Thursday, April 12, 2018

Đề xuất hợp nhất mọi đoàn thể vào Mặt Trận

RFA-2018-04-12  
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.
 Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.AFP
Ban Tổ chức Trung ương trong nghiên cứu về đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể của các giới như Phụ Nữ, Thanh Niên…vào làm một với Mặt Trận. Sao lại có ý kiến đó và cần làm sao cho hiệu quả?

Hợp nhất để tiết kiệm ngân sách?

Đề xuất vừa nêu được ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong cuộc họp nghiên cứu về đổi mới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 7 tháng 4  đưa ra.
Cụ thể hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trước tiên sẽ thực hiện ở cấp quận huyện và phường xã.
Việc cải cách này được thực hiện theo chủ trương “tinh gọn biên chế” và “giảm 10% biên chế” của Hội nghị trung ương VI vào tháng 10 năm 2017.
Tôi chắc rằng cái bộ máy nó phình ra quá, lương trả cho các bộ phận nó nhiều quá, thế thì người ta muốn gộp lại như thế chắc rằng người ta muốn giảm bớt cái việc trả lương thôi.
-GS Nguyễn Đình Cống
Theo lý thuyết, nếu việc “tinh gọn biên chế” này thành công, số công chức và nhân viên không chuyên trách ở các cấp bị “tinh gọn biên chế” sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức của Việt Nam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vào tháng 10 năm 2017 có đưa ra kiến nghị bên cạnh tinh giảm biên chế lãnh vực hành chính công thì phải bỏ biên chế các tổ chức chính trị-xã hội. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc hợp nhất 5 đoàn thể vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông cho biết:
“Việc hợp nhất các tổ chức và giảm biên chế là kết luận của Hội Nghị Trung Ương VI, bây giờ họ đang triển khai.Hợp nhất bây giờ hợp nhất các tổ chức từ cấp huyện trở xuống, chỉ làm từ cấp huyện trở xuống cấp xã chứ chưa làm đến cấp tỉnh và cấp trung ương.”
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổng chi phí hàng năm cho Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và 28 hội khác là từ 45,6 đến 68,1 ngàn tỷ đồng, tương đương từ 1 đến 1,7% GDP của Việt Nam, nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn chưa rõ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cựu giảng viên tại Đại học Xây dựng, một tiếng nói phản biện tại Việt Nam, vào năm 2016 từng kiến nghị nên giải tán Mặt trận Tổ quốc vì tổ chức và hoạt động của nó tốn kém nhiều và hiệu quả ít. Nhận định về việc hợp nhất này, ông nói:
000_9U2Y4-960.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
“Tôi chắc rằng cái bộ máy nó phình ra quá, lương trả cho các bộ phận nó nhiều quá, thế thì người ta muốn gộp lại như thế chắc rằng người ta muốn giảm bớt cái việc trả lương thôi. Tôi thì tôi đoán thế vì người ta không nói ra là vì sao, nhưng nếu có nói thì chắc người ta cũng sẽ nói là để làm việc hiệu quả hơn.Hiện nay của đảng, của nhà nước, của mặt trận nó quá cồng kềnh, nên người ta gộp vào như thế.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến về thay đổi này:
“Các hội đoàn như công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mà chúng tôi gọi là ‘Công nông thanh phụ cựu’; phải tìm hiểu cái hoạt động này thì mới tính đến việc muốn thay đổi hay làm cho nó chất lượng hơn, đứng đắn hơn, và đây là công việc mà mấy chục năm nay người ta vẫn trăn trở nói đi nói lại mà cũng không ăn thua gì và càng ngày thì các đoàn thể này nó càng phình to ra, và tính vô hiệu ngày càng bộc lộ ra rất rõ.”

Hội đoàn có giúp ít người dân?

Ông Nguyễn Khắc Mai đưa ví dụ về vụ doanh nghiệp cưỡng chế đất ở Long Hưng, Đồng Nai gây bất bình nhiều năm nay nhưng không có tiếng nói nào của hội nông dân, cũng như vụ quân đội lấy đất của nông dân Đồng Tâm, Hà Nội hồi năm 2017 cũng không được hội nông dân địa phương lên tiếng. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận một số thành tích của các hội đoàn này:
“Nhưng nói cho cùng, thì cũng thấy một sự thật là những hoạt động của những đoàn thể này cũng đạt được một số kết quả xã hội nhất định như hội cựu chiến binh đã vận động hàng vạn cựu chiến binh tham gia làm kinh tế, lập doanh nghiệp. Hay những hoạt động từ thiện và khuyến học cũng đạt được một số kết quả. Nhưng nhìn tổng thể thì tôi vẫn cho rằng là vô tích sự, đến mức là giáo sư Nguyễn Đình Cống phải bảo là hãy giải tán cái mặt trận tổ quốc vì nó vô tích sự.”
Luật sư Trần Quốc Thuận thì lại cho rằng việc sát nhập là phù hợp với thực tế hiện nay, ông nói thêm:
Sát nhập thì tôi cho là phù hợp vì Bộ chính trị nó cũng gần gần giống nhau, mà nó giảm được biên chế, giảm đầu mối và tiết kiệm ngân sách. Đó là một cái chủ trương đúng, nên làm và làm một cách tích cực.
-LS Trần Quốc Thuận
“Sát nhập thì tôi cho là phù hợp vì Bộ chính trị nó cũng gần gần giống nhau, mà nó giảm được biên chế, giảm đầu mối và tiết kiệm ngân sách. Đó là một cái chủ trương đúng, nên làm và làm một cách tích cực.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng đề nghị không những giải thể Mặt trận tổ quốc, mà các đoàn thể cũng phải tự lo tài chính cho mình, ngân sách phải công khai minh bạch và thông qua quốc hội một cách vừa phải. Ông cho rằng hiện nay những người ăn lương ở cấp cơ sở đã quá nhiều, ông nói thêm:
“Tôi thì trong một lần tôi có đề nghị nên giải tán đi cho rồi. Tại vì các nước thì họ đâu cần có mặt trận như thế, các đoàn thể như thế. Những cái mặt trận hay đoàn thể đó là chẳng qua trong cái thời kỳ người ta vận động cách mạng, cướp chính quyền thì người ta nối dài cái hoạt động của người ta. Còn trong hoàn cảnh như hiện nay thì tôi cho rằng không phải cứ gộp vào mà phải để các đơn vị ấy họ tự lo (tài chính) thì nó mới phải.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận thì việc hợp nhất sẽ giảm biên chế và chi phí rất lớn:
“Tiết kiệm nhiều chứ, vì nếu hợp nhất như thế thì người ta bố trí lại thành các cơ quan, tất cả như vậy kể cả mặt trận tổ quốc là 6 tổ chức chính trị xã hội ghép lại. Trước nhất thì các cơ quan, bộ phận phục vụ bên dưới như hành chánh quản trị, thế này thế khác thì nó chỉ còn lại một, trước thì 6 bộ phận, cho nên nó giảm biên chế rất lớn và giảm chi phí rất lớn. Tôi cho rằng làm như vậy trước mắt là rất tốt.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng đồng ý là việc sát nhập có khả năng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và giảm biên chế. Tuy nhiên ông cho rằng đây chỉ là giải pháp “nước đến chân mới nhảy”, muốn có những hội đoàn dân chủ, tử tế thì phải đổi mới cách khác. Ông nói thêm:
“Hiện nay bầu cử phải thông qua những đại diện của họ, nhưng đại diện lại là những anh tự bầu ra thành ra tư cách đại diện của mặt trận tổ quốc, công đoàn nó không rõ, không hề có một tư cách đại diện nào hết, cho nó đàng hoàng đúng đắn.”

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, muốn cải cách để có những hội đoàn  xứng đáng với dân tộc thì phải không đánh lừa nhau và không làm giả dối.

No comments:

Post a Comment