Thursday, December 3, 2020

Nông dân Quảng Trị sắp đói vì ruộng nương bị vùi lấp, tan hoang sau lũ

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Phù sa là thứ cần thiết để có những mùa bội thu. Song, bùn đất đóng dày cả mét trên ruộng đồng sau “trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Trị” vừa qua đã để lại sự ám ảnh cho người nông dân.

Nói với báo Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cho biết thiệt hại do lũ lụt liên tiếp ở tỉnh này là rất lớn, song “khủng khiếp nhất” là lượng bùn đất đã vùi lấp khoảng 1,650 hécta ruộng nương. Với diện tích lớn như vậy, việc cải thiện đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, cần nhiều phương tiện cơ giới và nhân công lớn mới có thể hoàn thành.

Một mảnh ruộng ở Quảng Trị bị bùn đất vùi lấp sau khi lũ rút. (Hình: Hoàng Táo/VNExpress)

Ngày 1 Tháng Mười Hai, ông Hồ Văn Rào (46 tuổi, trú xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đi xem ruộng để tính việc sản xuất. Thế nhưng hơn một tháng sau lũ, cả hécta ruộng lúa và rẫy sắn của ông Rào vẫn ngổn ngang đá tảng, gỗ rừng và cát sỏi.

Băng qua bãi cát sát sông Nguồn Rào, nói với báo VNExpress ông Rào cho biết trước trận lũ hồi Tháng Mười, nơi đây từng là mảnh ruộng màu mỡ nuôi sống gia đình ba người. Giờ, ruộng bị cát phủ dày khoảng 70 cm. Một phần ruộng khác bị sông cuốn trôi. Rẫy sắn trồng 10 tháng qua chuẩn bị thu hoạch bị núi lở vùi lấp, ngổn ngang đá tảng, cây rừng.

Tranh thủ ngày nắng, ông Rào mang hai bao lúa bị ẩm sau mưa ra phơi trước sân nhà. Đây là số lương thực còn lại để gia đình ông ăn trong sáu tháng tới. “Ruộng nương bị vùi lấp, gia đình chưa biết phải trồng cây gì để sinh sống,” ông Rào lo lắng nói.

“Ở xã Hướng Sơn có hơn 192 hécta trồng lúa nước, nhưng mưa lũ khiến 90 hécta bị vùi lấp bởi đá và gỗ rừng nên không thể sản xuất. Do vậy, thời gian sắp tới người dân gặp khó khăn về lương thực, nguy cơ thiếu đói là rất lớn,” ông Lê Trọng Tường, chủ tịch xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, nói.

Tương tự, đứng giữa bãi bùn đã khô lại như sa mạc, bà Nguyễn Thị Lương (65 tuổi, ở xã Triệu Nguyên, huyện Đắkrông) không thể hình dung đâu là vị trí nương ngô xanh tốt trước đây của gia đình.

“Tôi sống đến chừng này tuổi chưa bao giờ thấy bùn đất đổ về khủng khiếp đến thế. Tôi thực sự trắng tay,” bà Lương nhìn xa xăm nói.

Nhưng nỗi ám ảnh trên không chỉ hiện diện ở xã Hướng Sơn, Triệu Nguyên, mà ở xã Ba Lòng bên kia sông Đắkkrông với hàng trăm gia đình nông dân cũng đang rối bời vì đồng đất bị vùi lấp.

Hay ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, nơi từng bị cô lập nhiều ngày sau lũ dữ, có đến 500 hécta đất sản xuất nông nghiệp đã thành bình địa vì… bùn.

Ruộng lúa của gia đình ông Hồ Văn Rào bị vùi lấp hoàn toàn bởi cát. (Hình: Hoàng Táo/VNExpress)

“Khoảng vườn đó chúng tôi trồng lúa nếp, giờ mất hết rồi, Tết này lấy gì ăn đây,” ông Hồ Văn Vươn (ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) chỉ tay về khoảng đất rộng mênh mông nói.

Không chỉ có Quảng Trị, sau khi khảo sát một số vùng bị bồi lấp tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam đánh giá mức độ bồi lấp lớn và dày. Tầng bồi lấp trên cùng là lớp đất sét nặng nên rất khó để canh tác ngay nếu không cải thiện.

Ông Lê Xuân Uyển (56 tuổi, trú xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhìn cánh đồng bị đất bùn bồi lấp dày gần 1 mét không thể gieo trồng vụ lúa Đông Xuân, ngao ngán vì nếu muốn gieo trồng, phải mất nhiều thời gian và công sức.

Các trang trại lớn nhỏ dọc sông Đắkrông ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tan hoang sau mưa lũ. (Hình: Thanh Lộc/Quảng Trị)

Theo kinh nghiệm của ông Uyển, lượng đất bồi lấp có một số yếu tố độc hại cho cây, nếu trồng lúa thì sẽ hư rễ và chết. “Chúng tôi lo lắng vì không kịp thời vụ mà cũng không biết trồng cây gì nữa,” ông Uyển nói.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị đang huy động nhân lực cùng phương tiện để san gạt, cải thiện đồng ruộng bị vùi lấp, nhằm sớm chuẩn bị cho vụ Đông Xuân vào tháng tới, nhưng không biết có dọn hết hay không. (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment