Sunday, July 31, 2016

Liên tiếp ‘bù lỗ vào dân’: Thu nhập của lãnh đạo EVN lên đến gần 900 triệu đồng/năm

Một báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong năm 2015 tập đoàn này chi khoảng 8.63 tỷ đồng trả lương cho các viên chức quản lý.
EVN chi khoảng 8.63 tỷ đồng trả lương cho các viên chức quản lý trong năm 2015. (Hình: Thời Báo Today)
Trong đó, thu nhập của 13 chức danh lãnh đạo quản lý tại trong năm 2015 là khoảng trên dưới 600 triệu đồng. Riêng người có thu nhập tiền lương cao nhất là ông Mai Quốc Hội – thành viên hội đồng thành viên với trên 632 triệu đồng. Nếu cộng thêm các khoản thưởng phúc lợi thì vị này có thu nhập là 866 triệu đồng một năm.
Vào năm 2011 khi bị phát hiện nhiều sai phạm về đầu tư trái ngành và phải rước lấy khoản lỗ lên đến hơn 30,000 tỷ đồng, có lãnh đạo EVN đã than “nghèo khổ” khi cho rằng thu nhập bình quân của nhân viên ngành điện lực chỉ có 20 triệu đồng/tháng.
Nhưng vài năm sau, giới lãnh đạo EVN đã không biết phải trả lời ra sao với công luận khi bị Thanh tra chính phủ phát hiện tập đoàn này hạch toán cả chi phí xây hồ bơi, khách sạn vào giá thành điện. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Sau đó vụ việc này chìm xuồng hẳn.
Hoàn toàn không quá khi khẳng định rằng trong số các doanh nghiệp công ích ở Việt Nam, EVN là một chủ thể dã man nhất khi từ năm 2011 đã áp dụng chiêu thức “bù lỗ vào dân”, liên tục tăng giá điện đối với dân chúng và do đó vừa giảm đáng kể số lỗ, vừa giúp tăng thu nhập của “đội ngũ nghèo khổ”.
Đáng lên án là năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng đến 18.5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm đáng kể số lỗ trước đó do đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm.
Vào đầu năm 2016, EVN lại đề xuất xin tăng giá bán điện thêm 21.2 đến 21.4 đồng/kWh năm 2016 so với giá bình quân hiện hành. 2016 cũng là năm thứ 8 nền kinh tế Việt Nam tiếp diễn suy thoái, còn tình cảnh người dân Việt Nam khổ trăm bề với hơn 400 loại phí và lệ phí đè đầu.
Suốt gần một chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Cộng với giá cao gấp 3 lần giá bình quân trong nước, nhưng lại từ chối mua hoặc gây khó khăn khi mua điện của các doanh nghiệp trong nước - một biểu cảm mà cách nào đó cho thấy EVN là một doanh nghiệp của… Trung Cộng.
 Hiện thực còn nguyên cho tới nay là EVN vẫn nghiễm nhiên đóng vai con nợ bậc nhất của các ngân hàng. Số nợ mà doanh nghiệp siêu độc quyền này đang phải gánh lên tới ít nhất 118,000 tỷ đồng - con số mà mới chỉ được “tiết lộ” vào năm bi đát kinh tế 2013, cũng là thời điểm mà “Phe lợi ích” phải gánh búa rìu dư luận và áp lực phải tiến hành “minh bạch hóa”.
 Một phép tính đơn giản của “chiến lược ngành điện” đã cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN sẽ có thể phải tăng giá liên tục trong… 10 năm nữa.
 Một trong những nhân vật bị điểm tên đã bảo kê nhiệt tình nhất cho EVN là bộ trưởng công thương những năm trước – ông Vũ Huy Hoàng, người bị dư luận coi là “có yếu tố Trung cộng”.
07/30/2016 - 23:04
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment