Thursday, October 4, 2018

Tiếp tục chuyện dài sách giáo khoa của Việt Nam

RFA-2018-10-04  
Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn.
Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn. RFA
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ vừa ra chỉ thị yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa với lý do để tránh lãng phí. Giới giáo viên và phụ huynh học sinh nói gì về chỉ thị này?

Không hề được tán đồng

Vào những ngày cuối tháng 9, chỉ thị vừa nêu của người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam gây tranh cãi trong dư luận.
Theo tôi biết thì chính sách giáo khoa đã ghi rất rõ là học sinh viết vào đó, làm bài tập, điền vào, đánh dấu vào những lựa chọn… Mà nay lại có cái chỉ thị này thì nó mâu thuẫn với chính sách đã in.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Chỉ thị cấm viết vào sách giáo khoa như thế được ban hành chỉ trong một thời gian ngắn sau khi báo chí và dư luận đồng loạt lên tiếng về việc mỗi năm người dân phải chi cả nghìn tỷ để mua sách giáo khoa. Tuy nhiên chỉ thị yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa với mục tiêu tránh lãng phí không hề được tán đồng.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về chỉ thị này, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết:
“Theo quan điểm của mình thì cái việc không được viết vào sách giáo khoa thì cái lý đưa ra ở đây là tiết kiệm, muốn sử dụng các sách giáo khoa đấy cho năm sau, đấy là lý do về mặt phí tổn xã hội. Nhưng mà để hình thành năng lực cho các em thì các em phải thực hành, các em phải làm các nhiệm vụ và bài tập trên thực tế, phải tô vẽ hay viết vào các sách đó. Thường thì sách giáo khoa mà không làm thì các em phải có thêm sách bài tập, hoặc là sách thực hành gì đó. Ở một phương diện nào đấy chúng ta không viết vào sách giáo khoa vì lý do tiết kiệm, thì mỗi một gia đình lại phải tiếp tục mua thêm sách cho các em luyện như sách ôn tập, sách thực hành, bài tập nâng cao…”
Thầy Đỗ Việt Khoa, một giáo viên tâm huyết có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại các trường tại Hà Nội thì cho rằng chỉ thị không cho viết vào sách giáo khoa có phần mâu thuẫn:
Một trang sách giáo khoa.
Một trang sách giáo khoa. Ảnh chụp từ video VTC
“Theo tôi biết thì chính sách giáo khoa đã ghi rất rõ là học sinh viết vào đó, làm bài tập, điền vào, đánh dấu vào những lựa chọn… Mà nay lại có cái chỉ thị này thì nó mâu thuẫn với chính sách đã in. Cho nên theo tôi chỉ thị ấy cấm cũng bằng thừa. Có lẽ sẽ có nhiều trường người ta vượt rào cho học sinh viết vào đấy.”
Một vấn đề được công luận nêu ra lâu nay là chất lượng giấy và chất lượng in ấn của sách giáo khoa không tốt. Thực tế là chỉ khi nào học sinh mua mà… không dùng hoặc rất ít sử dụng thì may ra cuốn sách mới có thể lành lặn để chuyển giao cho năm sau.

Gây khó khăn cho giáo viên và học sinh

Ngoài ra việc yêu cầu học sinh lớp 1 không viết, vẽ vào sách giáo khoa là rất khó, vì học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết thì làm sao có thể chép đề bài vào tập để làm?
Ngược lại, đối với môn văn của học sinh trung học, nhiều bài văn rất dài mà thời gian không đủ. Nếu không cho học sinh đánh dấu những dẫn chứng tiêu biểu của bài giảng, trong sách thì học sinh sẽ gặp khó khăn.
Chúng tôi nêu vấn đề ra với một giáo viên tiểu học không muốn nêu tên tại Sài Gòn, và được cô cho biết như sau:
“Tôi thấy cái này không hợp lý lắm, hiện nay sách thì các em tự mua cho cá nhân các em. Hiện nay mỗi em một cuốn sách rồi, không phải như hồi xưa sách mình phải thuê của thư viện, sách mình phải mượn mỗi năm, rồi mình phải giữ sách sạch sẽ để cho các thế hệ sau học. Còn hiện nay phụ huynh trang bị cho mấy bé mỗi bé ít nhất một bộ sách. Và các bé làm hẳn bài tập vô sách, đỡ thời gian nhiều lắm, có thời gian để làm những việc khác. Theo tôi thì nên làm bài tập trong sách.”
Cô Ngọc hiện sống tại Mỹ, từng giảng dạy nhiều năm tại một trường tiểu học ở Sài Gòn sau năm 1975, và cũng là phụ huynh có con em từng học tại cả hai nền giáo dục Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cho rằng, nên cho học sinh viết bài tập vô sách giáo khoa. Cô nhớ lại:
“Hồi đó tôi dạy thì có một cuốn sách giáo khoa riêng và một cuốn sách bài tập đi kèm sách giáo khoa đó. Ví dụ mình học đến bài số mấy bên sách giáo khoa thì bên sách bài tập cũng bài tập tương ứng. Mình đọc bên sách giáo khoa còn làm thì làm bên vở bài tập. Còn bây giờ nếu in chung không có cuốn bài tập riêng thì tôi nghĩ viết vô chung nó hay hơn.”
Bên tôi là cấp 1, các em cũng chưa ý thức được giữ sách sạch sẽ cho đến hết một năm học. Có những em con trai nó nghịch viết vẽ bậy vô sách. Thành ra nói xử phạt nghiêm thì tụi tôi cũng thấy bị áp lực.
-Giáo viên ở Sài Gòn
Trả lời báo chí hôm 29 tháng 9 liên quan quan chỉ thị gây nhiều tranh cãi này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục cho rằng, chỉ thị yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở sau đó. Theo ông Thành, nếu trong dạy học, giáo viên cho học sinh trả lời bằng cách viết, vẽ trực tiếp vào sách giáo khoa rồi đánh giá kết quả liền, là đã hạn chế việc phát triển phẩm chất, năng lực, tư duy của học sinh.
Tuy nhiên Tiến sĩ Trần Thành Nam thì lại cho rằng học sinh muốn phát triển năng lực cần phải được hành động thực tế. Ông nói:
“Về mặt rèn luyện để phát triển thật sự năng lực của các em thì đòi hỏi phải hành động trên thực tế. Tức là các không chỉ biết về mặt lý thuyết là làm như thế nào mà các em phải làm thật, và học qua thực hành, biết là biết làm như thế nào trên hành động thực qua đấy rút kinh nghiệm cho mình. Thì tôi nghĩ cần phải có các hoạt động thực hiện bài tập như vậy.”
Ngoài ra chỉ thị của ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gây khó cho giáo viên khi đặt ra vấn đề về kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp giáo viên để học sinh viết, vẽ vào sách. Cô giáo không muốn nêu tên ở Sài Gòn cho biết cảm thấy áp lực vì chỉ thị này:
“Cái này thì nói chung cũng hơi áp lực, tại vì bên tôi là cấp 1, các em cũng chưa ý thức được giữ sách sạch sẽ cho đến hết một năm học. Có những em con trai nó nghịch viết vẽ bậy vô sách. Thành ra nói xử phạt nghiêm thì tụi tôi cũng thấy bị áp lực.”
Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, chỉ thị không cho viết vào sách giáo khoa với lý do tránh lãng phí là không hợp lý. Theo ông, chỉ cần khi biên soạn sách nên điều chỉnh cho phù hợp, có những phần cung cấp kiến thức, có những phần hướng dẫn học sinh thực hành và có những phần tương tác riêng nằm ở trong sách.

No comments:

Post a Comment