Anh Văn-21-07-2017
(VNTB) - Nhà nước sẽ không lặp lại cách thức đổi tiền như năm 1985, mà ngược lại sử dụng kịch bản mang tính tinh vi hơn bằng cách dùng truyền thông và khả năng in tiền để tạo ra một cuộc lạm phát có chừng mực nhằm đẩy giá vàng lên cao nhất.
Câu chuyện phát triển thiếu bền vững của Việt Nam tiếp tục là câu chuyện dài hơi!
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng phát biểu vào năm 2015 rằng, “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”, và nay – nó ngày càng minh chứng cho tính sự… thật!
Trong tuần vừa qua, chủ lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là dầu khí và ngành than (đóng góp lớn cho GDP) nhận tin đáng buồn! Trong khi ngành dầu khí đối diện với thực trạng giá dầu giảm - chỉ mức 40-50 đô la Mỹ/thùng, khiến bản thân lãnh đạo ngành phải thừa nhận “sẽ dẫn đến việc thu xếp tài chính rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)” thì ngành than lại phải trong hoàn cảnh tồn kho lên mức 18,85 triệu tấn!
Năm 2015, than và dầu khí đứng thứ 3 trong nhóm yếu tố góp phần tăng trưởng GDP của Việt Nam!
Cùng lúc đó, phía Chính phủ đang đối diện với áp lực lớn liên quan đến chỉ số tăng trưởng, dẫn đến việc, trong suốt thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc lại quan điểm tăng trưởng Chính phủ là phải đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, với 6 tháng đầu năm đạt 5,73% thì nhiệm vụ của 6 tháng còn lại phải là 7,42%.
Con số này rất lớn trong bối cảnh chung của nền kinh tế, buộc “cả hệ thống chính trị” phải gia tăng sức ép lên các thành phần trong nền kinh tế - xã hội. Kết quả, đề án chống đô-la hoá, vàng hoá ra đời; cũng như khi chủ trương huy động nguồn lực vàng trong dân chưa dứt thì yêu cầu 3 lần từ chính phủ về việc huy động đô-la trong dân bắt đầu.
Việt Nam sẽ phát triển bằng... “huy động” và in tiền!?!
Vấn đề đặt ra là, ngay cả khi đề nghị sự huy động này không chảy vào đại gia mà vào DN khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng thì liệu điều này có hiện thực hay không?
Thứ nhất, mấu chốt của “huy động” nguồn lực trong dân chính nằm ở niềm tin của người dân đối với Chính phủ! Làm cách nào để huy động khi mà giá trị niềm tin về điều hành và hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ bung bét trong thời gian vừa qua. Chưa đề cập đến 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, thì ngay với tập đoàn EVN – vốn là DNNN độc quyền - vừa qua lại gánh 10.000 tỷ đồng lỗ tỷ giá, nhưng “đi xa hơn cả” là EVN lại muốn tính vào giá điện. Đối với PVN, thì trong nước chỉ tính riêng đợt nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất đã lỗ 85.000 tỷ đồng, bên ngoài thì đầu tư dầu khí tại nước “xã hội chủ nghĩa Venuzuela” gây thiệt hại 11.500 tỷ đồng.
Dân nào sẽ can đảm thế chấp niềm tin rằng, nguồn tiền họ bỏ ra sẽ không tiếp tục “đài thọ” cho các tập đoàn này?
Nhà nước có lẽ đã hiểu sự sụp giảm niềm tin đó nên vừa qua, có liên tiếp các sự kiện liên quan đến chấn chỉnh tình hình kinh doanh của các tập đoàn nhà nước cũng như tìm cách tiến hành các hoạt động pháp lý đối với các sai phạm liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách. Điển hình như, Bộ Công an và Thanh tra vào cuộc xử lý vụ 12 dự án thua lỗ nhằm chứng minh quyết tâm Chính phủ trong làm sạch nền kinh tế!
Và trong một diễn biến được cho liên quan, Bộ Tài chính đôn đốc trả nợ tiền vay dân trong 2 cuộc kháng chiến! Thực ra nếu nhìn vào đây, thì có thể nhận ra ý đồ đằng sau là “khẳng định tính uy tín” của Chính phủ trong vay- trả nợ; và gián tiép khuyến khích người dân gửi tiền hoặc ủng hộ chính sách huy động trong dân!
Vấn đề tiếp tục nảy sinh là, làm cách nào để thu hồi nguồn tiền thất thoát do tham nhũng và khả năng điều hành kém cỏi mang lại, cũng như giữ chân được sự trượt giá của đồng tiền?. Ngay cả đề án huy động của Chính phủ cũng tiếp tục gieo rắc một sự sợ hãi trong dân về hiện tình nền kinh tế bị vắt kiệt sữa, khả năng hạn chế chi tiếp tục suy giảm dẫn đến tăng cường nguồn thu. Bởi không đâu xa, bội chi thông qua con số biên số tăng nhanh tiếp tục là vấn đề nóng, và gần như không thể kiềm hãm được, theo thông tin vào tháng 5/2017 cho thấy, biên chế tiếp tục tăng 20.400 người chiếm 0,57 % thay vì giảm theo “quyết tâm đến năm 2021 giảm thêm 10%.”
Vậy Nhà nước sẽ làm bằng cách nào? Chỉ có một cách, đó là Nhà nước sẽ không lặp lại cách thức đổi tiền như năm 1985, nhưng sử dụng kịch bản tương tự mang tính tinh vi hơn, bằng cách dùng truyền thông và khả năng in tiền để tạo ra một cuộc lạm phát có chừng mực để đẩy giá vàng lên cao nhất (kết hợp với độc quyền vàng qua tín chỉ vàng), kích thích lòng tham trong dân, buộc họ bán ra (thậm chí là lướt sóng vàng, đô-la), để thu gom vàng, đô-la. Kết quả, người dân sẽ thu về tiền đồng với khả năng trượt giá vô hạn, lúc đó đồng tiền của Việt Nam là phiên bản của đồng tiền Zimbabwe.
No comments:
Post a Comment