Sunday, April 12, 2020

Trung Quốc sẽ tiếp tục đâm tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tàu đánh cá vỏ sắt của Trung Quốc đậu san sát như lá tre tại bến. (Hình: STR/AFP/GettyImages)
HỒNG KÔNG (NV) – Trung Quốc sẽ còn đâm tàu đánh cá của Việt Nam để khẳng định chủ quyền Biển Đông khi lực lượng bán quân sự được sử dụng trong kế hoạch hạ thấp khả năng đụng độ quân sự.
Ngày 2 Tháng Tư vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi tại một địa điểm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Bắc Kinh vu ngược lại là tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc rồi chìm. Không riêng gì Việt Nam phản đối hành động tàn ác của tàu hải cảnh, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng rồi Thượng Viện Hoa Kỳ tuần qua ra tuyên bố lên án hành động của Bắc Kinh.
Mấy năm trước, khi đám tàu đánh cá Trung Quốc được điều động tham gia các vụ tranh chấp liên quan chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, ông Carl Thayer, giáo sư Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc từng báo động về vai trò của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cho thành lập lực lượng dân quân biển từ hơn hai chục năm qua. Ngư dân Trung Quốc được huấn luyện quân sự và hướng dẫn chiến thuật đấu tranh trên biển.
Báo chí tại Việt Nam từng thuật lời các cấp chỉ huy quân sự Hà Nội than phiền hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những chúng ngang nhiên đánh cá trộm mà còn xua đuổi tàu đánh cá ngư dân Việt Nam. Lượng cảnh sát biển của Việt Nam, quá ít, quá yếu không làm gì nổi.
Việt Nam cũng bắt chước Trung Quốc lập lực lượng dân quân biển. Cuối năm ngoái, báo chí trong nước cho hay nhà cầm quyền CSVN cho lập “Hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển,” VNExpress ngày 31 Tháng Mười Hai, 2019 cho hay.
Theo nguồn tin vừa kể, ban đầu, nhà cầm quyền CSVN sẽ cho thành lập “hải đội dân quân tự vệ” ở sáu tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh. Lý do thành lập được thuật lại qua lời tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc Phòng, là tình hình khu vực và Biển Đông “có những thời điểm diễn biến phức tạp.”
Việc cho thành lập “hải đội dân quân tự vệ” vừa để “bảo vệ chủ quyền biển, đảo với phát triển kinh tế biển” vừa “góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột vũ trang trên biển.”
Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, Tháng Bảy, 2016 đã phán quyết tuyên bố chủ quyền theo 9 vạch nối lại giống hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm gần 90% Biển Đông là vô giá trị. Báo chí quốc tế đăng tải rất nhiều tin tức hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc, thực chất là đám dân quân biển, có các tàu hải cảnh hộ tống tham gia các vụ lấn chiếm trên Biển Đông, ngày mỗi nhiều hơn.
Tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm sáng sớm ngày 2 Tháng Tư vừa qua, chỉ còn nhô lên phần mũi. (Hình: Ngư dân cung cấp-Tuổi Trẻ)
Chính phủ Philippines cho hay chỉ riêng trong năm 2019, họ đã ghi nhận ít nhất 275 tàu đánh cá, tức tàu dân quân biển Trung Quốc, tham gia vây giữ bãi cạn gần đảo Thị Tứ tại Trường Sa mà Phi đang trấn giữ và tuyên bố chủ quyền suốt từ năm 1971 đến nay.
Tháng Sáu năm ngoái, tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Philippines tại Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) mà Philippines xác nhận chủ quyền. Nếu không được một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam vớt, 22 ngư dân Philippines đã có thể mất mạng.
Theo tổ chức nghiên cứu an ninh nổi tiếng Rand tại Hoa Kỳ, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc rất lớn nên không thể coi thường. Phần lớn chúng có căn cứ trên đảo Hải Nam. Tuy Việt Nam cũng lập “hải đội tự vệ” nhưng đội tàu vừa nhỏ bé lại ít hơn rất nhiều, không thể nào so sánh với lực lượng Trung Quốc.
Báo South China Morning Post thuật tài liệu của ông Nguyễn Khắc Giang tại Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam, thống kê lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 762,000 tàu máy trong khi phía Việt Nam chỉ có khoảng 8,000 tàu. Nhưng theo tài liệu của Ngũ Giác Đài, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 439,000 tàu với 21 triệu dân quân.
Việc cả Trung Quốc và Việt Nam đều sử dụng các tàu dân quân biển vì cũng có những động cơ giống nhau, SCMP thuật ý kiến của ông Isaac Kardon, một giảng viên tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College).
Cũng vì vậy, tuy có thể tránh leo thang đụng độ quân sự, nhưng nguy cơ những vụ đụng chìm tàu đánh cá sẽ còn tái diễn. (TN) (KN)

No comments:

Post a Comment