Monday, September 7, 2020

Tòa án CSVN dùng ‘luật rừng’ để xử 29 người dân Đồng Tâm

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tòa án CSVN tại Hà Nội dùng “luật rừng” để xử 29 người dân của xã Đồng Tâm bị quy chụp cho tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ.”

Vụ án đang được dư luận trong ngoài nước chú ý theo dõi để xem tòa án CSVN xét xử thế nào về các hệ quả tiếp theo của một vụ cưỡng chế đất đẫm máu và nước mắt của dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, rúng động dư luận trong ngoài nước mà nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là tội ác “trời không dung, đất không tha.”

Những người dân xã Đồng Tâm bị đưa ra tòa ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: TTXVN)

Ngay trong ngày xét xử đầu tiên diễn ra tại tòa án thành phố Hà Nội hôm 7 Tháng Chín, các luật sư biện hộ đã phải khiếu nại về những cái lệnh và quyết định trái luật của Thẩm Phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa.

Luật Sư Ngô Văn Tuấn (FB Tuan Ngo) tóm tắt nửa ngày đầu tiên của phiên tòa, trong đó một số luật sư yêu cầu phải triệu tập chủ tịch thành phố, đại diện công an là những người quyết định và chỉ huy cuộc đàn áp ngày 9 Tháng Giêng, 2020, đồng thời phải triệu tập thân nhân của các bị cáo là những nhân chứng quan trọng của vụ đàn áp, đặc biệt bà cụ Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, nhưng đều không được cho tới tòa.

Chưa kể phiên tòa được tuyên bố là “công khai” nhưng Luật Sư Ngô Văn Tuấn tường trình cho thấy “phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.”

Bên ngoài tòa án, công an lập vòng rào, chốt canh gác chặt chẽ, cô lập khu vực, cấm không cho ai tới gần. Tin tức của giới hoạt động xã hội dân sự nói hơn chục người đã bị bắt.

Vào giờ giải lao buổi trưa, 10 luật sư biện hộ đã viết một thư gửi chánh án tòa án thành phố Hà Nội khiếu nại về những quyết định trái luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn không cho phép các luật sư tiếp xúc với thân chủ.

Luật Sư Nguyễn Hà Luân đã phản đối trực tiếp ông Toàn là vi phạm Khoản 4 Điều 256 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, ông ta vẫn lấy cớ họ đã từng được tiếp xúc trong trại giam nên việc tiếp xúc tại tòa là “không cần thiết.”

“Xét thấy hành vi nêu trên của thẩm phán chủ tọa (ông Trương Việt Toàn) đã xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Bởi lẽ việc bào chữa và được bào chữa bao gồm cả quyền được tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, theo nội dung điều 6: ‘Sự công bằng, bình đẳng’ và Mục c Khoản 2 Điều 10 “thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng…” đã nêu tại Bộ Quy Tắc Đạo Đức và Ứng Xử của Thẩm Phán.” Đơn khiếu nại của 10 luật sư thấy được phổ biến trên trang FB của Luật Sư Đặng Đình Mạnh viết.

Sau khi cướp xong đất của dân tại cánh đồng Sênh, lính CSVN xây dựng tường bao. (Hình Twitter/Phil Robertson)

Vì vậy, các luật sư “yêu cầu chủ tọa phiên tòa (ông Trương Việt Toàn) cùng Hội Đồng Xét Xử phải đảm báo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.”

Trong phần tường trình tóm tắt trên Facebook, Luật Sư Ngô Văn Tuấn kể lại là ông chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn từ chối “không triệu tập Chủ Tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (đang bị tạm giam vì tội ‘Chiếm đoạt bí mật nhà nước’) và đại diện Bộ Quốc Phòng cùng một số người khác vì ‘không liên quan.'” Ông ta chỉ sẽ “xem xét” triệu tập bà Dư Thị Thành trong khi thân nhân của các bị cáo khác lại bị cho là “không cần thiết, để bảo đảm trật tự phiên tòa” dù họ cũng là những nhân chứng quan trọng.

Nhiều lời yêu cầu khác hoặc bị lờ đi hoặc luật sư xin phát biểu lại không cho.

Bốn ngày trước khi phiên xử bắt đầu, 13 luật sư tham dự biện hộ đã gửi một “Đơn Kiến Nghị” cho Thẩm Phán Toàn, chánh án tòa án Hà Nội và viện trưởng Viện Kiểm Sát thành phố, tố cáo: “Trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, cả ba giai đoạn: điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, các luật sư bào chữa chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn.”

Họ nêu ra các dẫn chứng cụ thể để chứng minh các thành phần vừa kể vi phạm pháp luật để đòi hỏi “đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can.” Những gì mới chỉ diễn ra trong nửa ngày đầu tiên của phiên tòa dự trù kéo dài 10 ngày đã hé lộ cho mọi người thấy cái “pháp chế xã hội chủ nghĩa” nó chỉ có cái vỏ bề ngoài.

Mấy chục năm trước, Luật Sư Ngô Bá Thành, một người đi theo Cộng Sản rồi sau thất vọng, từng phải kêu lên: “Ở Việt Nam đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.”

Trên mạng xã hội Twitter, ông Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu Vụ của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về phiên tòa xử 29 người dân Đồng Tâm là cái xứ Việt Nam “không có công lý,” còn công dân “không có các quyền dân sự và chính trị.” Cho nên dân Đồng Tâm sẽ “không được xét xử công bằng” khi mà “kết quả vụ án đã được quyết định từ trước” bởi những kẻ cầm đầu đảng CSVN.

Ông Robertson dự đoán chế độ Hà Nội sẽ áp đặt bản án “vô cùng khắc nghiệt để cảnh cáo những ai khác muốn thách đố độc quyền cai trị” của đảng CSVN.

Báo chí của chế độ Hà Nội tiếp tục tường thuật phiên tòa theo kiểu cò mồi, tuyên truyền cáo buộc các người dân xã Đồng Tâm là những kẻ vi phạm pháp luật, cưỡng chiếm đất đai lại còn chống đối dẫn đến cái chết của ba tên sĩ quan công an, cảnh sát cơ động.

Các luật sư khiếu nại chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn vi phạm luật Hình Sự Tố Tụng trong phiên xử đầu tiên ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: FB Mạnh Đăng)

Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai, 7 Tháng Chín, hé lộ cho thấy cơ quan điều tra chia 29 người bị đưa ra tòa thành ba nhóm tội nặng nhẹ khác nhau.

Theo đó, không kể ông Lê Đình Kình đã chết, bốn người bị coi là “nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội gồm Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (87 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi) và Lê Đình Chức (40 tuổi).”

“Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội gồm Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Bùi Văn Tiến (41 tuổi), Lê Đình Quân (44 tuổi), Trịnh Văn Hải (32 tuổi), Bùi Thị Nối (62 tuổi), Nguyễn Văn Quân (40 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi) và Bùi Văn Tuấn (29 tuổi).”

“Nhóm giúp sức gồm Bùi Thị Đục (63 tuổi), Nguyễn Thị Bét (59 tuổi), Nguyễn Thị Lụa (64 tuổi), Trần Thị La (42 tuổi), Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), Bùi Văn Niên (40 tuổi), Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi), Mai Thị Phần (57 tuổi), Đào Thị Kim (37 tuổi), Lê Thị Loan (54 tuổi) và Nguyễn Văn Trung (32 tuổi).”

Theo cái lối quy chụp này, những người bị coi là “chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện” dẫn đến cái chết của ba tay sĩ quan công an và cảnh sát cơ động khó tránh bản án cao nhất, theo luật hình sự CSVN. (TN) [kn]

No comments:

Post a Comment