Tuesday, April 30, 2024

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

 Huỳnh Thị Tố Nga

(Tù nhân lương tâm, nhận án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự CSVN)

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. (Hình minh họa: Chris Jackson/Getty Images)

Cậu ba tôi, đã từng ngã xuống dưới họng súng của những người cộng sản. Cậu út tôi, một người tài hoa của gia đình và xã hội, cũng sống một đời sống dở chết dở dưới thủ đoạn của cộng sản. Ông ngoại tôi, một bác sĩ tim mạch được đào tạo ở Pháp, một trí thức mang tư tưởng cấp tiến, một đời chỉ biết sống với lý tưởng dùng tài đức phục vụ cho con người. Nhân cách của ông ngoại đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn, dù khi ông mất, tôi chỉ mới 8 tuổi, nhưng những kỷ niệm về ông tôi chưa từng quên. Tôi chọn nghề y cũng có lẽ ảnh hưởng từ ông. Tư tưởng chính trị của tôi có lẽ từ bé ảnh hưởng từ cậu út tôi, một người có tài và tư tưởng lớn nhưng rốt cuộc lại bị hủy dưới tay cộng sản.

Ngược lại, bà ngoại và hai dì của tôi, cũng là những người trí thức, nhưng lại dùng cả đời phục vụ cho lý tưởng cộng sản.

Cuộc đời luôn có những oái ăm, mà vô phúc cho những người phải sống trong dòng lịch sử đó, họ phải lội ngược xuôi, cuối cùng khi mất đi, đất nước này vẫn đang vật lộn với chuỗi ngày u tối cho những người dân đen, những người ở đáy tầng của đời sống.

Rất nhiều người đã từng hỏi tôi, rằng tôi có ý thức đấu tranh từ khi nào, tôi cũng từng trả lời rằng, tôi có tư tưởng chính trị từ bé, đó là tư tưởng xuất hiện từ vô thức, trước khi tôi hiểu rõ về chính trị là gì thì đã có nó rồi. Bởi vì gia đình hoàn cảnh phức tạp, tôi có được sự nhận thức đa chiều, một kinh nghiệm quý giá.

Dượng tôi, một người từng lăn lộn ở chiến trường biên giới Cambodia, Lào, Thái Lan, ở ông có cả một bầu kiến thức và kinh nghiệm. Ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc sống của miền Nam. Ông là người đã sống qua hai thời kỳ, ông quá hiểu về chế độ.

Qua lời kể của ông, tôi biết được một miền Nam từng yên bình như thế nào. Người dân được học hành, khám chữa bệnh miễn phí, được hưởng trợ cấp khi khó khăn. Ông dùng từ “nhà thương” chứ không phải gọi “bệnh viện” như bây giờ, vì người dân vào nhà thương, được chăm sóc tận tình và miễn phí.

ng cũng kể những năm tháng ông lăn lóc ở chiến trường, chiến đấu dưới màu cờ quốc gia. Có những chuyện ông kể, tuy là một góc nhỏ bé, nhưng tôi nhớ hoài. Ở rừng, có gì ăn đó, những lúc lương thực viện trợ của Mỹ chưa đến kịp, phải ăn thú rừng, đôi khi những con thú như voi, vô tình bị trúng đạn chết, người lính đành ăn thịt voi mà sống. Ông kể, cái vòi con voi, nấu lên nó nở to như cái nia. Những kinh nghiệm sống đó, không phải ai cũng trải qua.

Sau năm 1975, ông sống như một người ẩn cư, nhưng vẫn không yên ổn với cộng sản, cuộc sống như người vô gia cư, rày đây mai đó, không giấy tờ tùy thân. Đối với ông, cuộc sống sau năm 1975 như đày ải, mọi tự do bị tước sạch. Từ khi cộng sản nắm quyền, họ chỉ lo thu tóm quyền lực, giống như con khỉ ở rừng, sau khi được thả với tâm lý phải chứng tỏ bản lĩnh, người cộng sản không từ thủ đoạn, dùng chính sách cai trị khắc nghiệt để người dân miền Nam phải tuân phục và sợ hãi. Đấu tố, tù đày, giết chóc diễn ra khắp nơi, những người từng phục vụ cho quốc gia, hầu như không còn đường sống.

Ba Mươi Tháng Tư của gần nửa thế kỷ sau biến cố, tôi đứng ở hiện tại của một đất nước được gọi là “thống nhất.” Nhưng nếu hiện tại của Việt Nam yên bình và nhân dân ấm no, có lẽ tôi đã không dấn thân vào cuộc đấu tranh làm gì.

Tôi không quan tâm quyền lực, chỉ mong muốn một cuộc sống yên bình, tự do và khai phóng tư tưởng. Nhưng thực tế, từ quá khứ cho đến hiện tại của chủ nghĩa Cộng Sản, đời sống Việt Nam không thay đổi, hay chỉ thay đổi hình thức giả tạo để che lấp dưới mắt quốc tế. Bản chất người cộng sản vì lợi ích đảng phái, vì lợi ích cá nhân và quan điểm triệt tiêu người bất đồng, đường lối chính trị của họ mãi mãi vẫn như vậy. Bản chất ác nguỵ của người cộng sản không bao giờ thay đổi.

Kẻ cầm quyền hôm nay, cho người dân ăn bánh vẽ cộng sản nhưng chính họ lại xa rời lý thuyết chủ nghĩa Cộng Sản mà họ rao giảng. Và tôi tự hỏi, những người đang mang mác cộng sản ở Việt Nam hiện nay, thực chất họ đang theo chủ nghĩa gì? Phải chăng đó là chủ nghĩa thực dụng và lợi ích nhóm, thu vén và tiêu diệt những ai thấy họ bộ mặt của họ?

Con đường của tôi và nhiều người Việt Nam khác mong muốn tự do cho đất nước, còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng khi nào Việt Nam còn chưa được thật sự tự do, cuộc sống người dân còn chưa đủ ấm no cho tầng lớp đáy tầng thì tôi vẫn phải tiếp tục tranh đấu.

Ít nhất, Việt Nam phải được như miền Nam trước kia, một miền Nam tự do, dân chủ và văn minh. Nếu tốt hơn, phải kiến tạo được một Việt Nam giàu đẹp, con người giàu tinh thần dân tộc, đề cao đạo đức, khai phóng tinh thần, hướng thượng và nhân bản, chứ không phục vụ cho một lãnh tụ bất diệt hay đảng phái nào tự cho quyền mình cai trị mãi mãi trên đất nước. [đ.d.]

Một lời xin lỗi để quên đi

 Phil Nguyễn/SGN

Hôm nay là 30 Tháng Tư, đúng 49 năm trôi qua, thế nhưng bao nhiêu u uất và bao nhiêu nhớ nhung đang bắt đầu trở về trong ký ức của chúng ta.

Có những câu chuyện đã được nghe một đôi lần nhưng khi Tháng Tư đen quay trở lại hàng năm, câu chuyện đó khi được đọc lại vẫn tưởng như một câu chuyện mới của ngày hôm qua bởi nó vẫn xót xa, vẫn uất hận và vẫn đắng cay.

Một chiếc thuyền vượt biển tìm tự do, năm 1975. (Hình: MPI/Getty Images)

Mỗi năm, có hàng trăm câu chuyện được kể ra để gôm thành một tên chung là chuyện về ngày mất quê hương. Trong những câu chuyện đó, mới đây, tôi vô tình được đọc một bài viết trên FB về chuyện vượt biên đầy thương tâm, nước mắt và hãi hùng.

Lần đầu tiên, trong cuộc đời ly hương và tỵ nạn gần 50 năm qua, tôi được xem những tấm hình lịch sử khủng khiếp, kinh hoàng và được đọc về chuyện hải tặc tấn công hãm hiếp người vượt biên trên hoang đảo Kokra của Thái Lan, mà không phải trên biển cả.

Những chuyện hải tặc tấn công trên biển, tôi đã từng được nghe nhưng chưa bao giờ tôi được thấy hình ảnh của những con người thật sự với đôi mắt kinh hãi khủng khiếp như mất hồn co rúm người lại, những em bé cùng cha mẹ sợ hãi trốn núp trong hang đá như con thú hoang bị săn đuổi sắp bị giết, những thân xác rã rời ngồi bất động trong đêm như tượng đá khúc gỗ trên bãi biển không biết mong chờ điều gì.

Tại sao có những tấm hình này, tại sao có những câu chuyện như thế này mà chúng ta không được thấy và không được nghe từ trước tới nay trong suốt 49 năm qua?

Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước, câu chuyện kẻ thắng trận đã trả thù và đầy đọa chúng ta, phân ly gia đình, đuổi người thành thị đi vùng kinh tế mới, cướp giựt tài sản, chửi bới sỉ nhục người thua cuộc, lừa gạt sĩ quan của bên thua cuộc đi vào tù cải tạo để giết lần giết mòn với đói khát, bệnh tật và héo hắt ở những trại tù không còn đường trốn thoát.

Những đầy đọa, trả thù và giết người không gươm giáo thế cũng chưa đủ để cho thấy sự lạnh lùng sắt máu và không có trái tim của người Cộng sản. Trước khi cho đám “ngụy dân, ngụy quân, ngụy quyền” này chết, phải tìm cách lột hết của cải tiền bạc tài sản của chúng bằng cách tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức ở các địa phương miền Tây có nhiều sông ngòi cửa biển để lấy vàng.

Đối tượng lớn là khối người Hoa buôn bán, thương gia, những người có rất nhiều tiền mà chúng không thể nào lấy được hết tiền của họ.

Để họ được tự do buôn bán ở ngoài vòng kiểm soát như trước năm 1975 thì không được, mà bắt họ bỏ tù hay đày đi vùng kinh tê mới thì sẽ có chuyện với các đồng chí Trung Quốc vĩ đại phương Bắc.

Thôi thì sẽ vẽ đường cho hươu chạy bằng cách tổ chức đi vượt biên bán chính thức, một công đôi chuyện “đưa chúng đi ra biển để lấy vàng,” còn thì “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi.”

Ngạn ngữ này là một cách mượn dao giết người, nghĩa là để bão tố, hải tặc hay đói khát giết những người này mà mình không bị thế giới hay đàn anh lên án mà lại có vàng.

Đấy đâu phải là lòng thương người nhân ái của Cộng Sản!

Lịch sử đất Việt co ghi rằng trong đợt đấu tố cải cách ruộng đất từ 1953-1956, có những người dân đã nuôi người Cộng Sản, bảo vệ chúng và cho chúng vàng bạc tiền của để chống thực dân. Thế mà sau đó, chúng còn đem ra đấu tố và giết đi sau khi tịch thu hết tài sản của cải của họ.

Cho nên, dù vượt biên bán hay không bán chính thức, hoặc vượt biên lẻ tẻ ở địa phương nào đó, câu nói “mượn dao giết người” vẫn là một phương cách bọn Cộng Sản thực hiện.

Sự ác độc của Cộng Sản là ở chỗ đó.

Đã biết là như vậy nhưng những người không thể sống với Cộng Sản nhất quyết ra đi dù không biết sẽ đi tới đâu, không biết có sống nổi trong chuyến tầu một chiều đi vào chỗ chết này hay không? Họ chấp nhận cái chết ở phía trước nhưng đau đớn thay là không biết số phận sẽ chết như thế nào?

Lần đầu tiên, được xem những bức hình lịch sử của những người tỵ nạn vượt biên và khi đọc những ghi chú của bức hình, tôi tự hỏi tại sao lịch sử của người tỵ nạn hải ngoại, những người kể chuyện về cộng sản, không có một chương nào nói về chuyện vượt biên này trong khi chuyện trả thù và đầy đọa bởi Cộng Sản cùng với chuyện vượt biên chạy trốn Cộng Sản, hai chuyện đó nó có liên hệ rõ ràng với nhau trong lịch sử mất nước.

Vượt biên là một phần lớn của lịch sử người tỵ nạn Cộng Sản.

Nếu không có những chuyến tàu tổ chức vượt biên bán chính thức với cả hàng trăm người đi chen chúc lên tầu, được cất dấu vàng bạc của cải mang theo thì không có những kho tàng châu báu vàng bạc miếng mồi hấp dẫn cho bọn cướp hải tặc Thái lan săn đuổi và cướp bóc.

Bọn hải tặc khi đã tìm được một kho tàng lần đầu tiên một cách dễ dàng thì chúng sẽ tiếp tục làm tiếp, bởi một khi bọn Cộng Sản vẫn tiếp tục tổ chức vượt biên bán chính thức lấy vàng và vẫn tìm cách đẩy người vào chỗ chết, bọn hải tặc vẫn còn có những con mồi béo bở kể tiếp để cướp của.

Xem những tấm hình lịch sử và đọc ghi chú của mỗi bức hình xong, tôi không dám đọc lại lần thứ hai bởi từ tấm hình đầu tiên với hai cô gái trong đôi mắt nhìn lên mất hồn ngơ ngác đầy sợ hãi, tôi tự hỏi còn cần phải biết gì hay xem gì thêm nữa không?

(Hình: Ted Schweitzer via FB Nguyễn Cửu Long Hiếu)

Về chuyện hải tặc ăn cướp, giết người, hãm hiếp người vượt biên trên biển ngoài khơi không phải là mới lạ hay hiếm có. Nó đã được loan truyền đi trong thế giới của người đi vượt biên vào thời gian này.

Trong những chuyến tàu nhỏ bị đánh cướp, đã có những chuyện tự vệ và chống trả dữ dôi đánh lại bọn cướp của thanh niên trên tầu khiến chúng bị giết và bỏ chạy, nhưng chuyện hải tặc giết người và hãm hiếp phụ nữ trên hoang đảo này là một chuyện chưa bao giờ được kể ra và không ai được nghe đến.

Trôi tắp được vào hoang đảo, họ có còn gì trên người đâu ngoài mảnh quần mảnh áo tơi tả để che thân, đàn bà con gái đâu còn xinh đẹp để hấp dẫn kẻ cướp mà chỉ là những thân xác gầy còm, nhơ nhuốc, nhuốm máu, kiệt quệ và ốm yếu, những thanh niên thì đâu còn có sức khỏe và ý chí để chống lại sau một cuộc vượt biên đói khát và kinh hoàng vất vưởng 10, 15, 20 ngày lênh đênh trên biển cả, có thế đã bị đánh cướp một lần rồi, có thế đã thấy máu đổ người chết một lần khác.

Giờ thì tất cả đã kiệt sức nằm dài trên bãi cát hay ngồi một mình hay tụm năm tụm ba với nhau như những khúc gỗ cục đá vô tri chờ được cứu vớt mà không biết từ đâu đến và bao giờ cũng không hay luôn.

Trong lịch sử về hàng hải, chữ hải tặc bao giờ cũng đi đôi với chém giết, cướp của và tàn nhẫn, nhưng ít khi thấy nói nhiều tới chuyện hãm hiếp dù có xảy ra.

Nhưng chuyện hãm hiếp giết người kinh hoàng trên hoang đảo Kokra này phải là một chuyện cần phổ biến cho thế giới biết dù rằng Thái Lan là một nước đã cưu mang người Việt tỵ nạn vượt biên rất nhiều bởi nó rất là tàn nhẫn, vô nhân đạo như loài thú vật đối với đàn bà và trẻ con.

Tôi chưa được là một thuyền nhân tỵ nạn tới bờ, nhưng được xem hình thôi cũng đã kinh hãi rồi. Tới khi đọc chuyện thì vô cùng khiếp sợ và nhớ lại trong năm 1979, tôi và vợ con cũng đã có hai cuộc vượt biên nhưng không thành.

Cuộc đi thứ nhất, tàu ra khơi được 10 tiếng thì bị nứt nước biển tràn vào. Bao nhiêu can nylon nước ngọt mang theo phải đổ xuống biển để cắt đôi làm gầu tát nước biển ra. Cuối cùng, phải quay vào bờ.

Nhờ ơn trời phật, vào bờ an toàn và trở về nhà cũng bình yên.

Lần thứ hai, sau khi sửa chữa tầu xong, chúng tôi lại lên ghe đi mà trong lòng chưa biết cái chết hay sợ hãi nó sẽ như thế nào?

Chưa ra tới cửa biển thì bị phát giác, tàu biên phòng rượt theo bắn xối xả, cũng may không ai trúng đạn.

Cuối cùng, bị bắt vào tù và bị đầy đi lao động.

Bốn mươi chín năm qua, người Việt tỵ nạn không bao giờ quên ơn chính phủ Thái Lan đã cưu mang giúp đỡ chúng ta trong những trại tỵ nạn ở Thái như Phanat Nikhom, Sikiw, Songkhla, Banthad, Leam Sing với gần 120,000 người, nhưng cái giá phải trả này quá tàn nhẫn, quá phi lý trên phương diên nhân đạo và tình người.

Chuyện vượt biên không thành của tôi qua 45 năm vẫn còn nằm trong trí nhớ không quên, thế thì không hiểu những người tỵ nạn tắp vào hoang đảo Kokra, những người có mặt trong những tấm hình này, những trẻ em ngơ ngác cùng cha mẹ hay thanh niên thiếu nữ bây giờ còn sống sót hay không và họ đã quên được những kinh hoàng đó hay chưa?

Tôi rất cầu mong họ đã quên được cơn ác mộng đó để sống sót và tâm được bình yên sau thảm kịch tàn nhẫn không thể tưởng tượng được.

Tôi xin cầu chúc họ hãy lấy cuộc sống mới với tự do và hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào trên quả đất để xóa đi những kinh hoàng họ đã trải qua mặc dù biết là rất khó.

Một cái giá phải trả rất đắt

Một nỗi kinh hoàng để muốn quên đi, hôm nay, tôi nghĩ là cộng đồng người Viêt tỵ nạn Cộng Sản cần lên tiếng để hỏi một lời xin lỗi của chính phủ Thái Lan về hành vi hãm hiếp kinh tởm của hải tặc Thái Lan hay ít nhất từ một người trong bọn họ hay bất kỳ từ một người dân Thái Lan nào đó.

Chúng ta sẽ không đòi hỏi công lý tòa án để xét xử cho những nạn nhân bị hãm hiếp và bị hành hạ. Họ chỉ muốn được trở lại làm người bình thường mà thôi.

Thật là đơn giản với một lời xin lỗi sau khi chúng tôi đã ngàn lần mở lời cám ơn đất nước Thái Lan.

Trên youtube, có một câu chuyện dính dáng đến hải tặc Thái Lan và bắt cóc một đứa trẻ con mang đi theo chúng. Mọi người trên tàu đều nghĩ răằng sớm muộn gì đứa trẻ đó sẽ rất là khổ sở, có thể chết hay bị đầy đọa.

Hai ba chục năm sau, đứa trẻ lớn lên trở thành một chàng trai Thái, nhưng khám phá ra mình là một đứa trẻ Việt bị bắt cóc trong một vụ cướp hải tặc. Người Thái không dấu diếm chuyện xấu xa này và giúp chàng trai Việt tìm về cội nguồn.

Cuối cùng, chàng trai đó tìm ra được gốc gác của mình ở miền Nam. Một cuộc hội ngộ được tổ chức để chàng trai Việt quay về quê hương mình, gặp lại họ hàng trong nước mắt và mừng rỡ.

Cái hậu của câu chuyện là người Thái dù là hải tặc nhưng đã nuôi nấng đứa trẻ bị bắt cóc cho thành người. Sau đó, còn kể câu chuyện gốc gác và giúp người thanh niên Thái gốc Việt đi tìm lại cội nguồn của mình.

Chuyện không cần có một lời xin lỗi hay hối hận về quá khứ của một tội ác nhưng đã làm cho người dân Việt quên được một phần về những tội ác của hải tặc Thái Lan.

Vì vậy, nếu có được một lời xin lỗi từ quốc gia Thái Lan, hay của bất kỳ một người dân Thái nào về chuyện hải tặc thì chuyện hải tặc trong lịch sử vượt biên có thể được đóng lại.

Lời xin lỗi này sẽ xóa đi được vết nhơ cho quốc gia Thái Lan, một quốc gia Phật Giáo, có một từ tâm rất lớn, một đất nước yêu chuộng hòa bình và không bao giờ chấp nhận điều ác.

Cầu xin lời ước mong đó sẽ thành sự thực.

Mất mát 30 Tháng Tư, 1975 dấu ấn không thể phai mờ

 Đằng-Giao/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Gần 50 năm sau ngày thủ đô Sài Gòn thất thủ trong tay Cộng Sản mà cột mốc 30 Tháng Tư, 1975 vẫn là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm người cao niên gốc Việt tại thủ đô tị nạn Little Saigon.


Các cựu quân nhân VNCH, Hoa Kỳ và Đồng Minh trong buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster hôm 27 Tháng Tư, 2024. (Hình minh họa: Đằng Giao/Người Việt)

Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lũ lượt quay về khi gần Ngày Quốc Hận.

Bà Mai Thị Thế, 84 tuổi ở Midway City, còn nhớ rành rành ngày 30 Tháng Tư, 1975 bà cùng gia đình được xe GMC quân đội VNCH chở từ Long Khánh lên Sài Gòn chạy loạn khi Cộng Sản đang trên đường xua quân tiến chiếm Dinh Độc Lập.

“Lúc đó tôi đang có bầu bốn tháng, cả gia đình sáu người, hai vợ chồng và bốn con, dắt díu nhau tới nhà thờ Bắc Hà. Chúng tôi có biết gì đâu, cứ nghĩ ở ngoài đạn bom nguy hiểm, vô nhà thờ an toàn hơn,” bà Thế hồi tưởng. “Cha tốt lắm, chứa chấp cả trăm người, ăn ở la liệt đầy giáo đường. Lúc chúng tôi chuẩn bị về nhà, cha còn phát gạo cho chúng tôi nữa.”

Bây giờ bà Thế không còn nhớ từng chi tiết ngày chạy loạn năm đó, nhưng ấn tượng còn rõ nét trong đầu bà là một sự căng thẳng và sợ hãi tột cùng.

“Sao mà không sợ được. Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước của mình mà,” bà nói.
“Là người dân Việt Nam, ai mà quên được ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm được.”

Bà Mai Thị Thế không bao giờ quên được những ngày tị nạn ở nhà thờ Bắc Hà trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, Sài Gòn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Nguyễn Sâm, ở San Diego, cho rằng chiều 30 Tháng Tư, là ngày ông chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

“Là hạ sĩ quan Thiết Giáp, tôi chạy khỏi Huế hồi Tháng Ba. Tôi cứ đón xe đi từng đoạn ngắn. Đến Sài Gòn là chiều 30 Tháng Tư. Từ trưa, tài xế xe đò dừng xe ven đường để tất cả anh em binh sĩ xuống xin vô nhà dân thay đồ dân sự rồi, nhưng lúc xe lăn bánh vô Sài Gòn, nhìn quân phục, ba lô chất thành đống hai bên đường mà nước mắt tôi cứ chảy ròng,” ông Sâm kể.

“Suốt thời gian tám năm mặc quân phục, tôi mắt thấy tai nghe bao nhiêu tang thương đau khổ mà chưa bao giờ đổ lệ,” ông bùi ngùi. “Vậy mà bữa đó tôi không cầm được nước mắt khi mục kích cảnh cả một quân đội bị khai tử, bị chôn vùi dưới những nấm mồ ba lô và quân phục đó.”

Bao nhiêu chính nghĩa, bao nhiêu hy sinh và bao nhiêu lý tưởng của ông Sâm, cũng như của bao nhiêu quân, dân, cán chính VNCH đã “giẫy chết” ven đường vào Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975, theo ông Sâm.

Ông lắc đầu: “Bây giờ 76 tuổi rồi, nước mắt tôi không trào ra như hồi đó nữa, nhưng cứ nghĩ lại hình ảnh tang thương điêu tàn lúc đó, ruột tôi thắt lại và tôi khóc bên trong. Cả một chế độ sụp đổ mà.”

Ông Quang Nguyễn, ở Santa Ana, cho biết hôm 30 Tháng Tư, 1975 ông đang trên đường từ Pleiku về Sài Gòn.

“Tôi là lính pháo binh đóng quân ở Pleiku và rất nóng ruột về nhà coi gia đình ra sao. Thời buổi loạn lạc, bất trắc xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi lo lắng lắm. Ngồi trên xe mà lòng dạ bồn chồn. Tới khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, tôi càng lo hơn,” ông Quang kể. “Chưa bao giờ tôi lo lắng, bồn chồn như bữa đó.”

Bà Nhiệm Trần, ở Garden Grove, có lý do để nhớ mãi Ngày Quốc Hận.

Nỗi lo lắng cho vợ ở Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975 là ấn tượng của ông Quang Nguyễn trên đường về nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà kể: “Chúng tôi là dân di cư nên rất sợ Cộng Sản. Nhưng nỗi sợ hãi lên đến độ kinh khủng khi 1, 2 giờ chiều, chị giúp việc trong nhà lôi ra một lá cờ trên đỏ dưới xanh, giữa có sao vàng ra treo. Mấy hôm sau tôi mới biết là cờ Giải Phóng Miền Nam. Tôi sợ quá vì lá cờ của chị đã cũ sờn và bạc màu. Chị làm cho chúng tôi hơn năm năm. Không biết trong thời gian qua, mình có lỡ mồm lỡ niệng nói gì mà đến tai ‘họ’ thì ở tù mọt gông.”

Ông Kiệm Nguyễn, ở Tustin, chứng kiến cảnh người bạn đồng ngũ bị bắn gục ở Thị Nghè.

Ông kể: “Như vầy, Đà Nẵng đầu hàng hồi Tháng Ba, hai đứa tụi tôi về Sài Gòn đang chờ lệnh tái động viên nên súng đạn còn nguyên. Trưa đó nghe tin ‘tụi nó’ chiếm Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn rồi, tụi tôi rủ nhau đem súng ra cầu Thị Nghè liệng xuống sông. Tính ghé cà phê chờ tối rồi liệng.”

Không dè, thấy cảnh bộ đội hung hăng la hét chửi bới ai đó ngoài đường, bạn ông là Nguyễn Phùng Tuấn, chịu không nổi, móc súng chạy ra đường định “thanh toán” tên cán bộ to mồm nhưng vừa đến gần thì bị một tên bộ đội đứng gần đó bắn gục.

“Lính tráng bộ binh tụi tôi thấy cái chết ‘hà rầm’ nhưng bữa đó tôi ngồi chết trân trên ghế, không biết phải làm gì,” ông Kiểm thú nhận. “Có lẽ vì tôi sợ. Tôi nghĩ vậy.”

Cũng có người không có cảm xúc gì về ngày 30 Tháng Tư vì lúc đó họ còn quá nhỏ.

Bà Lãng Nguyễn, ở Torrance, cười: “Tôi biết 30 Tháng Tư, 1975 là ngày mất Sài Gòn nhưng tôi không cảm thấy sự mất mát. Tôi sinh năm 1970 nên không biết gì để so sánh.”

Sinh viên Scotty Trương, 21 tuổi, ở Huntington, nói: “Cháu chỉ biết ngày nước Mỹ độc lập là July, 4, 1776 thôi.”

Trong lúc đó, đối với những người lớn đủ, Ngày Quốc Hận luôn là ngày đau buồn.

Ông Trần Trọng, bệnh nhân vĩnh viễn của viện dưỡng lão Mission Palm, Westminster, có một kỷ niệm không bao giờ quên được với ngày 30 Tháng Tư, 1975 vì đó là ngày ông rời Việt Nam.

Câu chuyện của ông xảy ra trước đó mấy năm rồi mới dẫn đến chuyện rời Việt Nam.

Từ lâu, gia đình ông ở khu Phú Thọ Hòa.

“Hồi Mậu Thân, trong một ngày, tôi bị thương ba lần. Lần đầu, đang ở trong nhà thì nhà tôi bị pháo kích bể một khoảng ngói lớn và tôi bị miểng đạn nhỏ ghim vào chân trái, rất đau nhưng tôi chịu đựng được. Băng bó xong, tôi theo gia đình di tản ra khỏi khu vực Phú Thọ Hòa vì đó là ổ Cộng Sản nằm vùng,” ông Trọng hồi tưởng.

Ông Trần Trọng rời Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Buổi chiều, trên đường khập khễnh đi, ông Trọng bị trúng đạn từ máy bay bắn xuống.

“Tôi chỉ nhớ máy bay của ‘mình’ có hai chong chóng bay rất thấp. Họ bắn Việt Cộng và tôi xui nên bị lạc đạn thôi. Khu này nổi tiếng là căn cứ Việt Cộng mà,” ông tiếp. “Lần này tôi bị đạn vào vai trái. Đạn nhỏ li ti nên không đau lắm nhưng khó chịu.”

Tối hôm đó, gia đình ông đang ngủ ở nhà người quen thì bị pháo kích.

Ông thở dài: “Cả nhà đang nằm trong mùng thì ba tôi bị tức hơi của đạn pháo kích chỉ la lên một tiếng lớn rồi chết tại chỗ. Tôi nằm kế bên, bị một miểng đạn ghim vào sau cổ, làm tê liệt hai chân.”

Vì liệt hai chân ở tuổi 16, ông được các linh mục ở nhà thờ nhận nuôi và đúng hôm 30 Tháng Tư, 1975, ông cùng hơn 200 thanh niên khuyết tật di tản sang Mỹ.

“Làm sao mà tôi quên được ngày đó, ngày tôi vĩnh viễn xa Việt Nam,” ông Trọng lắc đầu.

Những người còn giữ được dấu ấn 30 Tháng Tư, 1975 trong lòng ngày càng luống tuổi và lớp tuổi từ 55 trở xuống đang quên dần ngày lịch sử ấy. [đ.d.]

Thắng cũng… làm giặc!

 Trúc Phương/Người Việt

“Thua làm giặc” là lẽ thường nhưng “thắng” cũng làm giặc! Nửa thế kỷ qua, kẻ “chiến thắng” dường như chưa bao giờ hưởng trọn cảm giác chiến thắng thật sự, vẫn ấm ức, tức tối, vẫn hậm hực đấm ngực thình thịch: Tại sao cờ vàng vẫn tung bay trong cộng đồng hải ngoại khắp thế giới, từ Mỹ sang Úc, từ Pháp đến Canada? Thế thì “ý nghĩa lịch sử” của ngày “đại thắng mùa xuân 1975” là gì? Gọi tên gì bây giờ về sự kiện này cho đúng nhỉ?

Cờ vàng tại một buổi lễ kỷ niệm Ngày Quân lực VNCH tổ chức ở khu Eden, Falls Church, Virginia. (ảnh: Trúc Phương)

Nói đến cờ vàng là nhà nước CSVN lập tức điên tiết. Tháng Năm 2023, khi Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành các vật phẩm có hình cờ vàng, Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN, lập tức cau mày: “Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Australia đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng,’ cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia.”

Làm thế quái nào mà cộng đồng người Việt hải ngoại cứ mãi treo “lá cờ của một quốc gia không còn tồn tại, ngoại trừ trong ký ức và trong trí tưởng tượng”; và làm thế nào mà bọn “phản động lưu vong” tiếp tục “luận điệu xuyên tạc cho rằng cờ vàng ba sọc đỏ mới là cờ chính nghĩa trong khi cờ đỏ là cờ máu” nhỉ? Bọn chúng không biết “bố mày là ai” à? Vâng, chúng tôi biết tỏng “bố các anh” là ai. “Bố các anh” chính là những kẻ đưa một thứ chủ nghĩa man rợ vào quê hương, và chúng tôi cũng biết rõ “bố các anh” lẫn các anh tàn phá đất nước này ra sao…

Chuyện cờ vàng-cờ đỏ có phải là di chứng những năm hai miền chia cắt bởi chiến tuyến “cộng sản” và “cộng hòa,” giữa bên “thua trận” và phe “thắng trận”? Yếu tố lịch sử và quá khứ là có nhưng không phải là lý do duy nhất và nguyên nhân lớn nhất. Người Việt hải ngoại vẫn tưởng niệm ngày “Quốc hận;” 30 Tháng Tư được xem là “ngày mất nước;” cờ vàng ba sọc với họ là cờ tổ quốc và họ vẫn đứng nghiêm chào trang trọng lá cờ, cùng với Quốc Ca VNCH. Chế độ cộng sản đang cai trị, với họ, là một chế độ không chính danh và không xứng đáng…

Với nhà cầm quyền CSVN, thái độ của người Việt hải ngoại là sự hằn học và ấm ức của kẻ “thua cuộc.” Những người “không thức thời” này không hiểu rằng cờ đỏ sao vàng mới là lá cờ được quốc tế công nhận… Nhưng mà, nếu đó là một thực tế không thể phủ nhận thì cũng nên thừa nhận những thực tế khác. Sự “chỉ trích” và “lên án” người hải ngoại của nhà cầm quyền cộng sản không phản ánh đầy đủ bản chất vấn đề.

Sự tức giận của người Việt hải ngoại thật ra không chỉ là tâm trạng uất giận của “thế hệ mất nước” sống với quá khứ. Chính hiện tại và thực trạng mới khiến sự căm thù cộng sản của người Việt hải ngoại trở nên không nguôi. Cộng sản với họ chỉ là một bọn ăn hại và tàn phá. Đây mới là yếu tố khiến người Việt hải ngoại thù ghét cộng sản dai dẳng. 30 Tháng Tư có thể chỉ còn là một ký ức cần được khép lại, nếu gần nửa thế kỷ qua Việt Nam đã trở thành một cường quốc khu vực, và nửa thế kỷ qua Việt Nam đã bứt khỏi cái bóng Trung Cộng.

Trong thực tế, khi nhìn vấn đề cờ vàng-cờ đỏ với những tranh luận và lý lẽ quen thuộc của bộ máy tuyên truyền cộng sản, có thể thấy rằng chính phe được mặc định là “thắng cuộc” mới là những kẻ thua cuộc. Sự ấm ức và tức tối phát xuất từ chính tâm lý này. Cho đến giờ, sau gần 50 năm đằng đẵng, cờ đỏ vẫn không thể được treo trong các cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung (trong khi tại các cộng đồng người Hoa ở nhiều nước thế giới, cờ Trung Cộng – chứ không phải cờ Đài Loan – đã đường hoàng được treo lên).

Hóa ra “các bố” chưa chiến thắng, chí ít là trong lòng người. Thế hệ cha anh VNCH đã ra đi gần hết nhưng cờ vàng, dù không được treo trong trụ sở Liên Hiệp Quốc như lá cờ của một chính thể được công nhận một cách chính thức, vẫn tồn tại. Quốc ca VNCH vẫn vang lên, không chỉ vào dịp Quốc Hận 30 Tháng Tư. Cờ vàng không chỉ xuất hiện ở những sự kiện lễ lạc hay Tết nhất. Cờ vàng không chỉ có ở những địa điểm cộng đồng. Cờ vàng thậm chí được treo trong nhà hàng, tiệm ăn, trên ngực áo, trên cà vạt và thậm chí được sơn lên xe. Thế này là thế nào? Là “các đồng chí chúng ta” – sau 50 năm – chưa thắng chứ gì!

Nửa thế kỷ qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ ngưng chủ trương chia rẽ. Đó là một chính sách. Cách nói “bọn ba que đu càng” không phải là “cảm xúc;” và những kẻ sử dụng lối nói này không phải là một bọn vô học. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng.”

Các cuộc ra quân của “dư luận viên ba củ” ở những thời điểm cụ thể cho thấy rằng chính quyền cộng sản luôn thiết lập chiến tuyến để phân biệt “địch-ta”, không chỉ đối với người Việt hải ngoại mà cả với người trong nước. Những kẻ từng chiến thắng trên chiến trường nay vẫn cầm AK bàn phím lên mạng tìm diệt kẻ thù. Vấn đề ở chỗ, các chú em bộ đội ngày nay trên trận địa thông tin – dù không còn mang dép râu và đội nón cối mà ngồi trong phòng lạnh – vẫn loay hoay và lúng túng bất lực trên mặt trận giờ đây không còn tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố…”

Bao giờ mới có một cú sốc 30 Tháng Tư về văn hóa để xóa sạch “bóng quân thù”? Xin lỗi, không thắng nổi, đừng mơ! Trận chiến này là trận chiến của tư tưởng, của tư duy, là cuộc giằng co và lấn lướt của khái niệm tự do. Mặt trận này không đánh nhau bằng súng mà bằng… bolero! Chẳng phải tự nhiên mà “nhạc đỏ” chết không kèn không trống và “nhạc vàng” sống dậy từ Bắc đến Nam. Chẳng phải tự nhiên mà sách báo VNCH bây giờ nhan nhản trên mạng để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tải đọc.

Chừng nào tự do không còn là giá trị tất yếu trong tư duy con người và trong lịch sử nhân loại thì chiến cuộc mới ngã ngũ và được phân định với chiến thắng thuộc về phe man rợ. Cờ đỏ muốn thắng cờ vàng thì nhất thiết phải xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ và vĩ đại hơn nền văn hóa VHCH. Nói thế thì làm khó “các bố” rồi! Điều này, với cộng sản, vĩnh viễn là một sứ mạng bất khả thi. Chẳng bao giờ “mùa xuân” có thể về “TP.HCM” trên mặt trận văn hóa cả. Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Sài Gòn thất thủ nhưng văn hóa Sài Gòn và văn hóa miền Nam vẫn sống bền bỉ từ 1975 đến nay, cho dù dịp 30 Tháng Tư năm nào, “chính quyền các cấp” luôn tổ chức những chương trình “văn hóa-văn nghệ truyền thống” để “truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.”

Thật ra, các đồng chí biết tỏng giới trẻ ngày nay đã ngoảnh mặt với “truyền thống cách mạng” từ… thuở lọt lòng. Một quê hương không còn chế độ cộng sản độc tài mới là một “đất nước trọn niềm vui.”

Một không khí tự do mới là khát khao thật sự. Nếu không đúng thế thì các đồng chí đã không ấm ức chửi ra rả bọn “phản động lưu vong,” trong khi cùng lúc lại lén lén lút lút đưa con cháu sang… sống chung với “đám lưu vong.” Cơ mà như thế cũng “hay.” Nhờ thế con cháu các đồng chí mới có dịp nhìn thấy cờ vàng, phần phật, ngay trước mắt!

CSVN muốn người dân Sài Gòn phải thuộc nằm lòng tên Đỗ Mười

 Nam Dân/SGN

Trong tổng chiến dịch ăn mừng 50 năm cưỡng chiếm miền Nam, vào năm 2025, chính quyền TPHCM đang đưa ý kiến đặt tên Đỗ Mười cho một trong những đoạn đường quan trọng ở Sài Gòn, mà theo văn bản của chính quyền, các lựa chọn sẽ là Quốc Lộ 1, Quốc Lộ 1K, Quốc Lộ 22 Hoặc Quốc Lộ 50.

Để ra vẻ “dân chủ,” chính quyền TPHCM nói sẽ lấy ý kiến dân chúng để đặt tên đường, mà ngoài tên Đỗ Mười, còn có những cái tên khác như Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải.

(Hình: Kayla Ng)

Trong những cái tên được dự định áp vào Sài Gòn, vùng đất bị cưỡng chiếm và vẫn bị đối xử trong cái nhìn phân biệt chính trị loại hai, Đỗ Mười là một cái tên khó quên với Sài Gòn, nếu không nói là sự gợi nhớ những tháng ngày đầy nợ máu với người dân miền Nam nói chung qua ba đợt đánh tư sản mang bí số X1, X2 và X3.

Nói là lấy “ý kiến nhân dân,” nhưng việc đặt tên đường đã được xếp đặt sẵn: Đỗ Mười sẽ được đặt cho đoạn từ Thủ Đức đến An Sương, thuộc Quốc Lộ 1. Mọi thủ tục khác, nhà cầm quyền cùng bày vẽ với nhau cho đủ lễ. Dự kiến ngày 30 Tháng Tư 2025 là chính thức sử dụng tên đường này, và thay đổi trên bản đồ địa chính.

Đỗ Mười là ai? Những người miền Nam sống thoi thóp trong thời kỳ sau 30 Tháng Tư 1975 đều nhớ rõ nhân vật chính trị sắt máu này.

(Hình chụp qua tranh vẽ)

Đỗ Mười là người đưa “sáng kiến” đánh tư sản miền Nam, y như miền Bắc sau 1954, và là người cầm trịch ba đợt quét sạch sức sống miền Nam với đợt X1 (Tháng Chín 1975), đợt X2 (Tháng Mười Hai 1976), và X3 (Tháng Hai 1978).

Từ một vùng đất được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông và được nhiều nước như Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan thèm muốn về sự phát triển, Sài Gòn và cả miền Nam bị lột trần truồng, cướp hết mọi tài sản và bị đẩy về các vùng kinh tế mới trong sự ứng xử thù hằn và tàn bạo của những kẻ vừa chiến thắng cuộc chiến xâm lược.

Nguyên văn Đỗ Mười nói trong cuộc họp mật trước chiến dịch, được nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) ghi lại rằng ““Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Sĩ Quan “Ngụy” từ Trung úy trở lên, công chức từ cấp chánh sự vụ trở lên: “Tử hình!”. Đã thực hiện X-2 đánh bọn Tư sản mại bản, bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ Chủ Nghĩa Tư Bản, tay sai đế quốc Mỹ, diệt triệt để, diệt không nương tay.”

May cho dân của chế độ VNCH cũ là vào thời điểm đó, chính quyền Pol Pot bên Campuchia đang thảm sát dân chúng, và ngang nhiên công khai, khiến bị cả thế giới nguyền rủa và lên án, lúc đó cảm thấy ngại khi bị đánh đồng, nên Hà Nội có chỉ thị phải “nhẹ” tay.

Bên cạnh đó, chính sách giam hãm Sài Gòn trong việc “ngăn sông cấm chợ” nhằm tiêu diệt ý chí của người dân thủ đô VNCH, vừa muốn trả thù một cách hèn hạ, để cho người già, trẻ con, phụ nữ đói khát trong một thời gian dài, biến miền Nam tê liệt như một vùng đất chết, đã khiến thúc đẩy hàng trăm ngàn người miền Nam vượt biển, vượt đường bộ ra đi, bỏ lại tất cả trong nước mắt.

(Hình chụp qua tranh vẽ)

Ông Võ Văn Kiệt, được nhà báo Huy Đức dẫn lời rằng “Lúc đầu, tôi cũng cứ tưởng cải tạo tư sản sẽ khác với cải cách ruộng đất, một sai lầm mà những người ở miền Nam chúng tôi nhắc nhau phải tránh. Nhưng, tiến hành rồi mới thấy, cách cải tạo tư sản thương nghiệp mà anh Đỗ Mười làm, cũng không khác gì đánh tư sản mại bản, nhưng tràn lan hơn.”

Giờ đây, nhà cầm quyền CSVN đang muốn khắc sâu tội ác của Đỗ Mười ở vùng đất miền Nam tự do, bằng cách đặt tên đường mới, trong ý thức đầy kiêu ngạo của đạo quân cưỡng chiếm.