Thursday, July 20, 2017

Phê duyệt nhanh để… né luật

Hải Lê - Trúc Giang -20-07-2017
(VNTB) Bất chấp rất nhiều phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành, phía lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vẫn nhanh chóng cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (sau đây gọi là Điện lực Vĩnh Tân 1) nhận chìm khoảng 1 triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi xuống vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6-10/2017.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau đang kêu cứu.
Trước đó, trong hồ sơ mà Điện lực Vĩnh Tân 1 trình cơ quan chức năng, khối lượng xin được nhận chìm lên tới “1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét”.

Trung Quốc đầu tư, khai thác và Trung Quốc xin nhận chìm

Ngày 23/6/2017, Bộ TNMT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

Khu vực biển được cấp phép đổ bùn nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của ba loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Đồng thời còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.

Điện lực Vĩnh Tân 1 được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn. 5% còn lại do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đối ứng. Phía doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khai thác trong vòng 25 năm, trước khi chuyển giao cho phía Việt Nam.

Hồ sơ xin phép “nhận chìm vật liệu nạo vét” của Điện lực Vĩnh Tân 1 do một công ty tư vấn Trung Quốc thực hiện. Theo nhiều nhà hải dương học có dịp tiếp cận bộ hồ sơ này, thì các tài liệu nghiên cứu của Viện Hải dương học Việt Nam cũng như các tài liệu về vùng nước trồi trong khu vực được công bố đã không được đưa vào căn cứ này. “Họ làm quá đơn giản, chỉ quan trắc trong 11 điểm ven bờ rồi kết luận chế độ thủy văn không có dòng hải lưu tại khu vực này là chưa đủ tin cậy” - vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho hay.

Cũng theo vị đại diện Khu bảo tồn biển Hòn Cau, dự án sẽ lấp trên 20 ha mặt đáy biển với chiều cao trên 2 m chất thải, như vậy độ lan tỏa theo dòng hải lưu sẽ là không nhỏ. Kèm theo đó là một diện tích rất lớn san hô đáy sẽ bị vùi lấp, trong khi chỉ cần một lớp mỏng bụi lắng đọng vùi lấp là san hô đã chết, kéo theo mất vùng sinh thái của nguồn lợi khu vực.

Theo TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, thì trầm tích đang nằm im dưới biển như vậy, giờ bị khuấy động, moi lên, rồi nhận chìm xuống. Tác động đến môi trường là không hề nhỏ. Nói rõ hơn về tác hại này, TS An cho biết khi nước biển bị đục thì ánh sáng không truyền xuống, dẫn đến quá trình quang hợp không thực hiện được. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông khí khiến môi trường sống thành môi trường chết.

TS An nói rằng nguy hiểm nhất không phải là độc tính của chất thải chôn xuống, mà tác động của chất thải đó do bị xáo trộn. Bởi việc nạo vét, chôn lấp sẽ tạo ra nhiều độc tính, ảnh hưởng rất lớn đến sinh vật, các quá trình sinh, hóa ở lòng biển. “Đừng nghĩ vài năm có thể khôi phục được mà phải vài chục năm, thậm chí cả trăm năm vẫn chưa chắc đã khôi phục được như ban đầu” - TS An nhận định.

Bình Thuận là vùng nước trồi rất lớn, ảnh hưởng đến cả vùng biển các tỉnh lân cận. “Khi nhận chìm lượng chất thải đó, không tác động chỗ này thì tác động chỗ kia. Do đó đừng bao giờ xem biển là cái thùng rác không đáy” - TS An nói.

Phê duyệt nhanh cho nhà đầu tư Trung Quốc là nhằm né luật?

Nghi vấn này đến từ chuyện Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 tới đây, với điểm mới là sự trói buộc về trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền (quan chức), mà cấp phép cho doanh nghiệp xả thải trái pháp luật. Trong khi đó, luật hình sự hiện tại không có quy định này, dẫn đến khoảng trống về thời gian, có thể bị những người có thẩm quyền lợi dụng để né tránh trách nhiệm hình sự - trong thời gian từ nay đến hết năm 2017.

Bộ luật hình sự Việt Nam từ năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) tuy có quy định về tội “vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” (Điều 182a), nhưng nội dung điều luật vẫn còn chung chung, chưa trói được trách nhiệm của những người có thẩm quyền cho phép xả thải một cách cụ thể, khỏi chối cãi. Trên thực tế cũng chưa có quan chức nào bị xử lý hình sự. Nhưng từ sau khi xảy ra vụ Formosa xả thải gây chấn động địa cầu, thiệt hại khủng khiếp (đến mức phải bồi thường 500 triệu USD mà vẫn chưa đủ), di hại không bao giờ khắc phục được nữa, Việt Nam đã “nâng cấp” điều luật này lên một bước, nghiêm khắc hơn, chi tiết hơn, đúng đối tượng hơn.

Cụ thể, trong Bộ luật hình sự năm 2015, đã lần đầu tiên trói buộc và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những “người có thẩm quyền” và có hành vi “cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật” - Điều 236 Bộ luật hình sự 2015. Tức là theo luật mới, từ nay những vị lãnh đạo nào, ở các cơ quan có thẩm quyền, mà cố tình cấp phép cho chôn lấp, đổ, thải sai quy định, trái pháp luật - thì sẽ bị xử lý hình sự.


Thế nhưng, đáng tiếc thay, điều luật này hiện nay (tháng 7/2017) vẫn chưa có hiệu lực thi hành, mà phải chờ đến ngày 1/1/2018. Trong khi đó, theo nguyên tắc không hồi tố bất lợi, nên giả sử có trường hợp vị nào đó có thẩm quyền, và đã cấp phép cho chôn lấp, đổ thải sai quy định, trái pháp luật - nhưng nếu ký giấy cấp phép trước thời điểm ngày 1/1/2018 - thì cho dù có sai phạm sẽ vẫn đương nhiên... thoát tội!

No comments:

Post a Comment