Friday, December 28, 2018

Metro Bến Thành-Suối Tiên: Một kịch bản hoàn hảo

Theo VOA-Mặc Lâm/29/12/2018
Dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
 Dự án Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Hình như ở Việt Nam không một dự án nào lớn mà không bị trục trặc.
Từ những kinh nghiệm nhãn tiền, người dân quen dần với những sự cố xảy ra trong những dự án lớn nhỏ xưa nay nên vụ con đường ngầm tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên sắp nằm đắp chiếu trở thành bình thường mặc dù đây là dự án rất lớn có sự tiếp tay giúp đỡ tài chánh từ nước Nhật cũng như việc thực hiện dự án cũng từ nhà thầu Nhật Bản, vậy mà nó vẫn trục trặc như thường.
Dư luận bắt đầu theo dõi khi đại sứ Nhật Kunio thông báo số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và tư vấn đã lên đến hơn 100 triệu USD. Đại sứ Kunio quan ngại, nếu đến cuối tháng 12 mà vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công do dự án áp lực lên nhà thầu và đơn vị thi công quá nặng.
Kế đến là ông Keiichi Ishii, Bộ trưởng Bộ Đất đai cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật vào tối 25 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội cho báo chí biết đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể để bàn về việc Nhật muốn Việt Nam mau chóng thanh toán số tiền 100 triệu USD cho các nhà thầu của Nhật trong dự án metro Bến Thành-Suối Tiên. Đây là cách mà giới chức Nhật đòi nợ Việt Nam, tuy rất ngoại giao nhưng chứng tỏ rằng sự chịu đựng của các nhà thầu Nhật trong dự án Metro đã quá giới hạn.
Tuy nhiên đây không phải là lỗi của chính quyền thành phố mà như thường lệ, báo chí đã chỉ ra đây là lỗi...hệ thống. Một lần nữa hai chữ “hệ thống” như một lá bùa hộ mạng cho guồng máy chính trị Việt Nam, bởi khi hai chữ “hệ thống” lắp vào đâu thì hình như không ai chịu trách nhiệm cụ thể cho nó cả.
Số tiền dùng để trả cho nhà thầu dĩ nhiên không ai ăn được, do cơ chế quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỷ đồng.
Dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên được khởi công từ năm 2012 do nhà thầu Sumitomo Nhật Bản thực hiện. Ban đầu, Thủ tướng phê duyệt tổng vốn đầu tư là 1.09 tỷ USD (19.000 tỷ Việt Nam), nhưng đến thời điểm hiện tại đã đội vốn lên 2.49 tỷ USD (47.000 tỷ đồng).
Lý do đội vốn được vạch trần là do chính quyền thành phố thực hiện dự án không đúng với dự án. Ban đầu Thành phố dự toán tổng vốn 17.400 tỷ, với mức này chỉ đủ xây vài nhà ga từ Bến Thành đến Suối Tiên, nhưng sau đó do các “ý tưởng” mới phát sinh Thành phố cho xây thêm tới 14 nhà ga để ghé các cao ốc cao cấp mọc sẵn dọc theo tuyến Metro. Kết quả là vốn đội lên 47.300 tỷ đồng.
Chưa biết bản thiết kế được điều chỉnh có “lại quả” từ các đại gia bất động sản hay không nhưng việc thiếu tiền do đội vốn được đưa ra để không xuất 100 triệu USD trả cho nhà thầu Nhật Bản bị dư luận lên án gay gắt, bởi dù có ngừng lại do thiếu kinh phí vẫn không nên chai mặt trước một đối tác quan trọng như Nhật Bản. Hơn nữa nó là thể diện quốc gia không thể bán rẻ cho dù lý do gì đi nữa.
Hiện nay, tuyến Metro này phải tạm dừng thi công do không còn tiền trả cho nhà thầu Sumimoto đồng thời phải bồi thường cho nhà thầu.
Một trăm triệu đô la không phải là nhiều tại sao Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư không giải quyết đến nỗi một dự án quan trọng như vậy phải bị đình chỉ, và quan trọng hơn, dưới mắt nhà thầu Nhật Bản thì sự trì trệ này có chủ ý của những viên chức nhà nước cấu kết với những nhóm lợi ích khác mong hất chân họ ra khỏi dự án không phải là việc không thể xảy ra.
Theo nguồn tin của báo Sichuan Daily của Trung Quốc thì Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, là đơn vị thầu dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã có kế hoạch cướp dự án Metro tp HCM từ tay nhà thầu Sumimoto của Nhật khi nắm chắc thông tin nhà thầu này không được trả tiền thi công đúng thời hạn.
Thông tin từ Sichuan Daily tiết lộ rằng, Tập đoàn cục 6 đường sắt sẽ thanh toán số tiền mà phía Thành phố HCM đang nợ cho nhà thầu Sumimoto rồi sau đó sẽ nhảy vào thay thế vai trò thi công. Kế hoạch này lộ liễu đến nỗi chấp nhận làm chung với Sumimoto nếu lãnh đạo thành phố HCM không chấp nhận nhà thầu Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra: Ai ghim lại số tiền 100 triệu USD không chịu giải ngân mặc dù đã có sẵn khi dự án bắt đầu thực hiện từ 6 năm về trước. Phải chăng hành động âm thầm thắt chặt hầu bao này nhằm buộc thành phố không còn giải pháp nào khác phải cắn răng giao trọn gói còn lại cho nhà thầu Trung Quốc mặc dù nhà thầu này đã mang tai tiếng trong dự án Cát Linh-Hà Đông vẫn còn hiển hiện trước mắt.
Song song với việc ghim tiền không giải ngân là chiến dịch đánh phá những người quản lý dự án, trong đó quan trọng nhất là ông Lê Nguyễn Minh Quang, một Việt kiều đang là Tổng Giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam đã được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP tức là người đứng đầu dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Trong khi thực hiện dự án ông Quang đã thiết kế đoạn tường vây từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ khởi nghĩa có bề dày thay vì 2.0 m xuống còn 1.5 m. Theo các chuyên gia độc lập của Nhật và Việt Nam thì đây là một đề xuất hợp lý, tiết kiệm cho công trình gần 4 triệu USD và rút ngắn đáng kể thời gian thi công nhưng không hiểu sao thời gian gần đây một số tờ báo cho rằng đây là hành vi rút ruột công trình và chính quyền thành phố đã ra quyết định: “Tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM” đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang và cấm đi ra nước ngoài.
Câu chuyện về công ty Trung Quốc quyết tâm thu tóm hợp đồng thi công cộng với việc đấu tố ông Lê Nguyễn Minh Quang cùng với tầng tầng lớp lớp dư luận trái chiều với dự án đã cho người dân thấy được phần nào mặt trái của sự phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Luật An ninh mạng VN sắp có hiệu lực, vẫn gây lo ngại

Theo RFA-Ralph Jennings/28/12/2018
Một tiệm Internet ở Hà Nội.
 Một tiệm Internet ở Hà Nội.
Theo giới quan sát, khi Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, những ai đăng bài chống chính phủ trên mạng hay gây phương hại đến không gian mạng có thể sẽ bị bắt giam. Dựa trên các dữ liệu do các công ty mạng cung cấp, bao gồm cả Facebook, chính quyền sẽ thu thập bằng chứng truy tố người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Việt Nam vẫn lưu ý đến vai trò của nền kinh tế kỹ thuật số vừa mới nổi, nên sẽ không đóng cửa các trang mạng này giống như Trung Quốc đã thực hiện.
Từ lâu, Việt Nam đã cố gắng cân bằng giữa việc áp dụng một nền Internet tự do xem như là một biện pháp để giúp tăng trưởng kinh tế và thực thi các biện pháp cứng rắn đối với điều Giám đốc Quốc gia Lâm Nguyễn của công ty nghiên cứu thị trường IDC gọi là “các thảm họa kỹ thuật số.” Song song đó, Việt Nam ngày càng mạnh tay trừng phạt các tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng xã hội.
Một dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, sau 18 tháng soạn thảo, sẽ giúp chính phủ cộng sản đạt được các mục tiêu này bằng cách ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện một số công việc giám sát.
Luật này bót nghẹt quyền tự do thông tin, xâm phạm đời tư cá nhân, và là một công cụ theo đó trao thêm quyền cho lực lượng công an, họ toàn quyền xâm phạm một cách thô bạo, thậm chí thay mặt cả tòa án ra phán quyết gây ảnh hưởng đến việc sử dụng Internet của người dân.
Blogger Nguyễn Lân Thắng
Bất chấp sự phản đối của công ty Google và Facebook, các mạng xã hội toàn cầu cũng như các nhà cung cấp thương mại điện tử và email có thể sẽ bị yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, theo Luật An ninh mạng.
Ông Lâm Nguyễn cho biết thêm rằng các công ty mạng cũng có thể sẽ phải dùng tới biện pháp thay thế, đó là sẽ tự kiểm duyệt, giao nộp dữ liệu người dùng và xóa một số nội dung nhất định.
Tăng cường an ninh mạng
Theo số liệu của LHQ, Việt Nam xếp hạng 101 trong số 165 quốc gia dễ bị tấn công mạng.
Trong một bài bình luận trên Cyber Research Databank, ông Emilio Iasiello, nhà phân tích tình báo không gian mạng, viết: “Từ trước đến nay, Việt Nam yếu kém trong vấn đề an ninh mạng.”
Báo Việt Nam News đưa tin, trong tám tháng đầu năm 2018, các websites trong nước đã hứng chịu hơn 6.500 cuộc tấn công bằng mã độc.
Việt Nam chưa chặn các trang mạng xã hội do các công ty nước ngoài cung cấp, vốn có thể được sử dụng để truyền bá các thông tin “chướng tai, gai mắt”. Cũng như các quốc gia châu Á khác, Việt Nam đang cố gắng phát triển một nền kinh tế kỹ thuật số. Nhưng Việt Nam không có các mạng nội địa dễ kiểm soát để thay thế cho các trang mạng nước ngoài giống như Trung Quốc.
Ông Lâm Nguyễn cho biết: “Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp và người dùng mạng mong sẽ tránh được sự kiểm duyệt Internet, vì nền kinh tế thương mại kỹ thuật số đang phát triển và mong muốn có một nền tảng cho phép tự do ngôn luận và tự do bày tỏ ý kiến.”
Có khoảng 70% trong số 92 triệu dân Việt Nam sử dụng internet, với 53 triệu người dùng mạng xã hội.
Các công ty Internet đa quốc gia phản đối
Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018, có đến 17 dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho công ty Google và công ty Facebook, kêu gọi không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, đồng thời thiết lập “các hướng dẫn minh bạch” trong việc xóa bỏ nội dung và công bố số lượng các yêu cầu xóa bài đăng trên mạng.
Vào đầu tháng 12, các công ty Facebook, Google và các công ty Internet nước ngoài khác cho biết thông qua một nhóm vận động hành lang rằng các yêu cầu lưu dữ liệu sẽ cản trở đầu tư, cản trở tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Luật An ninh mạng cũng yêu cầu các công ty có hơn 10.000 người dùng mạng trong nước phải thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trả lời cho bài viết này, Facebook nói rằng họ vẫn “cam kết với cộng đồng của mình tại Việt Nam và giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển cả trong và ngoài nước.”
Ông Lâm Nguyễn nói rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng lo ngại rằng Luật An ninh mạng trao cho Bộ Công an quá nhiều quyền lực, vượt thẩm quyền, không “đúng quy trình
  
Các nhà hoạt động lo ngại
Các blogger và các nhà hoạt động tin rằng cùng với việc thực thi Luật An ninh mạng, Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ. Hàng loạt các blogger trong nước đã bị bắt từ 2016 cho đến nay.
Các nhà phân tích và các thông tin trên mạng cho rằng chính quyền sẽ có thể thu thập danh tính người dùng trên mạng, cả hồ sơ và dữ liệu về bạn bè của họ.
Blogger và nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội nói với VOA: “Luật này bót nghẹt quyền tự do thông tin, xâm phạm đời tư cá nhân, và là một công cụ theo đó trao thêm quyền cho lực lượng công an, họ toàn quyền xâm phạm một cách thô bạo, thậm chí thay mặt cả tòa án ra phán quyết gây ảnh hưởng đến việc sử dụng Internet của người dân.”
Luật An ninh mạng sẽ có một tác động rất lớn đối với giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động online ở Việt Nam. Đó sẽ là một công cụ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến, những người phản biện xã hội, và các nhà hoạt động nói chung.
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ
Các nhà hoạt động Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các phương tiện truyền thông Internet để đăng bài, đặc biệt là các tin tức về bất công xã hội, ô nhiễm môi trường, cũng như tệ quan chức tham nhũng.
Ông Vũ Quốc Ngữ, một blogger ở Hà Nội và đồng thời là Tổng Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Người Bảo vệ Nhân quyền nói: “Luật An ninh mạng sẽ có một tác động rất lớn đối với giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động online ở Việt Nam. Đó sẽ là một công cụ để bịt miệng giới bất đồng chính kiến, những người phản biện xã hội, và các nhà hoạt động nói chung.”

10 diễn biến mang tính dấu ấn của Việt Nam trong năm 2018

VOA Tiếng Việt/28/12/2018
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ để nắm thêm cả chức Chủ tịch nước, 23/10/2018
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ để nắm thêm cả chức Chủ tịch nước, 23/10/2018
1. Nhất thể hóa tổng bí thư-chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời
Sau khoảng 4 thập niên, Việt Nam lại có một lãnh tụ nắm cả hai vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cùng một lúc. 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 23/10, ngay sau cuộc bỏ phiếu mang tính chất thủ tục của quốc hội để hợp thức hóa đề cử do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra trước đó 20 ngày. 

Việc Tổng Bí thư Trọng nắm thêm cả chức chủ tịch nước sau khi người tiền nhiệm Trần Đại Quang qua đời vì trọng bệnh được giới phân tích cho rằng sẽ giúp ông Trọng củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2021. 

Thông tin từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước nói ông Trần Đại Quang dính líu đến một số tiêu cực nghiêm trọng, bao gồm cả việc bổ nhiệm hàng loạt các tướng tá. Ngoài ra, ông Quang cũng bị xem là một “đối thủ” của ông Trọng. 

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, người đứng đầu Đảng Cộng sản có thực quyền lãnh đạo lớn nhất. Do vậy, theo giới phân tích, khi Tổng Bí thư Trọng giờ đây cũng giữ chức chủ tịch nước, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu càng được đẩy mạnh. 

Trên báo chí thống, nhiều người bày tỏ họ “rất kỳ vọng” là sau khi ông Trọng đã tập trung được quyền lực, nhà lãnh đạo này sẽ có thể làm cho tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Việt Nam “ngày càng tốt, ổn định hơn”.
2. ‘Chiến dịch đốt lò’ tăng nhiệt, hàng loạt quan chức ‘ngã ngựa’
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM. Photo: VietnamNet
Một năm sau khi ông Đinh La Thăng, nhân vật từng được mệnh danh là “ngôi sao đang lên” và người được coi là “đàn em”, ông Trịnh Xuân Thanh, “ngã ngựa” vì sai phạm thời còn làm trong ngành dầu khí Việt Nam, một loạt quan chức, cả hồi hưu lẫn đương chức, cũng đi theo vết xe đổ.

2018 đánh dấu việc nhiều tướng công an, quân đội bị kỷ luật, và thậm chí vướng vào vòng lao lý như án tù 9 năm của cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh vì dính líu tới “vụ đánh bạc triệu đô”. 

Mới nhất, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng và Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, hôm 26/12 đã bị cách chức vì các “khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” quanh việc xây dựng 4 con đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
  
Trong một diễn biến cho thấy việc xử lý các sai phạm, mà nhiều người gọi là “chiến dịch đốt lò”, do Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, vốn giống với chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ còn nóng lên trong năm 2019, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời cho rằng vụ ông Cang là "bài học sâu sắc" và rằng việc xử lý sẽ không có “vùng cấm”. 

Hồi giữa năm, hàng chục người, trong đó có các đảng viên và học giả, đã công bố thư ngỏ, yêu cầu ông Trọng “công khai tài sản” để “làm gương”. Nhưng tới nay, vẫn chưa thấy động tĩnh nào từ nhà lãnh đạo 74 tuổi.
3. Phản đối dự luật đặc khu dẫn đến bạo động lớn, hàng chục người bị bỏ tù
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Quốc hội Việt Nam gác lại dường như vô thời hạn dự luật đặc khu sau khi nổ ra sự phản đối quyết liệt và kéo dài từ công chúng cả trên mạng lẫn ngoài đời thực đối với dự luật. 

Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đã trở thành tâm điểm của cơn bão chỉ trích, lên án hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, vì nó chứa đựng các điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ. 

Nhiều người phẫn nộ cho rằng làm như vậy không khác gì hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Họ cũng cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân. 

Đỉnh điểm của làn sóng phản đối là các cuộc biểu tình ở nhiều địa phương, kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, biểu tình đã trở thành bạo loạn trong hai ngày, làm tê liệt một tuyến quốc lộ và một số trụ sở chính quyền bị đốt phá. 

Ngoài phản đối dự luật đặc khu, nhiều người cũng phản đối dự luật an ninh mạng sắp thông qua ở thời điểm đó.

Hơn 100 người đã bị bắt trong sự kiện này. Đến tháng 11, hơn 60 người bị tòa án tỉnh kết án tù từ 2 đến 3,5 năm tù mỗi người cho hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
4. Bất chấp vô số phản đối, Luật An ninh mạng vẫn được thông qua
Image result for phản đối luật an ninh mạng
Các trí thức Việt Nam phản đối Luật An ninh mạng. Photo Goc nhin Thoi dai
Bất chấp phản đối của người dân trong nước và ở hải ngoại, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6 với sự ủng hộ của hầu hết các đại biểu tham gia biểu quyết. 

Bộ luật, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ban hành hôm 28/6 và bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019. 

Bộ luật mới, được coi là một bản sao không có sự thay đổi nào từ Luật An ninh mạng của Trung Quốc, đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam. 

Gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi. Nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích bộ luật này khi cho rằng nó là công cụ giúp nhà cầm quyền hạn chế quyền tự do biểu đạt trên mạng. 

Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật đặc khu. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.
5. Giới hoạt động chịu các mức án nặng hơn; một số tù nhân lương tâm bị trục xuất
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An ngày 16/8/2018. Photo: Báo Nghệ An
Năm 2018 chứng kiến nhiều vụ xử án tù nặng hơn trước đối với các nhà hoạt động ở Việt Nam, cùng lúc, trong số họ, một số được quốc tế vinh danh. 

The 88 Project, tổ chức ở Mỹ, cho biết 103 nhà hoạt động bị bắt, 120 nhà hoạt động bị xử án tù trong năm. Trong đó, 11 người bị án tù từ 10 đến 14 năm, có hai người bị kết án 15 đến 19 năm tù, riêng ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An bị 20 năm tù. 

Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù. 

Tuy nhiên, trong năm, 3 nhà hoạt động được trả tự do với điều kiện phải sống lưu vong ở nước ngoài, là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm; luật sư Nguyễn Văn Đài, và công sự Lê Thu Hà. 

Mẹ Nấm đến định cư tại bang Texas, Mỹ, và được Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) trao giải Tự do Báo chí Quốc tế. Nữ blogger nói rằng “sẽ không lặng thinh” mà sẽ tiếp tục lên tiếng để thế giới biết đến nhiều hơn tình trạng vi phạm nhân quyền, tự do báo chí tại Việt Nam.
6. Khiếu kiện ở Thủ Thiêm: Ánh sáng cuối đường hầm
Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân
Vụ khiếu kiện kéo dài hơn 10 năm của người dân bị cưỡng chế thu hồi đất ở bán đảo Thủ Thiêm cuối cùng cũng được hồi đáp phần nào, với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai sót trong việc thực thi dự án Khu đô thị Mới, cùng với việc ông Tất Thành Cang, một trong những nhân vật chủ chốt chỉ đạo dự án, bị khai trừ ra khỏi Trung ương Đảng và bị cách chức phó bí thư thường trực Thành ủy. 

Sau khi có kết luận của Thanh tra, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, từ cấp cao nhất là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đã có các cuộc tiếp xúc với người dân bị ảnh hưởng và đưa ra lời xin lỗi công khai.

Kết luận của Thanh tra cho rằng phần 4,3 ha đất thuộc Phường Bình An, Quận 2, không nằm trong phạm vi quy hoạch đã được thủ tướng phê duyệt, do đó việc cưỡng chế thu hồi đất ở đây là ‘chưa đủ cơ sở pháp lý’. Đây là một trong những vấn đề bức xúc nhất của người dân khiếu kiện ở Thủ Thiêm.

Kết quả này quy trách nhiệm cho chính quyền thành phố (quy hoạch Thủ Thiêm được thông qua dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải) và yêu cầu ‘xử lý nghiêm’ những cá nhân có liên quan. 

Kể từ khi được thông qua, dự án Thủ Thiêm đã đẩy hàng ngàn hộ mất nhà cửa, hàng ngàn gia đình tan nát, ly tán, con cái dở dang chuyện học hành, thậm chí dẫn đến một số vụ tự tử và hàng loạt vụ khiếu kiện kéo dài từ địa phương ra tới trung ương.
7. Đối mặt kỷ luật, GS. Chu Hảo tuyên bố tự bỏ đảng, được nhiều người hưởng ứng
Từ trái sang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Chu Hảo. Photo Facebook Nguyen Xuan Dien
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện làn sóng thoái đảng như vụ Giáo sư Chu Hảo tự tuyên bố bỏ đảng và sau đó ông bị Trung ương Đảng khai trừ. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc khai trừ ông Hảo là biện pháp cần thiết để chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” gây nguy hại cho an ninh chính trị đất nước, và hình thức kỉ luật này là để “cứu muôn người”. 

Hồi tháng 10, sau khi vị giáo sư từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ bị đề nghị kỷ luật, hàng chục các trí thức, cựu quan chức chính quyền khác đã tuyên bố thoái đảng để phản đối. 

Ông Hảo tố rằng chính đảng mà ông từng là thành viên “không có tính chính danh, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại”. 

Trong một thư ngỏ gửi cho ông Trọng, một nhóm 81 học giả và các nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ ông Chu Hảo, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, và bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Việt Nam ngăn cấm xuất bản những tác phẩm học thuật mà họ nói là “nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn”.
8. Hiệp định TPP hồi sinh, CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019
Đại diện 11 thành viên CPTPP tại một buổi lễ hồi tháng 3/2018
Việt Nam là một trong số 11 thành viên ký kết CPTPP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, vào tháng 3/2018, và là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định này vào tháng 11 cùng năm. Hiệp định còn được gọi là TPP-11 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019. 

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP ban đầu gồm 12 thành viên vào tháng 11/2017.

Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP trước năm 2030. GDP của Nhật, New Zealand, Úc, Canada, Mexico và Chile sẽ tăng khoảng 1%. 

Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với thế mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp.
Trên bình diện thế giới, CPTPP mang ý nghĩa quan trọng vì hiệp định này hối thúc đầu tư và cổ vũ cho tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng. 

CPTPP còn quan trọng về mặt địa-chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách tăng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. 

Một khi có hiệu lực và chứng minh được tiềm năng của nó, CPTPP có thể được mở rộng để đón nhận thành viên mới. Các nước thành viên cũng nuôi ý định thuyết phục Hoa Kỳ trở lại gia nhập CPTPP.
9. Hàng nghìn người gốc Việt ở Mỹ đối mặt nguy cơ trục xuất
Nhiều người gốc Việt đang "chờ" bị trục xuất trong các trung tâm tạm giam của Mỹ
Ít lâu sau khi nói “vui” và “tự hào” vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump “âm thầm ngưng trục xuất người tị nạn gốc Việt tới Hoa Kỳ trước năm 1995”, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, tuyên bố đồng tình với ý kiến của cựu Ngoại trưởng John Kerry, coi kế hoạch đưa hàng nghìn người Việt sống ở Mỹ về nước là hành động “đáng khinh”. 

Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 “không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995”, ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Trao đổi với VOA tiếng Việt, cựu quan chức ngoại giao có nhiều duyên nợ với Việt Nam “vẫn tin rằng người dân Mỹ không ủng hộ việc trục xuất những người tị nạn từng chiến đấu cạnh các binh sĩ Hoa Kỳ trong những năm 60 và 70 ở Việt Nam, cũng như con cái của các lính Mỹ”.
Trong khi đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng “5.000 người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ, không phải là công dân Hoa Kỳ, đã nhận được quyết định bị trục xuất cuối cùng”. 

Ông Osius cho rằng bước đi của chính quyền của ông Trump “sẽ gây tổn hại lòng tin đã dày công gây dựng với Việt Nam”. 

Hiện chưa rõ Washington sắp tới sẽ xúc tiến kế hoạch ra sao, sau khi vấp phải phản đối của nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng như các cuộc biểu tình của cộng đồng người gốc Việt.
10. Việt Nam đạt ngôi Á quân AFC, giành chức vô địch AFF cup
Các cầu thủ mừng việc giành chức vô địch với HLV Park Hang Seo
Năm 2018 được coi là một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam khi đội tuyển trẻ quốc gia lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á và sau đó đội tuyển quốc gia giành cúp vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên sau 10 năm. 

Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Hàn Quốc, Park Hang-seo, đội tuyển bóng đá Việt Nam được coi là “mạnh hơn bao giờ hết” so với những đội tuyển từng được các huấn luyện viên ngoại dẫn dắt trước đây. 

Với thành tích vô địch AFF Cup 2018 sau khi đánh bại Malaysia 3-2 ở hai trận chung kết lượt đi và về, đội Việt Nam đã lập kỷ lục chuỗi bất bại dài nhất thế giới. Với 16 trận không thua trong gần 2 năm qua, Việt Nam vượt qua đương kim vô địch World Cup Pháp để sở hữu danh hiệu này. 

Cũng với thành tích vô địch giải Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục đứng vững trong Top 100 của bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA, trên tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác.

LHQ sắp kiểm điểm Việt Nam về quyền dân sự và chính trị

 VOA Tiếng Việt/27/12/2018
Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
 Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)
Việt Nam sẽ phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và đây được coi là một cơ hội cho người dân Việt Nam cung cấp thông tin cho Ủy ban Nhân quyền LHQ về những vi phạm nhân quyền của quốc gia Đông Nam Á này.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam kiểm điểm trước LHQ trong hơn 15 năm qua sau khi bỏ hai kỳ giải trình trước.
Để chuẩn bị cho buổi kiểm điểm, dự kiến diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 3 năm 2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ hôm 16/8 gửi cho Việt Nam danh sách các vấn đề mà phía LHQ muốn Việt Nam giải thích đã thực thi công ước này như thế nào. Danh sách này phần lớn dựa trên các bản báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và hải ngoại cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có các câu hỏi về vấn đề tra tấn, bắt giữ người tùy tiên, tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp.
Ngày 26/11, Việt Nam đã gửi bản hồi đáp được đăng tải trên trang web của Ủy ban Nhân quyền LHQ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng – giám đốc điều hành của BPSOS, Ủy ban Cứu Người vượt biển, văn bản trả lời của Việt Nam “rất thiếu sót và nhiều khi không chính xác.”
Theo TS Thắng thì do đó, một báo cáo thay thế đang được các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế – trong đó có BPSOS – soạn thảo để phản biện nhằm làm sáng tỏ những điểm mà nhà nước Việt Nam trình bày không chính xác, hoặc không đầy đủ trước khi Ủy ban Nhân quyền LHQ thực hiện cuộc kiểm điểm với Việt Nam vào giữa tháng 3.
Nhận định về những thiết sót trong văn bản trả lời của Việt Nam cho các câu hỏi trong danh sách các vấn đề được LHQ đưa ra, TS Thắng nói chính quyền Hà Nội dùng 3 phương thức để phủ nhận hoặc tránh né hoặc giải trình sai sự thật.
“Thứ nhất, họ phủ nhận hoàn toàn. Chẳng hạn như khi LHQ yêu cầu Việt Nam trả lời về việc ngược đãi, đàn áp tù nhân lương tâm thì thay vì họ trả lời vào trọng tâm thì họ phủ nhận rằng Việt Nam hoàn toàn không có tù nhân lương tâm và chấm hết. Thứ hai là Việt Nam tìm cánh giải thích tránh né. Chẳng hạn như LHQ đặt câu hỏi về ‘hội cờ đỏ’ vì có hành vi khủng bố tinh thần, đàn áp người dân, tấn công vào các nhà thờ của các giáo sứ ở giáo phận Vinh trong thời gian qua, thì phía Việt Nam xác nhận có ‘hội cờ đỏ’ và xác nhận là họ có lên án các vị linh mục nhưng lại giải thích rằng vì các vị linh mục này nói đụng chạm đến các lãnh đạo Việt Nam và chế độ.”
Tại một cuộc họp báo ở Hà Nội hồi tháng 4 năm nay, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói “ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm.” Cũng trong năm qua, linh mục Đặng Hữu Nam, người từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam về cách giải quyết thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra, bị thuyên chuyển khỏi giáo xứ Phú Yên và thậm chí còn đối diện với việc trục xuất.
Với phương thức thứ 3, TS Thắng nêu ra một ví dụ để cho thấy rằng Việt Nam nói đã hành động nhưng “kỳ tình không đúng thật như vậy.”
“Ví dụ các vụ đánh chết người trong các đồn công an xảy ra rất nhiều và Việt Nam báo cáo rằng họ đã điều tra và khởi tố hai trường hợp nhưng thực sự có nhiều trường hợp hơn như vậy rất nhiều và họ lờ đi.”
Vào tháng 11 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên bị chất vấn ở LHQ về tình trạng tra tấn, chết trong đồn công an tại một phiên điều trần của Ủy ban chống tra tấn LHQ. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW nhận định rằng tình trạng công an bạo hành người bị giam giữ trong đồn công an đã đến mức báo động ở Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, có ít nhất 10 trường hợp được biết tới đã chết trong đồn công an.
BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ về các quyền dân sự và chính trị của người Mỹ gốc Việt, đang tìm cách đưa một số thân nhân của các gia đình tù nhân lương tâm, của các nạn nhân bị tra tấn hoặc chết trong đồn công an đến buổi kiểm điểm sắp tới về Việt Nam ở Ủy ban Nhân quyền LHQ.
Các trọng tâm về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam mà các tổ chức xã hội dân sự muốn nêu ra trước Ủy ban Nhân quyền LHQ trong kỳ kiểm điểm này, theo TS Thắng, gồm vấn đề tra tấn, tù nhân lương tâm, tự do tôn giáo và tình trạng vô tổ quốc của người H’Mong và người Tây Nguyên theo đạo Tin lành.
Buổi kiểm điểm của Việt Nam tại Ủy ban Nhân quyền LHQ sẽ là cơ hội cho những người được xem như là nạn nhân của các sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng cũng như những người đấu tranh cho nhân quyền của người khác ở trong nước cũng như ở hải ngoại để đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải giải trình, theo TS Thắng.
“Bình thường thì người dân không có thẩm quyền ấy ở một đất nước độc tài nhưng qua thủ tục của LHQ về kiểm điểm thì người dân có quyền không phải trực tiếp mà gián tiếp bằng cách cung cấp các thông tin, đưa ra những ý kiến, đề nghị các câu hỏi cho Ủy ban Nhân quyền LHQ.”
Bên cạnh đó, TS Thắng cho biết, bản nhận xét kết luận phần trả lời của Việt Nam từ LHQ sẽ được dùng để mang đi vận động với các chính quyền, đặc biệt là Mỹ, để chế tài một số giới chức Việt Nam đã can dự vào các trường hợp tra tấn hoặc đánh chết người trong đồn công an theo luật Magnistky.

Nếu cái cột điện biết đi…

 Theo VOA-Mạnh Kim/27/12/2018
“Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!”
 “Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!”
Không như giai đoạn sau 1975 kéo dài đến tận đầu thập niên 1990, khi những người chạy trốn cộng sản lén lút thu vén tiền bạc, vàng vòng để vượt biên, những chuyến “vượt biên” ngày nay công khai và rất rầm rộ. Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui. Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó cách mấy cũng đi, “chết” cũng đi, nuốt nước mắt mà đi!
Thử search nhanh trên mạng về dịch vụ visa Hoa Kỳ, visa Úc, visa Canada…, sẽ thấy vô số quảng cáo “cam đoan bảo đảm đậu”. Một công ty dịch vụ visa thậm chí “treo” slogan: “Đi Mỹ không suy nghĩ!”. Làm thế nào không thể không suy nghĩ khi quyết định phải đi, một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời, một quyết định có thể biến mình từ một người có của ăn của để thành một người tay trắng lạc lõng nơi xứ người. Tuy nhiên, vô số người vẫn chấp nhận lấy số phận đặt cược cho ván bài lớn nhất đời người: bằng mọi giá phải đi, sẵn sàng đón chờ tất cả may rủi để đi. Có người thậm chí nói, đi đâu cũng được, nước nào cũng được, miễn thoát khỏi Việt Nam! Nghe đau không?
Những câu chuyện “làm thế nào để đi” đang được chia sẻ công khai hàng ngày. Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng “hỗ trợ vốn” du học quảng cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi số phận. Những “lá phiếu cử tri” minh chứng cho sự thất bại “toàn tập” của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào.
Có quá nhiều lý do để đi. Có người nói họ đi (hoặc muốn đi) vì đất nước không còn thuộc về dân tộc nữa. Có người nói thẳng rằng “Việt Nam bán nước cho Tàu rồi, ở lại làm gì!”. Có người nói, họ đi vì ngày càng “căm thù chế độ cộng sản”. Dù cảm tính hay không thì đó vẫn là những lý do có thực. Tuy nhiên, lý do lớn nhất và phổ biến nhất vẫn là vì tương lai con cái. Chẳng ai muốn con cái họ lớn lên trong môi trường giáo dục-y tế tồi tệ như vậy. Chẳng ai muốn tương lai con mình u ám và đen tối như số phận quốc gia. Không ai muốn để con mình trôi trên chiếc tàu vô vọng và vô định. Chẳng ai muốn con cái phải gánh chịu những hậu quả mà chính những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất cũng đang phủi tay tháo chạy.
Một người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào… nhưng có những thứ mà tôi không bao giờ có thể mua: tôi không thể mua được môi trường trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân; và trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như tự do cho tương lai con cái tôi.
“Chúc mừng bạn và gia đình đã lấy được visa định cư Hoa Kỳ!” – không có lời chúc nào nghe mỉa mai hơn vậy. Vì sao mà sau hơn bốn thập niên người ta vẫn mừng khi rời bỏ quê hương lên đường tha phương? Vì sao mà gần nửa thế kỷ trôi qua người ta vẫn phải “vượt biên” tỵ nạn cộng sản và “tỵ nạn” những hậu quả mà cộng sản gây ra? Vì sao mà sau những tuyên bố khẳng định chế độ đạt được hết thành tựu này đến thành công khác mà “cán bộ” cộng sản và đảng viên cộng sản vẫn bằng mọi giá đưa con cái họ ra nước ngoài?
“Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!” – không có lời chúc nào buồn và đau hơn. Một cách chính xác, lời chúc này không dành để nâng ly cho sự rời bỏ đất nước. Nó dành cho sự thoát được khỏi chế độ cai trị trên đất nước đó. Lời chúc đó là một cáo trạng cho chế độ. Chẳng ai vui (trừ “cán bộ” cộng sản) khi rời bỏ quê hương. Chẳng ai thoải mái khi bỏ hết tài sản lẫn thân nhân mà gạt nước mắt ra đi. Sự chọn lựa của họ quá khắc nghiệt: hoặc là một quê hương đang bị chế độ cộng sản tàn phá tan nát, hoặc là xứ lạ quê người nơi họ có thể dùng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời để gieo những mầm hạt hy vọng cho tương lai con em mình.
Khi tôi viết những dòng này, ngoài kia, trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán nào đó, hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn đang xếp hàng chờ phỏng vấn visa. Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên nhẫn. Họ nắm chặt sấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình. Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào thì ít nhất nó cũng dẫn đến một lối thoát cho tương lai con em họ…

Vì sao ngân hàng lãi cao nhưng nợ xấu lại tăng vọt?

Theo VOA-Phạm Chí Dũng/27/12/2018
Hình minh họa.
Sau khi hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã công bố xong báo cáo tài chính quý 3/2018 cùng một số thông tin về tình hình tài chính ngân hàng quý 4/2018, thị trường ngân hàng đã nảy nòi một nghịch lý rất lớn: theo nhận định chung, khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng, nhưng không ít nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu tăng vọt.
Nghịch lý lợi nhuận - nợ xấu
Theo báo nhà nước, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng có diễn biến lạ: Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Đơn cử: ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Tuy vậy, vài chuyên gia nhà nước cho rằng đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.
“Về tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)” - một chuyên gia tài chính nhận xét…
Nhưng thực tế lại cho thấy cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.
VAMC đã ‘xử lý nợ xấu’ ra sao sau 5 năm?
Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.
Vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở: “VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này”.
Lời trần tình trên mang hàm ý gì?
Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột: sau 5 năm hoạt động, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.
Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ như trên đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.
Đến nay, các phương án “xử lý nợ xấu” của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu “giảm nợ xấu về 3%” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.
Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
2019 sẽ lãi ít, nợ xấu tăng vọt và phá sản ngân hàng?
Tình trạng một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.
Nhưng một phần lớn lợi nhuận của khối ngân hàng trong hai năm 2017 và 2018 lại đến từ những con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản, trong đó giá nhiều cổ phiếu được ‘đánh lên’ gấp ba lần, còn mặt bằng giá bất đất nền cũng tăng ít nhất hai lần.
Mặt khác và theo quy luật, cứ vào thời gần cuối năm, các ngân hàng lại phải tăng tốc hoàn thành kế hoạch, đẩy mạnh các khoản đầu tư và cho vay tín dụng, trong đó phải chạy theo chỉ tiêu ‘tăng tốc đẩy tín dụng ra thị trường’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Phúc, dẫn đến một số dự án, kế hoạch sinh lời cao, đem về lợi nhuận cao, nhưng đồng thời cũng đẩy rủi tăng cao, do đó nợ xấu tăng theo.
Ở chiều trái ngược, lợi nhuận ngân hàng thu từ khối doanh nghiệp là khá ít ỏi do đà suy thoái kinh tế ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại sau 10 năm kéo lê cái thân hình bạc nhược của nó, còn chuyện làm ăn của các doanh nghiệp thì ngày càng trở nên bế tắc, mà minh chứng rõ ràng là tỷ lệ số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản vào năm 2018 cao hơn hẳn tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập mới, và mức ‘cống hiến’ của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cho ngân sách nhà nước trong năm 2018 giảm hơn 2% so với dự toán quá tham lam, trong khi mức giảm sụt của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lên đến hơn 15%.
Chẳng có gì là vĩnh viễn, và lợi nhuận ngân hàng cũng thế. Điều gì sẽ xảy ra khi vào nửa cuối năm 2018, cả hai con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản đều đã chững lại, và theo quy luật tất yếu có lên thì phải xuống, để sang năm 2019 và vài năm sau đó sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu lẫn đất nền suy giảm rồi lao dốc?
Khi đó và rất cùng hoàn cảnh với ngân sách nhà nước bị tiêu hao một khoản thu lớn từ tiền thuế nhà đất, lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại đương nhiên sẽ bị giảm nhiều chứ không còn ‘mùa vàng bội thu’ như trước đó. Và một khi phần lợi nhuận mờ nhạt, phần nợ và nợ xấu sẽ trở nên nổi bật trên bức tranh lãi - lỗ. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải đau đầu tính toán việc làm sao thu hồi được các khoản nợ xấu, trong đó có hai khoản nợ lớn tồn tích vào hai năm 2017 và 2018: tín dụng cho các nhà đầu tư cá nhân vay để đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản.
Thậm chí nếu vào năm 2019 và những năm sau đó, ngành ngân hàng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng, dù chỉ ở quy mô vừa phải, cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng và khiến phát sinh nợ xấu trầm trọng. Khi đó, sẽ không thể còn bài ca nghịch lý ‘Ngân hàng lãi lớn, nợ xấu vẫn tăng’.
Tương lai 2019 đang ập đến. Lãi ngân hàng nhiều khả năng sẽ ít hẳn, trong khi nợ xấu tăng vọt. Những ngân hàng đã cố che giấu nợ xấu trầm trọng trong những năm trước sẽ lao đến ngưỡng vỡ nợ và phá sản vào những năm sau đó.
Khi đó, phần lớn sẽ mang tính bi kịch. Bi kịch phá sản ngân hàng lại dẫn đến bi kịch tài chính và ngân sách quốc gia. Để rất có thể thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ và ‘mỗi tỉnh là một đầu tàu kinh tế’ - Nguyễn Xuân Phúc - một lần nữa phải cảm thán về ‘sụp đổ tài hóa quốc gia’ như lời ông ta thốt ra thành thật đến hiếm có vào mùa xuân năm 2017.

Một người ở Đồng Tháp bị CSVN tuyên án 5 năm rưỡi tù vì ‘phỉ báng chính quyền’

Ông Huỳnh Trương Ca tại phiên tòa. (Hình: Zing)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Trong một phiên tòa diễn ra lặng lẽ hôm 28 Tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt blogger Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, ngụ ở huyện Hồng Ngự, 5 năm rưỡi tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.”
Báo Zing dẫn cáo trạng viết: “Trong sáu tháng, ông Ca thực hiện hàng chục buổi livestream trên Facebook ‘Thằng Nhà Quê,’ với nội dung xuyên tạc, nói xấu chế độ, phỉ báng chính quyền. Viện Kiểm Sát cáo buộc hành vi của ông Ca gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến an ninh tư tưởng và văn hóa, an ninh quốc gia. Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Ông Ca thành khẩn khai báo do nhận thức chưa đúng, bức xúc nhất thời trong cuộc sống nên có cách nhìn phiến diện dẫn đến hành động vi phạm pháp luật.”
Blogger Huỳnh Trương Ca bị công an tỉnh Đồng Tháp và công an tỉnh Tiền Giang bắt giam hồi Tháng Chín, với cáo buộc “kích động, chống phá nhà nước” và đang trên đường từ Tiền Giang lên Sài Gòn “kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào dịp Quốc Khánh 2 Tháng Chín.”
Thời điểm đó, báo Công An TP.HCM cáo buộc ông Ca là thành viên của tổ chức “phản động” có danh xưng “Hiến Pháp.”
Vụ bắt ông Ca cho thấy chính quyền các tỉnh miền Tây đang gia tăng trấn áp các tiếng nói bất đồng và giới blogger, dù rằng đó là những người chưa có tên tuổi trong giới hoạt động. Bị bắt cùng thời điểm với blogger này và cùng bị cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia là các ông Nguyễn Ngọc Ánh ở tỉnh Bến Tre, ông Đoàn Khánh Vinh Quang và ông Bùi Mạnh Đồng ở tỉnh Cần Thơ.
Hồi Tháng Tám, bài xã luận trên báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết: “Không một quốc gia nào có thể dung thứ những thành phần cố tình phá hoại sự ổn định, phát triển của nước mình. Kể từ đầu Tháng Tám, tòa án nhân dân các địa phương đã đưa ra xét xử ba vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, kích động, tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.”
“Mức án cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất là cho hưởng án treo. Hành vi của các bị cáo trong các vụ án trên được xác định là ‘đặc biệt nghiêm trọng,’ ‘nguy hiểm cho xã hội,’ trực tiếp xâm phạm đến sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân và nhà nước. Dư luận cho rằng, việc truy tố các bị cáo trên là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không thể dung thứ những kẻ muốn ‘lật đổ chính quyền nhân dân,’” tờ báo viết.
Trong khi đó, hồi giữa Tháng Mười Hai, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) công bố báo cáo về Việt Nam trình Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Theo đó, nhà cầm quyền CSVN “chỉ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam một chút ít kể từ thời điểm Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Toàn Cầu (UPR) năm 2014 cho đến nay, và tiếp tục hạn chế các quyền tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân.”
Human Rights Watch nhấn mạnh một trong các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam là “kiểm soát truyền thông, khóa hoặc đóng các trang mạng nhạy cảm về chính trị, bắt bớ những người sử dụng mạng mạng xã hội để lên tiếng chỉ trích chính phủ và đảng CSVN.”
Tổ chức này cũng lo ngại Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019 “sẽ can thiệp sâu quyền tự do ngôn luận và tự do phát biểu của người dân.” (T.K.)

CSVN thừa nhận ‘đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN’

Một phụ nữ bán quán ăn trên một đường phố ở Hà Nội, dù nền kinh tế được nói là tăng trưởng nhưng Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mặc dù chỉ số GDP tăng cao nhất sau 10 năm kể từ mốc khủng hoảng kinh tế 2008, nhưng chính phủ CSVN đã phải thừa nhận “Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN.”
Ngày 28 Tháng Mười Hai, 2018, chính phủ CSVN đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành “đánh dấu một năm Việt Nam đã vượt khó thành công để gặt hái nhiều thành quả về tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product), doanh nghiệp khai sinh, xuất nhập cảng…”
Báo VietNamNet nhận định, ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng Cục Thống Kê, cho biết con số tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2018 tăng 7.08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây có thể khiến nhiều người vui mừng, nhưng con số này vẫn không thể làm nhòa đi nguy cơ tụt hậu của kinh tế Việt Nam vẫn đang hiện hữu.
Thực tế, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng $2,587, tăng $198 so với năm 2017, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong cùng khu vực như Malaysia $9,994, Thái Lan $6,593 năm 2017 theo giá hiện hành.
Tại diễn đàn thường niên về Cải Cách và Phát Triển Việt Nam (VRDF) lần I, tổ chức ngày 5 Tháng Mười Hai vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư đã thừa nhận: “Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, Việt Nam sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.”
Ông Dũng cho biết, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Với cách tiếp cận mới, chỉ số này có tên gọi mới là Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu 4.0 (GCI 4.0).
Theo kết quả xếp hạng của WEF năm 2018, chỉ số “Năng lực cạnh tranh 4.0” của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm.
So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Cambodia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Cambodia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó Philippines tăng đến 12 bậc. (Tr.N)