Sunday, July 31, 2016

Tái diễn vay vốn Trung Quốc: Tiếp tục ''cõng rắn cắn gà nhà''

Thiên Điểu-01-08-2016

(VNTB) - Ngày 28/7/2016, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Dân Trí về khoản vay 300 triệu dollar của Trung Quốc cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Chính phủ Việt Nam tiếp tục lún sâu hơn vào con đường lệ thuộc vào Trung Quốc.

Ai, những ai đang cõng rắn cắn gà nhà?

Phạm Bình Minh: nói và ''làm''

Một trong những nguy hiểm mà rất nhiều chuyên gia kinh tế lẫn các nhà quan sát, bình luận cả trong và ngoài nước cảnh báo.

Trong câu hỏi phóng viên đặt ra “..nhiều người dân, giới chuyên gia kinh tế cũng có lo ngại khi nhìn vào một số công trình dự án đã từng vay vốn của Trung Quốc trước đây nhưng quá trình triển khai có nhiều vấn đề. Ví dụ như họ cho vay nhưng buộc ta phải nhận nhà thầu Trung Quốc nhưng nhà thầu đó thực tế năng lực lại yếu, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, mất hiệu quả vốn vay ?”.

Ông Phạm Bình Minh đã trả lời rằng: “Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, cũng kèm theo các điều kiện của các nước cho vay vốn ODA. Không phải Trung Quốc mà các nước khác cũng vậy: Vay ODA của chúng tôi vớilãi suất thấp hơn vay thương mại thì phải chấp nhận nhà thầu của chúng tôi tham gia, hoặc sử dụng máy móc, công nghệ của họ...Với các điều kiện như vậy, chúng ta cũng xem xét, nếu vay mà vẫn có lợi thì chúng ta phải sử dụng nguồn lực đó thôi.”

Rõ ràng ở đây thông điệp này không hề được đánh giá hay rút tỉa kinh nghiệm qua các dự án lớn sử dụng công nghệ Trung Quốc tại Việt Nam đều là công nghệ lạc hậu, gây nguy hại mà vụ Formosa đang còn nóng hổi chưa đi đến hồi kết. Ông  Phạm Bình Minh  không hề trả lời thẳng vào câu hỏi để giải thích về việc trên thực thế rất nhiều dự án ODA mà Doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu chỉ vì bỏ thầu chỉ thấp hơn nhà thầu Nhật, Hàn, Úc.. rất ít. Nhưng sau đó thì giá đội lên gấp nhiều lần và chất lượng công trình thì không công trình nào không chậm, không hư hỏng ?

Trong khi về nguyên tắc quản lý dự án công: Các công trình  lớn, nguyên tắc điều chỉnh giá chỉ được tính  thêm 2 khoản là trượt giá đồng tiền (làm tăng chi phí vật tư và nhân công) và chi phí phát sinh và luôn có hạn mức tỷ lệ cụ thể. Trong khi  đó các dự án do Trung Quốc thắng thầu thì có dự án đội vốn tới 300%-400% . Như vậy thì ODA từ Trung Quốc gắn với điều kiện giao cho Doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu không hề rẻ và lãi suất thấp như  câu trả lời của ông Phạm Bình Minh được. Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh với các công trình như  Cầu Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận .. (Australia);  Cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân…(Nhật Bản) .v.v. đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi: Một ví dụ nhãn tiền là Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), cũng vay vốn Trung Quốc nhưng hậu quả hiện đã khá rõ ràng thì người dân lo ngại là có cơ sở chứ, thưa Phó Thủ tướng?

Ông cho rằng “Khi đánh giá dự án tiến triển nhanh hay chậm, nó không chỉ có một nguyên nhân, có rất nhiều nguyên nhân khác như có thể do qúa trình giải phóng mặt bằng chậm, có nguyên nhân sử dụng hiệu quả các nhà thầu phụ...Chứ không phải do đồng tiền nó làm chậm mà sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cơ quan, đơn vị triển khai phải biết sử dụng. Nhưng thực tế, chúng ta cũng phải nhìn nhận, nếu dùng nguồn vốn vay mà dự án bị kéo dài thì vốn vay càng đắt lên, thời gian trả nợ kéo dài, thời gian ân hạn ngắn lại. Chúng ta không triển khai nhanh thì sẽ thiệt hại nhiều”. Câu trả lời này không chỉ sai về nội dung mà còn sai cả về khía cạnh quản lý nhà nước.

Có thể thấy, trong câu hỏi này ông không trả lời  trên cương vị là lãnh đạo Bộ ngoại giao, vì nó đi sâu vào việc không thuộc chuyên ngành của mình. Rõ ràng câu hỏi và cả câu trả lời này là trên cương vị Phó thủ tướng – nghĩa là cương vị trách nhiệm quản lý chung. Các lý do ông đưa ra thì có vẻ đúng, nhưng nó thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quan (các Bộ  chuyên ngành và nhà thầu). Trên phương diện quản lý cấp Chính phủ mà ông là Phó thủ tướng thì câu trả lời cho thấy ông đã không chỉ ra sự thật: Các dự án ODA - cả các dự án đầu tư FDI  sử dụng vốn ưu đãi (cũng phải sử dụng từ nguồn vay nước ngoài để phân bổ) - nếu chậm hay đội vốn, sử dụng được hay không thì Việt Nam vẫn phải trả nợ cho nguồn vốn đó. Đây mới là khía cạnh thiệt hại và nguy hiểm nhất khi không lựa chọn đúng đối tác tài trợ ODA và đánh giá đầy đủ các điều kiện kèm theo. Còn việc triển khai chậm hay phát sinh là lỗi do quản lý nhà nước đã tạo kẽ hở cho nhà thầu lợi dụng (điều kiện phụ đi kèm ODA) chứ không bao giờ nằm trong các điều kiện vay của Hợp đồng. Nghĩa là ở đây, Chính phủ chỉ quan tâm yếu tố duy nhất là “có vốn” chứ  không xem xét tới hiệu quả , taác động liên quan sử dụng vốn.

Thay lời kết

Việc Chính phủ tiếp tục các khoản vay từ Trung Quốc đã và đang đặt ra mấy vấn đề:

Thứ nhất:  Gia tăng gánh nợ công nhưng hiệu quả không có nếu không nói hầu hết đều lỗ hoặc không thể sử dụng. Các dự án như Bauxite Tây Nguyên; Đường sắt Cát Linh; trụ sở Bộ Công an; Trung tâm Hội nghị quốc gia.v.v. là những ví dụ “nhãn tiền” mà phóng viên đặt ra nhưng qua câu trả lời của ông Phạm Bình Minh cho thấy Chính phủ không hề xem xét tới khía cạnh hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn vay của Trung Quốc.

Thứ hai:  Khía cạnh nguy hiểm về mặt an ninh quốc phòng  đối với các dự án sử dụng vốn vay từ Trung Quốc mới chính là mối quan tâm lớn nhất của dư luận khi có sự “trùng hợp”  đến kỳ lạ là hầu hết các công trình lớn dùng nguồn vốn  này đều  đặt ra rất nhiều nghi ngờ và nhạy cảm vẫn  bị “phớt lờ” trong các quyết định  vay dưới danh nghĩa “đầu tư”.

Thứ ba: Tại sao trong bối cảnh dư luận phản ứng khá gay gắt và rất nhiều chuyên gia lên tiếng không đồng tình tiếp tục vay vốn từ Trung Quốc, Chính phủ lại không lắng nghe  hay tổ chức lấy ý kiến  rộng rãi hơn mà lại tiếp tục có  khuynh hướng tự quyết?

Thứ tư: Việc gia tăng nợ vay từ Trung Quốc đồng nghĩa  sẽ gia tăng sự lệ thuộc về kinh tế  - đương nhiên sẽ dẫn tới lệ thuộc về chính trị - của Việt Nam vào Trung Quốc. Riêng điều này cũng đã đủ để xem xét lựa chọn nguồn vay khác chứ không phải là Trung Quốc chỉ vì  so sánh điều kiện phụ có chút ít lợi ích (nếu có).


Nợ công đã và đang là gánh nặng cho người dân. Đã đến lúc Chính phủ cần chứng tỏ những quyết định của mình là vì dân, vì nước hay tiếp tục  thể hiện việc quản lý theo kiểu tự quyết, bất chấp hậu quả. Sẽ không thể có chuyện cố làm lấy được, làm cho có để rồi trút gánh nợ cho thế hệ sau.

No comments:

Post a Comment