Friday, December 28, 2018

Một người ở Đồng Tháp bị CSVN tuyên án 5 năm rưỡi tù vì ‘phỉ báng chính quyền’

Ông Huỳnh Trương Ca tại phiên tòa. (Hình: Zing)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Trong một phiên tòa diễn ra lặng lẽ hôm 28 Tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt blogger Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, ngụ ở huyện Hồng Ngự, 5 năm rưỡi tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước.”
Báo Zing dẫn cáo trạng viết: “Trong sáu tháng, ông Ca thực hiện hàng chục buổi livestream trên Facebook ‘Thằng Nhà Quê,’ với nội dung xuyên tạc, nói xấu chế độ, phỉ báng chính quyền. Viện Kiểm Sát cáo buộc hành vi của ông Ca gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến an ninh tư tưởng và văn hóa, an ninh quốc gia. Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Ông Ca thành khẩn khai báo do nhận thức chưa đúng, bức xúc nhất thời trong cuộc sống nên có cách nhìn phiến diện dẫn đến hành động vi phạm pháp luật.”
Blogger Huỳnh Trương Ca bị công an tỉnh Đồng Tháp và công an tỉnh Tiền Giang bắt giam hồi Tháng Chín, với cáo buộc “kích động, chống phá nhà nước” và đang trên đường từ Tiền Giang lên Sài Gòn “kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào dịp Quốc Khánh 2 Tháng Chín.”
Thời điểm đó, báo Công An TP.HCM cáo buộc ông Ca là thành viên của tổ chức “phản động” có danh xưng “Hiến Pháp.”
Vụ bắt ông Ca cho thấy chính quyền các tỉnh miền Tây đang gia tăng trấn áp các tiếng nói bất đồng và giới blogger, dù rằng đó là những người chưa có tên tuổi trong giới hoạt động. Bị bắt cùng thời điểm với blogger này và cùng bị cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia là các ông Nguyễn Ngọc Ánh ở tỉnh Bến Tre, ông Đoàn Khánh Vinh Quang và ông Bùi Mạnh Đồng ở tỉnh Cần Thơ.
Hồi Tháng Tám, bài xã luận trên báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết: “Không một quốc gia nào có thể dung thứ những thành phần cố tình phá hoại sự ổn định, phát triển của nước mình. Kể từ đầu Tháng Tám, tòa án nhân dân các địa phương đã đưa ra xét xử ba vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, kích động, tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.”
“Mức án cao nhất là 20 năm tù, thấp nhất là cho hưởng án treo. Hành vi của các bị cáo trong các vụ án trên được xác định là ‘đặc biệt nghiêm trọng,’ ‘nguy hiểm cho xã hội,’ trực tiếp xâm phạm đến sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân và nhà nước. Dư luận cho rằng, việc truy tố các bị cáo trên là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không thể dung thứ những kẻ muốn ‘lật đổ chính quyền nhân dân,’” tờ báo viết.
Trong khi đó, hồi giữa Tháng Mười Hai, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) công bố báo cáo về Việt Nam trình Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Theo đó, nhà cầm quyền CSVN “chỉ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam một chút ít kể từ thời điểm Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Toàn Cầu (UPR) năm 2014 cho đến nay, và tiếp tục hạn chế các quyền tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do tôn giáo của người dân.”
Human Rights Watch nhấn mạnh một trong các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam là “kiểm soát truyền thông, khóa hoặc đóng các trang mạng nhạy cảm về chính trị, bắt bớ những người sử dụng mạng mạng xã hội để lên tiếng chỉ trích chính phủ và đảng CSVN.”
Tổ chức này cũng lo ngại Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019 “sẽ can thiệp sâu quyền tự do ngôn luận và tự do phát biểu của người dân.” (T.K.)

No comments:

Post a Comment