Monday, April 22, 2024

Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

VNTB – Việt Nam không cần đến tòa án Hiến pháp?

Cát Tường

(VNTB) – “Các nước có tòa án hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Các nước có tòa án hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng”, chúng ta chỉ có một đảng lãnh đạo, hệ thống chính trị không tam quyền phân lập (…) Bây giờ lập một cơ quan độc lập thì ai đứng trùm lên Quốc hội?”, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ

Trên giảng đường đại học luật, sinh viên được học rằng, “Trong xã hội hiện đại, Hiến pháp được nhận định là một cơ chế chế ước, là người lính gác quyền lực Nhà nước với chức năng phân định, ngăn ngừa, không cho các cơ quan quyền lực lạm quyền, vượt quyền hoặc tùy tiện trong quá trình quản trị đất nước”.

Cũng trên giảng đường trường luật, sinh viên biết rằng trong chế độ bảo vệ hiến pháp phi tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến được trao cho tất cả các thẩm phán và tòa án của quốc gia đó.

Tất cả các thẩm phán đều là thẩm phán hiến pháp (constitutional judges) và đều có thẩm quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến. Theo lập luận, quyền lực này bắt nguồn từ tính tối cao của Hiến pháp, theo đó cho phép tất cả các thẩm phán tham gia vào hoạt động bảo vệ hiến pháp. Thậm chí, hệ thống này cho phép các thẩm phán được phép xem xét các vấn đề hiến pháp bằng sáng kiến riêng của mình.

Một đặc điểm nổi bật khác là các quyết định của Tòa án chỉ giới hạn ảnh hưởng đến các bên cụ thể và trong quá trình cụ thể mà quyết định được ban hành. Điều đó có nghĩa là nếu một đạo luật bị tuyên là vi hiến bởi một quyết định của tòa án, luật đó vẫn có thể áp dụng ở một nơi khác. Nếu một đạo luật cụ thể bị tuyên vi hiến, nó phải được coi là mất hiệu lực theo chế độ hủy bỏ (null and void): một đạo luật bị tuyên là vi hiến sẽ tính từ thời điểm kể từ khi nó được ban hành và nó chưa từng tồn tại trong thực tế.

Các thẩm phán do cơ quan thẩm phán lựa chọn mang theo những kỹ năng và kinh nghiệm pháp lý cụ thể của họ, và không hề liên quan đến sự lựa chọn của các cơ quan chính trị.

Trong hệ thống tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến chỉ được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể. Đó có thể là một tòa án hiến pháp, một hội đồng, hoặc một thiết chế chuyên trách cụ thể được công khai thành lập tại Hiến pháp, và được tổ chức bên ngoài hệ thống tư pháp thông thường.

Điểm khác biệt là trong hệ thống tập trung, các thẩm phán không thể tự kiến nghị các vấn đề hiến pháp bằng sáng kiến của mình. Thẩm phán hiến pháp không thể quyết định các vụ việc cụ thể, họ chỉ quyết định những khía cạnh hiến pháp của các đạo luật.

Ở Việt Nam thì Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp) dưới quyền Quốc hội; còn bộ Tư pháp (tư pháp) thì nằm trong Chính phủ. Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến.

Nhưng tình hình thực tiễn thì hoàn toàn khác tuy trên danh nghĩa Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp nhưng thực ra Chính phủ đã làm thay điều này. Không chỉ vậy, Chính phủ được ban hành văn bản pháp quy và thực thi nó, thì câu chuyện lạm quyền là chuyện dễ dàng xảy ra. Và Bộ Tư pháp ở trong Chính phủ thì làm sao Tư pháp được độc lập, chỉ cần Tư pháp phê bình một tiếng thì cho rằng “gà nhà bươi bếp nhà”, vậy làm sao khách quan?

Thế nhưng theo ý kiến của người suốt 3 khóa liền là Tổng bí thư thì ở thể chế chính trị độc quyền của Việt Nam, vai trò một đảng cầm quyền nên sẽ không có nhu cầu nhiều trong việc giữ “cân bằng”, “đối trọng” hay “kiềm chế” giữa các quyền lập pháp, quyền hành pháp, cũng như không có nhu cầu về một vai trò nào đó trong việc “dàn xếp” chính trị giữa các đảng phái chính trị. Lẽ ấy nên lập một tòa hiến pháp là… thừa thãi (!?).

No comments:

Post a Comment