Monday, April 22, 2024

Một bản án thất lợi cho người lao động trở thành “án lệ“

VNTB – Một bản án thất lợi cho người lao động trở thành “án lệ“

T.K.Tran

(VNTB) – Khi xử những vụ án về tranh chấp lao động, các thẩm phán có thể sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ

 

 

“Án lệ“ là gì? 

Án lệ (case law, legal precedent) là những lập luận, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố thành án lệ.

Án lệ được hiểu là đường lối giải thích luật pháp để đưa ra phán quyết trong những trường hợp mà các bộ luật không dự liệu cụ thể. Đường lối này được coi như một tiền lệ hay mẫu mực giúp các thẩm phán có thể noi theo áp dụng trong các trường hợp tương tự sau đó.

Trên nguyên tắc án lệ phải thể hiện tính khách quan và công bằng.

Tuy nhiên có án lệ về tranh chấp lao động mà ta phải nghi ngờ tính khách quan và công bằng như trường hợp sau đây:

Án lệ số 70/2023/AL, số văn bản 364/QĐ-TANDTC, ngày 01/10/2023 về tranh chấp lao động 

Nội dung vụ án có thể xem ở đây (1). Tóm tắt như sau: Người lao động, ông Vương Quốc A được Công ty TNHH K. Việt Nam, mà theo tên gọi có lẽ là một công ty có vốn nước ngoài, nhận vào làm việc từ tháng 3/2015 với hợp đồng thời hạn 12 tháng, sau đó gia hạn tới ngày 25/11/2016. Trong thời gian này ông A được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp Hành lâm thời của Công đoàn cơ sở (CĐCS). Sau khi tiến hành đại hội Công đoàn, ông A được bầu chính thức làm Chủ tịch ban chấp hành, một tháng trước khi hợp đồng làm việc của ông hết hạn vào ngày 25/11/2016.

Công ty K quyết định không tái ký hợp đồng lao động với ông A. Ông A cho rằng việc bị chấm dứt hợp đồng là không đúng, nên khởi kiện Công ty K. Ông A lập luận rằng với cương vị là đương kim chủ tịch CĐCS, công ty phải gia hạn hợp đồng làm việc cho tới hết nhiệm kỳ, như quy định của pháp luật.

Ngày 21/11/2019 Tòa án sơ thẩm thành phố Biên Hòa quyết định không chấp nhận đơn kiện của ông Vương Quốc A. Sau đó ông A kháng cáo.

Ngày 30/7/2020 Tòa án phúc thẩm tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông A, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, buộc Công ty K phải bồi thường hơn 216 triệu đồng, ngoài ra truy đóng các bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông A, đồng thời phải trả án phí.

Công ty K kháng cáo, yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 22/4/2022 Chánh án tòa án nhân dân tối cao tại thành phố HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Biên Hòa. Tòa Giám đốc thẩm không công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A, xử ông A thua kiện.

Vụ án này sau đó được chọn làm án lệ mang số thứ tự 70/2023/AL

 

Thấy gì từ vụ án này?

1. Chủ doanh nghiệp trù dập cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn không chuyên trách vẫn là người lao động ăn lương của chủ doanh nghiệp, nhưng được sử dụng một số giờ làm việc (theo luật định) để lo liệu công việc của công đoàn. Dưới cái nhìn của chủ doanh nghiệp, những người này không được ưa chuộng bởi họ làm việc ít hơn cho doanh nghiệp mà vẫn được trả lương đầy đủ và có thể gây rắc rối cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động. Do đó nhiều doanh nghiệp tìm cách gây khó khăn cho công đoàn, trong đó có đuổi việc, không gia hạn hợp đồng làm việc cho những nhân viên này. Đường lối “quan hệ lao động hài hòa“ mà nhà nước chủ trương luôn luôn là một thách thức trong thực tế, khi mà lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp mâu thuẫn với nhau.

2. Tòa giám đốc thẩm bỏ qua các chuẩn mực quốc tế 

Trong vụ án kể trên, tòa Giám đốc thẩm bác bỏ tư cách của ông A là Chủ tịch CĐCS, từ đó phán quyết rằng Công ty K đuổi việc ông A là hợp pháp.

Tuy nhiên theo điều 3 của công ước 87 của tổ chức lao động quốc tế ILO thì “các tổ chức của người lao động… có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành… Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.“(2)

Như vậy, theo những chuẩn mực quốc tế, lẽ ra tòa án phải tôn trọng quyền tự do bầu cử của các tổ chức lao động, phải tôn trọng kết quả bầu cử của công đoàn, đã bầu ông A làm chủ tịch CĐCS theo đúng quy định nhưng Tòa giám đốc thẩm đã không tuân thủ những chuẩn mực này.

3. Tòa giám đốc thẩm không công bằng khi tùy tiện sử dụng chứng từ

Trong khi Tòa phúc thẩm tỉnh Đồng nai công nhận tư cách chủ tịch CĐCS của ông A và phán quyết thắng kiện cho ông ta (3), thì lập luận chính yếu của tòa Giám đốc thẩm xử ông A thua kiện ngày 26/9/2022 là dựa vào Hướng dẫn số 398/HD-TLĐ ngày 28/3/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là: “về tái cử ban chấp hành: có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất ½ nhiệm kỳ“(4). Từ đó tòa ra phán quyết là việc bầu ông A làm chủ tịch là không hợp lệ vì “tuổi công tác“ của ông ta chỉ còn 1 tháng.

Tuy nhiên, tòa án không trích dẫn phần tiếp theo của Hướng dẫn 398 là: “Những trường hợp còn thời gian công tác dưới ½ nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể“ (4). Có nghĩa là điều kiện “có đủ tuổi công tác“ không phải là bắt buộc tuyệt đối.

Quan trọng hơn nữa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có Hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự số 28/HD-TLĐ, ban hành ngày 14/6/2021 (5). Trong Hướng dẫn này, điều kiện để ủy viên ban chấp hành tái cử là còn thời gian công tác ít nhất bằng ½ nhiệm kỳ cũng được nêu lên, song – khác với Hướng dẫn 398 của năm 2012 – điều kiện này chỉ áp dụng với cán bộ chuyên trách, không áp dụng với cán bộ công đoàn không chuyên trách trong các xí nghiệp tư nhân hay có vốn nước ngoài.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi ông A là cán bộ không chuyên trách nên không cần đáp ứng điều kiện còn thời gian công tác bằng ½ nhiệm kỳ. Ông ta chỉ cần có ý kiến giới thiệu tín nhiệm của đoàn viên theo như mục II, điều I.2 của Hướng dẫn số 28/HD-TLĐ năm 2021 nêu trên.

Nếu dựa vào Hướng dẫn 28/HD-TLĐ năm 2021 thì việc ông A đắc cử chủ tịch CĐCS phải được xem là hợp lệ. Từ đó, lẽ ra phải xử cho ông ta thắng kiện, nhưng Tòa giám đốc thẩm đã bỏ qua văn bản này để xử ông A thua kiện.

Hiện tượng pháp luật Việt Nam nhiều khi chồng chéo, mâu thuẫn không mới. Vụ án lao động này cũng chỉ minh chứng thêm cho điều này. Nhưng quan trọng nhất là vụ án này được nâng lên hàng “án lệ“, nghĩa là trong tương lai, khi có những vụ án về tranh chấp lao động  tương tự xảy ra, các thẩm phán sẽ cho ra những phán quyết dựa vào một án lệ mà tính chất khách quan, công bằng rất đáng ngờ./.

_________________

Nguồn:

(1) https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/cham-dut-hop-dong-lao-dong-doi-voi-nguoi-lao-dong-la-can-bo-cong-doan-khong-chuyen-trach-208747.aspx

 https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/quyet-dinh-giam-doc-tham-ve-tranh-chap-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-so-062022ldgdt-293127

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Cong-uoc-87-nam-1948-quyen-tu-do-hiep-hoi-bao-ve-quyen-duoc-to-chuc-103343.aspx

(3) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-ve-tranh-chap-don-phuong-cham-dut-hop-dong-lao-dong-so-192020ldpt-261903

(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Huong-dan-398-HD-TLD-2012-cong-tac-nhan-su-ban-chap-hanh-dai-hoi-cong-doan-cac-cap-256083.aspx

(5) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Huong-dan-28-HD-TLD-2021-bau-cu-ban-chap-hanh-chuc-danh-chu-tich-cong-doan-co-so-tai-dai-hoi-480621.aspx


No comments:

Post a Comment