Wednesday, November 2, 2016

Tại sao Việt Nam cứ cháy là chết?

Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016.

Theo VOA-02.11.2016

Một đám cháy tại quán karaoke ở Hà Nội hôm 1/11 làm 13 người thiệt mạng khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam cứ “cháy là chết” và số người chết lại cao.
Chị Bích Phượng, một người trực tiếp chứng kiến quá trình chữa cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, tỏ ra bức xúc khi chứng kiến sự việc và nhận xét với VOA về công tác chữa cháy tại Việt Nam:
“Tôi cho là rất kém. Tôi đã xem những cái clip chữa cháy ở nước ngoài, ít ra là không phải chỉ có một vòi nước, mà nó phải chụm lại nhiều vòi nước để tập trung vào dập kiểu nước biển. Mà đây chỉ có 1, 2 cái. Mỗi biển chỉ có 1 vòi thôi. Nước thì lúc mạnh lúc yếu. Mà tôi thấy rất kỳ lạ là khi nước mạnh, họ cứ xịt vào cửa kính. Trong khi đó các khung nhà khác đang có lửa, khói bốc lên thì họ lại không dập vào chỗ đấy. Tôi mới tức mình tôi bảo không hiểu họ phun vào chỗ đấy để làm gì nhỉ. Cái thứ hai nữa, lửa cháy ở tầng trên mà họ không phun, lại phun ở tầng dưới là chỗ chả có lửa gì cả. Phun rất lâu. Mà tôi nói với bạn thế này, một cái xe cứu hỏa như thế nó bé lắm, anh phun như thế thì một tí là hết nước. Lúc mà tôi thấy khói đã vãn rồi, gần như là lửa không còn thấy nữa, thì họ lại không tiếp tục làm cho nó dứt điểm đi. Lúc đó họ lại dừng lại. Một lúc sau khói lại cuồn cuộn bốc lên. Xe cứ xếp hàng dài bên cạnh, ý là chờ thằng kia hết nước thì mới vào. Tôi cho là ở đằng trước, khi mà anh hết nước thì anh phải lùi ngay ra chỗ khác để cho xe khác tiến vào, hoặc là trên mặt phố đấy rất rộng, ít ra nó có chỗ để có thể cho 3, 4 xe tập trung bắc vòi vào trong đó”.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, khẳng định với VOA rằng lực lượng PCCC luôn “làm hết sức mình” trong điều kiện có được và công tác PCCC đòi hỏi phải có sự cộng tác của xã hội, của người dân.
“Tôi nghĩ rằng để làm tốt việc phòng cháy chữa cháy, tôi nghĩ lực lượng PCCC không chưa đủ, mà nó còn đòi hỏi ý thức của mỗi người, của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề tuân thủ các quy định về pháp luật PCCC. Còn đương nhiên khi xảy ra sự cố, thì trong những điều kiện và phương tiện hiện có, chúng tôi đã hết sức cố gắng để làm tốt và làm tròn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều khi do sự cố quá lớn, hoặc do điều kiện trong ngôi nhà, văn phòng khi xảy ra các sự cố, nhiệt độ rồi các điều kiện khói… dẫn đến những thiệt hại về nhân mạng. Chuyện này thì không ai muốn. Nhưng khi đã xảy ra các sự cố thì mọi sự việc xảy ra trong ứng phó, chúng tôi thấy là chúng tôi đã hết sức cố gắng”.
Một số ý kiến trên mạng cho rằng ngoài phương pháp tiếp cận, trang bị và phương pháp chữa cháy, những bất cập trong việc tuân thủ quy định an toàn phòng cháy trong xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy ở Việt Nam gây thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 1/11 đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng trên.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Cánh sát PCCC Hà Nội, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, được báo Tuổi Trẻ hôm 2/11 dẫn lời cho biết quán karaoke trước đây là nhà dân và được chuyển đổi sang kinh doanh karaoke. Cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Giới chức Việt Nam cho biết chủ đầu tư cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động sau khi đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, quán karaoke này vẫn đón khách trong quá trình hoàn thiện giấy tờ.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho biết là do thợ hàn bất cẩn khi sửa chữa tầng 2 của quán.
12 trong số 13 nạn nhân của vụ cháy là học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện Chính trị quốc gia, trong đó có 1 cán bộ của Hà Nội. Những nạn nhân này gặp nạn khi tổ chức liên hoan sau khi thi xong.
Những vụ cháy gây thiệt hại tài sản và nhân mạng cao liên tục xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần. Ngoài những vụ cháy ở các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, chỉ riêng các vụ cháy tại cơ sở tư nhân, nhà riêng, cũng đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Hồi tháng 5/2015, một vụ cháy do chập điện cũng tại quán karaoke ở Hà Nội đã giết chết 5 người. Tháng 4/2014, một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM, cháy khiến 7 người trong gia đình tử vong. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có hơn 10 vụ cháy xảy ra ở các quán karaoke tại Việt Nam.
Sau vụ cháy hôm 1/11, tin cho hay từ ngày 2/11, cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy của toàn bộ 1.204 quán karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội.

No comments:

Post a Comment