Thursday, December 21, 2017

Tổng bí thư chỉ đạo cuộc họp chính phủ, chỉ dấu cho sự hợp nhất đảng nhà nước?

Theo RFA-2017-12-21  
Chủ tịch Trần Đại Quang (trái) đứng đầu Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đứng đầu Đảng Cộng sản. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, tháng 1/2016.
Chủ tịch Trần Đại Quang (trái) đứng đầu Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đứng đầu Đảng Cộng sản. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, tháng 1/2016.  AFP
Việc ông Nguyễn Phú Trọng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chỉ đạo cuộc họp chính phủ vào cuối năm, có phải là chỉ dấu cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đang quyết tâm đi đến việc hợp nhất hai bộ phận đảng và nhà nước hay không?
Chúng tôi xin điểm lại những bình luận của nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước về vấn đề này trong khoảng thời gian hai năm vừa qua.
Sự việc chưa có tiền lệ
Vào ngày 14 tháng 12, báo chí Việt Nam loan tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tham gia dự họp và chỉ đạo một buổi họp của Chính phủ vào cuối năm. Ngay sau đó chúng tôi có liên lạc với hai nhà quan sát trong nước là ông Nguyễn Khắc Mai, và ông Trần Quốc Thuận để hỏi về vấn đề chưa có tiền lệ này.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của Ban dân vận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng đây là một sự công khai hóa, theo nguyên văn lời ông, “sự toàn trị trực tiếp của đảng đối với chính quyền.”
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam nói rằng mặc dù chưa có tiền lệ nhưng:
Các viên chức nhà nước vẫn có lợi thế hơn là bên đảng, bởi vì họ nắm những nguồn lực kinh tế rất là lớn.
-Tiến sĩ Vũ Tường.
Trong Hiến pháp qui định ông Chủ tịch nước được dự tất cả phiên họp của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội.  Tổng bí thư ở Việt Nam chưa là Chủ tịch nước nhưng Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp thì việc tham dự là không có vấn đề gì.
Như vậy với sự kiện Tổng bí thư đảng tham gia chỉ đạo chính phủ, một lần nữa câu hỏi về khả năng hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng có xảy ra hay không? Hay ở mức độ rộng hơn là khả năng hợp nhất bộ máy song trùng Đảng – Nhà nước?
Hợp nhất đảng và nhà nước hay không?
Các câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu ở Việt Nam, với lý do là hai bộ máy đảng và nhà nước hoạt động trùng lắp lên nhau, trong khi đó ở Việt Nam lại chỉ có duy nhất một đảng chính trị, là Đảng Cộng sản được hoạt động mà thôi.
Vào tháng Chín, năm 2016, trên tờ Tạp chí cộng sản có đăng tải bài viết của ông Nhị Lê bàn về việc hợp nhất hai bộ máy đảng và nhà nước mà ông gọi là hệ thống nhất nguyên. Ông Nhị Lê cho rằng phải sát nhập các bộ máy của đảng và nhà nước hiện đang làm chung một việc. Lúc đó, Luật sư Lê Công Định hiện sống ở Sài Gòn, nhận xét với chúng tôi như sau:
“Thì tôi hoàn toàn thấy là cần thiết vì nếu không chúng ta sẽ tốn rất nhiều nguồn lực để tài trợ cho hai hệ thống làm cùng một chuyện là quản lý. Tôi nghĩ cái họ đề cập về cải tổ chính trị trong bài phỏng vấn ông Nhị Lê là một hình thức xóa dần vai trò của của đảng cộng sản và nhập vào vai trò của nhà nước, mà tôi cho là hợp lý.”
Sang đến tháng Sáu năm 2017, lại thấy xuất hiện bài viết của một cựu quan chức nhà nước là ông Nguyễn Sĩ Dũng, nói về sự cần thiết của việc hợp nhất hai bộ máy đảng và nhà nước mà ông gọi là nhất thể hóa, trong đó trọng tâm là hợp nhất hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng.
Lúc đó, bình luận với đài RFA từ Singapore, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng việc nhất thể hóa này đã được nghiên cứu lâu rồi nhưng chưa thực hiện được, và một trở ngại lớn cho việc này là những nhà lãnh đạo Việt Nam sợ rằng khi hợp nhất như vậy quyền lực sẽ tập trung quá lớn vào tay một người.
Vào tháng Năm năm nay, sau Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản lần thứ Năm, người ta lại nói rằng có thể ở Hội nghị trung ương lần thứ Sáu, việc nhất thể hóa sẽ được mang ra để bàn luận.
Tiến sĩ Vũ Tường, dạy khoa chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, đánh giá khả năng đó với chúng tôi như sau:
“Tôi nghĩ việc nhất thể hóa và việc nên làm nhưng mà họ không thể làm được là bởi vì sự yếu kém của các nhân vật lãnh đạo, cũng như là sự phân chia quyền lực, sự tản quyền rất là lớn trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Cho nên họ sẽ lúng túng mà không thể áp dụng được ở mức cao nhất, có thể áp dụng ở mức độ cao nhất là bí thư tỉnh ủy chứ không thể cao hơn.”
Việc áp dụng ngoài thực tế mô hình nhất thể hóa hiện nay vẫn chưa được thực hiện rộng rải ở bất cứ cấp độ nào ở Việt Nam, ngoại trừ một nơi là tỉnh Quảng Ninh, được thí nghiệm mô hình này ở cấp xã và được cho là thành công. Theo một số nhà quan sát, trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, cho rằng nhờ thành công này mà ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã được thăng tiến lên làm ủy viên bộ chính trị trong kỳ đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
Nói về sự khác biệt khó có thể dung hòa giữa các viên chức nhà nước và các viên chức chỉ làm công tác đảng, Tiến sĩ Vũ Tường cho chúng tôi biết:
Các viên chức nhà nước vẫn có lợi thế hơn là bên đảng, bởi vì họ nắm những nguồn lực kinh tế rất là lớn, luôn luôn họ có thế mạnh, nếu họ tiếp tục biết tận dụng thì sẽ vẫn mạnh hơn là bên đảng.”
Nhận xét này của ông Vũ Tường, cũng được ông Phạm Chí Dũng đồng ý, và trước Hội nghị trung ương đảng lần thứ Sáu, diễn ra vào đầu tháng 10, năm 2017, ông Dũng nói với chúng tôi rằng khả năng nhất thể hóa khó có khả năng xảy ra, vì lý do là những viên chức bên phía nhà nước sẽ phản kháng.
Bây giờ kể cả Đảng, cũng như Nhà nước đều tan hoang, đều phân hóa, thì phải có một người, có ông Trọng, để đi đến một quyết định.
-Ông Nguyễn Gia Kiểng.
Kết thúc Hội nghị trung ương đảng lần thứ Sáu, một loạt sự kiện diễn ra cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực rất mạnh về tay mình.
Bắt đầu là sự kiện ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên bộ chính trị bị bắt giam để điều tra, mà ông Thăng được xem là một nhân vật thuộc chính phủ cũ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là đối thủ chính trị đã mất hết quyền lực của ông Trọng.
Sau đó là tin cho biết ông Trọng sẽ tham gia chỉ đạo cuộc họp chính phủ vào ngày 28 tháng 12, một việc chưa có tiền lệ.
Đánh giá sự đi lên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai năm qua, ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà quan sát sống tại Pháp cho biết:
Đảng Cộng sản Việt Nam cần có một người, để khi mà không có ai quyết định được, không đồng ý, thì cái người đó có quyền lấy quyết định, chứ nếu không thì Đảng sẽ bế tắc hoàn toàn. Thành ra bây giờ kể cả Đảng, cũng như Nhà nước đều tan hoang, đều phân hóa, thì phải có một người, có ông Trọng đi đến một quyết định.”
Đánh giá của ông Kiểng khá tương đồng với nhận xét của Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Hawaii, ông viết cho chúng tôi trong một tin nhắn rằng hiện nay không có nhân vật đương chức nào của bộ máy đảng và chính phủ Việt Nam có thể đảm trách công việc điều hành đất nước, nên ông Trọng phải đứng ra cáng đáng.
Khi chúng tôi hỏi rằng liệu khả năng nhất thể hóa có xảy ra sau này hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng nó phải xảy ra vì nhiều lý do mà một trong những lý do quan trọng là các viên chức đảng thuần túy cảm thấy bị thua thiệt vì không đảm trách các vị trí có nhiều bỗng lộc trong chính quyền.
Ông Kiểng phân tích thêm rằng mô hình song trùng đảng và nhà nước đã giúp cho nhiều nhà nước cộng sản tồn tại lâu dài vì mọi lỗi lầm sẽ được đổ cho các giới chức chính quyền, còn đảng, theo nguyên văn lời ông Kiểng, là không bao giờ có lỗi. Tuy nhiên nếu như hai bộ phận này được hợp nhất với nhau, ông Kiểng nói tiếp, “thì đảng sẽ phải chịu mọi trách nhiệm một cách chính thức.”
Chúng tôi đặt câu hỏi với Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát về Việt Nam đang làm việc tại Singapore, rằng liệu việc ông Trọng chỉ đạo cuộc họp chính phủ vào cuối năm có phải là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang đi đến thực hiện nhất thể hóa đảng và nhà nước không, ông trả lời rằng có thể sẽ không xảy ra khả năng hợp nhất, nhưng sẽ có việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lên các cơ quan nhà nước.

No comments:

Post a Comment