Tuesday, June 6, 2017

Đê tiện và lươn lẹo

Trần Thảo (Danlambao) - Liên quan tới vụ đề xuất của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, đơn vị Bắc Kạn, bắt buộc Luật Sư phải tố giác thân chủ khi biết thân chủ của mình phạm tội, bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại tuyên bố rằng đề xuất đó có trở thành luật hay không là do quốc hội quyết định. Bà Ngân lại còn chơi chữ khi đề nghị đừng dùng chữ tố giác nghe có vẻ nặng quá, hãy dùng chữtiết lộ thông tin.

Đối với người phụ nữ, dù đó là vẹm cái , tôi chưa bao giờ muốn dùng từ nặng để chửi. Nhưng lần này quả là không kìm được sự phẫn nộ. Đúng là loài đê tiện và lươn lẹo.

Quốc hội Việt Nam là cái quái gì, danh giá gì, chính nghĩa gì mà bà Ngân trao cho quyền quyết định? Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao của quốc gia trong một thể chế tự do dân chủ đích thực, nhưng ở Việt Nam chỉ là một cơ quan bù nhìn không hơn kém. Ăn lương từ tiền thuế của dân, nhưng tới hội trường quốc hội thì chỉ biết ngủ, gật đầu, giơ tay. Những tên đầu lãnh của đảng cướp từ Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Trưởng Quốc Phòng, các bộ trưởng ,thứ trưởng v.v... đều nhào vô quốc hội giành ghế trong đó. Hành pháp, lập pháp, tư pháp chồng chéo lên nhau, tạo nên gánh nặng trên đôi vai gầy guộc của người dân đen.

Đảng bảo thông qua thì đố có thằng, con đại biểu quốc hội bù nhìn nào dám lắc đầu? Còn khi không muốn cho dự luật thông qua, thì cứ bảo thằng não nhũn Nguyễn Hạnh Phúc ra tuyên bố cho rằng dự luật chưa đủ chất lượng là xong, ầm ĩ lên chi cho thêm phiền? Người dân đã nhìn thấu ruột gan của lũ cướp ngày từ lâu rồi, cần gì phải làm bộ làm tịch hả bà chủ tịch Kim Ngân?

Hôm nay lại nghe bà Ngân sính chữ nghĩa? Bà Ngân đề nghị dùng chữ tiết lộ thông tin thay vì dùng chữ tố giác nghe nặng quá?

Vậy làm phiền bà Ngân cho sửa lại những chữ "nặng quá" trong lịch sử của đảng cướp luôn, để nghe cho sướng cái lỗ tai một chút nhé!

Trong Cải Cách Ruộng Đất, nông dân nghe lời bịp bợm của mấy tên vẹm chúa,đấu tố những người bị quy là địa chủ hay tư sản. Từ nay xin sửa lại, thay vì dùng chữ đấu tố, hãy dùng chữ hỏi thăm sức khoẻ cho nhẹ nhàng hơn.

Sau 1975 , hằng triệu quân cán chính của VNCH bị đưa vô nhà tù ở khắp miền đất nước, nhưng thiết nghĩ chế độ đã dùng chữ cải tạo là đủ nhẹ nhàng bay bướm rồi, khỏi cần thay đổi nữa?

Cũng giống vậy, Việt Kiều trước đây bị gọi tên là lũ phản bội tổ quốc, chạy theo Đế Quốc Mỹ vì bơ thừa sữa cặn. Nhưng không biết có phải do đề nghị của bà Kim Ngân hay không mà từ lâu đã được sửa lời, Việt Kiều bây giờ được âu yếm gọi bằng cái tên khúc ruột ngàn dặm của tổ quốc. Nghe sao mà mát cái ruột quá chừng! 

Chính vì cái lưỡi không xương, nhiều đường lươn lẹo này mà trong gần một thế kỷ qua, bao nhiêu thế hệ thanh niên đã nhắm mắt đi theo tiếng gọi của quỷ dữ trong cái gọi là xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Cứu nước đâu không thấy, chỉ thấy hy sinh biết bao máu xương vô định để thực hiện tham vọng của một lũ tội đồ. Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên sô, Trung Quốc. Không biết tên nào đã phun ra những lời đó? Con cháu của nó thì đi du học Liên Sô, Đông Âu, chuẩn bị thế hệ lãnh đạo kế tiếp, nhường cái vinh hạnh bỏ xác Trường Sơn, Kon Tum, Trị Thiên, Đồng Xoài, Bình Giã cho con em của bình dân bá tánh? 

Bà chủ tịch quốc hội à!

Người ta làm đĩ chín phương cũng chừa lại một phương, để rồi còn có thể điểm phấn tô son lại mà lấy chồng. Còn cái đảng chết tiệt của bà bây giờ như một mụ tú bà về già, mười phương nát bét, dù mặt trát đầy phấn, hai tay trương bảng trinh tiết, cũng chả lừa gạt được ai, may ra chỉ có những đứa não nhũn dư luận viên là còn theo bà hít bả mía mà thôi.

Đảng của bà đã mớm lời cho con ngựa xé Nguyễn Thị Thủy, vẽ đường cho đảng trói tay luật sư, cắt đứt mọi con đường tìm về tự do công lý của những người Việt Nam không chịu cúi đầu trước bạo quyền, áp bức bất công. Đừng vẽ vời làm gì khi cho cái cơ quan bù nhìn đó thảo luận tới thảo luận lui, đảng cứ quyết định thành luật luôn cho nó gọn, khỏi tốn thêm cơm gạo của dân, bà chủ tịch nghĩ có đúng không?

4/6/2017


Nhà cầm quyền cộng sản quyết khai thác tài nguyên, khoáng sản để làm giàu

Hải Âu (Danlambao) - Nhà nước cộng sản Việt Nam quyết tâm khai khoáng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Đó là một trong những nội dung quan trọng mà đcsvn thể hiện trong cuộc họp tìm giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế vùa diễn ra trong ngày 1/6.

Trong buổi họp, Bộ Công thương đã đưa ra những con số nhằm minh họa cho mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 bằng việc khai khoáng công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác dầu thô, điện, than… và một số ngành chế biến, chế tạo công nghiệp. Cơ quan của Bộ này tiếp tục đề xuất nhà cầm quyền tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản có giá trị như quặng titan, đá vôi trắng… với lý do để đóng góp vào sự tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Sau phần trình bày của các cơ quan ban ngành, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội đều đã rất trách nhiệm ở mức cao, những nỗ lực này đem lại kết quả cụ thể trong cân đối vĩ mô, củng có khả năng tăng trưởng kinh tế trong điều kiện rất khó khăn. Việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn nhưng không phải không thực được. Ông Dũng cho rằng việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp là để đạt mục tiêu nhưng “không duy ý chí, không chủ quan”. (1)

Nhận định rằng buổi họp này của nhà cầm quyền dường như muốn nhân dân hiểu rằng nhà nước đang tích cực trên con đường phát triển đất nước bằng việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực chất chúng ta chẳng thấy một kế hoạch cụ thể nào cho việc thực hiện mục tiêu lớn lao mà nhà cầm quyền thông qua Bộ Công thương để vẽ ra chiếc bánh kinh tế. Những lời “giáo huấn” của phó thủ tướng cộng sản dường như là một kịch bản thường được sử dụng trong hầu hết các buổi họp do cộng sản đàng chủ trì. Những chỉ thị, chỉ đạo này nọ cũng chỉ là việc che đậy sự bất tài và thói tham vô đối của một tổ chức cai trị được mang tên Chính phủ.

Những đề xuất, những giải pháp đưa ra trong cuộc họp chắc chắn sẽ được nhà cầm quyền cộng sản ưu ái thông qua theo kiểu “tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất”. Quả thật đó là sự lươn lẹo của những kẻ đứng đầu tập đoàn cai trị, cầm quyền cộng sản. Điều này tạo ra những con dê tế thần nếu chẳng may những dự án hay những kế hoạch ký kết khai thác khoáng sản đem lại hậu quả xấu. Khi ấy nhà nước vô can vì đã chỉ thị, chỉ đạo doanh nghiệp này, tập đoàn nọ phải đảm bảo và thực hiện “đúng qui trình”.

Việt Nam không phải là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng với khả năng cai trị của cộng sản đảng, “đỉnh cao trí tuệ” của nhà sản đã bất chấp tất cả với mục tiêu kiếm thật nhiều tiền. Chẳng có điều gì tốt đẹp trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi mà cuộc sống người dân Việt Nam vẫn phải lao đao với chính những sản phẩm được khai thác trên chính lãnh thổ của quốc gia mà mình sinh sống. Mọi lợi nhuận nếu có cũng chỉ quan chức nhà sản cùng những tập đoàn, doanh nghiệp chia chác, trục lợi bằng tài nguyên của đất nước.

Hơn nữa Việt Nam không phải là một đất nước có nền tảng khai thác khoáng sản công nghiệp. Việc thực hiện các dự án khai khoáng chủ yếu được liên kết với các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Điều trớ trêu là hầu hết các ký kết dự án của Việt Nam đều do Trung cộng trúng thầu.

Và rồi đằng sau những dự án khai khoáng ấy để lại là một hậu quả nghiêm trọng về môi trường, về an ninh quốc phòng. Rõ ràng việc thực hiện dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên vẫn chưa thể thống kê hết thiệt hại về tài nguyên, sự tàn phá môi trường, mối nguy hiểm về an ninh quốc phòng. Đó là những gì mà nhà nước cộng sản quyết tâm bằng mọi giá thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bất chấp những lời kêu gọi, những phân tích khoa học của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhà cầm quyền đã đàn áp, bắt bớ, bỏ tù những ai lên tiếng phản đối dự án mang sứ mạng “tăng trưởng kinh tế”. Phần những kẻ quyết tâm đào bới khoáng sản thì đã làm “người tử tế” ở nơi nào đó.

Điều đáng nói khoáng sản la tài nguyên quốc gia, là tài sản của dân tộc chứ không phải của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hay kể cả cộng sản đảng. Vậy nhưng quan chức cộng sản luôn tự cho mình quyền ban phát “ân sủng” để thực hiện việc khai thác. Để rồi hậu quả nghiêm trọng từ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản một cách vô tội vạ là sự tàn phá mội trường sống mà cả dân tộc này phải hứng chịu. Bên cạnh đó là sự nguy hiểm rình rập từ “người anh” láng giềng của cộng sản đảng là Trung cộng luôn tìm cách xâm lược, thôn tính Việt Nam bằng những âm mưu hợp tác kinh tế.

Thiết nghĩ việc tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu quan trong của bất kỳ nhà nước nào trên thế giới. Nhưng việc ấy phải thực hiện bằng khả năng, bằng việc sử dụng các sản phẩm trí tuệ, bằng chuỗi hàng hóa, dịch vụ v.v... Không thể xem việc đào bới tài nguyên khoáng sản rồi gắn cho chúng cái nhãn hiệu tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ “khoáng” có hạn mà khả năng “khai” của nhà cầm quyền cộng sản là vô hạn. Vậy thì tương lai Việt Nam sẽ còn lại gì ngoài những cái “hố hậu quả” từ việc khai khoáng do nhà cầm quyền cộng sản chủ trương để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Mà có lẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ là mỹ từ mà quan chức nhà sản dùng để che đậy mục đích lợi ích cá nhân của những kẻ cầm quyền. Trong đó, phó thủ tướng cộng sản Trịnh Đình Dũng và thành phần lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền đều là những kẻ vẫy máu ăn phần trong “chiếc bánh kinh tế”.

5/6/2017



Lũ quỷ lại đòi chặt cây

Hạ Trắng (Danlambao) - Nhà cầm quyền Hà Nội loan tin sẽ chặt khoảng 1300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng trước ngày 30/9/2017 để thi công Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long. Cụ thể, sẽ chặt 1000 cây xanh, di chuyển 158 cây và cắt tỉa 142 cây. Công trình này do Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông Hà Nội (Sở Giao thông- Vận tải Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra “sáng kiến” chặt cây để phát triển kinh tế (theo lý giải của những kẻ lãnh đạo thành phố này) mà dư luận đã dậy sóng bởi những đợt chặt cây vô tội vạ vào mùa hè năm 2015- một mùa hè nóng như thiêu đốt.

Lần chặt cây năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh Hà Nội nóng như chảo lửa, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức 45 đến 50 độ C, thậm chí vào giờ nắng gắt nhất, nhiệt độ đo được tại lòng đường là gần 60 độ C. Người dân thủ đô đang phải chịu đựng những đợt nắng nóng chưa từng thấy, khắc nghiệt hơn những đợt nóng kỷ lục của năm 2015. Trong tình trạng nắng nóng khủng khiếp như thế này thì chặt một cây xanh trên đường phố cũng không thể chấp nhận được dù với bất cứ lý do nào. Chưa cần phân tích đến yếu tố môi trường, chỉ cần nói đến tác dụng làm “bóng mát” của cây xanh, cũng thấy được sự độc ác và ngu dốt của những kẻ được gọi là “lãnh đạo thành phố”.

Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội phọt -mô- sa một câu ngây ngô và vô trách nhiệm rằng: “Chặt cây ai cũng tiếc, mình đang trồng chả được nhưng trong quá trình phát triển, cần di dời cây thì buộc phải làm”.

Vậy thì tiên sư nhà Hải, nếu Hải tiếc thì Hải chặt làm gì. Nói như Hải, thì trước khi phát triển một cái gì đó (mà không biết nó là cái con tự do gì) thì đều phải phá hoại, đều phải dỡ bỏ, đốn chặt, khai tử cho những thứ khác à. Ai cũng biết tỏng, cái thứ được gọi là “quá trình phát triển” chính là đặc quyền đặc lợi cho bọn chóp bu cộng sản được đánh đổi từ chính mồ hôi, nước mắt, xương máu, tài sản của người dân lao động.

Giới cộng sản cai trị đương nhiên không bao giờ thèm đếm xỉa đến đời sống cơ cực, thậm chí tính mạng của người dân. Nhưng giả sử, nếu để cho Hoàng Trung Hải thử làm công việc của một anh thợ hồ, một cậu bé đánh giày hay một chị bán hàng rong trên đường phố một ngày thôi giữa cái chảo lửa Hà Nội, Hải sẽ thấy thế nào.

Việc chặt phá cây xanh so với thảm họa môi trường tại miền Trung chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng mỗi việc dù lớn hay nhỏ, thì đều là những việc phản dân hại nước mà thủ phạm chỉ có một là đảng cộng sản Việt Nam.

Bây giờ, hãy cứ chặt phá, đốn hạ, hủy hoại đi, sau này, chính nhân dân Việt Nam sẽ hủy diệt, chôn vùi nhà nước độc tài này. Đến lúc đó, hãy nhớ những tội ác hôm nay để thấy diện mạo của mình chỉ là loài quỷ dữ.

5/6/2017

An ninh Hà Nội nói dối Mục Sư Nguyễn Công Chính rằng vợ ông ngoại tình

Giới chức an ninh CSVN đã vào tận nhà tù nơi giam giữ Mục sư Nguyễn Công Chính để tìm cách gạt ông rằng vợ ông ở ngoài đang ngoại tình.
Báo mạng The Christian Post hôm Thứ Hai 5 tháng 6 cho biết, đây là lời cáo buộc do bà Trần Thị Hồng, phu nhân Mục sư Chính, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Công giáo Á Châu UCA News. Mục sư Nguyễn Công Chính, một nhà truyền giáo bộc trực và cũng là nhà hoạt động dân chủ, đang thụ án tù 11 năm, sau khi bị bắt năm 2011 và bị vu cho tội hợp tác với nhóm kháng chiến FULRO đã hết hoạt động từ lâu.
Bà Hồng hôm 11 tháng 5 đi thăm chồng tại trại giam Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai. Trong buổi thăm nuôi này, bà được chồng kể cho nghe là có giới chức an ninh từ Hà Nội vào trại giam, nói với ông rằng bà đang ngoại tình. Người bị chấn động chính là bà Hồng. Bà nhận định đây là phương cách nham hiểm mà nhà cầm quyền cộng sản đã thực hiện hòng chia rẽ gia đình, bà và buộc chồng bà phải nhận tội để được trả tự do. Bà kể với UCA News rằng bà đã trấn an chồng rằng họ đều là con của Chúa và phải tin cậy lẫn nhau. Bà cũng khuyên ông hãy can đảm lên, bởi vì mọi người bên ngoài đang nỗ lực làm việc để cho ông sớm được tự do.
Bà Hồng cho biết vụ nói dối chỉ là một trong nhiều cách mà Mục sư Nguyễn Công Chính bị ngược đãi trong tù suốt 6 năm qua.
Huy Lam / SBTN

Nhiều luật sư Việt Nam sẵn sàng bỏ nghề nếu phải tố giác thân chủ

Nhiều luật sư Việt Nam sẵn sàng bỏ nghề nếu phải tố giác thân chủ
Nhiều luật sư Việt Nam cho biết họ sẵn sàng trả thẻ hành nghề nếu phải tố giác thân chủ theo đòi hỏi của dự thảo bộ luật hình sự của chế độ CSVN.
Dự thảo sửa đổi khoản 3 của điều 19 trong bộ luật hình sự 2015 viết rằng: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia…”. Ngoài ra, luật sư cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác khách hàng về một trong khoảng 80 tội danh được cho là đặc biệt nghiêm trọng.
Đài VOA cho hay, khoảng 40 luật sư đã tổ chức một buổi tọa đàm tại trụ sở Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam ở Hà Nội hôm 4 tháng 6 về điều luật này. Một trong những luật sư tham dự buổi tòa đàm là ông Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng ở Hà Nội, cho rằng việc buộc luật sư tố cáo thân chủ là “hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, mục đích của nghề”. Tại buổi tọa đàm, luật sư Đinh Việt Thanh, cũng thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, tuyên bố nếu quốc hội vẫn thông qua điều luật này, ông sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn, vì không muốn “làm điều thất đức”. Được biết nhiều người có mặt tại buổi tọa đàm đã vỗ tay sau lời phát biểu của luật sư Thanh. Quốc hội cộng sản Việt Nam vốn không có khả năng soạn luật. Hầu hết luật lệ được đưa vào quốc hội để thông qua đều được soạn theo ý chỉ của đảng cộng sản. Văn bản luật được soạn thảo bởi các bộ ngành thường được xem là không “chỉnh” về mặt ngôn ngữ luật và có phẩm chất kém, đôi khi phải được sửa đi sửa lại hàng chục lần.
Huy Lam / SBTN

Côn đồ cờ đỏ tiếp tục khiêu khích người dân giáo xứ Song Ngọc

Côn đồ cờ đỏ tiếp tục khiêu khích người dân giáo xứ Song Ngọc
Vào tối 05 tháng 6 năm 2017, hàng chục côn đồ mặc áo cờ đỏ, nẹt bô xe máy đến bao vây, khiêu khích giáo dân ở giáo họ Văn Thai, thuộc Giáo xứ Song Ngọc ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Một nguồn tin địa phương cho phóng viên SBTN biết: “Kể từ ngày 01/6 đến hôm nay, côn đồ liên tục đến bao vây, khiêu khích, nẹt bô xe gắn máy chạy quanh khu vực dân cư của bà con Công giáo ở Giáo họ Văn Thai. Họ cầm cờ đỏ tổ chức đi diễn hành và khủng bố tinh thần người dân, làm cho buổi tối không một ai dám ra đường”.
Trong lúc đó, nhà cầm quyền đã huy động lực lượng công an mật, cảnh sát cơ động đến đóng quân tại một địa điểm gần đó mà không có hành động ngăn cản, hay giải tán đám côn đồ khiêu khích.
Một giáo dân nhận định: “Dù lực lượng cảnh sát cơ động đã được huy động bố trí gần đó với mục đích nói là bảo vệ cha Thục và bà con giáo dân. Nhưng những gì xảy ra trong những ngày qua thì lực lượng cảnh sát cơ động đang có một âm mưu nào khác chứ không phải bảo vệ cha Thục và người dân công giáo chúng tôi”.
Xin được nhắc lại, vào tối 31 tháng 5 năm 2017, hàng trăm côn đồ cầm gậy gộc, mã tấu, đá cục đến bao vây bà con công giáo ở Giáo họ Văn Thai và đập phá tài sản, nhà cửa người dân trước sự chứng kiến của công an mặc sắc phục. Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc trong đêm đã gởi ra lời kêu cứu đến với dư luận và quốc tế.
Dư luận cho rằng nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đang muốn sử dụng côn đồ để tạo chia rẽ “lương – giáo”, nhằm cô lập người Công giáo để dễ dàng đàn áp. Cá nhân Linh Mục Nguyễn Đình Thục đã căn dặn người dân đừng để  mắc mưu hèn kế bẩn này.
IMG_3310
Nguyên Nguyễn / SBTN

Việt Nam: Còn lâu mới có thức ăn, nước uống sạch

Ở Việt Nam, mua gì cũng phải cân nhắc xem có sạch hay không. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – An toàn thực phẩm chuyện tưởng như đương nhiên nhưng lại trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Quốc hội Việt Nam. Cuối cùng, vẫn chẳng có giải pháp nào khả thi.
Thực phẩm nhiễm đủ loại hóa chất nguy hại cho sức khỏe vốn là vấn nạn trầm kha mà hệ thống công quyền Việt Nam bó tay.
Trong báo cáo gần nhất gửi Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam cho biết, từ 2011 đến 2016, tại Việt Nam có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 nạn nhân, 164 người trong số này đã chết.
Những số liệu vừa kể tuy rất đáng chú ý nhưng theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh, đó chỉ là “phẩn nổi của tảng băng”. Mỗi năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy vì thực phẩm bẩn và dân chúng tự xử nên không được các cơ sở y tế ghi nhận. Ông Mai lưu ý, còn hàng loạt loại bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh do thực phẩm bẩn chưa được đề cập.
Theo ông Mai, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đã thử tiến hành một cuộc khảo sát mà theo đó, chỉ có 10% người tham gia khảo sát cho biết, họ yên tâm với thực phẩm mà họ sử dụng hàng ngày. Đó cũng là lý do dân chúng Việt Nam thi nhau tự trồng rau, tự nuôi gia súc, gia cầm để sử dụng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu của tỉnh Quảng Bình, nhận định, tuy có rất nhiều luật (Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Tố tụng dân sự ) và các văn ban dưới luật, cùng với ba bộ (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế) nhưng thực phẩm vẫn bẩn, dân chúng vẫn khjo6ng biết đường đâu mà lần.
Ông Phạm Trọng Nhân nêu ví dụ, hiện nay, một cọng bún được tới ba bộ quản lý: Nguyên liệu và bột gạo thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương. Kiểm tra xem cọng bún có chất nào nguy hại cho sức khỏe hay không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Y tế song bún vẫn… không an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu của Sài Gòn, bổ túc thêm, các cơ sở sản xuất thực phẩm đang bị bủa vây bởi một rừng qui định – đòi phải xin “giấy chứng nhận”. Trong số này có 59 thủ tục phải hoàn tất để được nhận các loại “giấy chứng nhận” từ cấp bộ, 47 thủ tục phải hoàn tất để có thêm những “giấy chứng nhận” khác từ chính quyền các địa phương. Thế nhưng theo bà Lan vì hệ thống công quyền chỉ quan tâm đến các loại “giấy chứng nhận” nên nhũng nhiễu tràn lan còn thực phẩm vẫn cứ bẩn.
Ông Phạm Trọng Nhân lưu ý đến một vấn nạn khác đã được đề cập từ lâu nhưng bị giới hữu trách phớt lờ. Đó là việc cho phép nhập khẩu đủ loại “thuốc bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc với số lượng càng ngày càng lớn. Mỗi năm, Việt Nam tiếp tục nhập khoảng 100.000 tấn “thuốc bảo vệ thực vật” với 4.100 loại khác nhau. Trong số này có khoảng 3.500 loại mà ngay cả Trung Quốc cũng cấm sử dụng vì làm đất, nông sản nhiễm độc. Ông Nhân nêu thắc mắc, có phải Việt Nam đang tự đầu độc chính mình?
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chống chế, vấn nạn thực phẩm bẩn không quá nghiêm trọng, bằng chứng là nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước, là tuổi thọ trung bình của người Việt đã được nâng lên thành 74. Bà Tô Thị Bích Châu, đại biểu của Sài Gòn đã bác bỏ lập luận “tuổi thọ trung bình tăng”. Theo bà Châu, tuổi thọ về sức khỏe quan trọng hơn tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ về sức khỏe của dân chúng Việt Nam chỉ có 56. Nếu so hai thứ với nhau thì chảng lẽ chấp nhận sống 18 năm còn lại trong bệnh tật? Ông Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu của tỉnh Bình Dương cũng bác bỏ lập luận “nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn trước” vì đó là tác động từ tăng trưởng chung của kinh tế, không phải nhờ bảo vệ được an toàn thực phẩm. (G.Đ)

Cả trăm gia đình ở Ðà Nẵng 15 năm sống khổ sở vì bụi

Ðoạn đường bị xe tải băm nát tạo bụi liên tục. (Hình: Báo Thanh Niên)
ÐÀ NẴNG (NV) – Suốt 15 năm qua, hơn 100 gia đình người dân ở khu đô thị Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, vô cùng bất bình vì phải sống trong cảnh bụi bặm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống hàng ngày.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, ngày 5 Tháng Sáu, đoạn đường dẫn vào khu đô thị Phước Lý chỉ dài khoảng 0.5 cây số nhưng bị xe tải băm nát, khiến ngày mưa thì lầy lội, còn ngày nắng thì bụi bay mù mịt.
Ông Mai Mạnh, tổ trưởng tổ dân phố 267, cho biết, vào năm 2001, đoạn đường này được trải nhựa rất sạch sẽ, bằng phẳng, nhưng từ khi có các mỏ đá phía sau khu đô thị đưa vào khai thác, các xe tải ra vào thường xuyên làm cho mặt nhựa hư hỏng nhanh chóng rồi trở thành… con đường đau khổ lúc nào không hay.
“Chúng tôi phải sống trên con đường nắng thì bụi mù trời, mưa thì nước ứ đọng hơn 15 năm qua. Khu dân cư sát bệnh viện điều trị phổi mà từ năm 2008 đến nay đã 7-8 người chết vì chính căn bệnh này… Giờ chỉ mơ ước có một con đường sạch sẽ để sức khỏe, cuộc sống người dân nơi đây được bảo đảm,” ông Mai Mạnh tức giận nói.
Một người dân sống khu vực này thẳng thắn: “Kế hoạch làm đường nghe nói đã xong mà có ai làm đâu, lâu lâu tới đào bới lên rồi lại để đó, làm cho bụi càng thêm bụi, gây nguy hiểm thêm. Chính quyền thì cam kết Tết vừa rồi sẽ hoàn thành nhưng không xong, thế rồi cứ hứa tiếp đến bây giờ vẫn ngổn ngang.”
Nói với báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Như Hồng, phó chủ tịch phường Hòa Minh, xác nhận: “Tình trạng đường sá xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường đúng như người dân phản ánh. Các chủ mỏ khai thác đá trước đây có góp tiền để sửa đường nhưng chỉ dừng lại ở mức đổ đá dăm, được vài hôm thì đâu lại vào đó.”
Tin cho biết, đoạn đường này đã có kế hoạch làm lại từ Tháng Mười Một 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa làm xong. Người dân sống trên đoạn này đã bỏ kinh phí phá rào, giải tỏa mặt bằng cho kế hoạch làm mới mặt đường. Họ tự nguyện hiến thêm đất để làm cống thoát nước, cho mặt đường rộng thêm vì thành phố quy hoạch quá nhỏ.
Ông Lê Thế Nhân, chủ tịch phường Hòa Minh cho biết: “Trước nỗi khổ của người dân, quận và phường phải xin phép thành phố cấp vốn xây dựng. Tuy nhiên, do kế hoạch cho phép chỉ xây dựng đường nhựa 7.5 mét, mà người dân lại yêu cầu phải có ống cống hai bên nên phải tăng lên 7.9 mét. Bây giờ chỉ cần quận có ý kiến đốc thúc đơn vị thi công để làm nhưng vẫn chưa thấy.” (Tr.N)

Chống ‘cát tặc’, hai nông dân Vĩnh Long bị đánh trọng thương

Hàng chục người dân ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn luân phiên canh trực chiến đấu với nạn cát tặc. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
VĨNH LONG (NV) – Hai người trong vụ “Dân đấu tới cùng với xáng cạp” ở Vĩnh Long vừa bị đánh đổ máu trong lúc vây bắt 2 ghe “cát tặc” đang hút cát trộm trên sông Trà Ôn, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn.
Nói với báo Tuổi Trẻ, ngày 5 Tháng Sáu, công an huyện Trà Ôn, cho biết, đang thụ lý hồ sơ vụ hai người dân ở xã Phú Thành bị đánh trọng thương khi vây bắt “cát tặc” hút cát trộm trên sông Trà Ôn.
Theo đó, ngày 2 Tháng Sáu, hàng chục người dân ở ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn tiếp tục thay phiên canh trực phòng chống “cát tặc” để giữ đất đai, hoa màu. Ðến khoảng 23 giờ cùng ngày, người dân phát hiện và bắt quả tang 2 chiếc ghe loại lớn đang hút cát trộm sát bờ thuộc xã Phú Thành.
Trong lúc vây bắt, người dân bị nhóm người trên ghe hút cát chống trả quyết liệt bằng ống tuýp sắt, gậy gộc và mỏ lết. Hậu quả làm ông Phạm Ngọc Tâm và ông Nguyễn Văn Mẫm, hai trong số hàng chục “bà con Vĩnh Long đấu tới cùng với xáng cạp” để giữ đất đai không bị sạt lở mà báo truyền thông Việt Nam loan tin trước đó bị đánh đổ máu ở chân, tay, đầu và lưng.
Ðánh người xong, lợi dụng trời tối, một trong hai chiếc ghe hút cát đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Người dân xã Phú Thành bắt giữ được một ghe và điện thoại trình báo công an huyện Trà Ôn đến hiện trường tạm giữ chiếc ghe hút trộm cát và những người trên ghe, lập biên bản xử phạt hành chính. Riêng nhóm “cát tặc” đánh người gây thương tích đang được cho tại ngoại chờ củng cố hồ sơ giải quyết.
“Hiện ông Tâm và ông Mẫm vẫn đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Sau đó sẽ tiến hành giám định thương tích để bổ sung vào hồ sơ vụ gây thương tích,” một lãnh đạo công an huyện Trà Ôn cho biết. (Tr.N)

Cháy cảng cá ở Phú Yên, 3 tàu cá bị chìm, 4 hư hỏng

Một tàu cá bị cháy sém ở cảng cá Tiên Châu. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
PHÚ YÊN (NV) – Giữa đêm khuya, lửa bất ngờ bùng phát từ một chiếc tàu cá, ngay sau đó cả một góc cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, chìm trong biển lửa.
Ngày 5 Tháng Sáu, nói với báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Bùi Văn Thành, chủ tịch huyện Tuy An, cho biết, các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy lớn tại cảng cá Tiên Châu, thiêu rụi hoàn toàn ba tàu cá, bốn chiếc bị hỏng nặng.
Theo ông Thành, khoảng 23 giờ ngày 4 Tháng Sáu, người dân phát hiện một đám cháy bất ngờ bùng phát từ một tàu cá đang neo đậu. Lập tức nhiều người hô hoán, cùng nhau tìm cách dập lửa, đồng thời di chuyển các tàu cá đang neo đậu gần đó để tránh bị cháy lan.
Tuy nhiên, do trên các tàu có nhiều vật dụng dễ cháy như bình gas, dầu diesel, lưới,… trong khi đang có gió mạnh nên đám cháy nhanh chóng bùng lên dữ dội, lan rộng sang nhiều tàu khác. Trong khi đó, việc chữa cháy không hiệu quả do đám cháy xảy ra cách xa bờ, thiếu phương tiện chữa cháy.
Ðến khi Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy, Cứu Nạn Cứu Hộ công an tỉnh Phú Yên đưa hai xe chữa cháy cùng hàng chục lính cứu hỏa đến chữa cháy đến nơi thì ba tàu cá của ông Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Chút và Nguyễn Mỹ, cùng ngụ xã An Ninh Tây đang cháy đã bị gió đẩy ra xa, cách cầu cảng hơn 120 mét, bị lửa thiêu rụi hoàn toàn rồi chìm xuống biển. Ngoài ra, vụ cháy còn làm hư hỏng bốn tàu cá neo đậu gần đó.
Cũng theo báo Pháp Luật Sài Gòn, cùng ngày, gia đình ông Bùi Văn Chánh (38 tuổi), ngụ xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận cho biết, ông Chánh đã được đưa vào đất liền điều trị do bị bỏng nặng do tàu cá phát nổ, bốn ngư dân khác sức khỏe đã ổn định và được đưa về đất liền an toàn.
Trước đó, khoảng 2 giờ ngày 2 Tháng Sáu, tàu cá BTh 97565 TS hành nghề câu khơi, có 5 ngư dân do ông Nguyễn Văn Trường, ở Phan Thiết làm thuyền trưởng, trong lúc đánh bắt cách đảo Phú Quý khoảng 120 hải lý thì va chạm với một vật trên biển dẫn đến tàu bị phá nước.
Các ngư dân trên tàu cá đã tát nước, chống chìm cho tàu. Ðến 4 giờ cùng ngày, ông Chánh xuống hầm máy để nối điện cho máy bơm nước thì phát nổ lớn, lửa bốc lên thiêu rụi hoàn toàn tàu cá.
Ngay sau đó, những người trên tàu đã dìu ông Chánh ra khỏi khu vực nguy hiểm nhảy xuống biển thoát thân và may mắn được tàu cá của ông Nguyễn Hoàng Oanh, huyện Phú Quý phát hiện cứu vớt. (Tr.N)