Monday, November 27, 2023

Rất nhiều cách giả hiệu dân chủ

 Ngô Nhân Dụng/28/11/2023

Bỏ phiếu ở Nam Phi. Hình minh hoạ.Bỏ phiếu ở Nam Phi. Hình minh hoạ.

Nhưng xét đến cùng thì nghệ thuật gian lận bầu cử ở Bangladesh, Rwanda và Zimbabwe vẫn còn thua xa nhiều nước khác. Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn không cần phải gian lận trước hay trong khi dân bỏ phiếu, như Zimbabwe và Rwanda...

Năm tới nước Mỹ sẽ bầu tổng thống; chắc hai ông Donald Trump và Joe Biden sẽ đấu với nhau lần nữa. Các dân biểu Hạ viện và một phần ba các nghị sĩ cũng sẽ được bầu lại. Dân nước Anh sang năm cũng đi bầu Viện Dân Biểu. Đảng Bảo Thủ và Thủ tướng Rishi Sunak đang lo sẽ phải nhường ghế cho Sir Keir Starmer, đảng Lao Động. Dù ai đắc cử thì sau đó cũng có người bất mãn, “làu bàu.” Nhưng dân Mỹ, dân Anh biết rằng lá phiếu của họ có thể quyết định ai lên cầm quyền. Dân những nước như như Uganda, Bắc Hàn, Eritria, Trung Quốc, Rwanda, Việt Nam, Cộng Hòa Trung Phi, chắc cũng ước ao có quyền chọn lựa như thế.

Được bỏ phiếu không có nghĩa là thực sự được tự do tuyển chọn. Bản hiến pháp nào cũng có thể viết “chủ quyền thuộc về toàn dân” nhưng thế giới đầy những chế độ dân chủ giả hiệu. Các thủ lãnh sẵn máu độc tài có nhiều cách lũng đoạn, lúc nào mình cũng thắng.

Trong năm 2024, hơn 70 quốc gia, một nửa dân số trên thế giới, sẽ tổ chức bầu cử. Trong ba nước đông dân nhất ở miền Nam Á châu, hai nước có thể coi là dân chủ thật nhưng vẫn bị nghi ngờ.

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi hy vọng vẫn được dân tín nhiệm lần nữa vào tháng Tư năm tới. Nhưng trong năm 2023, lãnh tụ đối lập Rahul Gandhi suýt nữa bị bỏ tù và bị cấm không cho ứng cử. Ông Gandhi bị một chính trị gia địa phương thưa kiện về tội phỉ báng, vì năm 2019 ông đã nói trước công chúng rằng có quá nhiều tên trộm cắp mang họ Modi! Tháng Ba năm nay tòa đem xử, kết án Gandhi 2 năm tù và mất quyền làm dân biểu. Ông kháng cáo, lên các tòa phúc thẩm, cho tới tòa tối cao của tiểu bang, không kết quả. Đến tháng Tám, Tối cao Pháp viện Ấn Độ, dù chưa phán quyết, đã bác bỏ bản án của tòa dưới. Gandhi giữ được quyền tranh cử trong năm tới. Ông Narendra Modi chắc sẽ thắng, vì các chính sách kinh tế đã giúp Ấn Độ phát triển mạnh và ông đưa Ấn Độ lên hàng một quốc gia quan trọng, được thế giới nể trọng. Ít nhất, ông không bị mang tiếng đã loại một đối thủ vốn là con và cháu ngoại của hai vị thủ tướng nổi tiếng.

Indonesia, quốc gia dân chủ đông dân hàng thứ ba sau Ấn Độ và Mỹ, 277 triệu, sẽ bầu tổng thống và quốc hội vào tháng Hai. Kinh tế phát triển mạnh trong tám năm qua, nhưng Tổng thống Joko Widodo không thể tranh cử vì hiến pháp giới hạn chỉ được làm hai nhiệm kỳ. Ông ủng hộ Tướng Prabowo Subianto, trước đây từng giành chức tổng thống với ông, thất bại, rồi được ông mời làm bộ trưởng quốc phòng. Câu chuyện này thực đặc biệt, chỉ thấy ở một xứ dân chúng hiền hòa. Nhưng người ta vẫn phê bình rằng, từ Widodo chuyển qua Subianto, quyền hành trong nước nằm trong tay một “giới thượng lưu” chia nhau nắm giữ!

Bangladesh, 170 triệu dân, sẽ bỏ phiếu sớm ngay trong tháng Giêng, nhưng mọi người đã nghi ngờ cuộc tranh cử không công bằng, không trong sạch. Bà Thủ tướng Sheikh Hasina, cầm quyền từ năm 2009, đã dùng nhiều thủ đoạn để đè bẹp các phe đảng khác. Lãnh tụ đối lập quan trọng nhất, bà Khaleda Zia từng làm thủ tướng nhiều lần, lần đầu vào năm 1991, lần chót năm 2001, cũng từng bị đảo chính, hiện nay được dưỡng bệnh trong khi đang bị tù vì tội tham nhũng. Mặc dù có một bản hiến pháp bảo đảm quyền dân được bỏ phiếu bầu quốc hội, đủ mọi điều tốt đẹp, nhưng Bangladesh không thể coi là một nước dân chủ. Đảng cầm quyền đã đàn áp các cuộc biểu tình, bắt giữ các thủ lãnh đối lập, sử dụng côn đồ tấn công trụ sở các tổ chức đòi tự do dân chủ.

Sang năm, ở châu Phi nhiều cuộc bầu cử nhất, nhưng cũng bị nghi ngờ nhất. Dân Rwanda sẽ đi bầu. Ai cũng đoán trước Tổng thống Paul Kagame sẽ được tái cử, chỉ không biết ông sẽ chiếm được nhiều hơn hay ít hơn tỷ số 99% phiếu bầu như lần trước.

Ở Âu châu, Dân Belarus sẽ đi bỏ phiếu vào tháng Hai, nhưng Tổng thống Alexander Lukashenko chắc chắn vẫn ngồi lại địa vị ông chiếm được từ năm 1994. Trong kỳ bầu cử 2020, người có thể là ứng cử viên tổng thống đối lập mạnh, Sergey Tikhanovsky, đã bị bỏ tù với những tội bịa đặt. Bà vợ ông, Svetlana Tikhanovskaya ra ứng cử thay chồng, được dân ủng hộ, nhưng Lukashenko vẫn “thắng” lớn. Bà Tikhanovskaya bị bắt rồi bị ép phải ra khỏi nước, qua tị nạn tại Lithuania. Bà yêu cầu phải được công an mật vụ KGB hộ tống ra tận biên giới, đi trong chiếc xe của người bạn cùng bị trục xuất, để khỏi lo bị “tai nạn” trên đường đi!

Người bảo trợ cho Lukashenko là Vladimir Putin cầm quyền ở Nga từ năm 1999 với chức vụ thủ tướng, rồi làm quyền tổng thống thay Boris Yeltsin. Năm 2000, Putin ứng cử lên làm tổng thống, tái cử năm 2004. Hiến pháp không cho tranh cử nữa, Putin nhường cho đệ tử Dmitry Medvedev, xuống làm thủ tướng. Đến năm 2012, Putin lại ứng cử tổng thống lần thứ ba, trả lại chức thủ tướng cho Medvedev, coi giống như đèn cù. Chưa đủ, Putin cho sửa lại hiến pháp để được tái tranh cử năm 2018, đồng thời kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống lên sáu năm. Sang năm ông sẽ ra tranh cử nữa và chắc chắn sẽ thắng vì nhà đối lập Alexey Navalny đã bị bỏ tù 30 năm, về những tội bịa đặt.

Không phải chế độ dân chủ giả hiệu nào cũng trâng tráo như ở Bangladesh, Rwanda, Nga hay Belarus.

Ở Zimbabwe, châu Phi, trong cuộc bầu cử vào tháng Tám năm nay Tổng thống Emmerson Mnangagwa dùng những thủ đoạn tế nhị hơn. Ông sai quốc hội làm luật hạn chế số chi tiêu khi vận động tranh cử, tăng tiền lệ phí ghi tên tranh cử lên gấp 20 lần, khiến những ứng cử viên đối lập bị cạn tiền. Trong khi đó ông tổng thống cưỡi trực thăng bay khắp nơi, bên ngoài là đi làm việc nước, nhưng thực tế là vận động tranh cử. Chưa đủ, trong ngày bầu cử nhiều phòng phiếu mở cửa trễ 10 tiếng đồng hồ! Nhiều phòng không được cung cấp đủ số lá phiếu để bầu, dân đứng chờ mãi đành ra về. Đó lại là những vùng phe đối lập được dân ủng hộ! Các thủ đoạn đó bảo đảm kết quả, ông Mnangagwa tiếp tục làm tổng thống và đảng ông vẫn nắm quốc hội!

Hiện nhiều người Mỹ vẫn nói rằng kết quả cuộc bầu cử năm 2020 hoàn toàn do gian lận. Những trò gian lận được nêu ra là: Nhiều người đã chết vẫn thấy có phiếu bầu; bỏ phiếu giả qua bưu điện dễ dàng; và nhét thêm phiếu giả vào thùng phiếu trong giờ phút chót. Đó là những thủ đoạn gian lận thô sơ và cổ lỗ nhất. Nếu những điều trên là sự thật thì phải nói nước Mỹ còn quá “chậm tiến” trong nghệ thuật gian lận bầu cử. Có thể xếp ngang hàng với Rwanda. Phải thấy hổ thẹn so với Zimbabwe vì họ biết dùng những phương cách tinh tế hơn nhiều.

Các tòa án ở Mỹ đã bác bỏ những vụ kiện về gian lận, dân Mỹ đỡ mang tiếng mình còn thua hai nước chậm tiến! Họa chăng, người Mỹ chỉ có thể tự hào khi bị tố giác là gian lận bầu cử bằng máy vi tính – một phương pháp gian lận “cao cấp! Dân Rwanda và Zimbabwe nghèo quá, đâu có tiền mua computer để bỏ phiếu! Cuối cùng, công ty cung cấp máy đã thưa kiện và đài Fox News, chịu bồi thường $800 triệu đô la, chấp nhận họ loan tin sai lầm khi nói máy vi tính gian lận.

Nhưng xét đến cùng thì nghệ thuật gian lận bầu cử ở Bangladesh, Rwanda và Zimbabwe vẫn còn thua xa nhiều nước khác. Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn không cần phải gian lận trước hay trong khi dân bỏ phiếu, như Zimbabwe và Rwanda. Họ chỉ cần đặt ra một điều luật: Ai muốn ứng cử phải được Đảng chấp thuận trước, sẽ được các tổ chức bù nhìn đề cử! “Đảng cử, dân bầu” là thủ đoạn gian lận tuyệt đối, kết quả chắc chắn nhất!

No comments:

Post a Comment