Saturday, September 14, 2019

Cấp trên cấp dưới đều “né”, dân phải làm sao?

Diễm Thi, RFA-2019-09-12
Dân oan khiếu kiện đất đai tại Hà Nội năm 2013.
 Dân oan khiếu kiện đất đai tại Hà Nội năm 2013.Reuters
Từ nhiều năm qua, người dân Hà Nội không còn lạ lẫm với hình ảnh từng đoàn người từ khắp nơi kéo về thủ đô kêu oan, phần đông là để khiếu kiện về đất đai. Sở dĩ, chuyện khiếu kiện đến Trung ương thường xảy ra hơn, là bởi nguyên nhân - mà phần đông người dân cho biết - là lãnh đạo địa phương nơi họ cư trú không giải quyết thỏa đáng việc khiếu kiện...
Vì sai nên “né”
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/9/2019, Tổng thanh tra Chính phủ, ông Lê Minh Khái cũng khẳng định tình trạng lãnh đạo địa phương ngại tiếp công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người, vẫn còn xảy ra.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm từng nhiều lần ra tới Hà Nội khiếu kiện nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, bày tỏ bất bình trước thông tin này:
“Ông Tổng thanh tra chính phủ nói vậy thì ông ấy phải xem lại mình coi bản thân ông ấy có chịu tiếp dân chưa?
Dân oan Thủ Thiêm ra Hà Nội rất nhiều lần yêu cầu gặp Tổng thanh tra chính phủ nhưng họ không hề tiếp dân.
Thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy, đa số các khiếu kiện tại Việt Nam liên quan đến việc người dân bị xâm phạm hoặc bị tước mất quyền lợi hợp pháp liên quan đến đất đai. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng không đơn vị hành chánh nào từ cấp địa phương đến trung ương giải quyết. Vì sao lại có chuyện chính quyền không giải quyết những bất công cho chính người dân trong địa phương của mình?
Ông Trịnh Bá Tư, một dân oan Dương Nội nêu thực tế:
“Có những nơi họ chia nhỏ nhóm hoặc khiếu kiện cá nhân, có những nơi họ hình thành những nhóm lớn hơn ở địa phương để khiếu kiện, đòi hỏi quyền lợi. Nhưng chính những cấp xã, phường, quận, huyện lại là những cơ quan chức năng đưa ra quyết định thu hồi đất nên họ rất bao che cho nhau và trấn áp người dân. Họ không giải quyết và trả đơn về. Người dân phải kiện lên cấp cao hơn như thành phố, tỉnh hoặc thậm chí trung ương.”
Ông Trịnh Bá Tư cho biết thêm rằng, khi người dân lên trung ương thì vẫn bị sự thờ ơ, vô cảm của những người ở các cơ quan như Trụ sở tiếp dân, Ban dân vận… Do đó, người dân rất bức xúc, giống như đi “gõ cửa” hết chỗ này đến chỗ khác mà không xong việc khiến uất ức bùng phát thêm.
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 6 tháng 6 năm 2018 ở Hà Nội, Phó thủ tướng chính phủ, ông Vương Đình Huệ, cho hay phần lớn các Chủ tịch tỉnh ủy thác cho Phó Chủ tịch tiếp dân. Thậm chí, nhiều vấn đề địa phương không giải quyết tận gốc nên người dân lại dồn lên trung ương. Trong khi theo quy định, Chủ tịch xã một năm tiếp dân 48 lần, huyện là 24 lần, tỉnh là 12 lần. Chủ trương là vậy nhưng thực tế có được như vậy không? Ông Cao Thăng Ca nhận định:
Ở địa phương người ta không dám tiếp dân vì người ta làm sai. Dân trưng ra tất cả những bằng chứng địa phương làm sai về quy hoạch, sai về thu hồi đất, sai về phương án đền bù, sai về tái định cư…thành ra nếu tiếp dân thì họ nói gì bây giờ?!
Vòng lẩn quẩn
Cách đây đúng hai tháng, ngày 11/7/2019, kết quả báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Bộ Tài Nguyên - Môi trường gửi tới Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chỉ ra rằng, rất nhiều vụ khiếu kiện lớn vẫn chưa thể giải quyết như Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng …khiến người dân tiếp tục khiến kiện đến các cơ quan trung ương của đảng và chính phủ tại Hà Nội.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người thường tham gia tiến trình hỗ trợ pháp lý cho người dân trong việc khiếu nại, chủ yếu là về đất đai nhiều năm qua, nhận ra một thực tế là, giải quyết khiếu nại mang yếu tố “đùn đẩy”, chỉ là hình thức chứ thực chất không giải quyết được bao nhiêu. Ông phân tích vì sao người dân phải khiếu kiện lên trung ương:
“Các cơ quan của tỉnh lại ra những quyết định không thỏa đáng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân họ mới khiếu nại ra trung ương. Họ hy vọng cơ quan trung ương phải tái thẩm, phải cứu xét theo trình tự từ cấp cao hơn, nhưng gần như trung ương lại đưa về địa phương. Địa phương cũng không chịu giải quyết buộc người dân phải lên trung ương. Cụ thể là từ các tỉnh thành đổ ra Hà Nội”.
Luật sư Phúc cho rằng việc khiếu nại đến cơ quan nhà nước tăng là do các địa phương “đùn đẩy” nhau, tuy vậy ông cũng cảm thông sự “bất lực” của các cơ quan giải quyết khiếu nại:
“Nói một cách công bằng thì các cơ quan tiếp dân trung ương họ cũng nỗ lực vì việc khiếu kiện nó bùng nổ, quá tải, tràn ngập. Họ cũng họp bàn, hội nghị, hội thảo, đề ra biện pháp, cách thức, chỉ đạo…nhưng sự thực thì không giải quyết được bao nhiêu”.
Dân oan Đồng Tháp ra tới Hà Nội khiếu kiện năm 2002.
Dân oan Đồng Tháp ra tới Hà Nội khiếu kiện năm 2002. Reuters
Hàng chục năm trước đây, cư dân Hà Nội không thể không biết đến một nhóm dân oan mất đất, ngày vác đơn đến phòng tiếp dân, tối về ngủ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng hoặc vườn hoa Lý Tự Trọng. Họ ăn, ngủ, giặt giũ, nấu nướng ngay tại vườn hoa nhưng rồi kết quả chẳng tới đâu. Sau này dân oan mất đất thay đổi cách khiếu kiện như lời ông Cao Thăng Ca:
Ra trung ương thì giờ chỉ có cách là dân kêu oan tại nhà các lãnh đạo đảng và Nhà nước, tức là gây phiền hà rắc rối cho họ thì họ mới chỉ đạo cho thành phố, cho địa phương phải lãnh dân về giải quyết. Nhưng thực chất (địa phương) cũng lại chỉ hứa hẹn chứ họ không dám đối thoại với người dân cho rõ đúng sai. Việc này chỉ lẩn quẩn chứ không thể nào giải quyết được”.
Ông Trịnh Bá Tư cũng cùng ý kiến khi cho rằng đó là “vòng lẩn quẩn”. Dân lên đến thành phố thì hồ sơ lại bị chuyển về cấp dưới, và cấp dưới không giải quyết, dân lại lên thành phố… ông kết luận:
“Thực ra thì nó là tình trạng bế tắc chung của xã hội Việt Nam hiện nay khi các quan chức cộng sản ký hàng loạt quy định thu hồi đất của người dân từ Bắc vào Nam. Khi người dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì bị trấn áp, bị bỏ tù, gây xung đột rất lớn giữa người dân và chính quyền cộng sản hiện nay”.
Dẫn số liệu báo cáo từ các bộ, ngành, ông Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét, yếu tố “giảm đơn thư khiếu nại” mà các vị lãnh đạo đưa ra làm người dân hiểu lầm khi nghĩ việc giải quyết khiếu nại có kết quả tốt. Nhưng dưới góc nhìn của ông thì “tỷ lệ khiếu kiện tự động giảm” vì nhiều lý do:
“Thứ nhất là người dân họ mỏi mòn, không đủ sức theo đuổi vụ kiện vì không đủ khả năng tài chính để đi lại; Thứ hai là họ mất sự tin tưởng ở các cơ quan trung ương; Thứ ba là như một số khách hàng của tôi, chính tôi vận động họ đừng khiếu kiện nữa vì thấy không đi tới đâu trong khi sức lực có hạn, tuổi tác ngoài 70, 80 rồi…”
Một luật sư từng đưa ra kết luận về việc khiếu kiện kéo dài, không ai giải quyết, dưới chỉ lên, trên chỉ xuống… là do không có sự độc lập của các cơ quan Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp, nghĩa là không có “Tam quyền phân lập”. Và như thế thì khiếu kiện “vượt cấp” vì địa phương xử oan sẽ còn tiếp diễn dài dài…

No comments:

Post a Comment