Sunday, April 28, 2019

Bộ Công Thương CSVN muốn đóng dấu ‘mật’ vào giá điện


Ngành điện đang gây xôn xao vì hóa đơn tiền điện của người dân tăng cao bất ngờ trong tháng đầu tiên tính theo mức giá điện mới. (Hình: Thanh Niên)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi người dân đang xôn xao vì hóa đơn tiền điện tăng cao bất ngờ trong tháng đầu tiên tính theo mức giá điện mới, Bộ Công Thương CSVN lại có tham vọng “đóng dấu mật” vào thông tin giá điện bán ra cho người dân.
Báo Thanh Niên hôm 27 Tháng Tư, 2019, cho hay, trong dự thảo “Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương” mà Bộ Công Thương CSVN đang lấy ý kiến, “có 13 thông tin, tài liệu thuộc diện tối mật và 30 thông tin, tài liệu thuộc danh mục mật.”
“Đặc biệt, trong báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật. Theo đó, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố vào thuộc danh mục tài liệu mật,” báo này dẫn chứng.
Nhận định với báo Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả, nói rằng những gì liên quan đến giá cả đều là vấn đề “hết sức nhạy cảm.” Nguyên tắc chung là những mặt hàng nhà nước điều chỉnh giá nên được giữ bí mật trước khi thay đổi nhằm tránh gây hỗn loạn thị trường, tránh đầu cơ…
Tuy nhiên, với mặt hàng điện là vừa sản xuất vừa tiêu thụ nên lo ngại tình trạng đầu cơ như xăng dầu là không có. Vậy vấn đề lo ngại gây hỗn loạn thị trường có thể là một trong những lý do khiến Bộ Công Thương đề nghị đưa giá điện vào danh mục mật.
Ông Long nhấn mạnh, “điều này cũng không thuyết phục và không cần thiết bởi với mặt hàng điện, công cụ quản lý lẫn lực lượng hàng hóa đều nằm trong tay nhà nước quản lý.”
“Không có gì là không giải quyết được. Theo tôi, cơ chế thị trường đòi hỏi sự minh bạch. Riêng với mặt hàng điện, hiện giá thành sản xuất điện còn rất mơ hồ, bởi hệ thống điện hiện được phát từ nhiều nguồn, giá thành lại chưa từng được tính toán công khai, cụ thể, cân đối thế nào thì càng ‘mật’ càng gây bất bình với người tiêu dùng,” ông Long nhận xét.
Theo ông Long, trong bối cảnh giá điện đang thiếu minh bạch mà còn muốn “mật” nữa thì Bộ Công Thương đang quá “nuông chiều” ngành điện.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Tiến Sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng muốn minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện. Giá thành sản xuất điện hiện nay chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống khi mà Tập Đoàn Điện Lực VN (EVN) vẫn còn chiếm tới hơn 70% nguồn phát của toàn hệ thống.
“Yêu cầu quan trọng thứ hai là phải minh bạch được giá truyền tải và phân phối điện. Khi EVN còn độc quyền trong khâu truyền tải và phân phối điện thì các khoản chi phí do quản lý yếu kém, hao hụt đường truyền, hay lương, thưởng lớn…; người tiêu dùng điện vẫn phải cõng vào giá điện. Thứ ba là không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác, dù đó là nhà máy sản xuất thuộc EVN hay ngoài EVN,” ông Phong nói.
Tiến Sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng thuộc Liên Minh Năng Lượng Việt Nam, đánh giá nhiều năm qua, giá điện luôn là nỗi bất bình của người dân và doanh nghiệp, không phải do quá cao mà do chưa công khai, minh bạch cách tính.

Giá điện luôn là nỗi bất bình của người dân và doanh nghiệp do chưa công khai, minh bạch cách tính. (Hình: Thanh Niên)

Theo ông Lâm, tổng chi phí theo từng loại giá có từ 7 đến 9 yếu tố được tính vào đầu vào, gồm: khấu hao, nguyên nhiên liệu, vật liệu; lương (thưởng); sửa chữa lớn; dịch vụ mua ngoài; chi phí tài chính (lãi vay, chênh lệch tỷ giá); chi phí phát triển khách hàng và các chi phí bằng tiền khác. Trong các chi phí trên, có chi phí khấu hao và chi phí định mức lương là do nhà nước quy định, còn các chi phí khác do EVN tự quyết định. Việc EVN tự quyết định dẫn đến khả năng có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.
“Còn rất nhiều khoản như lượng nhân công, tiền lương, hiệu suất thiết bị… đang bị lờ đi. Quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các khoản đầu vào để tính toán chi phí. Không công khai tức là giá không thực, có thể còn có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết vì chính họ bị thua thiệt,” ông Lâm nói.
Ông Lâm nói thêm, ngành điện luôn nhắc nhiều đến giá đầu ra mà ít đề cập đến đầu vào. Nhiều luật sư đã tìm hiểu và kết luận rằng trong khoảng 10 năm trở lại đây, không có văn bản nhà nước nào quy định không công khai cách tính giá điện, chi phí đầu vào.
Tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp điện đã tự thống nhất với nhau đưa những thông tin này vào “vùng cấm.” “Nay, Bộ Công Thương đề nghị đưa kế hoạch điều chỉnh giá điện chưa công bố vào danh mục bí mật nhà nước, nghĩa là đang chính thức chặn đường giám sát giá điện của người dân. Ngoài ra, điều này trái với Luật Giá vì theo nguyên tắc, giá cả của các mặt hàng phải được công khai cho cả hai phía người mua và người bán, bảo đảm đủ điều kiện chi trả của người dân,” báo Thanh Niên dẫn chứng.
“Ngành điện hiện nay cũng có BOT như các công trình BOT giao thông nhưng còn tệ hơn vì với mỗi trạm thu phí BOT, người dân có thể biết được tổng số tiền đầu tư của dự án, đếm được số lượng phương tiện qua lại, nhân với số tiền để biết được thời gian thu hồi vốn cho doanh nghiệp là bao lâu, từ đó phản ứng với những trạm BOT thu trái quy định. Còn ngành điện thì ‘bó tay,’ thu bao nhiêu, tăng bao nhiêu cũng phải chịu. Điều này là quá vô lý,” ông Lâm bất bình nói.
Luật Sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn, cho rằng hiện ngành điện đang được độc quyền, đã độc quyền thì bắt buộc phải công khai cách tính giá, chi phí đầu vào để khách hàng kiểm soát.
“Mỗi lần điện tăng giá có hàng ngàn lý do mà người dân không thể phản biện vì có biết gì đâu mà phản biện. Điều này không thể chấp nhận được,” ông Nghiêm quả quyết.
Theo ông Nghiêm, Bộ Công Thương thống kê giá điện tại 25 nước, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ… và cho rằng giá điện của Việt Nam ở mức thấp nhất. Tuy nhiên cách so sánh này không thuyết phục vì muốn so sánh, phải so tỷ suất giá điện tính đối với tổng thu nhập quốc dân và trên thu nhập bình quân của mỗi người dân là bao nhiêu. Chưa kể ở các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển, nhân công trả cho ngành điện rất cao và họ tính cả phí tổn tác động tới môi trường vào cơ cấu giá điện.
Báo Thanh Niên cho hay, việc mập mờ, không công khai cách tính giá điện diễn ra trong nhiều năm qua, gốc rễ vấn đề là do một thị trường không có cạnh tranh, do độc quyền ngành điện.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, chỉ có giải pháp duy nhất là sớm hình thành một thị trường điện, trong đó có sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Không thể cơ chế thị trường mà cho một doanh nghiệp nhà nước độc quyền phát đến 70% nguồn điện.
Theo các chuyên gia, cần cho phép nhiều doanh nghiệp bán buôn, phân phối cho nhiều đơn vị cơ sở bán lẻ. Khi đó, người mua sẽ được quyền mua điện từ bất cứ doanh nghiệp nào mà họ cảm thấy phù hợp. (Tr.N)