Friday, November 24, 2023

Lại đợi… vắc-xin về

Hoàng Mai  

(VNTB) – Có lẽ cần cách chức Bộ trưởng Y tế họa may sẽ hết cảnh chờ đợi vắc-xin chích ngừa cho trẻ em. 

Bà bộ trưởng phủi tay Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đổ thừa rằng bà không có lỗi về chuyện điều hành, mà đó là trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo địa phương. Bà Lan nói theo quy định khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế – dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương, thì trách nhiệm địa phương phải thực hiện từ năm 2023. Trên cơ sở đó, chính phủ và các bộ ngành cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện. 

Năm 2022, theo bà Lan thì Bộ Y tế đã làm dự toán kinh phí gửi các ngành để bổ sung kinh phí để làm, nhưng do vướng mắc trong quá trình chi thường xuyên của các địa phương nên chưa được thực hiện. Để giải quyết tình huống cấp bách, Bộ Y tế đã trình chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vắc-xin trong chương trình. Đến ngày 10-7, chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng. 

Thế nhưng, đến nay sau hơn 4 tháng được đồng ý phân bổ ngân sách trung ương, việc cung ứng vắc-xin vẫn bị gián đoạn, các địa phương liên tục thông báo hết vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm. Thậm chí, vắc-xin viêm gan B tiêm chủng trong 24 giờ sau sinh cho trẻ cũng không còn. 

Tiêm dịch vụ lúc nào cũng dư dả vắc-xin nhập khẩu 

Tình trạng thiếu vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương khiến nhiều người dân buộc phải chi trả số tiền không nhỏ để tiêm dịch vụ thay vì được miễn phí. Dù xảy ra từ năm ngoái, tác động tiêu cực tới hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả. 

Theo lãnh đạo các trạm y tế, mỗi mũi tiêm vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 giá dịch vụ dao động từ 700.000 đồng đến gần 1 triệu đồng là chi phí không nhỏ. 

Ở thành phố hoặc gia đình có điều kiện, việc bỏ ra số tiền trên để tiêm ngừa cho trẻ tương đối dễ dàng, nhưng đối với những trẻ ở vùng nông thôn, vùng núi thì rất khó khăn. Dẫn tới nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa không đầy đủ hoặc tiêm trễ, khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, như: Bạch hầu, uốn ván, ho gà… do không có kháng thể bảo vệ. 

Lỗi của cơ chế? 

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo như sau: Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 có mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

 Đến nay, đã có 11 vắc-xin loại phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em. 

Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước để cung ứng một số loại vắc-xin (DPT, uống ván, BCG, viêm não Nhật Bản, viêm gan B, sởi, sởi-rubella, bOBV) phục vụ cho cho tiêm chủng mở rộng. 

Các vắc-xin được quản lý, điều phối theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng giao cho các Viện Pasteur/ Vệ sinh dịch tễ khu vực, sau đó cung cấp cho các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng. Việc cung ứng vắc-xin được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng. 

Năm 2022, Bộ Y tế đã có Quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vắc-xin cho Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương… Phần sau thì như giải thích ‘đổ thừa’ của bà Đào Hồng Lan đã nêu ở trên. …

Để chấm dứt việc “đói” vắc-xin tiêm chủng mở rộng, theo một đại diện nhà sản xuất vắc-xin tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế phải có một kế hoạch sử dụng vắc-xin dài hạn, cụ thể khoảng trong ba đến 5 năm. Đại diện công ty sản xuất vắc-xin này nói: “Không thể ăn đong vắc-xin mãi thế này được, trong khi chúng ta dễ dàng biết được tổng số dân số, tỷ lệ sinh và tỷ lệ trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng của cả nước. Việc có kế hoạch từ trước giúp các nhà sản xuất vắc-xin và cả chương trình tiêm chủng mở rộng luôn chủ động về nguồn vắc-xin, như thế mới bền vững”.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-lai-doi-vac-xin-ve/ .

No comments:

Post a Comment