Friday, November 20, 2020

CSVN nói RCEP ‘là trái ngọt,’ còn công luận nghi ngờ ‘bị Trung Quốc thâu tóm’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bốn ngày sau lễ ký kết Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP), truyền thông trong nước vẫn đang tuyên truyền rằng đây là “thành tựu,” “thắng lợi” của chính phủ CSVN.

RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và do Trung Quốc làm “chủ xị.” Hiệp định này được cho là có mục đích giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc về thương mại điện tử mới giữa các thành viên.

Hàng Trung Quốc nhập cảng vào Việt Nam qua cửa khẩu Cốc Nam ở tỉnh Lạng Sơn. (Hình: Hà Nội Mới)

Trong khi Hà Nội “hồ hởi” tham gia hiệp định thì Ấn Độ được ghi nhận đã rút khỏi vòng đàm phán.

Tờ Công An Nhân Dân hôm 19 Tháng Mười Một ví von Hiệp Định RCEP “là trái ngọt của hơn tám năm đàm phán.”

Theo tờ báo, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, xét về thương mại, RCEP “là cơ hội lớn cho Việt Nam” khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định là rất lớn. Đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Úc, Nhật Bản và New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Trong bài phân tích dài về người hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp Định RCEP đăng trên trang cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Chu, nhà quan sát, cảnh báo rằng với việc ra đời RCEP, “không nghi ngờ gì nữa, thị trường Việt Nam càng bị Trung Quốc thâu tóm.”

Ông Chu cũng phân tích thêm: “…Một nước lớn với dân số 1 tỷ 380 triệu người, sắp vượt Trung Quốc, mà Ấn Độ còn sợ Trung Quốc nuốt chửng thì các nước bé như Việt Nam chả thấm vào đâu. Việt Nam phải chú trọng vào thị trường Châu Âu. EVFTA [Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU] là rất quan trọng và rất có lợi cho Việt Nam. Năng lực xuất cảng của Việt Nam còn hạn chế. Thay vì dàn trải thì phải dồn chủ lực cho thị trường chính. Với EVFTA Việt Nam học được công nghệ và đáp ứng được chuẩn mực Châu Âu. Tự Việt Nam bước lên đẳng cấp mới. Gần đèn thì rạng. Thị trường 2 tỷ 200 triệu dân [của RCEP], tuy là rất lớn, nhưng không phải để cho Việt Nam.”

Cùng thời điểm, doanh nhân Phan Châu Thành, người định cư ở Ba Lan, lưu ý trên trang cá nhân rằng Hiệp Định RCEP kéo theo hệ lụy là “hàng chất lượng xấu, rẻ tiền, độc hại của Trung Quốc sẽ còn dễ dàng hơn nữa để tràn ngập thị trường Việt Nam, giết chết sản xuất trong nước.”

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tự hào về thành quả ký RCEP tại Hà Nội. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

“Hàng Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn trong việc tràn sang Việt Nam, đội lốt hàng Việt và chuyển sang Châu Âu miễn thuế theo Hiệp Định EVFTA mới có hiệu lực hồi Tháng Tám. Được vài năm, EU sẽ phát hiện ra, tiến hành trừng phạt thì bao nhiêu công sức lại trôi ra biển hết. Việt Nam cần phải quản lý được thị trường của mình, mới có thể ký hiệp ước kiểu này với Trung Quốc, chứ Trung Quốc trùm mưu mẹo, ăn gian… thì rồi chúng ta sẽ làm được gì, ngoài gánh chịu hậu quả?,” theo Facebook Phan Châu Thành. (N.H.K) [qd]

No comments:

Post a Comment