Friday, April 12, 2019

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình: Một bài học đắt giá


Lê Nguyễn Hương Trà|

Chiều tối 11.4, nhiều báo nước ngoài đồng loạt đưa tin v/v triệu phú Trịnh Vĩnh Bình vừa nhận được thông báo của Tòa án Quốc tế dài gần 200 trang. Đi kèm là phán quyết thắng kiện, chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 USD thiệt hại và gần 7,9 triệu USD án phí.
Đây là vụ kiện quốc tế chưa từng có đối với chính phủ Việt Nam, với số tiền bồi thường khủng.
—-
Trịnh Vĩnh Bình (1947) là một doanh nhân người Hà Lan gốc Sóc Trăng. Từ năm 1981 – 1996, ông Bình về nước 63 lần mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng. Năm 1999, ông Bình bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù, bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại ông đã trốn thoát khỏi Việt Nam.
-
Năm 2003 ông Bình bắt đầu nhờ tổ hợp luật sư Covington Burling ở Washington, Hoa Kỳ đại diện kiện chính phủ Việt Nam.
Ông Việt Nam cũng thuê một hãng luật của Pháp đại diện. Vụ kiện dự kiến xử ở Trung Tâm Trọng Tài Quốc tế Stockholm tháng 12. 2006, nhưng Việt Nam đã thương lượng với ông Bình ngoài tòa để ký một thỏa thuận tại Singapore. Trong đó Việt Nam sẽ xóa án và bồi thường 15 triệu.
Tháng 1.2015, Trịnh Vĩnh Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần 2, lý do là ông Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trả tiền và tài sản cho ông Bình trong lần thỏa thuận tại Singapore. Và vì liên quan đến tài sản bị phát mãi và tính trị giá 11 năm bị tuyên án tù. Phiên tòa lần 2 diễn ra tại Tòa án Trọng tài Quốc tế Paris, Pháp gây ồn ào hồi 8.2017.
– Rất ít báo đảng trong nước đưa tin về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình, đọc sơ đây nè:
https://vnexpress.net/…/vi-sao-ong-trinh-vinh-binh-kien-chi…
=========
Thực tế là gần đây có khá nhiều vụ như Trịnh Vĩnh Bình!
Mới nhất là vụ ồn ào lô hàng 700 chiếc BMW 15 triệu Euro nhập khẩu không được thông quan hồi 2016 – liên quan đến Euro Auto và nhiều người bị bắt hình sự; đã bị tập đoàn Sime Darby, Malaysia khởi kiện và giành thắng lợi ngoài nước. Phía Việt Nam đã phải trả lại xe, tái xuất và hoàn lại thuế.
Hồi 2014 là vụ nhà đầu tư Pháp DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế Thận và Lọc thận tại Tp.HCM. Năm 2017 có hai vụ kiện của 2 nhà đầu tư nước ngoài là Saigon Metropolitan và Recofi. Vụ Metropolitan ông Bộ Tư pháp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương họp báo bảo giải quyết xong. Nhưng theo dõi sẽ thấy vụ này rất là…gân gà khó nuốt, cũng có khả năng lại bị kiện tiếp.
——-
Một vụ nữa khá giống vụ Trịnh Vĩnh Bình là VK Housing và DWS Star Bridge Co., Hàn Quốc với Dự án Khu nhà ở cao tầng The Mark (Quận 7, Tp.HCM) diện tích 29.310m2, có tổng mức đầu tư ban đầu là 79 triệu USD. Sau hơn 10 năm được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư, hiện The Mark vẫn là bãi đất trống.
Doanh nghiệp nước ngoài này đã bị Tòa án Nhân dân Tp.HCM lạm dụng quyền lực diễn dịch luật tùy tiện và đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu với UBND Tp.HCM và văn phòng chính phủ. Vụ án dính tới đại gia Đinh Trường Chinh, Google ra một đống nha ;v
Với thủ tục ISDS, WTO và FTA giữa Vietnam – Korea thì chính phủ nên quan tâm và xem xét chỉ đạo Bộ Công An và những cơ quan thuộc quyền, VKS, Tòa án…vv.. cần giải quyết sớm và không được làm ẩu; nếu không muốn phải đi hầu kiện quốc tế!
Theo luật sư Phùng Anh Tuấn – trưởng Công ty luật VCI LEGAL, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ hòa giải đầu tư và Giải quyết tranh chấp quốc tế; Thì các công ty đầu tư nước ngoài có thể bị ăn hiếp ở Việt Nam, nhưng ra nước ngoài họ kiện theo thủ tục investor-state-dispute settlement thì nhiều phần là thắng chắc trong những vụ lạm dụng quyền lực & diễn dịch luật pháp vô nguyên tắc.
– Và vụ Trịnh Vĩnh Bình là một bài học đắt giá. Mà tính ra so với con số ông Bình đòi ($1,25 tỉ) thì hơn $37,5 triệu vẫn còn…ít chán./.

Bắt 2 tấn ngó sen, bắp chuối ngâm trong hóa chất độc hại ở Sài Gòn

Chất tẩy bị tịch thu tại 3 cơ sở. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm ở Quận 8, cơ quan hữu trách phát hiện gần hai tấn ngó sen, bắp chuối đang được ngâm cùng lúc trong ba loại hóa chất độc hại, cấm sử dụng.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, rạng sáng 11 Tháng Tư, 2019 cảnh sát Sài Gòn ập vào 3 điểm sơ chế ngó sen, bắp chuối của bà Lê Kim Trúc, tại khu dân cư Bến Lức (quận 8, Sài Gòn).
Tại các điểm trên, công an thấy nhiều người đang ngâm tẩm gần 2 tấn ngó sen, bắp chuối bào trong các thùng phuy lớn.
Bắp chuối bào chuẩn bị được đưa đi ngâm hóa chất. (Hình:Pháp Luật TP.HCM)
Bên cạnh đó, công an còn thu giữ 200 kg chất tẩy trắng, 100 kg Acid Acetic (giấm công nghiệp) và 5 kg hàn the.
Làm việc với công an, bà Trúc (chủ 3 cơ sở nói trên) thừa nhận đã dùng 3 loại hóa chất đổ trực tiếp vào thùng phuy để ngâm ngó sen, bắp chuối bào nhằm tẩy trắng, làm dai và giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn.
“Thành phẩm” sau đó được bỏ mối tại các chợ, quán ăn ở Sài Gòn và đưa đi nhiều tỉnh thành tiêu thụ.
Trước đó, hồi Tháng Tám, 2018, Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm Sài Gòn cũng đã ra quyết định phạt bà Võ Mộng Cầm ở Chợ Đầu Mối Nông Sản Thủ Đức 34 triệu đồng ($ 1,465) do đã sử dụng hóa chất không có trong danh mục để sản xuất thực phẩm và không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất bắp chuối bào.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan hữu trách phát hiện bắp chuối bào tại cơ sở bà Cầm được ngâm trong hóa chất tẩy trắng và hàn the. Khu vực sản xuất đọng nước, dơ bẩn, gần nơi đổ rác. (Tr.N)

Con trai cố bí thư Đà Nẵng có thể mất hết chức vụ vì ‘ăn vụng’

Ông Nguyễn Bá Cảnh tại một kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân thành phố Đà Nẵng. (Hình: Trí Thức Trẻ)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Bá Cảnh, phó trưởng Ban Dân Vận Đà Nẵng, con trai duy nhất của ông Nguyễn Bá Thanh – cố bí thư Đà Nẵng, đã bị đề nghị kỷ luật cách hết chức vụ trong đảng CSVN do “vi phạm luật hôn nhân và gia đình.”
Chiều 12 Tháng Tư, 2019, Thành Ủy Đà Nẵng đã họp và bỏ phiếu kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, phó trưởng ban thường trực Ban Dân Vận Thành Ủy Đà Nẵng. Ông Cảnh được cho là đã “vi phạm Điều 5 Luật Hôn Nhân và Gia Đình.”
Theo báo Người Lao Động, hình thức kỷ luật được Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Đà Nẵng đưa ra để bỏ phiếu là cách chức tất cả chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh. Kết quả bỏ phiếu có 35/43 phiếu hợp lệ tán thành việc trên.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, chánh Văn Phòng Thành Ủy Đà Nẵng, cho biết việc bỏ phiếu này “chưa phải là kết quả cuối cùng.”
“Đây mới chỉ là bước đầu. Khi nào cấp cao nhất quyết định thì mới là kết luận cuối cùng. Việc bỏ phiếu hôm nay là việc đề nghị kỷ luật chứ chưa phải là kết luận cuối cùng,” ông Triết nói.
Ông Nguyễn Bá Cảnh (36 tuổi), quê quán ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, là con trai của ông Nguyễn Bá Thanh – cựu bí thư Thành Ủy Đà Nẵng sau khi được kéo về Hà Nội làm trưởng Ban Nội Chính Trung Ương của đảng CSVN từ Tháng Mười Hai, 2012, thì bất ngờ qua đời hồi Tháng Hai, 2015, chỉ sau hơn nửa năm chống chọi với chứng ung thư máu cùng một số bệnh khác. Thời điểm ông Thanh ra Hà Nội giữa lúc mà cuộc xung đột giữa Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cùng Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở vào đỉnh cao.
Ông Cảnh có trình độ thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, từng học Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng rồi đi du học ở nước ngoài. Sau một thời gian học ở ngoại quốc, ông Cảnh về làm việc tại Đà Nẵng.
Đến ngày 4 Tháng Hai, 2013, Ban Chấp Hành Thành Đoàn Đà Nẵng họp hội nghị bất thường và đã bầu ông Nguyễn Bá Cảnh làm bí thư Thành Đoàn với 100% số phiếu. Sau năm năm giữ chức vụ trên, ngày 16 Tháng Tám, 2017, Ban Tổ Chức Thành Ủy Đà Nẵng đã công bố quyết định điều động ông Cảnh sang giữ chức phó trưởng ban thường trực Ban Dân Vận Thành Ủy Đà Nẵng.
Về Đà Nẵng, hỏi người dân nào cũng biết ông Nguyễn Bá Cảnh. Không phải chỉ vì ông Cảnh làm quan mà bởi vì ông rất giàu.
Gần đây, dư luận Đà Nẵng ai cũng biết chuyện “vi phạm Luật Hôn Nhân Gia Đình.” Cụ thể là chuyện ngoại tình của ông Cảnh và có con với một cô gái gốc Đà Nẵng vào sống ở Sài Gòn.
Ở Đà Nẵng nhiều người biết vợ ông Cảnh là con gái của một thành viên Hội Đồng Quản Trị của một tập đoàn tiếng tăm ở Hà Nội.
Theo Facebooker Nguyễn Hồng Thư, hôn lễ ngày ấy “hoành tráng” với hơn 1,200 thực khách tại nhà hàng sang trọng Golden Phoenix nổi tiếng thành phố Đà Nẵng. Người ta thấy hiện diện các chính trị gia, doanh nhân máu mặt, các tổng biên tập và tất nhiên không thiếu những cây bút có “số má.”
Còn cô gái nào đã làm ông Cảnh “mê mệt” đến nỗi quên mình đã có gia đình? Quên mình đã có cô vợ xinh và cô con gái đẹp như thiên thần?
Đó là một “hotgirl” (25 tuổi, cao 1m68, trắng trẻo xinh đẹp), nhà ở đường Trần Quốc Toản, gần nhà ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm,” từng học trường Trung Học Phổ Thông Trần Phú Đà Nẵng. Từng đoạt được giải ba học sinh giỏi văn thành phố; giải nhất đơn nữ Học Sinh Thanh Lịch và giải nhì đơn nữ “Gương mặt khả ái của cuộc thi học sinh sinh viên tài năng, thanh lịch Đà Nẵng.”
“Hotgirl” lọt vào mắt xanh của “Thủ lĩnh thanh niên Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh” để rồi dính thai ôm bầu, chuyển vào Sài Gòn sống và đã sinh cho ông Cảnh một bé trai.
Về phía ông Cảnh đã cố che giấu những việc mình đã làm với gia đình và tổ chức, kín đến nỗi, vừa nhậm chức tân phó trưởng Ban Dân Vận, ông Cảnh lọt vào danh sách cán bộ đi Mỹ du học hai tháng (từ 17 Tháng Tám, 2017) để rồi cuối Tháng Bảy, 2018, ông Cảnh lại được đưa ra lấy ý kiến cho ghế bí thư Quận Cẩm Lệ.
Nếu không bị phản ứng dữ dội từ phía các cán bộ hưu trí thì ông Cảnh đã nhậm chức bí thư. Và chắc chắn, với tấm bằng thạc sĩ nước ngoài, cao cấp lý luận chính trị… ông Bá Cảnh sẽ nằm trong danh sách “nguồn cao cấp” cho quy hoạch vào Trung Ương Đảng CSVN những khóa sau.
Về phần vợ ông Cảnh, sau khi phát giác đã ly dị, ôm con gái về lại Hà Nội. Riêng về “hotgirl” xứ Đà Thành, có tin nói đã được đưa ra ngoại quốc sinh sống. (Tr.N)

Cháy xưởng ở Hà Nội, 8 người thiệt mạng

Thi thể nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy. (Hình: Người Lao Động)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vụ hỏa hoạn trong đêm đã thiêu rụi 4 nhà xưởng rộng cả ngàn mét vuông tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, làm 8 người chết, trong đó có 4 người cùng một gia đình.
Sáng 12 Tháng Tư, 2019, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, cho biết khoảng 2 giờ khuya ngày cùng ngày tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã xảy ra vụ hoả hoạn lớn.
Do khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư hàng trăm mét, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, đồ gỗ nên đã nhanh chóng cháy lan thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng gồm: xưởng kho lạnh của Công Ty Cổ Phần Cơ Điện Lạnh; xưởng làm hạt chống ẩm của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Phương Lan; kho chứa đồ gỗ mộc thành phẩm và xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công Ty Môi Trường 79, với tổng diện tích bị cháy khoảng 1,000 mét vuông.
Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội đã huy động hàng chục xe cứu hoả tham gia chữa cháy, nhưng phải mất 4 tiếng mới được dập tắt lửa hoàn toàn.
Các nhân chứng cho biết, ngọn lửa quá to đã làm cánh cửa chính của xưởng sập xuống, số ít người chạy ra may mắn sống sót, trong lúc người dân dùng búa phá tường nhưng không kịp cứu những người bị kẹt bên trong.
Nhiều người hoảng sợ khi nghe tin người thân mắc kẹt bên trong.(Hình: VietNamNet)
Nói với báo VietNamNet, bà Bùi Thúy (nhà sát đám cháy), một trong những người đầu tiên phát hiện cháy cho biết “khu xưởng bị cháy được một lúc thì cánh cửa chính đổ sầm xuống, lúc đó còn người ở bên trong do không kịp chạy ra. Chồng tôi thấy thế liền lấy búa, sang nhà bên cạnh phá tường để cứu người nhưng không kịp.”
Còn chị May, công nhân làm việc tại xưởng bánh kế bên cho hay: “Ban đầu tôi và nhiều người đang làm sôcôla thì thấy lửa phát cháy liền bỏ chạy ra ngoài sân.. Lúc đó, tôi thấy có 6-7 người bên xưởng sản xuất thùng nhựa chạy kịp thoát ra ngoài.”
Bước đầu, cơ quan hữu trách xác định có 8 nạn nhân thiệt mạng và mất tích Tất cả các nạn nhân đều chết trong khu vực xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công Ty Môi Trường 79 gồm: anh Lương Quốc Dân ( 35 tuổi); anh Lương Văn Việt ( 33 tuổi); chị Trần Thị Lan (29 tuổi, là vợ của Lương Văn Việt); cháu Lương Công Minh (5 tuổi, là con của chị Lan); cháu Lương Anh Tuấn (1 tuổi, là con của Lan); anh Tuấn (34 tuổi, lái xe Công Ty Môi Trường 79), em Lê Văn Hải (18 tuổi) và anh Trần Văn Hải (25 tuổi).
Anh Vũ Văn Cần, quản lý xưởng nhựa bị cháy của Công Ty Môi Trường 79, cho biết đám cháy bắt nguồn khu vực để xe máy, nơi dễ cháy nổ.
“Ba mẹ con ôm nhau nằm chết cháy ở cạnh cánh cửa. Cháy lúc 2 giờ khuya, ai cũng ngủ say cả. Quá thảm khốc! Người chồng làm thuê tại đây, còn vợ thì nấu cơm phục vụ công nhân,” anh Cần xót xa nói với báo Thanh Niên.
Tờ Thanh Niên cho biết, đến 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày, lính cứu hỏa mới đưa được 5 thi thể ra ngoài và tiếp tục phun nước để dập tắt hoàn toàn đám cháy, làm mát để đưa thi thể các nạn nhân còn lại ra khỏi hiện trường, đưa về Bệnh Viện 198, giao Công An Hà Nội tổ chức nhận diện, làm rõ danh tính.
Trường hợp không nhận dạng được thì sẽ cho xét nghiệm ADN. Hiện Công An Hà Nội đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hoả hoạn. (Tr.N)

Viettel phủ nhận tin ‘mạng 4G của hãng có thiết bị Huawei’

Viettel muốn tiên phong tại Việt Nam trong việc thử nghiệm công nghệ 5G. (Hình: Dân Trí)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 12 Tháng Tư, nhiều báo nhà nước đăng tải thông cáo báo chí của Tập Đoàn Công Nghiệp-Viễn Thông Quân Đội (Viettel) phủ nhận tin mạng 4G của hãng này “có thiết bị Huawei” trên tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản.
Trước đó, tờ Nikkei Asian Review viết: “Mạng lưới 4G của Viettel sử dụng chủ yếu thiết bị của Công Ty Huawei, Trung Quốc.”
Tin này làm mạng xã hội dấy lên quan ngại, vì từ hồi Tháng Hai, 2019, đã có tin cho rằng Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN “dọn đường” cho Huawei thắng thầu trong cuộc đua cung cấp hạ tầng 5G ở Việt Nam, dù hãng này bị tẩy chay trên toàn thế giới.
Thông cáo của Viettel được báo Tuổi Trẻ dẫn lại, ghi: “Viettel khẳng định mạng 4G của họ đã triển khai tại Việt Nam sử dụng toàn bộ thiết bị được nhập khẩu từ các công ty Châu Âu và thiết bị do chính Viettel sản xuất. Hiện nay, Viettel đã đưa thiết bị hạ tầng mạng 4G vào lắp đặt tại Việt Nam và một số thị trường quốc tế. Viettel cũng đang triển khai nghiên cứu để sản xuất thiết bị hạ tầng mạng 5G. Do đó, Viettel đã yêu cầu Nikkei rút lại thông tin sai nói trên. Sau khi nhận được yêu cầu, Nikkei đã sửa lại bài viết của họ và gỡ bỏ thông tin liên quan đến Huawei.”
Tuy nhiên, tờ báo của Thành Đoàn ở Sài Gòn cũng cho biết thêm rằng ông Fan Jun, tổng giám đốc Huawei Việt Nam, “không nói gì về việc có hay không có thiết bị Huawei trong hạ tầng mạng 3G, 4G của các nhà mạng Việt Nam” mà chỉ “đánh giá cao việc Viettel tự sản xuất thiết bị cho hạ tầng mạng 5G”.
Bài báo trên trang web Nikkei Asian Review hôm 12 Tháng Tư không cho thấy họ có sửa thông tin “theo yêu cầu của Viettel” hay không.
Một đoạn trong bài viết: “Do không đủ năng lực chuyên môn cần thiết, Viettel có thể chọn thiết bị do Nokia hoặc Ericsson sản xuất, tùy thuộc vào tiến trình của họ trong các thử nghiệm công nghệ 5G. Đại diện Viettel nói với Nikkei rằng họ quyết định phát triển và sản xuất các thiết bị mạng lõi để tránh nguy cơ không thể trợ giúp an toàn và bảo mật cho mạng viễn thông quốc gia. Viettel đặt mục tiêu sản xuất 80% cơ sở hạ tầng mạng viễn thông vào năm 2020.”
“Với việc Việt Nam đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với Nikkei rằng Hà Nội có thể theo chân nỗ lực của Washington để loại trừ việc dùng thiết bị 5G của Huawei. Hoa Kỳ đang gây áp lực buộc các quốc gia khác phải bỏ Huawei khỏi mạng di động của họ, do lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng thiết bị để làm gián điệp – cáo buộc mà Huawei nói là vô căn cứ,” tạp chí Nhật Bản viết.
Hồi Tháng Mười Một, 2018, báo điện tử Dân Trí tường thuật: “Bám sát chủ trương của Bộ Thông Tin Truyền Thông [CSVN] sẽ cấp tần số thử nghiệm 5G vào năm 2019, Tập Đoàn Viettel sẽ quyết tâm trở thành nhà mạng tiên phong trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019. Đến nay, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực: làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G; làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần; làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G…” (T.K.)

Thực phẩm Việt Nam ‘hầu như không được kiểm soát chất cấm’

Nhiều sản phẩm trong siêu thị có chất cấm, chất phụ gia không được kiểm soát. (Hình: CafeF.vn)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau vụ 18,000 chai tương ớt Chin-su của Công Ty Masan vừa bị chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản ra lệnh thu hồi vì chứa benzoic acid, công luận lại ngỡ ngàng khi giới chức thừa nhận không chỉ tương ớt mà hầu hết hàng thực phẩm Việt Nam “gần như không được kiểm soát chất cấm”.
Báo điện tử VietnamNet hôm 12 Tháng Tư dẫn lời bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch, cựu thứ trưởng Bộ Thủy Sản CSVN: “Hiện nay đối với thị trường nội địa có tiêu chuẩn, nhưng hầu như không được kiểm soát nên rất thương cho người tiêu dùng Việt Nam. Hầu hết các tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia trong chế biến thực phẩm ở Việt Nam đều lấy theo tiêu chuẩn Codex (Ủy Ban Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Tế). Thậm chí nhiều khi mình còn rập khuôn không phù hợp với một số sản phẩm truyền thống ví như nước mắm. Trong khi đó, các tiêu chuẩn trong sản xuất VietGap, GlobalGap lại thấp hơi rất nhiều so với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn thường sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, họ thường tự công bố chứ không ai xác nhận được làm đúng hay sai.”
Tờ báo còn dẫn lời ông Nguyễn Duy Thịnh, cựu giảng viên Viện Công Nghệ Thực Phẩm (Đại Học Bách Khoa Hà Nội): “Có nhiều chất ở Nhật Bản bị cấm sử dụng, còn ở Việt Nam, chất đó lại được phép sử dụng với hàm lượng nhất định. Thậm chí, có chất phụ gia có trong danh mục phụ gia bảo quản của Codex, trong đó, Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Vì thế, không có gì lạ khi vụ tương ớt Chin-su diễn ra, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nói rằng, sản phẩm đó ‘dành riêng cho thị trường nội địa’ vì trên đó có ghi rõ ‘Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu’, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.”
Cũng liên quan vụ này, trong công văn gửi cho báo chí và Công Ty Masan hôm 12 Tháng Tư, Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế CSVN viết: “Việc Nhật Bản không quy định benzoic acid, sorbic acid làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà Việt Nam lại cho dùng không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam không được quan tâm như Nhật Bản. Thực tế Việt Nam đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm, trong đó có tương ớt của Codex. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Mỹ, các nuớc Châu Ẩu… đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng. Việc sử dụng benzoic acid, natri benzoat, sorbic acid hoặc kali sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS nếu có.”
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Việt Nam hiện đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, gồm 337 chất và hương liệu. Tuy nhiên, chỉ 5%-10% sản lượng được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những chất phụ gia nhập lậu, bày bán trôi nổi đang là thủ phạm đe dọa tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Tờ báo của đảng bộ đảng CSVN này ở Sài Gòn trích lời Bác Sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung Tâm Chống Độc, Bệnh Viện Bạch Mai: “Hiện nay có nhiều hóa chất, phụ gia với độc tính khác nhau đối với cơ thể, mỗi chất có một biểu hiện khác nhau. Song thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính do sử dụng thực phẩm chứa phụ gia độc hại.”
Trong một diễn biến khác, báo VietnamPlus hôm 11 Tháng Tư cho hay, Việt Nam có tới 165,000 người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong năm 2018, trong lúc con số này hồi năm 2010 là 126,000 người. (T.K.)

Thấy gì qua việc trường học “đấu tố” vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng?

Hòa Ái, RFA-2019-04-10   
Người dân Lộc Hưng phản đối Phòng Giáo dục Tân Bình chỉ thị trường học tuyên truyền về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng sai sự thật.

Người dân Lộc Hưng phản đối Phòng Giáo dục Tân Bình chỉ thị trường học tuyên truyền về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng sai sự thật.Courtesy: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng. RFA edited

Chính quyền tiếp tục sai trái?

Tròn đúng 3 tháng sau vụ việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng xảy ra, các cư dân ở khu vực này tiếp tục lên tiếng phản đối việc làm sai trái của chính quyền địa phương cứ tiếp diễn đối với những hộ gia đình là nạn nhân của vụ cưỡng chế, đặc biệt là đối với con em họ, những học sinh đang theo học tại các trường trong quận Tân Bình.
Hơn 100 hộ dân cư ngụ tại khu vực vườn rau Lộc Hưng rộng khoảng 5 héc-ta bất thình lình bị Chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) san ủi trong hai ngày 1 và 8 tháng 1 năm 2019 mà không có giấy tờ thông báo.
Trong khi vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, hôm 3/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình ban hành công văn yêu cầu các trường học trong phạm vi của quận này phải tuyên truyền về chủ trương của chính quyền trong vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Trên trang mạng xã hội Facebook Vườn Rau Lộc Hưng, cư dân Lộc Hưng lên án việc làm của Phòng Giáo dục quận Tân Bình có chính sách dạy học sinh nói dối, không phản ánh trung thực vụ việc cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Không thể ở một cấp quận là Phòng Giáo dục lại đi tuyên truyền như đinh đóng cột rằng việc làm cưỡng chế đó là đúng, thậm chí còn cho rằng người dân khiếu nại là sai, hễ ai lên tiếng phản đối thì cho là có dấu hiệu như phản động và cần phải trình báo công an xử lý…Tức là một cách chỉ thị mang yếu tố áp đặt, một lối tuyên truyền rất thô thiển và không đúng pháp luật
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư tham gia trong nhóm Luật sư Lộc Hưng hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng nói với RFA rằng việc chỉ thị tuyên truyền của Phòng Giáo dục quận Tân Bình là không đúng pháp luật vì vụ việc liên quan pháp lý là do cơ quan pháp lý giải quyết, mà Ủy ban Nhân dân TP.HCM có trách nhiệm phải giải quyết cho người dân Lộc Hưng. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc khẳng định:
“Không thể ở một cấp quận là Phòng Giáo dục lại đi tuyên truyền như đinh đóng cột rằng việc làm cưỡng chế đó là đúng, thậm chí còn cho rằng người dân khiếu nại là sai, hễ ai lên tiếng phản đối thì cho là có dấu hiệu như phản động và cần phải trình báo công an xử lý…Tức là một cách chỉ thị mang yếu tố áp đặt, một lối tuyên truyền rất thô thiển và không đúng pháp luật.
Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng hành vi của ông Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Tân Bình trong việc ban hành 3 công văn liên tiếp để gọi là hướng dẫn, chỉ thị cho trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trong địa bàn quận để làm công việc tuyên truyền đó là việc làm thể hiện thái độ rất chủ quan, rất coi thường dân, bất chấp pháp luật và kể cả về đạo lý, chúng tôi cho rằng họ cũng bất chấp.”

Hậu quả thế nào?

Cư dân Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại với Chính quyền TP.HCM.
Cư dân Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại với Chính quyền TP.HCM.Courtesy: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng
Qua diễn tiến Chính quyền quận Tân Bình bắt các trường học tuyên truyền về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, không ít người quan tâm vụ việc này cho rằng Chính quyền quận Tân Bình hành xử theo cách thức đấu tố thời kỳ Cải cách ruộng đất trong lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ trước. Nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội cho rằng động thái này của Chính quyền quận Tân Bình càng minh chứng cho việc làm cố ý cưỡng chế đất đai của người dân Lộc Hưng một cách vô pháp, kể cả biện pháp dùng ngành giáo dục ép buộc học sinh tố cáo thân nhân trong gia đình một khi họ lên tiếng phản đối vụ cưỡng chế.
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề về cách hành xử của Chính quyền quận Taab Bình trong vụ cưỡng chế vươn rau Lộc Hưng với nhà báo tự do Mạnh Kim, là người theo dõi sát sao tình hình tranh chấp đất đai ở Việt Nam, và được ông đưa ra nhận định rằng không chỉ riêng Chính quyền quận Tân Bình mà là tất cả các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương ở Việt Nam đều chỉ có một cách giải quyết duy nhất mà ông gọi là “lấn tới”:
“Chính quyền không có cách xử lý nào khác nữa hết. Tại vì đất đai không chỉ liên quan đến chính sách không mà nó còn liên quan đến quyền lợi của lợi ích nhóm. Từ Bắc đến Nam chỗ nào cũng có. Từ thành phố lớn cho đến những địa phương nhỏ, chỗ nào cũng dính dáng đến lợi ích nhóm hết sức chồng chéo và phức tạp. Không thể nào giải quyết rốt ráo về lợi ích nhóm và tham nhũng được.
Chính quyền nghĩ rằng nếu họ nhân nhượng trường hợp A thì họ phải nhân nhượng tiếp trường hợp B, ví dụ như vậy cho nên là họ cứ làm tới mà thôi. Và điều này sẽ gây ra tác hại đối với chính quyền rất nhiều, khiến cho lòng dân vốn dĩ đã bất mãn rồi thì càng bất mãn sâu hơn và nặng nề hơn.”
Hồi tháng 10 năm 2017, hai Tổ chức tư vấn TMP Systems và Rights and Resources Initiative, trụ sở tại Anh Quốc, công bố một báo cáo cho thấy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là điểm nóng về tranh chấp đất đai trên thế giới.
Vào ngày 2 tháng 4 vừa qua, báo cáo PAPI 2018, báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, được công bố với phản ảnh của người dân tham gia khảo sát cho biết nhũng nhiễu liên quan lãnh vực đất đai, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm.
Chính quyền không có cách xử lý nào khác nữa hết. Tại vì đất đai không chỉ liên quan đến chính sách không mà nó còn liên quan đến quyền lợi của lợi ích nhóm. Từ Bắc đến Nam chỗ nào cũng có. Từ thành phố lớn cho đến những địa phương nhỏ, chỗ nào cũng dính dáng đến lợi ích nhóm hết sức chồng chéo và phức tạp. Không thể nào giải quyết rốt ráo về lợi ích nhóm và tham nhũng được...Và điều này sẽ gây ra tác hại đối với chính quyền rất nhiều, khiến cho lòng dân vốn dĩ đã bất mãn rồi thì càng bất mãn sâu hơn và nặng nề hơn
-Nhà báo Mạnh Kim
Luật đất đai của Việt nam quy định đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”. Điều này, theo các chuyên gia, đã và đang đẩy hàng triệu người dân trở thành “dân oan” mất nhà cửa, ruộng vườn đầy oan khuất và thậm chí phải nhận lãnh các bản án tù nặng nề, liên quan đến những vụ chống cưỡng chế đất. Thế nhưng, trong cuộc chiến pháp lý về đất đai giữa người dân và chính quyền thì người dân vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ. Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình từng nhận định với RFA rằng chính quyền đã đẩy người dân vào sự chọn lựa cuối cùng trong việc làm giữ đất của họ.
Khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.
Trở lại vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, sau tròn 3 tháng vụ việc xảy ra, cư dân Lộc Hưng vẫn kiên định kêu gọi Chính quyền TP.HCM đối thoại với họ cũng như cùng với Nhóm Luật sư Lộc Hưng theo đuổi các thủ tục pháp lý để đòi lại đất, mà nhiều thế hệ trong gia đình đã đổ nhiều mồ hôi, công sức để tạo nên vườn rau Lộc Hưng từ những ngày đầu di cư ngoài Bắc vào hồi năm 1954.

“Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng”

Xuân Nam, RFA-2019-04-11 
Image may contain: one or more people and outdoor
  “Hình minh họa. Nội thành Hà Nội hôm 25/1/2017-AFP
“Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng” là luận điểm quan trọng trong bài viết “Đã đến lúc các lãnh đạo đảng phải xin lỗi nhân dân” của tác giả Nguyễn Kiều Dung, người đã từng làm luận án tiến sĩ tại Hoa Kỳ và hiện đang sinh sống ở Hà Nội.
Trong bài viết của mình, TS.Dung cho rằng vì lựa chọn Mô hình Phò Trung Quốc, nên đảng cộng sản Việt Nam phải thực hiện chính sách dối trá và ngu dân trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Và nếu so sánh sự phát triển trong 44 năm qua với Trung Quốc thì đây là một thành tích đáng xấu hổ của Việt Nam. Tác giả nhận định việc theo mô hình này có thể dẫn đến việc đánh đổi chủ quyền quốc gia.
TS.Dung cho rằng đã đến lúc cương quyết vứt bỏ mô hình này để đổi mới chính trị với việc đầu tiên cần làm ngay là: công khai xin lỗi nhân dân và chịu kỷ luật
Sau khi đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, bài viết đã được chia sẻ rộng rãi và nhận được rất nhiều phản hồi, góp ý từ các chuyên gia.
Khi phóng viên Đài Á Châu Tự do đặt vấn đề liệu việc xin lỗi có nhẹ hay không, nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn An Dân cho biết:
Nói việc xin lỗi nặng hay nhẹ khó mà nói cho từng sự việc cụ thể. Nhưng xin lỗi là thiện chí đầu tiên. “
“Xin lỗi thể hiện tính dân chủ.  Có nghĩa là lãnh đạo phải đứng dưới quyền làm chủ của nhân dân. Giống như ông Hồ chí Minh vẫn nói: lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân. Đầy tớ làm sai thì xin lỗi chủ, đó là thể hiện tính dân chủ - người dân làm chủ.
Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, cho rằng việc yêu cầu đảng xin lỗi nhân dân để đổi mới chính trị trong thời điểm này là chưa thực tế:
“Tôi cho là tác giả Nguyễn Kiều Dung không hiểu về đảng và do đó không thực tế. Tại vì những người biết về đảng, từ trong lòng đảng, thì họ đều hiểu một điều là vì sĩ diện và tính độc đảng, độc tài và vì cái thế mạnh mà nó (đảng – pv) còn giữ được cho tới ngày hôm nay thì không đời nào nó làm chuyện đó.”
“Việc mà đảng cộng sản, theo quan điểm của tôi, và tôi nghĩ là rất nhiều người dân khác, và đặc biệt người dân Việt Nam thì đảng cộng sản phải xin lỗi cách đây 40 năm rồi, từ lúc bắt người dân Sài Gòn và người dân Nam bộ ăn bo bo, ăn khoai mì và thay thế nền kinh tế tự do bằng nền kinh tế bao cấp, chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, v.v..đánh tư sản, đánh mại bản và gần như đã làm sụp đổ tan hoang cả nền kinh tế của khu vực phía Nam.
“Chính từ lúc đó đảng cộng sản đã phải xin lỗi người dân rồi, chưa kể là hàng loạt những chuyện sau này. Còn bây giờ mà phải xin lỗi người dân là đã vô cùng muộn.”
Việc mà đảng cộng sản, theo quan điểm của tôi, và tôi nghĩ là rất nhiều người dân khác, và đặc biệt người dân Việt Nam thì đảng cộng sản phải xin lỗi cách đây 40 năm rồi, từ lúc bắt người dân Sài Gòn và người dân Nam bộ ăn bo bo, ăn khoai mì và thay thế nền kinh tế tự do bằng nền kinh tế bao cấp, chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, v.v..đánh tư sản, đánh mại bản và gần như đã làm sụp đổ tan hoang cả nền kinh tế của khu vực phía Nam. - TS. Phạm Chí Dũng
Trong khi đó, trên facebook của mình, GS.TS Nguyễn Đình Cống hoan nghênh và tâm đắc luận điểm mà tác giả Nguyễn Kiều Dung đưa ra: “Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng”. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Cống cho rằng đầu bài và việc cần làm số 1: “Xin lỗi dân” còn quá nhẹ và chưa thể hiện được bản chất. Ông viết:
“Ai chứ tôi không cần nghe lời xin lỗi của lãnh đạo ĐCS. Đảng cộng sản Việt Nam nếu còn một chút nào liêm sỉ thì phải tự thay đổi”
“Nhiều việc tưởng là có công với chủ thuyết cộng sản, nhưng thực chất lại là có tội lớn đối với dân tộc.“
“Tội lớn nhất là dẫn dân tộc đi theo Nga xô trước đây, theo Trung Cộng ngày nay, theo chủ thuyết đấu tranh giai cấp và xây dựng xã hội không tưởng, nhằm đưa lại quyền lợi cho các nhóm lợi ích là chủ yếu, trên cơ sở phá nát tài nguyên, môi trường, kết hợp áp bức bóc lột một bộ phận dân chúng.”
Tác giả Nguyễn Kiều Dung lập luận rằng, sau khi xin lỗi thì việc cần làm là vứt bỏ “Mô hình Phò Trung Quốc” để đổi mới chính trị. Vì tất cả những dối trá, ngu dân về Luật pháp – Dân Trí – Kinh tế - Khoa học Công nghệ - Chính trị, đều có nguyên nhân là do đảng lựa chọn mô hình này mà ra.
Tuy vậy, TS. Pham Chí Dũng nhận định rằng không thể có sự thay đổi chính trị vào thời điểm này:
“Cho dù đây là thời điểm rất khó khăn của đất nước và nền kinh tế gần như là bên bờ vực thẳm và chân đứng chính trị đang rệu rã, nhưng mà nó vẫn không làm chuyện đó, tại vì nó vẫn đang trên đường đi tới vực thẳm, nhưng chưa sa hẳn một chân xuống vực thẳm, chưa bị đẩy hẳn vào chân tường.”
“Khi nào bị đẩy hẳn vào chân tường thì lúc đó nó mới có sự thay đổi lớn, còn bây giờ thì chưa.”
Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả Nguyễn Kiều Dung đề ra việc cần làm thứ 3 là: “Ngăn ngừa/loại bỏ những người cản trở đổi mới chính trị.”
Góp ý với tác giả, GS.TS Nguyễn Đình Cống viết trên facebook rằng việc này là không cần thiết.
“Trước hết phải trả quyền cho dân. Quyền đó đã bị đảng cướp mất từ lâu. Hãy trả quyền cho dân bằng chủ trương đa nguyên, để dân thật sự tự do bầu ra quốc hội.”
“Thoát Trung” cũng là một trong những ý chính mà tác giả Nguyễn Kiều Dung đã đề cập trong bài viết.
Và “thoát Trung” hay “giãn Trung” như một số chuyên gia khác thường gọi, là vấn đề nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia.
Nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn An Dân phân tích:
“Hiện nay cần thiết nhất bang giao là Mỹ. Tại vì những nước Châu Âu, mô hình dân chủ của họ, và lợi ích của họ nó bị giằng níu nhiều hơn nước Mỹ. Đó là cái thứ nhất.”
“Cái thứ hai là chiến lược quốc gia của Mỹ là phải đẩy lùi Trung Quốc. Thì cái việc Mỹ đẩy lùi Trung Quốc, Việt Nam cũng được hưởng lợi. Hưởng lợi về an ninh, quốc phòng, về tư tưởng, văn hóa, kinh tế…mà những yếu tố thì nó sẽ tác động đến dân chủ, tạo nền vững chắc dể dân chủ phát triển.”
Phân tích xung quanh vấn đề này, TS.Phạm Chí Dũng cho rằng cơ hội đang đến với Việt Nam:
“Dự kiến là giữa năm hay hoặc là sau đó một chút thì Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đi Mỹ theo lời mời chính thức của ông Trump. Đó là một cơ hội.”
“Thứ nhất lần đầu tiên có thể xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược Việt Mỹ. Sau đó có thể dẫn tới giữa Việt Nam và Mỹ có một hiệp ước tương trợ phòng thủ quân sự lẫn nhau, giống như giữa Philippines và Mỹ vậy.”
“Từ đó sẽ có cơ hội để Việt Nam độc lập hơn đối với Trung Quốc ở khu vực biển Đông và có thể kể cả về mặt kinh tế nữa. Đó là cơ hội mà tôi gọi là giãn Trung.”
Khi được hỏi, liệu Việt Nam đang ở trong một thế chênh vênh hay không trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, TS. Phạm Chí Dũng nhận định:
“Thật ra ở đây đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng không có sự lựa chọn. Không thể nói chênh vênh hay không chênh vênh. Thực ra chênh vênh nó đã tồn tại ngay từ thời đu dây rồi, đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.”
“Chênh vênh đến nỗi ngã lộn cổ vào năm 2014 với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Đó là một bài học kinh khủng đối với chính quyền Việt Nam, đối với đảng cộng sản Việt Nam. “
“Cho nên đến lúc này họ không có quyền lựa chọn nữa. Lựa chọn duy nhất và lối thoát duy nhất của họ là hiện nay Mỹ là đối trọng duy nhất về mặt quân sự ở khu vực biển Đông với Trung Quốc. “
AP_1905822917172320190227960.jpg
Lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ tại Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn ở Hà Nội tháng 2/2019 AP
Và TS.Phạm Chí Dũng nhận định vấn đề ý thức hệ sẽ không phải là rào cản trong hợp tác chién lược với Hoa Kỳ.
“Tôi cho rằng khi mà Trump tuyên bố chống chủ nghĩa xã hội quyết liệt ngay tại diễn đàn của Liên hiệp quốc và Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp Trump một cách hết sức là niềm nở, vồ vập, ve vãn tại Hà Nội và Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Mỹ - điều đó có nghĩa là vấn đề ý thức hệ của Việt Nam không phải là một cái gì bảo thủ đến mức ghê gớm nữa và nó có thể thay đổi trong tương lai. Đặc biệt là sau khi Trọng nghỉ. “
Việt Nam đã chính thức trở thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc từ năm 2008 và cùng có thể chế chính trị độc đảng, đều do đảng cộng sản nắm quyền tuyệt đối. Tuy nhiên hai nước hiện vẫn còn những bất đồng liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Về mặt kinh tế, TS. Phạm Chí Dũng cho hay, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc mỗi năm hàng chục tỷ đô la Mỹ. Điều này làm kinh tế Việt Nam trở nên lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và chịu những rủi ro nhất định.
Trong khi đó, kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1995, và trở thành đối tác toàn diện từ 2013, quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2018, Việt Nam đã có mức xuất siêu 35 tỷ đô la Mỹ vào Hoa Kỳ. Đay cũng là thị trường chiếm tỷ trọng gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng về chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Trump, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có thể thành hiện thực.
Kiến nghị của tác giả Nguyền Kiều Dung về việc vứt bỏ Mô hình Phò Trung Quốc tuy không mới nhưng nó thu hút sự quan tâm của cộng đồng vì tâm thế người Việt đang hướng về một thời khắc có tính lịch sử, xoay chuyển số mệnh của cả một dân tộc – đó là 30/4/1975.