Tuesday, January 23, 2018

Sự trượt giá, thước đo sức khỏe nền kinh tế

“…Cứ xem cách CS ghìm cương đồng nội tệ ở mức ổn định như thế nào để cảm nhận được sức khoẻ nền kinh tế. Đi ăn tô phở mà phải trả thêm tiền trong khi không có nhu cầu đột biến như lễ tết thì chúng ta cảm nhận ngay, sức khỏe của nền kinh tế đang yếu…”
dongtien_phagia
"Tiền trao cháo múc". Tiền là tiền tệ, cháo là hàng hóa. Tiền và hàng hóa tương đương nhau về giá trị thì sự trao đổi sẽ dễ dàng vì chẳng ai cảm thấy mình bị thua thiệt. Nếu thế, hàng hóa và tiền tệ lưu thông tốt. Giả sử trong sự trao đổi có sự mất cân bằng thì điều gì xảy ra? Nếu tiền mang giá trị lớn hơn hàng hóa, kẻ cầm tiền sẽ không chịu trao đổi. Nếu hàng hóa mang giá trị lớn hơn tiền, kẻ có hàng hóa không chịu trao đổi. Như vậy khi xảy ra sự lệch cán cân giữa tiền và hàng hóa thì sự lưu thông hàng hóa sẽ chậm lại.
Nói rộng ra trên bình diện quốc gia, sự lưu thông hàng hóa tốt sẽ kích thích tăng trưởng. Cùng một số lượng xe như nhau, nhưng sự xoay vòng nhanh thì sẽ chuyên chở được nhiều chuyến. Tương tự vậy đồng tiền lưu thông mạnh, hàng hóa thông cũng mạnh, hàng hóa lưu thông mạnh thì lượng hàng hóa được trao đổi lớn, vì thế sản xuất tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu. Đồng tiền lưu thông tốt sẽ quyết định các chính sách phát triển kinh tế đất nước. Mà để dòng tiền lưu thông tốt, thì điều tiên quyết là giá trị đồng tiền phải ổn định.
Ví dụ thế này, tôi có một xưởng may mỗi tháng may được 100 cái áo, trị giá mỗi áo là 10 đồng. Bạn có 1.000 đồng sẽ mua hết hàng tôi. Cuộc mua bán dễ dàng từ tháng này sang tháng khác, tôi có vốn để xoay vòng sản xuất tiếp, và tất nhiên là số lượng hàng hóa tăng lên vì hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng. Nhưng sang năm nay, đồng tiền mất giá, với 1.000 đồng của bạn chỉ mua được 90 cái áo của tôi. Như vậy bạn cầm một lượng tiền như cũ, nhưng bạn đã mất đi giá trị 10 cái áo. Tôi bán cho bạn 90 cái áo, còn tồn kho 10 cái. Chính vì thế buộc tôi phải cắt giảm sản xuất xuống còn 80 cái áo thôi (cộng với hàng tồn kho 10 cái là tổng cộng được 90 cái). Và đến tháng mới đồng tiền lại mất giá tiếp. Với 1.000 đồng của bạn chỉ mua được 80 cái áo của tôi, thế là bạn dần cụt vốn dù số tiền như cũ. Còn tôi thì cứ bị tồn kho mà cắt giảm sản xuất. Số tiền trao đổi giữa tôi và bạn quy ra theo giá trị bị giảm đi rất nhiều, sản xuất teo tóp là điều khó tránh khỏi. Đấy là một tác động dễ thấy của sự thiếu ổn định đồng tiền.
Qua ví dụ đơn giản ta thấy gì? Biên độ trượt giá của đồng tiền lớn nó luôn đi kèm với sự teo tóp của nền sản xuất. Nếu trượt giá nhẹ, kích cầu. Nếu trượt giá mạnh lên, nền sản xuất chững lại. Nếu trượt giá mạnh hơn nữa, nền sản xuất teo tóp và đi đến khủng hoảng. Nếu trượt giá giá phi mã, nền sản xuất trở về con số gần như bằng zero như Venezuela và khủng hoảng toàn diện.
Cho nên tại sao tại những nước hùng mạnh về kinh tế như Mỹ, các nước EU, Nhật Bản vv..., họ tách Ngân hàng Trung ương ra độc lập với Chính phủ? Mục đích là để giữ ổn định đồng tiền duy trì nền sản xuất tăng trưởng bền vững. Khi khó khăn, Ngân hàng Trung ương chỉ hỗ trợ chính phủ một phần, phần còn lại chính phủ tự cân đối, tránh tình trạng bơm tiền không kiểm soát gây trượt giá làm khả năng làm sản xuất ngưng trệ. Chính vì lẽ đó, FED ra đời và thực hiện chính sách tiền tệ cho nước Mỹ, FED cũng bơm tiền ra thị trường, nhưng tính toán sao giữ ở giới hạn kích cầu thị trường. Việc này chính phủ CS Việt Nam học mãi không xong nên cứ để đồng tiền trượt giá cao. Kinh tế ì ạch, tăng trưởng thống kê thấy cao nhưng đất nước không phát triển vì đấy là tăng trưởng bẩn do chi phí tăng lớn nhưng hàng hóa chẳng tăng bao nhiêu.
Nhìn vào lịch sử mất giá của đồng tiền nội tệ, chúng ta có thể chỉ đích danh thời kỳ nào là thời kỳ đất nước nghèo nhất, xã hội bế tắc nhất. Thời ăn bo bo hay khoai mì độn cơm là thời đó kinh tế khó khăn nhất vì lúc đó đồng tiền trượt giá phi mã. Mấy năm nay nhờ kiều hối tăng đều và lượng này ổn định nên CS Việt Nam giữ đồng nội tệ lạm phát ở 6% - 10% được gọi là thành công. Nhưng nếu FED mà để đồng đô la Mỹ mà trượt giá cỡ đó thì vị thế đồng đô la chắc là đã mất về tay đồng EURO từ lâu.
Để phát triển kinh tế bền vững, không cần xét đến tính khả thi của chính sách khác, chỉ cần nhìn tính ổn định của đồng tiền thì cũng biết được đất nước có phát triển bền vững hay không. Cứ xem cách CS ghìm cương đồng nội tệ ở mức ổn định như thế nào để cảm nhận được sức khoẻ nền kinh tế. Đi ăn tô phở mà phải trả thêm tiền trong khi không có nhu cầu đột biến như lễ tết thì chúng ta cảm nhận ngay, sức khỏe của nền kinh tế đang yếu. Cảm nhận đó đôi khi còn thật hơn con số thống kê mà chính quyền CS thông báo.
23/01/2018
Đỗ Ngà
(*) BBT "Hội Những Người Cầm Bút Can Đảm" gửi tới Thông Luận

No comments:

Post a Comment