Wednesday, September 12, 2018

Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Sau ngày im lặng 2/9 bạn viết cho tôi. Đó là những tâm sự nặng trĩu mối quan tâm nằm giữa nỗi buồn bã của một người đau đáu trước tương lai đen tối và vận mạng chỉ mành treo chuông của dân tộc. Và bạn kết: "Trách nhiệm thuộc về quốc nội. Nếu người dân trong nước vẫn hèn nhát, thờ ơ thì nước sẽ mất vào tay Tàu, họ và con cháu họ sẽ sống đời nô lệ của một công dân hạng hai như người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ. Mất Tổ quốc, mất danh dự giống nòi và mất đi niềm tự hào 4000 năm lịch sử." 

Tâm sự của bạn làm tôi tự hỏi: Chẳng lẽ chỉ cần bước chân ra khỏi đất Mẹ thân yêu là Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm không còn thuộc về mình? Chỉ cần bước qua lằn ranh biên giới là chúng ta có thể cho mình một chỗ đứng tự tại để vọng về với đồng bào lời khuyên răn: hãy đứng lên, thà hy sinh, thà chết còn hơn là để tà quyền Việt gian và quân xâm lược Tàu cộng giết chết từ từ?

Vấn nạn của đất nước và lối thoát cá nhân 

Chúng ta đã nói đến sự sợ hãi dẫn đến tình trạng đại đa số người dân Việt cam phận cúi đầu trước sự cai trị của bạo quyền. Chính nỗi-sợ-hãi-đại-đồng là tảng đá lớn nhất cản đường những đôi chân cùng một lúc bước ra khỏi nhà làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách độc tài đảng trị. 

Nhưng sợ hãi vẫn chưa là yếu tố chính. Khi đối diện với bất công, áp bức, chuyên quyền... cho dù sợ hãi bao trùm nhưng có lúc sẽ quá mức sức chịu đựng và nếu con người không còn chọn lựa nào khác thì buộc phải vùng lên. Do đó, một lý do khác là: mỗi người chúng ta khi đối diện với vấn nạn chung quá lớn đã quay lại đi tìm cho mình một lối thoát riêng cho bản thân và gia đình

Đi-tìm-lối-thoát-cho-riêng-mình khởi đi từ sau ngày 30/04/1975 và nó đã trở thành một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử của giống dân có truyền thống bám chặt vào nơi chôn nhau cắt rốn, đã làm rúng động lương tâm nhân loại và từ đó ngôn ngữ loài người có thêm một danh từ mới: Boat people - Thuyền nhân. Cho dù chúng ta đặt cho hiện tượng này những tên gọi mỹ miều - hành trình tìm tự do, cuộc bỏ phiếu vĩ đại bằng chân... bản chất của việc rời bỏ quê cha đất mẹ vẫn là Đi-tìm-lối-thoát-cho-riêng-mình và bỏ lại sau lưng Tổ Quốc điêu tàn. Chúng ta chấp nhận đối diện với hiểm nguy, hãm hiếp, cướp bóc, chết chóc trên đại dương mênh mông, để hy vọng trong vô định tìm được lối thoát cá nhân, hơn là đối diện với tù đày mặc định khi đứng lên chống lại bạo quyền để tìm lối thoát chung cho dân tộc. 

Sau nhiều năm tháng, lối mở vượt biên giới, vượt trùng khơi thời vượt biên tị nạn cộng sản đã khép lại. Những người ở lại đi tìm cho mình những lối thoát riêng khác. Sau cái gọi là "đổi mới" và chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người dân Việt Nam mưu cầu lối thoát cho mình bằng thái độ đành sống chung với lũ để tìm nguồn lợi bắt cá theo con nước dâng. Một hiện tượng mới xảy ra: trong tuyệt vọng chung của cả nước mỗi người bắt đầu mơ tưởng một "hy vọng" cho riêng mình

- Nhìn xung quanh nghèo khổ vẫn còn đầy nhưng lại thấy có thành phần cũng như mình nhưng bây giờ giàu có. Hy vọng mình sẽ là một trong những người đó. 

- Nhìn xung quanh thấy rõ tình trạng sinh viên ra trường đa số thất nghiệp, nhưng vẫn nhìn thấy thiểu số có việc làm trong guồng máy cai trị hay các công ty nước ngoài. Hy vọng con cái mình sẽ là một trong thành phần thiểu số đó. Cho nên mới có hiện tượng cho con học ngày, học đêm, đôn đáo tranh nhau vào "trường tốt" trong một hệ thống giáo dục thối nát, tệ lậu mà chính mình lên án. 

- Nhìn xung quanh vẫn thấy có nhiều người cho con du học nước ngoài, ở lại, định cư... Đó là một cách "vượt biên chính thức" an toàn. Gia đình mình sẽ tập trung công sức để biến hy vọng này thành sự thật... 

- Nhìn xung quanh vẫn thấy có nhiều người bị đối xử bất công, đàn áp, thực phẩm độc hại, môi trường bị tàn phá... nhưng gia đình mình sẽ cố gắng để sống theo đúng "luật pháp", kiếm tiền mua thực phẩm an toàn, rời xa những nơi mà môi trường bị nhiễm độc để hy vọng rằng cuộc sống gia đình ta yên ổn và sẽ thăng tiến.

...

Có gì khác nhau giữa những người Việt Nam từ nhiều thập niên trước bây giờ trở thành "người Việt Hải ngoại" và những "người Việt quốc nội" bây giờ trong những hy vọng về một cuộc sống khá hơn cho riêng mình? 

Lấy gì để những người đi tìm lối thoát riêng tư sau khi thực hiện được giấc mơ cá nhân thì quay lại "bàn giao" trách nhiệm hay đôi khi "trách móc" những người ở lại không hy sinh cuộc sống của họ để đứng lên tìm lối thoát chung cho dân tộc? 

Có những điều mà chúng ta không thể tìm lại được trong lối thoát cho riêng mình 

Viết gửi bạn những điều trên không phải để lại trách móc những người đi trước, đi sau, những ai đi tìm lối thoát cho riêng mình. Như câu viết mang nhiều ý nghĩa trong Tuyên ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà bạn và tôi cùng tâm đắc: "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness." (Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Được Sống, Quyền Được Tự Do và Quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc.) Nhắc lại với nhau câu này để chúng ta cùng thấy rằng chuyện mỗi người xây dựng cuộc sống, đi tìm tự do, và mưu cầu hạnh phúc cho mình là một nhu cầu đương nhiên và là quyền tất yếu của mỗi người.

Trong thế giới càng ngày càng thu hẹp này, nếu nỗ lực tối đa và nếu may mắn, mỗi người chúng ta có thể thành công trong việc xây dựng một đời sống tương đối tốt đẹp, có tự do và nhiều hạnh phúc cho bản thân. Trong mức độ tương đối, bạn cũng có thể hài lòng với những gì mà riêng cá nhân và gia đình bạn đang có được ở VN. Nếu chưa đủ, bạn tiếp tục mưu cầu những gì chưa đạt được ở một quốc gia khác. Bạn có thể tìm thấy tự do, dân chủ, nhân quyền cho riêng bạn tại một nước Bắc Âu. Bạn có thể xây dựng giấc mơ triệu phú, con cái học Harvard, tốt nghiệp ở Yale, đi làm cho Google tại Hoa Kỳ... Nói tóm lại, bạn có thể tìm thấy rất nhiều thứ đã bị cộng sản tước đoạt cho riêng bạn mà không cần Việt Nam phải thay đổi. 

Tuy nhiên, dù xoay sở khéo léo đến tột cùng ở VN, dù bôn ba tận phương trời nào đó, có một thứ mà bạn không thể tìm kiếm, mưu cầu cho riêng bạn nếu nó bị đánh mất: Đó là Tổ Quốc Việt Nam

Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm 

Bạn thân, 

Tôi viết những dòng kế tiếp này gửi bạn vì biết rõ Tổ quốc Việt Nam vẫn là căn cước của tâm hồn bạn, vẫn là nhịp đập đều đặn trong con tim bạn, vẫn là dòng máu, là hơi thở của bạn - dù bây giờ bạn đã cầm trong tay passport Hoa Kỳ. 

Vì Tổ quốc Việt Nam là như thế đối với bạn và tôi cho nên nó sẽ... như thế đối với những ai còn cảm nhận mình là người Việt Nam - dù ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội hay Paris, Sydney, Washington DC... 

Nếu Tổ quốc Việt Nam không còn thì Danh dự Việt Nam sẽ biến mất. 

Đến đây hy vọng bạn có thể đồng ý với tôi và hiểu được lý do tôi viết bài này thân gửi đến bạn: 

Trách nhiệm đối với Tổ Quốc và Danh Dự của Dân Tộc không có sự phân chia biên giới. Trách nhiệm đó đều ngang nhau đối với những người mang dòng máu Lạc Hồng, dù đang sống ở bất kỳ quốc gia nào. Danh dự đó đều mang cùng một ý nghĩa, một giá trị ngang nhau cho những ai còn nói được 5 chữ Mẹ đẻ: Tôi Là Người Việt Nam. 

Có rất nhiều thứ quý báu bị tước đoạt mà chúng ta vẫn có thể tìm lại được cho riêng mình. Nhưng bạn và tôi sẽ không bao giờ tìm lại được cho mình di sản 4000 năm được gầy dựng bởi hàng hàng lớp thế hệ cha ông nếu di sản đó bị Việt cộng đem bán và Tàu cộng cướp mất: Tổ Quốc và Danh Dự

Vậy mong rằng chúng ta, trong nước hay ngoài nước, cùng chung vai, sát cánh, ngang như nhau với Trách Nhiệm. Trách Nhiệm đối với lịch sử, tổ tiên và giống nòi. Trách Nhiệm đối với Danh Dự và Tổ Quốc Việt Nam. 

13.09.2018

Tiếp tục tàn phá môi trường: quan chức Quảng Ngãi muốn nhận chìm 15,5 triệu m3 khối thải xuống biển

CTV Danlambao - Đối diện với nguy cơ xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân, các quan chức cộng sản tại đây đã làm gì?: Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND đã ký công văn xin cấp phép nhận chìm 15,5 triệu m3 khối thải của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất xuống biển (1).

Dự án Hoà Phát Dung Quất do chủ đầu tư Tàu cộng khởi động trị giá 2,7 tỷ USD. Vào cuối tháng 1, 2017 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký văn bản chấp nhận cho phép Tập đoàn Hoà Phát tiếp quản dự án này (2). 

Vào ngày 5.5.2017 Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã yêu cầu Hòa Phát Dung Quất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân Quảng Ngãi về mọi hệ quả môi trường của dự án... Nếu nhà máy xả thải ra ảnh hưởng đến môi trường thì phải buộc dừng hoạt động. (3) 

Cũng tại buổi họp này, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tuyên bố "dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo thân thiên môi trường và tiết kiệm năng lượng. Với ưu thế của chu trình sản xuất khép kíp, đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sản xuất sau, các phụ phẩm tạo ra trong các công đoạn sản xuất đều được thu hồi và sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Nước làm mát thiết bị được xử lý tuần hoàn sử dụng lại, nước thải sinh hoạt được xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường và sử dụng lại, không thải ra môi trường." (3) 

Trước đó, vào tháng 3/2017, tại Đại hội đồng cổ đông của HPG, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị đã khẳng định dự án sẽ tốn đến 25-30% kinh phí cho vấn đề môi trường (4) và so sánh Hoà Phát Dung Quất với Formosa: "sự khác biệt chủ yếu về công nghệ giữa dự án của Hòa Phát và Formosa là ở khâu sản xuất than cốc: Trong khi Formosa áp dụng phương pháp thu hồi hóa chất thì Hòa Phát thu hồi nhiệt;" để rồi tuyên bố: "Chúng ta phải tự bảo vệ chúng ta trước khi có ai đó bảo vệ. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối vì cộng đồng và chính chúng tôi" (4). 

Ngày hôm nay, cái gọi là "thu hồi nhiệt" đã biến thành 15,5 triệu m3 khối thải và "cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối" được thay bằng công văn tống thải xuống môi trường biển của các quan chức cộng sản tại Quảng Ngãi. 

Cần ghi nhận thêm: 

Nhiều thiết bị và máy móc của Hoà Phát Dung Quất được thiết kế bởi Tàu cộng. Vào ngày 28/6/2017, HPQ đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng với liên doanh Tập đoàn luyện kim SMS của Đức và Công ty TNHH Kỹ thuật công trình Trung Dã Phương Nam (Wisdri) để cung cấp thiết bị luyện thép cho HPG tại Quảng Ngãi. Wisdri là công ty cung cấp thiết bị luyện kim lớn nhất thuộc sở hữu của nhà nước Tàu cộng, và cũng là đơn vị chủ thầu xây dựng hệ thống tuần hoàn làm lạnh tại Formosa Hà Tĩnh (5). 

Hiện tại, Bộ Tài Môi cũng đang "điều nghiên" về đề nghị của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ở Quảng Bình yêu cầu được phép nhận chìm 2,5 triệu m3 khối thải xuống vùng biển cách đảo Hòn La 3,5 hải lý.

*

Chú thích






13.09.2018

Làm giàu cho Việt cộng

VNCH- Ngọc Trương (Danlambao) Cách đây vài hôm, có hai người bạn cũ từ xa ghé thăm. Chuyện bạn bè dẫn đến chuyện công tác từ thiện tại Việt Nam. Tôi có đề cập đến bài: “Làm từ thiện trên mănh đất tạm dung” của tác giả Mai Thanh Truyết. Người bạn thứ nhất từng là nhân viên nhân viên kế toán cho công ty Anh tại Singapore, đã về hưu. Anh thứ hai, nhân viên ngân hàng ở Luxembourg. Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong nghề, hai anh giải thích và cho biết ý nghĩa đằng sau của việc "từ thiện".

Hai anh ngẫu nhiên, luân phiên bổ túc giúp cho tôi, một khán/thính giả rất dốt nát về lãnh vực tài chánh, lờ mờ hiểu ở mức sơ đẳng nhất. Dù biết sẽ có ít nhiều phản ứng từ bạn đọc, như :"Nói không có căn cứ, bằng chứng..." hoặc là "Vơ đũa cả nắm"... Nhưng thông tin cần được chia sẻ và soi sáng từ phía bạn đọc để mọi người cùng nhau hiểu rõ vấn đề. 

Chúng tôi cố gắng đơn giản hoá việc giải thích về luân lưu tiền mặt (hay luân lưu hiện kim- cash flow) trong hoạt động từ thiện giả dối của CS Việt Nam, kinh doanh, tẩu tán tiền có lợi cho chúng. 


Dân bán drug, trồng cỏ (weed) mua bán hoàn toàn bằng tiền mặt, dễ dàng và tránh bị cảnh sát theo dõi. Tiền lời tích tụ càng nhiều cần được bạch hóa hay rửa tiền (blanchiment d'argent/money laundering) để biến thành tiền hợp pháp. 



Theo như sơ đồ trên, tiền bất lương từ nhiều nguồn khác nhau tập trung về cho Việt cộng, bọn CS sẽ chuyển tiền mặt vào ngân hàng có mối làm ăn lâu dài và chịu chi phối của CS (đặc biệt là Tàu cộng) như HSBC, hoặc Bank of China. 

Tiền vào ngân hàng được biến thành hợp pháp, đem ra đầu tư vào bất động sản (nhà, đất đai, nông trại...) tại bản xứ (thí dụ như Mỹ, Pháp, Úc...), kể cả đem xây chùa cho sư sải cộng sản làm nơi trú ẩn, hoạt động lung lạc dân Việt hải ngoại. 

Hòa thượng XYZ, tức "Thích búa liềm" thực ra chính là "đồng chí thượng tá" Nguyễn ABC, thuộc Vụ hải ngoại, Bộ công an Việt cộng, vân vân. "Thích búa liềm" từng học đạo 3 năm với Thích Trí Quang (nhà chuyên môn tuyệt thực nhiều năm, chỉ uống sâm Đại Hàn chánh gốc để sống). 


Tiền cúng dường tam bảo hải ngoại (Pháp, Đức, Mỹ, Úc...) để xây chùa, dựng tượng bản xứ phục vụ cộng đồng, một phần thanh toán tiền xây cất, vật dụng, các đồ trang trí và nhân công. Phần còn dư, xây xài trong chùa, và phần ít được nói tới, hay không bao giờ nói tới - tiền mặt (đô la) giao thẳng cho tòa đại sứ VC sở tại, chuyển vào ngân hàng VC, CS có phương tiện tiền bạc cho công tác tuyên truyền, gián điệp. 

Bảo trợ hội chợ, ca nhạc hội do tòa đại sứ VC ủng hộ, giúp bảo lãnh qua đám cưới giả các cán bộ an ninh nằm vùng. Mở hay mua các báo tiếng Việt, đài truyền hình Việt địa phương, vận động đưa cán bộ CS ra tranh cử các tổ chức của cộng đồng Việt Nam... 

Cũng phải nói đến tiền hoàn toàn hợp pháp do đồng bào hải ngoại gởi về cho gia đình, hoặc cho các chương trình cứu trợ, từ thiện trong nước, hoặc xây chùa, nhà thờ mới, sửa chữa am cũ, lăng cỗ... 

Tổng số hàng năm từ 10 đến 13 tỷ USD. Của không vốn, trên trời rớt xuống cúng cho đảng CS và bọn cầm quyền Hà nội! 

Nói theo kiểu VC: Trên cả uyệt vời! 

Gián tiếp, chúng ta nuôi nấng VC ngày thêm vững mạnh. 

Tiền sạch còn được dùng tái đầu tư off-shore, qua các ngân hàng hải ngoại xa như vùng Caribbean: Bahamas, Trinidad Tobego, Cuba, Jamaica, Barbados, Panama... (nghe quen quá phải không bạn, du lịch các xứ nầy rẽ chán). 

Tháng tư năm 2016, xảy ra vụ tai tiếng gọi là Panama papers, lộ hồ sơ trốn thuế và các trương mục bí mật hải ngoại của nhiều tên tuổi lớn thế giới, liên quan cả Putin Tổng thống Nga, Thủ tướng Iceland Sigmundur Davíð Gunnlaugsson phải từ chức, chưa kể có tên của 7 uỷ viên Bộ chính trị CS Trung cộng đương nhiệm hoặc đã về hưu. 

Li Xiaolin con gái của cựu Thủ tướng TC Lý Bằng, Hu Dehua con trai của Thủ tướng Hồ diệu Bang, Deng Jiagui anh em rể của Tập Cận Bình. 

Toàn là tai to mặt lớn, đầy dẫy "đạo đức cách mạng" kiểu CS, nhưng thích giàu có sung sướng kiểu tư bản. 

Như vậy, bạn và tôi đã hiểu thêm một chút tại sao thủ tướng CSNguyễn xuân Phúc, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có tiền cho mấy đứa con trai, hay Nguyễn Lê Huỳnh Trúc con gái của thượng tướng CS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội, cầm đầu bọn 47 (xem bài DLB - Chiến Trường Internet Và Lực Lượng 47) có tiền du học, hay "du học trốn" tại Mỹ, hoặc các xứ tử bản hạng nặng khác. 


Làm sao tiền rửa sạch (bạch hoá hợp pháp) 

Ông ABC, để dành tiền làm nail hơn 20 năm hầu về VN sống lúc tuổi già. ABC rất khôn ngoan biết phải "kiếm một thằng cán bộ nào đó bao che, cho an toàn khi về ở VN". 

Nhờ quen biết, ông ABC liên lạc làm ăn với một anh "người ngoài ấy", hùn vốn mở tiệm mua bán vật liệu xây cất ở Ohio. Bán sắt thép, xi măng, gỗ và các vật liệu xây cất nhà, cả dây điện, công tắc đèn. 

Thầy "Thích sao vàng" muốn xây kiểng chùa phục vụ bá tánh, cộng đồng VN ở xứ người, thầy quyên được 800 ngàn đô la (chỉ là con số thí dụ) tiền mặt. 

“Thích sao vàng” cất 100 ngàn tiền mặt làm của "chùa", nhưng là của riêng cho thầy, không phải là “của chùa” theo nghĩa thông thường! 

Nộp 700 ngàn vào ngân hàng có uy tín như Bank of America ở Mỹ, Royal bank of Canada (thì ở Canada chớ đâu nữa), hay Crédit Agricole của Pháp, ngoan ngoãn như một công dân tốt, lương thiện. 

Thầy nhờ công ty của ông ABC lo mọi việc xây cất, xin giấy phép. Tổng cộng chi phí xây chùa thiệt ngon chỉ tới 500 ngàn đô la (cũng là con số thí dụ). 

Còn lại 200 ngàn (thầy sực mất 100 ngàn tiền mặt rồi): 

1/ Giao cho tòa lãnh sự VC sở tại, coi như đóng góp cho "quê hương", lãnh sự VC sẽ dùng hành lý ngoại giao (valise diplomatique/ diplomatic bag) gởi đi HSBC ở Hồng Kông và cất ở đó, hoặc từ HSBC sẽ nhập vào trương mục của "anh" Nguyễn Xuân Phúc, hay "anh" Nguyễn Phú Trọng, tại Bahamas, Cuba... 

Con cháu mấy "anh cấp trên" có tiền ăn học ở Mỹ, ở Đức, Úc, mua nhà rộng, nhà nghỉ mát, cottage, bao các em tóc vàng ăn chơi thâu đêm, hay sắm xe Rolls-Royce đời mới đi lại cho đỡ mệt, tất cả do tiền "nhân dân ta ở nước ngoài" đổ mồ hôi đóng góp. 

Tuyệt vời! 

Hành lý ngoại giao, hoàn toàn miễn khám xét 
miễn sao có quốc hiệu và thường có nhân viên ngoại giao đi kèm. 

Có thể là 1 va ly, có thể là một container, thùng gỗ… 

2/ Cách thứ hai, công ty của ông ABC, viết hoá đơn 700 ngàn đô la trọn vẹn cho công tác xây chùa. 

“Thích sao vàng” ký cheque trả 700 ngàn cho ABC. 

Tiền thặng dư 200 ngàn, ABC ký trả 100 ngàn cho tiệm bán bàn ghế, tượng đồng, tượng Phật, trống, nhang đèn, bồn sứ, hoa sen vàng..., còn 100 ngàn ông ABC trả lương cho chính ông và các nhân viên, bảo hiểm, đóng tiền thất nghiệp, thuế buôn bán. Hoàn toàn hợp lệ. Dĩ nhiên phải có lời nhiều. 

Tiệm bán bàn ghế nói trên, do ông DEF làm chủ, ông cũng có quan hệ "tốt đẹp" với "mấy ảnh" ở tòa đại sứ VC, cũng như Ban ngoại thương ở Hà nội. 

Nói thẳng ra cả hai ABC, DEF đều là bọn làm ăn buôn bán với CS, miễn sao có lợi cho cá nhân và kiếm nhiều tiền, về VN an hưởng tuổi già, hay về VN "giải trí" hàng năm. Chúng không ngần ngại rửa tiền cho VC. 

Đến đây, hy vọng bạn đọc nhìn thấy tại sao phải cẩn thận trong việc từ thiện, cứu trợ, xây chùa ở Việt Nam. Hoặc cả việc xây chùa ở các quốc gia nơi bạn đọc đang sinh sống. Trước khi bạn trao một số tiền dù nhỏ với tinh thần "của ít lòng nhiều", nên biết rõ số tiền bạn giúp sẽ tới tay ai, sẽ đi về đâu. 

Ai là người hưởng lợi từ tấm lòng nhân ái của bạn? 

Dĩ nhiên không phải nhìn đâu cũng với cặp mắt nghi kỵ, nhìn đâu cũng thay dối trá của CS, không phải hòa thượng, thầy tu nào cũng là tay sai CS. 

Xây dựng chùa chiền, nhà thờ cho cộng đồng Việt Nam ở mỗi địa phương, hay việc tương tế, cứu trợ không phải tất cả đều do CS giật dây. 

Khi nào nên giúp, khi nào không nên giúp. Khi nào đáng tin, khi nào không đáng tin. Không phải dễ. 

Câu trả lời do chính bạn. 


Tham khảo












*
13.08.2018

Phải nuôi nhưng không được xài!

Theo VOA- Trân Văn  /11/09/2018
Lực lượng cảnh sát giao thông trong dịp APEC tại Đà Nẵng. (Ảnh chụp từ VNExpress)
Lực lượng cảnh sát giao thông trong dịp APEC tại Đà Nẵng. (Ảnh chụp từ VNExpress)
Hôm 10 tháng 9, nhiều tờ báo, đài truyền hình ở Mỹ đồng loạt tường thuật về câu chuyện xảy ra ở thành phố Lakewood – thuộc quận Los Angeles, miền Nam California – vào đêm 27 tháng 8…
Tối hôm ấy, trên đường tuần tra, Tyler Milton – làm việc cho Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles – phát giác một chiếc xe vừa chạy quá tôc độ qui định, vừa loạng quạng, khiến Milton nghi ngờ tài xế say rượu. Milton đã hụ còi, bật đèn chớp, buộc chiếc xe đó tấp vào lề đường để kiểm tra…
Trái với phỏng đoán của Milton, người đàn ông lái xe và người phụ nữ cùng đi với ông ta bước ra khỏi xe với những đôi mắt đẫm lệ… Nhìn vào trong xe, Milton phát giác một bé trai hai tuổi nằm bất động và đã ngừng thở… Milton dùng bộ đàm gọi hỗ trợ rồi bắt đầu làm hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ…
Nghe giọng Milton trên hệ thống liên lạc nội bộ, Alissa Farrington – một nữ đồng nghiệp của Milton – biết là có chuyện chẳng lành, cô phóng xe đến hiện trường và hiểu ngay vấn đề, cô giục Milton bế đứa trẻ vào xe của mình, hối bà mẹ đang hoảng loạn bước lên xe và phóng xe tới bệnh viện Long Beach…
Trên xe, trong khi Milton tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ, Farrington vừa lái xe, vừa gọi hỗ trợ… Toàn bộ lực lượng cảnh sát đang tuần tra và đang trực rùng rùng chuyển động, họ chặn tất cả các ngã tư, buộc xe đang di chuyển trên những con đường mà Farrington sắp qua dừng lại để Farrington có thể di chuyển với tốc độ cao nhất…
Xe Farrington vừa trờ tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Long Beach, vài cảnh sát túc trực sẵn ở đó lao tới mở cửa, một video clip mà ai đó ghi lại – giờ đã được phát trên hệ thống truyền hình, được đưa lên Internet - cho thấy Milton ôm đứa trẻ trên tay, phóng ra khỏi xe, chạy vào phòng cấp cứu, nhanh hơn cả mẹ đứa trẻ đến cả phút…
Steven Hanna – đứa trẻ hai tuổi ấy đã được cứu sống. Nỗ lực thực hiện hô hấp nhân tạo mà Milton thực hiện suốt từ lúc phát giác đứa trẻ ngưng thở cho tới khi bé được đưa tới bệnh viện đã giúp giữ lại tính mạng của bé…
Ngày 10 tháng 9, Yasser Hanna và Redaa Felamon – hai di dân gốc Trung Đông, cha mẹ của Steven đã bồng bé đến trụ sở Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles cám ơn tất cả những người đã cứu con trai họ, cũng là cứu chính họ khỏi thảm cảnh…
Ân nhân của Steven và cha mẹ bé không chỉ có Milton, Farrington. Không ai biết chính xác đã có bao nhiêu cảnh sát tham gia dọn dẹp giao thông, cùng với Farrington và Milton mở sinh lộ cho Steven trở lại với cuộc đời (1)…
***
Những câu chuyện như vừa kể không phải là cá biệt. Thỉnh thoảng, chúng vẫn xảy ra ở đâu đó tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Cảnh sát – lực lượng được dân nuôi bằng tiền thuế do họ đóng góp để bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của mọi người – ở nhiều nơi trên thế giới, đã, đang và sẽ còn hành xử như thế và chắc chắn là không thể khác thế.
Ở Việt Nam, dẫu cũng được dân nuôi nhưng công an nhân dân Việt Nam khác hẳn cảnh sát của thiên hạ. Không những không thèm bận tâm đến việc hỗ trợ nhằm duy trì, cứu lấy tính mạng của ai đó giống như Milton, Farrington, đôi khi, công an nhân dân Việt Nam còn chặn cả xe cấp cứu đang tham gia tiến trình cấp cứu để… phạt.
Tháng 10 năm ngoái, công chúng Việt Nam bừng bừng phẫn nộ khi video clip ghi lại sự kiện một nhóm cảnh sát của Phòng Cảnh sát Trật tự - Giao thông của Công an thành phố Hà Nội, khăng khăng lập biên bản, phạt cho bằng được tài xế xe cấp cứu của Bệnh viên Đông Đô vì đậu xe ở nơi có biển cấm dừng, dẫu cho tài xế, bác sĩ, y tá, thân nhân của bệnh nhân xúm vào giải thích, chuyện đậu xe ở nơi có biển cấm dừng ấy là chẳng đặng đừng vì bệnh nhân cần cấp cứu không thể tự di chuyển – được đưa lên Internet (2). Sự phẫn nộ chính đáng ấy không làm lực lượng công an nhân dân bối rối, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Trật tự - Giao thông của Công an Hà Nội trả lời tỉnh queo, thuộc cấp làm đúng luật, đúng quy định chỉ… thiếu tế nhị trong quá trình thực hiện (3)!
Ở Việt Nam, năm nào, chuyện xe cấp cứu tự vật lộn giữa biển xe, rừng người, bất kể trong xe, sinh mạng những người chẳng may rơi vào tình trạng nguy kịch, giống như chỉ mành treo chuông, cũng được gióng lên như vấn nạn nan giải mà từ hệ thống công quyền đến lực lượng công an nhân dân không thèm bận tâm về giải pháp.
Tháng 3 năm 2015, VTC News công bố một phóng sự, mô tả sự thờ ơ, vô tâm của đám đông – không những không nhường mà còn tranh đường với xe cứu thương đã làm nhiều người, kể cả trẻ con cần cấp cứu uổng mạng. VTC News công bố một thống kê do Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thực hiện vào thời điểm đó, cho biết, có khoảng 40% bệnh nhi cần cấp cứu chết trên đường chuyển viện vì xe cứu thương bị kẹt trên đường (4).
Những thống kê kiểu đó không làm hệ thống công quyền và lực lượng công an nhân dân cảm thấy day dứt về trách nhiệm và cần phải hành động. Từ đó đến nay, trên hệ thống truyền thông chính thức và trên mạng xã hội, những phóng sự, video clip tường thuật về chuyện dân chúng Việt Nam “tranh đường” (5), thậm chí cố tình cản trở xe cấp cứu như một cách tìm vui, hoặc tự khẳng định mình vẫn xuất hiện đều đặn (6). Có những trường hợp, bởi không được lực lượng cảnh sát nhân dân hỗ trợ, thân nhân người cần cấp cứu phải xuống xe, van nài các phương tiện giao thông phía trước xe cấp cứu nhường đường, bị kẹt giữa rừng xe, biển người, phải khiêng người cần cấp cứu qua dải phân cách, thuê xe khác đưa người thân đến bệnh viện để níu giữ cơ may sống sót (7).
Tại sao nhiều người Việt lại vô tâm, thậm chí nhẫn tâm đến như vậy? Tại sao không ngăn chặn sự vô tâm, nhẫn tâm ấy bằng luật pháp giống như nhiều quốc gia khác? So luật pháp Việt Nam với luật pháp nhiều quốc gia khác ắt sẽ thấy sẽ không khác nhiều lắm: Luật Hình sự Việt Nam cũng xác định, “không cứu giúp người khác khi họ đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng” sẽ bị truy cứu trách nghiệm hình sự. Luật Giao thông đường bộ cũng có qui định không nhường đường cho xe cấp cứu sẽ bị phạt. Tuy nhiên tính mạng của công dân đang trong tình trạng nguy kịch không phải là điều đáng bận tâm nên giống như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, mười năm sau khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực, tháng 11 năm 2017, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường sắt – Đường bộ của Công an TP.HCM xác nhận rằng chưa bao giờ xử phạt bất kỳ cá nhân nào về lỗi không nhường đường cho xe cứu thương (8).
Thảo luận với tờ Thanh Niên về chuyện nhường đường cho xe cứu thương, ông Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, từng cho rằng, người ta chỉ nhận thức đúng, hành động đúng khi được chỉ dẫn và giới hữu trách chú trọng đến các biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn. Ông An dẫn trường hợp xe vận chuyển giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (có lực lượng công an nhân dân mở đường, phát loa nhắc nhường đường), nên không ai dám tranh đường như một ví dụ. Tại Việt Nam, xe cấp cứu công dân không được chỉ dẫn kèm những biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn như vậy.
Không thèm đếm xỉa đến hoạt động của hệ thống xe cấp cứu cũng như chuyện cá nhân công dân cần được cứu chỉ là một trong nhiều khía cạnh cho thấy, trong mắt lực lượng công an nhân dân Việt Nam, dân – bao gồm cả tính mạng, tài sản của họ - chẳng có gì là quý. Cũng như thiên hạ, dân chúng Việt Nam phải đóng thuế nuôi lực lượng công an nhân dân nhưng lực lượng này lại phục vụ đối tượng khác - Đảng CSVN và hoạt động của lực lượng này chỉ xoay quah một mục tiêu: Bảo vệ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN tại Việt Nam. Hệ quả khi lực lượng bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản công dân chỉ tụng niệm “còn Đảng, còn mình” đâu có trừu tượng. Nó nhãn tiền! Vấn đề là có bao nhiêu người chú ý đến tác động của “Công an nhân dân – Còn Đảng, còn mình” đến trật tự, trị an của môi trường xã hội mà mình đang sống cũng như nhân phẩm, an toàn tính mạng, tài sản của chính mình!
Chú thích

Tù chính trị phải dùng tính mạng để đòi chính quyền tôn trọng luật

RFA-2018-09-12  
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
 Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức-RFA edit
Trong chốn lao tù, nhiều tù nhân lương tâm đã phải dùng đến cách tuyệt thực để đòi hỏi quyền lợi của mình.

Phương cách duy nhất đòi công lý trong tù

Nhắc đến các vụ tuyệt thực trong tù, không thể không kể đến cựu tù nhân lương tâm – blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, người đã hai lần nhịn ăn cả tháng để phản đối cách hành xử của trại giam.
Blogger Điếu Cày chia sẻ với chúng tôi:
Thực tế tôi tuyệt thực 2 lần, lần thứ nhất là 28 ngày ở trại giam B34, nhưng thời gian đó không đưa được thông tin ra ngoài. Tuyệt thực tới mức họ phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 30/4.
Lần thứ hai là ở trại giam số 6 Nghệ An, với lý do họ biệt giam tôi 3 tháng vô cớ, tôi không vi phạm nội quy gì của trại cả. Tôi cũng viết đơn gửi cho Viện Kiểm sát Nghệ An, nhưng phải tuyệt thực đến 33 ngày họ mới vào giải quyết.
Blogger Điếu Cày cho biết khi đó gia đình ông bị cấm thăm gặp nên không có cách gì để ông báo tin cho họ. Chỉ khi gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào thăm, ông Nghĩa đưa tin thì lúc đó gia đình blogger Điếu Cày và truyền thông mới được biết. Sau khi truyền thông đưa tin, ông Hải vẫn phải tuyệt thực thêm gần 10 ngày nữa thì cơ quan chức năng mới vào giải quyết các yêu cầu của ông.
Khi tôi tuyệt thực ở B34, lúc đó tôi tiếp nhận nước cũng khó khăn vì thận bị sưng. Uống nước vào cũng ói ra. - Blogger Điếu Cày
Blogger Điếu Cày bị kêu án ba mươi tháng tù ngày 19 Tháng Tư 2008 vì tội trốn thuế. Đến ngày 19 tháng Tám 2010, tức bốn mươi tháng sau ông vẫn chưa được trả tự do. Ngày 20 tháng Mười 2010, công an thông báo tạm giữ ông Điếu Cày lại để điều tra tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Đến tháng 10 năm 2014, ông được chính quyền VN phóng thích, đưa thẳng ra phi trường và buộc phải rời khỏi Việt Nam. Hiện ông đang lưu vong tại Mỹ.
Ông kể lại tình trạng sức khỏe khoảng thời gian tuyệt thực:
Thực ra những người tuyệt thực chỉ cảm thấy đói trong khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày đầu thôi. Còn từ đó về sau không thấy đói nữa nhưng khi đó đã có một số tổn thương trong cơ thể rồi thì mùi thức ăn cũng gây khó chịu cho người ta.
Khi tôi tuyệt thực ở B34, lúc đó tôi tiếp nhận nước cũng khó khăn vì thận bị sưng. Lúc cấp cứu tôi mới biết. Uống nước vào cũng ói ra.
Một trường hợp tuyệt thực khác mới xảy ra gần đây và được nhiều người biết đến là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm cho biết:
Trong tháng 7, Quỳnh tuyệt thực 16 ngày để phản đối cách đối xử của trại giam. Quỳnh bị chửi bới, lăng nhục, vu khống, dọa đánh, dọa giết. Tới ngày thứ 16, người ở Tòa lãnh sự Mỹ tới khuyên thì Quỳnh ngưng tuyệt thực.
Ngày 2/8 tôi vào thăm con thì Quỳnh sút 4 ký, da xanh mướt nhưng lại sạm đen lại. Nhìn con như vậy chỉ biết nói là lòng đau như cắt. Đó là những gì khủng khiếp nhất đối với tôi.
Mẹ Nấm được đánh giá là một trong những blogger hoạt động tích cực nhất đấu tranh cho tự do, nhân quyền và môi trường trong sạch ở VN. Cô là người lên tiếng mạnh mẽ phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung VN. Hiện cô đang thụ án 10 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 BLHS.
Còn nhiều trường hợp tuyệt thực khác để phản đối tình trạng của nhà tù và những ngược đãi tù nhân phải gánh chịu, như luật sư Cù Huy Hà Vũ, từng 2 lần tuyệt thực trong đó có lần đến 25 ngày. Hay 4 thanh niên yêu nước Hồ Văn Oanh, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật, và Chu Mạnh Sơn,...Và cả các nữ tù chính trị như Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng,…

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) ngày 1 tháng 5 năm 2015 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ.
Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) ngày 1 tháng 5 năm 2015 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ. AFP

Tuyệt thực đòi thượng tôn pháp luật

Dư luận và giới đấu tranh dân chủ đang quan tâm đến trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực sang ngày thứ 30, tính đến ngày 12/9. Ông Thức hiện đang thụ án 16 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999, tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Lê Quốc Quân, người cũng từng tuyệt thực trong tù, chia sẻ:
“Là người đã tuyệt thực đến 21 ngày, tôi hiểu được sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Khi tuyệt thực sâu, tiêu hết mỡ thì cơ thể sẽ lấy protein trong não để sống, do vậy ít nhiều dẫn đến việc não bị tổn thương. Một mặt tôi khuyên anh Thức dừng tuyệt thực vì anh phải sống, phải thoát khỏi lao tù mạnh khoẻ. Mặt khác tôi kêu gọi sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước, của các cơ quan ngoại giao quốc tế, gây sức ép lên chính phủ để đưa anh Thức ra khỏi tù đày.”
Gia đình ông Thức cho biết ông tuyệt thực để yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật và trả tự do vô điều kiện cho ông theo luật pháp VN, và làm án lệ trả tự do cho các tù nhân chính trị khác.
Ngày 9 tháng 9 vừa qua, gia đình ông đã gửi thư khẩn tới lãnh đạo Nhà nước VN, Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, yêu cầu cho gia đình ông được biết tin về tình trạng sức khỏe của ông và cá cơ quan chấp pháp phải xem xét ngay các yêu cầu của ông Thức và có câu trả lời dựa trên quy định của pháp luật.
Mong gửi tơi ông Trần Huỳnh Duy Thức thông điệp rằng chúng tôi tuyệt thực thay ông, ông nghỉ đi nhưng mục tiêu đấu tranh của ông bọn tôi vẫn giữ. - Nhà hoạt động Trần Bang
Trên mạng xã hội, giới hoạt động đang thực hiện chiến dịch kêu gọi đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức và thắp nến cầu nguyện cho sức khỏe của ông. Nhà hoạt động Trần Bang ở Sài Gòn, người đang hưởng ứng tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết:
Có rất nhiều nhóm, mỗi nhóm làm một cách khác nhau ví dụ như tiếp sức thay nhau tuyệt thực và mong gửi tơi ông Trần Huỳnh Duy Thức thông điệp rằng chúng tôi tuyệt thực thay ông, ông nghỉ đi nhưng mục tiêu đấu tranh của ông bọn tôi vẫn giữ đó là yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông. Thứ hai, là yêu cầu Nhà nước thượng tôn pháp luật và thứ ba là đạt mong muốn của ông ấy là làm án lệ trả tự do cho các tù nhân lương tâm khác.
Mẹ của blogger Mẹ Nấm bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng cho biết suy nghĩ:
Trong thời gian Quỳnh tuyệt thực tôi cũng làm đơn gởi nhưng không được trả lời. Thực ra mọi chuyện không nằm trong ý muốn của mình, chỉ kêu gọi sự nhân từ của họ khi đối xử với anh Thức cũng như một con người có sự đồng cảm nào đó giữa người với người. Tôi rất thương bác Huỳnh (bố của ông Thức), thương vợ con anh Thức nữa vì tôi cũng ở trong cảnh ngộ đó mà.
Còn blogger Điếu Cày chia sẻ rằng khi người tù bị o ép, đàn áp như vậy thì họ không còn một phương tiện nào khác là đem chính mạng sống của mình ra đấu tranh. Việc đấu tranh như vậy cũng để khẳng định với nhà tù quyết tâm của họ, không thể bị khuất phục bởi những thủ đoạn bẩn thỉu

Một thanh niên ở Bình Dương bị nước mưa cuốn xuống cống

Người dân tập trung đông đúc tại hiện trường. (Hình: VTC News)
BÌNH DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Chạy xe qua đoạn ngập khi trời mưa lớn, hai thanh niên bị dòng nước xoáy xô ngã, cuốn đến miệng cống không có nắp, khiến một người chết, một người may mắn được cứu thoát.
Ngày 10 Tháng Chín, 2018, Ủy Ban Nhân Dân phường Khánh Bình (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) xác nhận, một thanh niên bị cuốn xuống cống thiệt mạng ở địa phương. Nạn nhân được xác định là Lâm Rong (26 tuổi, ngụ phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên).
Theo báo VTC News, khoảng 4 giờ chiều 9 Tháng Chín, anh Lâm Rong cùng một người bạn đi xe gắn máy trên đường 418. Đến đoạn giao nhau với đường Khánh Bình 26, cả người và xe bị ngã do trời mưa lớn, đường trơn trượt.
Lúc này, nước chảy dồn về khu vực ngã tư đường 418 với đường Khánh Bình 26, làm nhiều xe gắn máy qua lại khó khăn, thậm chí bị nước xoáy xô ngã và bị nước cuốn trôi.
Cống “nuốt chửng” thanh niên 26 tuổi. (Hình: Soha)
Do nước chảy mạnh, khi đến ngã tư trên, cả hai thanh niên bị nước ngập xô ngã xe gắn máy. Liền sau đó hai người bị dòng nước xoáy hút vào miệng cống không có nắp đậy. Nghe tiếng kêu cứu, người dân xung quanh chạy đến nhưng chỉ kịp kéo lại được một người. Riêng anh Rong bị cuốn xuống cống mất tích.
Nhiều người phát hiện sự việc đã đến ứng cứu, men theo đường cống thoát nước. Vài giờ sau thì vớt được nạn nhân cách hiện trường khoảng 800 mét. Tuy nhiên, lúc này anh Rong đã chết do ngạt nước.
Người dân trong khu vực cho biết, đoạn đường xảy ra sự việc trên không có biển cảnh báo và miệng cống cũng không có nắp che an toàn. Lãnh đạo ủy ban phường Khánh Bình cũng thừa nhận miệng cống lúc xảy ra tai nạn không có nắp và cho rằng “đang rà soát tất cả miệng cống trên địa bàn để đảm bảo an toàn mỗi khi mưa lớn.”
Theo báo VNExpress, những năm qua, hàng loạt các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước liên tiếp xảy ra các vụ người đi đường bị nước mưa cuốn xuống cống bị thương hoặc tử nạn. Riêng tại Bình Dương, đây là trường hợp thứ tư trong vòng bốn năm qua, song khi đụng chuyện chính quyền địa phương vẫn chỉ nói “hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.” (Tr.N)