Monday, October 29, 2018

Ngân sách Việt Nam vẫn phụ thuộc vào bán đất, tài nguyên

RFA-2018-10-29 
Cuộc họp quốc hội (Ảnh minh họa)
 Cuộc họp quốc hội (Ảnh minh họa)-AFP
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại phiên thảo luận Quốc hội về ngân sách và đầu tư công diễn ra vào hôm 29/10 phát biểu rằng nguồn thu ngân sách quốc gia hiện nay chủ yếu từ việc bán đất, bán tài nguyên và tài sản nhà nước. Đó là những nguồn thu không ổn định và chỉ thu một lần trong khi các nguồn thu khác từ lợi nhuận thì lại không đạt hiệu quả.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch VCCI, chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện quản lý kinh tế Trung ương, giải thích.
“Những nguồn thu đó chỉ là nhất thời vì chỉ dựa vào bán đất, bán tài nguyên và bán doanh nghiệp nhà nước. Các nguồn thu đó không phải là vô tận và nó cũng không được tái tạo cho nên bán hết số đất, bán hết doanh nghiệp nhà nước thì còn có nguồn thu nào nữa đâu. Phải tạo ra các nguồn thu có thể tái tạo để đảm bảo lâu dài về ngân sách.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ rằng nguồn thu từ đất của Việt Nam thì 80% là việc giao đất có thu tiền, tức là bán quyền sử dụng đất và điều thứ hai là khi thuê đất sẽ thanh toán một lần cho cả thời gian thuê còn thu thuế thì chỉ chiếm 3%.
 Những nguồn thu đó chỉ là nhất thời vì chỉ dựa vào bán đất, bán tài nguyên và bán doanh nghiệp nhà nước các nguồn thu đó không phải là vô tận và nó cũng không được tái tạo cho nên bán hết số đất, bán hết doanh nghiệp nhà nước thì còn có nguồn thu nào nữa đâu.
- TS. Lê Đăng Doanh
Ông cho biết thêm “Từ đây chúng ta thấy rằng việc mà bán quyền sử dụng đất một lúc nào đó tài nguyên sẽ hết, nhất là đất tại VN được quy định là sử dụng vô thời hạn. Thế thì kết luận rằng việc thu từ đất mà chủ yếu là tiền cho thuê dài hạn chắc chắn sẽ không ổn định bởi vì thứ nhất nếu chỉ thu tiền một lần thì chỉ thu bây giờ nhưng cho cả 50 năm sau, rồi trường hợp đất mà giao có thu tiền tức là bán quyền sử dụng đất như vậy thì đến một lúc nào đó nhu cầu chỗ ở nhiều, chúng ta không thể tạo ra nguồn lực đất vô hạn. Như vậy thuế được coi là nguồn thu ổn định nhất.”
Nguồn thu ngân sách của một quốc gia phải dựa vào việc thu thuế chứ không phụ thuộc vào việc bán tài nguyên hay tài sản, những loại nguồn thu này không phải là nguồn thu chính thống chiếm tổng ngân sách quốc gia, như chia sẻ của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bưu Sơn.
“Thứ nhất là nó chỉ mang tính nhất thời và thứ hai nó chỉ mang tính chất bổ sung, còn nguồn thu chính thống và thường xuyên là phải nguồn thu từ thuế. Đặc biệt với các quốc gia dựa vào kinh tế thị trường dựa vào hoạt động doanh nghiệp tư nhân là chủ yếu thì nguồn thu của các doanh nghiệp nhà nước thì không đáng kể. Mà phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích nên nhiều khi phải bù lỗ từ ngân sách nhà nước nữa.”
Còn theo giáo sư Đặng Hùng Võ thì cho rằng hệ thống thu thuế Việt Nam như hiện nay hoàn toàn chưa hợp lý. Ông đưa ra ví dụ tại các đô thị trên thế giới ngân sách thu từ thuế bất động sản thì hoàn toàn được dùng để phát triển đô thị đó, còn tại Việt Nam không như thế. Ngoài ra còn thêm ví dụ khác theo lời ông Đặng Hùng Võ :
“Như thuế giá trị gia tăng thì nó lại có tính không hợp lý bởi vì nó thu từ tiêu dùng chứ không phải thu từ khả năng sinh lợi của quá trình kinh doanh.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói rõ VN cần cải cách toàn diện lại hệ thống thuế, không cần gì đặc biệt cả mà chỉ cần học các nước công nghiệp phát triển cái lộ trình mà họ đã trải qua mà họ xử lý vấn đề thuế như thế nào thôi. Ông khẳng định:
Cục thuế thành phố Hà Nội (Ảnh minh họa)
Cục thuế thành phố Hà Nội (Ảnh minh họa) AFP
“Tôi cho rằng chúng ta có thể tạo ra được hệ thống thuế nó phù hợp để mà có thể tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Đồng thời không chỉ thu để cho chi dùng cho đầu tư phát triển trong nhịp độ yếu ớt như hiện nay mà còn có thể tạo những bước phát triển mạnh hơn cũng như tạo được những nguồn dự trữ quốc gia lớn hơn.”
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cần phải có chế độ thuế khóa hợp lý:“Thuế là một con dao hai lưỡi, chính phủ nào cũng sống dựa vào nguồn thu từ thuế nhưng nếu mà thu nhiều quá, thu lớn quá thì nó sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực nó làm giảm thu nhập chi tiêu của người dân và từ đó nó sẽ làm hoạt động kinh tế sẽ bị đình chệ.”
Ngoài ra, cũng có một số đại biểu đưa ra các giải pháp cơ bản để hạn chế bội chi và cân đối tài chính nhà nước như việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng nguồn thu cũng như kiên quyết việc cắt giảm hệ thống bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, từ đó sẽ giảm được việc chi thường xuyên xuống dưới 50%.
Đồng ý với việc cắt giảm biên chế nhà nước, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, đa số các chính phủ ở nhiều nước việc thất thu ngân sách không phải là chuyện hiếm nhưng phải đảm bảo sự thiếu hụt đó trong vòng kiểm soát.
“Cho nên phải tự hạn chế bằng các giảm chi bộ máy quá cồng kềnh, phải giảm bớt số lượng cán bộ công nhân viên hoạt động trong lĩnh vực nhà nước nhường nguồn nhân lực này cho kinh tế tư nhân. Hạn chế bù lỗ đối với các doanh nghiệp nhà nươc hoạt động không hiệu quả. Loại bỏ những đầu tư mang tính biểu tượng hình thức mà không đi vào các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định rằng, việc đưa ra các giải pháp để hạn chế bội chi, giúp cân đối ngân sách, tạo động lực cho phát triển đã được nói và bàn luận từ rất lâu rồi nhưng đến nay nó vẫn diễn ra rất chậm chạp. Nếu không kịp thời thay đổi thì chẳng bao lâu nữa đất đai, tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt.

No comments:

Post a Comment