Friday, April 6, 2018

Bạo lực học đường giữa thầy và trò

“…Làm thầy làm cô chỉ là một cái nghề chứ không phải là một đặc quyền đặc lợi. Nhưng làm cái nghề này phải có đạo đức và có lương tâm…”
hocsinh_vietnam
Từ Tết tới nay chưa đầy hai tháng mà đã có rất nhiều vụ liên quan đến bạo lực học đường giữa thầy và trò. Hai vụ liên tiếp phụ huynh bắt giáo viên quỳ do giáo viên phạt quỳ học sinh, một vụ học sinh đánh thầy giáo, rồi cô giáo ba tháng lên lớp không thèm mở miệng giảng bài, rồi cô giáo bắt học sinh uống nước ngâm giẻ lau bảng và gần đây nhất là học sinh đâm thầy giáo khi bị nhắc nhở về hình xăm. Những sự kiện liên tiếp nhau khiến cho những người quan tâm đến giáo dục không thể không thốt lên: "Đây là cái nền giáo dục kiểu gì?"
Nếu truy nguyên nguồn cội, tất cả những điều tồi tệ nói trên đều bắt nguồn từ những giáo viên không đủ tư cách nghề nghiệp và nhân cách làm người gây nên. Người Việt Nam tự hào về truyền thống "tôn sư trọng đạo" nhưng lại đặt quá cao vai trò của người thầy gần như thần thánh hóa vai trò này khiến cho những kẻ đi dạy nghiễm nhiên cho mình cái quyền coi học sinh không ra gì cả trong khi chính bản thân họ là những kẻ không ra gì: kiến thức chuyên môn yếu kém, nhân cách thấp hèn nhờ chạy chọt và quen biết để đi dạy và không hề có lương tâm của một người thầy. Được quyền sinh sát trong tay, họ coi học sinh mình như rác rưởi. Không, tôi không đổ lỗi cho nạn nhân mà tôi đang nói lên một sự thật: có quá nhiều những giáo viên không đủ tư cách và lương tâm làm thầy. Những gì họ nhận lãnh là chính do họ gây ra vì sự thiếu đạo đức của bản thân.
Hồi năm lớp 11, có lần tôi đã suýt chút nữa xông lên tát thẳng mặt một giáo viên vì giáo viên đó có những lời cực kì phi giáo dục đối với tôi. Tôi nhớ hôm đó tôi vừa nhận được bằng lái xe, tính còn bồng bột nên lấy ra khoe với bạn ngồi kế bên trong giờ học. Giáo viên đó đứng trên lớp dùng phấn chọi tôi và quát: "Thằng mập, ra khỏi lớp!" Nếu lần đó không kìm lại, chắc tôi đã bị đuổi học. Tất cả là vì trước đó một tháng, tôi đã chất vấn giáo viên này tại sao thi vào trường Kinh Tế lại phải thi luôn môn Lý Hóa là hai môn không liên quan. Giáo viên đó ác cảm với tôi và tìm cách hạ nhục tôi trước mặt cả lớp.
Trong suốt 10 năm đi dạy của tôi, tôi từng la mắng rất nhiều học sinh học hành không đàng hoàng nhưng chưa bao giờ tôi xúc phạm nhân cách của các bạn đó. Tôi chưa bao giờ đánh giá các bạn qua hình xăm, cách ăn mặc hay đầu tóc. Tôi cũng không bao giờ đặt biệt danh mang tính xúc phạm cho bất cứ bạn học sinh nào. Những lúc thực sự bực tức, tôi luôn chờ cho cơn giận của mình lắng xuống và nói chuyện với học sinh đó sau lớp học. Những bạn bị la nhiều nhất lại là những bạn sau này vẫn hay chúc sinh nhật hoặc 20-11 tôi nhất vì họ biết tôi không ghét họ và những gì tôi nói là đúng.
Tôi có rất nhiều học sinh thân thiết và cũng hay đùa với họ nhưng chưa bao giờ tôi đi quá giới hạn thầy trò cợt nhã, nhắn tin quấy rối hay gạ gẫm. Khi họ có vấn đề cần tâm sự, tôi sẵn sàng lắng nghe hoặc gặp trực tiếp tư vấn, nhưng tôi chưa bao giờ lợi dụng sự tin tưởng đó để làm điều gì trái đạo đức. Tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất, nếu giúp được tôi sẽ giúp.
Dì tôi dạy tiếng Anh cấp 2, nghỉ hưu gần 10 năm, trình độ chuyên môn không cao nhưng tới bây giờ vẫn còn người gửi gắm học sinh tới học chứ không thèm học cô đang dạy trong trường dù dì tôi cũng thuộc trường phái la mắng học trò. Nhưng dì tôi rất có tâm với nghề và rất thương yêu học trò chứ không phải coi học trò như giẻ rách.
Làm thầy làm cô chỉ là một cái nghề chứ không phải là một đặc quyền đặc lợi. Nhưng làm cái nghề này phải có đạo đức và có lương tâm. Nếu tiếp tục để cho những kẻ vô lương tâm vô đạo đức nghề nghiệp làm nghề giáo, nạn bạo lực học đường chỉ có ngày một phổ biến vì "thượng bất chính hạ tất loạn"
Viên Huynh

No comments:

Post a Comment