Friday, March 7, 2014

Ukraina - phép thử chính sách đối ngoại của Obama

 
Trong phần lớn thời gian cầm quyền, Tổng thống Mỹ Obama bị những người "diều hâu" thuộc phe bảo thủ và những đảng viên Dân chủ tự do theo chủ nghĩa can thiệp cáo buộc là đang tạo ra thời kỳ ẩn dật khỏi thế giới của Mỹ, ở thời điểm nước này cần phát huy ảnh hưởng nhất.
Phong trào Mùa xuân Arập, từng dấy lên nhiều hy vọng, đã chệch hướng thành nội chiến và đảo chính quân sự. Trung Quốc đang đẩy mạnh những tuyên bố chủ quyền táo tợn ở các vùng biển Đông Á. Những đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Âu và vịnh Ba Tư đang lo lắng trước sự bất nhất của một vị tổng thống lên nắm quyền ở Washington với hứa hẹn chấm dứt các cuộc chiến tranh hậu 11/9. Hiện tại, khủng hoảng Ukraina đang nổi lên như một bài sát hạch đối với lập luận của Tổng thống Obama rằng, thay vì làm suy yếu, ông đã tăng cường sức mạnh Mỹ thông qua ngoại giao khôn ngoan, các liên minh mạnh mẽ hơn và một thuyết duy thực không bị hoen ố bởi hệ tư tưởng của người tiền nhiệm.

Giới phân tích đánh giá, ông Obama hiện sẽ rất khó khăn để chứng minh điều đó.

Mỹ, Obama, Ukraina, Crưm, Putin

“Tôi không nghĩ là Tổng thống Obama và người dân của ông thực sự hiểu những người khác trên thế giới đang nhìn nhận các chính sách của ông như thế nào”, Andrew C. Kuchins, người đứng đầu Chương trình Nga và Á - Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, bình luận.

Hiếm khi có một đe dọa nào của một vị tổng thống Mỹ bị bác bỏ nhanh chóng và toàn diện như cảnh báo của ông Obama tới người đồng cấp Nga Vladi­mir Putin cuối tuần trước. Cả hai nhà lãnh đạo này vốn chẳng có mấy điểm chung và mối quan hệ giữa họ đã được định hình bằng quan điểm quá khác biệt về mọi thứ, từ quyền của người đồng tính tới di sản của lịch sử.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã gọi điện cho ông Putin hôm 1/3 và bày tỏ “quan ngại sâu sắc về sự vi phạm rõ ràng của Nga đối với chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, một hành động vi phạm luật pháp quốc tế”.

Trước đó, từ bục diễn thuyết ở Nhà Trắng tối muộn ngày 28/2, ông Obama đã khuyến cáo chính phủ Nga “sẽ có những cái giá phải trả” cho bất kỳ hành động tấn công quân sự nào vào Ukraina, bao gồm cả vùng bán tự trị Crưm, một bán đảo giữ vai trò chiến lược quan trọng bên bờ biển Đen.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, Tổng thống Putin đã yêu cầu quốc hội Nga phê chuẩn việc triển khai quân tới Ukraina. Kết quả bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu đó đã nhận được sự đồng thuận lớn. Cảnh báo của Tổng thống Mỹ bị chìm nghỉm trong màn đồng thanh hát quốc ca sôi nổi của các nhà lập pháp Nga cuối phiên họp. Rốt cuộc, binh lính Nga hiện nắm quyền kiểm soát bán đảo Crưm.

Thế tiến thoái lưỡng nan
Theo giới quan sát, thế kẹt hiện tại của Obama, đối đầu với nước Nga công khai thách thức và chẳng có mấy cách hữu hiệu để thực thi đe dọa của mình, là do những gì ông cố tạo lập trong những năm lãnh đạo Nhà Trắng cũng như cách ông nhìn nhận về thời kỳ mình cầm quyền, ở trong và ngoài nước.
Điểm cốt lõi trong thế tiến thoái lưỡng nan của Obama là câu hỏi đã phát sinh trong các cuộc tranh luận của Nhà Trắng về việc rút quân khỏi Afghanistan, sự can thiệp vào Libya và cuộc xung đột ở Syria: làm thế nào để chấm dứt hơn 10 năm Mỹ tham chiến và duy trì khả năng răn đe quân sự đủ để bảo vệ các lợi ích của Mỹ?

Ông Obama đã tuyên bố rõ ràng trước công chúng Mỹ và cả các lãnh đạo nước ngoài rằng, "thủy triều chiến tranh đang rút xuống". Thông điệp Obama đã phát đi là, ông không sẵn lòng sử dụng quân đội vốn đang chịu nhiều gánh nặng, ngay cả khi làm như vậy sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn mà ông đã đặt ra.

Minh chứng rõ nhất cho quan điểm này là những gì xảy ra sau sự can thiệp do Mỹ dẫn đầu vào Libya cách đây gần 3 năm hay việc ông Obama từ chối cử binh lính tham gia nội chiến ở Syria. Ngoài ra, đề xuất ngân sách cho Lầu Năm góc được công bố trong tuần vừa qua cũng đã cắt giảm quy mô quân đội Mỹ xuống tới mức trước năm 2001.

Bên trong Nhà Trắng có hai điều chắc chắn đang phủ bóng bất kỳ tranh luận nào về sự can thiệp quân sự: nước Mỹ đã kiệt quệ vì chiến tranh và việc kết thúc một trong những cuộc xung đột dài nhất có lính Mỹ tham chiến mới chỉ diễn ra cách đây không đầy 1 năm. Tất cả tạo thành một rào cản lớn đối với việc sử dụng vũ lực trong tương lai.

Bất đồng quá lớn với Putin
Vấn đề Ukraina một lần nữa đã thách thức các quan chức chính quyền Mỹ và sự nhìn nhận của Obama về thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ ở Mexico hồi tháng trước, Tổng thống Obama tuyên bố: "Cách tiếp cận của chúng tôi (Mỹ) là, không coi đây như bàn cờ Chiến tranh lạnh, trong đó chúng tôi đang đấu với Nga".

Tuy nhiên, động thái điều quân nhanh chóng của ông Putin lại hé lộ một quan điểm khác. Tổng thống Nga đã coi việc khôi phục uy tín quốc tế của đất nước là mục tiêu bao quát chính sách đối ngoại của mình và ông vận dụng sức mạnh quân sự như một phương cách để thực hiện điều đó.

Chính quyền Obama đã bắt đầu “điều chỉnh lại” quan hệ với Nga từ thời cựu Tổng thống Medvedev, người được ông Putin lựa chọn. Một chính sách, về cơ bản, nhấn mạnh tới các lĩnh vực bao gồm giải trừ vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, thương mại và chính sách hạt nhân của Iran như lợi ích chung, đáng hợp tác song phương.

Tuy nhiên, bất chấp một số thành công, kể cả một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới, việc điều chỉnh chưa bao giờ giảm bớt được sự kình địch giữa 2 nước. Khi Putin quay trở lại nắm giữ ghế tổng thống Nga vào năm 2012, ông càng cho thấy quan điểm khác biệt về cơ bản với người đồng cấp Mỹ.
Chỉ vài tháng sau khi tái đắc cử, ông Putin đã từ chối tham dự hội nghị G8 tại Trại David - hành động được coi là cảnh báo công khai sớm với Obama rằng, quan hệ đối tác với Mỹ không phải là một ưu tiên hàng đầu.

Tại hội nghị G8 năm sau đó ở Bắc Ireland, ông Obama và ông Putin đã hội kiến và không đạt tiến triển gì về cách giải quyết bất đồng đối với vấn đề Syria. Cả hai đã “lời qua, tiếng lại” về niềm đam mê võ thuật của Putin trước khi lãnh đạo Nga tổng kết cuộc gặp: "Quan điểm ​​của chúng tôi không trùng khớp nhau".

Vài tháng sau, ông Putin cấp quyền tị nạn cho Edward Snowden - cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ từng tiết lộ chương trình nghe lén của Washington đối với các lãnh đạo nước ngoài, gây rúng động toàn thế giới và phức tạp hóa quan hệ ngoại giao của Mỹ với bên ngoài. Ông Obama đã lên tiếng đề nghị dẫn độ Snowden về Mỹ, nhưng không được đáp lại.

Để đáp trả, ông Obama đã hủy bỏ một cuộc hội đàm theo lịch trình tại Moscow với ông Putin sau hội nghị G20 tại St. Petersburg mùa hè năm ngoái. Hai người thay vì đó đã gặp gỡ bên lề hội nghị nhưng một lần nữa vẫn thất bại trong việc giải quyết sự bất đồng về Syria.

Cách Obama định dùng để đẩy lui chiến dịch điều quân tới Ukraina của Putin cũng đang vấp phải thách thức từ thực tế rằng, dù làm gì, ông cũng không muốn mạo hiểm sự hợp tác của Nga về giảm trừ chương trình hạt nhân Iran hay hoàn thành nỗ lực phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế là khả thi nhất. Nhưng quyết định này hầu như nằm trong tay của Liên minh châu Âu (EU), do các ràng buộc kinh tế của khối với Nga, đặc biệt là nguồn năng lượng, lớn hơn nhiều so với của Mỹ.

Phát biểu mới nhất của ông Obama ngày 3/3 hé lộ, Mỹ mới đang chuẩn bị sẵn một loạt biện pháp về kinh tế và ngoại giao nhằm “cô lập” Nga, như ngưng đàm phán thương mại, cấm visa đi lại, phong tỏa các tài sản của giới lãnh đạo chính phủ và kinh doanh Nga ở các cơ sở tài chính nước ngoài.
Cho tới thời điểm này, biện pháp rõ ràng nhất của chính quyền Obama nhằm trừng phạt Nga là cùng các nước Nhật, Pháp, Đức, Ý, Anh và Canada ngưng kế hoạch tham gia hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, Nga vào tháng 6 tới. Hay nói cách khác, nhóm này gần như đã loại Nga ra khỏi G8 và giờ đây chỉ còn G7.

Tuấn Anh(theo Washington Post)

No comments:

Post a Comment