Monday, June 27, 2016

Người lính VNCH sau chiến tranh - Phần 1

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-06-27  
000_ARP4061137.jpg
 Một người lính Việt Nam Cộng Hòa được di tản bằng trực thăng vào ngày 22 Tháng 2 năm 1971 sau khi bị thương trong cuộc đụng độ với Việt Cộng.  AFP photo
Sau biến cố 1975, nỗi buồn và niềm đau vẫn còn đọng mãi trong tâm trí và xác thịt của những người lính thuộc chế độ cũ, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người lính này trở về với cuộc sống thường ngày. Phía những thương binh miền Bắc, họ luôn nhận được sự ưu ái, hỗ trợ từ chính quyền mới, còn bên các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền, nên họ buộc phải bươn chải với đời để tồn tại với cơ thể không còn nguyên vẹn.
Bươn chải giữa dòng đời khắc nghiệt
Từ Cao nguyên Trung phần Việt Nam, ông Hồng – thương phế binh kể về những khó khăn của ông sau biến cố 1975:
“40 năm rồi từ khi ở Huế vào đây kinh tế mới, từng không có miếng ăn, từng phải đi xin để sống qua ngày... Khó khăn bây giờ thì không bằng thời bao cấp, thời bao cấp khổ lắm, thời bao cấp không có cả khoai sắn để ăn chứ đừng nói gì cơm, đừng nói gì gạo.”
Sau biến cố 1975, ông Hồng đã để lại 2 chân của mình trên chiến trường vì nền tự do của VNCH, cho nên ông không thể đi lại được như người bình thường, mà ông phải ngồi xe lăn để di chuyển.
Ông Hồng nói tiếp về cuộc hiện tại:
“Cũng sống tạm qua ngày vậy thôi, ở nhà phụ giúp con cái, có những lúc đau ốm, bệnh hoạn, mình lớn tuổi rồi không còn làm ra tiền, khi hàng xóm, bạn bè, người thân mời đi cưới hỏi, không có tiền thì phải xin con cái.”
Bạn bè… thằng đi bán nhang, thằng ăn mày, thằng thì ăn xin… đủ thứ trò hết à, miễn sao tồn tại qua ngày là được.
- Ông Nhàn
Những thương phế binh phải bươn chải kiếm sống giữa dòng đời xuôi ngược, rất nhiều người đã phải đi bán vé số tại các bến xe, bến tàu ở Sài Gòn. Từ Bình Thạnh, ông Nhàn – thương phế binh bị cụt một chân kể về những khó khăn:
“Khó khăn là không có nhà, có cửa, việc mướn phòng để ở rất khó, còn vợ đang bệnh đau không làm được gì thì khỏi nói rồi. Việc bán vé số thì chỉ được vào mùa nắng thôi, còn mùa mưa thì ế lắm.”
Khi được hỏi về cuộc sống những người bạn thương phế binh của ông hiện nay ra sao? Ông Nhàn cho biết, bạn bè ông phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh, họ làm nhiều nghề để tồn tại giữa cái nhìn không mấy thiện cảm của người dân, vì họ từng là sĩ quan của chế độ cũ.
Ông Nhàn nói tiếp:
“Bạn bè…(cười), thằng đi bán nhang, thằng ăn mày, thằng thì ăn xin… đủ thứ trò hết à, miễn sao tồn tại qua ngày là được.”
Không được quan tâm từ phía chính quyền sở tại
Ông Trung – thương phế binh bị cụt một chân đang sống tại Nha Trang khẳng định rằng, chính quyền sở tại không giúp gì cho những người thương phế binh VNCH từ sau biến cố 1975. Việc này không chỉ xảy đối với trường hợp của ông mà tất cả chiến hữu của ông cũng chung tình trạng. Sở dĩ, ông xác nhận được điều này bởi trong những lần gặp gỡ các thương phế binh VNCH tại Chùa Liên Trì hay tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, họ đều cho ông biết như vậy.
Ông nói tiếp:
“Sự giúp đỡ từ phía chính quyền sở tại là không có. Gần đây nhà nước mới được cấp Bảo hiểm Y tế, tuy nhiên người ta khẳng định rằng, việc cấp thẻ Bảo hiểm Y tế không có tính vào việc ai là thương phế binh hay là không mà dành cho tất cả người khuyết tật, bất kỳ chế độ nào cũng được hưởng hết”.
Ông Trung cho biết thêm, sau mỗi lần gặp gỡ các chiến hữu ở chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’, phía chính quyền thường sách nhiễu các chiến hữu của ông dưới nhiều hình thức, nặng có, nhẹ có, chủ yếu không muốn các chiến hữu đến với chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’.
image.jpg-400.jpg
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP photo
Từ chùa Liên Trì – Sài Gòn, Thượng tọa Thích Không Tánh, một trong những người thực hiện chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’ trong nhiều năm qua thấy rằng, nhà cầm quyền Hà Nội luôn coi thường các thương phế binh là ngụy quân, ngụy quyền là người xấu, nên họ đối xử với thương phế binh rất tệ.
Thượng tọa Thích Không Tánh tiếp lời:
“Ngày nay người ta đã bị thương tật rồi, tàn phế rồi mà mấy anh em còn kỳ thị, còn không có lòng nhân đạo. Hình như quốc tế người ta giúp những người thương tật tại Việt Nam thì họ chỉ giúp cho thương binh miền bắc Việt Nam thôi, còn anh em thương phế binh Việt Nam Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn.”
Trả lời đài ACTD ngày 31/12/2015, Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của quân đội miền Bắc công tác tại Cục Chính trị trong thời gian chiến tranh nhận xét việc phân biệt, kỳ thị của chính quyền đối với thương phế binh VNCH, ông nói:
“Đứng về phương diện nhân đạo của cái khái niệm nhân đạo chung của thế giới thì tôi không ủng hộ cái việc đó đâu. Tôi cho rằng dù sao nữa thì những người thương phế binh mặc dù là họ bên kia chiến tuyến họ chiến đấu cho mục đích của họ nhưng phải thừa nhận rằng họ không đáng chịu chế độ khắc nghiệt như thế. Tôi nghĩ nếu những người thương phế binh của phía bên này nếu mà được hưởng ưu đãi này ưu đãi khác thì phía thương phế binh của phía VNCH có lẽ cũng nên được ăn ở cư xử một cách thỏa đáng hơn chứ không nên có sự phân biệt quá đáng như thế.”
Nguyện ước nhỏ nhoi
Từ khi chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’ được chùa Liên Trì, dòng Chúa Cứu Thể tổ chức, các anh em thương phế binh VNCH rất vui vì có cơ hội được gặp gỡ nhau, được sống lại không khí đầy tự hào của người lính quân lực VNCH.
Như chia sẻ của ông Hồng, người ta còn quan tâm đến mình, nhớ đến mình thì người ta mới giúp như vậy, chính vì tri ân mình, nên mình cảm thấy trong người rất vui, rất là thoải mái.
Nói về ước nguyện của mình ông Hồng chia sẻ, do bị cụt cả hai chân, phải dùng xe lăn để di chuyển, điều này rất phiền đến con cháu, nên tôi mong muốn có một đôi chân giả để chủ động trong việc di chuyển.
Ông Hồng nói thêm:
“Bây giờ bọn tôi già cả rồi, không có ước mơ gì nhiều, chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, bình thường, không muốn phiền phức từ chính quyền, và chỉ cần tạm đủ ngày 3 bữa cơm rau là được rồi.”
Bây giờ bọn tôi già cả rồi, không có ước mơ gì nhiều, chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, bình thường, không muốn phiền phức từ chính quyền, và chỉ cần tạm đủ ngày 3 bữa cơm rau là được rồi.
- Ông Hồng 
Từ Nha Trang, ông Trung mong muốn rằng, những người Việt ở nước ngoài có điều kiện, có tiền… hãy gửi về giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì cuộc sống của những người vượt biên sau biến cố 1975 bây giờ cũng khá hơn, không đến nỗi khổ như các thương phế binh VNCH ở trong nước. Ông Trung tiếp lời:
“Mình muốn họ (cộng đồng người Việt ở hải ngoại) trợ giúp thêm cho thương phế binh VNCH bớt khổ chứ giờ khổ quá rồi. Tôi chỉ nói vậy thôi còn thực hiện được hay không là do ở nước ngoài”.
Khi biết tin cộng đồng hải ngoại đang có chương trình vận động ‘tái định cư cho thương phế binh VNCH’, những thương phế binh chia sẻ với chúng tôi rằng, các thương phế binh là những người chịu rất nhiều thiệt thòi trong quảng thời gian rất dài. Mong rằng chương trình vận động ‘tái định cư cho thương phế binh VNCH’ sớm được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận, để những thương phế binh đang ở VN bớt khổ hơn.

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 3: Hiện tình phong trào dân chủ)

 Nguyễn Vũ Bình 
Theo RFA-2016-06-26  
13254156_1712756612312301_6802512699539322324_622.jpg
Một số thành viên các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam đến được nơi gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ngày 24 tháng 5 năm 2016. Courtesy FB Ca sĩ Mai Khôi
Phong trào dân chủ Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động. Từ những tiếng nói đơn lẻ, những bài viết bằng tay truyền cho nhau đọc đến giai đoạn nở rộ trên mạng xã hội facebook như hiện nay. Đã có sự đóng góp của bao lớp người, các thể hệ âm thầm chia sẻ, lan tỏa quan điểm khác biệt đến lớp thanh niên sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh để nói lên suy nghĩ của mình. Đến ngày hôm nay, dù chông gai còn nhiều, dù mục tiêu cốt tử của phong trào dân chủ vẫn chưa đạt được, chúng ta vẫn phải thừa nhận, sự phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam là rất đáng khích lệ và trân trọng.
Có những nội dung chúng ta chưa thực hiện được nhiều, có những mục tiêu phong trào dân chủ đã có thành tựu xuất sắc. Bức tranh đan xen của phong trào dân chủ Việt Nam trải rộng trên hai phương diện nội dung và hình thức.
Nội dung hoạt động
Nội dung hoạt động của phong trào dân chủ được biết đến với ba mục tiêu cơ bản, chúng ta sẽ đánh giá phong trào dân chủ thông qua từng mục tiêu.
1- Nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước.
Đây là mục tiêu, nội dung quan trọng xuyên suốt của phong trào dân chủ. Ngay từ những ngày đầu, giai đoạn sơ khởi của phong trào dân chủ, mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân luôn là ưu tiên số một bởi người dân sống trong chế độ cộng sản, độc tài toàn trị với bộ máy tuyên truyền dối trá, hệ thống giáo dục giáo điều chỉ với mục đích tha hóa con người, tạo ra những con người khuyết tật trong cả nhận thức và nhân phẩm. Phong trào dân chủ đã bền bỉ, kiên cường trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chế độ cộng sản, đưa nhận thức đúng đắn, chân lý từng bước tiếp cận người dân. Sau này, kể từ năm 2005-2006 trở đi, khi hệ thống Internet bắt đầu phát triển, nhận thức của người dân từng bước thay đổi rất đáng khích lệ. Gần đây nhất, hệ thống mạng xã hội, đặc biệt mạng facebook đã làm bùng nổ thông tin, người dân được tiếp xúc với tất cả sự thật về chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Có thể nói, cùng với sự phát triển của hệ thống Internet và mạng xã hội facebook, phong trào dân chủ Việt Nam đã nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao dân trí của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây chính là thành tựu quan trọng nhất của phong trào dân chủ trong hơn chục năm qua.
Để có được thành tựu nâng cao dân trí, ngoài nỗ lực chủ quan của những thành viên phong trào dân chủ, chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của hệ thống Internet và mạng xã hội facebook đã có những ưu thế tuyệt đối sau:
a. Tính công khai và tốc độ lan truyền của thông tin. Bất kể thông tin nào, khi được đưa lên mạng xã hội facebook đều trở thành công khai, một quá trình công khai hóa tự động đã diễn ra. Bức màn bưng bít thông tin của chế độ cộng sản đã bị phá tan bởi tính công khai này. Tốc độ lan truyền thông tin, được thực hiện bởi sự chia sẻ trên mạng xã hội cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để thông tin tới được người dân. Chỉ một thông tin, một trạng thái của một cá nhân đăng lên facebook, đã có hàng ngàn người biết được, và trong số đó lại có sự chia sẻ, ngay lập tức thông tin đã tới với hàng chục ngàn, trăm ngàn người khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam.
b. Tính phản biện của diễn đàn mạng xã hội. Không chỉ có công khai, lan tỏa, mạng xã hội facebook còn là một diễn đàn để người dân tham gia phản biện, trao đổi các ý tưởng, quan điểm. Chính vì các thông tin, kiến thức, ý tưởng, quan điểm được trao đổi, được phản biện, nhận thức của người tham gia mới càng ngày càng được nâng cao. Tính năng trao đổi và phản biện của facebook có vai trò quan trọng để tìm ra sự thật, chân lý, từ đó dân trí của người dân cũng được nâng cao.
2016---EU-vote-Plenary-622.jpg
Bản dự thảo Quyết Nghị chung của 6 chính đảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được đem ra thảo luận trước khoáng đại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg sáng thứ năm 9-6-2016.
Với những ưu thế tuyệt đối của hệ thống Internet và mạng xã hội facebook như vậy, phong trào dân chủ đã khéo léo hướng tới các nội dung quan trọng trong nhận thức của nhân dân. Đó là việc vạch trần bản chất của chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Đồng thời, giải ảo những thần tượng, lãnh tụ cùng với những thành tích, thành tựu dối trá mà chế độ cộng sản đã tô vẽ. Trình bày, tố cáo những tội ác của chế độ trong quá khứ, giải thích, lý giải cho những sự kiện trong quá khứ và hiện tại có liên hệ với quá khứ. Không những vậy, phong trào dân chủ còn vạch trần những âm mưu, những dối trá của nhà cầm quyền Việt Nam trong hiện tại, phong trào dân chủ cũng đang dần chiếm lĩnh vai trò định hướng dư luận trong nhân dân. Tóm lại, vạch trần bản chất chế độ trong quá khứ và hiện tại, chiếm lĩnh vai trò định hướng dư luận, định hướng nhân dân là thành tựu quan trọng của phong trào dân chủ Việt Nam.
2 - Tố cáo, lên án chế độ kết hợp với vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với phong trào dân chủ Việt Nam.
Đối với chế độ cộng sản, độc tài toàn trị thì việc vi phạm nhân quyền đối với người dân là điều hoàn toàn tự nhiên. Đồng thời, trong quá trình phát triển, đi lên của phong trào dân chủ, đã có rất nhiều sự đàn áp, vi phạm từ phía nhà cầm quyền Việt Nam với phong trào dân chủ. Chính vì vậy, nội dung, mục tiêu quan trọng của phong trào dân chủ là lên án, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam tới dư luận quốc tế, tới các tổ chức của Liên hợp quốc và các chính phủ dân chủ. Quá trình tố cáo, lên án những vi phạm nhân quyền cũng đồng thời là quá trình vận động quốc tế ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam. Với mục tiêu này, phong trào dân chủ đã có những thành công đáng kể, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cũng như các chính phủ dân chủ.
Nội dung tố cáo các vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam bao gồm vấn đề vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào dân chủ và nhà cầm quyền Việt Nam đã tạo ra thảm trạng dân oan, thảm họa môi trường.
Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam là liên tục và nghiêm trọng. Vi phạm ngay từ trong pháp luật, đến hành xử đời thường. Chúng ta đã tố cáo những văn bản, điều luật vi phạm quyền con người như các điều luật dùng để bắt giam, xử tù những người đấu tranh dân chủ... còn việc vi phạm nhân quyền trên thực tế thì không sao đếm xuể, không thể kể hết được những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người của nhà cầm quyền Việt Nam. Gần đây nhất, việc canh giữ, bắt người, đánh đập, đàn áp những người lên tiếng, tuần hành bảo vệ môi trường trước thảm họa biển chết, cá chết là những minh chứng hùng hồn nhất.
Quá trình đàn áp các tôn giáo ở Việt Nam đã có từ năm 1945 và hầu như không hề thuyên giảm, chỉ thay đổi thủ đoạn và cách thức đàn áp. Từ việc đập phá nhà thờ, thánh giá, đánh đập giáo dân công giáo đến bắt bớ, giam cầm những người tin lành, phật giáo, phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài... đã liên tục xảy ra và ngày càng khốc liệt. Tất cả những hành vi đàn áp tôn giáo đều được ghi nhận và tố cáo lên các cơ quan hữu trách của Liên hợp quốc, dư luận quốc tế.
Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã diễn ra tình trạng người dân của Việt Nam bị cướp đất. Quá trình này diễn ra bởi nhà cầm quyền Việt Nam đã căn cứ vào luật sở hữu công cộng về đất đai, đồng thời bày ra các quy hoạch phát triển của từng địa phương để thu hồi đất giá rẻ mạt, sau đó bán đi kiếm chênh lệch giá. Quá trình cướp đất diễn ra trên toàn quốc, đã tạo ra hàng triệu người dân mất đất đai, được đền bù rẻ mạt và một số lớn trở thành dân oan mất đất. Gần đây nhất, nhà cầm quyền Việt Nam đã để các nhà đầu tư xả chất độc hại xuống biển miền trung tạo ra thảm họa cá chết, biển chết. Cả một vùng biển miền trung trải dài bốn tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp, các tỉnh khác bị ảnh hưởng gián tiếp đã làm cho ngư dân, ngành thủy hải sản, du lịch biển Việt Nam phá sản. Điều đặc biệt là nhà cầm quyền đã thiếu trách nhiệm trong việc công bố nguyên nhân thảm họa môi trường và bỏ qua việc xử lý ô nhiễm ven biển các tỉnh miền trung. Điều này đã làm người dân hết sức phẫn nộ. Khi họ xuống đường bày tỏ sự quan tâm bảo vệ môi trường thì bị nhà cầm quyền đàn áp, đánh đập hết sức dã man.
Các tổ chức của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đã quan tâm giúp đỡ người dân bị đàn áp nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Họ đã có những sự giúp đỡ hết sức thiết thực, hiệu quả như xem xét cho người tỵ nạn, kêu gọi, tác động và tạo sức ép lên nhà cầm quyền, giảm nhẹ các án tù, nhận người từ lao tù đi tỵ nạn... mối liên hệ mật thiết với cộng đồng quốc tế cũng là một thành công của phong trào dân chủ...
3 - Những hoạt động có tính chất kết hợp giữa những cá nhân, hội nhóm để tạo ra sức mạnh cho phong trào dân chủ.
Hinh6.jpg
Giáo dân tập trung tại lễ đài Đức Mẹ ở khuôn viên nhà thờ, dâng lời cầu nguyện cho đất nước, cho giáo xứ, cho các nạn nhân của ‘thảm họa ô nhiễm môi trường. RFA PHOTO

Mục tiêu kết hợp của phong trào dân chủ từ trước năm 2010 là sự kết hợp thuần túy có tính chất chính trị. Đó là sự kết hợp của những người đấu tranh dân chủ trong giai đoạn đó để hình thành tổ chức, tập hợp lực lượng làm đối trọng với nhà cầm quyền Việt Nam. Với mục đích như vậy, nhưng phong trào dân chủ đã không tận dụng được những hỗ trợ cần thiết để hình thành một tổ chức công khai của người dân trong lòng chế độ cộng sản. Nguyên nhân quan trọng nhất, những người có ý tưởng và bắt tay thành lập tổ chức chưa hiểu hết ý nghĩa quan trọng của một tổ chức công khai, họ chỉ đơn thuần nghĩ rằng, có được tổ chức công khai làm gia tăng hiệu quả hoạt động của phong trào dân chủ. Điều này là đúng nhưng chưa đủ ý nghĩa của tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản. Tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản chính là giải pháp thay đổi chế độ (mời tham khảo bài viếthttps://www.rfavietnam.com/node/2949). Do chưa nhận thức đầy đủ như vậy, phong trào dân chủ đã bỏ qua dự án có tính chất bước ngoặt, đó là việc gắn thành lập tổ chức công khai với vấn đề viện trợ nước ngoài tại Việt Nam.
Sau năm 2010, mục tiêu kết hợp giữa những cá nhân đã có sự thay đổi về tính chất. Đó là sự kết hợp có tính chất xã hội dân sự, hướng tới những sự giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong phong trào dân chủ với nhau và với người dân. Các mục tiêu về quyền con người vẫn được chú trọng nhưng là những mục tiêu thực tế cuộc sống của người dân. Hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự đã ra đời, như Con đường Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Cựu tù nhân Lương Tâm, Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội nhà báo Độc lập, Mạng lưới Bloger Việt Nam, FC NO_U...đó là những kết hợp dân sự trong phong trào dân chủ Việt Nam. Những tổ chức này đã hoạt động bền bỉ, kiên cường, vượt qua sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam và cũng đã có nhiều thành tựu. Như vậy, phong trào dân chủ cũng đã tìm ra được sự kết hợp của những thành viên và quá trình hoạt động đã có sự kết hợp giữa các hội nhóm trong những hoạt động đấu tranh chung. Ví dụ, năm 2015, Mạng lưới Bloger Việt Nam đã khởi xướng phong trào We Are One; phong trào tuyệt thực ủng hộ các tù nhân lương tâm, phong trào tự ứng cử đại biểu quốc hội, phong trào phản đối bắt giam Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà... các cuộc biểu tình, xuống đường có sự bàn bạc, thảo luận và thống nhất giữa các hội nhóm.
Nhưng những sự kết hợp này không phải không có những hạn chế, đó là các tổ chức phần lớn sinh hoạt, giao lưu trên không gian mạng mà chưa có sự kết hợp đầy đủ ở ngoài đời. Duy nhất có hội Anh Em Dân Chủ, có một địa chỉ, có tính chất như một văn phòng của Hội, cũng đã bị đánh phá và phải tạm thời rút lui.
Cách thức hoạt động
Trên đây là những mục tiêu, và nội dung hoạt động của phong trào dân chủ. Nhưng để đánh giá được toàn diện hơn, chúng ta cần xem xét hoạt động của phong trào dân chủ dưới dạng hình thức, cách thức hoạt động. Theo đó, những hoạt động của phong trào dân chủ được chia làm hai hình thức: hoạt động trên không gian mạng và hoạt động ngoài đời. Có thể nói rằng, phần lớn các nội dung của hoạt động dân chủ trong vòng 7-10 năm qua được thực hiện thông qua hệ thống Internet và mạng xã hội. Điều này trước hết do đặc thù, hoàn cảnh xã hội của Việt Nam là nước độc tài cộng sản toàn trị, nơi sự kiểm soát và đàn áp của bộ máy cầm quyền là vô cùng khốc liệt. Nhưng mặc dù bị đàn áp khốc liệt, phong trào dân chủ Việt Nam vẫn có những hoạt động (ngoài đời) hết sức hiệu quả và ý nghĩa.
tuyet-thuc-622.jpg
Nhà thơ Phan Đắc Lữ và Nhà báo Kha Lương Ngãi đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức.
    _ Những hoạt động giao lưu, trao đổi như cafe nhân quyền, gặp gỡ nhân kỷ niệm ngày nhân quyền quốc tế, ngày kỷ niệm thành lập các hội nhóm, giao lưu bóng đá phản đối đường lưỡi bò, giao lưu gặp gỡ các tổ chức quốc tế... cầu nguyện tập thể cho tù nhân lương tâm, dân oan.
    _ Những hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, tưởng niệm liệt sỹ, tuần hành biểu tình môi trường, phản đối chặt hạ cây xanh, thảm họa biển miền Trung, thảm họa cá chết... cùng với đó là các hoạt động đấu tranh đòi người tại các đồn công an, cơ sở bắt giữ người trái phép.
    _ Những hoạt động kết hợp với dân oan, đòi quyền lợi cho dân oan, thăm gặp, giúp đỡ dân oan, tù nhân lương tâm, tới các phiên tòa xét xử tù nhân lương tâm, dân oan.
    _ Những hoạt động vì cộng đồng như phát hành sách về nhân quyền, bóng bay nhân quyền, hỗ trợ các nạn nhân của chế độ như các tử tù bị oan, gia đình người bị chết trong đồn công an, bị bắt giam trái pháp luật...
    Tóm lại, đó là những hoạt động hết sức sôi động, có ý nghĩa và hiệu quả mà phong trào dân chủ đã thực hiện được trong hoàn cảnh bị kiểm soát và đàn áp rất khốc liệt.
    Trong những năm qua, phong trào dân chủ đã có những tiến bộ vượt bậc, điển hình là nâng cao dân trí của người dân, các hoạt động xã hội dân sự đã đi sâu vào quần chúng, dẫn tới sự phát triển của phong trào dân chủ là không thể đảo ngược. Chúng ta biết rằng, khi phong trào dân chủ đã bén rễ vào quần chúng nhân dân thì sức mạnh và sự sáng tạo của phong trào chính là sức mạnh của nhân dân. Người dân cũng sẽ không hề bất ngờ hoặc quá sốc trước những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai gần.
    Tuy nhiên, phong trào dân chủ Việt Nam không chỉ có thành tựu, không chỉ có màu hồng. Còn rất nhiều những hạn chế, bất cập xuất phát từ chủ quan, cũng như những khó khăn khách quan mà những người đấu tranh dân chủ gặp phải. Trước hết, phần lớn những người tham gia ít trau dồi kiến thức cần thiết để đấu tranh, hoặc thậm chí những kiến thức về phong trào dân chủ. Nhiều người cũng ít giao lưu học hỏi những người đi trước nên nhiều khi dẫn tới những tổn thất không đáng có. Thứ hai, khả năng làm việc chung, tính chuyên nghiệp còn rất thiếu và yếu trong các cá nhân và hội nhóm. Điều này dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao, các tổ chức khó phát triển. Một số người hoạt động bị chi phối bởi cái tôi quá lớn nên ảnh hưởng tới hội nhóm và sự phát triển của bản thân. Thứ ba, phong trào dân chủ chưa có được sự kết hợp rộng khắp, toàn diện bằng một hình thức nào đó. Sự kết hợp chung sẽ tạo ra hiệu quả trong  hoạt động và ứng phó kịp thời với các diễn biến phức tạp của tương lai. Đây là một hạn chế của phong trào dân chủ.
    Chúng ta đều biết rằng, những người tham gia vào phong trào dân chủ do nhận thức được bản chất của chế độ không nhiều. Phần lớn là do bức xúc trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Họ không được đào tạo, tham gia bằng tinh thần yêu nước là chủ yếu. Trong khi đó, chế độ cộng sản là một chế độ đã tồn tại hơn 70 năm, trải qua bao thăng trầm và có đội ngũ an ninh, công an hùng hậu, lại thoải mái đàn áp người dân. Chính vì vậy, đạt được những thành tựu nêu trên là rất đáng tự hào, đáng khích lệ. Trong quá trình hoạt động, phong trào dân chủ không thể không còn những hạn chế, thiếu sót nhưng bối cảnh hiện nay ở Việt Nam là không thể tránh khỏi. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối, phong trào dân chủ Việt Nam sẽ góp phần xứng đáng trong công cuộc thay đổi chế độ cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam.
    *Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.

    Im lặng sau cá chết hàng loạt: bình yên hay sự giả tạo?

    Phong Linh (VNTB) Sau những cuộc tuần hành rầm rộ vào cuối tháng tư, rải rác đến tháng năm và tháng sáu, giờ đây, các phố phường Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh khác có dấu hiệu “bình yên” hơn. Người ta không còn đổ xô ra ngoài đường để yêu cầu minh bạch - “Vì sao cá chết?”, cũng không còn rầm rộ đưa tin bài phẫn nộ trên Facebook về tình trạng người tuần hành bị đánh đập, giam giữ tại các đồn. Người dân có vẻ bớt “kích động” hơn, và dường như đã trở lại cuộc sống hối hả thường ngày. 

    Nhưng trước sự bình yên này, liệu có cần đặt ra câu hỏi: Bình yên này thực hay hư?



    Người Việt khi được hỏi, không ai là không biết đến thảm họa cá chết trắng các tỉnh miền Trung, và hỏi ngư dân, họ đều cho rằng hiện tượng không hề bình thường chút nào trong cả mấy đời làm ngư. Bao nhiêu năm ròng, cái nắng có chói chang đến đâu, biển có lạnh, có dậy sóng, thiên tai đến chừng nào, thì đại dương cũng không bạc mà hất lên bờ lượng cá chết khổng lồ đến vậy. 

    Biển vốn không bình thường, nhưng ngay cả các nhà chức trách Việt Nam cũng không bình thường nốt. Kể từ ngày “cá chết vì không biết bơi”, công tác xử lý và minh bạch thông tin cá chết diễn ra cực kỳ chậm chạp, thậm chí thông tin bị hạn chế gắt gao trên mặt báo nhà nước. Trong khi đó, hiện tượng cá chết lại được chia sẻ liên tục và rầm rộ bởi các tài khoản Facebook cá nhân cũng như các trang báo tư nhân. 

    Nguyên do vì đâu mà các bộ ngành không thể tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng, gấp rút tìm ra nguyên nhân cá chết? 

    Nguyên do vì đâu mà chính quyền liên tục phủ bỏ lời kêu gọi hỗ trợ từ Liên Hiệp Quốc và Mỹ trong điều tra nguyên nhân cá chết?

    Nguyên do vì đâu mà không có một thông tin nào về cá được khai thác và cung cấp cho người dân cả nước cùng biết thực trạng?

    Chỉ biết, với năng lực điều tra của mình, chính quyền đã hơn 80 ngày không trình rõ nguyên nhân, hơn 20 ngày phản biện chưa ra được kết quả.


    Một biếm họa trên mạng internet
    Chỉ biết, đến giờ, vấn đề cá chết nó vẫn luẩn quẩn, tối mịt mờ với câu tuyên bố “đầy biện chứng” của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”.

    Trong khi cá vẫn dạt bờ, lòng dân “vẫn bình yên” theo cái cách tin tưởng vào sự xử lý của Đảng và Chính phủ mà báo Nhân Dân, QĐND thường hay tự hào nhắc đến.

    Có thể bình yên đó xuất phát từ một bộ phận tin tưởng vào lời hứa của “quan phụ mẫu” - “sẽ có câu trả lời trong tháng sáu”. Cũng có thể, họ bị bắt buộc phải bình yên, khi nhận thấy sự an toàn & tính mạng của họ sẽ bị đe dọa nếu cứ tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được biết nguyên nhân cá chết, bằng việc xuống đường, hay lên tiếng trên các trang tin xã hội.

    Vì rằng, khi lên tiếng, ngoài những tiếng nói ủng hộ, quan ngại chung của cộng đồng, điều mà họ nhận được còn là những lời phán xét: “lên tiếng cũng có được gì đâu?”, “phản động à?” “Việt Tân cho mày bao nhiêu tiền?” hay thậm chí, nếu có sức ảnh hưởng lớn hơn, họ còn được cử người bảo vệ nghiêm ngặt từ các ngõ hẻm. 

    Nhưng “sự bình yên” đến từ vũ lực và các biện pháp ngăn cấm, che giấu thông tin liệu và sự vô cảm đó có phải là “bình yên” thực sự?

    Hay mọi thứ chỉ là sự bình yên giả tạo của một xã hội được điều hành bởi nhóm nhà lãnh đạo bàng quan?

    27-06-2016

    Vụ máy bay tai nạn kép: Hà Nội - thưởng và phạt, lợi hay hại?

    Giang Nam-27-06-2016

    (VNTB) - Vật chất cấp tập dồn dập liệu có thể dập tắt đau thương ngay được chăng ? Quả là bất nhẫn vì hành vi đánh bóng tên tuổi và quảng cáo lộ liễu.

    Vụ tai nạn kép máy bay SU và CASA đã nóng lên trong bao bức xúc trăn trở, xúc động tình cảm của đông đảo công chúng cũng như các cấp lãnh đạo.

    Vụ này sẽ còn kéo dài chưa dễ khép ngay được vì nguyên nhân tai nạn chưa được làm rõ.

    Và còn nảy sinh những lùm xùm kép theo sau vụ tai nạn thảm khốc.

    Nhớ ngày xưa trước 1975 tôi nghe tin báo tử của người làng khi rải rác khi dồn dập. Lúc đầu còn hoảng hốt kinh sợ, sau quen dần, mỗi khi nghe nói nhà anh A, anh B có cán bộ huyện đội về làng, rủ một cán bộ xã cùng đến nhà thân chủ đưa tờ giấy báo tử. Chúng tôi nghe quen rồi cũng chỉ giật mình một cái rồi buột miệng “Thế à” rồi im lặng. Bà con lối xóm tối đến nhà liệt sĩ, ngồi uống chè hút thuốc lào, nói chuyện rì rầm. Chẳng có chuyện gì bàn. Tờ giấy báo tử chỉ ngắn gọn một câu (Đ/c A…chức vụ cấp bậc, hi sinh ở mặt trận M, ngày tháng năm). Đốt nén nhang vái trước bàn thờ, ngồi một lúc nói lời an ủi động viên tang chủ, rồi về.

    Sau hòa bình, chuyện những gia đình tự đi tìm hài cốt liệt sĩ thân nhânkhắp nơi ở miền Nam có khi lội sang tận Campuchia, Lào, nhiều chuyện lắm. Mặc dù có được hỗ trợ phần nào của tỉnh đội, nhưng có nhiều người thân dành dụm tiền bạc chịu gian khổ vào Nam ra Bắc. Bởi gia đình họ chờ đợi quân đội tìm kiếm mỏi mòn không nổi nữa. Những anh em cháu của liệt sĩ chiều theo nguyện vọng cuối cùng của ông bà già sắp tắt. Sự mỏi mòn rầu rĩ của cha mẹ như thúc giục họ lên đường. Dù tìm được hay không cũng là liệu pháp tâm lý an ủi người già, tôi đã gặp nhiều người quen khi họ vào Nam tìm kiếm… Sau này sẽ có nhiều tập sách ghi lại những câu chuyện đi tìm hài cốt người thân liệt sĩ, tìm đồng đội. Đó là một chương sử bi đát của dân tộc sau những trang oai hùng dày cộp đã chiếm phần lớn cuốn sử Việt Nam.

    Gần hơn, cuộc chống trả Trung cộng xâm lược năm 1979, hàng vạn liệt sĩ ngã xuống tức tưởi vì bị tấn công bất ngờ 4 giờ sáng đang lúc ngủ say và sự cản phá quân TQ tràn ngập ở biên giới phía Bắc suốt một tháng ròng. Chưa kể hàng nghìn dân chúng chết oan vì đại bác, tiểu liên, lựu đạn. Hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở sản xuất bị đốt phá tan nát. Truyền hình và báo chí chưa đưa hình ảnh bất kỳ liệt sĩ thương binh và đồng đội còn sống nào cả. Đừng nói tới chuyện đài báo đi tới gia đình trịnh trọng tặng quà với chụp ảnh ! Ngư dân cột mốc “chủ quyền sống” (như ca tụng của nhà nước) miền Trung bị bọn giặc hàng xóm giết hại. Vụ một thợ lặn xấu số tên Lê Văn Ngày ở Hà Tĩnh vì muốn tìm hiểu sự thật mà  lặn xuống ống thải, bị chết vì nhiễm độc Formosa cực mạnh, chưa thấy đài báo đưa hình và không ai đến tặng quà cho thân nhân họ.

    Đương nhiên người ta có quyền so đo và hiểu rằng: thì ra sinh mạng của một phi công quân đội đang trực tiếp bảo vệ chế độ này được coi trọng hơn sinh mạng chiến sĩ khác, người khác. Một sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ được đánh giá cao hơn người lính khác, phải không ?

    Chuyện liên quan, VTV mới đưa tin: trong khi các “tượng đài nghìn tỷ trăm tỷ” được nhà nước chi ngân sách để “nhân bản vô tính” thì những cựu chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên biên giới phía Bắc vừa tự góp lương hưu lập đài tưởng niệm đồng đội của họ chết dưới tay Trung cộng". Xin báo trước hệ lụy chuyện này không nhỏ đâu.

    Đền ơn đáp nghĩa

    Gia đình liệt sĩ phi công Trần Quang Khải được các cấp chính quyền, quân đội và dân chúng chăm sóc chu đáo, trước mắt là việc tang lễ. Chế độ chính sách của quân đội chắc hẳn sẽ được thực hiện, nay thời bình có điều kiện hơn hồi chiến tranh. Tuy nhiên có mấy việc gây xôn xao dư luận. Sự băn khoăn mắc mớ giữa Luật và Tình cảm. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký đặc cách cô giáo vợ liệt sĩ Khải vào biên chế là hành xử không phải một nhà từ thiện đơn thuần mà là một chủ tịch thành phố. Ông Chung lẫn lộn vai trò của mình trong hành xử. Điều này sẽ gây ra rắc rối phức tạp về sau.

    Bây giờ bàn về việc trao tặng quà.

    Chủ tịch HN ký lệnh đặc cách cô giáo vợ liệt sĩ Khải vô biên chế trường THPT chuyên Chu Văn An ở Hà Nội. Phó chủ tịch mang giấy đến giữa đám tang gia bối rối chìa ra, đọc lên, chụp ảnh, lên truyền hình và đăng báo.
    Công ty xây dựng Mường Thanh của quân đội tặng căn nhà, chìa tấm bảng bìa to ra, chụp ảnh, đăng báo.
    Một bà giám đốc tai tiếng từ Sài Gòn lên tiếng nhận con nuôi, báo chí đưa tin vội vã.
    Đài VTV tặng cái ti vi và công bố miễn phí cáp. Sự quảng cáo thô thiển. Vì xét đến cùng cái tivi chỉ là đồ giải trí, tôi chắc nhà chị Khải cũng đã có ti vi tốt rồi. Món quà vô duyên lạ !

    Dồn dập mang quà đến ngay trong đám tang, khiến tang chủ đang bối rối lại phải tiếp đón và cảm ơn, lại phải tạo dáng chụp ảnh…

    Vật chất cấp tập dồn dập liệu có thể dập tắt đau thương ngay được chăng ? Quả là bất nhẫn vì hành vi đánh bóng tên tuổi và quảng cáo lộ liễu.

    Truyền thông nhạy bén đưa tin lập tức. Dư luận phàn nàn về “Cách cho hơn của cho”.

    Đặc biệt, vợ liệt sĩ được đặc cách nhưng điều này có thể gây tác hại ngay cho đương sự. Thực ra chị đang dạy hợp đồng ở trường PTTH Chu Văn An. Khi hết hợp đồng thì chị sẽ dự thi tuyển viên chức. Nếu chị đủ khả năng tự thi đỗ thì hoá ra phần quà an ủi kia là thừa mà còn báo hại chị phải suốt đời mang tiếng được châm chước về chuyên môn, tức là không đủ thực chất là GV trung học. Người giáo viên rất mặc cảm khi phải mang tiếng như thế suốt đời vì đã bị/ được công bố như thế. Danh dự kẻ sĩ khó tránh khỏi bất an lâu dài, chưa biết bao giờ nguôi.

    Trừng phạt

    Sự việc cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, tổ trưởng Ngữ Văn trường THPT. Trần Nhân Tông Hà Nội tỏ ý không thích việc đặc cách vợ đại tá Trần Quang Khải được đặc cách vào ngành giáo dục đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong mấy ngày qua, thực tế chỉ có hơn 42 phản hồi trên FB. Sự việc càng đẩy lên cao trào khi chị Hà bị chi bộ nhà trường THPT Trần Nhân Tông kỷ luật vì một câu cảm thán đơn giản “không thích điều này”. Theo sự hiển ngôn cuả câu văn đó, cô Mỹ Hà không tán thành cách đền ơn này, có nghĩa cô muốn một cách đền ơn khác hay hơn, tế nhị hơnCô Hà không có ý nào phản đối việc đền ơn. Cả một TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG giữa Hà Nội không đọc hiểu được một lời nói đơn giản. Bao nhiêu GV ngữ văn tốt nghiệp đại học và sau đại học ở Hà Nội chết đâu cả rồi mà không ai lên tiếng bênh vực cô Hà một lời ?

    Thực là thảm họa của nền giáo dục “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”!

    Người cầm quyền chà đạp điều 25 Hiến pháp 2013 về tự do ngôn luận, tự do biểu đạt - trắng trợn đến thế là cùng !

    Bà Nguyệt phó hiệu trưởng nghe mấy giáo viên báo cáo sự việc cô Hà viết FB, hớt hải đến báo cáo lại hiệu trưởng Tùng. Phan Thanh Tùng hiệu trưởng (chắc là kiêm luôn bí thư chi bộ) vội vàng “khẩn cấp” triệu tập họp chi bộ ! Kỷ luật cảnh cáo đảng viên Trần Thị Mỹ Hà. Báo chí đăng liền. Ý kiến phản hồi trên báo chí và FB chống nhiều hơn là thuận. Cả nước thường có hàng trăm vụ kỷ luật đảng viên thì báo chí nào có đăng cho xiết. Hà cớ gì vụ này phải làm “điểm”, làm gương răn đe? Điều làm người ta băn khoăn và kinh ngạc là GV trung học Trần Nhân Tông rất nhanh nhẹn báo cáo hiệu phó, hiệu phó khẩn trương chạy đi báo cáo hiệu trưởng, hiệu trưởng khẩn cấp triệu tập họp chi bộ. Đại loạn hay sao mà ghê gớm thế ?

    Tình đồng nghiệp của thầy cô giáo trung học giữa thủ đô văn hiến ngày nay suy thoái đến thế là cùng !

    Bất ngờ thay, chủ tịch Hà Nội nghe tin cô Hà bị kỷ luật, nửa đêm gọi điện hỏi nhà báo và nhanh trí rút kinh nghiệm thất bại của chủ tịch An Giang. Ông Chung tỏ ra không hài lòng việc kỷ luật cảnh cáo cô giáo Hà viết một câu trên FB “không thích kiểu này” (tương tự chuyện cô giáo Lê Thị Thùy Trang viết về chủ tịch tỉnh của cô). Trùng hợp quá: cũng là hai cô giáo dạy Văn trung học và cùng là tổ trưởng ! Tuy nhiên tiếc thay hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông Hà Nội lại không rút kinh nghiệm đồng nghiệp ở THPT Long Xuyên, An Giang. Vì sao phải vội vàng tới mức “khẩn”?

    Nhớ lại vụ An Giang sau khi  bị giới truyền thông cả nước ào ạt vào cuộc, Sở 4T khựng lại, hủy án phạt và xin lỗi cô Lê Thị Thùy Trang thì THPT Long Xuyên im lặng bẽ bàng, lẳng lặng xóa án kỷ luật “khiển trách ĐV” thông báo nội bộ.

    Vụ Hà Nội kỷ luật cô giáo Hà bây giờ đâm ra khó xử.

    Hiệu trưởng Tùng lúc đầu nhanh tay lẹ mắt vội vã tỏ lòng tôn kính Chủ tịch thành phố bằng cách kỷ luật cô Trần Thị Mỹ Hà. Nay chủ tịch khôn ngoan hơn hiệu trưởng, đã tỏ ra không bằng lòng cái án đó. Hiệu trưởng Phan Thanh Tùng - một nhà chính trị nghiệp dư - bây giờ dở cười dở mếu, xóa kỷ luật hay cứ để ? Xóa thì trái qui chế, vì phải sau 6 tháng hay một năm mới họp xét xóa. Bây giờ mới có vài ngày tờ giấy QĐ chưa ráo mực lại họp xóa, hóa ra chuyện trẻ con à, lại phải “đặc cách xóa” nữa ư? Nếu trái ý chủ tịch thì cũng khó, chả biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ”  với công luận !

    Rút cục, vấn đề rắc rối là những người liên quan không hành xử theo LUẬT. Họ lẫn lộn giữa Luật và Tình cảm.

    Kết quả sẽ là LỢI BẤT CẬP HẠI.

    Đan Viện Thiên An tố cáo nhà cầm quyền liền bị "đánh úp" trong đêm

    Ngày 24.06.2016 linh mục Antonie Nguyễn Văn Đức, bề trên Đan viện Thiên An đã gửi đơn tố cáo hành vi xâm phạm nội vi Đan viện Thiên An và xúc phạm Thánh Giá, biểu tượng thiêng liêng của Hội Thánh Công Giáo từ phía nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
    Hành vi dẫm đạp thánh giá đáng lên án của nhà cầm quyền tại Đan Viện Thiên An.

    Đơn tố cáo cho biết chính quyền Thừa Thiên Huế liên tục tổ chức xâm nhập trái phép, cưỡng chế nhưng không có bất kỳ văn bản nào. Theo Linh mục Đức, đây là hành động “trái pháp luật, thể hiện rõ sự bội tín và không tôn trọng các quyền tự do căn bản mà Đan sĩ – Đan viện Thiên An được bảo hộ theo quy định pháp luật”
    Đơn tố cáo được gửi tới UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tòa đại sứ Hoa Kỳ, Cơ quan ngoại giao Liên Minh Châu Âu tạiViệt Nam và Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế. Đơn xác định khu đất và rừng thông có diện tích 107 hecta là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Đan viện Thiên An, tọa lạc tại Xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế .
    Các đan sĩ lên án sự việc xảy ra vào ngày 20.06.2016, theo đơn tố cáo cho biết, "có khoảng 200 người, trong đó có một số người thuộc UBND xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, một số tự xưng là cán bộ, công an… tổ chức xâm nhập nội vi Đan viện Thiên An, tiến hành khống chế các Đan sĩ, dùng xe ủi công suất lớn cố tình làm hư hỏng một số tài sản của Đan viện Thiên An. Đặc biệt, một số người tự xưng cán bộ, công an có hành vi xúc phạm Thánh Giá, biểu tượng thiêng liêng của Hội thánh Công Giáo.”
    Đan viện Thiên An cũng vạch rõ sự tráo trở của chính quyền, mưu tính biến nạn nhân thành thủ phạm, bằng cách quy chụp cho các đan sĩ “vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai” và vu cáo các đan sĩ “đổ vật liệu, cát, đá lấn chiếm đất rừng đặc dụng…”.
    Mặc dù trước đó qua nhiều lần trao đổi, bề trên Đan Viện khẳng định quyền sở hữu và bằng chứng pháp lý sở hữu từ năm 1940 của Đan viện Thiên An, nhưng nhà cầm quyền vẫn không từ bỏ dã tâm cưỡng chiếm.
    Trong khi đơn tố cáo vừa mới gửi thì tối cùng ngày 25.06.2016, hơn 30 người tự xưng là công an, cán bộ đã xông thẳng vào nội vi Đan viện Thiên An, kiếm cớ gây chuyện và sách nhiễu các đan sĩ. 
    Nhóm người này tiếp tục ngăn cản các đan sĩ xây dựng đường xá trong khuôn viên nội vi của Đan viện Thiên An với lý do rằng các Đan sĩ đã “xâm chiếm” đất của nhà nước khi đổ cát, đá, xi măng trong khu vực vườn cam.
    Sau đó, cơ quan chức năng đến hiện trường để tiến hành lập biên bản. Công an yêu cầu các Đan sĩ ký, nhưng các thầy từ chối và đề nghị họ đến Đan viện làm việc vào sáng hôm sau. 
    Sự việc xảy ra khiến các đan sĩ phải thức cả đêm để canh giữ Đan viện, nhằm đề phòng lại bị "đánh úp".
    Hành động xâm nhập Đan viện vào ban đêm càng khiến cho người dân thêm căm phẫn hành vi phi pháp của chính quyền Thừa Thiên Huế.
    06/27/2016 - 15:23
    Quốc Hiếu / SBTN

    Vì sao Việt Nam có hơi hướng bỏ chế độ hộ khẩu?

    Vào tháng 6/2016, một hiện tượng có vẻ “lạ” là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trên cơ sở phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB), đã công bố một bản khảo sát về tình trạng không có hộ khẩu của nhiều người dân. Cùng lúc, một số tờ báo nhà nước cũng đề cập đến tình trạng này theo quan điểm có vẻ đồng thuận với khuyến nghị của WB về sự cần thiết phải bỏ chế độ hộ khẩu ở Việt Nam.
    Hình luatminhgia.com.vn
    Vì sao lại xuất hiện hiện tượng đặc biệt trên, trong khi hộ khẩu được coi là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam? 
    Về mặt xã hội, báo cáo của WB cho biết có khoảng 5.6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng lý xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện. 
    Tuy nhiên nhìn từ góc độc chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung cộng. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ 5 nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị. Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua. 
    Có lẽ chỉ từ năm 2013, việc bỏ chế độ hộ khẩu mới lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ nét hơn. Khuyến nghị này đến từ WB và một số tổ chức nhân quyền quốc tế. Tuy vậy, quyền hành xử và quyết định về hộ khẩu lại thuộc Bộ Công an – một cơ quan bị coi là cực kỳ bảo thủ và rất thường bị thế giới lên án về đàn áp nhân quyền trong nước. 
    Vào đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneve đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời. 
    Cho đến cuối năm 2015, WB mới bắt đầu tỏ rõ uy lực của mình trong các khuyến nghị về nhân quyền. Tháng 12/2015, bà Victoria Kwa Kwa – giám đốc WB tại Việt Nam đã trao cho chính phủ nước này một bản khuyến nghị 7 điểm, với khuyến nghị đầ tiên là đặc biệt chưa từng có: Việt Nam cần sớm ban hành Luật Lập hội.
    Có thể hiểu với khuyến nghị trên, WB đã chính thức tham dự vào mặt trận nhân quyền cho người dân Việt Nam. Để nửa năm sau đó, có hy vọng khuyến nghị của WB về bỏ chế độ hộ khẩu sẽ được chính quyền Việt Nam “xem xét”. 
    Trong thực tế, WB cùng với quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và chính phủ Nhật Bản là ba chủ nợ lớn nhất của chính thể Việt Nam. Nhưng từ năm 2015, WB và IMF đã tuyên bố chấm dứt các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, tức đến giữa năm 2017, Việt Nam sẽ phải vay với lãi suất thị trường. 
    Bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quồc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” nhiều hơn. 
    06/27/2016 - 18:09
    Lê Dung / SBTN