Monday, November 27, 2023

Vỗ cho béo rồi thịt

 TS Phạm Đình Bá   

(VNTB) – Nuôi lợn và giết lợn là một chính sách của đảng.   

Trong bối cảnh dân lo về vụ tham nhũng Vạn Thịnh Phát, bài nầy coi về quan hệ giữa giai cấp quyền lực đỏ và người làm ăn buôn bán bên nhà. “Trọng” ở đây là biểu tượng của “đảng / nhà nước” – như con đỉa lắm đầu mà đảng gài đặt đảng viên vào khống chế và hút máu nhà nước từ trung ương đến các tỉnh thành, huyện và thôn làng để duy trì quyền lực của đảng.  

Giai cấp quyền lực ở đây chỉ đến thiểu số trong độc tài độc đảng toàn trị có sức sinh sát trên toàn dân – không phải ai là đảng viên thì có quyền nhưng không ai ở vị trí quyền lực mà không là đảng viên.  

Doanh nhân ở đây là người làm ăn buôn bán mà phải chi hối lộ từng ngày cho bảo kê của giai cấp quyền lực và đặc biệt là một số người làm ăn buôn bán có quan hệ móc nối với giới quyền lực. Đặc biệt trong số nầy là những hạt giống đỏ trở thành doanh nhân như trường hợp những người trong gia đình các ông cựu thủ tướng. Trong định hướng như thế, thị trường là sân chơi của gia đình tùy tùng giới quyền lực. 

Nhìn ra thì các vụ tham nhũng lớn như Vạn Thịnh Phát, Việt Á và chuyến bay giải cứu làm rầm rộ dư luận một thời về quan hệ giữa đảng viên / cán bộ và doanh nhân có móc nối. Nhớ lại nữa các quan hệ tương tự trong các vụ tham nhũng lớn đã qua như vụ Vũ Nhôm và Út Trọc. Có phải chăng tham nhũng to lớn như thế lại xảy ra hoài hoài trên thị trường định hướng của Trọng? 

Trong định hướng của Trọng về tham nhũng, thiểu số cán bộ không đủ đạo đức làm hỏng công việc chung và vì vậy cần phải đốt lò liên tục hơn thập niên để làm trong sáng đảng / nhà nước. Trong đời sống tay làm hàm nhai và bắt bớ tù đày nếu có suy nghĩ trái chiều, ít có ai dám nghĩ sâu và đặt các câu hỏi cốt lõi về cách làm của Trọng. Có vài câu hỏi cốt lõi về tham nhũng, đại khái là như thế nầy.  

1) Có cái gì trật trong định hướng của Trọng?  

2) Có phải những cái trật ấy là do thiếu đạo đức đỏ như Trọng rao giảng, HAY là Trọng cố ý cố tình và hệ thống hóa cách dung dưỡng tham nhũng để có củi đốt lò và duy trì quyền lực trong cơ chế của Trọng?  

Để cho dễ hiểu, bài nầy không chú trọng đến từng vụ tham nhũng to mà nhìn một cách hệ thống xuyên qua những vụ tham nhũng to cũng như nhỏ. Bài nầy chú ý đến quan hệ giữa giai cấp quyền lực và doanh nhân trong định hướng của Trọng. 

 Cụ thể bài nầy dùng các nghiên cứu gần đây để đề xuất một mô hình kinh doanh để làm rõ những cách Trọng hệ thống hóa việc dung dưỡng tham nhũng để duy trì quyền lực của giai cấp quyền lực đỏ.[1-3]

Mô hình nầy bẻ cái quan hệ giữa giai cấp quyền lực đỏ và doanh nhân có móc nối với quyền lực thành hai giai đoạn – giai đoạn 1 tạm gọi là “nuôi lợn” và giai đoạn 2 là “giết lợn”. 

Trong giai đoạn “nuôi lợn”, hai bên liên kết với nhau để xây dựng doanh nghiệp. Đảng viên / cán bộ lèo lái ăn cắp của công để chuyển tiền, vật liệu, đất đai, cơ sở bất động sản, nhân lực, chính sách và nghị định cùng nhiều lợi thế khác để xây dựng doanh nghiệp mà doanh nhân đứng tên và quyền lực núp tên.  Giai đoạn nầy quyền lợi hai bên là có đồng thuận cao vì nỗ lực của cả hai bên đều quy vào việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, tạo dựng những mặt hàng hay dịch vụ có nhiều người muốn mua. Giai đoạn nầy dễ thấy lắm. 

Những lãnh vực kinh doanh béo bở là nơi quyền lực và móc nối “nuôi lợn” rất quan tâm, bao gồm ngân hàng, quản lý tài chính, bất động sản, công nghệ xuất khẩu và tiêu dùng, y tế, công nghiệp vận chuyển như máy bay và xe buýt liên tỉnh, khách sạn, giáo dục, buôn người lao động ra nước ngoài, đánh bạc trên mạng và nhiều lãnh vực khác.  

Hiện tượng gì có thể quan sát được trong giai đoạn “nuôi lợn”? Các công ty trong giai đoạn “nuôi lợn” thường xuất hiện bất ngờ, tăng trưởng kinh doanh rất nhanh (so với những kinh doanh không có móc nối), chất lượng sản xuất chỉ rầm rộ ban đầu nhưng khó duy trì theo thời gian.  

Tuy phát triển nhanh, những mầm mống bất ổn cũng hình thành dần dần trong giai đoạn “nuôi lợn”. Các doanh nghiệp như thế thường không có khả năng phục hồi khi đối mặt với thay đổi trong thị trường. Với thành công mang đến cạnh tranh với các nhóm lợi ích khác trong giai cấp quyền lực. Sự sống còn của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nơi móc nối với đảng viên / cán bộ quyền lực mà nhân sự thì lại thay đổi theo thời gian. Tài sản bất chính thường dẫn đến cãi vã xung đột giữa những tên trộm cướp. Những bất ổn không tránh khỏi nầy dần dần dẫn đến giai đoạn “giết lợn”. 

   Trong giai đoạn “giết lợn”, hai bên dần đi đến đổ vỡ trong liên kết giữa đảng viên / cán bộ móc nối với doanh nhân, cả hai bên tranh chấp để nắm sở hữu của doanh nghiệp.  

Doanh nhân biết rằng luật lệ không thể giúp họ giữ mãi sở hữu của doanh nghiệp. Mặt khác, chỉ móc nối với một nguồn quyền lực cũng lại là nguy hiểm. Doanh nhân bởi vậy thường có xu hướng đa dạng hóa mối liên kết của họ với quyền lực. Doanh nhân bởi vậy có xu hướng đa dạng hóa doanh nghiệp. Các thao tác nầy của doanh nhân thường ảnh hưởng đến chất lượng của doanh nghiệp, thiếu tập trung để làm tốt sản phẩm, doanh nghiệp thường khó duy trì nhất là trước các biến đổi trong thương trường. 

Trong giai đoạn “giết lợn”, đảng viên / cán bộ móc nối với doanh nghiệp dùng quyền lực được trao vào vị trí quyền lực của họ để lấn lướt doanh nhân trong sở hữu và lợi nhuận từ doanh nghiệp. Đảng viên / cán bộ thường dùng chính sách hay nghị định, thay đổi chính sách hay nghị định để lấn lướt hoặc bảo vệ doanh nhân hoặc trừng phạt doanh nhân trong xung đột quyền kiểm soát tài sản lợi nhuận từ doanh nghiệp. 

Hiện tượng gì có thể quan sát được trong giai đoạn “giết lợn”? Chính sách nghị quyết nghị định thay đổi đột ngột thường xuyên khiến dân phải chóng mặt vì dân không biết tại sao cứ thay đổi xoành xoạch như thế. Những vụ tham nhũng nổ ra, lại đốt lò lửa cháy ngút ngàn làm dân hoang mang. Dân bị hại vì doanh nghiệp đổ vỡ. Cả hai bên trong quan hệ “giết lợn” thường tẩu tán tài sản, tiền bạc và gia đình tùy tùng ra nước ngoài, từ từ ban đầu rồi tháo chạy lúc cận cùng.  

Giở chăn lên mới biết là trống rỗng trong ngân quỹ và tài sản của doanh nghiệp. Một số đảng viên / cán bộ lại bị Trọng đốt lò. 

 Màn kịch nầy diễn đi diễn lại theo thời gian, liên miên bất tận. Doanh nghiệp có móc nối nầy đến doanh nghiệp có móc nối khác. Đất nước có khi phát triển rất nhanh rồi chựng lại một thời gian. Làm tiền, làm tiền và làm tiền lại kết nối, đất nước cứ lúc lên lúc xuống khiến dân phải chóng mặt.  

Nét hằn bởi lối sống và làm việc theo mô hình “nuôi lợn, giết lợn” là rất rõ nét trên khuôn mặt nhiều người, cả người có quyền lực cũng như doanh nhân làm ăn trong định hướng của Trọng. 

Từ quan điểm và định hướng của Trọng, Trọng dùng một phần mô hình “nuôi lợn” để duy trì khả năng kiểm soát nguồn tài nguyên vốn liếng để duy trì quyền lực và có thể ngang nhiên tuyên bố là định hướng dẫn đến phát triển kinh tế. Trọng dùng một phần môi hình “nuôi lợn” để thu nhập đảng viên và giúp đảng viên làm tiền, làm tiền, làm tiền. Trọng dùng một phần mô hình “giết lợn” để duy trì quyền lực vì trung ương có quyền sinh sát trong lựa chọn “củi” để đốt lò tham nhũng.  

Các vụ tham nhũng to nhỏ không phải là một vài đảng viên tha hóa làm hỏng việc của đảng. Nuôi lợn và giết lợn là một chính sách của đảng. Đó là luật bất thành văn của đảng mà đã là đảng viên / cán bộ hoạt động trong đảng thì dần dần họ học được những luyện tập và thực tế nầy. 

Trong sự chịu đựng của dân, mô hình nầy là mối đe dọa đến đời sống của hàng hàng thế hệ con người. Đây là thảm họa. Đây là ung thư mãn tính, đây là ung thư dần dần dẫn đến tử vong của cả một dân tộc.  

Cần khử đi những suy nghĩ là về lâu về dài việc “đốt lò” của Trọng dẫn đến đời sống dễ thở cho mọi người. Không phải như thế! 

Hiểu rõ mức độ độc hại trong định hướng của Trọng là bước đầu trong phản biện và loay hoay để tìm cách đập đỗ đi định hướng nầy trong tương lai.

 ________________

 Nguồn: 1. Rithmire M. Precarious Ties: Business and the State in Authoritarian Asia. Oxford University Press; 2023. 2. Fforde, A., The Emerging Core Characteristics of Vietnam’s Political Economy. Institutions & Transition Economics: Political Economy eJournal, 2017. 3. Morris-Jung, J., Reflections on governable spaces of activism and expertise in Vietnam. Critical Asian Studies, 2017. 49: p. 441 – 443.


https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-vo-cho-beo-roi-thit/ .

No comments:

Post a Comment