hình: Getty Images)
Theo ông Nghĩa, giới lãnh đạo Hà Nội không thể không biết tình trạng bất cập đó từ nhiều năm qua để sửa sai nhưng vẫn tiếp tục vì mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nay Bắc Kinh thúc giục Hà Nội hợp thức hóa việc sử dụng đồng Nguyên tại Việt Nam vì một số tỉnh tiếp giáp Việt Nam cần hoàn tất việc xây dựng bảy “khu vực mậu biên” – là mậu dịch tại biên giới. Lý do nằm trong trận thương chiến vừa bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Bắc Kinh muốn tuồn hàng cho Việt Nam dán nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán ra ngoài khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thấy ra chính sách thương mại bất chính của Trung Quốc. Việc sử dụng tiền Tàu trên đất Việt sẽ giúp cho mục tiêu gian trá đó.”
Được hỏi về hậu quả của quyết định này, ông Nghĩa nêu ra nhiều nhận xét.
“Thứ nhất, Việt Nam bị đẩy sâu hơn vào tình trạng lệ thuộc Trung Quốc đã quá nặng.
Thứ hai, Bắc Kinh thành công khi tạo ra hình ảnh Việt Nam là một đồng chí và bạn hàng số một trong Hiệp Hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á và cho thấy đồng Nguyên của họ trở thành một “ngoại tệ phổ biến” trong ngoặc kép.
Thứ ba, Trung Quốc có thể lũng đoạn hệ thống hối đoái hay ngoại hối của Việt Nam với khí cụ mới là đồng Nguyên do Bắc Kinh chứ không do thị trường tự do quyết định về trị giá. Thứ tư, thế giới bên ngoài không thể không biết chuyện đó vì báo chí quốc tế đã nói từ lâu, cho nên Việt Nam dễ bị các nước trừng phạt về mậu dịch khi bán hàng Tầu dưới nhãn Việt.”
Khi được hỏi đánh giá thế nào về phản ứng của người dân Việt Nam về việc này, ông Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ vẻ bi quan. Ông không nghĩ người dân Việt Nam sẽ phản ứng dữ dội, bởi nhiều người không biết chuyện đồng nhân dân tệ được lưu hành ở Việt Nam. Nếu biết, cũng không nhiều người dân dự đoán được việc này sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam, trừ khi báo chí phân tích rõ ràng sự lợi hại.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết luận rằng Hà Nội đã cân nhắc từ lâu và quyết định trôi sâu hơn vào vòng lệ thuộc Trung Quốc vì chính trị mới thực sự chi phối chính sách kinh tế. (Trúc Linh)