Monday, September 7, 2020

Hai người con, một người cháu ông Lê Đình Kình đối diện án tử hình

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai người con và một người cháu của ông Lê Đình Kình bị đưa tên trên báo chí của nhà cầm quyền CSVN, khó tránh khỏi bị áp đặt cho tội “giết người thi hành công vụ.”

Hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Chín, nhiều báo tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN đăng lại bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) phỏng vấn tướng công an Tô Ân Xô “trao đổi với phóng viên về nguyên nhân, diễn biến vụ việc, quá trình bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng chức năng và những vấn đề rút ra từ vụ án ở xã Đồng Tâm.”

Dân xã Đồng Tâm đổ đất đá chận đường để chống cưỡng chế. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Cuộc phỏng vấn được đăng tải một ngày trước phiên tòa diễn ra tại Hà Nội xử người dân xã Đồng Tâm, dự trù vào sáng Thứ Hai, 7 Tháng Chín.

Vụ án liên quan đến vụ nhà cầm quyền CSVN đưa hàng ngàn cảnh sát cơ động, tấn công vào đêm 9 Tháng Giêng, dứt điểm chống đối cưỡng chế đất cánh Đồng Sênh. Vụ đàn áp đẫm máu làm cho ba sĩ quan công an, cảnh sát cơ động chết cháy dưới hố, còn ông Lê Đình Kình, thủ lãnh của cuộc đấu tranh giữ đất, bị bắn chết với rất nhiều vết đạn trên người.

Nhà cầm quyền ngay đêm đó và các ngày hôm sau đã bắt khoảng 40 người, sau cùng khởi tố 29 người, trong đó, 25 người bị quy chụp tội danh giết người, và bốn người bị vu cho tội “chống người thi hành công vụ.” Phần lớn những người bị đưa ra tòa là con hoặc cháu và họ hàng của  ông Lê Đình Kình, một họ lớn ở xã Đồng Tâm.

Luật hình sự CSVN quy chụp tôi danh giết người, bị kết án ít nhất 12 năm tù và nặng nhất là tử hình. Nếu bị vu cho tội “Chống người thi hành công vụ” thì bản án từ 2 đến 7 năm tù. Theo điều 123 Luật Hình Sự CSVN, khi bị vu cho tội “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” và “Có tổ chức,” nhất là lại liên quan đến cái chết của công an, chế độ Hà Nội thường trả thù với bản án nặng nhất như những vụ án từng xử trước đây.

Chuẩn bị dư luận trước phiên tòa, guồng máy tuyên truyền CSVN luôn luôn được sử dụng làm cái loa đấu tố, kể tội các nạn nhân, nhiều khi bịa đặt những điều hoàn toàn không có, nhằm biện minh cho các bản án đã được những kẻ cầm đầu chế độ quyết định sẵn, nên gọi là “án bỏ túi.”

Lực lượng Cảnh sát Cơ động được đưa tới đàn áp dân xã Đồng Tâm ngày 9 Tháng Giêng, 2020. (Hình: FB)

Trong cuộc phỏng vấn cò mồi của TTXVN ngày Chủ Nhật 6 Tháng Chín, tướng Tô Ân Xô kể lại diễn tiến đêm 9 Tháng Giêng, 2020 tại xã Đồng Tâm là “Khi biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng,” pháo sáng, lựu đạn (ném ba quả lựu đạn, một quả nổ, hai quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy ba đồng chí công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi ba đồng chí công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3-5 chậu xăng xuống, dẫn đến ba chiến sĩ công an hy sinh.”

Lê Đình Chức là con trai ông Kình và Lê Đình Doanh là cháu nội. Mấy tháng trước, các báo trong nước đã lập đi lập lại “tội giết người” của Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh theo đúng bài bản chuẩn bị dư luận.

Tờ Người Lao Động ngày 25 Tháng Tám kể: “Lúc đó, Chức Bảo Doanh đổ xăng từ can ra chậu để đối tượng đổ xuống hố nơi các cán bộ, chiến sĩ Thịnh, Huy và Quân rơi xuống và châm lửa đốt. Hậu quả là cả ba cán bộ, chiến sĩ công an này tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.”

Trước đó nữa, tờ VietNamNet ngày 14 Tháng Sáu còn kể lể lâm ly hơn: “Khi các anh Thịnh, Huy và Quân (các sĩ quan công an và CSCĐ) di chuyển qua cửa sổ nhà Hợi để sang mái nhà Chức thì bị Chức dùng tuýp sắt gắn dao phóng lợn chọc từ trên xuống. Cùng lúc, các đối tượng khác ném ‘bom’ xăng, gạch đá từ mái nhà Kình khiến các anh bị rơi xuống hố sâu 4 m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức.”

Lê Đình Doanh (SN 1988) đặt chậu xăng lên bờ tường nóc tum nhà Lê Đình Chức, sát tường nhà Lê Đình Hợi, châm lửa cho bùng cháy lớn rồi dùng chân đẩy mạnh chậu xăng rơi xuống hố. Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ nhiều lần xuống hố, làm lửa bùng cháy lớn. Vừa đổ Chức vừa nói: “Cho chết m… mày đi” và quay sang nói với Tiến “Mạ”: “Tao đổ xăng chết ba đứa rồi.” Hậu quả, các anh Thịnh, Huy, Quân tử vong.”

Ngày 14 Tháng Giêng, tờ Dân Trí thuật lại vụ việc đêm 9 Tháng Giêng kèm theo video clip lời khai của ông Lê Đình Công (con trai ông Kình) là “Lúc đầu chúng tôi cũng ném đá, sau đó ném bom xăng. Các lực lượng chức năng kêu gọi chúng tôi đầu hàng, nhưng chúng tôi không đầu hàng mà vẫn tiếp tục ném đá và bom xăng vào các lực lượng chức năng…”

Tất cả những chi tiết kể trên đều là những thông tin tuyên truyền của chế độ Hà Nội, không có một nguồn tin độc lập nào có người có mặt tại chỗ để kiểm chứng.

Ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình bị bắt sau vụ đàn áp 9 Tháng Giêng, 2020 rồi đưa lên TV tuyên truyền “thú tội.” (Hình: VNExpress)

Hơn 30 luật sư sẽ tham dự biện hộ cho 29 người dân xã Đồng Tâm mà không mấy ai tin họ sẽ được xét xử công bằng khi chế độ nhất định cướp đất của dân bằng bất cứ giá nào. Các luật sư đã nhiều lần tố cáo họ không được tiếp xúc với thân chủ cũng như bị cản trở tiếp cận hồ sơ vụ án.

Bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kinh từng làm đơn tố cáo công an giết người, cướp tài sản khi tấn công xã Đồng Tâm. Dân Đồng Tâm là nạn nhân của một vụ cướp của giết người, thủ phạm là nhà cầm quyền, thì bị biến thành thủ phạm của vụ chống đối để bị áp đặt các bản án bất công với án nặng nhất đến tử hình.

Vụ đàn áp đêm 9 Tháng Giêng 2020 làm rúng rộng dư luận trong ngoài nước, nhà văn Nguyên Ngọc phải kêu lên là một tội ác “trời không dung, đất không tha.” (TN) [kn]

No comments:

Post a Comment