Friday, August 7, 2020

Văn hóa ‘block’

Điều 117 Bộ luật hình sự

 Diệp Chi

(VNTB)  – ‘Block’, một từ có lẽ không quá xa lạ, và dịch theo kiểu bỗ bã, đó là ‘rọ mõm’.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội (thường nhất là facebook), mỗi khi có ai đó bày tỏ một dòng bình luận mang tính chất cảm xúc; góp ý kiến, mặc dầu là tốt nhưng họ quên mất “sự thật mất lòng”; đưa ra một luận điểm phản đối quan điểm của tác giả.… Có người chấp nhận tranh luận đến cùng về một vấn đề; cũng có người bỏ qua vấn đề; cũng có người sẽ chọn phương pháp mỗi người mỗi suy nghĩ, để vấn đề bỏ ngỏ.… Và cũng có người thôi “chặn trước đi nói sau” – vậy là ‘block’.

Điều này nó tựa như việc cái gì không quản lý được thì cấm vậy. Nhiều người lên tiếng rằng trong Hiến pháp Việt Nam có quyền tự do ngôn luận nhưng chính quyền nói “một đằng làm một nẻo”. Có thể không sai nhưng trong thực tế ngay cả những người đòi quyền được nói, khi bị một ai đó nói lại (dĩ nhiên là có lý), họ không đủ lập luận để trả lời hay giải quyết một vấn đề. Thế là “thôi tui khóa bạn đây”.

“Nhiều người thường nói khi ngôn từ bất lực, bạn sẽ dùng tới hành động. Hôm rồi tôi có đọc một bài viết của một phóng viên, vì tế nhị, tôi xin phép không nói tên. Dĩ nhiên, dưới bài viết đó là nhiều bình luận. Ủng hộ có, góp thêm ý kiến cũng có. Cái nào thắc mắc hoặc đi ngược với ý kiến tác giả là… ‘block nhé’. Có thể nói, những trường hợp như vậy tôi gặp khá nhiều, nhất là ở một số nhóm. Nhiều nhóm thật sự rất đàng hoàng, có quy tắc cụ thể, lần đầu vi phạm chỉ nhắc nhở, vi phạm nữa mới cho ‘ra đảo’. Cũng có vài nhóm (hoặc cá nhân) cứ thấy ai không theo phe mình là… ‘vĩnh biệt’ không ngày gặp lại. Đúng là sự thật mất lòng”, một nick ‘tích xanh’ là một MC, chia sẻ.

“Ngày trước, mình còn đi học trong trường, mỗi lần làm một tiểu luận nhóm đưa lên thuyết trình là bị soi bởi các nhóm khác. Họ đặt ra câu hỏi, họ góp ý từng câu từng chữ. Có khi chỉ một lỗi chính tả hoặc một lỗi dấu câu thôi cũng bị bắt bẻ. Không lẽ vì mấy cái đó mình lại gay gắt với họ, về nhà âm thầm chặn facebook của họ. Suy cho cùng cũng không thiệt hại gì, góp ý đó có khi tốt hơn. Con người mà, ai mà chẳng sai”, một cựu sinh viên khoa Văn học trường đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn nhớ lại.

“Mình biết có những bình luận mang tính chất gây nguy hiểm cho người viết. Song đó là bình luận của họ mà, có gì phạt là phạt họ chứ có phạt mình đâu mà sợ. Chứ nói thiệt, nếu muốn gán ghép mình vào cái tội gì đó, cần chi đến mấy bình luận trái chiều ấy. Nhiều người cũng cho rằng facebook này là ảo. Sâu hơn về kỹ thuật thì tui không biết thiệt. Nhưng nếu đánh giá qua bài viết hay hình ảnh đăng lên trang cá nhân mà cho rằng đó là facebook ảo thì tỉ lệ hên xui cao lắm à nha.

Giống như nhiều trường hợp tui biết nè, có thể bạn không tin nhưng người đó là bạn tui, facebook đó 100% là thật, của nó đó. Nhưng nó ít đăng bài hoặc đăng hình lắm. Có khi cả năm online chỉ để chat (tán gẫu) hay gọi điện thoại cho đỡ tốn tiền, chứ trang nhà nó chẳng viết gì. Bạn bè không biết cũng tò mò nó dạo này như thế nào. Không lẽ trường hợp đó cũng là trang facebook ảo?”, ông Minh kể.

Một khi còn mang tâm lý, không thích bình luận của một ai đó vì trái với ý kiến của mình, khóa người ta bình luận hoặc chặn luôn tài khoản của người đó, vậy thì đừng đòi hỏi chi cái gọi là tự do ngôn luận. Mỗi người (cho dù người đó học lực kém, học lực giỏi hay thậm chí một chữ bẻ đôi cũng không biết; cho dù người đó là dư luận viên hay chỉ thuần là một người nông dân, bán hàng rong…) đều có quyền bày tỏ chính kiến. Đã chấp nhận cho ra đời một “sản phẩm”, có khen có chê, có góp ý cũng là lẽ bình thường. Tại sao lại khen thì nhấn like, còn góp ý thì chặn, thì ‘block’ để ‘rọ mõm’?

Thật là kỳ cục quá đi à nha…

No comments:

Post a Comment