Nhóm cựu chiến binh
20-7-2017
Tình hình liên quan đến nhà máy thép Formosa Vũng Áng gần đây vẫn không giảm bớt căng thẳng và phức tạp, tuy thảm họa do Formosa gây ra đã hơn một năm và nhà máy đã được phép chính thức đi vào hoạt động. Vẫn liên tục có những cuộc tập họp của những người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đòi giải quyết những quyền lợi chính đáng. của họ. Bên cạnh đó, cũng đã có những cuộc biểu tình do chính quyền địa phương tổ chức cùng những cuộc đấu tố, phá phách của một số lực lượng không rõ tông tích, thể hiện ý đồ răn đe, đàn áp giáo dân, linh mục mà chính quyền, công an không xử lý.
Là những cán bộ, quân nhân lâu năm, đã từng tham gia nhiều công việc lớn nhỏ của đất nước trong thời gian dài (chí ít là từ những năm 40 của thế kỷ trước), trước tình hình đó, chúng tôi không thể không suy nghĩ, thấy cần phải phát biểu chính kiến.
Từ hơn một năm trước, vào ngày 01-7- 2016, khi vừa công bố đích danh thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung và nhận tiền đền bù 500 triệu USD từ Formosa, thì chính phủ đã thể hiện, không coi những người dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế là nạn nhân, đối tượng chính của việc đền bù. Tuy số tiền 500 triệu cũng đã là “rất nhỏ vì mới tính được thiệt hại sơ bộ về kinh tế của người dân” như lời nhận xét của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Vậy mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo, tiền đó “phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Đồng thời, tính toán một phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố”.
Đã vậy, hơn một năm qua,việc đền bù, hay như Thủ tướng chỉ coi là “hỗ trợ”, lại chỉ được tiến hành hết sức chậm chạp và nhỏ giọt. Hơn nữa, cũng đã hơn một năm qua, chưa hề thấy một động tác nào của “Quỹ hỗ trợ môi trường” đã làm để khôi phục biển bị xâm hại như lời Thủ tướng nói.
Một tin mới gần đây cho biết: ngư dân xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn đã buộc lòng phải cùng nhau xuống đường đòi hỏi phải minh bạch việc đền bù, vì dân trong xã đã nộp 2000 hồ sơ kê khai thiệt hại, nhưng đến ngày 03-7- 2017, “trên” mới giải quyết cho 4 hồ sơ, còn 1996 gia đình có hồ sơ chưa hề được xem xét và thông tin gì.
Ngư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng là nạn nhân của thảm họa môi trường biển không kém gì tất cả ngư dân từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, nhưng lại bị bỏ ra ngoài danh sách, không được đền bù gì cả.
Một năm qua, nhân dân 4 tỉnh ven biển miền Trung đã chịu biết bao thiệt thòi, khổ cực, khó khăn chỉ vì việc giải quyết đền bù chậm trễ và không thỏa đáng (kể cả đối với ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản và các bộ phận dân phụ thuộc biển như làm nước mắm, muối, thu mua phân phối hải sản, làm du lịch ven biển…). Thử hỏi, người dân đâu phải là thánh thần mà có thể chịu đựng mãi, có ai lại không bức xúc? Bởi vậy, tất nhiên người dân phải cùng nhau đi khiếu kiện, đi yêu cầu đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Một điều đáng mừng là, những hành động của nhân dân đã được tổ chức dẫn dắt để luôn giữ được trật tự ôn hòa, nhất là trước sự phá đám, đàn áp, đe dọa, khiêu khích vô lý của các lực lượng cả phía chính quyền và một số lực lượng gọi là “quần chúng tự phát”. Chúng tôi đồng tình thông cảm với nhân dân, và cả các linh mục thuộc giáo phận Vinh đã giúp giữ được sự ôn hòa trật tự cần thiết.
Dưới con mắt của cựu chiến binh đã nhiều năm tham gia lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chúng tôi thực sự lo lắng, bất bình trước những động thái tỏ rõ sự thiên vị đối với sự tồn tại của Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ở vị trí đó, nó thực sự là “một vết chém thấu tim dân tộc”. Chúng tôi cho rằng: hiện nay, ngoài việc phải tiến hành đền bù một cách nhanh chóng và thỏa đáng hơn, khắc phục ngay tình trạng quá chậm trễ và nhỏ giọt; thì việc trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam vẫn luôn là việc trọng tâm, cấp thiết nhất để cứu lấy sự sống còn của đất nước, dân tộc.
Được biết, gần đây, qua báo Tuổi Trẻ, ông Phó chủ tịch Ủy Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã bình luận: “Formosa để lại bài học đau xót về nhân tai”. Ông ấy còn nói: “tôi muốn đặt một câu hỏi trước tiên rằng, giải quyết như vậy đã triệt để chưa? Theo tôi là vẫn chưa triệt để. Bởi việc xử lý mới dừng lại ở cấp Bộ đối với cá nhân… Và ở cấp tỉnh là ông Võ Kim Cự”.
Đồng tình với ý kiến của ông Phó chủ tịch, chúng tôi thấy đây là một siêu dự án, giá trị nhiều tỷ USD, nhiều vấn đề phải được quyết định ở cấp chính phủ. Vậy Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2015 có trách nhiệm gì? Trách nhiệm đến mức nào? Có đáng phải xử lý không?
Cũng vấn đề này, trong chúng tôi đã có người viết bài cho báo Tuổi Trẻ đề cập rõ trách nhiệm người đứng đầu: đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Nhất là Hoàng Trung Hải khi đó đặc trách về kinh tế. Tại sao đến nay vẫn chưa được đưa ra xem xét, kiểm điểm?
Một điều cần phải nói đến là: xem trên các phương tiện tuyên truyền chính thống, chúng tôi được biết: đã có các cựu chiến binh ở Nghệ An tham gia biểu tình đấu tố các linh mục, gây chia rẽ lương giáo. Lý do chính để gây ra các phản ứng có vẻ rầm rộ như vậy là vì đã có vị linh mục phát biểu với giáo dân một cách nhìn, cách nghĩ khác biệt về ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Là những người đã từng tham gia làm nên ngày 30-4 đó, nghe những ý kiến khác biệt như vậy, ngay lập tức chúng tôi cũng cảm thấy xót xa, tiếc cho công sức và xương máu của mình đã bỏ ra. Nhưng bình tĩnh nghĩ lại thì thấy đó mới là những phát ngôn thể hiện thái độ và quan điểm, vì vậy nhận xét đúng sai ra sao nên dựa trên sự đối thoại để làm rõ, cũng chưa có gì đáng phải phản ứng quá gay gắt đến như vậy. Chúng ta có thể thuyết phục lẫn nhau để nhận định toàn diện và sâu sắc hơn về một sự kiện lịch sử đã có đủ thời gian lùi xa cần thiết để đánh giá. Là người một nước, chung tiếng nói, sao không thể đối thoại? Sao phải vội dùng gậy gộc, thậm chí súng đạn (dưới danh nghĩa diễn tập, cả danh nghĩa côn đồ) để đe dọa, phá phách, đấu tố người khác chính kiến? Hành xử như thế trái với cả luật pháp hiện hành, nó khiến người ta liên tưởng đến kiểu đấu tố thời cách mạng còn ấu trĩ, kiểu cải cách ruộng đất năm sáu chục năm về trước. Còn nhớ các cuộc đấu tố đó đã khiến hàng vạn người chết oan chết uổng, đã khiến người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó phải đau xót rơi nước mắt.
Chẳng lẽ các cựu chiến binh, phụ nữ, và các trẻ em được huy động đi biểu tình ở đó lại hoàn toàn không có người thân nào phải chịu ảnh hưởng của thảm họa Formosa? Chẳng lẽ không mảy may biết gì về sự nguy hiểm đối với đất nước ta khi Formosa đứng chân ở Vũng Áng? Tại sao cả một năm qua, thế giới người ta đã biết rất nhiều về thảm họa Formosa mà chính ta là người Việt Nam lại không nghe, không biết, không tìm hiểu gì về thảm họa ngay dưới chân mình? Sao lại nỡ thờ ơ với quê hương Tổ quốc mình đến thế?
Nhóm Cựu chiến binh, lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Nội
© Tiếng Dân
No comments:
Post a Comment