Thursday, March 26, 2020

Sự “sáng suốt” của quan thầy ĐCS Việt Nam

Hiện nay Italia đã vượt rất xa Trung Quốc về số người chết vì dịch Cúm Tàu, 4125 so với 3144. Trong khi đó người nhiễm ở Italia chỉ bằng 68% số người nhiễm tại Trung Quốc, điều này làm cho rất nhiều người nghi ngờ con số ca nhiễm và tử vong mà phía chính quyền Trung Cộng thông báo.
Người ta nghi ngờ Trung Quốc cũng hoàn toàn hợp lý, bởi vì như ta biết, chính quyền Trung Cộng đã phơi bày hành động chống lại những thông tin trung thực từ rất sơm khi mà họ đã bắt bỏ tù bác sỹ báo động dịch cúm. Và sau đó thực tế đã cho thấy, vị bác sỹ kia đã đúng còn chính quyền Trung Cộng đã lộ rõ bản chất một chính quyền cố tình bưng bít thông tin. Thêm vào đó là mới đây, 3 nhà mạng điện thoại di động của Trung Cộng bị sụt giảm gần 15 triệu thuê bao. Một sự sụt giảm bất thường qua 2 tháng mùa dịch đã cho thấy, con số mà chính quyền Trung Cộng đưa ra là không đáng tin cậy.
Như tôi đã phân tích trong bài “Bí Ẩn Trong Sự Thành Công Của Việc Kiểm Soát Dịch Bệnh” rằng, nỗ lực chống dịch của chính quyền chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ, điều kiện đủ là ý thức của toàn dân trong công tác phòng ngừa dịch bệnh. Mà để cho dân không chủ quan thì trước hết chính quyền phải trung thực và minh bạch thông tin. Ở đây chính quyền Trung Quốc đã giấu diếm thông tin vì họ xem bản thân ĐCS Trung Quốc hoàn toàn có thể làm được tất cả mà không cần đến sự tự chống dịch của nhân dân và họ đã sai. Họ sai phần vì thiếu tầm nhìn, phần thì thói kiêu ngạo CS.
Điều mà chúng ta thấy ở chính quyền CS Trung Quốc là họ cứ luôn luôn bưng bít thông tin, chỉ thừa nhận sai không còn đường chối cãi. Hành động này của quan thầy ĐCS Việt Nam xuất phát từ tư tưởng là phải tạo ổn định chính trị bằng mọi giá, cứ có tin tức xấu là tự động ém hoặc chế số liệu dù đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Chính vì cách làm kiểu con vẹt như vậy mà đã đưa đến những hệ lụy không thể nào lường hết được.
Nếu thừa nhận sự cảnh báo của bác sỹ Lý Văn Lượng sớm thì rất có thể lúc đó cả chính quyền và nhân Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn rồi. Để đến khi dịch bùng phát làm chính quyền mất kiểm soát thì mới thừa nhận thì lúc này đã quá muộn. Dịch đã nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và lan ra toàn thế giới. Nếu thừa nhận dich cúm đúng với thực tế xảy ra thì chính quyền Trung Quốc có 2 cái lợi: thứ nhất là không bị lộ chân tướng dối trá trước dân; thứ nhì là có thể khống chế được dịch bệnh tốt hơn để tránh thiệt hại lớn về sau.
Được biết, khi cơn dịch bùng phát, chính quyền Trung Cộng đã vất vả đối phó. Họ đã cho phong tỏa tất cả 14 tỉnh và thành phố. Chỉ tính trong phạm vi 14 tỉnh và thành phố này thôi thì nó đã đóng góp đến 69% GDP cũng và chiếm đến 78% xuất khẩu của Trung Quốc. Và thêm vào đó là 5 tỉnh thành lớn khác chiếm 50% tổng số việc làm và 48% tổng doanh thu bán lẻ của nền kinh tế Trung Quốc là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Bắc Kinh, Sơn Đông cũng nhận hậu quả nặng nề. Hậu quả là có đến gần 90% các doanh nghiệp nằm ở khu vực này gặp khó khăn. Ước tính có đến một nửa số lao động trên toàn Trung Quốc hiện không ở trong các nhà máy. Đấy chỉ là mới thiệt hại kinh tế bên trong nội địa Trung Quốc, ngoài ra khi mà để dịch bệnh lan ra thế giới, Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn nữa khi bị thế giới mà đặc biệt là các thị trường lớn tác động ngược trở lại nền kinh tế Trung Quốc.
Như ta biết, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc xuất khẩu rất nhiều. Hiện nay tất cả các cường quốc kinh tế trên thế giới đều có đầu tư rất lớn vào nước đông dân này. Nhờ đó mà Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, là nơi khởi đầu của rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Như ta biết, chuỗi cung ứng toàn cầu là một chuỗi liên tục có điểm xuất phát là nơi nguyên liệu thô ở nước này nhưng điểm tiêu thụ cuối cùng là ở nước khác. Được biết năm 2019, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch là 2.500 tỷ USD vượt xa nước thứ nhì là Mỹ chỉ có 1.700 tỷ USD. Điều này cho thấy, Trung Quốc quốc gia xuất phát rất nhiều chuỗi cung ứng nhất.
Khi mà Mỹ và EU bùng phát dịch thì điều đó kéo theo các đơn đặt hàng từ các thị trường này sẽ bị cắt giảm hoặc bị hoãn. Chính điều này nó sẽ làm cho nền sản xuất Trung Quốc đình trệ một thời gian dài sau khi Trung Quốc đã kiểm soát dịch và lực lượng lao động của đất nước này đã hoàn toàn để sẵn sàng làm việc trở lại. Đây chính là cách mà thế giới tác động ngược trở lại nền kinh tế Trung Quốc khi mà chính cách xử lý vô cùng yếu kém của ĐCS Trung Quốc khi đã để con virus Corona xuất khẩu sang Mỹ và EU. Sự tác động ngược này được xem là cú hồi mã thương do Trung Quốc đã để virus dịch bệnh bắn vào người ta. Không phải cứ xuất khẩu những thứ xấu xa mà không nhận hậu quả đâu, mà ngược lại có nhân thì ắt có quả. Nếu cộng với những thiệt hại trực tiếp bởi dịch cúm gây ra nữa thì có phải Trung Quốc phải chịu thiệt hại kép không? Năm 2019 được biết là năm tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua của nền kinh tế Trung Quốc, nên rất có thể thiệt hại kép này sẽ kết thúc luôn giai đoạn tăng trưởng cao của Trung Quốc và đưa đất nước này vào quỹ đạo trì trệ lâu dài.
Có người cho rằng, khi dịch cúm bùng phát thì cả Âu Châu và Mỹ chỉ đóng cửa biên giới là để kiểm soát dịch bệnh lây lan do sự di chuyển của các cá nhân, chứ họ hoàn toàn không phải đóng cửa giao thương hàng hóa hay ngừng nhập khẩu hàng từ các nước này. Vâng! Lập luận này mới nghe có vẻ như đúng nhưng thực ra đây là cái nhìn hạn hẹp chỉ thấy 1 mà không thấy 2. Biết rằng Mỹ và EU không cấm giao thương buôn bán với Trung Quốc, nhưng nên nhớ, trong chuỗi cung ứng toàn cầu tính từ khâu làm ra nguyên liệu thô ở Trung Quốc cho đến điểm cuối cùng là khách hàng tiêu thụ ở Mỹ và EU, thì khi mà điểm cuối bị nghẽn thì ắt điểm đầu cũng ứ. Như ta biết, một khi Mỹ và EU có dịch người dân xứ này sẽ bị cách ly, điều đó kéo theo nhu cầu của họ cũng bị cắt giảm đi rất nhiều. Mà ta biết điểm cuối cùng của chuỗi cung ứng là người tiêu dùng.
Như vậy, giả sử như, nếu chính quyền Trung Cộng ủng hộ cảnh báo của bác sỹ Lý Văn Lượng thì rất có thể đã tránh được sự thiệt hại kép này. Sự cứng đầu, hành động máy móc như con vẹt, tự cho mình làm trái quy luật tự nhiên đã đưa Trung Quốc đến với khủng hoảng lâu dài. Cái gì cũng có cái giá của nó. Như vậy qua đây chúng ta thấy rằng, ĐCS Tàu cũng vô minh làm bừa và phải trả giá đắt chứ nó có phải là sáng suốt đâu? Có chăng nó chỉ sáng suốt hơn ĐCS Việt Nam mà thôi. Thật bất hạnh khi mà nhất cử nhất động của ĐCS Tàu đều được ĐCS Việt Nam bê nguyên si về áp trên đầu nhân dân mà không biết chọn lọc. Quan thầy đã vô minh thì kẻ bắt chước nó có thể “chí minh” được sao? Dân tộc Việt Nam đúng là một dân tộc bất hạnh!
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:

No comments:

Post a Comment