Thursday, March 26, 2020

Nên xuất khẩu hay tích trữ?

Quy trình tích trữ vì mục đích an ninh lương thực là gì? Đó là người nông dân bán gạo cho đại lý thu mua, đại lý thu mua bán cho nhà nước, nhà nước cho vào kho dự trữ. Đó là đường đi của lúa gạo, ngược lại, đường đi của tiền sẽ từ nhà nước xuất ra cho đại lý, đại lý sẽ chi trả cho nông dân. Tất cả đều dùng tiền nội tệ.
Quy trình cứu đói là gì? Đó là nhà nước xuất lúa gạo từ kho dự trữ bán cho dân hoặc hỗ trợ miễn phí cho dân. Mục đích là để tránh cho toàn dân rơi vào tình trạng khan hiếm gạo hoặc tệ hơn là đói kém. Mà khi nạn khan hiếm lương thực xảy ra thì thị trường trở nên rối loạn khó kiểm soát, xã hội rối ren.
Quy trình tích trữ và quy trình cứu đói là 2 quá trình tưởng như ngược nhau, nhưng không phải vậy, chính xác đó là 2 quá trình tương hỗ. Nguyên tắc của nó là tích trữ lương thực lúc thừa để bù đắp cho lúc thiếu. Từ đó chính phủ sẽ kiểm soát rủi ro tốt hơn, xã hội sẽ ổn định hơn.
Quy trình xuất khẩu gạo là gì? Đó là người nông dân bán lúa gạo cho người thu mua, người thu mua sẽ bán cho nước ngoài. Và tất nhiên khi lúa gạo chảy xuôi thì đồng tiền sẽ chảy ngược. Tiền từ nước ngoài sẽ chuyển cho người thu mua bằng ngoại tệ, và người thu mua sẽ chi trả cho nông dân bằng nội tệ.
Nếu nói quy trình tích trữ lương thực và quy trình cứu đói là 2 quy trình mang tính thuận nghịch, thì quy trình xuất khẩu gạo là quy trình chỉ có một chiều. Nghĩa là khi lúa gạo đã được bán cho nước ngoài rồi thì sẽ không còn lúa gạo để cứu đói cho dân nếu đất nước cần. Đó là cái giá phải trả khi quyết định xuất khẩu lúa gạo.
Như vậy hãy so sánh, giữa quá trình tích trữ và quá trình xuất khẩu thì người nông dân có bị mất mát gì không? Hoàn toàn không. Người nông dân không mất gì cả. Vì sao? Vì trong cả 2 quá trình đó, người nông dân đều bán được gạo và thu tiền. Chẳng ai cướp không của nông dân cả. Trong trường hợp này, chỉ cần nhà nước đừng ép giá nông dân là mọi vấn đề sẽ ổn. Việc này nếu Nguyễn Xuân Phúc làm không nổi thì chỉ đáng là đồ vứt đi.
Tiếp theo ta hãy so sánh, quyền lợi người thu mua trong 2 trường hợp đó có thiệt thòi gì không? Người thu mua không mất mát gì cả. Vì sao? Vì trong 2 trường hợp ấy, người thu mua vẫn mua kẻ này bán cho kẻ khác và lấy giá trị chênh lệch để kiếm lời. Có chăng là khi bán cho nước ngoài thì những người thu mua sẽ kiếm lời đậm hơn vì lúc này cầu của thị trường rất lớn, nhưng khi bán cho nhà nước họ lại kiếm lời ít hơn vì giá cả được nhà nước mua theo sự quyết định của chính phủ. Nên nhớ, trong lúc này, khi mà nhân dân đang gặp khốn khó thì điều mà chính phủ cần làm ngay là phải ra tay chặn đứng hiện tượng vét lúa gạo xuất khẩu. Vì sao? Vì nếu không chặn rất có thể toàn dân sẽ phải chịu đói để cho con buôn làm giàu, như thế là không được. Lúc đất nước khó khăn, nhiệm vụ của chính phủ là phải bắt những nhà buôn cùng xìa vai gánh vác khó khăn với toàn dân chứ không thể để họ tước lấy quyền lợi của toàn dân làm giàu cho mình được.
Như vậy qua đây chúng ta thấy quyền lợi của nông dân và người thu mua đều không có gì thiệt hại gì cả. Vậy sự khác nhau trong 2 trường hợp này là gì? Ở đây có 2 sự khác nhau cơ bản, và chính sự khác nhau ấy nó sẽ dẫn đến quyền lợi của dân sẽ khác nhau rất lớn:
Sự khác nhau thứ nhất, đó là khi các người thu mua lúa gạo bán cho nước ngoài thì họ sẽ thu về ngoại tệ, còn khi bán cho nhà nước họ thu về nội tệ. Hay nói cho rõ là khi xuất khẩu gạo thì sẽ có nguồn ngoại tệ rót vào trong nước, còn khi họ bán cho nhà nước thì không có nguồn ngoại tệ chảy về. Mà khi nhà buôn thu được ngoại tệ thì tất nhiên họ sẽ bán một phần để mua nội tệ trả cho nông dân. Khi đó, với hệ thống thu gom ngoại tệ bủa khắp, thì trước sau gì lượng ngoại tệ đó cũng rót về nhà nước bằng cách này hay cách khác. Mà khi tiền thuộc về nhà nước thì chắc chắn một phần không nhỏ sẽ được rót vào túi quan chức dưới dạng tham nhũng. Và từ đó, quan chức có nhiều ngoại tệ để cho con du học, mua nhà mua xe, đầu tư thẻ xanh vv… Vậy nếu xuất khẩu, đảng có lợi còn dân thì đối diện với rủi ro.
Sự khác nhau thứ nhì, đó là khi nhà buôn bán cho nước ngoài thì xã hội sẽ có nguy cơ mất an ninh lương thực. Nếu dịch bệnh kéo dài thì cũng đến lúc kho dự trữ cạn kiệt. Mà thực sự có ai biết dịch bệnh kéo dài trong bao lâu không? Hoàn toàn không biết. Như vậy sẽ không ai có thể tính toán được lượng lương thực tích trữ là bao nhiêu để cho vừa cả. Chỉ biết, cần phải tích trữ càng nhiều càng tốt mà thôi. Nên đừng ai phán bừa là lương thực dự trữ đã đủ. Có thể nó sẽ đủ trong trường hợp không có dịch bệnh, nhưng khi có dịch bệnh thì bao nhiêu cũng không đủ.
Như vậy qua phân tích 2 sự khác biệt ấy, chúng ta có thể tóm tắt như sau. Nếu nhà buôn bán cho nhà nước thì đời sống nhân dân được đảm bảo, còn nếu họ bán cho nước ngoài thì đời sống người dân sẽ đối diện với nguy cơ thiếu đói và bù vào đó là nhà nước có nhiều ngoại tệ hơn, và quan chức cũng có điều kiện cưa lấy một phần lượng ngoại tệ đó bằng cách chạy chính sách cho những con buôn gạo ra nước ngoài, và hình ảnh Trần Tuấn Anh muốn hoãn thi hành lệnh cấm xuất khẩu của thủ tướng là một ví dụ. Như vậy khi xuất khẩu gạo lợi cho ai hại cho ai và khi tích trữ lợi ai hại ai chắc mọi người đã rõ.
Thực ra để cho vẹn toàn, thì hôm nay nhà nước phải thu mua để tích trữ. Nếu dịch bệnh kéo dài thì sẽ có đủ lương thực ứng phó, còn nếu bệnh dịch tắt sớm thì khi đó xuất kho lưu trữ ra để xuất khẩu cũng chưa muộn. Khi dịch tắt thì nước ngoài cũng vơi đi khá nhiều lương thực dự trữ của họ, lúc đó cầu của thị trường nước ngoài vẫn còn rất cao và việc xuất khẩu thu lợi lớn lúc đó là an toàn nhất. Vậy nên, kế sách vẹn toàn là tích trữ trước ứng phó sau. Nếu dốc hết cho xuất khẩu, không những đây là hành động thiếu sáng suốt mà là còn là việc làm ác với dân nữa.
Hiện nay trên mạng xã hội có một số người đã viết, lương thực thừa rất nhiều và nông dân cần xuất khẩu. Ủa? Không xuất khẩu thì nông dân vẫn bán lúa thu tiền chứ họ có bị cướp đâu mà nhất thiết phải xuất khẩu nhỉ? Và cũng có người cho rằng, lúa gạo hiện đang thừa đủ để dự trữ. Ủa? Chứ có ai biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu đâu mà bảo lúa gạo đủ để dự trữ nhỉ? Xin đừng phán bừa mà hãy phân tích cho thật kỹ và lấy quyền lợi của toàn dân làm ưu tiên hàng đầu.
Thực ra có một số người bênh vực cho quyết định cho xuất khẩu gạo hoặc họ không nhìn thấy vấn đề vĩ mô hoặc họ cố tình lý luận nhập nhằng để bảo vệ những con buôn gạo thời dịch bệnh này. Họ đã nhập nhằng điều gì? Đó là họ đã lấy sự thừa thãi của nông dân để ủng hộ xuất khẩu. Họ cố tình đồng hóa từ “nông dân” và “toàn dân”. Thực ra nông dân thừa nhưng chưa chắc gì toàn dân thừa. Vậy nếu nông dân thừa mà toàn dân thiếu thì tại sao nông dân không bán phần thừa ấy cho nhà nước, để nhà nước phân phối lại cho toàn dân mà đi mang gạo bán cho nước ngoài? Lúc này, khi mà cả thế giới như tê liệt vì dịch cúm, thì chính phủ hãy đừng xuất khẩu. Nếu dốc hết gạo xuất khẩu thì điều đó là ác với dân lắm. Thật đấy!

No comments:

Post a Comment